TÔNG THƯ DIES DOMINI
(NGÀY CỦA CHÚA)
CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
Gửi Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ và Tín Hữu
thuộc Giáo Hội Công Giáo
về Việc Giữ Ngày Của Chúa Thánh Hảo
Ngày 31 Tháng 05 Năm 1998
***
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
***
Chư Huynh quí mến trong hàng Giáo Phẩm và hàng Linh Mục,
Anh Chị Em thân mến!
1. Ngày của Chúa – được gọi là Chúa Nhật từ thời các Tông Đồ (1) – hằng được đặc biệt chú trọng tới trong lịch sử của Giáo Hội vì mối liên hệ chặt chẽ của ngày này với chính cốt lõi của mầu nhiệm Kitô giáo. Thật vậy, trong việc tính toán theo thời gian hằng tuần thì Chúa Nhật nhắc nhở đến ngày Phục Sinh của Chúa Kitô. Đó là Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần tái diễn, cử hành việc Chúa Kitô chiến thắng tội lỗi và sự chết, hoàn tất nơi Người việc tạo dựng tiên khởi và rạng đông của “cuộc tân tạo” (x 2Cor 5:17). Đó là ngày nhắc nhở bằng việc tôn thờ tri ân cảm tạ ngày đầu tiên của thế giới và hướng về trong niềm hy vọng tích cực “ngày cuối cùng”, lúc Chúa Kitô đến trong vinh quang (cf. Acts 1:11; 1 Th 4:13-17) cũng là lúc tất cả mọi sự được đổi mới (x Rev 21:5).
Bởi vậy, thật là xác đáng áp dụng tiếng kêu của Thánh Vịnh Gia vào Chúa Nhật: “Đây là ngày Chúa đã làm nên: chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ trong ngày ấy” (Ps 118:24). Lời mời gọi hãy hân hoan mừng rỡ này, một lời mời gọi phụng vụ Lễ Phục Sinh sử dụng, phản ảnh cái ngỡ ngàng bàng hoàng xẩy ra cho những người phụ nữ, sau khi chứng kiến cuộc tử giá của Chúa Kitô, thấy ngôi mộ trống lúc họ ra đó vào “tảng sáng của ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2). Đó là một lời mời gọi hãy tái diêãn một cách nào đó cảm nghiệm của hai người môn đệ về làng Emmau, những vị cảm thấy lòng mình “bừng lên” khi Đấng Phục Sinh bước đi với họ trên đường, dẫn giải Thánh Kinh và tỏ mình ra ở việc “bẻ bánh” (x Lk 24:32,35). Lời mời gọi ấy cũng vang vọng niềm vui, thoạt tiên ngờ ngợ rồi sau đó hớn hở, mà các Vị Tông Đồ cảm thấy vào buổi tối cùng ngày hôm đó, khi các vị được Chúa Giêsu Phục Sinh viếng thăm và lãnh nhận tặng ân bình an cùng Thần Linh của Người (cf. Jn 20:19-23).
2. Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu là biến cố nền tảng cho đức tin Kitô giáo (x 1Cor 15:14). Biến cố này là một thực tại kinh hoàng, một thực tại chỉ được thấu triệt trong ánh sáng đức tin, tuy nhiên cũng là một thực tại được chứng thực theo lịch sử, bởi những người được diễm hạnh thấy Chúa Phục Sinh. Cuộc phục sinh này là một biến cố kỳ diệu chẳng những hoàn toàn độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, mà còn ở ngay chính tâm điểm của mầu nhiệm thời gian. Thật vậy, “tất cả thời gian đều thuộc về (Chúa Kitô) và tất cả mọi thế hệ”, như phụng vụ gợi lên trong Lễ Vọng Phục Sinh nhắc nhở để bắt đầu thắp Cây Nến Phục Sinh. Vì thế, trong việc tưởng niệm ngày Phục Sinh của Chúa Kitô chẳng những mỗi năm một lần mà còn vào mỗi Chúa Nhật, Giáo Hội muốn nói với hết mọi thế hệ về cái điểm tựa thực sự của lịch sử mà mầu nhiệm về nguồn gốc của thế giới cũng như về định mệnh cuối cùng của nó qui về.
Thế nên, thật là chính đáng khi cho rằng, theo những lời của một bài giảng ở thế kỷ thứ 4, “Ngày của Chúa” là “chúa của mọi ngày” (2). Những ai đã được ơn tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh không thể không thấu triệt được tính cách quan trọng của ngày này trong tuần, bằng cùng một cảm xúc thấm thía đã khiến Thánh Giêrônimô phải nói rằng: “Chúa Nhật là ngày Phục Sinh, đó là ngày của Kitô hữu, đó là ngày của chúng ta” (3). Đối với Kitô hữu, Chúa Nhật là “ngày lễ chính yếu” (4), được thiết lập chẳng những để đánh dấu việc liên tục của thời gian mà còn để cho thấy ý nghĩa sâu xa hơn nữa của thời gian.
3. Tầm quan trọng chính yếu của Chúa Nhật đã được nhìn nhận qua hai ngàn năm lịch sử và đã được Công Đồng Chung Vaticanô II tái nhấn mạnh rằng: “Cứ mỗi bảy ngày Giáo Hội lại cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Đây là một truyền thống từ thời các Tông Đồ, bắt nguồn từ chính ngày Phục Sinh của Chúa Kitô – một ngày bởi đó đáng được gọi là ‘Ngày của Chúa’” (5). Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng này một lần nữa khi ngài phê chuẩn bản tân Lịch Chung Rôma cùng với Những Qui Tắc Phổ Quát ấn định bậc lễ của Phụng Niên (6). Việc tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba, một việc kêu gọi tín hữu hãy suy tư về giòng lịch sử trong ánh sáng Chúa Kitô, cũng là việc kêu gọi họ hãy tái nhận thức một cách mãnh liệt một lần nữa ý nghĩa của Chúa Nhật, về “mầu nhiệm” của ngày này, về việc cử hành ngày này, về tầm quan trọng của ngày này với Kitô hữu cũng như với sự sống con người.
Tôi lấy làm hài lòng nhận thấy rằng trong những năm tháng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đề tài quan trọng này đã thúc đẩy chẳng những nhiều thứ nhắc nhở bởi Chư Huynh Giám Mục thân mến với tư cách là thày dạy đức tin, mà còn cả những phương sách về mục vụ khác nhau được chư huynh, với sự trợ giúp của hàng giáo sĩ của mình, phác họa ra một mình hay chung nhau. Trước ngưỡng cửa của Đại Năm Thánh 2000, tôi muốn cống hiến cho chư huynh Bức Tông Thư này để nâng đỡ những nỗ lực mục vụ của chư huynh ở lãnh vực hệ trọng này. Thế nhưng, đồng thời tôi cũng muốn hướng về tất cả anh chị em tín hữu của Chúa Kitô như thể tôi đã hiện diện về tinh thần nơi tất cả mọi cộng đồng mà anh chị em qui tụ lại quanh các Vị Mục Tử của mình vào mỗi Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể và “Ngày của Chúa”. Nhiều điều nhận thức và trực giác gợi ý trong Bức Tông Thư này đã được phát triển từ việc phục vụ của tôi khi còn làm giám mục ở Krakow, cũng như từ thời gian tôi lãnh nhận thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma khi đến viếng thăm các giáo xứ ở Rôma một cách thường lệ vào các Chúa Nhật khác mùa trong Phụng Niên. Tôi thấy Bức Thư này như những gì tiếp tục việc trao đổi một cách sống động mà tôi luôn cảm thấy vui thích khi thực hiện với tín hữu, như tôi chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa của Chúa Nhật và nhấn mạnh đến lý do sống Chúa Nhật như “Ngày của Chúa” thực sự, cũng như trong những hoàn cảnh thay đổi của thời đại chúng ta đây.
4. Cho đến mới đây vẫn còn dễ dàng giữ Chúa Nhật thánh hảo ở những xứ sở Kitô Giáo truyền thống, vì nó là một việc thực hành hầu như phổ quát, cũng như vì, ngay cả ở tổ chức xã hội dân sự, việc nghỉ ngơi Chúa Nhật được coi là một phần cố định của chương trình làm việc. Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả ở những xứ sở theo pháp lý chấp thuận tính chất ngày lễ của Chúa Nhật, thì những đổi thay ở những điều kiện về kinh tế xã hội cũng thường gây ra những cải biến sâu xa nơi tác hành về xã hội, bởi đó nơi cả tính chất của Chúa Nhật. Tục lệ về một thứ “cuối tuần” đã trở nên thông dụng hơn, một gian đoạn nghỉ ngơi hằng tuần, được sống có thể xa nhà và thường tích cực tham gia vào những sinh hoạt về văn hóa, chính trị hay thể thao là những sinh hoạt thường được tổ chức vào các ngày nghỉ. Hiện tượng về xã hội và văn hóa này không phải là không có những khía cạnh tích cực của nó, nếu, trong khi tôn trọng những giá trị thực sự, nó góp phần vào việc phát triển của con người cũng như vào việc thăng tiến đời sống xã hội nói chung. Tất cả những sinh hoạt ấy chẳng những đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, mà còn cả nhu cầu mừng vui vốn có nơi nhân tính của chúng ta. Tiếc thay, khi Chúa Nhật mất đi ý nghĩa chính yếu của mình và trở thành một phần thuần túy của một “cuối tuần”, thì vấn đề xẩy ra là con người tự giam mình trong một chân trời hạn hẹp đến nỗi họ không còn thấy được “các tầng trời” nữa (7). Bởi thế, mặc dù muốn vui mừng mà họ vẫn thực sự không thể nào làm được điều này.
Tuy nhiên, thành phần môn đệ của Chúa Kitô được yêu cầu tránh đi bất cứ lẫn lộn nào giữa việc cử hành Chúa Nhật, một cử hành phải thực sự trở thành cách thức giữ Ngày của Chúa thánh hảo, với việc mừng vui “cuối tuần” được hiểu như một thời gian thuần túy để nghỉ ngơi và xả hơi. Điều này cần phải có một mức độ trưởng thành thực sự về tâm linh là những gì khiến Kitô hữu có thể “trở thành những gì họ là”, hoàn toàn hợp với tặng ân đức tin, lúc nào cũng sẵn sàng chứng tỏ niềm hy vọng nơi họ (x 1Pt 3:15). Có thế, họ mới tiến được đến chỗ hiểu biết sâu xa hơn Chúa Nhật, nhờ đó, ngay cả trong những trường hợp khó khăn, họ vẫn có thể sống hoàn toàn dễ dậy với Thánh Linh.
5. Theo quan điểm ấy thì tình hình này dường như xẩy ra một cách hỗn hợp. Một đàng thì có gương mẫu của một số Giáo Hội trẻ cho thấy họ có thể cử hành Chúa Nhật một cách sốt sắng ra sao, dù ở các vùng phố thị hay ở các làng mạc rải rác khắp nơi. Trái lại, ở những miền đất khác trên thế giới, vì áp lực của xã hội như đã được đề cập tới, mà có lẽ vì động lực đức tin yếu kém, tỷ số tham dự phụng vụ Chúa Nhật rất là thấp. Trong tâm trí của nhiều tín hữu, chẳng những cảm quan về vai trò trọng yếu của Thánh Thể, mà thậm chí ngay cả cảm quan về nhiệm vụ cần phải tri ân cảm tạ Chúa và cùng với kẻ khác nguyện cầu với Người trong cộng đồng Giáo Hội, là những gì dường như đang bị suy giảm.
Sự thật cũng xẩy ra, cả ở các xứ sở truyền giáo cũng như ở những xứ sở được truyền bá phúc âm hóa lâu đời, tình trạng thiếu thốn linh mục khiến cho việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật không thể được luôn bảo đảm ở hết mọi cộng đồng dân Chúa.
6. Trước tình trạng bố trận của những tình hình mới này cũng như những vấn nạn bởi đó mà ra, hơn bao giờ cần phải phục hồi những nền tảng tín lý sâu xa làm nền cho luật định của Giáo Hội, nhờ đó giá trị vĩnh tồn của Chúa Nhật nơi đời sống Kitô hữu được sáng tỏ đối với tất cả mọi tín hữu. Để làm việc này, chúng ta hãy theo truyền thống cổ truyền của Giáo Hội, một truyền thống được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ lập lại trong giáo huấn của mình về Chúa Nhật “Các tín hữu Kitô giáo cần phải qui tụ lại để tưởng niệm cuộc khổ nạn, Phục Sinh và hiển vinh của Chúa Giêsu, bằng việc nghe Lời Chúa và chia sẻ Thánh Thể, cũng như để tạ ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban cho họ tặng ân tái sinh vào một niềm hy vọng sống động nhờ Việc Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh từ kẻ chết (x 1Pt 1:3)” (8).
7. Phận sự giữ Chúa Nhật thánh hảo, nhất là bằng việc tham phần vào Thánh Thể, cũng như bằng việc nghỉ ngơi trong một tinh thần vui mừng và huynh đệ Kitô giáo, có thể dễ dàng hiểu được nếu chúng ta để ý tới những khía cạnh khác nhau của ngày này, những khía cạnh cần chúng ta chú trọng đến trong bức Tông Thư này.
Chúa Nhật là một ngày ở ngay chính cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Từ đầu Giáo Triều của mình, tôi đã không thôi lập lại rằng: “Đừng sợ! Hãy cởi mở, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” (9). Cũng thế, hôm nay đây tôi cũng hết sức xin mọi người hãy tái nhận thức Chúa Nhật: Đừng sợ hiến thời giờ của anh chị em cho Chúa Kitô! Phải, chúng ta hãy mở thời gian của chúng ta cho Chúa Kitô, để Người chiếu ánh sáng lên nó và hướng dẫn nó. Người là Đấng biết được cái bí mật của thời gian và bí mật của vĩnh hằng, và Người ban cho chúng ta “ngày của Ngài” như một tặng ân hằng mới mẻ của tình Ngài yêu thương. Việc tái nhận thức về ngày này là một ân huệ chúng ta cần phải van nài, chẳng những để chúng ta có thể sống những đòi hỏi của đức tin một cách toàn vẹn, mà còn để chúng ta có thể đáp ứng một cách cụ thể những khát vọng sâu xa nhất của con người. Thời gian được hiến cho Chúa Kitô sẽ không bao giờ là một thời gian bị mất mát cả, mà là một thời gian chiếm hữu, nhờ đó, các mối liên hệ của chúng ta, đúng hơn cả đời sống của chúng ta càng trở nên nhân bản thực sự hơn nữa.
Chương I
Việc Cử Hành Công Cuộc của Đấng Hóa Công
“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Jn 1:3)
8. Đối với Kitô hữu thì Chúa Nhật trước hết là việc cử hành Phục Sinh, một cử hành hoàn toàn được rạng ngời bởi vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Đó là một ngày lễ của “việc tân tạo”. Tuy nhiên, khi được hiểu một cách sâu xa thì khía cạnh này bất khả tách rời khỏi những gì được những trang sách đầu tiên của Thánh Kinh cho chúng ta biết về dự án của Thiên Chúa nơi việc tạo thành thế giới. Quả thực Lời đã hóa thành nhục thể khi “thời gian viên trọn” (Gal 4:4); thế nhưng, theo mầu nhiệm về căn tính là Người Con hằng hữu của Cha, thì Người cũng thực sự là nguyên thủy và là cùng tận của vũ trụ này. Như Thánh Gioan viết trong Lời Mở Đầu Phúc Âm của mình: “Nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành, không có Người chẳng có gì thành sự” (1:3). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đến điều ấy khi viết cho Kitô hữu giáo đoàn Colosê rằng: “Nơi Người tất cả mọi sự được tạo thành, cả trên trời lẫn dưới thế, cả hữu hình lẫn vô hình… Tất cả mọi sự đều được tạo dựng nên nhờ Người và cho Người” (1:16). Sự hiện diện chủ động này của Người Con nơi công việc tạo dựng của Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm được Chúa Kitô, khi sống lại “như những hoa trái đầu mùa của thành phần đã yên nghỉ” (1Cor 15:20), đã thực hiện một cuộc tân tạo và bắt đầu tiến trình mà chính Người sẽ làm hoàn tất khi Người trở lại trong vinh quang để “trao vương quốc cho Thiên Chúa là Cha…, hầu Thiên Chúa là mọi sự cho hết mọi người” (1Cor 15:24,28).
Bởi thế, ngay từ rạng đông của cuộc tạo thành, dự án của Thiên Chúa đã bao hàm “sứ vụ vũ trụ” của Chúa Kitô rồi. Cái bối cảnh có Chúa Kitô làm tâm điểm này, bao gồm toàn thể vòng thời gian, một bối cảnh được tràn đầy ánh mắt hài lòng của Thiên Chúa, ở chỗ, sau khi hoàn tất mọi việc mình làm, Ngài “đã chúc lành cho ngày thứ bảy và làm cho ngày này trở thành một ngày thánh hảo” (Hen 2:3). Theo vị tác giả Tư Tế viết về câu truyện tạo dựng đầu tiên của Thánh Kinh thì “Ngày Hưu Lễ” được bắt đầu từ đó, làm nên đặc tính của Giao Ước đầu tiên, và một cách nào đó, cũng báo trước cả ngày linh thánh của Giao Ước mới cuối cùng nữa. Đề tài về “Thiên Chúa nghỉ ngơi” (x Gen 2:2), cùng với những gì còn lại, được vị tác giả này cống hiến cho thành phần dân Xuất Ai Cập khi họ tiến vào Đất Hứa (x Ex 33:14; Deut 3:20, 12:9; Jos 21:44; Ps 95:11), đều được đọc lại nơi Tân Ước theo chiều hướng của “nghỉ ngơi Ngày Hưu Lễ” sau hết (Heb 4:9) được chính Chúa Kitô tiến vào bằng cuộc Phục Sinh của Người. Dân Chúa được kêu gọi tiến vào cùng một cuộc nghỉ ngơi ấy bằng việc kiên trì theo gương thảo hiếu tuân phục của Chúa Kitô (x Heb 4:3-16). Bởi thế, để thấu triệt được ý nghĩa của Chúa Nhật, chúng ta phải đọc lại câu truyện tạo dựng quan trọng và đào sâu kiến thức của mình về thần học của “Ngày Hưu Lễ”.
“Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất” (Gen 1:1)
9. Kiểu cách thi ca của câu truyện Khởi Nguyên chuyên chở rõ ràng nỗi bàng hoàng nơi con người trước cái bao la vĩ đại của việc tạo thành cùng với cảm quan tôn vinh bởi đó mà ra đối với Đấng đã từ hư không làm cho tất cả mọi sự hiện hữu. Nó là một câu truyện đầy ý nghĩa về tôn giáo, một bài thánh ca dâng lên Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, hướng về Ngài như vị Chúa duy nhất đối với những khuynh hướng liên diễn muốn thần linh hóa chính thế giới. Nó đồng thời cũng là một bài thánh ca về những điều tốt lành của việc tạo dựng, tất cả đều được hình thành bởi bàn tay toàn năng và xót thương của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa thấy rằng tốt lành” (Gen 1:10,12 v.v.). Bằng việc phân cách câu truyện tạo dựng này, câu điệp khúc ấy chiếu giãi một ánh sáng tích cực trên mọi yếu tố của vũ trụ và cho thấy cái bí mật để hiểu được một cách xác đáng vũ trụ cũng như việc từ từ sinh xuất của nó, một thế giới tốt lành ở chỗ nó vẫn gắn bó với nguồn gốc của nó, và sau khi bị làm méo mó đi bởi tội lỗi, nó lại trở thành tốt lành bởi sự trợ giúp của ân sủng, và qui về cho Đấng đã dựng nên nó. Hiển nhiên là tiến trình này trực tiếp liên quan đến những vật vô hồn cũng như những con thú vật mà là đến con người là loài được ban cho một tặng ân khôn sánh cùng với cái nguy cơ tự do. Liên sau những câu truyện về việc tạo dựng, Thánh Kinh nhấn mạnh đến tình trạng tương phản giữa cái cao cả của con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, với việc sa ngã của con người là những gì tuôn vào thế giới bóng tối của tội lỗi và sự chết (x Gen 3).
10. Thực sự xuất hiện từ bàn tay Thiên Chúa, vũ trụ mang dấu vết tốt lành của Ngài. Nó là một thế giới đẹp đẽ, thật sự đáng cho chúng ta khen ngợi và hân hoan, thế nhưng đồng thời cũng kêu gọi chúng ta thực hiện việc vun trồng và phát triển. Vào lúc “hoàn tất” của việc Thiên Chúa làm, thế giới này sẵn sàng để cho con người hoạt động. “Vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất công việc Ngài đã thực hiện, và Ngài nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy sau khi làm xong tất cả những việc Ngài đã thực hiện” (Gen 2:2). Với hình ảnh nhân thể này nơi “công việc” của Thiên Chúa, Thánh Kinh chẳng những cống hiến cho chúng ta một cái thoáng nhìn về mối liên hệ nhiệm mầu giữa Đấng Hóa Công và thế giới tạo thành, mà còn chiếu giãi ánh sáng trên việc làm của con người liên quan đến vũ trụ nữa. “Công việc” của Thiên Chúa một cách nào đó là mô phạm cho con người, một con người được kêu gọi chẳng những để sống ở vũ trụ mà còn để “xây dựng” nó, nhờ đó họ trở thành “cộng sự viên” của Thiên Chúa. Như tôi đã viết trong Thông Điệp Laborem Exercens, những chương đầu tiên của Sách Khởi Nguyên ở một nghĩa nào đó làm nên “cuốn phúc âm làm việc” đầu tiên (10). Đây là một sự thật cũng được Công Đồng Chung Vaticanô II đề cào: “Được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người được ủy thác cho việc làm chủ trái đất cùng với tất cả những gì nó chất chứa, cho việc cai trị thế giới trong công chính và thánh đức, và, khi nhận biết Thiên Chúa là đấng tạo thành tất cả mọi sự, cho việc qui chính bản thân mình cùng tất cả mọi sự về Thiên Chúa, để, khi mọi sự thuận phục Thiên Chúa, thánh danh Thiên Chúa được tôn vinh trên toàn thể trái đất” (11)
Việc tiến bộ vượt bực của khoa học, kỹ thuật và văn hóa ở những hình thức khác nhau – một thứ phát triển nhanh chóng chưa từng có mà thậm chí ngày nay còn choáng ngợp nữa – là thành quả về lịch sử của sứ vụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người nam nữ công việc và trách nhiệm lan tràn khắp trái đất và làm chủ nó bằng hoạt động của mình khi tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.
“Ngày Hưu Lễ”: Việc nghỉ ngơi vui vẻ của Đấng Hóa Công
11. Nếu trang đầu tiên của Sách Khởi Nguyên cho thấy “việc làm” của Thiên Chúa như là một mẫu gương cho con người thì “việc nghỉ ngơi” của Thiên Chúa cũng thế: “Vào ngày thứ bảy Thiên Chúa hoàn tất công việc Ngài đã thực hiện” (Gen 2:2). Cả ở đây nữa chúng ta thấy được thuyết nhân thể học đầy những ý nghĩa.
Thật là vô nghĩa khi giải thích “việc nghỉ ngơi” của Thiên Chúa như là một thứ “bất động” thần linh. Tự bản chất của mình, tác động tạo dựng làm nên thế giới là tác động liên lỉ không ngừng nghỉ và Thiên Chúa bao giờ cũng hoạt động, như chính Chúa Giêsu tuyên bố khi nói về qui định của Ngày Hưu Lễ: “Cha Tôi vẫn còn làm việc cho tới nay, và Tôi cũng đang làm việc” (Jn 5:17). Việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy không ám chỉ một Vị Thiên Chúa bất động, mà là nhấn mạnh đến tầm mức trọn vẹn của những gì Ngài đã hoàn thành. Nó thực sự nói về việc Thiên Chúa ngắm nghía trước công việc “rất tốt đẹp” (Gen 1:31) do tay Ngài làm nên, để ngắm nhìn nó bằng một ánh mắt tràn đầy vui thú. Đó là một ánh mắt “ngắm nghía” không phải những gì mới hoàn thành mà là hoan hưởng vẻ đẹp của những gì đã đạt được. Đó là ánh mắt Thiên Chúa nhìn ngắm tất cả mọi sự, đặc biệt là con người là vinh quang của thiên nhiên tạo vật. Đó là ánh mắt cho thấy một cái gì đó có bóng dáng phối ngẫu của mối liên hệ Thiên Chúa muốn thiết lập với tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, bằng cách kêu gọi loài tạo vật ấy tham dự vào giao ước yêu thương. Đó là những gì Thiên Chúa dần dần hoàn tất, trong việc cống hiến ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại nơi giao ước cứu độ với dân Do Thái được hoàn tất nơi Chúa Kitô. Chính Lời Nhập Thể, qua tặng ân Thánh Thần cánh chung cũng như qua hình tượng của Giáo Hội là Thân Thể và là Hiền Thê của mình, là Đấng sẽ ban phát cho cả loài người tặng ân thương xót và ơn gọi của tình yêu Chúa Cha.
12. Nơi dự án của Đấng Hóa Công, có cả sự phân biệt lẫn liên hệ mật thiết giữa lãnh vực tạo sinh và lãnh vực cứu độ. Điều này được nhấn mạnh đến trong Cựu Ước, khi nó liên kết mệnh lệnh về “ngày hưu lễ” chẳng những với “việc nghỉ ngơi” mầu nhiệm của Thiên Chúa sau những ngày Ngài tạo dựng (x Ex 20:8-11), mà còn với ơn cứu độ được Ngài ban cho dân Do Thái nơi việc giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập nữa (x Deut 5:12-15). Vị Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, hân hoan nơi việc tạo thành của mình, cũng chính là Vị Thiên Chúa tỏ vinh quang của mình ra nơi việc giải thoát con cái của mình khỏi việc đàn áp của Pharaon. Người ta có thể nói rằng nơi cả hai trường hợp Thiên Chúa đều tỏ mình ra như là chàng rể trước cô dâu (x Hos 2:16-24; Jer 2:2; Is 54:4-8), khi họ chấp nhận hình ảnh vốn được các vị Tiên Tri yêu thích.
Như một số yếu tố nơi cùng truyền thống Do Thái cho thấy (12), để tiến đến tâm điểm của “ngày hưu lễ”, “ngày nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, chúng ta cần nhận thấy nơi cả Cựu Ước lẫn Tân Ước tính chất phối ngẫu mãnh liệt đánh dấu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Tiên tri Hosea chẳng hạn đã diễn tả nó ở đoạn văn tuyệt vời như sau: “Vì các ngươi, Ta sẽ thực hiện một giao ước với các hoang thú đồng nội, chim trời trên không trung, và các thứ bò trên đất; và Ta sẽ hủy bỏ cung tên, gươm kiếm, và chiến tranh khỏi mặt đất; rồi Ta sẽ khiến cho các ngươi nằm xuống trong an toàn. Và Ta sẽ vĩnh viễn đính hôn với các ngươi; Ta sẽ đính hôn với các ngươi trong công minh chính trực, trong yêu thương bền vững và trong xót thương. Ta sẽ đính hôn với các ngươi trong thủy chung; và các người sẽ nhận biết Chúa” (2:18-20).
“Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này” (Gen 2:3)
13. Chỉ thị giữ Ngày Hưu Lễ, một chỉ thị trong Giao Ước đầu tiên sửa soạn cho Chúa Nhật của Giao Ước mới vĩnh viễn, bởi thế được bắt nguồn sâu xa trong dự án của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, không giống như các chỉ thị khác, nó không ở trong phần qui định triệt để về vấn đề tôn sùng kính bái mà là trong phần Thập Giới, “10 chữ” tiêu biểu cho chính những cột trụ của đời sống luân lý được ghi khắc nơi tâm can con người. Trong việc đặt để mệnh lệnh này trong phần cấu trúc căn bản của đạo lý, dân Do Thái rồi sau đó tới Giáo Hội đều tuyên xưng rằng mình coi nó không phải chỉ là vấn đề luật phép tôn giáo của cộng đồng mà là một biểu lộ rõ ràng bất khả tẩy xóa nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, một biểu lộ được loan báo và dẫn giải bởi mạc khải thánh kinh. Đó là quan niệm mà Kitô hữu cần tái nhận thức nơi nó mệnh lệnh này hôm nay đây. Cho dù chỉ thị này có thể tự nhiên trùng hợp với nhu cầu nghỉ ngơi của con người đi nữa, duy đức tin mới có thể đi sâu vào ý nghĩa của nó và bảo đảm được rằng nó không trở thành những gì là rỗng tuyếch và tầm phào.
14. Thế nên, trước hết, Chúa Nhật là ngày của sự nghỉ ngơi, vì nó là ngày được Thiên Chúa “chúc phúc” và được Ngài “thánh hóa”, một ngày được tách biệt hẳn với các ngày khác để trở thành “Ngày của Chúa” trong tất cả những ngày ấy.
Để thấu triệt được những gì được trình thuật đầu tiên của thánh kinh về việc tạo dựng muốn nói đến nơi vấn đề giữ Ngày Hữu Lễ “thánh hảo”, chúng ta cần cứu xét đến cả câu truyện là những gì cho thấy rõ ràng làm thế nào mà hết mọi thực tại, không trừ một thực tại nào, đều phải qui về Thiên Chúa. Thời gian và không gian đều thuộc về Ngài. Ngài không phải là Vị Thiên Chúa của một ngày duy nhất, mà là Vị Thiên Chúa của tất cả mọi ngày nhân loại sống.
Bởi thế, nếu Thiên Chúa “thánh hóa” ngày thứ bảy bằng một phép lành đặc biệt và làm cho nó thành “ngày của Ngài” trên hết, thì điều này cần phải được hiểu theo tính cách năng động sâu xa của cuộc đối thoại Giao Ước, mà thực sự là một cuộc đối thoại “hôn nhân”. Đó là cuộc đối thoại yêu thương không bị gián đoạn nhưng cũng chẳng bao giờ nhàm chán. Thật thế, nó có những nhận thức khác nhau về yêu thương, từ nhận thức bình thường và gián tiếp cho đến những nhận thức mãnh liệt hơn, những nhận thức được các lời Thánh Kinh cùng chứng từ của rất nhiều vị thần bí không ngấn ngại diễn tả bằng hình ảnh bắt nguồn từ cảm nghiệm của một tình yêu hôn phối.
15. Tất cả đời sống con người, cũng như bởi thế tất cả thời gian của con người, đều phải trở thành việc chúc tụng Đấng Hóa Công và tạ ơn Ngài. Thế nhưng, mối liên hệ của con người với Thiên Chúa cũng đòi hỏi những thời giờ chuyên để nguyện cầu, nhờ đó mối liên hệ này trở thành một cuộc đối thoại thiết tha, bao gồm hết mọi chiều kích của con người. “Ngày Của Chúa” là ngày của mối liên hệ trên hết này, khi mà con người nam nữ cất tiếng hát khen Thiên Chúa và trở nên tiếng nói của tất cả mọi tạo vật.
Đó chính là lý do tại sao nó cũng là ngày của sự nghỉ ngơi. Khi nói một cách linh động đến “việc canh tân” và “ly thoát” của ngày này thì việc gián đoạn nhịp điệu thường dồn nén của việc làm là những gì thể hiện việc con người và vũ trụ lệ thuộc vào Thiên Chúa. Hết mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa! Ngày của Chúa được lập đi lập lại là để công bố nguyên tắc này khi tính đến vấn đề thời gian hằng tuần. “Ngày Hưu Lễ” vì thế đã được hiểu một cách phấn khởi như là một yếu tố ấn định nơi một thứ “kiến trúc linh thánh” của thời gian là những gì làm nên đặc tính của mạc khải thánh kinh (13). Nó nhắc nhở rằng vũ trụ và lịch sử này đều thuộc về Thiên Chúa; và thiếu việc liên tục nhận thức về sự thất ấy thì con người không thể phục vụ trên thế gian này như là cộng sự viên của Đấng Hóa Công.
“Giữ thánh hảo” bằng “việc tưởng nhớ”
16. Mệnh lệnh trong Thập Giới được Thiên Chúa truyền giữ Ngày Hưu Lễ được viết ra một cách đặc biệt ở trong Sách Xuất Hành: “Hãy tưởng nhớ Ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (20:8). Thế rồi bản văn này tiếp tục cho biết ly do tại sao như thế, khi nhắc lại vì nó là công việc của Thiên Chúa: “Vì trong sáu ngày Chúa đã tạo dựng nên trời đất, biển khơi cùng với tất cả những gì ở trong đó, rồi nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy; thế nên Chúa chúc lành cho ngày Hưu Lễ và làm cho ngày này là ngày thánh” (câu 11). Trước khi truyền phải thực hiện một điều gì ấy, mệnh lệnh này khuyên rằng hãy tưởng nhớ đến điều ấy. Nó là một lời mời gọi hãy thức tưởng đến công cuộc cao cả và thiết yếu của Thiên Chúa là việc tạo dựng, một thức tưởng cần phải tác động toàn thể đời sống đạo của con người để rồi tràn đầy vào chính ngày con người được kêu gọi nghỉ ngơi. Bởi thế, nghỉ ngơi có một giá trị linh thánh, ở chỗ, thành phần tín hữu được kêu gọi để nghỉ ngơi chẳng những như Thiên Chúa nghỉ ngơi mà còn nghỉ ngơi trong Chúa nữa, mang toàn thể tạo vật đến với Ngài, để chúc tụng và tạ ơn, thân mật như một đứa con và thân tình như một người bạn đời.
17. Mối liên hệ giữa ngày Hưu Lễ và đề tài “tưởng nhớ” đến các kỳ công của Thiên Chúa được thấy trong Sách Nhị Luật (5:12-15), là nơi chỉ thị này được căn cứ ít vào công việc tạo dựng hơn là vào công cuộc giải phóng được Thiên Chúa hoàn thành trong cuộc Xuất hành: “Các ngươi cần phải nhớ rằng các người là nô lệ ở đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng cánh tay uy quyền và mãnh liệt; thế nên Chúa là Thiên Chúa đã truyền các người phải giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:15).
Công thức này bổ túc cho công thức chúng ta đã thấy; nấu gom lại với nhau, cả hai cho thấy ý nghĩa về “Ngày Của Chúa” trong một nhãn quan thần học duy nhất phối nhập việc tạo dựng và việc cứu độ. Do đó, vấn đề chính yếu của mệnh thị này không phải chỉ là một thứ ngưng nghỉ làm việc, mà là việc cử hành những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện.
