TÔNG THƯ DƯỚI HÌNH THỨC TỰ SẮC MISERICORDIA DEI
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Về một vài phương diện của việc cử hành Bí Tích Sám Hối
Ngày 07 Tháng 04 Năm 2002
***
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
***
Sáng thứ năm, mùng 2 tháng 5/2002, hai Đức HY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và ĐHY Jorge Arturo Medina Estevez, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích, cùng với Đức TGM Julian Herranz, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng phụ trách việc giải thích các bản văn luật pháp, trình bày với giới báo chí văn kiện mới của ĐTC Gioan Phaolô II, có tựa đề là: “Misericodia Dei” (Lòng thương xót Thiên Chúa), nói về Bí tích Hòa giải. Văn Kiện mới được gọi là “Tông thư”, nhưng cũng mang một tính cách của một “Tự Sắc” (Motu Proprio), một văn kiện có tính cách luật pháp, được Đức Thánh Cha dùng để công bố những luật lệ của Giáo hội, trong những hoàn cảnh riêng biệt.
Vì thế chúng ta thấy: trong cuộc họp báo, ngoài Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí tích, còn có sự hiện diện của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức TGM Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh giải thích bản văn luật pháp của Giáo hội. Sự hiện diện ý nghĩa này nói lên tính cách quan trọng của Văn Kiện mới, được chính Đức Thánh Cha ký tên và công bố cho toàn Giáo hội.
Mục đích của Văn kiện mới nhằm đề cao sự quan trọng và sự cần thiết của Bí tích Hòa Giải, ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, đồng thời nêu lên những chỉ dẫn, để phục hưng Bí tích Hòa Giải này trong đời sống Giáo hội.
Trong Năm Toàn xá, người ta đã ghi nhận được những dấu hiệu tốt đẹp của việc phục hưng Bí tích Hòa Giải. Số người lãnh Bí tích trên cả thế giới, cách riêng tại Roma, nhất là Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tháng 8 năm 2000, rất khích lệ. Dù vậy Bí tích Hòa giải vẫn còn trong “cơn khủng hoảng”, cách riêng tại thế giới Tây phương. Cơn khủng hoảng này một phần do các linh mục, phần khác do phía giáo dân.
Nói là do các linh mục, vì các ngài không quan tâm đến việc ngồi Tòa Giải tội và không sẵn sàng đón nhận những người xin xưng tội, coi việc ngồi tòa giải tội là một gánh nặng, hoặc lạm dụng Bí tích Hòa giải bằng cách “giải tội chung hay tập thể”, không lo giáo huấn về Bí tích quan trọng này trong đời sống người giáo dân và biếng nhát lãnh nhận bí tích nầy trong chính đời sống linh mục. Như vậy, có thể nói chính linh mục làm cho người giáo dân rơi vào thái độ coi thường Bí tích Hòa giải và dần dần đi đến việc bỏ hẳn việc xưng tội, mà chỉ đợi dịp tiện “để lãnh nhận việc giải tội tập thể”.
Từ phía giáo dân - Do việc giảm bớt đức tin - do việc thiếu sót về giáo lý - do mất quan niệm về tội lỗi - do tự ái, hổ thẹn không muốn tiết lộ tội lỗi mình với người khác - do xưng tội vì thói quen, thiếu chuẩn bị và kiểm thảo bản thân... hoặc không tín nhiệm nơi linh mục, nhất là cha sở của mình, vì lý do này lý do khác... vân vân.
Giờ đây chúng tôi xin lược tóm những điểm chính của Văn kiện “Misericordia Dei”. Có tám (08) điểm sau đây:
1 - Hình thức duy nhất của việc xưng tội “thành” (valide) là việc thú tội cá nhân và xưng thú mọi tội trọng đã phạm, sau khi lãnh Bí tích Rửa tội, mà chưa được tha thứ (số 1, a).
2 - Cấm các linh mục ban phép giải tội tập thể hoặc chung. Việc ban phép giải tội tập thể hay chung, chỉ được phép trong trường hợp nguy tử hay có sự cần thiết thực sự trầm trọng. Trong hai trường hợp này, lúc nào có thể, vẫn bắt buộc phải xưng tội cá nhân (các tội đã được tha trong lần giải tội chung hay tập thể).
