Tông Thư

Saturday, 04 April 2020 16:09

Tông Thư Novo Millennio Inuente (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 06-01-2001) Featured

TÔNG THƯ NOVO MILLENNIO INUENTE

(KHỞI ĐẦU THIÊN NIÊN KỶ MỚI)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

NGÀY 06 THÁNG 01 NĂM 2001

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

 

Kính gởi Chư Huynh Giám Mục

Gởi các Linh Mục và Phó Tế,

các tu sĩ nam và nữ và toàn thể giáo dân.

1. Khi bắt đầu thiên niên kỷ mới, và khi kết thúc Năm Đại Toàn Xá mà chúng ta đã cử hành kỷ niệm hai ngàn năm Chúa Giêsu giáng sinh và một giai đoạn mới của cuộc hành trình Giáo Hội bắt đầu, tâm hồn chúng ta rung động theo tiếng Chúa Giêsu nói khi một ngày kia, sau khi giảng cho dân chúng từ chiếc thuyền của Phêrô, Người mời các tông đồ "ra khơi thả lưới : Duc in altum" (Lc 5, 4). Phêrô cùng các bạn đồng môn đầu tiên đã tin lời Chúa Giêsu và thả lưới. "Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá" (Lc 5, 6).

Duc in altum ! Những lời nói đó vang lên với chúng ta ngày nay, và kêu mời chúng ta nhớ lại dĩ vãng với lòng biết ơn, sống thời hiện tại cách phấn khởi và nhìn vào tương lai với niềm tin tưởng : "Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi mãi đến muôn đời" (Dt 13, 8).

Năm nay Giáo Hội vui mừng nhiều, khi Giáo Hội hiến mình chiêm ngưỡng gương mặt Chàng Rể và Chúa mình... Hơn bao giờ Giáo Hội trở nên một dân lữ hành, hướng dẫn bởi Đấng là "Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên" (Dt 13, 20). Với một nghị lực phi thường, bao gồm rất nhiều thành phần Giáo Hội, Dân Chúa ở đây, tại Rôma, cũng như tại Giêrusalem và trong các Giáo Hội địa phương riêng biệt, đã đi qua "Cửa Thánh" là Chúa Kitô. Với Người là cùng đích lịch sử và là Đấng Cứu Thế duy nhất của thế giới, GH và Thần Khí đã kêu lên: "Maranatha - Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (x. Kh 22, 17, 20, 1 Cr 16, 22).

Không thể nào đo lường được biến cố ân sủng này trong suốt năm đã đánh động con tim dân chúng. Nhưng chắc chắn, "Một con sông nước trường sinh", nước thường xuyên chảy ra "từ ngai của TC và của Con Chiên" (x. Kh 22, 1), nước đó đổ tràn trên GH. Đó là nước của Thần Khí giải khát và đem lại sự sống mới (x. Ga 4,14). Đó là tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha được tỏ bày lại một lần nữa và được ban tặng chúng ta trong Chúa Kitô. Cuối năm nay chúng ta có thể lặp lại với niềm vui đổi mới những lời xưa của việc tạ ơn : "Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 118, 1).

2. Vì tất cả sự này, tôi cảm thấy cần viết cho anh em, những người yêu quí, để chia sẻ bài ca ngợi này với anh em. Ngay từ lúc khởi đầu triều Giáo Hoàng của tôi, tôi đã nghĩ tới Năm Thánh 2000 này như là một cuộc hẹn gặp quan trọng. Tôi đã nghĩ tới việc cử hành này như là một dịp thuận lợi do Chúa quan phòng, để cho Giáo hội, 35 năm sau công đồng Vatican II, xét mình đã được đổi mới bao xa, ngõ hầu có khả năng đảm đương sứ vụ truyền giáo của mình với lòng phấn khởi tươi vui.

Năm Thánh có sinh kết quả theo mục đích này không ? Sự cam kết của chúng ta, với những cố gắng quảng đại và những thiếu sót không thể tránh khỏi, có Chúa biết. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua mà không ca ngợi những "việc lạ lùng" Chúa đã làm cho chúng ta "Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng" (Tv 89, 2). Đồng thời, cần xét lại điều gì chúng ta đã quan sát, và nói được "phải đọc", ngõ hầu nghe những gì Thần Khí nói với Giáo Hội (x. Kh 2, 7.11.17 v.v...) trong năm sôi nổi nhất này.

3. Thưa anh chị em thân mến, chúng ta cần cách riêng hướng những ý nghĩ chúng ta về tương lai trước mắt chúng ta. Thường trong những tháng này chúng ta đã nhìn tới ngàn năm mới đang bắt đầu, vì chúng ta sống Năm Thánh này không những như một sự tưởng nhớ về quá khứ, nhưng cũng như một lời tiên tri cho ngày mai. Bây giờ chúng ta cần hưởng ân sủng đã lãnh nhận, bằng cách thực hiện ân sủng đó trong những dốc quyết và những đường hướng để hành động. Đây là một nhiệm vụ tôi muốn mời tất cả các GH địa phương thi hành. Trong mỗi một Giáo hội đó, tập họp xung quanh Giám Mục của mình, khi họ lắng nghe Lời Chúa và "bẻ bánh" trong tình huynh đệ (x. Cv 2, 42), "Giáo Hội duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền của Chúa Kitô thật sự hiện diện và hành động" (1). Trên tất cả, chính trong hoàn cảnh hiện tại của mỗi Giáo Hội địa phương mà mầu nhiệm về Dân duy nhất của Chúa đạt hình thức riêng biệt, hình thức đó làm cho dân Chúa xứng hợp với mỗi khung cảnh và văn hoá cá thể.

Xét cho cùng, việc Giáo Hội bén rễ trong thời gian và không gian phản chiếu hành động của chính mầu nhiệm Nhập Thể. Bây giờ là thời gian cho mỗi Giáo Hội địa phương định giá nhiệt tình của mình và gặp được sự hăng hái lãnh trách nhiệm thiêng liêng và mục vụ của mình, bằng cách suy nghĩ những gì Thần Khí đã nói với dân Chúa trong năm đặc biệt tràn ân sủng này, và thật vậy trong khoảng thời gian dài hơn kể từ Công Đồng Vatican II cho tới năm Đại Toàn Xá. Với mục đích đó trong trí tôi muốn qua thư này, khi kết thúc Năm Thánh, hiến phần đóng góp của thừa tác vụ Phêrô của tôi, để cho GH có thể chiếu sáng hơn nữa trong sự đa dạng của các ân huệ mình và trong sự hợp nhất khi GH làm cuộc hành trình của mình.

I. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, di sản của năm đại toàn xá

4. "Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn năng, chúng con xin cảm tạ Ngài" (Kh 11,17). Trong Sắc Chỉ khai mạc Năm Thánh tôi đã bày tỏ niềm hy vọng là việc cử hành hai ngàn năm mầu nhiệm Nhập Thể phải được sống như "một ca vịnh ngợi khen Chúa Ba Ngôi" (2) và cũng như một hành trình hoà giải và là một dấu của niềm hy vọng chân thật đối với mọi kẻ ngắm nhìn Chúa Kitô và Giáo Hội Người" (3). Và năm Đại Toàn xá này đã là một kinh nghiệm thuộc những khía cạnh chủ yếu này, có lúc đạt tới cường độ cho phép chúng ta dường như chạm tay đến sự hiện diện đầy thương xót của Chúa, "mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo" đều do Người mà đến (Gc 1, 17).

Tư tưởng của tôi trước hết hướng về nhiệm vụ ngợi khen. Đây là khởi điểm của tất cả sự trả lời đích thực thuộc đức tin vào mạc khải của Chúa trong Đức Kitô. Kitô giáo là ân sủng, đó là điềm lạ của một Đức Chúa không thoả mãn với sự sáng tạo thế giới và con người, nhưng tự đặt mình ngang hàng với thọ tạo mình đã dựng nên và, "sau nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này... Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1, 1-2).

Trong những ngày này ! Phải, Năm Thánh cho chúng ta thấy rõ hai ngàn năm lịch sử đã qua mà không giảm bớt đi sự tươi mới của "hôm nay", khi các Thiên Thần loan báo cho các mục tử biến cố giáng sinh lạ lùng của Chúa Giêsu tại Bêlem : "Hôm nay một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô Đức Chúa" (Lc 2, 11). Hai ngàn năm đã qua đi, nhưng lời tuyên bố của Chúa Giêsu về sứ mạng của mình, khi Người áp dụng lời tiên tri của ngôn sứ Isaia cho chính mình trước dân làng đồng hương tỏ dấu kinh ngạc trong Hội đường Nadareth, lời tuyên bố đó vẫn sống động hơn bao giờ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4, 21). Hai ngàn năm đã qua đi, nhưng những kẻ tội lỗi đang cần lòng thương xót - và ai lại không cần - còn cảm thấy sự an ủi của "ngày nay" đem ơn cứu độ mà trên Thánh Giá đã mở ra cửa Nước Chúa cho kẻ trộm hối lỗi : "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng" (Lc 23, 43).

Sự Viên Mãn Của Thời Gian

5. Sự trùng hợp của Năm Thánh này với sự mở ra một thiên niên kỷ mới, chắc chắn đã giúp người ta ý thức hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô trong tầm nhận thức lớn về lịch sử cứu rỗi, mà không mảy may chiều theo những tưởng tượng theo thuyết ngàn năm. Kitô giáo là một tôn giáo bén rễ trong lịch sử ! Chính trong đất lịch sử mà Chúa đã chọn thiết lập một giao ước với dân Israel và như vậy là dọn đường cho Chúa Con sinh ra từ lòng Đức Maria "khi thời gian đến kỳ viên mãn" (Gl 4,4). Được hiểu trong mầu nhiệm thần linh và nhân bản của mình, Chúa Kitô là nền tảng và là trung tâm lịch sử, Người là ý nghĩa và là mục đích cuối cùng của lịch sử. Trên thực tế nhờ Người, Lời và hình ảnh của Chúa Cha, mà "vạn vật được tạo thành" (Ga 1,3; x. Cl 1,15). Mầu nhiệm Nhập Thể của Người, đạt tới chóp đỉnh trong Mầu Nhiệm Phục Sinh và hồng ân của Thần Khí, là con tim rung động của thời gian, giờ nhiệm mầu Nước Chúa đã đến với chúng ta (Mc 4,30-32), quả thật đã bén rễ trong lịch sử chúng ta, như hột giống được dự định trở nên một cây lớn (Mc 4, 30-32).

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúc tụng Chúa đầy vinh quang, bởi vì Chúa ngự trị hôm nay và mãi mãi". Với bài hát này lặp đi lặp lại ngàn lần, chúng ta đã chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong năm nay như Người được trình bày trong sách Khải Huyền : "là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng" (Kh 22, 13). Và khi chiêm ngưỡng Chúa Kitô, chúng ta cũng đã thờ lạy Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi duy nhất và không phân chia, mầu nhiệm khôn tả, nơi Người vạn vật bắt nguồn và được hoàn hảo.

Thanh Tẩy Ký Ức

6. Để thanh tẩy quan điểm chúng ta về sự chiêm ngắm mầu nhiệm, Năm Thánh này đã được đánh dấu mạnh bằng sự xin lỗi. Điều này đúng thực không những đối với từng cá nhân, là những người xem xét đời sống của mình để xin lòng thương xót và đạt tới ơn riêng tha thứ, nhưng điều này cũng thật đối với toàn thể GH, GH đã quyết định nhắc lại những bất trung của rất nhiều con cái mình trong dòng lịch sử, những bất trung trải bóng tối trên vẻ mặt của mình là Hiền Thê của Chúa Kitô.

Qua thời gian dài, chúng ta đã dọn mình khảo sát lương tâm, ý thức rằng Giáo Hội, tuy ôm ấp những kẻ tội lỗi trong lòng mình, "đồng thời là thánh thiện và luôn luôn cần thanh tẩy" (4) Những đại hội nghiên cứu giúp chúng ta nhận ra những phương diện này, những phương diện mà, trong thời gian hai ngàn năm đầu, tinh thần Tin Mừng không luôn luôn chiếu sáng. Làm sao chúng ta quên được Phụng vụ cảm động ngày 12 tháng 3 năm 2000 trong Đền Thờ Thánh Phêrô, tại đây, khi nhìn lên Chúa chịu đóng đinh, nhân danh Giáo Hội tôi đã xin tha tội cho tất cả con cái mình? Sự "thanh tẩy ký ức" này đã củng cố bước tiến chúng ta trên đường đến tương lai và đã làm chúng ta nên khiêm tốn hơn và tỉnh thức hơn trong việc chúng ta chấp nhận Tin Mừng.

Những Chứng Nhân Đức Tin

7. Cảm giác sống động hối lỗi này, dầu sao, đã không ngăn cản chúng ta tôn vinh Đức Chúa vì những điều Người đã làm trong các thế kỷ, và cách riêng trong thế kỷ chúng ta vừa bỏ lại đàng sau, Người đã ban cho Giáo Hội một số đông các Thánh và chứng nhân. Đối với một số các Ngài, Năm Thánh đã là năm để tôn các Ngài lên bực chân phước hay hiển thánh. Sự thánh thiện, hoặc là gán cho những Giáo Hoàng danh tiếng trong lịch sử hoặc là gán cho những gương mặt giáo dân và tu sĩ khiêm tốn, từ lục địa này tới lục địa khác trên quả địa cầu, sự thánh thiện đó xuất hiện rõ ràng hơn như là chiều kích diễn tả tốt nhất mầu nhiệm Giáo Hội. Sự thánh thiện, một sứ điệp thuyết phục mà không cần lời, là sự phản chiếu sống động của gương mặt Chúa Kitô.

Trong dịp Năm Thánh, nhiều việc đã được làm để thu tập chung những kỷ niệm quý báu của các chứng nhân đức tin trong thế kỷ 20. Cùng với những đại diện của các Giáo Hội khác và những cộng đồng Giáo Hội, chúng ta đã kính nhớ các Ngài ngày 7 tháng 5 năm 2000 trong một khung cảnh cảm động ở Côlisê, biểu trưng của những kỳ bắt bớ ngày xưa. Đó là một gia sản không nên để mất; chúng ta phải luôn tạ ơn vì nó và chúng ta phải tái diễn sự dốc lòng bắt chước nó.

Một Giáo Hội Lữ Hành

8. Dường như đi theo bước chân các thánh, vô số những con trai con gái Giáo Hội trong những đợt sóng liên tiếp đã đến Rôma, viếng mộ các Tông Đồ, muốn xưng đức tin, xưng thú tội lỗi và nhận lãnh ơn thương xót cứu rỗi. Năm này tôi bị xúc động do những đoàn lũ dân chúng tràn đầy công trường Thánh Phêrô trong nhiều cuộc cử hành. Tôi đã thường dừng lại xem những hàng dài người hành hương kiên nhẫn chờ đợi bước qua Cửa Thánh. Trong mỗi một người họ tôi đã cố gắng hình dung câu chuyện của một cuộc sống có vui có buồn có đau khổ, câu chuyện của người nào đó đã gặp được Chúa Giêsu và nhờ đối thoại với Người họ lại làm lại cuộc hành trình hy vọng.

Khi tôi quan sát dòng chảy liên tục những kẻ hành hương, tôi thấy họ như là một thứ hình ảnh cụ thể của Giáo Hội lữ khách, Giáo Hội bị đặt, như Thánh Augutinô nói, "giữa những bắt bớ của thế giới và sự an ủi của Thiên Chúa".(5) Chúng ta chỉ có khả năng quan sát mặt ngoài của biến cố duy nhất này. Ai có thể đo lường những sự lạ lùng của ân sủng đã được thực hiện trong các tâm hồn con người ? Tốt hơn là thinh lặng và thờ phượng, khiêm tốn tin cậy những công trình mầu nhiệm của Thiên Chúa và ca hát tình yêu của Người không thôi : "Tôi sẽ ca hát lòng thương xót Chúa đến muôn đời".