Vì “việc tưởng nhớ” này tồn tại, một tưởng nhớ đầy lòng tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, mà việc nghỉ ngơi của con người vào Ngày Của Chúa mới được đầy đủ ý nghĩa. Bấy giờ con người mới đi sâu vào việc “nghỉ ngơi” của Thiên Chúa và mới cảm nghiệm được nỗi phấn động nơi niềm hân hoan của Đấng Hóa Công, Đấng mà, sau khi tạo thành, đã thấy tất cả những gì Ngài làm đều “rất tốt đẹp” (Gn 1:31).
Từ Ngày Hưu Lễ đến Chúa Nhật
18. Vì Giới Răn Thứ Ba lệ thuộc vào việc tưởng nhớ đến những công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, và vì Kitô hữu thấy thời điểm cuối cùng được Chúa Kitô khai mở như là một khởi đầu mới, mà họ làm cho ngày đầu tiên này sau ngày Hưu Lễ thành một ngày hội lễ, vì đó là ngày Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết. Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô là tất cả mạc khải về mầu nhiệm nguồn gốc của thế giới, về tột đỉnh lịch sử cứu độ cũng như về niềm ngưỡng vọng việc trọn vẹn cánh chung của thế giới. Những gì Thiên Chúa hoàn thành nơi Việc Tạo Dựng và thực hiện cho Dân của Ngài trong cuộc Xuất Hành đều được hoàn toàn thể hiện nơi Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, cho dù việc hoàn tất cuối cùng của những việc ấy chưa kết thúc cho tới thời điểm Parousia là lúc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Nơi Người, ý nghĩa “thiêng liêng” của ngày Hưu Lễ được trọn vẹn hiện thực, như Thánh Grêgôry Cả tuyên bố: “Đối với chúng ta, việc Hưu Nghỉ thực sự là con người Đấng Cứu Thế của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô” (14). Đó là lý do tại sao niềm vui được Thiên Chúa, vào ngày Hưu Nghỉ đầu tiên của con người, cảm thấy khi chiêm ngưỡng tất cả những gì được tạo dựng nên từ hư không, giờ đây được thể hiện nơi niềm vui được Chúa Kitô, vào Chúa Nhật Phục Sinh, tỏ lộ khi hiện ra với các môn đệ, với tặng ân bình an và tặng ân Thần Linh (x Jn 20:19-23). Chính nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua mà nhân loại, cùng với toàn thể tạo vật “đang quằn quại rên xiết cho tới nay” (Rm 8:22), nhận ra “cuộc xuất hành” mới của mình tiến vào niềm tự do của con cái Thiên Chúa, thành phần có thể cùng với Chúa Kitô kêu lên “Abba, Lạy Cha!” (Rm 8:15; Gal 4:6). Theo ý nghĩa của mầu nhiệm này, ý nghĩa của chỉ thị Cựu Ước liên quan tới Ngày Của Chúa được phục hồi, hoàn hảo và hoàn toàn tỏ hiện trong vinh quang phát tỏa trên dung nhan của Chúa Kitô Phục Sinh (x 2Cor 4:6). Chúng ta tiến từ “Ngày Hữu Lễ” đến “ngày thứ nhất sau ngày Hưu Lễ”, từ ngày thứ bảy sang ngày thứ nhất: ngày của Chúa deis Domini thành ngày của Chúa Kitô dies Christi!
Chương II
NGÀY CỦA CHÚA PHỤC SINH VÀ CỦA TẶNG ÂN THÁNH LINH
Lễ Phục Sinh hằng tuần
19. “Chúng ta cử hành Chúa Nhật vì Việc Phục Sinh trọng kính của Chúa Giêsu Kitô, và chúng ta cử hành Chúa Nhật chẳng những vào Lễ Phục Sinh mà còn vào đầu tuần nữa”: Đức Giáo Hoàng Innocentê I đã viết như thế vào đầu thế kỷ thứ 5 (15), cho thấy việc thực hành đã được ấn định rõ ràng này đã tiến hóa từ những năm đầu tiên sau Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thánh Basiliô nói về “Chúa Nhật thánh, được vinh dự nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa, là hoa trái đầu mùa của tất cả những ngày khác” (16); và Thánh Âu Quốc Tinh gọi Chúa Nhật là “một thứ bí tích của Phục Sinh” (17).
Mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Nhật và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô được tất cả mọi Giáo Hội Đông Tây đề cao. Cách riêng theo truyền thống của các Giáo Hội Đông phương thì hết mọi Chúa Nhật là anastàsimos hemèra, ngày Phục Sinh (18) và đó là lý do Chúa Nhật là tâm điểm của tất cả mọi việc phượng thờ.
Theo chiều hướng của truyền thống liên lỉ và đại đồng này thì rõ ràng là, mặc dù Ngày Của Chúa được bắt nguồn từ chính việc tạo dựng, nhất là nơi mầu nhiệm “nghỉ ngơi” theo thánh kinh của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần phải hướng đến Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô mới hiểu được trọn vẹn Ngày Của Chúa. Đó là những gì Chúa Nhật Kitô giáo làm, khi dẫn tín hữu mỗi tuần suy tư và sống biến cố Phục Sinh là mạch nguồn thực sự của ơn cứu độ thế giới.
20. Theo chứng từ chung của các Phúc Âm thì Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ cõi chết đã xẩy ra vào “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” (Mk 16:2,9; Lk 24:1; Jn 20:1). Vào cùng ngày này, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với hai môn đệ đi về Emmau (x Lk 24:13-35) cũng như cho 11 Tông Đồ qui tụ lại với nhau (x Lk 24:36; Jn 20:19). Một tuần sau, như Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại (x 20:26), các môn đệ tập trung lại với nhau một lần nữa, bấy giờ Chúa Giêsu hiện ra với các vị và tỏ mình cho tông đồ Tôma, cho vị tông đồ này thấy những sấu hiệu của Cuộc Người Khổ Nạn. Ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày thứ nhất của tuần lễ thứ tám sau Lễ Vượt Qua của dân Do Thái (x Acts 2:1), thời điểm lời hứa của Chúa Giêsu với các Tông Đồ sau Phục Sinh được hoàn tất bằng việc tuôn đổ Thánh Linh xuống (x Lk 24:49; Acts 4:1-5) cũng rơi vào Chúa Nhật. Đó là ngày của lời loan báo tiên khởi và là ngày của những cuộc rửa tội đầu tiên: Thánh Phêrô loan báo cho đám đông tụ lại rằng Chúa Kitô đã phục sinh và “những ai chấp nhận lời của ngài đều lãnh chịu phép rửa” (Acts 2:41). Đó là cuộc hiển linh của Giáo Hội, một Giáo Hội tỏ mình ra như là một dân tộc qui tụ thành một thành phần con cái phân tán của Thiên Chúa, bất kể tất cả những gì là khác biệt của họ.
Ngày thứ nhất trong tuần
21. Đó là lý do, từ thời các Tông Đồ, “ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ”, ngày thứ nhất trong tuần, bắt đầu hình thành nhịp sống của thành phần môn đệ Chúa Kitô (x 1Cor 16:2). “Ngày thứ nhất sau Ngày Hưu Lễ” cũng là ngày tín hữu thành Troa đã qui tụ lại với nhau “để bẻ bánh”, ngày Thánh Phaolô từ biệt họ và hồi sinh cách lạ lùng cho người trẻ Eutychus (x Acts 20:7-12). Sách Khải Huyền cho thấy chứng cớ của việc thực hành vấn đề gọi ngày thứ nhất trong tuần là “Ngày Của Chúa” (1:10). Bấy giờ việc thực hành ấy là đặc tính phân biệt Kitô hữu trước thế giới chung quanh họ. Ngay từ đầu thế kỷ thứ hai, ông Tiểu Pliny, thống đốc ở Bithynia, trong bản tường trình của mình về vấn đề Kitô hữu thực hành “việc qui tụ lại với nhau vào một ngày ấn định trước khi mặt trời mọc để hát với nhau thánh ca dâng lên Đức Kitô như dâng lên một vị thần linh” (19). Và khi Kitô hữu nói về “Ngày Của Chúa”, họ làm như vậy bằng cách cống hiến cho từ ngữ này cái ý nghĩa trọn vẹn của việc công bố Phục Sinh: “Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2:11; x Acts 2:36; 1Cor 12:3). Như thế, Chúa Kitô nhận được cùng tước hiệu Bản 70 dùng để dịch những gì trong mạc khải Cựu Ước đó là danh xưng bất khả phát ngôn của Thiên Chúa: YHWH.
22. Vào những thời sơ khai của Kitô hữu đó, nhịp sống hằng tuần của các ngày trong tuần thường không phải là những gì thuộc về đời sống ở những miền Phúc Âm lan truyền, và những ngày lễ của niên lịch Hy Lạp và Rôma không trùng hợp với Chúa Kitô của Kitô giáo. Bởi thế, đối với Kitô hữu, việc giữ Ngày Của Chúa vào ngày ấn định trong tuần là việc rất khó giữ. Điều này giải thích tại sao tín hữu đã phải qui tụ lại với nhau trước khi mặt trời mọc (20). Tuy nhiên, việc trung thành với nhịp sống hằng tuần đã trở thành qui chuẩn, vì nó được căn cứ vào mạc khải Tân Ước và gắn liền với mạc khải Cựu Ước. Vấn đề này được đặc biệt các Hộ Giáo gia cũng như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đề cao trong các bản văn và lời rao giảng của các vị là những gì, khi nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua, các vị sử dụng cùng những đoạn Thánh Kinh mà, theo chứng từ của Thánh Luca (x 24:27, 44-47), chính Chúa Kitô Phục Sinh dẫn giải cho các môn đệ. Theo chiều hướng của những đoạn này thì việc cử hành ngày Phục Sinh cần phải có một thứ giá trị về tín lý và tiêu biểu có khả năng diễn đạt toàn thể mầu nhiệm Kitô giáo nơi tất cả tính cách mới mẻ của nó.
Càng khác biệt với Ngày Hưu Lễ
23. Chính tính cách mới mẻ này là những gì được giáo lý trong những thế kỷ tiên khởi nhấn mạnh để cho thấy tính cách trọng đại của Chúa Nhật tương đương với Ngày Hưu Lễ Do Thái. Chính vào Ngày Hưu Lễ này mà dân Do Thái đã tập trung lại trong hội đường và nghỉ ngơi theo cách thức được Lề Luật ấn định. Các vị Tông Đồ, nhất là Thánh Phaolô, thoạt tiên vẫn tiếp tục tham dự ở hội đường để các vị có thể loan truyền Chúa Giêsu Kitô ở đó, khi dẫn giải “những lời của các tiên tri được đọc mỗi ngày Hưu Lễ” (Acts 13:27). Một số cộng đồng đã giữ Ngày Hưu Lễ trong khi cũng cử hành cả Chúa Nhật. Tuy nhiên, chẳng bao lâu hai ngày này bắt đầu được biệt phân rõ ràng hơn bao giờ hết, chính là vì muốn chống lại việc thành phần Kitô hữu gốc Do Thái giáo cứ nhất định muốn hai ngày này phải hướng chiều về việc tuân giữ trách nhiệm theo Luật cũ. Thánh Ignatiô thành Antiôkia đã viết: “Nếu những ai sống trong trạng thái trước đây của sự việc đã đến với niềm hy vọng mới thì không còn tuân giữ Ngày Hưu Lễ nữa mà là giữ Ngày Của Chúa, một ngày đời sống của chúng ta đã xuất hiện bởi Người cũng như bởi cuộc tử nạn của Người… là mầu nhiệm nhờ đó chúng ta được nhận lãnh đức tin và trong đó chúng ta kiên trì để được nhận biết là thành phần môn đệ Chúa Kitô, vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, thì làm sao chúng ta lại sống thiếu vắng Người, trong khi cả các vị tiên tri nữa, như thành phần môn đệ của Người về tinh thần, đời chờ Người như vị sư phụ? (21) Thánh Âu Quốc Tinh cũng nhận định rằng: “Bởi thế Chúa cũng đã đóng ấn tín lên ngày của Ngài là ngày thứ ba sau Cuộc Khổ Nạn, và là ngày thứ nhất trong tuần” (22). Sự phân tách Chúa Nhật ra khỏi Ngày Hưu Lễ của Do Thái đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong tâm trí của Giáo Hội, mặc dù trong lịch sử đã có những lần, vì quá nhấn mạnh đến việc bó buộc phải nghỉ ngơi Chúa Nhật khiến cho Ngày Của Chúa có khuynh hướng trở nên giống như Ngày Hưu Lễ hơn. Ngoài ra, lúc nào cũng có những nhóm trong Kitô giáo giữ cả Ngày Hưu Lễ lẫn Chúa Nhật như là “hai ngày huynh đệ” (23).
Ngày của việc tân tạo
24. Việc so sánh Chúa Nhật Kitô giáo với quan niệm của Cựu Ước về Ngày Hữu Lễ đã làm nẩy sinh những minh thức thần học rất hay. Đặc biệt là việc sát nhập cái liên kết đặc thù này giữa việc Phục Sinh và việc Tạo Dựng. Tư tưởng của Kitô giáo tự nhiên liên kết việc Phục Sinh là biến cố xẩy ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”, với ngày thứ nhất của tuần lễ vũ trụ (x Gen 1:1-2:4) là tuần lễ làm nên câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, đó là ngày ánh sáng được tạo dựng (x 1:3-5). Mối liên kết này gợi lên kiến thức về việc Phục Sinh như là khởi nguyên của việc tân tạo, trong đó hoa trái đầu mùa là Chúa Kitô hiển vinh, “trưởng tử của tất cả tạo thành” (Col 1:15) và là “trưởng tử của kẻ chết” (Col 1:18).
25. Thật vậy, Chúa Nhật là ngày vượt trên hết các ngày khác, ngày kêu gọi Kitô hữu hãy nhớ đến ơn cứu độ là ơn được hiến ban cho họ nơi phép rửa và biến họ thành tạo vật mới trong Chúa Kitô. “Anh em đã được mai táng với Người nơi phép rửa, từ đó anh em cũng được sống lại với Người nhờ lòng tin tưởng vào công việc của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người từ trong kẻ chết sống lại” (Col 2:12; x Rm 6:4-6). Phụng vụ này đề cao chiều kích thanh tẩy tái sinh của Chúa Nhật, cả ở việc kêu gọi cử hành phép rửa vào ngày này trong tuần, cũng như vào Lễ Vọng Phục Sinh, là những ngày Giáo Hội tưởng niệm Việc Chúa Sống Lại” (24), lẫn ở việc đề nghị thực hiện việc rảy nước thánh như là một nghi thức thích hợp tỏ lòng thống hối ở đầu lễ để nhắc nhở giây phút Rửa Tội làm phát sinh tất cả sự sống Kitô hữu (25).
Ngày thứ tám: hình ảnh của vĩnh hằng
26. Ngược lại, chủ trương Ngày Hưu Lễ như là ngày thứ bảy trong tuần cho thấy một biểu hiệu bổ khuyết cho Chúa Nhật, một biểu hiệu được các vị Giáo Phụ rất ưa thích. Chúa Nhật không những là ngày thứ nhất trong tuần mà còn là “ngày thứ tám”, ngày được đặt trong cái liên tục gấp bảy lần của các ngày ở một vị thế đặc thù và siêu việt gợi lên chẳng những khởi điểm của thời gian mà còn tận điểm của nó trong “thời tới đây” nữa. Thánh Basiliô đã giải thích rằng Chúa Nhật biểu hiệu cho một ngày thực sự chuyên biệt sau thời hiện tại này, một ngày không cùng chẳng có tối hay sáng, một thời đại bất tận không bao giờ cổ; Chúa Nhật là tiên báo không ngừng về sự sống bất tận, một sự sống canh tân niềm hy vọng của Kitô hữu và khích lệ họ tiến bước (26). Hướng về ngày cùng tận, ngày hoàn toàn nên trọn biểu hiểu cánh chung của Ngày Hưu Lễ, Thánh Âu Quốc Tinh kết luận cuốn Tự Thú khi diễn tả Cánh Chung Eschaton như “cái an bình của tĩnh lặng, an bình của Ngày Hưu Lễ, một an bình không có tối đêm” (27). Trong việc cử hành Chúa Nhật, vừa là ngày ‘thứ nhất’ và là ngày ‘thứ tám’, Kitô hữu được dẫn đến đích điểm sự sống trường sinh (28).
Ngày của Chúa Kitô Ánh Sáng
27. Nhãn quan lấy Chúa Kitô làm tâm điểm này chiếu tỏa ánh sáng trên một biểu hiệu khác nữa cũng được suy tưởng của Kitô giáo và việc thực hiện mục vụ ghép cho là Ngày Của Chúa. Trực giác khôn ngoan về mục vụ đã gợi ý cho Giáo Hội việc kitô hữu hóa quan niệm về Chúa Nhật như “ngày của mặt trời”, tên gọi theo người Rôma bấy giờ và vẫn còn tồn tại nơi một số ngôn ngữ hiện đại (29). Việc làm này là để kéo tín hữu khỏi bị thu hút bởi những thứ sùng bái tôn thờ mặt trời, cũng như để qui việc cử hành của ngày này về Chúa Kitô là “mặt trời” đích thực của nhân loại. Khi viết cho các dân ngoại, Thánh Justinô đã sử dụng ngôn ngữ của thời ấy để ghi nhận rằng Kitô hữu qui tụ nhau “vào ngày được gọi theo danh xưng mặt trời” (30), thế nhưng, đối với tín hữu, lối diễn tả này đã mặc lấy một ý nghĩa mới thực sự được bắt nguồn từ Phúc Âm (31). Chúa Kitô là ánh sáng thế gian (x Jn 9:5; và cả 1:4-5,9), và trong việc tính ngày hằng tuần, ngày tưởng niệm việc Phục Sinh của Người là phản ảnh kéo dài của việc hiển linh vinh hiển của Người. Đề tài Chúa Nhật là ngày được chiếu sáng bởi cuộc chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh cũng được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh (32) và được đề cao trong Pannichida là các phụng vụ lễ vọng Đông phương sửa soạn cho Chúa Nhật. Từ đời nọ đến đời kia khi qui tụ lại vào ngày này, Giáo Hội cảm nhận được nỗi ngỡ ngàng như của tư tế Zacaria khi ông hướng về Chúa Kitô, thấy được nơi Người rạng đông “chiếu soi cho những ai ngồi trong tăm tối và bóng sự chết” (Lk 1:78-79), và Giáo Hội cũng làm âm vang cả niềm vui của ông già Simêon khi ông ẵm trong tay Con Trẻ thần linh đã xuất hiện như “ánh sáng chiếu soi các Dân Ngoại” (Lk 2:32).