3 - Việc nhận định có hay không có những điều kiện của những trường hợp thực sự khẩn cấp, là việc thuộc thẩm quyền của mỗi giám mục giáo phận và Hội đồng Giám mục quốc gia. Quyền này không thuộc về linh mục giải tội (xem giáo luật khoản 961, triệt 1 và số 6 của Tông thư -Tự Sắc).
4 - Nơi chốn duy nhất và tòa giải tội để cử hành Bí tích Hòa giải là : nhà thờ hay nhà nguyện, hay một nơi nào khác, vì lý do chính đáng mục vụ đòi hỏi (x. số 9 , a).
5 - Tòa giải tội phải có vách che, để phân biệt vị giải tội khỏi người xưng tội và phải được đặt nơi mọi người thấy rõ (visibile). Luật lệ về tòa giải tội do các HĐGM ấn định (x. số 9, b).
6 - Cấm các linh mục không được ban Bí tích hòa giải cách dễ dàng cho những người thường sống trong tình trạng tội lỗi mà không muốn thay đổi đời sống. Đối với các tín hữu, luật bắt buộc xưng tội một năm ít là một lần vẫn còn hiệu lực, không có gì thay đổi.
7 - Tông thư -Tự sắc này có giá trị cho cả các Giáo hội Đông phương (x. số 9, phần kết).
8 - Tông thư -Tự sắc này có giá trị và phải được tuân giữ kể từ ngày Đức Thánh Cha ký nhận, tức mùng 7 tháng 4 năm 2002, Chúa nhật cuối tuần bát nhật Lễ Phục sinh, và cũng là Chúa nhật của Lòng Thương xót Chúa.
Kết thúc bài thời sự nầy, chúng tôi xin trích lại đây nhận xét của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, vào khởi đầu bài giới thiệu Tông Thư-Tự Sắc, như sau: “Điều rõ ràng trong giờ phút lịch sử chúng ta hôm nay là nhân loại cần sự thanh tẩy và sự tha thứ. Chính vì vậy, mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới (số 37) đã ước mong sao giữa những ưu tiên của sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm mới, có một sự can đảm mới trong hoạt động mục vụ, để trình bày một cách đầy thuyết phục và hữu hiệu việc thực hành bí tích Hòa Giải”.
***
TÔNG THƯ DƯỚI HÌNH THỨC TỰ SẮC MISERICORDIA DEI
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Về một vài phương diện của việc cử hành Bí Tích Sám Hối
Do lòng thương xót của Chúa, Chúa Cha Đấng giao hoà chúng ta với chính Người, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm trong lòng thanh sạch của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria để cứu “dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21) và để mở rộng cho họ “con đường cứu độ đời đời”. (1) Bằng cách đồng hoá Chúa Giêsu như “Chiên Con của Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29), Thánh Gioan Tẩy Giả khẳng định sứ vụ này.
Trong tất cả những việc làm và giảng dạy của người, vị Tiền Hô đưa ra một lời hiệu triệu sốt sắng và mãnh liệt phải sám hối và cải thiện, dấu chứng của sự đó là phép rửa trong nước sông Giođan. Chính Chúa Giêsu đã chịu nghi thức sám hối này (x. Mt 3, 13-17), không phải vì Người đã phạm tội, nhưng vì “Người bằng lòng để mình bị liệt vào số các tội nhân, Người đã là ‘Chiên Con của Chúa Đấng xoá bỏ tội lỗi thế gian’ (Ga 1, 29); Người đã thực hành trước phép ‘rửa’ sự chết đẫm máu của Người”. (2)
Sự cứu rỗi do đó và hơn hết là sự cứu khỏi tội, ngăn cản mối thân tình với Thiên Chúa, là một sự giải thoát khỏi tình trạng nô lệ mà con người cảm thấy mình gánh chịu kể từ khi sa ngã theo chước cám dỗ của Thần Dữ và làm mất quyền tự do con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 21).