Giới Trẻ

9. Nhiều cuộc tập họp trong Năm Thánh đã gom góp lại với nhau những nhóm dân chúng rất khác biệt, và mức độ tham gia đã thật là cảm động có lúc thử thách sự dấn thân của những kẻ tổ chức và giúp đỡ, cả hàng giáo sĩ và giáo dân. Trong thư này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi người. Nhưng ngoài số đông, điều thường làm tôi xúc động là ghi nhận cường độ của kinh nguyện, suy tư và tinh thần hiệp thông được tỏ bày cách chung qua những cuộc hội họp này.

Và làm sao chúng ta bỏ qua mà không nhắc tới cách riêng sự tập họp đầy vui mừng và linh hứng của giới trẻ ? Nếu có một hình ảnh nào trong Năm Thánh năm 2000 mà người ta nhớ đến hơn cái khác, thì chắc chắn là những dòng chảy giới trẻ tôi đã có thể liên kết trong một cuộc đối thoại rất riêng biệt, đầy sự thương yêu nhau và hiểu biết sâu sắc. Đã là như vậy từ lúc tôi chào họ tại quảng trường thánh Gioan Latran và Thánh Phêrô. Rồi tôi thấy họ di chuyển thành hàng ngang qua thành phố, hạnh phúc như giới trẻ phải có, nhưng cũng đầy suy tư, nóng lòng cầu nguyện, tìm kiếm "ý nghĩa" và tình bạn chân thành. Đối với họ cũng như đối với những ai thấy họ, không dễ gì quên tuần này, trong tuần này Rôma đã trở nên "trẻ với giới trẻ". Không thể quên thánh Lễ tại Tor Vergata.

Hơn nữa, giới trẻ đã tỏ mình là một hồng ân đặc biệt của Thần Khí Chúa đối với Rôma và Giáo Hội. Thỉnh thoảng chúng ta nhìn đến giới trẻ, với những vấn đề và những yếu kém làm rõ nét chúng trong xã hội ngày nay, chúng ta có chiều hướng bi quan. Nhưng Năm Thánh Giới Trẻ đã thay đổi sự đó, và nói với chúng ta rằng giới trẻ, dầu chúng có những gì không rõ rệt, vẫn có một ước muốn sâu xa đối với những giá trị chân chính, những giá trị được hoàn hảo trong Chúa Kitô. Chúa Kitô không phải là bí mật của tự do chân chính và là niềm vui sâu sắc của cõi lòng hay sao ? Chúa Kitô không phải là người bạn cao cả và là người thầy của mọi tình bạn chân chính hay sao ? Nếu Chúa Kitô được trình bày với giới trẻ y như Người thật sự là, thì họ sẽ cảm nghiệm Người như là một câu trả lời đầy thuyết phục và họ có thể chấp nhận sứ điệp của Người, cho dầu sứ điệp ấy đòi hỏi và mang dấu tích Thập giá. Vì lẽ đó, để trả lời cho nhiệt tình của họ, tôi không ngại xin họ quyết liệt chọn lựa đức tin và sự sống và ra mắt với một nhiệm vụ kỳ diệu : trở nên "người canh gác buổi sáng" (x. Is 21,11-12) lúc ngàn năm mới ló dạng.

Những Người Hành Hương Đủ Loại

10. Dĩ nhiên tôi không thể đi vào chi tiết của mỗi biến cố Năm Thánh. Mỗi một biến cố đó có đặc tính riêng của nó và để lại sứ điệp của nó, không những cho những kẻ đã trực tiếp tham gia, nhưng cũng cho những kẻ nghe nói về chúng hoặc tham gia từ xa qua những phương tiện truyền thông. Nhưng làm sao chúng ta có thể quên bầu khí vui mừng của cuộc họp đại thể đầu tiên dành cho trẻ em ? Có thể nói, bắt đầu với các trẻ em có nghĩa là tôn trọng mệnh lệnh của Chúa Kitô : "Cứ để trẻ em đến với Thầy" (Mc 10, 14). Có lẽ còn hơn nữa, điều đó có nghĩa là làm cái điều Người đã làm khi Người đặt một đứa bé đứng giữa các môn đệ và lấy đó làm biểu trưng cho thái độ chúng ta phải có nếu chúng ta muốn vào Nước Chúa (x. Mt 18, 2-4).

Như vậy, nói được, chính theo vết chân của các trẻ em mà tất cả những nhóm người lớn khác nhau đã đến tìm ân sủng Năm Thánh : từ người già tới người bệnh và tật nguyền, từ những công nhân trong xưởng thợ tới các nhà thể thao, từ các nghệ sĩ tới các giáo sư đại học, từ các Giám Mục và linh mục cho tới kẻ sống đời sống thánh hiến, từ chính trị gia tới các nhà báo, tới những quân nhân đến để tăng cường ý nghĩa việc phục vụ của họ là một phục vụ cho hoà bình.

Một trong những biến cố đáng kể là sự tập họp các công nhân ngày 1 tháng 5, ngày theo truyền thống dành riêng cho giới lao động. Tôi xin họ sống một linh đạo lao động theo gương Thánh Giuse và chính Chúa Giêsu. Sự tập họp Năm Thánh này cũng cho tôi có dịp đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ sửa đổi những mất cân bằng kinh tế và xã hội hiện diện trong thế giới lao động, và quyết tâm ra sức bảo đảm cho quá trình toàn cầu hoá kinh tế, phải chú ý đúng mức tới tình liên đới và sự tôn trọng đối với mỗi một nhân vị.

Những con nít, với cảm giác vui mừng không thể kềm hãm được của chúng, lại hiện diện trong cuộc hành hương gia đình, khi đó tôi nêu cao chúng cho thế giới như "mùa xuân của gia đình và xã hội". Đây là một sự tập họp đầy ý nghĩa, vô số gia đình từ khắp nơi thế giới tuôn đến tìm nhiệt tình mới mẻ từ ánh sáng Chúa Kitô giải trên chương trình nguyên thủy của Chúa đối với họ (x. Mc 10, 6-8; Mt 19, 4-6) và họ dấn thân mang ánh sáng đó vào một nền văn hoá, trong một cách luôn gây âu lo, có nguy cơ đánh mất chính ý nghĩa của hôn nhân và gia đình như là một qui chế.

Đối với tôi, một trong những cuộc gặp gỡ gây xúc động nhất là cuộc gặp gỡ với các tù nhân Regina caeli. Trong mắt họ, tôi thấy đau khổ, nhưng cũng thấy hối hận và hy vọng. Đối với họ, cách đặc biệt Năm Thánh là một "năm của lòng thương xót".

Sau cùng, trong những ngày cuối năm, một dịp thú vị là cuộc gặp gỡ với giới sân khấu, gây ảnh hưởng mạnh trên quần chúng. Tôi đã có thể nhắc nhớ tất cả những ai liên hệ về trách nhiệm lớn lao của họ là dùng sân khấu để cung cấp một sứ điệp tích cực, một sứ điệp lành mạnh về mặt luân lý và có khả năng truyền sự tin cẩn và tình yêu.

Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế

11. Trong tinh thần Năm Thánh này Đại hội Thánh Thể quốc tế phải có ý nghĩa đặc biệt. Và phải vậy ! Bởi vì Thánh Thể là hy lễ của Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta, thì làm sao sự hiện diện thật sự này không phải là trung tâm Năm Thánh dâng kính mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời ? Chính vì lẽ này, năm này phải là một năm "Thánh Thể đầy nhiệt huyết", (6) và đó là lý do chúng ta đã ra sức sống năm này. Đồng thời, cùng với việc kỷ niệm sinh nhật của Người Con, sao lại bỏ qua sự kính nhớ Người Mẹ? Đức Maria đã hiện diện trong khi cử hành Năm Thánh không những như một chủ đề của những cuộc gặp mặt hàn lâm cấp cao, nhưng hơn hết trong động tác cả thể của sự tin tưởng, với động tác này, trước mặt số đông hàng Giám Mục thế giới, tôi đã phó dâng cho sự chăm sóc từ mẫu của Người, mạng sống những người nam và nữ của ngàn năm mới.

Chiều Kích Hiệp Nhất

12. Anh chị em sẽ hiểu rằng tôi nói cách sẵn sàng hơn về Năm Thánh như được nhìn thấy từ Toà Phêrô. Dù cách gì, tôi không quên rằng tôi muốn Năm Thánh cũng được cử hành tại các Giáo Hội địa phương, và chính tại đó mà phần đông giáo dân có khả năng hưởng nhờ những ân sủng đặc biệt, và cách riêng ơn tha tội nối liền với Năm Thánh. Dầu vậy, điều có ý nghĩa là nhiều Giáo phận muốn hiện diện, với những đoàn đông đảo giáo dân, cũng tại Rôma đây. Như vậy một lần nữa thành đời đời bày tỏ vai trò quan phòng của mình như là một nơi để cho những nguồn lực và những hồng ân của mỗi Giáo Hội, và thật vậy của mỗi quốc gia và văn hoá, gặp được sự điều hoà "công giáo" của mình, ngõ hầu Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô có thể tỏ bày rỏ ràng hơn nữa mầu nhiệm của mình như là "bí tích của sự hiệp nhất" (7).

Tôi cũng đã xin sự đặc biệt chú ý, trong chương trình Năm Thánh, đến phương diện hiệp nhất. Có dịp nào xứng họp hơn để khuyến khích phát triển trên con đường tiến tới sự hiệp thông đầy đủ, hơn là việc cử hành chung sự sinh của Chúa Kitô? Nhiều việc đã được thực hiện khi lưu ý tới sự kiện này, và một trong những việc nổi bật nhất là cuộc gặp mặt hiệp nhất trong Vương Cung Thánh Phaolô ngày 18 tháng 1 năm 2000, khi lần đầu tiên trong lịch sử một Cửa Thánh được phối họp mở ra bởi Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, vị Tổng Giám Mục Anh Giáo và Giáo chủ của Toà Giáo chủ đại kết Constantinop, trước sự chứng kiến của các đại diện các Giáo Hội và Công Đồng Giáo Hội từ khắp nơi trên thế giới.

Cũng đã có những cuộc gặp mặt quan trọng khác với các giáo chủ Chính Thống và những vị lãnh đạo các cộng đồng Kitô giáo khác. Đặc biệt tôi nhớ tới cuộc viếng thăm mới đây của Đức Thánh Karekin II, Thượng phụ và Giáo chủ của mọi người Armenie. Hơn nữa, rất nhiều phần tử các Giáo Hội khác và các Cộng đồng Giáo Hội đã tham gia vào các cuội gặp mặt tổ chức cho nhiều nhóm khác biệt. Cuộc hành trình đại kết chắc chắn còn khó khăn, và có lẽ còn lâu, nhưng chúng ta được khích lệ do niềm hy vọng phát xuất từ sự hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và bởi quyền lực vô tận của Thần Khí, luôn có khả năng phát sinh những sự lạ mới mẽ.

Hành Hương Tới Thánh Địa

13. Và làm sao tôi có thể không nhắc lại Năm Thánh cá nhân tôi dọc theo những con đưòng Thánh Địa ? Tôi đã ước ao khởi sự cuộc hành trình này tại Ur xứ Chaldé, để đi theo, có thể thấy được, những bước chân Abraham "ông tổ chúng ta trong đức tin" (x. Rm 4, 11-16). Dầu sao, tôi phải bằng lòng với một cuộc hành hương trong tâm trí, nhân dịp một buổi lễ Phụng vụ cảm động được cử hành tại phòng tiếp kiến Đức Phaolô VI ngày 23 tháng Hai. Cuộc hành hương hiện thực xảy ra gần như sau đó liền, đi theo những giai đoạn lịch sử cứu rỗi. Như vậy tôi được vui sướng thăm viếng núi Sinai, nơi đây hồng ân 10 Điều Răn của Giao Ước được ban tặng. Một tháng sau tôi lại ra đi, tôi đến núi Nebo, và sau đó đến chính những chỗ Đấng Cứu Thế ở và thánh hoá. Khó mà diễn tả cảm giác tôi nhận ra khi được kính viếng những nơi Người sinh ra và sống, thành Bêlem và Nadareth, khi cử hành Thánh Thể trên Lầu Cao, tại chính nơi thiết lập bí tích ấy, khi được suy gẫm lại về mầu nhiệm Thánh Giá trên núi Golgotha, nơi Người thí mạng vì chúng ta.

Tại những nơi này, còn bất ổn và mới đây lại bị nạn khủng bố, tôi được tiếp đón nồng hậu khác thường không những bởi những thành viên của Giáo Hội mà còn bởi những cộng đồng Israel và Palestin. Một niềm xúc động mãnh liệt đã bao vây việc đọc kinh của tôi tại Bức tường Tây (Western Wall) và cuộc viếng thăm của tôi tại bảo tàng viện Yad Vashem làm nhớ lại cách lạnh mình những nạn nhân các trại tập trung Nazi. Cuộc hành hương của tôi là một thời buổi của tình huynh đệ và hoà bình, và tôi thích nhớ lại nó như là một trong những hồng ân tốt đẹp nhất của toàn biến cố Năm Thánh.

Nghĩ lại tình cảnh của nhũng ngày này, tôi không thể không bày tỏ ý muốn được cảm nhận sâu xa của tôi là làm sao sớm giải quyết công bằng những vấn đề còn chưa được giải quyết thuộc những Nơi Thánh, cả người Do thái, Kitô giáo và Hồi giáo đều trìu mến.

Nợ Quốc Tế

14. Năm Thánh cũng là một biến cố lớn của đức ái - và không thể nào khác được. Trong những năm chuẩn bị, tôi đã kêu gọi sự chú ý lớn hơn và quyết định hơn đến vấn đề nghèo khó còn đang bao vây thế giới. Vấn đề nợ quốc tế của các xứ nghèo có có nghĩa riêng biệt trong khung cảnh này. Một cử chỉ quảng đại đối với những xứ này là hợp với tinh thần Năm Thánh, vì theo cách sắp xếp có nguồn gốc Kinh Thánh, Năm Thánh đúng là một thời gian mà cộng đồng tự cam kết tái lập phép công bằng và tình liên đới trong những quan hệ liên vị, kể cả sự trả lại những gì thuộc quyền kẻ khác. Tôi vui mừng ghi nhận mới đây, Quốc Hội nhiều nước chủ nợ đã bỏ phiếu chấp thuận tha đáng kể số nợ song phương của những nước nghèo nhất và mang nợ nhất. Vấn đề nợ đa phương những xứ nghèo hơn vay với những tổ chức tài chánh quốc tế, lại là một vấn đề cho thấy cần phải bàn cãi hơn. Mong sao cho những nước hội viên của các tổ chức này, nhất là những nước nắm quyền quyết định hơn, sẽ thành công trong việc đạt được sự đồng thuận cần thiết, ngõ hầu tới một giải pháp mau lẹ cho vấn đề này, một vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều nước, kèm theo những hậu quả quan trọng đối với nền kinh tế và điều kiện sống của nhiều dân tộc.

Những Năng Lực Mới

15. Đó chỉ là một vài yếu tố của việc cử hành Năm Thánh. Để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm. Nhưng nếu chúng ta hỏi cái gì là hạt nhân của di sản nó để lại cho chúng ta, tôi không do dự diễn tả hạt nhân đó là sự chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô: Chúa Kitô được nhìn xem trong những nét lịch sử của Người và trong mầu nhiệm của Người, Chúa Kitô được biết qua sự hiện diện nhiều vẻ của Người trong Giáo Hội và trong thế giới và được tuyên xưng như là ý nghĩa của lịch sử và là ánh sáng của hành trình sự sống.