Ngày của tặng ân Thần Linh
28- Chúa Nhật, ngày ánh sáng, còn có thể được gọi là ngày “lửa”, một ngày liên quan tới Thánh Linh. Ánh sáng Chúa Kitô có liên hệ mật thiết với “lửa” Thần Linh, và cả hai hình ảnh này cùng nhau nói lên ý nghĩa của Chúa Nhật Kitô giáo (33). Khi hiện ra với các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi trên các vị mà nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội của họ được thứ tha; các con cầm tội ai thì tội của họ bị cầm buộc” (Jn 20:22-23). Việc tuôn đổ Thần Linh xuống là tặng ân cao cả của Chúa Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người vào Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng vào Chúa Nhật, năm mươi ngày sau Phục Sinh, Thần Linh đã ngự xuống trong quyền năng, như “một luồng gió mạnh” và như “lửa” (Acts 2:2-3) trên các vị Tông Đồ quay quần bên Mẹ Maria. Hiện Xuống chẳng những là biến cố khai sinh của Giáo Hội mà còn là một mầu nhiệm vĩnh viễn ban sự sống cho Giáo Hội nữa (34). Biến cố này có thời điểm phụng vụ quyết liệt riêng của mình trong việc cử hành hằng năm để kết thúc “Đại Chúa Nhật” (35), nó còn là một phần làm nên ý nghĩa sâu xa của mỗi Chúa Nhật, vì mối liên hệ mật thiết của nó với Mầu Nhiệm Vượt Qua. Bởi thế, “Ngày Phục Sinh hằng tuần”, ở một nghĩa nào đó, trở thành “Ngày Hiện Xuống hằng tuần”, khi Kitô hữu sống lại cuộc hội ngộ hân hoan của các vị Tông Đồ với Chúa Kitô Phục Sinh và lãnh nhận hơi thở ban sự sống Thần Linh của Người.
Ngày của đức tin
29. Nếu những chiều kích khác nhau này làm cho nó nên đặc biệt thì Chúa Nhật trở thành như là một ngày đức tin cao cả. Nó là ngày mà, bởi quyền lực Thánh Linh, Đấng là “ký ức” sống động của Giáo Hội (x Jn 14:26), việc hiện ra lần đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh trở thành một biến cố được tái diễn vào “ngày hôm nay” của mỗi người môn đệ Chúa Kitô. Qui tụ lại thành cộng đoàn Chúa Nhật trước sự hiện diện của Người, tín hữu cảm thấy mình được kêu gọi giống như Tông Đồ Tôma là: “Con hãy đặt ngón tay của con vào đây và hãy nhìn xem tay của Thày. Con hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thày. Đừng ngờ vực nữa song hãy tin tưởng” (Jn 20:27). Phải, Chúa Nhật là ngày đức tin. Điều này được nhấn mạnh ở sự kiện là phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật, như phụng vụ của các ngày lễ trọng khác, đều bao gồm việc Tuyên Xưng Đức Tin. Kinh Tin Kính, được đọc hay hát, nói lên cho thấy tính chất thanh tẩy và Vượt Qua của Chúa Nhật, làm cho nó thành một ngày thành phần đã lãnh nhận phép rửa đặc biệt lập lại việc gắn bó của họ với Chúa Kitô cũng như với Phúc Âm của Người một cách ý thức mới mẻ về các lời hứa rửa tội của họ. Khi lắng nghe lời Chúa và lãnh nhận Mình Chúa, thành phần lãnh nhận phép rửa chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện nơi “các dấu thánh” và cùng với Tông Đồ Tôma tuyên xưng rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi!” (Jn 20:28).
Một ngày bất khả châm chước!
30. Bởi thế, đó là lý do rõ ràng cho thấy, thậm chí ngay cả trong những lúc khó khăn của chúng ta, cần phải bảo vệ cái căn tính của ngày này, nhất là cần phải sống sâu xa căn tính ấy. Một văn sĩ Đông phương vào đầu thế kỷ thứ ba đã thuật lại rằng ngay từ thời ấy tín hữu ở hết mọi miền đã thường xuyên giữ Chúa Nhật là ngày thánh (36). Những gì bắt đầu được thực hiện một cách tự động sau này trở thành một qui tắc buộc giữ theo luật định. Ngày Của Chúa đã cấu tạo nên lịch sử của Giáo Hội qua hai ngàn năm trường: làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Nhật sẽ không tiếp tục hình thành tương lai của Giáo Hội chứ? Những thứ áp đảo của ngày hôm nay có thể làm cho nó trở thành khó khăn hơn trong việc giữ trọn luật buộc Chúa Nhật; và, bằng một cảm quan của một người mẹ, Giáo Hội xét đến các hoàn cảnh của từng người con cái của mình. Giáo Hội đặc biệt cảm thấy mình được kêu gọi để tái dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý và mục vụ để bảo đảm là, trong sinh hoạt bình thường của cuộc sống, không một người con nào của mình bị mất mát nguồn ân sủng phong phú tuôn tràn do việc cử hành Ngày Của Chúa mang lại. Chính trong tinh thần này mà Công Đồng Chung Vaticanô II, khi loan báo về việc có thể canh tân lịch Giáo Hội để ăn khớp với các ngày lễ dân sự khác nhau, đã tuyên bố rằng Giáo Hội “chỉ sẵn sàng chấp nhận những sắp xếp nào bảo tồn một tuần lễ có 7 ngày bao gồm cả Chúa Nhật” (37). Với nhiều ý nghĩa và khía cạnh của mình, cùng với việc nó liên hệ với chính những nền tảng đức tin, việc cử hành Chúa Kitô Kitô giáo vẫn là một yếu tố bất khả châm chước của căn tính Kitô hữu chúng ta trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba.
Chương III
Ngày của Giáo Hội – Dies Ecclesiae
Cộng Đồng Thánh Thể: Tâm Điểm của Chúa Nhật
Sự hiện diện của Vị Chúa Phục Sinh
31. “Thày mãi mãi ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20). Lời hứa này của Chúa Kitô sẽ không bao giờ thôi âm vang trong Giáo Hội như là bí mật làm phong phú đời sống của Giáo Hội và là mạch nguồn hy vọng của Giáo Hội. Là ngày Phục Sinh, Chúa Nhật chẳng những là việc tưởng nhớ một biến cố quá khứ, mà còn là một cử hành sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh giữa dân của Người.
Để cho sự hiện diện này được công bố và sống một cách xứng hợp, thành phần môn đệ Chúa Kitô cầu nguyện tư riêng và bề trong tưởng niệm đến sự chết cùng Phục Sinh của Chúa Kitô, một cách thầm kín trong lòng mình mà thôi cũng chưa đủ. Những ai lãnh nhận ân sủng ân sủng phép rửa không được cứu với tư cách cá nhân mà là với tư cách là phần tử của Mình Mầu Nhiệm, trở nên thành phần Dân Chúa (38). Bởi thế, họ cần phải đến với nhau để bày tỏ trọn vẹn chính căn tính của Giáo Hội là ekklesia, tức là cộng đồng được kêu gọi qui tụ lại với nhau bởi Chúa Phục Sinh, Đấng đã hiến sự sống mình “để tái hiệp nhất con cái phân tán của Thiên Chúa lại với nhau” (Jn 11:52). Họ trở nên “một” trong Chúa Kitô (x Gal 3:28) bởi tặng ân Thần Linh. Mối hiệp nhất này trở thành hữu hình khi Kitô hữu qui tụ lại với nhau: chính vào lúc ấy họ mới cảm nghiệm được một cách sống động và chứng thực cho thế giới thấy rằng họ là thành phần dân được cứu chuộc, thành phần đến “từ hết mọi bộ tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia” (Rev 5:9). Cộng đồng môn đệ Chúa Kitô từ đời này đến đời kia làm hiện thực hình ảnh cộng đồng Kitô hữu tiên khởi được Thánh Luca nêu lên như một mô phạm trong Sách Tông Vụ, khi ngài trình thuật rằng thành phần tín hữu tiên khởi lãnh nhận phép rửa “chú tâm đến giáo huấn của các vị tông đồ cũng như đến mối hiệp thông, đến việc bẻ bánh và việc nguyện cầu” (2:42).
Cộng Đồng Thánh Thể
32. Thánh Thể chẳng những là một diễn đạt hết sức rõ ràng về thực tại đời sống của Giáo Hội, mà còn, ở một nghĩa nào đó, “nguồn nước” của Giáo Hội nữa (39). Thánh Thể nuôi dưỡng và hình thành Giáo Hội: “Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, chúng ta tuy nhiều cũng là một thân thể duy nhất, vì chúng ta tất cả đều lãnh nhận một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Vì mối liên hệ sống còn này với bí tích Mình Máu Chúa Kitô mà mầu nhiệm Giáo Hội được nếm hưởng, loan báo và sống động một cách tuyệt vời nơi Thánh Thể (40).
Chiều kích giáo hội nội tại nơi Thánh Thể này được hiện thực ở hết mọi lần cử hành Thánh Thể. Thế nhưng, nó được thể hiện đặc biệt nhất vào ngày toàn thể cộng đồng qui tụ lại để tưởng niệm Việc Chúa Phục Sinh. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã trịnh trọng dạy rằng: “Việc cử hành Ngày Của Chúa và Thánh Thể của Người vào Chúa Nhật là tâm điểm của đời sống Giáo Hội” (41).
33. Nơi Thánh Lễ Chúa Nhật, Kitô hữu sống lại một cách đặc biệt mãnh liệt cái cảm nghiệm của các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh được Chúa Sống Lại hiện ra với các vị khi các vị đang qui tụ lại với nhau (x Jn 20:19). Ở một nghĩa nào đó, Dân Chúa ở mọi thời đại đều đã hiện diện nơi hạch nhân nhỏ bé thành phần môn đệ này, thành phần hoa trái đầu mùa của Giáo Hội. Nhờ chứng từ của các vị, mọi thế hệ tín hữu được nghe thấy lời chào của Chúa Kitô, đầy tặng ân bình an của Đấng Thiên Sai, một tặng ân chiếm được bằng máu của Người và được ban tặng cùng với Thần Linh của Người: “Bình an cho các con!” Việc Chúa trở lại với các vị “một tuần sau” (Jn 20:26) có thể được coi như một hình ảnh tiên báo thực sự về việc cộng đồng Kitô hữu qui tụ lại với nhau 7 ngày một lần, vào “Ngày Của Chúa” hay Chúa Nhật, để tuyên xưng đức tin vào sự Phục Sinh của Người cũng như để lãnh nhận phúc lành như Người đã hứa: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Jn 20:29). Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc hiện ra của Chúa Phục Sinh và Thánh Thể được gợi lên nơi Phúc Âm Thánh Luca trong câu truyện hai môn đệ đi Emmau, những người môn đệ được Chúa Kitô tiến đến để giúp cho họ hiểu đưoọc các lời Thánh Kinh rồi ngồi vào bàn với họ. Họ đã nhận ra Người khi “Người bẻ bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ” (24:30). Các cử chỉ của Chúa Giêsu trong đoạn trình thuật này là những cử chỉ Người đã làm ở Bữa Tiệc Ly, rõ ràng ám chỉ đến “việc bẻ bánh”, như Thánh Thể đã được thế hệ Kitô hữu tiên khởi gọi như thế.
Thánh Thể Chúa Nhật
34. Thật vậy, tự mình, việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật không khác với việc cử hành Thánh Thể ở các ngày khác, hay có thể tách biệt khỏi toàn thể sinh hoạt về phụng vụ và bí tích. Theo bản chất của mình thì Thánh Thể là một thứ hiển linh của Giáo Hội (42), và điều này được thể hiện sống động nhất khi cộng đồng giáo phận qui tụ lại cùng nguyện cầu với vị Chủ Chăn của mình: “Giáo Hội thể hiện đặc biệt sáng ngời khi Dân Chúa, tất cả mọi người, chủ động và hoàn toàn tham dự vào cùng một việc cử hành phụng vụ, nhất là cùng một Thánh Thể, chia sẻ một việc nguyện cầu duy nhất tại một bàn thờ duy nhất được vị Giám Mục chủ sự có sự hiện diện của các vị linh mục và thừa tác viên của ngài” (43). Mối liên hệ với Giám Mục cũng như với toàn thể cộng đồng Giáo Hội này gắn liền với hết mọi việc cử hành Thánh Thể, cho dù vị Giám Mục không chủ sự, và bất kể ngày nào trong tuần. Việc đề cập đến vị Giám Mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể đã nói lên mối liên kết này.
Thế nhưng, vì tính cách long trọng đặc biệt của mình, cũng như vì sự hiện diện cần phải có của cộng đồng, và vì được cử hành “vào ngày Chúa Kitô chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta được thông phần sự sống bất tử của Người” (44), mà Thánh Thể Chúa Nhật thể hiện đặc biệt chiều kích giáo hội nội tại của mình. Thánh Thể Chúa Nhật trở thành mô phạm cho các cuộc cử hành Thánh Thể khác. Mỗi một cộng đồng, khi qui tụ tất cả mọi phần tử của mình để “bẻ bánh”, trở nên nơi hiện diện cụ thể của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong việc cử hành Thánh Thể, cộng đồng hướng về mối hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ (45), nài xin Chúa Cha “hãy nhớ đến Giáo Hội trên khắp thế giới” và làm cho Giáo Hội lớn lên trong mối hiệp nhất giữa tất cả mọi tín hữu với Đức Giáo Hoàng và với các vị Mục Tử ở Giáo Hội riêng, cho đến khi tình yêu nên tuyệt hảo.
Ngày của Giáo Hội
35. Thế nên, Ngày Của Chúa cũng là Ngày Của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ở lãnh vực mục vụ, khía cạnh cộng đồng của việc cử hành Chúa Nhật cần phải được đặc biệt nhấn mạnh. Như tôi đã có lần nhận định là trong nhiều thứ sinh hoạt của một giáo xứ thì “không gì trọng yếu hay làm nên cộng đồng bằng việc cử hành Ngày Của Chúa và Thánh Thể của Người vào Chúa Nhật” (46). Nhận thức như thế, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở rằng cần phải cố gắng để làm sao bảo đảm là có được “trong giáo xứ một cảm quan sống động về cộng đồng trước hết nơi việc cộng đồng cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật” (47). Các bản hướng dẫn về phụng vụ sau đó cũng nhấn mạnh như thế, khi yêu cầu vào các Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, việc cử hành Thánh Thể được thực hiện bình thường nơi các nhà thờ hay các nguyện đường cần phải được liên kết với việc cử hành tại nhà thờ của giáo xứ, để “nuôi dưỡng cảm quan cộng đồng Giáo Hội, một cảm quan được nuôi dưỡng và thể hiện một cách đặc biệt nơi việc cộng đồng cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật, hoặc quanh vị Giám Mục, nhất là ở vương cung thánh đường, hay ở cộng đoàn giáo xứ là nơi cha sở đại diện cho vị Giám Mục” (48).
36. Cuộc qui tụ lại vào Chúa Nhật là một nơi đặc biệt của mối hiệp nhất: nó là môi trường để cử hành bí tích hiệp nhất sacramentum unitatis là những gì sâu xa đánh dấu Giáo Hội như là một dân được qui tụ lại “bởi” và “trong” mối hiệp nhất Cha, Con và Thánh Linh (49). Đối với các gia đình Kitô hữu thì cuộc qui tụ lại vào Chúa Nhật này là một trong những diễn đạt nổi bật nhất cho thấy cái căn tính của họ cũng như “thừa tác vụ” của họ như là “giáo hội tại gia” (50), khi cha mẹ chia sẻ với con cái mình ở cùng một Bàn tiệc duy nhất lời Chúa và Bánh Sự Sống. Về vấn đề này chúng ta cần phải nhắc lại rằng cha mẹ là thành phần đầu tiên cần phải dạy cho con cái mình biết tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật; trong vấn đề này chúng được hỗ trợ bởi các giáo lý viên, thành phần cần phải thấy rằng vấn đề khai tâm về Thánh Lễ là một phần trong việc huấn luyện trẻ em được ủy thác cho họ, bằng cách giải thích cho chúng biết những lý do quan trọng tại sao lại có luật buộc. Cũng về khía cạnh này, khi hoàn cảnh cho phép, việc cử hành Thánh Lễ cho Trẻ Em, tùy theo các điều khoản về qui tắc phụng vụ (51), là những gì hữu ích.