Chúa Giêsu giao phó cho các Tông Đồ sứ vụ công bố Nước Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng hoán cải (x. Mc 16, 15 ; Mt 28, 18-20). Trong buổi chiều ngày Phục Sinh của Người, khi sứ vụ tông đồ gần bắt đầu, Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ, nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, thẩm quyền giao hoà những tội nhân sám hối với Thiên Chúa và với Giáo Hội: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23). (3)
Dọc suốt lịch sử trong sự thực hành kiên định của Giáo Hội, “chức vụ hoà giải” (2 Cr 5, 18) được ban qua các Bí tích Rửa Tội và Sám Hối, luôn được xem như là một nhiệm vu mục vụ cần thiết và được đánh giá cao của thừa tác vụ linh mục, thực hiện vâng theo mệnh lệnh Chúa Giêsu. Qua các thế kỷ, việc cử hành Bí tích Sám Hối đã phát triển trong nhiều hình thức, nhưng nó vẫn giữ cũng một cấu trúc cơ bản: Bí tích này cần thiết lôi kéo theo không những hành động của thừa tác viên --chỉ một Giám mục hay linh mục, phán đoán và xá giải, săn sóc và chửa lành nhân danh Chúa Kitô-- nhưng còn các hành động của kẻ sám hối: sự ăn năn, sự xưng tội và làm việc đền tội.
Tôi đã viết trong Tông thư của tôi Novo Millennio Ineunte: “Tôi xin được lòng can đảm mới mục vụ để bảo đảm rằng huấn giáo hằng ngày cho các cộng đồng Kitô hữu trình bày việc thực hành Bí tích Hoà Giải cách thuyết phục và hiệu nghiệm. Như anh em nhớ, năm 1984 tôi đã đề cập tới vấn đề này trong Tông Thư Hậu Thương Hội Đồng Reconciliatio et Paenitentia, tóm kết những hoa quả của Khoá Họp khoáng đại Thượng Hội Đồng Giám Mục đã tận tụy cho vấn đề này.
Lúc đó lời mời của tôi là phải làm mọi cố gắng để đương đầu với cơn khủng hoảng về ‘cảm thức sự tội’ lộ rõ trong nền văn hoá ngày nay. Nhưng tôi còn khăng khăng kêu gọi một sự tái khám phá Chúa Kitô như là mầu nhiệm lòng lành (mysterium pietatis), nơi Người Thiên Chúa chứng tỏ lòng thương xót của Người và giao hoà trọn vẹn chúng ta với Người. Phải tái khám phá gương mặt này của Chúa Kitô qua bí tích Sám Hối, đối với người tín hữu bí tích này là ‘phương thế thông thường để được sự tha thứ và sự xoá bỏ các thứ tội nghiêm trọng đã phạm sau bí tích Rửa Tội’.
Khi Thượng Hội Đồng bàn tới vấn đề, mọi người đều thấy cơn khủng hoảng của Bí tích, cách riêng trong một số nơi thế giới. Những nguyên nhân của cơn khủng hoảng không biến mất trong thời gian ngắn từ đó. Nhưng Năm Thánh, được đánh dấu đặc biệt bằng sự trở lại với Bí tích Sám Hối, đã cho chúng ta một sứ điệp đầy an ủi, sứ điệp cần được biết: nếu nhiều người, và trong số đó cũng có nhiều người trẻ, đã được phúc lợi nhờ đến gần Bí tích này, thì điều có lẽ cần là các Mục Tử phải trang bị chính mình với niềm tin tưởng, khả năng sáng tạo và sự bền bỉ hơn trong việc giới thiệu và hướng dẫn người ta biết đánh giá cao bí tích này”. (4)
Với những lời này, tôi đã có ý, như tôi làm bây giờ, khuyến khích các Giám Mục anh em của tôi và tha thiết kêu gọi các ngài --và, qua các ngài, tất cả các linh mục--đem lại sức sống mãnh liệt cho Bí Tích Hoà Giải. Đây là một đòi hỏi của đức ái chân chính và của phép công bằng mục vụ thật, (5) và chúng ta phải nhớ rằng người tín hữu, khi họ có những khuynh hướng nội tâm thích đáng, thì họ có quyền nhận lãnh với tư cách cá nhân ân huệ bí tích.
Để thừa tác viên Bí Tích có thể biết những tâm trạng người sám hối, ngõ hầu ban hay từ chối việc giải tội và ra việc đền tội xứng hợp, thì điều cần là mọi người tín hữu, kèm theo sự ý thức về các tội mình phạm, về sự đau buồn vì tội và quyết chí không tái phạm, (6), cũng phải xưng ra các tội của mình. Theo nghĩa này, Công đồng Trente đã tuyên bố rằng cần “phải xưng từng tội và tất cả tội trọng theo luật Chúa”. (7)
Giáo Hội đã luôn thấy một sự liên kết thiết yếu giữa sự phán đoán trao cho linh mục trong Bí tích và sự cần thiết để các hối nhân nêu danh tội mình ra, (8) trừ khi không thể được. Do đó, vì sự xưng tội đầy đủ các tội nghiêm trọng theo luật Chúa là một phần tạo thành Bí tích, nên không cách nào phải tùy thuộc sự quyết định của các vị mục tử (chuẩn chước, giải thích, những tập quán địa phương, v.v…). Trong những điều khoản kỷ luật có liên quan, thẩm quyền Giáo Hội chuyên môn chỉ nêu rõ những tiêu chuẩn để phân biệt việc không thể xưng ra tội mình là có thật, với những hoàn cảnh mà việc không thể xưng tội này chỉ là giả tạo hay có thể thắng vượt được.