Bây giờ chúng ta phải nhìn về phía trước, chúng ta phải "thả lưới vào chỗ sâu", vì tin vào lời Chúa Giêsu: Hãy chèo ra chỗ nước sâu! Những gì chúng ta đã làm trong năm nay không thể biện minh cho một cảm giác tự mãn, và còn không thể đưa chúng ta tới chỗ lơ là cam kết của chúng ta. Ngược lại, những kinh nghiệm chúng ta đã có phải linh hứng nghị lực mới trong chúng ta, và thúc đẩy chúng ta đầu tư trong những sáng kiến cụ thể, nhiệt tình chúng ta đã cảm nhận. Chính Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta : "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9, 62). Trong Nước Chúa, không có thời giờ để ngó lại phía sau, càng không được lao mình vào sự biếng nhác. Nhiều chuyện chờ đợi chúng ta, và vì lẽ đó chúng ta phải bắt đầu lập một chương trình mục vụ hữu hiệu thời hậu Năm Thánh.

Nhưng quan trọng là điều chúng tôi đề nghị, với ơn Chúa giúp, phải được đâm rễ sâu trong chiêm niệm và cầu nguyện. Thời đại chúng ta là một thời đại luôn chuyển động thường không để chúng ta được nghỉ ngơi, với cái nguy là "làm để mà làm". Chúng ta phải chống trả cơn cám dỗ này bằng cách cố gắng "là" trước khi cố gắng "làm". Về phương diện này chúng ta nên nhớ Chúa Giêsu đã quở trách bà Matta: "Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá; chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi" (Lc 10, 41-42). Trong tinh thần này, trước lúc nêu lên một số chỉ dẫn thực hành để anh chị em xem xét, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài điểm để suy tư về mầu nhiệm Chúa Kitô, nền tảng tuyệt đối của mọi hoạt động tông đồ chúng ta.

Phần II. Một gương mặt để chiêm ngắm

16. "Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu" (Ga 12, 21). Lời thỉnh cầu của một nhóm người Hy lạp hành hương về Giêrusalem mừng Lễ Vượt Qua, nói với Tông đồ Philiphê, cũng vang dội cách thiêng liêng vào tai chúng ta trong Năm Thánh này. Như những người hành hương này cách đây hai ngàn năm, những người nam và nữ ở thời đại chúng ta ngày nay -có lẽ thường là vô ý thức- xin những người tín hữu không những "nói" về Chúa Giêsu, nhưng, nói được, "chỉ" Chúa cho họ. Và chẳng phải nhiệm vụ của Giáo Hội là phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô trong mọi thời kỳ lịch sử, làm cho gương mặt Người cũng chiếu sáng trước những thế hệ của ngàn năm mới sao?

Những chứng từ của chúng ta có thể là bất xứng cách tuyệt vọng, nếu chính chúng ta không chiêm ngắm trước gương mặt của Người. Năm Đại Toàn Xá chắc chắn đã giúp chúng ta làm điều đó sâu xa hơn. Cuối Năm Thánh, khi chúng ta trở lại với thói quen bình thường của chúng ta, tích trữ trong tâm hồn chúng ta các kho tàng của thời kỳ rất đặc biệt này, cái nhìn của chúng ta càng gắn chặt hơn bao giờ vào gương mặt Chúa.

Chứng Từ Của Tin Mừng

17. Việc chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô không thể không được linh hứng bởi tất cả những gì chúng ta nghe nói về Chúa trong Kinh Thánh, vì từ đầu chí cuối Kinh Thánh thấm nhiễm mầu nhiệm của Người, mầu nhiệm đó được hình dung trước trong Cựu Ước tuy như màn che và được mặc khải đầy đủ trong Tân Ước, đến nỗi Thánh Giêrôm có thể quả quyết vững chắc: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô".(8) Đang khi neo chặt vào Kinh Thánh, chúng ta mở lòng mình cho hành động Thần Khí (x. Ga 15, 26) vì các bản văn thánh bắt nguồn từ Thần Khí, cũng như đón nhận chứng từ của các Tông Đồ (x. Ga 15, 27), những người có kinh nghiệm đầu tiên về Chúa Kitô, Lời ban sự sống: các ông đã thấy Người bằng mắt mình, đã nghe Người bằng tai mình, đã đụng chạm Người bằng tay mình (x. 1 Ga 1, 1).

Điều chúng ta nhận lãnh từ các ngài là một cái nhìn đức tin dựa trên bằng chứng lịch sử chính xác: một bằng chứng thật mà Tin Mừng, mặc dầu được soạn thảo phức tạp và với mục đích tiên khởi là dạy giáo lý, được truyền lại chúng ta trong một đường lối hoàn toàn đáng tin cậy.(9)

18. Các sách Tin Mừng không đòi hỏi phải là một tiểu sử hoàn hảo của Chúa Giêsu theo các qui điển của khoa học lịch sử hiện đại. Mặc dầu vậy, từ các sách Tin Mừng, gương mặt Người Thành Nadareth nổi lên với một nền tảng lịch sử vững chắc. Các tác giả sách Tin Mừng đã chịu khó trình bày Người trên cơ sở những bằng chứng đáng tin cậy mà các ông thâu lượm được (x. Lc 1, 3) và dựa vào những tài liệu được Hội Thánh kiểm soát cẩn thận. Chính trên nền tảng của bằng chứng đầu tiên thế đó mà, do hành động của Chúa Thánh Thần soi sáng, các ngài học biết sự kiện phức tạp về mặt nhân bản của việc sinh ra Chúa Giêsu mà còn đồng trinh của Đức Maria, vợ Ông Giuse. Từ những người đã biết Chúa trọn thời gian 30 năm tại Nadareth (Lc 3, 23) các ngài thu thập những dữ kiện chung quanh đời sống của "người con bác thợ mộc" (Mt 13, 55), Người chính là một "bác thợ mộc" và chỗ đứng của Người trong bối cảnh gia đình to lớn hơn gia đình của Người, được thiết lập vững chắc (x. Mc 6, 3). Các ngài ghi chép lòng đạo sốt sắng của Người, lòng đạo đó đã thúc đẩy Người thực hiện những cuộc hành hương hằng năm lên Đền thờ Giêrusalem với gia đình Người (x. Lc 2, 41), và biến Người trở thành một người đi viếng đều đặn hội đường tại làng quê Người (x. Lc 4, 16)"

Mặc dầu không được đầy đủ và chi tiết, những tường thuật về sứ vụ công khai của Người ngày càng đầy đủ hơn, khởi sự từ lúc người Galilê trẻ chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan. Được tăng cường bởi bằng chứng từ trên Cao và ý thức mình là "Người Con yêu quí" (Lc 3, 32), Người bắt đầu rao giảng Nước Chúa sắp đến, và giải thích những đòi hỏi và những quyền lực của Nước ấy bằng những lời nói và những dấu chỉ của ân sủng và tình thương. Các sách Tin Mừng trình bày cho chúng ta về Người như là một kẻ đi khắp các thành thị và làng mạc, cùng đi có nhóm 12 Tông Đồ người đã tuyển chọn (x. Mc 3, 13-19), có nhóm phụ nữ theo giúp các ngài (x. Lc 8, 2-3), có đoàn lũ người tìm kiếm và theo Người, có những bệnh nhân van xin Người ban ơn chữa lành bệnh, có những người nghe Người, tuỳ trình độ khác biệt, đón nhận những lời Người nói.

Rồi tường thuật Tin Mừng xoay chiều tới trạng thái căng thẳng ngày càng tăng giữa Chúa Giêsu và những nhóm quyền thế trong xã hội tôn giáo ở thời đại Người, cho tới cơn khủng hoảng cuối cùng với cao điểm bi thảm trên núi Golgotha. Đó là thời giờ của sự đen tối, tiếp theo sau bằng bình minh mới mẻ, xán lạn và quyết định. Thực vậy, những tường thuật kết thúc, bằng cách trình bày người Nadareth chiến thắng sự chết. Những tường thuật đó chỉ rõ ngôi mộ trống và theo Người trong chu trình những lần hiện ra, trong những lần hiện ra đó các môn đệ -lúc đầu bị lúng túng và hoang mang, rồi tràn đầy vui mừng khôn tả- kinh nghiệm sự hiện diện sống động và vinh hiển của Người. Từ nơi Người các ông nhận lấy hồng ân của Thần Khí (x. Ga 20,22) và mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho "các dân tộc" (Mt 28,19).

Sự Sống Đức Tin

19. "Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa" (Ga 20,20). Gương mặt mà các Tông Đồ chiêm ngưỡng sau ngày Phục Sinh cũng là chính gương mặt của Chúa Giêsu mà họ đã cùng chung sống gần trọn ba năm, và bây giờ Người thuyết phục họ về sự thật lạ lùng của sự sống mới của người bằng cách cho họ thấy "tay và cạnh sườn Người" (ibid,). Dĩ nhiên không dễ gì tin. Các môn đệ trên đường đi Emmaus chỉ tin sau một cuộc hành trình thiêng liêng lâu dài (x. Lc 24, 13-35). Tông đồ Tôma chỉ tin sau khi xác minh cho mình biến cố lạ lùng đó (x. Ga 20, 24-29). Trên thực tế, không kể thân xác Người được thấy hay đụng chạm nhiều bao nhiêu, chỉ đức tin mới có thể đi vào đầy đủ trong mầu nhiệm của gương mặt này. Đó là một kinh nghiệm mà các môn đệ phải có trong cuộc sống lịch sử của Chúa Kitô, qua những câu hỏi đến trong trí óc các ông mỗi khi các ông cảm thấy bị thách đố bởi những hành động và lời nói của Người. Người ta không bao giờ thật sự tiếp cận với Chúa Giêsu ngoại trừ bằng con đường đức tin, trên một cuộc hành trình với những giai đoạn Tin Mừng đã chỉ cho chúng ta trong hiện trường danh tiếng tại Cesaré Philip (x. Mt 16, 13-20). Muốn biết sự đánh giá đầu tiên về sứ vụ của mình, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ "dân chúng" nghĩ sao về mình, và các ông trả lời: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ" (Mt 16, 14). Chắc đó là một câu trả lời thích đáng, nhưng còn dài -còn xa- so với sụ thật. Dân chúng có khả năng cảm thấy một chiều kích tôn giáo lạ thường thật nơi thầy Rabbi này, ông thầy có cách nói làm say mê, nhưng họ không có khả năng đặt Người trên những người khác của Thiên Chúa, những người đã làm nổi danh lịch sử Israel. Chúa Giêsu thật sự khác xa ! Người chờ đợi những kẻ sống gần người tiến tới một bước ý thức hơn nữa, liên hệ với trình độ sâu xa hơn thuộc hữu thể của Người: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (Mt 16, 15). Chỉ đức tin do Phêrô tuyên xưng, và với ngài do Giáo Hội tuyên xưng qua mỗi thời đại, thật sự đi vào trong con tim và đụng tới chiều sâu của mầu nhiệm "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16).

20. Phêrô đã đạt được đức tin này bằng cách nào ? Và cái gì được đòi hỏi nơi chúng ta, nếu chúng ta muốn đi theo những vết chân ngài với sự xác tín mạnh mẽ hơn ? Matthêô cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc soi sáng trong những lời nói của Chúa Giêsu khi Người chấp nhận sự tuyên xưng của Phêrô: "Không phải Thịt và Máu mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời" (16, 17). Kiểu nói "Thịt và Máu" là một quy chiếu về con người và về cách thức thông thường để hiểu biết các sự việc. Trong trường hợp Chúa Giêsu, kiểu thông thường đó không đủ. Một ân sủng "mặc khải" cần phải có, đến từ Chúa Cha (x. ibid.). Luca cung cấp cho chúng ta một sự chỉ dẫn trong cùng một đường hướng đó khi Ngài lưu ý rằng cuộc đối thoại đó với các môn đệ xảy ra lúc Chúa Giêsu "đang cầu nguyện một mình" (Lc 9, 18). Cả hai chỉ dẫn đó có chung mục đích làm rõ hơn rằng chúng ta không thể đạt tới sự chiêm ngắm trọn vẹn gương mặt Chúa Giêsu bằng sức riêng mình mà thôi, nhưng phải để ân sủng dẫn dắt chúng ta. Duy chỉ kinh nghiệm của sự thinh lặng và sự cầu nguyện cung cấp khung cảnh thuận lợi hơn để làm lớn mạnh và phát triển một sự hiểu biết chân thật, trung thành và trung kiên về mầu nhiệm đó, mầu nhiệm được biểu lộ tuyệt đỉnh trong lời rao báo trọng thể của Thánh Gioan Tin Mừng: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đầy ân sủng và sự thật; chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho người là Con Một" (1, 14).

Chiều Sâu Của Mầu Nhiệm

21. Ngôi Lời và xác thể, vinh quang Thiên Chúa và Người cư ngụ giữa chúng ta ! Chính trong sự hiệp nhất thân mật và bất khả phân ly của hai phương diện này mà chúng ta nhận ra căn tính của Chúa Kitô, theo công thức cổ điển của Công đồng Chalcedon (451): "một ngôi vị trong hai bản tính". Ngôi vị là ngôi vị của Ngôi Lời vĩnh cửu, Con Chúa Cha, và ngôi vị mà thôi. Hai bản tính, không hề lẫn lộn, nhưng cũng không thể phân ly được, là thần tính và nhân tính.(10)

Chúng ta biết rằng quan niệm của chúng ta và lời nói của chúng ta có hạn. Công thức, mặc dầu luôn là nhân bản, nhưng được cân nhắc kỹ lưỡng trong nội dung giáo lý của nó, và cho chúng ta khả năng, mặc dầu với sự run sợ, nhìn xem cách nào đó vào trong những bề sâu của mầu nhiệm. Phải, Chúa Giêsu là Chúa thật và là người thật! Như Tông đồ Tôma, Giáo Hội luôn được Chúa Kitô mời sờ đụng các vết thương của người, tức là nhận biết sự trọn vẹn của nhân tính của Người đã được Đức Maria sinh ra, đã chịu chết, đã được biến đổi nhờ việc Phục Sinh : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy; đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy" (Ga 20, 27). Như Tôma, Giáo Hội sấp mình xuống thờ lạy trước Đấng Phục Sinh, trong sự tràn đầy vinh quang thần linh của Người, và Giáo Hội không bao giờ thôi la lên : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" (Ga 20, 28).

22. "Ngôi Lời trở thành nhục thể" (Ga 1, 14). Sự trình bày đánh động do Thánh Gioan về mầu nhiệm của Chúa Kitô được củng cố bởi toàn bộ Tân Ước. Tông đồ Phaolô theo cùng một đường lối khi ngài quả quyết rằng Con Thiên Chúa đã sinh ra "bởi dòng Đavit, theo thể xác" (x. Rm 1, 3; x. 9, 5). Nếu ngày nay, do chủ thuyết duy lý lan rộng trong quá nhiều lãnh vực văn hoá hiện đại, thì hơn hết niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô làm thành vấn đề, trong những bối cảnh lịch sử và văn hoá khác có khuynh hướng giảm thiểu hay tẩy chay tính cụ thể lịch sử của nhân tính Chúa Giêsu. Nhưng đối với niềm tin của Giáo Hội điều chủ yếu và cần thiết là khẳng định Ngôi Lời thật sự "biến thành nhục thể" và mặc lấy mọi phương diện thuộc nhân tính, ngoại trừ tội lỗi" (x. Dt 4, 15). Từ viễn ảnh này, mầu nhiệm Nhập Thể thật sự là một kenosis -một "sự từ bỏ"- vinh quang về phía Con Thiên Chúa, vinh quang Người có từ thuở đời đời (Pl 2, 6-8; x. 1 Pr 3, 18).

Đàng khác, sự hạ mình của Con Thiên Chúa tự nó không phải là cùng đích, nói đúng hơn sự hạ mình đó đưa tới vinh quang trọn vẹn của Chúa Kitô, cho cả nhân tính của Người nữa: "Chính vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi người phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’" (Pl 2, 9-11).

23. "Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài" (Tv 27, 8). Sự ước muốn xưa kia của tác giả Thánh Vịnh không thể nhận lãnh sự viên mãn lớn hơn và làm ngạc nhiên hơn là sự chiêm ngưỡng Nhan Thánh Chúa Kitô. Thiên Chúa thật sự đã chúc phúc chúng ta trong Người và đã làm cho "Thánh Nhan Người rạng ngời trên chúng ta" (Tv 67, 1). Đồng thời, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là người, Người cũng mặc khải cho chúng ta gương mặt thật của con người, "bằng cách mặc khải con người cho chính con người" (11).