Ở các Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ, vì các giáo xứ là “các cộng đồng Thánh Thể” (52), thường thấy có những nhóm hội khác nhau, phong trào, đoàn thể, thậm chí những cộng đồng tu trì ít oi hiện diện trong giáo xứ. Điều này giúp cho mọi người cùng nhau cảm nghiệm thấy được những gì chung sâu xa nhất, vượt ra ngoài cả những đường lối thiêng liêng riêng mang tính cách nổi bật một cách hợp tình hợp lý khi được thẩm quyền Giáo Hội nhận thức (53). Đó là lý do tại sao vào Chúa Nhật, ngày tụ họp, không nên khuyến khích có những Thánh Lễ cho nhóm nhỏ: bởi vì nó không phải chỉ là vấn đề bảo đảm rằng những cuộc qui tụ của giáo xứ không thể nào thiếu thừa tác vụ của các vị linh mục, mà còn để bảo đảm rằng sự sống và mối hiệp nhất của cộng đồng Giáo Hội được hoàn toàn bảo toàn và cổ võ (54). Việc ban phép những thứ châm chước có thể bị hạn chế một cách rõ ràng liên quan đến điều chỉ dẫn tổng quát này tùy thuộc vào sự nhận định khôn ngoan của các Vị Chủ Chăn nơi Giáo Hội riêng, khi các vị cứu xét tới những nhu cầu đặc biệt ở lãnh vực huấn luyện và chăm sóc mục vụ, cũng như chú ý tới thiện ích của cá nhân hay nhóm hội, nhất là những thiện ích mà các thứ châm chước ấy có thể mang lại cho toàn thể cộng đồng.
Một dân lữ hành
37. Vì Giáo Hội lữ hành qua giòng thời gian nên việc qui chiếu về Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như việc tái diễn hằng tuần cuộc tưởng niệm long trọng này là những gì nhắc nhở chúng ta về cuộc lữ hành có tính cách cánh chung của Dân Chúa. Từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật kia, Giáo Hội tiến về “Ngày Của Chúa” sau hết, một Chúa Nhật không cùng. Niềm trông mong Chúa Kitô đến được ghi khắc trong chính mầu nhiệm Giáo Hội (55) và được sáng tỏ nơi hết mọi cuộc cử hành Thánh Thể. Thế nhưng, vì đặc biệt tưởng nhớ đến vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh mà Ngày Của Chúa gợi lên một cách mãnh liệt hơn vinh quang mai này khi Người “trở lại”. Điều này làm cho Chúa Nhật trở thành một ngày Giáo Hội, ở một nghĩa nào đó, khi chiếu tỏ hơn nữa căn tính là “Hiền Thê” của mình, ngưỡng vọng về thực tại cánh chung Giêsusalem thiên quốc này. Khi qui tụ con cái mình lại thành cộng đồng Thánh Thể và dạy cho họ biết chờ đợi “Vị Phu Quân thần linh”, Giáo Hội đang thực hiện một thứ “thao luyện lòng ước mong” (56), vì được tiên hưởng niềm vui trời đất mới, lúc mà thành thánh là tân Gia Liêm từ nơi Thiên Chúa mà xuống “sẵn sàng như cô dâu trang điểm để nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2).
Một ngày hy vọng
38. Được quan niệm như thế, Chúa Nhật không phải chỉ là ngày đức tin mà còn là ngày của niềm hy vọng Kitô giáo nữa. Việc thông phần vào “Bữa Tiệc Ly của Chúa” là việc ngưỡng vọng đến cuộc cánh chung “hôn lễ của Con Chiên” (Rev 19:9). Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa Kitô này, một Chúa Kitô phục sinh và lên trời, cộng đồng Kitô hữu đợi chờ “trong niềm hy vọng hân hoan về việc Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô tới” (57). Được canh tân và nuôi dưỡng bằng nhịp điều hằng tuần tha thiết này, niềm hy vọng Kitô giáo trở thành men và ánh sáng cho niềm hy vọng của nhân loại. Đó là lý do tại sao Lời Nguyện Cộng Đồng chẳng những cầu xin cho các nhu cầu của cộng đồng Giáo Hội riêng mà còn cho những nhu cầu của toàn thể nhân loại nữa; và Giáo Hội, khi qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể, tỏ cho thế giới thấy rằng Giáo Hội cảm thấy như là của mình “các niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo âu của con người ngày nay, nhất là của thành phần nghèo cũng như của tất cả những ai khổ đau” (58). Bằng việc hiến dâng Thánh Thể Chúa Nhật, Giáo Hội tôn vinh chứng từ được con cái mình nỗ lực dâng hiến mỗi ngày trong tuần khi loan truyền Phúc Âm và thực thi bác ái nơi thế giới hoạt động cũng như nơi tất cả những công việc của đời sống; nhờ đó Giáo Hội chiếu tỏ hơn nữa căn tính của mình” như là một bí tích, hay là dấu hiệu và là dụng cụ cho mối hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với toàn thể nhân loại” (59)
Bàn tiệc lời Chúa
39. Trong mỗi việc cử hành Thánh Thể, Chúa Kitô Phục Sinh được gặp gỡ nơi cộng đồng Chúa Nhật ở bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống. Bàn tiệc Lời Chúa cống hiến cùng một kiến thức về lịch sử cứu độ, nhất là Mầu Nhiệm Vượt Qua, được chính Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ cho các môn đệ của Người biết: chính Chúa Kitô phán dạy, hiện diện nơi lời của Người “khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội” (60). Ở bàn tiệc Bánh Sự Sống, Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện một cách thực sự, về bản thể và lâu dài suốt cuộc tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người, và Bánh Sự Sống được cống hiến như là một bảo chứng cho vinh quang mai hậu. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở rằng “Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi cả hai hợp thành một tác động tôn thờ duy nhất” (61). Công Đồng này cũng chủ trương rằng “bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra dồi dào hơn nữa cho tín hữu, mở ra cho họ tràn đầy các kho tàng Thánh Kinh hơn nữa” (62). Rồi Công Đồng truyền rằng, trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, không được bỏ bài giảng trừ khi có lý do quan trọng (63). Những điều truyền dạy hợp thời này đã được trung thành thể hiện nơi việc canh tân phụng vụ, một canh tân được Đức Phaolô VI, khi dẫn giải về việc cống hiến dồi dào hơn các bài đọc Thánh Kinh vào Chúa Nhật cũng như các ngày lễ trọng, viết rằng: “Tất cả những điều ấy đã được truyền dạy để nuôi dưỡng mỗi ngày một hơn nơi tín hữu ‘nỗi đói khát nghe lời Chúa’ (Am 8:11), một nỗi đói khát, theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thúc đẩy Dân Tân Ước hướng về mối hiệp nhất trọn vẹn của Giáo Hội” (64).
40. Khi xét đến Thánh Thể Chúa Nhật hơn 30 năm sau Công Đồng này, chúng ta cần thẩm định xem Lời Chúa được loan báo tốt đẹp biết bao và Dân Chúa gia tăng một cách hiệu quả biết là chừng nào về kiến thức cùng lòng mến yêu Thánh Kinh (65). Có hai khía cạnh về vấn đề này, đó là khía cạnh cử hành và khía cạnh tiếp thu riêng, hai khía cạnh rất liên hệ chặt chẽ với nhau. Ở lãnh vực cử hành, sự kiện Công Đồng cho phép công bố Lời Chúa bằng ngôn ngữ của cộng đồng tham dự việc cử hành là những gì cần phải làm bừng lên một cảm thức trách nhiệm mới đối với Lời Chúa, để “tính chất chuyên biệt của sách thánh” chiểu tỏ “ngay trong cách đọc hay hát” (66). Ở lãnh vực tiếp thu riêng, việc nghe lời Chúa được công bố cần phải được sửa soạn kỹ lưỡng nơi linh hồn tín hữu bằng một khả thức về Thánh Kinh, và khi mục vụ cho phép, bằng những sáng kiến đặc biệt để hiểu biết sâu xa hơn các bài đọc thánh kinh, nhất là những bài đọc được sử dụng cho Chúa Nhật và các lễ trọng. Nếu cá nhân và gia đình Kitô hữu không thường xuyên kín múc sự sống mới từ việc đọc sách thánh bằng tinh thần cầu nguyện và lắng nghe Giáo Hoôi dẫn giải (67), thì nguyên việc loan báo phụng vụ Lời Chúa khó có thể làm trổ sinh hoa trái theo lòng chúng ta mong đợi. Đây là giá trị của những hoạt động nơi các cộng đồng giáo xứ có thể qui tụ lại trong tuần những ai dự phần vào Thánh Thể là linh mục, các thừa tác viên và tín hữu (68), để sửa soạn phụng vụ Chúa Nhật, suy niệm trước Lời Chúa sẽ được công bố. Mục tiêu được nhắm đến ở đây là để cho toàn thể việc cử hành, cầu nguyện, ca hát, lắng nghe, chứ không phải chỉ có vấn đề giảng giải, thể hiện một cách nào đó đề tài của phụng vụ Chúa Nhật, hầu tất cả mọi người dự phần có thể mãnh liệt thấm nhuần việc cử hành này. Hiển nhiên là tùy thuộc nhiều vào những ai thi hành tác vụ Lời Chúa. Họ có nhiệm vụ cần phải sửa soạn việc suy niệm Lời Chúa bằng cách nguyện cầu và học hỏi sách thánh, hầu họ có thể nhờ đó diễn tả nội dung của sách thánh một cách trung thực và áp dụng nội dung này vào các mối quan tâm của dân chúng cũng như vào cuộc sống hằng ngày của họ.
41. Cũng cần phải nhớ rằng việc loan báo phụng vụ Lời Chúa, nhất là trong cộng đồng Thánh Thể, không phải là dùng quá nhiều giờ cho việc suy niệm và dạy giáo lý như là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Dân của Ngài, một cuộc đối thoại bao gồm việc loan báo các kỳ công của ơn cứu độ cùng những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lập lại. Về phần mình, Dân Chúa được kêu gọi đáp ứng cuộc đối thoại yêu thương này bằng việc dâng lời tạ ơn và chúc tụng, cũng như bằng việc bày tỏ lòng trung thành của mình đối với công việc liên tục “hoán cải”. Bởi thế cộng đồng Chúa Nhật ủy thác cho chúng ta vấn đề thực hiện việc lập lại một cách ý thức những lời hứa quyết rửa tội của chúng ta, một việc ý thức lập lại, ở một nghĩa nào đó, được bao gồm nơi việc đọc Kinh Tin Kính, và là một phần chuyên biệt của phụng vụ Lễ Vọng Phục Sinh cũng như của việc ban phép rửa trong Thánh Lễ. Trong bối cảnh ấy, việc loan báo Lời Chúa trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật mặc lấy một cung điệu trọng thể như trong Cựu Ước vào những lúc lập lại Giao Ước, lúc Lề Luật được công bố và cộng đồng Do Thái được kêu gọi – như một Dân Tộc trong sa mạc ở chân núi Sinai (x Ex 19:7-8; 24:3-7) – lập lại tiếng “xin vâng” của mình, lập lại quyết tâm của họ tỏ ra muốn trung thành với Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Khi tuyên phán lời của mình, Thiên Chúa đợi chờ việc đáp ứng của chúng ta: một đáp ứng đã được Chúa Kitô thực hiện cho chúng ta bằng lời “Amen” của Người (x cf. 2Cor 1:20-22), và là một đáp ứng vang vọng nơi chúng ta bởi Thánh Linh, để những gì chúng ta nghe có thể làm cho chúng ta được thấm nhuần sâu xa hơn (69).
Chương IV
Ngày của Con Người – Dies Hominis
Chúa Nhật: Ngày của Niềm Vui, Nghỉ Ngơi và Kết Đoàn
“Niềm vui trọn vẹn” của Chúa Kitô
55. “Phúc thay cho ai nâng ngày Chúa Nhật trọng đại lên trên tất cả mọi ngày khác. Các tầng trời và trái đất, các thiên thần và loài người đều cảm thấy hân hoan vui thú” (99). Tiếng kêu này của phụng vụ lễ nghi Maronite nắm bắt được thật sự những tiếng reo vang mạnh mẽ của niềm vui bao giờ cũng làm nên đặc tính của Chúa Nhật nơi phụng vụ của cả Đông lẫn Tây. Ngoài ra, theo lịch sử, ngay cả trước khi nó được coi như là một ngày nghỉ ngơi - một ngày dù sao theo lịch dân sự cũng không phải là ngày nghỉ – thì Kitô hữu đã cử hành ngày trong tuần về Chúa Phục Sinh này chính yếu như là một ngày hân hoan. “Vào ngày thứ nhất trong tuần, tất cả anh chị em đều phải hân hoan”, cuốn Didascalia đã khuyến giục như thế (100). Điều này cũng được chú trọng qua việc thực hành phụng vụ, ở việc chọn lựa những cử chỉ thích đáng (101). Khi làm vang lên nhận thức được lan truyền rộng rãi trong Giáo Hội, Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả niềm vui của Ngày Lễ Phục Sinh hằng tuần như sau: “Việc chay tịnh, được để sang một bên, và những lời nguyện cầu được đứng đọc, như một dấu hiệu của cuộc Phục Sinh, một cuộc Phục Sinh cũng là lý do tại sao Alleluia được hát lên vào mỗi Chúa Nhật” (102).
56. Ngoài những hình thức về lễ nghi riêng biệt, những hình thức có thể thay đổi theo thời gian tùy theo qui định của Giáo Hội, vấn đề vẫn là Chúa Nhật, như âm vang hằng tuần về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ không ngừng được đánh dấu bằng niềm hân hoan khi các môn đệ chào Thày của các vị: “Các môn đệ hân hoan khi trông thấy Chúa” (Jn 20:20). Điều này củng cố những lời được Chúa Giêsu nói trước Cuộc Khổ Nạn và là những lời được vang vọng nơi mọi thế hệ Kitô hữu: “Các con sẽ sầu khổ, nhưng nỗi sầu khổ của các con sẽ trở thành niềm vui” (Jn 16:20). Người lại đã chẳng nguyện cầu cho điều này hay sao, để các môn đệ được hoan hưởng “trọn vẹn niềm vui của Người” (x Jn 17:13)? Tính chất vui mừng của Thánh Thể Chúa Nhật thể hiện niềm vui Chúa Kitô thông đạt cho Giáo Hội của Người qua tặng ân Thần Linh. Niềm vui thực sự là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (x Rm 14:17; Gal 5:22).
57. Bởi thế, nếu chúng ta muốn tái nhận thức trọn vẹn ý nghĩa của Chúa Nhật, chúng ta cần phải tái nhận thức khía cạnh này của cuộc sống đức tin. Thật sự là niềm vui Kitô giáo cần phải làm sao đánh dấu tất cả đời sống, chứ không phải chỉ một ngày duy nhất trong tuần. Thế nhưng, vì tính cách quan trọng của nó như là ngày của Chúa Phục Sinh, ngày cử hành việc Thiên Chúa tạo dựng và “tân tạo”, Chúa Nhật là ngày của niềm vui một cách rất đặc biệt, thật sự là một ngày xứng hợp nhất để biết làm sao hân hoan và tái nhận thức bản chất đích thực và căn nguyên sâu xa của niềm vui. Niềm vui này không bao giờ được lẫn lộn với những cảm tình hời hợt của thỏa mãn và khoái thú là những gì làm mê mẩn các giác quan và cảm xúc trong chốc lát, nhưng để lại cho tâm can những hụt hẫng, thậm chí có lẽ còn đắng cay nữa là đàng khác. Theo quan điểm Kitô giáo thì niềm vui là những gì lâu bền và thỏa nguyện; như các thánh nhân chứng thực, nó có thể tồn tại ngay cả trong đêm tối tăm đau khổ (103). Ở một nghĩa nào đó, nó là một “nhân đức” cần phải được duy dưỡng.
58. Tuy nhiên, không có gì là xung khắc giữa niềm vui Kitô giáo và những niềm vui nhân bản đích thực, những niềm vui thực sự được thăng hóa và có một nền tảng sâu xa nơi niềm vui của Chúa Kitô hiển vinh, Đấng là hình ảnh trọn hảo về con người và là mạc khải về con người theo ý định của Thiên Chúa. Như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI viết trong Tông Huấn về niềm vui Kitô giáo: “Tự bản chất, niềm vui Kitô giáo là một thứ tham dự vào niềm vui khôn thấu, vừa thần linh vừa nhân loại, nơi tâm can của Chúa Kitô vinh hiển” (104) Đức Giáo Hoàng Phaolô đã kết bức Tông Huấn của mình bằng việc yêu cầu là, vào Ngày Của Chúa, Giáo Hội cần phải mãnh liện làm chứng cho niềm vui được các Tông Đồ cảm nghiệm khi các vị thấy Chúa vào tối Phục Sinh. Để đạt được mục đích ấy, ngài đã thôi thúc các vị chủ chăn hãy nhấn mạnh “tới nhu cầu đối với thành phần lãnh nhận phép rửa trong việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật một cách hân hoan. Làm sao họ có thể coi thường cuộc gặp gỡ này, bữa tiệc được Chúa Kitô vì yêu dọn ra cho chúng ta được chứ? Chớ gì việc chúng ta tham dự vào bữa tiệc gặp gỡ này là việc làm xứng đáng nhất và vui sướng nhất! Chúnh Chúa Kitô, Đấng tử giá và hiển vinh, Đấng đến giữa các môn đệ của mình, dẫn tất cả họ cùng tiến vào cái mới mẻ của Việc Người Phục Sinh. Đó là tột đỉnh, trên thế gian này, của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và dân Ngài: là dấu hiệu và là nguồn hân hoan Kitô giáo, là chặng đường tiến về bữa tiện trường sinh” (105). Cái nhãn quan đức tin này cho thấy Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cần phải thực sự là “thời gian cử hành”, một ngày được Thiên Chúa ban cho con người nam nữ để họ được hoàn toàn tăng trưởng về nhân bản cũng như về thiêng liêng.