Trong những hoàn cảnh hiện nay của việc chăm sóc các linh hồn và để trả lời những thỉnh cầu liên quan của nhiều anh em trong chức Giám Mục, tôi thiết tưởng điều hữu ích là nhắc lại một số luật thuộc giáo luật đang thịnh hành đối với sự cử hành Bí tích này, và làm sáng tỏ một số phương diện những luật đó-- trong một tinh thần hiệp thông với trách nhiệm riêng của toàn thể chức Giám mục (9) để ban Bí tích này cách tốt hơn. Đó là một vấn đề bảo đảm việc cử hành trung thành hơn, và như vậy có hiệu quả hơn, (cử hành) một ân huệ Chúa Giêsu sau khi Phục sinh đã trao phó cho Giáo Hội
Điều này xem ra đặc biệt cần, vì trong một vài nơi có khuynh hướng bỏ việc xưng tội cá nhân và sử dụng cách sai lầm việc giải tội “chung” hay là “tập thể”. Trong trường hợp này việc giải tội không còn coi là một phương thế bất thường được sử dụng trong những hoàn cảnh hoàn toàn bất thường. Trên nền tảng một sự nới rộng tùy tiện những điều kiện đòi buộc khi có sự cần nghiêm trọng, (10) trên thực hành có sự kém trung thành đối với hình dạng thần linh của Bí tích và cách riêng đối với nhu cầu xưng tội cá nhân, sinh ra sự thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống thiêng liêng và cho sự thánh thiện của Giáo Hội.
Như vậy, sau khi bàn hỏi Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Bí Tích và Phụng Tự, và Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Pháp Luật, và sau khi nghe các quan điểm của các Hồng Y đáng kính phụ trách các cơ quan Giáo Triều Roma, và tái khẳng định giáo lý Công Giáo về Bí Tích Sám Hối và Hoà Giải theo như được tóm tắt trong sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, (11) ý thức trách nhiệm mục vụ của tôi và hiểu biết đầy đủ về sự cần thiết của Bí tích này và về tính hiệu quả lâu dài của nó, tôi ra sắc lệnh sau đây:
1. Các Đấng Thường quyền phải nhắc cho tất cả các thừa tác viên Bí tích Sám Hối rằng luật chung của Giáo Hội, ứng dụng Giáo Lý Công Giáo trong lãnh vực này, đã xác minh rằng:
a) “Việc xưng tội cá nhân và đầy đủ và việc giải tội, là phương thức bình thường duy nhất qua đó người tín hữu, biết mình mắc tội nặng, được giao hoà với Chúa và Giáo Hội; chỉ khi nào không có khả năng về thể lý và luân lý miễn khỏi sự xưng tội như thế, thì trong trường hợp ấy việc hoà giải có thể thực hiện bằng những cách khác”. (12)
b) Do đó, “tất cả những ai có bổn phận do thừa tác vụ của mình phải chăm sóc các linh hồn, buộc phải bảo đảm nghe xưng tội khi người tín hữu được trao phó cho mình xin cách hợp lý, và họ phải có cơ hội xưng tội cá nhân, vào những ngày và những thời gian được niêm yết thuận tiện cho họ”. (13)
Hơn nữa, tất cả các linh mục có năng quyền ban Bí tích Sám Hối phải luôn luôn tỏ ra sẵn sàng hết mình ban bí tích đó mỗi khi người tín hữu thỉnh cầu hợp lý. (14) Việc không muốn đón tiếp những con chiên bị thương tích, và có khi phải đi tới gặp chúng để đưa chúng về trong chuồng, có thể là một dấu chỉ đáng buồn vì thiếu sự nhạy cảm mục vụ nơi những người mà, do Bí Tích Truyền Chức Linh Mục, phải phản chiếu hình ảnh Đấng Chăn Chiên Lành.