Chúa Giêsu là "Con Người Mới" (x. Ep 4, 24; Cl 3, 10) Đấng kêu gọi nhân loại được cứu chuộc đến chia sẻ đời sống thần linh của Người. Mầu nhiệm Nhập Thể đặt nền móng cho một khoa nhân loại học, khoa này vượt quá những hạn chế và những mâu thuẫn của mình, vươn tới chính Thiên Chúa, và còn hơn nữa, tới mục đích "thần thánh hoá". Điều này xảy ra nhờ những người được cứu chuộc được tháp vào Chúa Kitô và được nhận vào sự mật thiết của đời sống Ba Ngôi. Các Giáo Phụ đã nhấn mạnh tới chiều kích cứu độ của mầu nhiệm nhập thể: chỉ nhờ Con Thiên Chúa thực sự làm ngươi mà con người, trong Người và nhờ Người, có thể thật sự trở thành con Thiên Chúa.(12)

Gương Mặt Chúa Con

24. Căn tính thần-linh-nhân-loại này xuất hiện rõ ràng từ các Tin Mừng, những Tin Mừng đó cung cấp cho chúng ta một loạt những yếu tố làm chúng ta có khả năng đi vào "vùng biên giới" của mầu nhiệm, mầu nhiệm đó chính là ý thức của Chúa Kitô về mình. Giáo Hội không nghi ngờ các tác giả sách Tin Mừng trong các tường thuật của mình, và được linh hứng từ Cao, đã hiểu đúng trong những lời Chúa Giêsu đã nói, chân lý về bản thân Người và về sự Người ý thức điều đó. Đây không phải là điều Thánh Luca muốn nói với chúng ta khi ngài thuật lại những lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu, nói trong Đền Thờ Giêrusalem lúc Người vừa được 12 tuổi đó sao? Ngay lúc đó Người chứng tỏ Người ý thức về một sự tương quan duy nhất với Thiên Chúa, một tương quan thuộc riêng của người "Con". Khi Mẹ Người nói với Người rằng Bà và Thánh Giuse đã lo lắng tìm kiếm Người, Chúa Giêsu trả lời không do dự: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2, 49). Do đó không lạ gì sau này đã là người lớn, cách nói năng của Người diễn tả cách có uy quyền chiều sâu của chính mầu nhiệm của Người, như thấy nhiều trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 11, 27; Lc 10, 22) và hơn hết trong Tin Mừng Thánh Gioan. Trong sự ý thức về mình, Chúa Giêsu không hồ nghi gì: "Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha" (Ga 10, 38).

Nhưng nếu có thể nghĩ rằng, vì thân phận con người làm cho Người "ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến" (Lc 2, 52). Ý thức nhân loại của Người về chính mầu nhiệm của Người cũng phải phát triển tới mức trọn vẹn trong nhân tính vinh quang của Người, thì chắc chắn trong cuộc sống lịch sử của Người, Chúa Giêsu đã hiểu biết căn tính của mình là Con Thiên Chúa. Thánh Gioan nhấn mạnh điều này đến nỗi quả quyết rằng cuối cùng vì ý thức đó mà Chúa Giêsu bị loại trừ và bị kết án: họ tìm giết Người "vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Ga 5, 18). Trong vườn Giétsêmani và trên núi Golgotha ý thức nhân loại của Chúa Giêsu sẽ bị thử thách tột độ. Nhưng dù thế thảm kịch sự Thương Khó và Sự Chết của Người cũng không thể lay động sự chắc chắn bình thản Người có về mình là Con của Cha trên trời.

Một Gương Mặt Buồn Thảm

25. Khi chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô, chúng ta giáp mặt với một phương diện nghịch lý nhất của mầu nhiệm Người, khi mầu nhiệm ấy được tỏ bày trong giờ sau hết của Người, trên Thánh Giá. Mầu nhiệm trong mầu nhiệm, trước mầu nhiệm này, chúng ta chỉ phải sấp mình thờ lạy.

Cường độ của tình tiết hấp hối trong Vườn Cây Dầu diễn qua trước mắt chúng ta. Bị đè nén vì biết trước các thử thách đang chờ đợi mình, và một mình trước mặt Chúa Cha, Chúa Giêsu kêu lên Chúa Cha qua sự phát biểu tín cẩn bình thường và trìu mến của Người: "Abba, lạy Cha". Người xin Chúa Cha, nếu có thể được, cất khỏi chén đắng này (x. Mc 14, 36). Nhưng Chúa Cha xem ra không muốn lưu ý tới tiếng kêu của Con. Để đem con người về lại gương mặt Chúa Cha, Chúa Giêsu không những mang lấy gương mặt con người, nhưng Người còn chất lên mình "gương mặt" của sự tội. "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người" (2 Cr 5, 21). Chúng ta không bao giờ múc cạn những chiều sâu của mầu nhiệm này. Tất cả vị chua chát của nghịch lý có thể được nghe trong tiếng kêu dường như tuyệt vọng đau đớn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: "Eloi, Eloi, lama sabachthani?", nghĩa là, "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mc 15, 34). Có thể tưởng tượng ra một cơn hấp hối to tát hơn, một cảnh tối tăm không thể xuyên qua hơn chăng? Trên thực tế, tiếng "tại sao" thống khổ kêu lên Chúa Cha trong những lời mở đầu Thánh Vịnh 22, diễn tả tất cả tính hiện thực của sự đau đớn khôn tả; nhưng nó cũng được soi sáng bởi ý nghĩa của toàn bộ kinh này, kinh mà trong đó tác giả Thánh Vịnh phối hợp sự đau khổ và lòng tín cẩn, trong một sự pha trộn đầy cảm động những xúc cảm. Thật vậy Thánh vịnh tiếp tục: "Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì... Xa con Ngài đứng sao đành, nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho" (Tv 22, 5, 12). 26. Anh chị em thân mến, tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, không phải là tiếng kêu thống khổ của một người tuyệt vọng, nhưng là lời cầu của Chúa Con, Đấng hiến dâng mạng sống mình cho Chúa Cha trong tình yêu, vì phần rỗi mọi người. Chính lúc Người đồng hoá với tội lỗi chúng ta, bị Chúa Cha "từ bỏ" Người "phú mình" trong tay Chúa Cha. Mắt Người nhìn vào Chúa Cha. Chính vì sự hiểu biết và kinh nghiệm về Chúa Cha mà chỉ một mình Người có được, dầu chính lúc đen tối này, Người thấy rõ sự nặng nề của tội và chịu đau đớn vì tội. Chỉ mình Người, Đấng thấy Chúa Cha và vui mừng trong Ngài, có thể hiểu rõ sự kiện chống lại tình yêu Chúa Cha bằng tội lỗi là gì. Còn hơn một kinh nghiệm đau khổ phần xác, sự Thương Khó của Người là một đau đớn hấp hối của linh hồn. Truyền thống thần học không bỏ qua việc hỏi tại sao Chúa Giêsu có thể cùng một lúc kinh nghiệm sự hợp nhất sâu xa của mình với Chúa Cha, mà tự thân là nguồn gốc niềm vui và hạnh phúc, và một cơn hấp hối đưa tới tiếng kêu cuối cùng phó thác. Sự hiện diện đồng thời của hai sự kiện không thể dung hoà này, bén rễ trong những chiều sâu không đáy của mầu nhiệm Ngôi Hiệp.

27. Trước mầu nhiệm này, chúng ta được sự trợ giúp không những bởi suy tư thần học mà cũng bởi di sản to lớn, đó là "thần học sống" của các thánh. Các Thánh trao hiến cho chúng ta những sự hiểu biết sâu sắc cho phép chúng ta hiểu dễ dàng hơn trực giác đức tin, nhờ có sự soi sáng đặc biệt mà một số các Thánh đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần, hay là có được qua kinh nghiệm cá nhân của các ngài về những tình trạng kinh khủng chịu thử thách mà truyền thống huyền bí diễn tả như là "đêm tối". Điều thường xảy ra là các Thánh đã hứng chịu một cái gì giống như kinh nghiệm của Chúa Giêsu trên Thánh Giá trong một sự pha trộn nghịch lý vừa hạnh phúc vừa đau đớn. Trong quyển sách Dialogue of Divine Providence, Thiên Chúa Cha tỏ cho thánh Catarina thành Siena niềm vui và đau khổ có thể đồng hiện diện trong các linh hồn thánh thiện: "Như vậy linh hồn vừa hạnh phúc vừa đau buồn: đau buồn vì tội lỗi tha nhân, hạnh phúc vì sự kết hợp và lòng mến của đức ái linh hồn nhận lãnh bên trong. Những linh hồn này bắt chước Chiên Con vô tì ố, Người Con Một của Cha, trên Thánh Giá Người vừa hạnh phúc vừa đau buồn" (13). Cùng theo cách thức đó, Thánh Têrêsa thành Lisieux đã sống cơn hấp hối của mình trong sự hiệp thông với cơn hấp hối của Chúa Giêsu, "kinh nghiệm" nơi bản thân người chính điều nghịch lý của hạnh phúc và nỗi thống khổ của Chúa Giêsu: "Trong vườn Ôliu Chúa chúng ta được hạnh phúc với tất cả niềm vui của Ba Ngôi, nhưng cái hấp hối của Người không kém cay đắng. Đó là một mầu nhiệm, nhưng tôi bảo đảm với chị rằng, căn cứ trên điều chính tôi cảm giác, tôi có thể hiểu đôi chút của sự đó." (14) Một bằng chứng soi sáng dường nào! Hơn nữa, những tường ị áp đảo: "Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi" (Pl 1, 21).

Hai ngàn năm sau những biến cố này, Giáo Hội sống lại những biến cố đó dường như mới xảy ra hôm nay. Nhìn lên gương mặt Chúa Kitô, Hiền Thê chiêm ngắm kho tàng mình và niềm vui mình. "Dulcis Jesus memoria, dans vera cordis gaudia": Nhớ đến Chúa Giêsu dịu ngọt dường nào, đó là nguồn vui thật cho tâm hồn! Được cổ vũ bởi kinh nghiệm này, ngày nay Giáo Hội lại lần nữa ra đi, để rao giảng Chúa Kitô cho thế giới lúc bắt đầu Ngàn Năm Thứ Ba: Người "vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt 13, 8).

III. Bắt đầu lại từ Chúa Kitô

29. "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Sự bảo đảm này, thưa anh chị em thân mến, đi theo Giáo Hội đã hai ngàn năm, và bây giờ tái diễn trong tâm hồn chúng ta qua sự cử hành Năm Thánh. Từ đó chúng ta phải lấy lực đẩy mới trong cách sống Kitô hữu, lấy đó làm động lực linh hứng cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Ý thức sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa chúng ta, hôm nay chúng ta tự hỏi mình cũng câu hỏi đặt ra cho Thánh Phêrô tại Giêrusalem liền sau khi ngài đọc bài diễn từ Lễ Hiện xuống : "Chúng tôi phải làm gì?" (Cv 2, 37).

Chúng ta đặt câu hỏi cách lạc quan tin tưởng, nhưng không coi thường những vấn đề giáp mặt chúng ta. Chắc chắn chúng ta không bị mê hoặc bởi sự trông đợi ngây ngô là, trước những thách đố lớn lao ở thời đại chúng ta, chúng ta sẽ gặp một công thức ma thuật nào đó. Không, chúng ta sẽ không được cứu bởi một công thức, mà sẽ được cứu bởi một Nhân Vật, và sự bảo đảm Người ban cho chúng ta là : Thầy ở cùng anh em !

Do đó không phải là chuyện sáng chế một "chương trình mới". Chương trình đã có sẵn : đó là kế hoạch gặp được trong Tin Mừng và trong truyền thống sống động, cũng là một kế hoạch như lâu nay. Nói cho cùng, trung tâm chương trình đó là chính Chúa Kitô, Đấng phải được biết, được yêu và được bắt chước, đến nỗi trong Người chúng ta có thể sống đời sống Ba Ngôi, và với Người biến đổi lịch sử cho tới chỗ hoàn hảo trong Thành Giêrusalem Thiên Quốc. Đây là một chương trình không biến chuyển theo sự thay đổi của thời gian và văn hoá, mặc dù nó cần thời gian và văn hoá để có đối thoại thực sự và hiệp thông hữu hiệu. Chương trình đó cho mọi thời đại là chương trình của chúng ta trong Ngàn Năm Thứ Ba,

Nhưng chương trình đó phải diễn dịch sang những sáng kiến mục vụ hợp với hoàn cảnh của mỗi cộng đồng. Năm Thánh đã cho chúng ta sự thuận lợi lạ lùng để cùng nhau đi một số năm trong một cuộc hành trình chung cho cả Giáo Hội, một cuộc hành trình giáo lý về chủ đề Ba Ngôi, đi kèm với những thực hiện mục vụ chính xác có ý bảo đảm Năm Thánh phải là một biến cố hữu ích. Tôi cảm tạ vì sự chấp nhận chân tình và rộng rãi những điều tôi đã đề nghị trong Tông Thư Tertio Millennio Adveniente. Nhưng bây giờ, nó không còn là một mục đích tức thời trước mắt chúng ta, nhưng là một thách đố rộng lớn hơn và đòi hỏi hơn của sinh hoạt mục vụ bình thường. Với những dự định phổ quát và cần thiết của nó, chương trình của Tin Mừng phải tiếp tục bén rễ, như lâu nay, trong đời sống của Giáo Hội khắp nơi. Chính tại các Giáo Hội địa phương mà những nét riêng biệt của chương trình mục vụ trình bày tỉ mỉ có thể được nhận diện - những mục đích và phương pháp, sự đào tạo và phong phú hoá những người dấn thân vào, sự tìm kiếm những tài nguyên cần thiết - chương trình đó sẽ cho phép việc rao giảng về Chúa Kitô tới được kẻ khác, uốn nắn các cộng đồng, và gây được một ảnh hưởng sâu xa và quyết định trong việc mang những giá trị Tin Mừng vào trong xã hội và văn hoá.

Do đó tôi tha thiết khuyến khích các Vị Chủ Chăn các Giáo Hội địa phương, với sự trợ giúp của mọi thành Dân Chúa, không ngần ngại vạch ra những giai đoạn của cuộc hành trình trước mặt, điều hoà những sự lựa chọn của mỗi cộng đồng Giáo Phận với những lựa chọn của những Giáo Hội lân cận và của Giáo Hội hoàn vũ.

Sự điều hoà này chắc chắn sẽ được làm cho dễ dàng nhờ sự hợp tác mà các Giám Mục ngày nay thực thi trong các Hội Đồng và Hội Nghị Giám Mục. Đó không phải là điểm của các cuộc họp Hội Nghị lục địa của các Giám Mục đã chuẩn bị cho Năm Thánh, và đã tạo ra những chỉ thị quan trọng cho việc rao giảng Tin Mừng ngày nay trong nhiều hoàn cảnh và văn hoá khác nhau đó sao ? Di sản của suy tư phong phú này không được phép mất dạng, nhưng phải thực hiện trong những đường lối thực tiễn.

Do đó điều đang chờ đợi chúng ta là một việc làm kích động cho việc tái sinh mục vụ -một việc làm bao gồm tất cả mọi người chúng ta. Để hướng dẫn và khích lệ mọi người, tôi muốn nêu lên một số ưu tiên mục vụ mà kinh nghiệm của Năm Đại Toàn Xá như tôi thấy đã đưa ra ánh sáng.

Sự Thánh Thiện

30. Trước hết, tôi không do dự khi nói rằng tất cả sáng kiến mục vụ phải được đặt trong tương quan với sự thánh thiện. Đó không phải là ý nghĩa chung cuộc của ơn tha thứ Năm Thánh, như là một ơn riêng Chúa Giêsu ban cho để đời sống của mỗi người đã được rửa tội có thể được thanh tẩy và đổi mới sâu xa hay sao ?