Tầm mức trọn vẹn của Ngày Hưu Lễ
59. Khía cạnh ấy của Ngày Chúa Nhật Kitô giáo cho thấy một cách đặc biệt là nó đã làm trọn Ngày Hưu Lễ của Cựu Ước như thế nào. Vào Ngày Của Chúa, ngày – như chúng ta đã nói – được Cựu Ước liên kết với việc tạo dựng (x Gen 2:1-3; Ex 20:8-11) và việc Xuất Hành (x Deut 5:12-15), Kitô hữu được kêu gọi để loan truyền việc tân tạo và tân giao ước mang lại từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chẳng những không bị loại bỏ, việc mừng công cuộc tạo dựng còn trở nên sâu xa hơn nữa theo quan điểm qui về Chúa Kitô, một quan điểm theo chiều hướng dự định của Thiên Chúa là “hiệp nhất mọi sự trong Chúa Kitô, những sự trên trời cùng những sự dưới thế” (Eph 1:10). Việc tưởng nhớ đến cuộc giải phóng của Cuộc Xuất Hành cũng có được tất cả ý nghĩa của nó khi nó trở thành việc tưởng nhớ đến ơn cứu chuộc phổ quát được Chúa Kitô hoàn thành bằng Cái Chết và Phục Sinh của Người. Bởi thế, thay vì “thay thế” cho Ngày Hưu Lễ, Chúa Nhật lại làm cho ngày này được nên trọn, và ở một nghĩa nào đó, là việc kéo dài và thể hiện trọn vẹn khi lịch sử cứu độ được từ từ giãi bày, một lịch sử cứu độ đạt đến tột đỉnh của mình nơi Chúa Kitô.
60- Theo quan niệm này, khoa thần học thánh kinh về “Ngày Hưu Lễ” mới được phục hồi trọn vẹn mà không dung hòa với tính chất Kitô giáo về Ngày Chúa Nhật. Nó là một thứ thần học dẫn chúng ta một cách mới mẻ và thực sự ngỡ ngàng trước mầu nhiệm của thuở ban đầu khi mà Lời hằng hữu của Thiên Chúa, bằng quyết định yêu thương tự do, tạo dựng nên thế giới từ hư không. Công việc tạo dựng được niêm ấn bằng việc chúc lành và việc thánh hiến cái ngày Thiên Chúa thôi “mọi việc Ngài đã thực hiện để tạo dựng” (Gen 2:3). Ngày nghỉ ngơi này của Thiên Chúa mang lại ý nghĩa cho thời gian, một thời gian theo lịch trình các tuần lễ chẳng những có tính cách qui định về ngày tháng mà còn, nói một cách nào đấy, có cả tính cách đặc biệt về thần học nữa. Việc liên tục trở về với ngày “shabbat” là những gì bảo đảm rằng không có nguy cơ về việc thời gian tự mình khép lại, vì, khi đón nhận Thiên Chúa cùng với Kairoi của Ngài, tức là cùng với những giây phút ân sủng Ngài ban và tác động cứu độ Ngài làm – thời gian vẫn hướng về vĩnh cửu.
61. Vì ngày thứ bảy được Thiên Chúa chúc lành và thánh hiến mà ngày “hưu lễ” là ngày kết thúc toàn thể công cuộc tạo dựng, và bởi đó, được liên kết một cách trực tiếp với công việc của ngày thứ sáu là ngày Thiên Chúa dựng nên con người “theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài” (x Gen 1:26). Mối liên hệ chặt chẽ giữa “ngày của Chúa” và “ngày của con người” đã được các vị Giáo Phụ lưu ý tới nơi việc các ngài suy niệm về câu truyện tạo dựng trong thánh kinh. Thánh Ambrôsiô nói về vấn đề này như sau: “Bởi vậy hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng đã hoàn thành một công việc là nơi Ngài có thể nghỉ ngơi. Ngài đã tạo nên các tầng trời, thế nhưng tôi không đọc thấy rằng Ngài nghỉ ngơi ở đó; Ngài đã tạo nên các vì tinh tú, nên vầng nguyệt, nên thái dương, và tôi cũng không đọc thấy Ngài nghỉ ngơi nơi chúng. Trái lại, tôi đọc thấy rằng Ngài đã dựng nên con người và sau đó Ngài nghỉ ngơi, khi tìm thấy nơi con người là kẻ Ngài có thể ban phát cho họ ơn thứ tha tội lỗi của Ngài” (106). Thế nên sẽ có một mối liên kết vĩnh viễn giữa “ngày của Chúa” với “ngày của con người”. Khi giới luật thần linh dạy rằng: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho ngày này thánh hảo” (Ex 20:8), thì các giới răn còn lại để tôn kính ngày được giành cho Thiên Chúa này không còn là một gánh nặng đè lên con người nữa, trái lại, là một phương trợ giúp cho họ nhận ra việc lệ thuộc ban sự sống và giải thoát của họ vào Đấng Hóa Công, cũng như nhận ra việc họ được kêu gọi cộng tác với công cuộc của Đấng Hóa Công và việc họ lãnh nhận ân sủng của Ngài. Trong việc tôn kính “sự nghỉ ngơi” của Thiên Chúa, con người mới hoàn toàn nhận ra được bản thân mình, nhờ đó, Ngày Của Chúa mang ấn tín sâu xa việc chúc lành của Thiên Chúa (x Gen 2:3), vì thế, chúng ta có thể nói, nó được ban, cùng một cách thức, cho cả thú vật lẫn cho chính con người, một thứ “phong phú” (x Gen 1:22,28). Thứ “phong phú” này trên hết hiển nhiên là việc làm trọn vẹn, và ở một nghĩa nào đó, “làm tăng bội” chính thời gian, khiến cho con người nam nữ sâu xa cảm thấy đượn niềm vui sống động và ước muốn duy trì cùng thông đạt sự sống.
62. Bởi thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là nhớ rằng, mặc dù những thực hành về Ngày Hữu Lễ Do Thái đã qua đi, những thực hành thực sự đã được “nên trọn” nơi Chúa Nhật, thì những lý do chính yếu trong việc giữ “Ngày Của Chúa” thánh hảo – như được ấn định một cách long trọng nơi Thập Giới – vẫn là những gì có công hiệu, mặc dù chúng cần phải được tái giải thích theo chiều hướng thần học và tu đức của Ngày Chúa Nhật: “Hãy nhớ ngày Hưu Lễ để giữ cho thánh hảo, như Chúa là Thiên Chúa của các người truyền dạy các người. Sáu ngày các người cần phải làm việc và làm tất cả những việc làm của các người; thế nhưng, ngày thứ bảy là Ngày Hưu Lễ đối với Chúa là Thiên Chúa của các người. Bởi thế các người không được làm việc gì, các người hay con trai, hoặc con gái, hay đầy tớ nam, hoặc đầy tớ nữ, hay con bò hoặc con lừa, hay bất cứ một con thú nào của các người, hoặc kẻ ngoại bang nào ở trong cổng nhà của các người, hầu cho tôi trai tớ gái của các người cũng được nghỉ ngơi như các người. Các người phải nhớ rằng các người đã làm tôi mọi nơi đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa của các người đã mang các người ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và bằng cách tay giang thẳng. Bởi thế Chúa là Thiên Chúa của các người đã truyền rằng các người hãy giữ ngày Hưu Lễ” (Deut 5:12-15). Ở đây việc giữ Ngày Hưu Lễ có liên hệ chặt chẽ với việc giải thoát Thiên Chúa đã thực hiện cho dân của Ngài.
63. Chúa Kitô đến để thực hiện một cuộc tân “xuất hành”, để phục hồi tự do cho thành phần bị áp bức. Người đã thi hành nhiều lần chữ alành vào nNgày Hưu Lễ (x Mt 12:9-14 và các đoạn tương tự), chắc chắn không phải để vi phạm đến Ngày của Chúa, mà là để cho thấy trọn vẹn ý nghĩa của ngày này: “Ngày Hưu Lễ được thiết lập cho con người chứ không phải con người cho ngày Hưu Lễ” (Mk 2:27). Chống lại việc giải thích quá duy pháp lý của một số người đồng thời của mình, cũng như để khai triển ý nghĩa thực sự về Ngày Hưu Lễ theo thánh kinh, Chúa Giêsu, với tư cách là “Chúa của Ngày Hưu Lễ” (Mk 2:28), phục hồi cho Ngày Hưu Lễ việc tuân giữ tính chất giải phóng của nó, thận trọng bảo toàn các quyền lợi của Thiên Chúa cũng như các quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao Kitô hữu, thành phần được kêu gọi khi họ phải loan truyền việc giải phóng bởi máu Chúa Kitô, cảm thấy rằng họ có thẩm quyền chuyển ý nghĩa của Ngày Hưu Lễ sang ngày Phục Sinh. Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự đã giải thoát con người khỏi một tình trạng làm nô lệ còn nặng nề trầm trọng hơn bất cứ gánh nặng nào chất trên một thành phần dân chúng bì đè nén – đó là tình trạng nô lệ tội lỗi, một tình trạng nô lệ tội lỗi khiến con người bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, tách biệt khỏi chính mình cũng như khỏi kẻ khác, một tình trạng nô lệ tội lỗi liên lỉ gieo rắc trong lịch sử những mầm mống sự sữ và bạo lực.
Ngày nghỉ ngơi
64. Qua một số thế kỷ, Kitô hữu đã giữ Ngày Chúa Nhật thuần túy như là một ngày để thờ phượng mà thôi, không mang lại cho ngày này ý nghĩa đặc biệt của một ngày Hưu Lễ nghỉ ngơi. Chỉ sang thế kỷ thứ tư luật dân sự của Đế Quốc Rôma mới công nhận cái tính cách tái diễn hằng tuần, quyết định rằng vào “ngày của mặt trời”, các vị thẩm phán, dân chúng ở các thành phố và những công ty kinh doanh khác nhau đều nghỉ việc (107). Bởi thế Kitô hữu hớn hở thấy được những ngãng trở được loại bỏ, những ngãng trở mà cho tới bấy giờ đôi khi đã khiến cho việc tuân giữ Ngày của Chúa phải anh hùng lắm mới làm nổi. Bấy giờ họ có thể tha hồ nguyện cầu chung với nhau mà không còn bị gặp trở ngại nữa (108).
Do đó thật là sai lầm khi thấy nơi khoản luật về nhịp điệu của tuần lễ này chỉ là một trường hợp lịch sử thuần túy không có một ý nghĩa đặc biệt nào đối với Giáo Hội, và là những gì Giáo Hội có thể tự nhiên bỏ qua. Ngay cả sau khi Đế Quốc này bị sụp đổ, các Công Đồng vẫn không ngừng chú trọng đến vấn đề dàn xếp để làm sao thực hiện việc nghỉ ngơi Chúa Nhật. Nơi những xứ sở có thiểu số Kitô hữu, và nơi các ngày lễ theo niên lịch không trùng với Chúa Nhật, thì Chúa Nhật vẫn là Ngày Của Chúa, ngày tín hữu đến với nhau thành cộng đồng Thánh Thể. Thế nhưng thực hiện việc này cần phải có những hy sinh thực sự. Kitô hữu không cho là chuyện bình thường khi Chúa Nhật, ngày của việc hân hoan cử hành, không phải là một ngày nghỉ ngơi, và nếu không có đủ thời giờ tự do thảnh thơi thì họ phải khó khăn lắm mới giữ cho Ngày Chúa Nhật được thánh hảo.
65. Trái lại, mối liên hệ giữa Ngày của Chúa và ngày nghỉ ngơi nơi xã hội dân sự có một ý nghĩa và tầm quan trọng vượt ra ngoài quan điểm Kitô giáo chuyên biệt. Việc luân chuyển giữa vấn đề làm việc và nghỉ ngơi, một thứ luân chuyển được kiến tạo nơi bản tính của con người, là những gì theo ý muốn của chính Thiên Chúa, như được thể hiện qua câu truyện tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên (x 2:2-3; Ex 20:8-11): nghỉ ngơi là một điều “linh thánh”, vì nó là cách thức con người rút khỏi chu kỳ đôi khi quá đòi hỏi của các công việc trần gian để tái ý thức rằng hết mọi sự đều là việc làm của Thiên Chúa. Có nguy cơ là quyền năng phi thường trên thiên nhiên tạo vật do Thiên Chúa ban cho con người có thể khiến họ quên rằng Thiên Chúa là Đấng Hóa Công mà mọi sự phải lụy thuộc. Chúng ta lại càng cần phải nhìn nhận việc lụy phục này trong thời đại của chúng ta đây, một thời đại mà khoa học và kỹ thuật đã làm gia tăng ngoài sức tưởng tượng cái quyền năng được con người thực hiện qua việc làm của họ ấy.
66. Sau hết, cũng không được quên rằng ngay cả trong thời đại của chúng ta đây, đối với nhiều người, việc làm là những gì rất cùng cực, hoặc bởi những điều kiện làm việc thảm thương và lâu giờ – nhất là nơi những vùng nghèo khổ trên thế giới – hay vì tính cách dai dẳng của quá nhiều trường hợp bất công và khai thác giữa người với người ở những xã hội tân tiến hơn về kinh tế. Qua nhiều thế kỷ, khi ấn định luật lệ liên quan đến việc nghỉ ngơi Chúa Nhật (109), Giáo Hội trước hết đã nghĩ tới công ăn việc làm của thành phần tôi tớ và lao động, chắc chắn không phải là vì thứ công ăn việc làm này kém giá đối với những đòi hỏi thiêng liêng của việc giữ Ngày Chúa Nhật, nhưng vì cần phải điều chỉnh cho tốt đẹp hơn việc làm giảm bớt gánh nặng của nó, nhờ đó giúp cho mọi người có thể giữ Ngày của Chúa thánh hảo. Về vấn đề này, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII, trong Thông Điệp Rerum Novarum, đã nói về việc nghỉ ngơi Chúa Nhật như là quyền lợi của người công nhân cần phải được Quốc Gia bảo toàn (110).
Trong môi trường lịch sử của chúng ta đây vẫn cần phải có trách nhiệm để bảo đảm là hết mọi người có thể được hoan hưởng tự do, nghỉ ngơi và xả hơi theo như phẩm giá con người đòi hỏi, cũng như được thể hiện những nhu cầu về tôn giáo, gia đình, văn hóa và giao hệ, những nhu cầu khó có thể đáp ứng nếu không được bảo đảm ít là một ngày trong tuần để con người có thể vừa nghỉ ngơi vừa mừng lễ. Bình thường thì quyền lợi nghỉ ngơi này của người công nhân bao hàm quyền làm việc của họ, và, như chúng ta chia sẻ về vấn đề Kitô giáo hiểu biết Ngày Chúa Nhật, chúng ta không thể không nhớ tới, bằng một cảm quan liên kết sâu xa, nỗi khốn khó của vô số con người nam nữ, vì thiếu việc làm, đã bị ở trong tình trạng vô công rỗi nghề vào những ngày làm việc trong tuần nữa.
67. Nhờ việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mà những quan tâm và việc làm hằng ngày mới có thể được định hướng một cách thích đáng, ở chỗ, các thứ vật chất được chúng ta quan tâm hướng về những giá trị thiêng liêng; trong một lúc gặp gỡ nào đó hay ở một cuộc trao đổi ít bị dồn nén hơn, chúng ta thấy được chân dung của con người chúng ta đang sống với. Ngay cả những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật đi nữa – những vẻ đẹp thường bị lọ lem bởi ước muốn khai thác thường quay lại phản chống chính con người – cũng có thể được tái khám phá và trọn vẹn hoan hưởng. Là ngày con người thảnh thơi với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân, Chúa Nhật trở thành thời điểm con người có thể nhìn thấy một cách mới mẻ những kỳ diệu của thiên nhiên tạo vật, khiến họ say mê với cái hòa hợp một cách lạ lùng và diệu vợi là những gì, theo Thánh Ambrôsiô, phối kết nhiều yếu tố của vũ trụ này thành một “liên kết hiệp thông và an bình”, bằng “một thứ luật bất khả vi phạm của hợp hòa và yêu thương” (111). Những con người nam nữ bấy giờ có một cảm quan sâu xa hơn, như Thánh Tông Đồ nói, đó là “hết mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, và không cần phải bỏ đi điều gì nếu biết lãnh nhận với lòng tri ân cảm tạ, vì bấy giờ nó được lời Chúa và việc nguyện cầu thánh hiến” (1Tim 4:4-5). Nếu sau 6 ngày làm việc – thực ra được nhiều người giảm xuống còn 5 – người ta tìm giờ xả hơi và chú trọng hơn nữa đến các khía cạnh khác của đời sống của mình, thì việc tìm giờ này tương ứng với nhu câu thực sự hoàn toàn hợp với quan điểm của sứ điệp Phúc Âm. Bởi thế mà thành phần tín hữu được kêu gọi làm thỏa đáng nhu cầu này một cách nhất trí với việc tỏ bày niềm tin chung riêng của họ, như được thể hiện nơi việc cử hành và thánh hóa Ngày của Chúa.