2. Các Đấng Thường Quyền địa phương, và các linh mục giáo xứ và các giám đốc những nhà thờ và đền thờ, phải xác minh theo định kỳ rằng trên thực tế có dự liệu hết sức có thể cho giáo hữu xưng tội.
Khuyên cách riêng, ở những nơi thờ phượng các cha giải tội nên có mặt đúng những thời gian đã thông báo, những thời gian đó phải tương thích với những hoàn cảnh thực tế của hối nhân, và việc xưng tội phải được dễ dàng đặc biệt trước các Thánh lễ, và có khi trong Thánh lễ nếu có sẵn các linh mục khác, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của người tín hữu. (15)
3. Bởi vì “người tín hữu bị bắt buộc xưng, theo loại và số, tất cả các tội trọng đã phạm sau bí tích Rửa Tội, những tội trọng mà họ cảm thấy sau khi xét mình kỹ lưỡng và chưa được trực tiếp tha bởi quyền chìa khoá của Giáo Hội, cũng chưa được biết đến trong lần xưng tội cá nhân”, (16) bất cứ thực hành nào mà hạn chế việc xưng tội vào một việc cáo tội chung cho cả loại hay là vào việc cáo một hay hai tội cho là quan trọng hơn, thực hành đó phải bị loại trừ. Quả thật, vì mọi người tín hữu đều được kêu gọi nên thánh, nên khuyên họ cũng xưng các tội nhẹ nữa. (17)
4. Trong ánh sáng và trong cảnh huống của những qui luật nói trên, việc giải tội cho một số hối nhân một lượt mà không có xưng tội trước, như được dự liệu theo Điều 961 của Bộ Giáo Luật, phải được hiểu và ban đúng cách. Việc giải tội như thế thật sự phải là “bất thường theo tính cách” (18) và “không thể ban một cách thông thường trừ trường hợp:
1. nguy hiểm sắp chết và không còn kịp cho linh mục hay các linh mục nghe tội của từng hối nhân ;
2. Có một nhu cầu nghiêm trọng, nghĩa là, vì quá đông hối nhân mà số cha giải tội không đủ để nghe xưng tội riêng từng cá nhân trong một thời gian thích hợp, đến nỗi các hối nhân sẽ bị thiếu ân sủng bí tích hay không được Rước Mình Thánh một thời gian dài mà không phải lỗi của họ; không được coi là thật sự cần thiết nếu các cha giải tội không đủ chỉ vì số đông hối nhân, như có thể xảy ra trong dịp lễ lớn hay hành hương” (19)
Khi nói tới trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, xin giải thích rõ sau đây:
a) Nhu cầu đó qui chiếu về những hoàn cảnh bất thường khách quan, như có thể xảy ra trong những vùng đất truyền giáo hay những cộng đồng tín hữu sống biệt lập, nơi đó linh mục chỉ có thể viếng thăm một hay vài lần trong một năm, hay là chiến tranh hoặc những điều kiện thời tiết hoặc những yếu tố tương tự cho phép.
b) Hai điều kiện ghi trong giáo luật để ấn định nhu cầu nghiêm trọng, không thể tách riêng nhau. Do đó, không bao giờ đúng là vấn đề các cá nhân có thể được nghe xưng tội hay không “cách riêng tư” và “trong thời gian thích hợp” vì thiếu linh mục; điều này phải kết hợp với việc các hối nhân có thể bị bắt buộc mất ân sủng bí tích “một thời gian dài” mà không phải lỗi của họ. Do đó, phải lưu ý tới tất cả mọi hoàn cảnh của hối nhân và của Giáo phận, trong những gì liên quan tới việc tổ chức mục vụ của Giáo phận và khả năng người tín hữu tới được với Bí tích Sám Hối.
c) Điều kiện thứ nhất, sự không thể nghe xưng tội “riêng tư” “trong một thời gian thích hợp”, chỉ qui chiếu về thời gian cần cách hợp lý cho những yếu tố của sự cử hành Bí tích thành sự và xứng đáng. Ở đây không phải là một vấn đề của sự đàm thoại mục vụ trải dài, sự đàm thoại có thể dành cho những hoàn cảnh thuận tiện hơn. Thời gian hợp lý và thích hợp để nghe xưng tội sẽ tùy thuộc vào những khả năng thật sự của cha giải tội hay các cha giải tội, và của chính các hối nhân.