Hy vọng của tôi là, trong số những người đã tham gia Năm Thánh, nhiều người đã hưởng nhờ ân sủng này, trong sự hiểu biết đầy đủ các đòi hỏi của nó. Một khi Năm Thánh đã qua rồi, chúng ta trở lại con đường bình thường của chúng ta, nhưng biết rõ sự thánh thiện phải nhấn mạnh vẫn còn là một trách nhiệm mục vụ khẩn cấp hơn bao giờ.

Do đó cần khám phá ý nghĩa thực tế trọn vẹn của Chương 5 Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, dành riêng cho "sự kêu gọi phổ quát nên thánh". Các Nghị Phụ nhấn mạnh điểm này, không có ý tô đẹp Giáo Hội học với thứ mã thiêng liêng bên ngoài, nhưng để biến sự kêu gọi nên thánh thành một phương diện nội tại và thiết yếu của huấn giáo về Giáo Hội. Sự khám phá Giáo Hội như "Mầu nhiệm" hay là như một Dân được tập họp chung bởi “sự hợp nhất của Chúa cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần", liên hệ chặt chẽ với việc đưa đến một sự khám phá về sự "thánh thiện" của Giáo Hội, được hiểu theo nghĩa cơ bản là thuộc vào Đấng tự bản tính là Đấng Thánh, Đấng ba lần Thánh" (x. Is 6, 3). Tuyên xưng Giáo Hội là thánh có nghĩa là vạch ra cho thấy Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, Người đã hiến mình cho vị Hiền thê đó chính là để thánh hoá vị Hiền thê đó (x. Ep 5, 25-26). Ơn nên thánh này, nói được là một ơn khách quan, được ban tặng cho mọi người đã được rửa tội.

Nhưng ơn ban lại trở thành một trách nhiệm, tạo hình cho toàn bộ sự sống Kitô hữu : "Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh" (1 Tx 4, 3), Đó là một trách nhiệm liên hệ không phải một số người mà thôi : "Tất cả mọi Kitô hữu, thuộc bất cứ địa vị nào, đều được kêu gọi sống trọn vẹn đời sống Kitô hữu và sống hoàn hảo đức ái. (16).

31. Mới ngó qua, có thể xem hầu như không thực tế sự nhắc lại chân lý sơ đẳng này như là nền tảng của việc lên kế hoạch mục vụ liên quan đến chúng ta lúc khởi đầu ngàn năm mới. Có thể nào sự thánh thiện được kế hoạch hoá ? Từ ngữ "thánh thiện" có thể có nghĩa gì trong bối cảnh của một chương trình mục vụ?

Trên thực tế, đặt chương trình mục vụ dưới tiêu đề sự thánh thiện là một lựa chọn đầy hiệu quả. Điều đó ngụ ý niềm xác tín rằng việc quyết định một sự sống tầm thường, được đánh dấu bằng một nền đạo đức thấp kém và một tinh thần mộ đạo nông cạn, là một điều nghịch lý, bởi vì phép rửa tội là một sự đi vào trong sự thánh thiện của Thiên Chúa qua sự tháp nhập vào Chúa Kitô và sự ở lại của Chúa Thánh Thần. Hỏi những kẻ tân tòng: "Anh có muốn lãnh nhận bí tích rửa tội không ?” đồng thời có nghĩa là hỏi họ : "Anh có muốn nên thánh không ?" Điều đó có nghĩa là đặt trước họ bản chất cơ bản của Bài Giảng Trên Núi : "Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5, 48).

Như chính Công Đồng đã giải thích, lý tưởng trọn lành đó không phải được hiểu như như nó ngụ ý một thứ sống khác thường, chỉ thực hiện được bởi một số ít "anh hùng bất thường" của sự thánh thiện. Những con đường nên thánh thì nhiều, tuỳ theo ơn gọi của mỗi người. Tôi cảm tạ ơn Chúa vì trong những năm này Người đã cho phép tôi phong chân phước và phong hiển thánh cho một số lớn Kitô hữu, và giữa các ngài có nhiều giáo dân đạt tới sự thánh thiện trong những hoàn cảnh sống hết sức tầm thường. Đã đến lúc phải hết lòng tái đề nghị cho mọi người tiêu chuẩn cao này của đời sống Kitô hữu bình thường: toàn bộ sự sống của cộng đồng Kitô hữu và của các gia đình Kitô hữu phải dẫn đến hướng đi này. Dầu sao, điều cũng rõ ràng là các con đường tới sự thánh thiện, có tính cách cá nhân và kêu gọi một sự "tập luyện sống thánh thiện" chân chính, hạp với nhu cầu người ta. Sự tập luyện này phải bao gồm những nguồn mạch được cung cấp cho mỗi người qua những hình thức truyền thống trợ giúp cá nhân và đoàn thể, cũng như bởi những hình thức mới hơn của sự nâng đỡ qua những hiệp hội và những phong trào được Giáo Hội thừa nhận.

Cầu Nguyện

32. Việc tập luyện sống thánh thiện kêu gọi phải có một đời sống Kitô hữu nổi bật trước hết trong nghệ thuật cầu nguyện. Năm Thánh này đã là một năm càu nguyện cực kỳ sốt sắng, cả về mặt cá nhân cũng như tập thể. Nhưng chúng ta biết rõ sự cầu nguyện không thể cho là sự dĩ nhiên. Chúng ta phải học cầu nguyện: dường như học nghệ thuật này luôn luôn từ môi miệng của chính Thầy Thần Linh, như các môn đệ : "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện !" (Lc 11, 1). Cầu nguyện phát triển sự đàm thoại với Chúa Kitô, đàm thoại như vậy là làm chúng ta trở nên những bạn thân thiết của Người : "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em" (Ga 15, 4). Sự hỗ tương đó là chính bản chất và linh hồn của cuộc sống Kitô hữu, và là điều kiện của tất cả sự sống mục vụ. Được Chúa Thánh Thần rèn dũa trong ta, sự hỗ tương đó thúc đẩy chúng ta, qua Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chiêm ngắm gương mặt của Chúa Cha. Học được chiều kích Ba Ngôi này của sự cầu nguyện Kitô hữu và sống trọn vẹn sự cầu nguyện đó, nhất là trong phụng vụ, chóp đỉnh và nguồn gốc của đời sống Giáo Hội, (17) nhưng cũng trong kinh nghiệm cá nhân, là bí mật của Kitô giáo thật sự sống động, không có lý do sợ ngày mai, bởi vì luôn luôn trở về những nguồn gốc và gặp ở đó sự sống mới.

33. Chẳng phải là một trong "những dấu chỉ của thời đại" là trong thế giới ngày nay, mặc dầu thuyết tục hoá lan rộng, có một đòi hỏi phổ biến việc thiêng liêng, một đòi hỏi biểu lộ phần lớn như là một nhu cầu mới đối với sự cầu nguyện hay sao? Những tôn giáo khác, bây giờ hiện diện rộng rãi trong những phần đất Kitô giáo xưa, tỏ ra sự đáp ứng của họ cho đòi hỏi này, và đôi lúc họ làm như vậy trong những tư cách cầu cứu. Nhưng chúng ta, những người đã lãnh nhận ân sủng tin vào Chúa Kitô, Đấng mặc khải Chúa Cha và là Đấng Cứu Chuộc thế giới, chúng ta có bổn phận minh chứng sự quan hệ với Chúa Kitô có thể đưa chúng ta tới những chiều sâu nào.

Truyền thống huyền bí có cả của Giáo Hội Phương Tây và Phương Đông đã nói nhiều về phương diện này. Truyền thống ấy chứng tỏ sự cầu nguyện, như là một cuộc đối thoại chân chính của tình yêu, có thể tiến tới chỗ làm cho con người hoàn toàn bị chiếm hữu bởi Đấng đáng yêu thần linh, rung động khi tiếp xúc với Thần Khí, an nghỉ như đứa con trong lòng Chúa Cha. Đó là kinh nghiệm sống của lời Chúa Kitô hứa : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Ga 14, 21). Đó là một cuộc hành trình hoàn toàn được ân sủng nâng đỡ, nhưng ân sủng đòi hỏi một sự dấn thân thiêng liêng mãnh liệt và không xa lạ với sự thanh tẩy đau khổ (cái "đêm tối"). Nhưng hành trình này dẫn tới, trong nhiều cách thức có thể, niềm vui khôn tả mà những nhà huyền bí cảm thấy như là "sự phối hợp vợ chồng". Ở đây làm sao ta có thể quên, giữa nhiều gương sáng, huấn giáo của thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Têrêsa Avila ?

Phải, thưa anh chị em, những cộng đồng Kitô hữu chúng ta phải trở nên "những trường" học đích thực cầu nguyện, ở đó, sự gặp gỡ với Chúa Kitô được diễn tả không những trong sự xin giúp đỡ mà còn trong sự cảm tạ, ngợi khen, thờ lạy, chiêm niệm, lắng nghe và sốt sắng nhiệt tình, cho đến khi con tim thật sự "ngã trong tình yêu". Cầu nguyện mãnh liệt, phải, nhưng nó không làm chúng ta xao lãng sự dấn thân của chúng ta vào lịch sử : khi mở lòng chúng ta yêu mến Chúa, sự cầu nguyện cũng mở lòng chúng ta yêu mến anh chị em chúng ta, và cho chúng ta khả năng uốn nắn lịch sử theo chương trình của Chúa. (18)

34. Những người Kitô hữu nào đã nhận lãnh ơn gọi sống đời thánh hiến cách đặc biệt, dĩ nhiên được kêu gọi phải cầu nguyện một cách riêng biệt : tự bản tính của nó, sự thánh hiến đó làm cho họ được cởi mở hơn đến sự hiểu biết sự chiêm niệm, và điều quan trọng là họ phải trau dồi sự cầu nguyện cách kỹ lưỡng hơn. Nhưng điều sai quấy là tưởng rằng những người Kitô hữu tầm thường có thể bằng lòng với sự cầu nguyện nông cạn không khả năng lấp đầy toàn bộ đời sống của họ. Cách riêng trước nhiều thử thách mà thế giới ngày nay bắt đức tin phải chịu đựng, họ không những có thể là Kitô hữu tầm thường mà thôi, mà còn là "Kitô hữu đang lâm nguy". Họ phải trải qua sự nguy hiểm độc hại là thấy đức tin mình ngày càng bị xói mòn, và có lẽ sau cùng phải ngã vào sự cám dỗ của "những thay thế", chấp nhận những đề nghị tôn giáo khác và có khi buông xuôi theo những sự mê tín khó tin.

Do đó điều thiết yếu là sự giáo dục cầu nguyện phải bằng cách nào đó trở nên điểm then chốt của chương trình mục vụ. Chính tôi đã định cống hiến các bài giáo lý ngày thứ tư tới đây để suy nghĩ về những Thánh Vịnh, bắt đầu với Thánh Vịnh Kinh Mai, với những Thánh Vịnh này Kinh chính thức của Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng hiến và định hướng cho ngày chúng ta. Ích lợi dường nào, nếu không những trong các cộng đồng tu sĩ, mà còn trong các giáo xứ người ta làm nhiều hơn nữa để bảo đảm một bầu khí cầu nguyện lan tràn khắp. Với sự nhận định xứng hợp, cần cho lòng đạo bình dân có được chỗ đúng của nó, và dân chúng được giáo dục cách riêng trong Kinh Phụng Vụ. Có lẽ nên nghĩ đến điều này hơn là người ta thường để ý tới, đó là làm sao cho mỗi ngày của một cộng đồng Kitô hữu phối hợp được nhiều hình thức đời sống mục vụ và chứng nhân trong thế giới với việc cử hành Thánh Thể và còn với việc đọc kinh Sáng và Chiều. Kinh nghiệm của nhiều nhóm Kitô hữu dấn thân, với những nhóm gồm phần đông giáo dân, là một bằng chứng về sự này.

Thánh Thể Chúa Nhật

35. Do đó điều hiển nhiên là chúng ta phải lưu ý cách riêng đến phụng vụ, "chóp đỉnh mà hành động của Giáo Hội phải hướng tới và đồng thời là nguồn mạch từ đó phát sinh tất cả sức lực của Giáo Hội”. (19) Trong thế kỷ 20, cách riêng từ khi có Công Đồng, đã có một phát triển lớn lao trong cách thức cộng đồng Kitô hữu cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Cần phải tiếp tục theo đường hướng này, và nhấn mạnh cách riêng Thánh Thể Chúa Nhật và chính ngày Chúa Nhật như là một ngày đặc biệt đức tin, ngày Chúa Sống Lại và là ngày ân ban của Chúa Thánh Thần, là ngày Phục Sinh hằng tuần thật sự. (20) Qua 2000 năm, thời gian Kitô giáo được đo theo sự kính nhớ "ngày đầu tuần" này (Mc 16, 2.9; Lc 24, 1; Ga 20, 1), khi Chúa Kitô Phục sinh ban cho các Tông Đồ ơn bình an và Thần Khí (x. Ga 20, 19-23). Chân lý Chúa Kitô Phục Sinh là sự kiện nguồn gốc, điểm tựa của đức tin Kitô giáo (x. 1 Cr 15, 14), một biến cố đặt tại trung tâm mầu nhiệm thời gian, báo trước ngày sau hết khi Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang. Chúng ta không biết ngàn năm mới dành để cho ta cái gì, nhưng chúng ta chắc rằng chúng ta được an toàn trong tay Chúa Kitô, "Vua các vua và Chúa các chúa" (Kh 19, 16); và chính nhờ cử hành Lễ Vượt Qua của Người không những mỗi năm một lần nhưng mỗi ngày Chúa Nhật, Giáo Hội sẽ tiếp tục chứng tỏ cho mỗi một thế hệ "điểm tựa thật sự của lịch sử, mà mầu nhiệm của nguồn gốc thế giới và vận mạng cuối cùng của nó hướng về đó". (21)

36. Theo Tông huấn Dies Domini, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc tham gia Thánh Thể thật sự là trung tâm của ngày Chúa nhật đối với tất cả mọi người đã được rửa tội. Đó là một nhiệm vụ cơ bản, phải hoàn thành không những để giữ luật nhưng coi như một cái gì được cảm thấy là thiết yếu cho một đời sống Kitô hữu thật sự hiểu biết và kiên định. Chúng ta đang đi vào một ngàn năm đã chứng tỏ được đánh dấu bằng một sự đan dệt sâu sắc giữa các nền văn hoá và tôn giáo, cho dầu trong những miền đã lâu đời là Kitô hữu. Trong nhiều vùng người Kitô hữu, hay là đang trở nên, một "đoàn nhỏ" (Lc 12,32). Điều này mang đến cho họ thách đố, thường trong những hoàn cảnh biệt lập và khó khăn, phải minh chứng cách vững mạnh hơn cho những yếu tố phân biệt căn tính của mình. Nhiệm vụ tham gia Thánh Thể mỗi ngày Chúa Nhật là một trong những yéu tố đó. Thánh Thể Chúa nhật tập họp các Kitô hữu với nhau mỗi ngày Chúa Nhật như là gia đình Chúa xung quanh bàn Lời và Bánh Sự Sống, cũng là thuốc giải độc tự nhiên nhất trị sự phân tán. Đó là một nơi ưu tiên, nơi không thôi tuyên bố và nuôi dưỡng sự hiệp thông. Chính nhờ chia sẻ trong Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở nên Ngày của Giáo Hội, (22) khi Giáo Hội có thể thi hành hiệu quả vai trò của mình như là bí tích hiệp nhất.