Thế nên, cũng trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đây, Kitô hữu bình thường cần phải chiến đấu để bảo đảm rằng luật pháp dân sự tỏ ra tôn trọng nhiệm vụ giữ Ngày Chúa Nhật thánh hảo của họ. Bất cứ ở vào trường hợp nào, theo lương tâm, họ buộc phải sắp xếp việc nghỉ ngơi Chúa Nhật của mình ở chỗ khiến họ có thể tham dự Thánh Thể, kiêng việc làm và những sinh hoạt không hợp với việc thánh hóa Ngày của Chúa, một ngày có đặc tính hân hoan và nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác (112).
68. Để việc nghỉ ngơi không thoái hóa thành trống rỗng hay chán chường, cần phải thực hiện vấn đề thăng tiến tâm linh, được thanh thơi hơn, có những cơ hội để chiêm niệm và hiệp thông huynh đệ. Thế nên, trong số những hình thức về văn hóa và giải trí được xã hội cung cấp cho, người tín hữu cần phải chọn những gì thích đáng nhất với một đời sống theo các qui định của Phúc Âm. Như thế việc nghỉ ngơi Chúa Nhật mới trở thành việc “loan báo”, khẳng định chẳng những tối thượng quyền của Thiên Chúa, mà còn cả cái ưu tiên và phẩm giá của con người đối với những đòi hỏi của đời sống xã hội và kinh tế, và ở một nghĩa nào đó ngưỡng vọng đến “trời mới” và “đất mới”, ở đó, việc giải thoát khỏi cảnh làm nô lệ cho các thứ nhu cầu sẽ được kết thúc và hoàn tất. Tóm lại, Ngày của Chúa nhờ đó mới là ngày của con người nữa theo nghĩa đích thực nhất.
Một ngày kết đoàn
69. Chúa Nhật cũng phải cống hiến cho tín hữu cơ hội để dấn thân làm những công việc của lòng thương xót nữa, của bác ái và tông đồ. Việc cảm nghiệm được niềm vui Chúa Phục Sinh sâu xa ở bên trong là để chia sẻ trọn vẹn tình yêu thổn thức trong tâm can của Người: không có niềm vui nếu không yêu thương! Chính Chúa Giêsu đã cắt nghĩa điều này, khi liên kết “giới răn mới” với tặng ân hân hoan: “Nếu các con tuân giữ những điều Thày truyền các con sẽ ở trong tình yêu của Thày, như Thày đã giữ các mệnh lệnh của Cha và ở trong tình yêu của Ngài. Thày nói với các con điều này để niềm vui của Thày sẽ ở nơi các con cho niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là giới răn của Thày, đó là các con yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 15:10-12).
Bởi thế, Thánh Thể Chúa Nhật chẳng những không tha giải cho tín hữu khỏi các nhiệm vụ bác ái, ngược lại, còn thôi thúc họ thậm chí thực hiện “tất cả mọi hoạt động bác ái, nhân hậu, tông đồ, nhờ đó người tín hữu của Chúa Kitô được coi như không thuộc về thế gian này và còn là ánh sáng thế gian, làm vinh hiển Chúa Cha trước mắt nhân loại” (113).
70. Ngay từ thời Tông Đồ, việc qui tụ lại vào Chúa Nhật đối với Kitô hữu thực sự là một giây phút chia sẻ tình huynh đệ với thành phần rất nghèo khổ. “Vào ngày thứ nhất trong tuần, mỗi người trong anh chị em phải dẹp sang một bên và giành gịum bất cứ những gì ngoại lệ anh chị em kiếm được” (1Cor 16:2), Thánh Phaolô nói điều này có ý ám chỉ việc quyên tiền cho các Giáo Hội nghèo ở Giuđêa. Trong Thánh Thể Chúa Nhật, con tim tin tưởng rộng mở để ôm lấy tất cả mọi khía cạnh của Giáo Hội. Thế nhưng, cần phải chấp nhận tất cả mọi phạm vi của việc tông đồ đòi hỏi: thay vì cố gắng để tạo nên một thứ tâm thứ hạn hẹp về “tặng ân” Thánh Phaolô đã kêu gọi một thứ văn hóa chia sẻ cần thiết, một thứ văn hóa cần phải sống chẳng những nơi chính các phần tử của cộng đồng mà còn nơi xã hội nói chung nữa (114). Hơn bao giờ hết, chúng ta, một lần nữa, cần phải lắng nghe lời cảnh giác nghiêm nghị được Thánh Phaolô ngỏ cùng cộng đoàn Côrintô đã vấp phải lỗi lầm trong việc hạ nhục người nghèo trước tinh thần yêu thương huynh đệ khi cử hành “Bữa của Chúa”: “Khi anh em hội họp với nhau thì anh em không phải là ăn Bữa của Chúa nữa. Vì trong việc ăn uống, mỗi người đã tự động ăn uống bữa của mình rồi, nên người thì đói kẻ thì say sưa. Sao lại thế được nhỉ! Anh em không có nhà cửa để ăn uống hay sao? Hay anh em tỏ ra khinh thường Giáo Hội của Chúa và hạ nhục những ai chẳng có gì ăn uống hay chăng?” (1Cor 11:20-22). Thánh Giacôbê cũng mạnh mẽ không kém nơi những gì ngài viết thế này: “Nếu một người đeo nhẫn vàng và mặc quần áo lụa là đến với cộng đoàn của anh em, và một người nghèo ăn mặc xoàng xĩnh cũng tới, song anh em lại chú trọng tới người ăn mặc sang trọng mà nói với họ rằng ‘xin mời ngồi’, còn người nghèo anh em nói ‘hãy đứng ở đằng kia’, hay ‘ngồi xuống đấy’, thì không phải là anh em đã phân chia nơi anh em rồi hay sao, và trở thành những vị quan án có đầu óc gian tà rồi hay sao?” (2:2-4).
71. Những giáo huấn của các vị Tông Đồ từ những thế kỷ đầu đã làm vang lên lòng cảm thương, và đã được mạnh mẽ âm vang nơi giáo huấn của các vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Thánh Ambrôsiô đã nói lên những lời nẩy lửa với thành phần giầu có cho mình chu tất các nhiệm vụ về đạo giáo nơi việc tham dự nhà thờ mà lại không chia sẻ sản vật của mình cho người nghèo, và là thành phần thậm chí còn khai thác người nghèo nữa, như sau: “Anh chị em là những người giầu có, anh chị em có nghe những gì Chúa là Thiên Chúa nói hay chăng? Thế mà anh chị em đến nhà thờ mà không cho kẻ nghèo song lại còn lấy của họ nữa?” (115). Thánh Gioan Chrysostom cũng không kém gay gắt: “Có phải anh chị em muốn tôn kính thân thể của Chúa Kitô hay chăng? Thế thì đừng mần ngơ khi Người trần trụi. Đừng kính bái Người trong đền thờ với y phục lụa là để rồi bỏ rơi Người chịu lạnh lẽo và trần trụi ở ngoài đường xá. Đấng đã phán: ‘Đây là mình Thày’ cũng chính là Đấng phán: ‘Các người thấy Ta đói song không cho Ta ăn’ và ‘Những gì các người làm cho một người an hem hèn mọn nhất của Ta là làm cho chính Ta’… Có ích lợi gì khi trên bàn Thánh Thể chất đầy những chén vàng khi mà Người đang chết đói chứ? Hãy bắt đầu bằng việc làm thỏa cơn đói của Người, để rồi với những gì còn lại anh chị em hãy dùng để trang hoàng cả bàn thờ nữa”. (116)
Những lời này thực sự nhắc nhở cộng đồng Kitô hữu về nhiệm vụ làm cho Thánh Thể trở thành nơi cho tình nghĩa huynh đệ biến nên mối kết đoàn thực tiễn, nơi kẻ chót sẽ được ưu tiên trong tâm trí và chú ý của anh chị em họ, nơi chính Chúa Kitô – qua các trao ban quảng đại từ người giầu cho người nghèo – một cách nào đó kéo dài trong thời gian phép lạ bánh hóa ra nhiều (117).
72. Thánh Thể là một biến cố và là một dự án của tình nghĩa huynh đệ chân thực. Từ Thánh Lễ Chúa Nhật xuất phát một triều sóng bác ái tràn lan khắp cả cuộc sống của người tín hữu, bắt đầu bằng việc tác động chính cách thức họ sống những giờ giấc còn lại của Ngày Chúa Nhật. Nếu Chúa Nhật là ngày của niềm vui thì Kitô hữu cần phải tuyên bố bằng hành vi cử chỉ thực sự của mình rằng chúng tôi không thể nào có hạnh phúc “riêng mình”. Họ nhìn chung quanh để tìm kiếm những ai cần họ giúp đỡ. Việc này có thể thực hiện nơi khu xóm của họ, hay nơi những chỗ họ biết có bệnh nhân, có người già lão, trẻ am hay di dân mà vào chính ngày Chúa Nhật cảm thấy hết sức cô độc lẻ loi, thiếu thốn và khổ đau. Thật ra việc dấn thân ấy cho những thành phần này không thể bị hạn hẹp vào các cử chỉ vào dịp Chúa Nhật mà thôi. Thế nhưng, nếu hiểu ý nghĩa dấn thân rộng hơn thì tại sao không làm cho Ngày của Chúa trở thành một thời điểm thiết tha hơn trong việc chia sẻ, trong việc gia tăng tất cả những sáng kiến có tghể theo đức bác ái Kitô giáo? Mời những ai cô đơn đến dùng bữa, viếng thăm kẻ liệt, chia sẽ thực phẩm cho những gia đình thiếu thốn, bỏ ít tiếng đồng hồ làm việc tự nguyện và hoạt động đoàn kết, những việc làm ấy chắc chắn là những cách thức mang đến cho đời sống của dân chúng tình yêu Chúa Kitô được lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh Thể.
73. Sống theo đường lối ấy, thì chẳng những Thánh Thể Chúa Nhật mà còn cả Ngày Chúa Nhật trở thành một trường học cao quí của bác ái, công lý và hòa bình. Việc hiện diện của vị Chúa Phục Sinh giữa dân Người trở thành một công cuộc đoàn kết, một động lực thôi thúc canh tân nội tâm, một hứng khởi trong việc làm thay đổi các thứ cấu trúc của tội lỗi là những gì chi phối cá nhân, cộng đồng và có những lúc cả một dân tộc. Thay vì là một cuộc vượt thoát, Ngày Chúa Nhật Kitô Giáo là một “lời loan báo” được in ấn nơi chính thời gian, một lời loan báo bắt buộc tín hữu theo chân của Đấng đã đến “để rao giảng tin mừng cho người nghèo khổ, công bố sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm và phục quang cho người mù lòa, trả tự do cho những ai bị đàn áp, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lk 4:18-19). Trong việc tưởng niệm Phục Sinh của Ngày Chúa Nhật, tín hữu học hỏi nơi Chúa Kitô, nhớ lời Người hứa ‘Thày để lại bình an cho các con, Thày ban cho các con bình an của Thày’ (Jn 14:27), về phần họ, họ trở thành những con người dựng xây hòa bình.
Chương V
Ngày của mọi ngày – Dies Dierum
Chúa Nhật: Ngày Lễ Nguyên Thủy Tỏ Hiện Ý Nghĩa của Thời Gian
Chúa Kitô là Alpha và Omega của thời gian
74. “Theo Kitô Giáo, thời gian có tính cách rất quan trọng. Trong chiều kích của thời gian thế giới đã được tạo thành; trong thời gian, lịch sử cứu độ đã được tỏ hiện, lên đến tột đỉnh của mình nơi ‘thời điểm viên trọn’ của biến cố Nhập Thể, và đích điểm của thời gian là việc Con Thiên Chúa trở lại vào lúc ngày cùng tháng tận. Nơi Chúa Giêsu Kitô, Lời hóa thành nhục thể, thời gian trở thành một chiều kích của Thiên Chúa, Đấng tự mình hằng hữu” (118).
Theo chiều hướng của Tân Ước thì những năm tháng của cuộc đời Chúa Kitô sống trên trần gian là những gì làm nên tâm điểm của thời gian, tâm điểm này đạt tới tuyệt đỉnh của nó ở biến cố Phục Sinh. Quả thực Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã hóa thân làm người từ chính giây phút Người được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ, thế nhưng chỉ nơi biến cố Phục Sinh nhân tính của Người mới hoàn toàn được biến đổi và hiển vinh, nhờ đó mới cho thấy tất cả căn tính và vinh quang thần linh của Người. Trong bài nói tại hội đường Antioch ở Pisidia (x Acts 13:33), Thánh Phaolô đã áp dụng những lời của Thánh Vịnh 2 vào việc Phục Sinh của Chúa Kitô: ‘Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con’ (câu 7). Chính vì lý do này mà, trong cuộc cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, Giáo Hội mới tôn tụng Chúa Kitô Phục Sinh là ‘Nguyên Thủy và là Cùng Đích, là Alpha và Omega’. Đó là những lời được thốt ra từ vị cử hành khi sửa soạn cây nến Phục Sinh là cây nến mang con số của năm tháng đương thời. Những lời ấy hiển nhiên chứng thực là “Chúa Kitô là Chúa của thời gian; Người là nguyên thủy và là cùng đích của thời gian; mỗi năm, mỗi ngày và mỗi giây phút đều được gồm tóm trong cuộc Nhập Thể và Phục Sinh của Người, nên chúng thuộc về ‘thời gian viên trọn’” (119).
75. Vì Chúa Nhật là Lễ Phục Sinh hằng tuần, nhắc nhở và hiện thực ngày Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, mà nó cũng là ngày cho thấy ý nghĩa của thời gian. Nó không dính dáng gì tới các chu kỳ của vũ trụ mà theo đó tôn giáo tự nhiên và văn hóa con người có khuynh hướng muốn áp đặt một cơ cấu về thời gian, đến nỗi đành phải chấp nhận cái huyền thoại về một thứ luân hồi đời đời kiếp kiếp. Ngày Chúa Nhật của Kitô Giáo hoàn toàn khác hẳn! Xuất phát từ biến cố Phục Sinh, nó cắt ngang thời gian của con người, những tháng năm, các thế kỷ, như một mũi tên định hướng nhắm tới mục tiêu của nó, đó là việc Chúa Kitô Đến Lần Thứ Hai. Ngày Chúa Nhật báo trước ngày tận cùng, ngày Parousia – ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ngày mà, một cách nào đó, đã được vọng tỏa từ vinh quang của Chúa Kitô nơi biến cố Phục Sinh.
Thật vậy, những gì sẽ xẩy ra cho tới ngày cùng tháng tận của thế giới sẽ không còn là gì khác ngoài việc kéo dài và tỏ hiện những gì đã xẩy ra vào ngày thân xác bị dập nát của Chúa Kitô Tử Giá được phục sinh bởi quyền năng của Thần Linh và nhờ đó trở thành mạch nguồn Thần Linh cho tất cả nhân loại. Kitô hữu biết rằng không cần phải đợi chờ một thời điểm cứu độ nào khác nữa, vì, cho dù thế giới này có kéo dài đến đâu đi nữa, thì họ cũng đã sống trong những thời sau hết. Chẳng những Giáo Hội mà còn cả chính vũ trụ cùng lịch sử cũng liên lỉ được cai trị và quản trị bởi Chúa Kitô vinh hiển. Chính quyền năng sự sống này là những gì đẩy mạnh tạo vật, ‘đang quằn quại cho tới nay’ (Rm 8:22), hướng tới đích điểm hoàn toàn được cứu chuộc của mình. Nhân loại có thể có một trực giác mong manh về tiến trình này, thế nhưng Kitô hữu nắm được chính cái then chốt và niềm tin tưởng. Việc giữ cho Ngày Chúa Nhật thánh hảo là chứng từ quan trọng họ được kêu gọi để thực hiện, nhờ đó, hết mọi giai đoạn của lịch sử loài người được thăng hoa trong hy vọng.
Chúa Nhật trong Phụng Niên
76. Qua việc tái diễn hằng tuần, Ngày của Chúa được bắt nguồn từ truyền thống cổ kính nhất của Giáo Hội và là những gì hết sức quan trọng đối với Kitô hữu. Thế nhưng, cũng có một tiến trình nữađã sớm tự hình thành đó là chu kỳ phụng vụ hằng năm. Thật vậy, tâm lý con người muốn cử hành những dịp kỷ niệm, liên quan đến việc trở về của những ngày tháng thuộc các biến cố quá khứ đáng tưởng nhớ. Khi những biến cố ấy là những gì quan trọng nơi đời sống của một người thì chúng thường tạo nên bầu khí vui mừng, khác với tính cách đơn thuần tẻ nhạt của thói quen hằng ngày.
Vậy, theo ý định của Thiên Chúa, các đại biến cố cứu độ mà nhờ đó Giáo Hội được hình thành đều có liên quan chặt chẽ với các lễ hằng năm của dân Do Thái là Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần, và được tiên báo trước nơi những lễ ấy. Từ thế kỷ thứ hai, việc cử hành Lễ Phục Sinh hằng năm của Kitô hữu – khi việc cử hành Phục Sinh hằng tuần được thêm vào – đã giúp làm tăng thêm hơn nữa việc suy tưởng mầu nhiệm Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Được mở đầu bằng việc chay tịnh dọn lòng, được cử hành bằng một lễ vọng dài, được kéo dài thành 50 ngày cho tới lễ Hiện Xuống, lễ Phục Sinh – ‘lễ trọng nhất trong các lễ trọng’ – trở thành một ngày tuyệt hảo cho việc thành phần dự tòng gia nhập đạo. Nhờ phép rửa, họ chết đi cho tội và phục hồi một sự sống mới vì Chúa Giêsu ‘đã chết đi cho tội lỗi của chúng ta và đã sống lại cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25, 6:3-11). Liên kết chặt chẽ với Mầu Nhiệm Vượt Qua, Lễ Trọng Hiện Xuống mang một tầm vóc đặc biệt quan trọng, cử hành việc Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ bấy giờ đang qui tụ bên Mẹ Maria, và mở màn cho sứ vụ truyền giáo cho tất cả mọi dân nước (120).