d) Điều kiện thứ hai kêu gọi một sự phán đoán khôn ngoan ngõ hầu ước định thời gian bao lâu các hối nhân có thể mất ân sủng bí tích để nói tới một sự không thể thật như mô tả trong Điều 960, giả định không có nguy hiểm chết ngay. Một sự phán đoán như vậy không phải là khôn ngoan nếu nó bóp méo ý nghĩa của sự không thể vật lý hay luân lý, như trường hợp, ví dụ, nếu nghĩ rằng thời gian ít hơn một tháng hiểu là “một thời gian lâu dài” trong một tình trạng mất mát như vậy.
e) Không chấp nhận tạo ra hay cho phép tạo ra những hoàn cảnh có vẻ cần thiết nghiêm trọng, phát sinh từ việc không ban Bí tích theo cách bình thường do không tuân theo các qui định nói trên, (20) và còn ít hơn vi hối nhân thích được giải tội chung, dường như đó là một sự chọn lựa bình thường tương đương với hai hình thức bình thường nói trong sách các Lễ Nghi.
f) Con số đông đảo các hối nhân tập họp trong dịp lễ lớn hay hành hương, hay là do những lý do du lịch hay là do tính lưu động của dân chúng ngày càng tăng hôm nay, tự nó không làm thành sự cần thiết đủ.
5. Việc xét đoán xem có những điều kiện đòi hỏi theo Điều 961 $ 1, 2 không phải là chuyện của cha giải tội, nhưng là của “Giám mục giáo phận, ngài có thể ấn định những trường hợp cần thiết như thế trong ánh sáng những tiêu chuẩn được chấp nhận với các thành viên khác trong Hội Đồng Giám Mục”. (21) Những tiêu chuẩn mục vụ này phải biểu hiện gìn giữ lòng trung thành trọn vẹn, tùy theo những hoàn cảnh của những vùng tương ứng của các ngài, đối với những tiêu chuẩn cơ bản gặp trong kỷ luật chung của Giáo Hội, chính những tiêu chuẩn đó dựa trên những đòi hỏi phát xuất từ chính Bí tich Sám Hối như là một cơ chế thần linh.
6. Vì tầm quan trọng cơ bản của sự hài hoà trọn vẹn giữa các Hội Đồng Giám Mục thế giới, trong một vấn đề rất thiết yếu của đời sống Giáo Hội, các Hội Đồng khác nhau, tuân giữ Điều 455 $ 2 của Bộ Giáo Luật, sẽ gởi sớm hết sức có thể tới Bộ Bí Tích và Phụng Tự, văn bản các qui luật các ngài muốn đề ra hay cập nhật hoá theo ánh sáng của Tự Sắc này áp dụng Điều 961. Điều này giúp nuôi dưỡng sự hiệp thông càng lớn hơn giữa các Giám Mục Giáo Hội khi các ngài khuyến khích tín hữu khắp nơi kín múc dồi dào từ nguồn mạch lòng thương xót Chúa luôn luôn chảy ra trong Bí tích Hoà Giải.
Trong viễn ảnh hiệp thông này, cũng là điều thích hợp nếu các Giám Mục Giáo phận thông tin cho các Hội Đồng Giám Mục tương ứng về việc có hay không có những trường hợp của nhu cầu nghiêm trọng xảy ra trong những quyền hạn của mình. Sau đó mỗi một Hội Đồng sẽ có trách nhiệm thông báo cho Bộ nói trên về hoàn cảnh thật trong các vùng đất của mình và về bất cứ thay đổi nào xảy ra tiếp sau.
7. Còn về tâm trạng cá nhân của các hối nhân, cần nên nhắc lại rằng:
a) “ Để cho người tín hữu lãnh thành sự việc giải tội bí tích ban cho nhiều người một lượt, không những họ phải được chuẩn bị cách thích hợp, nhưng đồng thời họ phải có ý xưng cá nhân những tội nặng mà lúc đó họ không thể xưng”. (22)
b) Theo như có thể, kể cả những trường hợp nguy tử, phải cho người tín hữu một lời khuyên trước” để mỗi người chú ý làm việc ăn năn tội”. (23)
c) Điều rõ ràng là các hối nhân sống trong một tình trạng tội nặng và không có ý sửa đổi hoàn cảnh của mình, thì không thể lãnh phép giải tội cách thành sự được.