Bí Tích Hoà Giải

37. Tôi cũng xin cho có lòng can đảm mục vụ đổi mới bằng cách bảo đảm cho huấn giáo hằng ngày của các cộng đồng Kitô hữu biết trình bày cách thuyết phục và hiệu nghiệm việc thực hành Bí tích Hoà giải. Như anh chị em sẽ nhớ lại, trong năm 1984 tôi đã đề cập tới chủ đề này trong Tông huấn Hậu Hội Nghị Reconciliation et Paenitentia, thâu tóm những kết quả do cuộc Họp Thượng Hội Đồng các Giám Mục dành hết cho vấn đề này. Lúc bấy giờ tôi kêu mời phải cố gắng hết sức để đương đầu với cơn khủng hoảng của "ý thức về tội" xuất hiện trong nền văn hoá ngày nay. (23) Nhưng tôi còn nài nỉ một sự khám phá Chúa Kitô như là mầu nhiệm của lòng sốt sắng đạo đức, trong Chúa Kitô Chúa Cha bày tỏ cho chúng ta trái tim đầy thương xót của Người và giao hoà chúng ta với Người cách trọn vẹn. Chính gương mặt Chúa Giêsu mà chúng ta phải khám phá qua Bí tích Sám hối, một bí tích đối với người tín hữu là "con đường bình thường để được ơn tha thứ và tha những tội nghiêm trọng đã mắc phải sau bí tích Rửa Tội". (24) Khi Thượng Hội Đồng đề cập đến vấn đề này, thì mọi người đều thấy cơn khủng hoảng này, cách riêng trong một vài nơi trên thế giới. Những nguyên nhân khủng hoảng đó không tan biến trong khoảng thời gian ngắn từ lúc đó. Nhưng Năm Thánh, năm được đánh dấu cách riêng bởi sự trở lại với bí tích Sám Hối, cho chúng ta một sứ điệp đầy an ủi không thể không biết đến : nếu nhiều người, và giữa họ cũng có nhiều người trẻ, đã hưởng phúc nhờ tiếp cận với bí tích này, thì điều cần thiết là các vị mục tử sẽ vũ trang mình với lòng tin cẩn, tính sáng tạo và kiên nhẫn hơn trong việc trình bày và hướng dẫn dân chúng quí trọng bí tích đó. Thưa các anh em yêu quí trong chức Linh Mục, chúng ta không nên đầu hàng những khủng hoảng trôi qua ! Những ân ban của Chúa - và các bí tích là thuộc loại ân ban quí nhất - đến từ Đấng biết rõ lòng con người và là Chúa của lịch sử.

Tính Ưu Việt Của Ân Sủng

38. Nếu trong lúc đặt chương trình đang chờ đợi chúng ta, chúng ta dấn thân cách tin cẩn hơn nữa vào một hoạt động mục vụ đặt sự cầu nguyện cá nhân và tập thể vào đúng chỗ của nó, thì chúng ta phải chú ý một nguyên lý thiết yếu của quan điểm Kitô hữu về sự sống : tính ưu việt của ân sủng. Có một chước cám dỗ trường kỳ bao vây tất cả cuộc hành trình thiêng liêng và công tác mục vụ : đó là nghĩ rằng những hậu quả tuỳ thuộc vào tài năng của chúng ta khi hành động và đặt chương trình. Dĩ nhiên Chúa thật sự xin chúng ta cộng tác với ân sủng của Người, và do đó kêu mời chúng ta đầu tư tất cả tài nguyên, trí tuệ và nghị lực chúng ta trong sự phục vụ cho Vương Quốc. Nhưng điều tai hại là quên rằng "không có Chúa Kitô chúng ta không thể làm được gì" (Ga 15, 5).

Chính sự cầu nguyện bén rễ chúng ta trong chân lý này. Sự cầu nguyện luôn nhắc chúng ta tính ưu việt của Chúa Kitô và, trong sự hiệp nhất với Người, tính ưu việt của đời sống nội tâm và của sự thánh thiện. Khi nguyên lý này không được tôn trọng, thì không lạ gì những chương trình mục vụ đưa tới con số không và để lại cho chúng ta một cảm giác thất bại chua cay ? Bấy giờ chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của các môn đệ trong câu chuyện Tin Mừng về việc bắt cá cách lạ lùng : "Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả" (Lc 5, 5). Đây là thời điểm của đức tin, của kinh nguyện, của cuộc đàm thoại với Chúa, ngõ hầu mở lòng chúng ta đón nhận ngọn nước triều ân sủng và để cho Lời Chúa thấm nhập vào chúng ta trong tất cả quyền lực của nó : Hãy đưa ra chỗ nước sâu ! Trong dịp này, chính Phêrô là người nói lên lời đức tin : "Nhưng dựa vào lời Thầy tôi sẽ thả lưới" (ibid.). Khi ngàn năm này bắt đầu, anh chị em hãy cho phép người kế vị Thánh Phêrô mời toàn thể Giáo Hội làm động tác đức tin đó, động tác này tự diễn tả trong một sự dấn thân cầu nguyện mới mẽ.

Lắng Nghe Lời

39. Chắc chắn rằng tính ưu việt của sự thánh thiện và của kinh nguyện không thể tưởng tượng nổi nếu không có sự tiếp tục lắng nghe lời Chúa. Suốt từ dạo Công Đồng Vatican II nhấn mạnh vai trò siêu việt của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, chắn có tiến triển nhiều trong việc sốt sắng nghe và chăm chú học hỏi Kinh Thánh. Kinh Thánh chiếm chỗ danh dự đúng của nó trong kinh nguyện công khai của Giáo Hội. Những cá nhân và cộng đồng giờ đây sử dụng rộng rãi Sách Thánh, và giữa giáo dân có nhiều người chuyên học Kinh Thánh với sự giúp đỡ đáng kể của khoa thần học và Kinh Thánh, Nhưng trên hết tất cả, chính công trình rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý rút ra sự sống mới nhờ việc chú tâm tới Lời Chúa. Anh chị em thân mến, sự phát triển này cần được củng cố và đào sâu, cũng bằng cách bảo đảm cho mỗi gia đình có một quyển Kinh Thánh. Đặc biệt cần thiết là việc nghe Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Kinh Thánh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta.

Tuyên Bố Lời

40. Nuôi dưỡng chúng ta với Lời để trở thành những "đầy tớ của Lời" trong công trình rao giảng Tin Mừng : chắc chắn đó là một ưu tiên của Giáo Hội lúc bình minh ngàn năm mới. Cho dù trong những nước đã được rao giảng Tin Mừng từ nhiều thế kỷ, giờ đây không còn hiện hữu "một xã hội Kitô giáo" mà, giữa tất cả những sự mỏng giòn luôn đánh dấu đời sống nhân loại, công khai tự đánh giá mình theo những giá trị Tin Mừng. Ngày nay chúng ta phải can đảm đối diện với một hoàn cảnh đang trở thành đa dạng mãi và đòi hỏi, trong bối cảnh "toàn cầu hoá" và hậu quả là sự trà trộn mới mẻ và không ổn định các dân tộc và văn hoá. Đã nhiều năm tôi thường lập lại lời mời gọi tái Phúc Âm hoá, hôm nay tôi nói lại như vậy, cách riêng để nhấn mạnh chúng ta phải thắp sáng lên trong chúng ta động lực của những khởi đầu và cho phép chúng ta tràn ngập sự hăng say của việc rao giảng tông đồ tiếp theo sau Lễ Hiện Xuống. Chúng ta phải hồi phục trong chính mình chúng ta niềm xác tín đốt nóng thánh Phaolô khi người kêu lên : "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9, 16).

Sự say mê này không thể không khơi động trong Giáo Hội một cảm giác truyền giáo mới, việc làm này không thể để cho một nhóm "chuyên viên" nhưng phải bao hàm trách nhiệm của tất cả các phần tử Dân Chúa. Những ai đã tiếp xúc đích thực với Chúa Kitô không thể giữ Người cho chính mình, họ phải loan báo về Người. Cần giương rộng việc tông đồ mới, sự kiện sẽ được sống như là một dấn thân mỗi ngày của các cộng đồng và những nhóm Kitô hữu. Dầu sao điều này phải được thực hiện với lòng kính trọng những con đường khác biệt của các dân tộc khác biệt và với sự nhạy cảm đối với sự đa dạng các nền văn hoá nơi sứ điệp Kitô giáo phải được gieo trồng, giữ sao cho những giá trị riêng biệt của mỗi dân tộc không bị loại bỏ nhưng được thanh lọc và đưa tới hoàn hảo.

Trong Ngàn Năm Thứ Ba, Kitô giáo phải đáp lại định luật martyrum semen christianorum (máu tử đạo là hạt giống sinh kitô hữu) (25) : định luật danh tiếng này do ông Tertullian phát biểu, đã chứng thực trong tất cả mọi cơn thử thách của lịch sử. Điều này cũng không phải là trường hợp của thế kỷ và ngàn năm bắt đầu bây giờ hay sao ?

Có lẽ chúng ta quá quen nghĩ tới các Thánh Tử Đạo trong những ngôn ngữ quá xa cách, dường như các ngài là hạng người thuộc quá khứ, liên hệ cách riêng với các thế kỷ đầu Kitô giáo. Việc nhớ tới Năm Thánh đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn đáng kinh ngạc, cho chúng ta thấy thời đại chúng ta đặc biệt có nhiều nhân chứng, những vị bằng nhiều đường lối khác nhau có khả năng sống Tin Mừng giữa sự thù nghịch và bắt bớ, thường bị thử thách tột độ là đổ máu mình. Nơi các ngài Lời Chúa được gieo trong đất tốt, đã sinh gấp trăm lần (x. Mt 13, 3-23). Qua gương sáng của mình các ngài chỉ chúng ta thấy, và làm trơn tru, nói được như vậy, con đường chúng ta đi tới tương lai. Tất cả những gì chúng ta còn phải làm là, với ân sủng Chúa, bước theo vết chân các ngài.

IV. NHỮNG CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

42. "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35). Thưa anh chị em thân mến, nếu chúng ta thật sự nhìn ngắm gương mặt Chúa Kitô, chương trình mục vụ của chúng ta cân thiết phải được linh hứng bởi "điều răn mới" Người đã ban cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13, 34).

Đây là một lãnh vực quan trọng khác, nơi phải có sự dấn thân và đưa ra chương trình về phía Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương : đó là lãnh vực hiệp thông (koinonia), hiện thực và mặc khải chính bản chất của mầu nhiệm Giáo Hội. Sự hiệp thông là hoa quả và là sự tỏ bày tình yêu, một tình yêu phát xuất từ lòng Thiên Chúa Cha vĩnh hằng và được đổ tràn xuống trên chúng ta nhờ Thần Khí Chúa Giêsu ban cho chúng ta (x. Rm 5, 5), làm chúng ta nên "một lòng một ý" (Cv 4, 32). Chính vì xây dựng sự hiệp thông tình yêu này mà Giáo Hội xuất hiện như "bí tích", như là "dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mật thiết với Chúa và của sự hiệp nhất nhân loại" (26).

Những lời nói của Chúa về điểm này quá rõ ràng đối với chúng ta để có thể giảm thiểu tầm quan trọng của chúng. Nhiều sự cần thiết cho hành trình của Giáo Hội qua lịch sử, ngay trong thế kỷ mới này; nhưng không có tình yêu (agape), mọi sự sẽ hoá ra vô ích. Thánh Phaolô Tông đồ trong bài ca vịnh về tình yêu, lại nhắc nhở chúng ta: giả như chúng ta nói các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần đi nữa, và giả như chúng ta có đức tin đến "chuyển núi dời non, mà không có đức mến, tất cả chỉ là con số "không" (x. 1 Cr 13, 2). Tình yêu thật sự là "con tim" của Giáo Hội, như được hiểu rõ bởi Thánh Têrêsa Thành Lisieux, người mà tôi đã tuyên phong tiến sĩ Giáo Hội chính vì người là một chuyên viên trong khoa học tình yêu : "Tôi đã hiểu Giáo Hội có một Con Tim và Con Tim này rực cháy Tình Yêu. Tôi đã hiểu chỉ có Tình Yêu mới kích động các phần tử Giáo Hội hành động... Tôi hiểu Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi, Tình Yêu là tất cả". (27)

Linh Đạo Hiệp Thông

43. Biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông : đó là thách đố lớn giáp mặt chúng ta trong ngàn năm đang bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Chúa và đáp ứng những ước mơ sâu xa nhất của thế giới.

Nhưng điều đó có nghĩa gì trên thực tế ? Ở đây cũng vậy, ý nghĩ chúng ta hướng ngay tới việc phải làm, nhưng đó không phải là động lực đúng phải theo. Trước khi vạch ra những chương trình thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, làm cho linh đạo đó thành nguyên lý hướng đạo giáo dục bất cứ nơi nào huấn luyện các cá nhân và người Kitô hữu, bất cứ nơi nào đào tạo những kẻ phục vụ bàn thờ, những người tận hiến và những lao công mục vụ, bất cứ nơi nào xây dựng các gia đình và các cộng đồng.

Một linh đạo hiệp thông dạy cho biết trước tiên sự chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng suy nghĩ đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong phạm vi hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm, và do đó như "những người là thành phần của tôi". Điều này cho chúng ta khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm giác những ước muốn của họ và chăm chú đến những nhu cầu của họ, hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận điều đó và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban: không những như là một hồng ân cho người anh người chị đã trực tiếp lãnh, mà còn như là "một hồng ân cho tôi". Sau cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách "nhường chỗ" cho các anh chị em chúng ta, bằng cách "mang gánh nặng cho nhau" (Gl 6, 2) và chống chọi những cám dỗ ích kỷ thường hay bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương.

Chúng ta không nên có những ảo tưởng: nếu chúng ta không theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài để hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả. Chúng sẽ biến thành những cỗ máy không hồn, "những mặt nạ" hiệp thông hơn là những quyết định, (29) nhưng điều đó không phải là chúng ít có ý nghĩa và kém thích hợp. Khoa thần học và linh đạo hiệp thông khuyến khích một sự đối thoại đầy hiệu quả giữa các Chủ Chăn và các tín hữu: một mặt liên kết họ ưu tiên trong tất cả những gì thiết yếu, và mặt khác đưa họ tới sự đồng thuận có cân nhắc trong các vấn đề mở rộng cho bàn cãi.

Muốn đạt mục đích này, chúng ta cần làm như của riêng mình sự khôn ngoan mục vụ ngày trước, sự khôn ngoan đó khuyên các vị mục tử lắng nghe rộng rãi hơn toàn Dân Chúa, mà không thiệt hại gì đến uy quyền của mình. Thật ý nghĩa lời thánh Bênêđitô nhắn nhủ Viện Phụ của một đan viện, người mời ông ấy hỏi ý kiến ngay cả những thành phần trẻ nhất trong cộng đoàn : "Nhờ Chúa soi sáng, thường một người trẻ hơn lại biết điều hay nhất". (30) Và Thánh Paulinus thúc giục: "Chúng ta hãy nghe điều giáo dân nói, bởi vì trong mỗi một người đó Thần Khi Chúa thổi hơi". (31)

Khi sự khôn ngoan lề luật, bằng cách cung cấp những qui tắc chính xác cho sự tham dự, làm chứng cho cấu trúc phẩm trật của Giáo Hội và đẩy xa mọi chước cám dỗ dẫn tới những chuyên quyền hay là những thỉnh nguyện bất công, linh đạo hiệp thông, nhờ thúc giục một sự tín cẩn và cởi mở hoàn toàn phù hợp với phẩm giá và trọng trách của mỗi thành phần Dân Chúa, làm cho thực tại cơ chế có một linh hồn.

Sự Khác Biệt Các Ơn Gọi

46. Một quan điểm như thế về sự hiệp thông, liên kết chặt chẽ với khả năng của cộng đồng Kitô hữu đón nhận tất cả những hồng ân của thần Khi. Sự hiệp nhất Giáo Hội không phải là sự đồng dạng, nhưng là một sự pha trộn hữu cơ những khác biệt hợp pháp. Đó là thực tại của nhiều thành phần phối hợp trong một thân thể, Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô (x. 1Cr 12, 12).

Do đó Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba cần khuyến khích tất cả những người đã được rửa tội và thêm sức, ý thức trách nhiệm năng động của mình trong đời sống Giáo Hội. Cùng với thừa tác vụ được tấn phong, những thừa tác vụ khác, dù được chính thức thành lập hay chỉ được thừa nhận, có thể phát triển mạnh vì lợi ích toàn thể cộng đồng, nâng đỡ cộng đồng trong mọi nhu cầu của nó : từ việc dạy giáo lý cho tới phụng vụ, từ việc giáo dục tuổi trẻ cho tới sự bày tỏ rộng rãi nhất của những công tác bác ái.