77. Lý lẽ về việc tưởng nhớ tương tự đã hướng dẫn việc sắp xếp cả Năm Phụng Vụ. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở là Giáo Hội muốn cho cả một năm tràn đầy ‘trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, từ biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày Hiện Xuống và đến cuộc hy vọng đợi trông việc Chúa trở lại. Nhờ việc tưởng nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc như thế, Giáo Hội mở ra cho tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp của Chúa, làm cho những sự này hiện diện một cáchnào đó qua mọi thời đại, để tín hữu có thể tiến tới với những sự này và được những sự ấy làm tràn đầy ơn cứu độ’ (121).
Sau Phục Sinh và Hiện Xuống, cuộc cử hành long trọng nhất chắc chắn là Lễ Chúa Giáng Sinh, thời điểm Kitô hữu suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và chiêm ngưỡng Lời Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương mặc lấy nhân tính của chúng ta để chúng ta được thông phần vào thần tính của Người.
78. Cũng thế, ‘trong việc cử hành chu kỳ hằng năm các mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh đặc biệt mến yêu tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Vị muôn đời được liên kết với công cuộc cứu độ của Con Mẹ’ (122). Tương tự như vậy, bằng việc đưa vào chu kỳ hằng năm việc tưởng nhớ các thánh tử đạo và các thánh khác nhân dịp kỷ niệm của các vị, ‘Giáo Hội loan báo mầu nhiệm Phục Sinh của các thánh, những vị đã chịu khổ với Chúa Kitô và giờ đây cùng Người đang được vinh quang’ (123) Khi cử hành theo tinh thần thực sự của phụng vụ, thì việc tưởng niệm các thánh không làm lu mờ đi tính cách trọng yếu của Chúa Kitô, mà trái lại, còn đề cao tính cách này nữa, khi thực sự cho thấy quyền năng cứu chuộc do Người mang lại. Thánh Paulinus Nola xướng lên rằng: ‘Tất cả mọi sự qua đi, thế nhưng vinh quang của các thánh tồn tại trong Chúa Kitô, Đấng canh tân tất cả mọi sự, trong khi chính Người tồn tại không đổi thay’ (124). Mối liên hệ nội tại giữa vinh quang của các thánh với vinh quang của Chúa Kitô làm thành diễn tiến của Năm Phụng Vụ, và được thể hiện sống động nhất nơi tính chất sâu xa chủ yếu của Chúa Nhật là Ngày của Chúa. Việc theo dõi các mùa của Phụng Niên từ đầu đến cuối nơi vấn đề giữ Ngày Chúa Nhật, việc dấn thân về giáo hội và thiêng liêng của người Kitô hữu tiến đến chỗ sâu xa gắn liền với Chúa Kitô, với Đấng tín hữu thấy được lý do để sống và là Đấng nhờ Người họ được đỡ nâng và hứng khởi.
79. Bởi thế, Chúa Nhật hiện lên như là một mẫu mực tự nhiên cho việc hiểu biết và cử hành những ngày lễ ấy của Phụng Niên, những ngày lễ có một giá trị đối với đời sống Kitô hữu ở chỗ Giáo Hội đã muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chúng khi làm cho chúng trở thành những gì buộc tín hữu phải tham dự Thánh Lễ và giữ giờ giấc nghỉ ngơi, cho dù những ngày lễ ấy có rơi vào các ngày khác trong tuần (125). Số những ngày lễ ấy đã được đổi thay tùy thời, vì những điều kiện về xã hội và kinh tế, và chúng đã được truyền thống thiết lập một cách vững chắc cùng được luật lệ dân sự hỗ trợ rất nhiều (126).
Các khoản giáo luật và phụng vụ hiện nay cho phép mỗi một Hội Đồng Giám Mục, vì hoàn cảnh riêng biệt nơi xứ sở của mình, có thể giảm bớt danh sách Các Lễ buộc. Bất cứ quyết định nào về vấn đề này cũng cần phải được Tòa Thánh đặc biệt phê chuẩn (127), và trong những trường hợp như thế, việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, như Lễ Hiển Linh, Thăng Thiên hay Mình Máu Thánh Chúa, cần phải dời vào Chúa Nhật, theo các qui tắc phụng vụ, nhờ đó tín hữu không mất cơ hội suy niệm về mầu nhiệm ấy (128). Các vị Chủ Chiên cũng cần phải để ý khuyến khích tín hữu tham dự Thánh Lễ vào các ngày lễ khác được cử hành trong tuần (129).
80. Cần phải đặc biệt quan tâm về mục vụ tới nhiều trường hợp có nguy cơ là các truyền thống dân gian và văn hóa của một miền nào đó len lỏi vào việc cử hành các Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ phụng vụ khác, pha trộn tinh thần của đức tin chân thực Kitô giáo với những yếu tố xa lạ với tinh thần này và có thể làm méo mó tinh thần ấy. Trong những trường hợp như vậy, giáo lý và những sáng kiến khôn ngoan về mục vụ cần phải làm sáng tỏ những trường hợp ấy, loại trừ đi tất cả những gì bất xứng hợp với Phúc Âm của Chúa Kitô. Đồng thời cũng không được quên rằng những truyền thống này – và, tương tự như thế, có cả một số những sáng kiến về văn hóa mới đây trong xã hội dân sự – thường hiện thực các thứ giá trị không khó khăn trong việc hội nhập với các đòi hỏi của đức tin. Các Vị Mục Tử cần phải khôn ngoan sáng suốt trong việc bảo trì những thứ giá trị chân thực nơi văn hóa của một môi trường xã hội riêng biệt nào đó, nhất là nơi lòng đạo đức phổ thông, nhờ đó, việc cử hành phụng vụ – nhất là vào Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng – không bị thiệt thòi mà thực sự mang lại lợi ích (130).
Kết luận
81. Các kho tàng về tinh thần và mục vụ của Ngày Chúa Nhật, như nó đã được truyền thống lưu lại cho chúng ta, thật sự là to lớn. Một khi hoàn toàn hiểu được tính cách quan trọng và ý nghĩa của nó thì Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành một tổng hợp đời sống Kitô hữu và là một điều kiện sống tốt lành. Bởi thế mới thấy được lý do tại sao việc giữ Ngày của Chúa rất thân thương với Giáo Hội, và tại sao theo luật lệ của Giáo Hội nó vẫn là một điều thực sự buộc phải làm. Tuy nhiên, việc tuân giữ này cần phải được coi như là một nhu cầu xuất phát từ thẳm cung của đời sống Kitô hữu, hơn là một qui luật. Vấn đề hết sức quan trọng ở đây là tất cả mọi tín hữu cần phải thâm tín rằng họ không thể nào sống niềm tin của mình hay tham dự một cách trọn vẹn vào đời sống của cộng đồng Kitô Giáo trừ phi họ thường xuyên tham dự vào việc qui tụ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Thể là việc hoàn toàn hiện thực việc tôn thờ nhân loại cần phải tỏ ra đối với Thiên Chúa, và nó không thể nào so sánh với bất cứ một cảm nghiệm về tôn giáo nào khác. Việc thể hiện đặc biệt hiệu năng của điều này đó là việc cả cộng đồng qui tụ vào Ngày Chúa Nhật, lắng nghe lời của Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng kêu gọi tín hữu qui tụ lại để ban cho họ ánh sáng lời Người và dưỡng chất Mình Người như một mạch nguồn vĩnh viễn về bí tích của ơn cứu chuộc. Ân sủng tuôn ra từ mạch nguồn này là những gì canh tân nhân loại, sự sống và lịch sử.
82. Chính vì tin tưởng mạnh mẽ xác tín và ý thức về gia sản của các thứ giá trị nhân bản bao hàm trong việc giữ Ngày Chúa Nhật, mà Kitô hữu ngày nay cần phải đương đầu với những thứ du dỗ của một nền văn minh hưởng ứng những lợi ích của việc nghỉ ngơi và thời giờ tự do, thế nhưng lại là một thứ văn minh thường sử dụng những thứ ấy một cách nhẹ dạ nông nổi và có những lúc còn bị lôi cuốn bởi những hình thức tiêu khiển có vấn đề về luân lý. Thật ra Kitô hữu cũng không khác với người khác về việc hoan hưởng ngày nghỉ ngơi hằng tuần; thế nhưng họ đồng thời ý thức rõ ràng về tính cách đặc thù và nguyên tuyền của Ngày Chúa Nhật, một ngày họ được kêu gọi để cử hành việc cứu độ của họ và việc cứu độ của toàn thể nhân loại. Chúa Nhật là ngày vui mừng và là ngày nghỉ ngơi chính bởi vì nó là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa Phục Sinh.
83. Được hiểu và sống như thế, Chúa Nhật, một cách nào đó, trở thành hồn sống của các ngày khác, nhờ đó, chúng ta có thể nhớ lại cái minh thức của Origen rằng người Kitô hữu trọn lành ‘bao giờ cũng giữ Ngày của Chúa và bao giờ cũng cử hành Ngày Chúa Nhật’ (131). Chúa Nhật là một học đường thực sự, một chương trình kéo dài cho việc giáo dục của Giáo Hội – một khoa giáo dục bất khả thay thế, nhất là với những điều kiện xã hội hiện nay càng ngày càng bị phân mảnh và đa văn hóa liên lỉ thử thách lòng trung thành của cá nhân người Kitô hữu đối với những đòi hỏi cụ thể theo đức tin của họ. Ở nhiều phấn đất trên thế giới, chúng ta thấy một thứ Kitô Giáo “lưu vong”, một Kitô Giáo bị thử thách vì thành phần môn đệ Chúa Kitô phân tán không còn dễ dàng bảo tồn việc liên hệ với nhau nữa, và thiếu sự nâng đỡ về các cơ cấu và truyền thống hợp với văn hóa Kitô Giáo. Trong tình trạng khó khăn như thế, cơ hội đến với nhau vào Ngày Chúa Nhật, trao đổi các tặng ân của tình huynh đệ, là một sự hỗ trợ bất khả châm chước.
84. Trong việc thực sự bảo trì đời sống Kitô hữu, Ngày Chúa Nhật còn có một giá trị nữa đó là giá trị chứng từ và loan báo. Là một ngày của việc nguyện cầu, của hiệp thông và của niềm vui, Ngày Chúa Nhật làm âm vang khắp xã hội những thứ năng lực sinh động và những lý do hy vọng. Chúa Nhật là việc loan báo rằng thời gian, một phạm trù được Người là Vị Chúa Phục Sinh của lịch sử lập cư, không phải là một nấm mộ chôn những ảo tưởng của chúng ta, mà là cái nôi của một tương lai luôn tươi mới, một cơ hội giúp chúng ta biến những giây phút trôi qua của cuộc đời này thành những mầm mống vĩnh hằng. Chúa Nhật là một mời gọi để hướng về phía trước; nó là ngày cộng đồng Kitô Giáo kêu lên cùng Chúa Kitô rằng: ‘Maranatha: Ôi Chúa, xin hãy đến’ (1Cor 16:22). Bằng lời kêu vang hy vọng và mong đợi này, Giáo Hội đồng hành và hỗ trợ niềm hy vọng của nhân loại. Qua các ngày Chúa Nhật, được soi động bởi Chúa Kitô, Giáo Hội tiến tới một Ngày Chúa Nhật khôn cùng của Giêrusalem thiên đình, một Giêrusalem ‘không cần mặt trời mặt trăng tỏa sáng trên nó, vì vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của nó và Con Chiên là đèn soi của nó’ (Rev 21:23).
85. Khi gắng sức tiến về đích điểm của mình, Giáo Hội được Thần Linh nâng đỡ và tác động. Chính Ngài là Đấng khơi dậy ký ức và làm hiện thực cho mọi thế hệ biến cố Phục Sinh. Ngài là tặng ân nội tại liên kết chúng ta với Chúa Kitô Phục Sinh cũng như với anh chị em của chúng ta trong mối thân mật của thân thể duy nhất, phục hồi niềm tin của chúng ta, làm cho lòng chúng ta tràn đầy bác ái và canh tân niềm hy vọng của chúng ta. Thần Linh không ngừng hiện diện nơi từng ngày sống của Giáo Hội, xuất hiện một cách khôn lường và dồi dào ban phát tặng ân của Ngài. Thế nhưng, chính trong cuộc qui tụ vào Ngày Chúa Nhật để hằng tuần cử hành Phục Sinh mà Giáo Hội lắng nghe Thần Linh một cách đặc biệt và cùng với Ngài tiến tới với Chúa Kitô bằng một lòng thiết tha mong ước Người trở lại trong vinh quang. ‘Thần Linh và Cô Dâu nói ‘Hãy đến!’” (Rev 22:17). Chính vì quan tâm tới vai trò của Thần Linh mà tôi muốn là lời huấn dụ nhắm đến việc tái nhận thức ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật này được phổ biến trong năm kính Thánh Linh trong giai đoạn sửa soạn gần cho Đại Năm Thánh này.
86. Tôi xin ký thác bức Tông Thư này cho việc chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, để nó được cộng đồng Kitô hữu chấp nhận và mang ra thực hành. Không bao giờ làm lệch đi tính cách chủ yếu của Chúa Kitô và Thần Linh của Người, Mẹ Maria bao giờ cũng hiện diện trong Ngày Chúa Nhật của Giáo Hội. Chính mầu nhiệm của Chúa Kitô đòi hỏi nhjư thế, ở chỗ, thật sự nếu Mẹ thực sự là Mẹ Chúa và Mẹ Giáo Hội thì chẳng lẽ Mẹ lại không đặc biệt hiện diện hay sao trong ngày vừa là ngày của Chúa dies Domini và là ngày của Giáo Hội dies Ecclesiae?
Khi lắng nghe lời được công bố nơi cộng đồng Chúa Nhật, người tín hữu nhìn lên Trinh Nữ Maria, học nơi Mẹ việc giữ lấy lời ấy và suy niệm trong lòng mình (x Lk 2:19). Với Mẹ Maria, họ biết đứng dưới chân Thập Giá, hiến dâng lên Chúa Cha hy tế của Chúa Kitô và hợp với hy tế này là việc hiến tế của đời sống của họ. Với Mẹ Maria, họ cảm nghiệm được niềm vui Phục Sinh, sử dụng lời ca vịnh Ngợi Khen để tôn tụng tặng ân khôn cùng của tình thương thần linh tràn trề tháng năm: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những kẻ kính sợ Ngài’ (Lk 1:50). Qua các ngày Chúa Nhật, thành phần dân lữ hành này theo bước chân của Mẹ Maria, và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ làm tăng thêm quyền lực và ưu ái đặc biệt cho lời nguyện cầu được Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
87. Anh Chị Em thân mến, việc sắp tới Đại Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy dấn thân sâu xa hơn về tâm linh và mục vụ. Thật thế, đó là mục đích thực sự của nó. Trong Đại Năm Thánh này, nhiều điều sẽ được thực hiện để làm cho nó mang một dấu tích đặc biệt cần phải có trước khi kết thúc Đệ Nhị Thiên Niên và mở màn cho Đệ Tam Thiên Niên từ khi Lời Chúa Nhập Thể. Thế nhưng, năm ấy và thời điểm đặc biệt ấy rồi cũng sẽ qua đi, như chúng ta thấy nơi các cuộc mừng kỷ niệm và các biến cố long trọng khác. Tuy nhiên, là một ‘lễ trọng’ hằng tuần, Chúa Nhật sẽ tiếp tục hình thành thời gian lữ hành của Giáo Hội, cho đến Ngày Chúa Nhật không còn đêm tối nữa.
Bởi thế, Quí Huynh Giám Mục và Linh Mục thân mến, tôi thiết tha xin quí huynh hãy không ngừng làm việc với tín hữu để bảo đảm rằng giá trị về ngày linh thánh này được hiểu biết và sống động sâu xa hơn nữa. Điều này sẽ sinh nhiều hoa trái nơi các cộng đồng Kitô hữu, và sẽ không ngừng có một ảnh hưởng tích cực trên toàn thể xã hội dân sự.
Trong việc nhận biết Giáo Hội, một Giáo Hội mà mỗi Chúa Nhật hân hoan cử hành một mầu nhiệm từ đó Giáo Hội kín múc sự sống, chớ gì con người nam nữ của Đệ Tam Thiên Niên tiến đến chỗ nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh. Và liên lỉ được canh tân bởi việc hằng tuần tưởng niệm Phục Sinh, chớ gì thành phần môn đệ của Chúa Kitô trở thành khả tín hơn bao giờ hết trong việc loan báo Phúc Âm cứu độ và hữu hiệu hơn bao giờ hết trong việc xây dựng nền văn minh yêu thương.
Tôi ban phép lành cho tất cả mọi anh chị em!
Ban hành tại Điện Vatican, ngày 31 tháng 5 năm 1998,
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
năm Thứ 20 Giáo Triều của tôi.
+ GIOAN PHAOLÔ II
Giáo Hoàng