8. Việc buộc “xưng những tội nặng ít nhất một lần trong năm” (24) vẫn còn giá trị, và do đó “một người đã được tha các tội nặng qua việc giải tội chung, phải đi xưng tội cá nhân càng sớm khi có dịp làm như vậy, trước khi lãnh một việc giải tội chung khác, trừ ra có một lý do chính đáng”. (25)
9. Về nơi chốn và toà giải tội để cử hành Bí tích, phải ghi nhớ rằng:
a) “Nơi chốn thích hợp để nghe xưng tội bí tích là một nhà thờ hay một nhà nguyện”, (26) dầu điều vẫn rõ ràng là những lý do mục vụ có thể biện minh cho việc cử hành Bí Tích trong những nơi khác. (27)
b) Các toà giải tội được qui định bởi những quy luật do các Hội Đồng Giám Mục tương ứng đề ra, các ngài phải bảo đảm cho các toà giải tội được đặt “trong một chỗ trống” và có “một tấm lưới cố định”, ngõ hầu cho phép người tín hữu và chính các cha giải tội nào muốn sử dụng, có thể làm như vậy cách tự do. (28)
Tôi ra lệnh rằng tất cả những gì đề ra trong Tông Thư này gọi là Motu Proprio sẽ có hiệu lực đầy đủ và vĩnh viễn và phải được tuân giữ kể từ ngày hôm nay trở về sau, bất chấp những qui định nào nghịch lại. Tất cả những gì tôi đã ra lệnh giữ trong Thư này, tự bản tính nó, có giá trị cho các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương đáng kính phù hợp với những Điều trong bộ Giáo Luật của họ.
Ban hành tại Roma, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô,
ngày 07 tháng 04, Chúa nhật II Phục Sinh,
ngày lễ kính nhớ Lòng Thương Xót của Chúa, năm 2002
Niên Lịch Chúa (giáng sinh), năm thứ 24 triều Giáo Hoàng của tôi.
+ Gioan Phaolô II
Giáo Hoàng
-------------------------------
1) Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng
2) Sách Giáo Lý Công Giáo, 536
3) Xem. Văn Kiện Công Đồng Chung Trent, Chương XIV, De Sacramento Paenitentiae, Giáo Luật. 3: DS 1703.
4) No. 37: AAS 93 (2001) 292
5) Xem Giáo Luật khoản 213 và 843 triệt 1.
6) Xem. Văn Kiện Công Đồng Chung Trent, Chương XIV, De Sacramento Paenitentiae, Giáo Luật. Chương 4: DS 1676.
7) Ibid., Giáo Luật. 7: DS 1707.
8) Ibid., Chương. 5: DS 1679; Công Đồng Chung Florence, Sắc Lệnh cho Armenians (22 tháng 11 1439): DS 1323.
9) Xem. Giáo Luật 392; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế Giáo Hội Lumen Gentium, Nos. 23, 27; Sắc Lệnh về Mục Vụ Giám Mục Christus Dominus, No. 16.
10) Xem. Giáo Luật 961, triệt 1, 2
11) Xem. Nos. 980-987; 1114-1134; 1420-1498.
12) Giáo Luật 960.
13) Giáo Luật 986, triệt 1
14) Xem. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc Lệnh về Mục Vụ và Đời Sống Linh Mục, Presbyterorum Ordinis, 13; Ordo Paenitentiae, editio typica, 1974,Praenotanda, No. 10, b.
15) Xem. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích,Responsa ad dubia proposita: Notitiae, 37 (2001) 259-260
16) Giáo Luật 988, triệt 1
17) Xem. Giáo Luật 988, triệt 2: John Paul II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hòa Giải và Thống Hối (2 Tháng 12 1984), 32: AAS 77 (1985) 267; Sách Giáo Lý Công Giáo, 1458.
18) John Paul II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hòa Giải và Thống Hối (2 Tháng 12 1984), 32: AAS 77 (1985) 267.
19) Giáo Luật 961, triệt 1
20) Xem. Nos. 1 and 2.
21) Giáo Luật 961, triệt 2
22) Giáo Luật 962, triệt 1
23) Giáo Luật 962, triệt 2
24) Giáo Luật 989
25) Giáo Luật 963.
26) Giáo Luật 964, triệt 1
27) Xem. Giáo Luật 964 triệt 3.
28) Hội Đồng Giáo Hoàng về Diễn Giải Văn Bản Pháp Quy, Responsa ad propositum dubium: de loco excipiendi sacramentales confessiones (7 Tháng Bẩy 1998): AAS 90 (1998) 711.