Chắc chắn, cần đến sự dấn thân quảng đại -trên hết nhờ sự cầu nguyện nài nỉ dâng lên Chủ mùa gặt (x. Mt 9, 38)- trong việc cổ võ những ơn gọi làm linh mục hay sống đời sống thánh hiến. Đó là một vấn đề thích ứng to lớn cho đời sống Giáo Hội trong mỗi một phần thế giới. Tại một số vùng có truyền thống Kitô giáo, hoàn cảnh đã trở nên có tính xúc động, do những tình trạng xã hội thay đổi và sự lơ là lòng đạo phát xuất từ người tiêu dùng và não trạng tục hoá. Có một nhu cầu cấp bách phải thực hiện một chương trình rộng rãi cổ động ơn gọi, dựa trên sự tiếp xúc cá nhân và bao gồm các giáo xứ, trường học và gia đình trong cố gắng nuôi dưỡng một sự suy nghĩ chu đáo hơn về những giá trị thiết yếu của sự sống. Những giá trị này đi tới chỗ hoàn thành nhờ mỗi người đáp trả lời kêu gọi của Chúa khi được mời, đặc biệt khi tiếng gọi bao hàm một sự hiến mình và những nghị lực của mình cho vận mạng Vương Quốc.

Chính trong viễn ảnh này chúng ta thấy giá trị của những ơn gọi khác, bén rễ trong sự sống mới đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội. Cách riêng cần phải khám phá đầy đủ hơn nữa ơn gọi riêng biệt của người giáo dân, được kêu gọi "tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào những việc đời và khi hướng mình theo chương trình của Chúa", (32) họ "có những vai trò riêng phải thực hiện trong sứ mênh của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội và trong thề giới... nhờ việc họ rao giảng Tin Mừng và thánh hoá dân chúng". (33)

Theo cũng những đường hướng này, một phương diện quan trọng khác của sự hiệp thông là cổ động những hình thức hiệp hội, hoặc thuộc loại có truyền thống lâu đời hay là thuộc những phong trào Giáo Hội mới mẽ hơn, vẫn tiếp tục cho Giáo Hội một sức sống, đó là hồng ân Thiên Chúa và thật sự là một "mùa xuân của Thần Khí". Dĩ nhiên, những hiệp hội và phong trào cần phải hoạt động trong sự hài hoà trọn vẹn với Giáo Hội toàn cầu và những Giáo Hội địa phương, và dưới sự vâng phục các chỉ thị thẩm quyền của các vị Chủ Chăn. Nhưng lời cảnh cáo cấp bách và quyết định của thánh Tông Đồ ứng dụng cho mọi người: "Anh em đừng dập tắt Thần Khí, chớ khinh thường ơn nói tiên tri, nhưng hãy cân nhắc mọi sự và điều gì tốt thì giữ" (1 Tx 5, 19-21).

47. Tại một thời gian trong lịch sử như ngày nay, phải đặc biệt chú ý tới việc chăm sóc mục vụ gia đình, cách riêng khi cơ chế căn bản này đang trải qua một cơn khủng hoảng hoàn toàn triệt để và lan rộng. Theo quan điểm Kitô giáo về hôn nhân, quan hệ giữa người nam và người nữ -một mối ràng buộc với nhau toàn vẹn, duy nhất và bất khả phân ly- là thành phần trong chương trình nguyên thuỷ của Thiên Chúa, bị làm lu mờ suốt dòng lịch sử do sự "cứng lòng" của chúng ta, nhưng Chúa Kitô đã đến phục hồi nó trở lại vẻ huy hoàng trước kia của nó, bày tỏ điều đã là ý muốn của Chúa "từ đầu" (Mt 19,8). Được cất lên tới phẩm giá một Bí tích, Hôn Nhân diễn tả "mầu nhiệm cao cả" của tình yêu hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Người (x. Ep 5, 32).

Về điểm này, Giáo Hội không thể nhượng bộ những sức ép văn hoá, mặc dầu chúng có thể lan rộng và hiếu chiến nữa. Ngược lại, cần phải bảo đảm rằng nhờ một sự đào tạo Tin Mừng hoàn hảo hơn nữa, các gia đình Kitô giáo chứng tỏ cách xác tín có thể sống hôn nhân đầy đủ đúng với chương trình Thiên Chúa và mang ích lợi thực sự cho con người - cho vợ chồng, và cho con cái, những kẻ mỏng giòn hơn. Chính các gia đình phải ý thức luôn về việc phải chăm sóc con cái, và đóng một vai trò tích cực trong Giáo Hội và xã hội bằng cách bảo tồn những quyền lợi của chúng.

Dấn Thân Cho Thống Nhất

48. Và chúng ta phải nói gì về trách nhiệm cấp bách phải khuyến khích sự hiệp thông trong lãnh vực tế nhị thống nhất ? Vô phúc thay, khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa ngàn năm mới, chúng ta mang theo mình di sản buồn thảm của quá khứ. Năm Thánh đã cung cấp một số dấu hiệu thật cảm động và có tính ngôn sứ, nhưng đường dài còn phải đi.

Khi ngước nhìn lên Chúa Kitô, Năm Đại Toàn Xá đã hiến chúng ta một cảm giác sâu sắc hơn về Giáo Hội như là một mầu nhiệm của sự hiệp nhất. "Tôi tin có một Giáo Hội" : điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính thì có nền tảng chung cuộc trong Chúa Kitô, trong Người, Giáo Hội không bị phân chia (x.1Cr 1,11-13). Là Thân thể của Người, trong sự duy nhất, là hồng ân của Thần Khí, Giáo Hội không thể bị phân chia. Thực tại chia rẽ giữa con cái Giáo Hội xuất hiện trên mức độ lịch sử, là hậu quả của sự yếu đuối con người trong cách chúng ta nhận lấy hồng ân tuôn trào liên lĩ từ Chúa Kitô, Đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm Người. Kinh nguyện của Chúa Giêsu ở Nhà Tiệc Ly - như, “Lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng nên một trong chúng ta" (Ga 17,21) - vừa là sự mặc khải vừa là lời cầu xin. Kinh nguyện đó mặc khải cho chúng ta sự hiệp nhất của Chúa Kitô với Chúa Cha như là nguồn gốc của sự hiệp nhất Giáo Hội và như là hồng ân mà trong Người Giáo Hội sẽ luôn luôn nhận lãnh cho tới khi được hoàn hảo cách nhiệm mầu trong ngày tận thế. Sự hiệp nhất này thể hiện cụ thể trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dầu những hạn chế về mặt con người của các thành phần Giáo Hội, và đang công tác theo những mức độ khác biệt trong các yếu tố của sự thánh thiện và chân lý, gặp được trong các Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội khác. Vì là những hồng ân đúng ra trực thuộc Giáo Hội Chúa Kitô, những yếu tố này liên tiếp đưa các Giáo Hội đó tới sự hiệp nhất hoàn toàn. (34)

Kinh nguyện của Chúa Kitô nhắc chúng ta nhớ rằng hồng ân đó cần phải nhận lãnh và phát triển cách sâu xa hơn mãi. Lời cầu "xin cho chúng nên một", cùng một lúc, là một mệnh lệnh bắt buộc, là sức lực nâng đỡ chúng ta, và là một sự khiển trách ích lợi đối với sự đần độn và khép kín lòng của chúng ta. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chớ không phải do sức lực của chúng ta mà chúng ta đặt nền hy vọng là, dầu trong lịch sử, chúng ta sẽ có khả năng đạt được sự hiệp thông đầy đủ và hữu hình với mọi Kitô hữu.

Trong viễn ảnh cuộc hành trình hậu Năm Thánh đổi mới của chúng ta, tôi nhìn đến các Giáo Hội Phương Đông với niềm hy vọng to lớn, và tôi cầu nguyện được trao đổi trở lại cách đầy đủ những hồng ân đã làm phong phú Giáo Hội của ngàn năm thứ nhất. Mong sao ký ức về thời gian khi Giáo Hội thở với "hai lá phổi" thúc giục các Kitô hữu Phương Đông và Phương Tây đi chung với nhau trong sự hợp nhất đức tin và biết tôn trọng sự khác biệt chính đáng, chấp nhận và nâng đỡ nhau như những thành phần một Thân Thể Chúa Kitô.

Một sự dấn thân tương tự sẽ hướng dẫn chúng ta nuôi dưỡng sự đối thoại hiệp nhất với các anh chị em chúng ta thuộc Cộng Đồng Anh Giáo và những Cộng Đồng Giáo Hội phát sinh từ thời cải cách. Sự bàn cãi thần học về những điểm thiết yếu đức tin và luân lý Kitô giáo, sự hợp tác trong công trình từ thiện, và hơn hết sự hợp nhất cao cả của sự thánh thiện không thiếu, với ơn Chúa giúp, mang lại kết quả. Trong khi đó chúng ta tiếp tục cách tin cẩn cuộc hành trình chúng ta, lòng mong ước tới thời gian, cùng với từng người và tất cả những môn đệ Chúa Kitô, chúng ta sẽ hết lòng phối hợp nhau mà ca hát: "Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau" (Tv 133, 1).

Phải Dựng Mọi Sự Trong Đức Ai

49. Khởi sự với sự hiệp thông nội bộ Giáo Hội, đức ái tự bản tính khai mở một phục vụ phổ quát; đức ái linh hứng trong chúng ta một sự dấn thân yêu mọi người cách thực tế và cụ thể. Đó cũng là một phương diện phải đánh dấu rõ ràng cuộc sống Kitô hũu, toàn bộ hoạt động và chương trình mục vụ của Giáo Hội. Thế kỷ và ngàn năm đang bắt đầu bây giờ cần phải thấy, và hy vọng còn thấy rõ hơn, cộng đồng Kitô hữu, phải cống hiến tới mức nào, để có thể đến với những kẻ nghèo nhất qua đức ái. Nếu chúng ta đã thật sự khởi hành từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta phải học thấy người cách riêng trong gương mặt của những kẻ Người muốn đồng hoá mình với họ: "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm" (Mt 25, 35- 37). Đoạn văn Tin Mừng này không phải là một lời mời đơn thuần sống bác ái; đó là một trang Kitô học rọi ánh sáng trên mầu nhiệm Chúa Kitô. Bằng những lời này, không kém hơn bằng tính chính thống của giáo lý mình, Giáo Hội đo lường sự trung thành của mình như là Hiền Thê Chúa Kitô.

Chắc vậy, chúng ta cần nhớ rằng không một ai có thể bị loại khỏi tình yêu của chúng ta, bởi vì "nhờ sự Nhập thể của người Con Thiên Chúa đã kết hợp chính mình với mỗi người bằng cách nào đó". (35) Nhưng, vì những lời rõ ràng của Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, Chúa Kitô hiện diện cách riêng trong kẻ nghèo, và điều này đòi buộc Giáo Hội có sự lựa chọn hơn đối với kẻ nghèo. Sự lựa chọn này là một bằng chứng cho bản tính của tình yêu Thiên Chúa, của sự quan phòng và lòng thương xót của Người; và bằng cách nào đó lịch sử còn đầy dẫy những hạt giống Nước Chúa mà chính Chúa Giêsu đã gieo đang lúc Người còn sống dưới thế này mỗi lần Người trả lời cho những ai đến với Người với những nhu cầu thiêng liêng vật chất của họ.

50. Trong chính thời đại chúng ta, có nhiều nhu cầu cần sự phúc đáp đầy thương xót từ phía người Kitô hữu. Thế giới chúng ta đang đi vào ngàn năm mới nặng trĩu những cảnh trái ngược của một sự phát triển kinh tế, văn hóa và kỹ thuật cung cấp những khả năng vô tận cho một số ít người giàu, đang khi để hàng triệu người khác không những bên lề sự phát triển mà còn trong những điều kiện sống xa mức tối thiểu phải có đối với nhân phẩm. Làm sao mà chính ngày nay vẫn còn những người chết đói ? Mù chữ ? Thiếu sự chăm sóc thuốc men căn bản nhất ? Không có một mái nhà che đầu họ ?

Kịch bản nghèo đói có thể trải dài vô tận, nếu thêm vào những hình thức truyền thống chúng ta nghĩ tới những kiểu mới. Những kiểu mới này thường gây ảnh hưởng tài chánh đến những khu vực và những nhóm người phong phú nhưng lại bị đe dọa bởi thất vọng vì đời sống của họ nhất là trẻ em ? Vô số tình trạng khẩn cấp mà mỗi con tim Kitô hữu phải đồng cảm.

Cần một sự dấn thân đặc biệt đối với một số phương diện thuộc sứ điệp căn bản của Tin Mừng, những phương diện đó ít được hiểu rõ, đến nỗi làm người ta không ưa thích sự hiện diện của Giáo Hội, nhưng đó phải là một phần của sứ mạng bác ái của Giáo Hội. Tôi nói tới nhiệm vụ cam kết tôn trọng sự sống của mỗi con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Cũng vậy, sự phục vụ nhân loại bắt chúng ta nhấn mạnh, trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, những người sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất, cách riêng trong lãnh vực kỹ thuật sinh học, không bao giờ được coi thường những đòi hỏi đạo đức căn bản, bằng cách kêu cứu một sự liên đới đáng nghi ngờ, cuối cùng đưa tới kỳ thị giữa sự sống này với sự sống khác và không biết tới phẩm giá thuộc mỗi con người.

Muốn chứng tá Kitô giáo có hiệu nghiệm, cách riêng trong những lãnh vực tế nhị và đang bàn cãi, điều quan trọng là phải thực hiện những cố gắng riêng biệt để giải thích đúng những lý do bênh vực lập trường Giáo Hội, nhấn mạnh rằng đây không phải là một trường hợp áp đặt trên những người không tin một quan điểm dựa trên đức tin, nhưng để giải thích và bênh vực những giá trị bén rễ trong chính bản tính của nhân vị. Như vậy đức ái sẽ phải trở nên sự phục vụ cho văn hoá, chính trị, kinh tế và gia đình, để những nguyên lý cơ bản, nền tảng cho vận mạng của những con người và cho tương lai nền văn minh, sẽ được tôn trọng khắp nơi nơi.

52. Hiển nhiên, tất cả sự đó phải được thực hiện theo cách riêng biệt Kitô hữu : người giáo dân phải đặc biệt hiện diện trong những lãnh vực này để hoàn thành ơn gọi giáo dân của mình, nhưng không bao giờ nhân nhượng sự cám dỗ biến những cộng đồng Kitô hữu thành những đại lý xã hội. Cách riêng, tương quan của Giáo Hội với xã hội dân sự phải tôn trọng tính tự trị và các lãnh vực chuyên môn của xã hội này, theo những huấn giáo của giáo thuyết xã hội của Giáo Hội.

Chúng ta biết rõ những cố gắng mà thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội đã thực hiện, cách riêng trong thế kỷ 20, để giải thích những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng và để trao hiến, cách hợp thời và hệ thống, sự đóng góp của mình cho vấn đề xã hội, ngày nay đảm nhận chiều kích toàn cầu.

Phương diện đạo đức và xã hội của vấn đề là một yếu tố thiết yếu của chứng tá Kitô hữu : chúng ta phải loại trừ cơn cám dỗ nêu lên một linh đạo tư nhân và cá nhân, không đúng với những đòi hỏi của đức ái, đó là chưa nói gì tới những liên hệ của mầu nhiệm Nhập Thể và, trong sự phân tách cuối cùng, tới độ căng thẳng cánh chung của Kitô giáo. Khi độ căng thẳng đó làm chúng ta ý thức được đặc tính tương đối của lịch sử, thì không có vấn đề là chúng ta rút lui không "xây dựng" lịch sử. Ở đây giáo huấn của Công Đồng Vatican II càng hợp thời hơn bao giờ; "Sứ điệp Kitô giáo không làm cho con người tránh né khỏi công cuộc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn tha thiết đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại bổn phận thực hiện những điều ấy còn thúc bách họ hơn nữa". (36)

Một Dấu Cụ Thể

53. Để có được một dấu chỉ sự dấn thân thực thi bác ái và thăng tiến con người, bén rễ trong những đòi hỏi cơ bản nhất của Tin Mừng, tôi đã quyết định Năm Thánh, cộng thêm một mùa gặt to lớn về bác ái đã mang lại kết quả - ở đây cách riêng tôi nghĩ tới sự giúp đỡ đối với rất nhiều anh chị em nghèo của chúng ta ngõ hầu họ có khả năng tham dự Năm Thánh - (Năm Thánh) phải để lại một sự đóng góp, nói được là hoa quả và là dấu ấn của tình yêu do Năm Thánh khởi động. Nhiều người hành hương đã dâng cúng và nhiều vị lãnh đạo trong ngành tài chánh đã phối hợp cung cấp một sự giúp đỡ quảng đại, nhờ đó đã bảo đảm cho việc cử hành Năm Thánh cách xứng hợp. Một khi đã trang trải hết các chi phí cho năm này, tiền còn dư sẽ hiến cho những mục đích từ thiện. Điều quan trọng là một biến cố tôn giáo vĩ đại như thế phải được tách ra khỏi bất cứ hình thức trục lợi nào. Bất cứ số tiền nào còn lại phải được sử dụng để tiếp tục kinh nghiệm thường được tái diễn từ lúc khởi đầu Giáo Hội, lúc cộng đồng Giêrusalem cung hiến cho những người không-kitô dấu chỉ xúc động của sự trao đổi cách tự nguyện những tặng vật, đến nỗi giữ mọi sự làm của chung, cho kẻ nghèo hưởng nhờ (x. Cv 2, 44-45).

Sự dâng cúng được thiết lập chỉ là một giòng nước nhỏ chảy vào trong con sông dài của đức ái Kitô giáo chảy qua thế kỷ. Một giòng nước nhỏ nhưng có ý nghĩa : nhờ Năm Thánh thế giới nhìn về Rôma, là Giáo Hội "chủ trì trong đức ái" và đã mang các tặng phẩm của mình đến cho Phêrô. Bây giờ đức ái bày ra tại trung tâm đạo Công Giáo bằng cách nào đó lại chảy lui đến thế giới qua dấu chỉ này, một dấu chỉ có ý nghĩa là một di sản bền bỉ và một sự nhắc nhớ sự hiệp thông đã kinh nghiệm trong Năm Thánh.

Đối Thoại Và Sứ Mạng

54. Một thế kỷ mới, một ngàn năm mới đang mở ra trong ánh sáng Chúa Kitô. Nhưng không phải ai cũng có thể thấy ánh sáng đó. Chúng ta có trách nhiệm lạ lùng và bắt buộc trở nên "sự phản chiếu" ánh sáng đó. Đây là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae), một phần thuộc sự chiêm ngắm của các Giáo Phụ, các ngài dùng hình ảnh này để chứng tỏ sự tuỳ thuộc của Giáo Hội vào Chúa Kitô, Mặt trời mà Giáo Hội phản chiếu ánh sáng. (38) Đó là một cách diễn tả điều chính Chúa Kitô đã nói khi Người gọi mình là "ánh sáng thế gian" (Ga 8, 12) và xin các môn đệ Nguời làm "ánh sáng thế gian" (Mt 5, 14).

Đây là một nhiệm vụ đáng sợ nếu chúng ta xét đến sự yếu đuối con người chúng ta, thường làm chúng ta trì độn và đầy dẫy bóng tối. Nhưng đó là một nhiệm vụ chúng ta có thể hoàn thành nếu chúng ta quay về với ánh sáng Chúa Kitô và mở lòng chúng ta đón nhận ân sủng biến chúng ta thành một thọ tạo mới.

55. Cũng trong bối cảnh này chúng ta phải cân nhắc thách đố to lớn của cuộc đối thoại liên tôn, chúng ta còn phải dấn thân vào cuộc thách đố đó trong ngàn năm mới, giữ lòng trung với với các huấn giáo Công Đồng Vatican II. (39) Trong những năm chuẩn bị mừng Đại Toàn Xá, Giáo Hội đã cố gắng xây dựng, cách riêng qua hàng loạt những cuộc họp mặt có tính tiêu biểu cao, một quan hệ cởi mở và đối thoại với các tín đồ các tôn giáo khác. Đối thoại đó cần phải tiếp tục. Trong bầu khí đa nguyên văn hoá và tôn giáo gia tăng, như được thấy trước sẽ đánh dấu xã hội của ngàn năm mới, hiển nhiên cuộc đối thoại này sẽ đặc biệt quan trọng để thiết lập một nền tảng vững chắc cho hoà bình và ngăn chặn bóng ma dễ sợ của những chiến tranh tôn giáo đã nhiều phen làm dấy máu lịch sử nhân loại. Danh của một Chúa duy nhất phải luôn trở nên điều mà danh ấy là: một Danh của hòa bình và là một sự kêu gọi hòa bình.

56. Dầu sao, sự đối thoại không thể dựa trên chủ nghĩa trung lập tôn giáo. và chúng ta người Kitô hũu, chúng ta có bổn phận, khi dấn thân vào cuộc đối thoại, đưa ra bằng chứng rõ rệt cho niềm hy vọng trong chúng ta (x. 1 Pr 3, 15). Chúng ta không nên sợ rằng bị coi như là một xúc phạm đến căn tính của người khác điều mà đúng hơn là sự loan báo đầy vui mừng về một hồng ân cho mọi người, và được ban tặng cho mọi người với lòng tôn trọng lớn nhất sự tự do của mỗi người: hồng ân thuộc mặc khải của Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa Đấng "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình" (Ga 3, 16). Như Tuyên ngôn mới đây Dominus Jesus nhấn mạnh, điều này không thể là chủ đề của một cuộc đối thoại hiểu như là một cuộc điều đình, dường như chúng ta coi đó là một vấn đề tư tưởng thuần tuý mà thội, đó là một ân sủng làm chúng ta đầy vui mừng, một sứ điệp chúng ta còn bổn phận loan báo.

Do đó Giáo Hội không thể từ bỏ hoạt động truyền giáo của mình giữa các dân tộc trên thế giới. Nhiệm vụ đầu tiên của sứ mệnh truyền giáo là loan báo trong Chúa Kitô, "là Đường, là sự Thật và là sự Sống" (Ga 14, 6), người ta mới gặp được ơn cứu rỗi. Sự đối thoại liên tôn "không thể thay thế cách đơn giản sự loan báo, nhưng phải hướng về sự loan báo". (40) Hơn nữa nhiệm vụ truyền giáo này không ngăn trở chúng ta tiến hành cuộc đối thoại với một thái độ ước muốn sâu xa để nghe. Chúng ta biết trên thực tế rằng, trước mầu nhiệm ân sủng, vô cùng đầy những sự có thể và những hàm ý cho sự sống nhân bản và lịch sử, chính Giáo Hội không bao giờ thôi đặt những câu hỏi, tin cậy trong sự trợ giúp của Đấng An Ủi, Thần Khí của sự Thật (x. Ga 14, 17), Đấng có nhiệm vụ hướng dẫn Giáo Hội "vào trong tất cả chân lý" (Ga 16, 13).

Đây là nguyên lý cơ bản không những cho sự nghiên cứu thần học mãi mãi về chân lý Kitô giáo, nhưng cũng cho sự đối thoại Kitô giáo với những triết học, văn hoá và tôn giáo khác. Trong kinh nghiệm chung của nhân loại, vì tất cả những mâu thuẫn của nó, Thần Khí Chúa, Đấng "thổi đâu thì thổi" (Ga 3, 8), thường mặc khải những dấu chỉ sự hiện diện của Người để giúp các môn đệ Chúa Kitô thấu hiểu hơn sứ điệp họ mang đi. Không phải với sự cởi mở khiêm tốn và đầy tin tưởng này mà Công Đồng Vatican II tìm đọc nhũng dấu chỉ của thời đại, hay sao"? Cho dầu Giáo Hội dấn thân vào một sự nhận định tích cực và tỉnh thức nhằm hiểu những "dấu chỉ đích thực của sự hiện diện hay của ý muốn của Chúa", (42) Giáo Hội biết rằng mình không những đã cho mà thôi, nhưng cũng đã nhận lãnh từ lịch sử và từ sự phát triển của nhân loại". (43) Thái độ cởi mở này, phối hợp với sư nhận định cẩn thận, cũng được Công Đồng chấp nhận trong liên quan với các tôn giáo khác. Nhiệm vụ chúng ta là hết mực trung thành theo huấn giáo Công Đồng và đường lối Công Đồng đã vạch sẵn.

Trong Ánh Sáng Công Đồng

57. Thưa anh chị em thân yêu, thật là một kho tàng trong những chỉ dẫn Công Đồng đã cung cấp cho chúng ta ! Vì lẽ này, tôi đã xin Giáo Hội, như một cách thức chuẩn bị Năm Đại Toàn Xá, xét mình về sự đón nhận Công Đồng. (44) Có làm được điều này chăng ? Đại Hội họp ở đây tại Vatican là một thời gian suy nghĩ như thế, và tôi hy vọng những cố gắng tương tự cũng được thực hiện nhiều cách trong tất cả các Giáo Hội địa phương. Với năm tháng qua đi, những tài liệu Công Đồng không mất chút gì về giá trị và sự rực rỡ của mình. Những tài liệu đó cần được đọc kỹ lưỡng, để được hiểu sâu rộng hơn và nằm lòng như là những bản văn quan trọng và thành tiêu chuẩn của Huấn Quyền, bên trong Truyền thống Giáo Hội. Bây giờ Năm Thánh đã chấm dứt, tôi cảm thấy có trách nhiệm hơn bao giờ hết nhắc lại Công Đồng như là một ân sủng vĩ đại ban cho Giáo Hội trong thế kỷ 20: ở đó chúng ta gặp ng. Mỗi ngày Chúa Nhật, dường như một lần nữa Chúa Kitô Phục Sinh xin chúng ta hợp với Người tại Lầu Trên nơi, buổi chiều "ngày thứ nhất trong tuần" (Ga 20, 19) Người đã hiện ra với các môn đệ để "thổi" trên các ông Thần Khí ban sự sống và tung các ông ra trong cuộc phiêu lưu cả thể là rao giảng Tin Mừng.

Trong cuộc hành trình này chúng ta được Đức Trinh Nữ Rất Thánh đi cùng, cách đây vài tháng, trước sự hiện diện một số đông Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới họp tại Roma, tôi đã dâng Ngàn Năm Thứ Ba cho Mẹ. Trong năm này tôi đã thường kêu cầu Người như "Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hoá". Bây giờ tôi lại chỉ về Đức Maria như là bình minh sáng chói và như người dẫn bước chúng ta cách chắc chắn. Một lần nữa, lập lại những lời nói của Chúa Giêsu và lên tiếng thay cho tình con thảo của toàn thể Giáo Hội, tôi thưa với Người: "Thưa Bà, nầy là con Bà" (x. Ga 19, 26).

59. Anh chị em thân mến ! Biển hiệu Cửa Thánh bây giờ đóng lại sau lưng chúng ta, nhưng chỉ để mở rộng hơn Cửa Hằng Sống là Chúa Kitô. Sau sự nhiệt tình của Năm Thánh, không phải chúng ta trở lại thói quen không thú vị hằng ngày. Ngược lại, nếu cuộc hành trình của chúng ta là chính đáng, nó phải nối dài, nói được, đôi chân chúng ta để làm cuộc hành trình tới trước nữa. Chúng ta cần bắt chước sự sốt sắng của Thánh Tông Đồ Phaolô : "Lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được ngươi kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu" (Pl 3, 13-14). Cùng nhau, tất cả chúng ta phải bắt chước sự chiêm ngắm của Đức Maria, Người trở về nhà Nadareth sau cuộc hành hương đến thành thánh Giêrusalem, tích trữ trong lòng mình mầu nhiệm về Con mình (x. Lc 2, 51).

Chúa Giêsu Phục sinh đồng hành với chúng ta trên con đường đi của chúng ta và cho chúng ta khả năng nhận ra Người, như các môn đệ đi thành Emmaus đã được, "trong lúc bẻ bánh" (Lc 24, 35). Ước gì Người gặp chúng ta đang tỉnh thức, sẵn sàng nhận ra khuôn mặt Người và chạy báo tin cho các anh chị em chúng ta tin vui : "Chúng tôi đã thấy Chúa !" (Ga 20, 25).

Đó là hoa quả đáng ước ao hơn hết của Năm Thánh 2000, Năm Thánh đặt cách sống động trước mắt chúng ta, một lần nữa, mầu nhiệm Chúa Giêsu Nadareth, Người Con Thiên Chúa và Đấng Cứu chuộc loài người.

Bây giờ khi Năm Thánh kết thúc và hướng chúng ta về tương lai của hy vọng, ước chi sự ca tụng và tạ ơn của toàn thể Giáo Hội cất lên tới Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

Với lòng mong ước này, tôi ban cho tất cả các vị Phép Lành chân tình nhất của tôi.

Vatican, ngày 06 tháng 01, lễ Hiển Linh, năm 2001, năm 23 triều Giáo Hoàng của tôi.

Gioan Phaolô II

Chú thích:

  1. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Pastoral Office of Bishops in the Church Christus Dominus, 11.
  2. Bull Incarnationis Mysterium, 3: AAS 91 (1999), 132.
  3. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 8.
  4. De Civitate Dei, XVIII, 51, 2: PL 41, 614; cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 8.
  5. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.
  6. "Ignoratio enim Scripturarum ignoratio Christi est": Commentarii in Isaiam, Prologue: PL 24, 17.
  7. "Following the holy Fathers, unanimously, we teach and confess one and the same Son, our Lord Jesus Christ, perfect in his divinity and perfect in his humanity, true God and true man ... one and the same Christ the Lord, the only-begotten, to be recognized in two natures, without confusion, immutable, indivisible, inseparable ... he is not divided or separated in two persons, but he is one and the same Son, the only-begotten, God, Word and Lord Jesus Christ": DS 301-302.
  8. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22.
  9. Last Conversations. Yellow Booklet (6 July 1897): Euvres compltes (Paris, 1996), p. 1025.
  10. Saint Cyprian, De Oratione Dominica, 23: PL 4, 553; cf. Lumen Gentium, 4.
  11. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 40.
  12. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 10.
  13. John Paul II, Apostolic Letter Dies Domini (31 May 1998), 19: AAS 90 (1998), 724.
  14. Tertullian, Apologeticum, 50, 13: PL 1, 534.
  15. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.
  16. Manuscript B, 3vo: Euvres compltes (Paris, 1996), p. 226.
  17. Regula, III, 3: "Ideo autem omnes ad consilium vocari diximus, quia saepe iuniori Dominus revelat quod melius est".
  18. "De omnium fidelium ore pendeamus, quia in omnem fidelem Spiritus Dei spirat": Epistola 23, 36 to Sulpicius Severus: CSEL 29, 193.
  19. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 31.
  20. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Apostolate of the Laity Apostolicam Actuositatem, 2.
  21. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 8.
  22. Second Vatican Ecumenical Council, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22.
  23. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 34.
  24. Thus, for example, SAINT AUGUSTINE: "Luna intellegitur Ecclesia, quod suum lumen non habeat, sed ab Unigenito Dei Filio, qui multis locis in Sanctis Scripturis allegorice sol appellatus est": Enarrationes in Psalmos, 10, 3: CCL 38, 42.
  25. Congregation for the Evangelization of Peoples and Pontifical Council for Interreligious Dialogue, Instruction on the Proclamation of the Gospel and Interreligious Dialogue Dialogue and Proclamation: Reflections and Orientations (19 May 1991), 82: AAS 84 (1992), 444.

Cf. Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (10 November 1994), 36: AAS 87 (1995), 28.