Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:01

Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo Của ĐGH Gioan Phaolô II – Năm 2003 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO LẦN THỨ 77

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

NĂM 2003

***

***

 

 

Anh chị em rất thân mến,

1. Từ lúc khởi đầu, tôi đã muốn đặt nhiệm kỳ giáo hoàng của tôi dưới sự bảo trợ đặc biệt của Đức Maria. Sau đó, nhiều lần tôi đã mời gọi toàn thể cộng đoàn các tín hữu sống lại kinh nghiệm của phòng Tiệc Ly, nơi các môn đệ “chuyên cần cầu nguyện cùng với (…) Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu” (Cv 1,14). Trong thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc con người), tôi đã viết rằng, chỉ trong một bầu khí cầu nguyện sốt sắng mới có thể “đón nhận Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta và nhờ đó trở nên những nhân chứng của Đức Kitô cho đến tận cùng trái đất, giống như những người ra khỏi phòng Tiệc Ly tại Jerusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần”.

Giáo Hội ngày càng ý thức mình là “mẹ” như Đức Maria. Như tôi đã lưu ý trong Tông sắc Incarnationis Mysterium (Mầu nhiệm Nhập thể) nhân dịp Năm Đại Toàn Xá 2000, Giáo Hội là “cái nôi trong đó Đức Maria đặt Đức Giêsu và trao Người cho muôn dân thờ phượng và chiêm ngắm”.[1] Giáo Hội có ý tiếp tục tiến bước trên con đường tâm linh và truyền giáo này, luôn luôn với sự đồng hành của Đức Trinh Nữ rất thánh, là Ngôi Sao sáng của việc tân Phúc Âm hóa, là bình minh rực sáng và người dẫn đường chắc chắn cho cuộc hành trình của chúng ta”.[2]

Đức Maria và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trong năm Mân Côi

2. Tháng Mười năm ngoái, khi bước vào năm thứ 25 sứ vụ giáo hoàng, tôi đã công bố một Năm đặc biệt, gần như một sự tiếp nối lý tưởng của Năm thánh, dành cho việc tái khám phá kinh Mân Côi, là kinh nguyện rất thân thiết với truyền thống Kitô giáo; một năm cần được sống dưới cái nhìn của Đấng, theo kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhờ lời “Xin Vâng”, đã làm cho việc cứu độ loài người có thể được thực hiện, và nay từ trời cao tiếp tục che chở những ai chạy đến kêu cầu Mẹ trong những giờ phút khó khăn của cuộc sống.

Tôi ước mong rằng Năm Mân Côi tạo nên một cơ hội thuận lợi để các tín hữu trên mọi lục địa đào sâu ý nghĩa của ơn gọi Kitô hữu. Dưới mái trường của Đức Trinh Nữ và noi gương ngài, mỗi cộng đoàn sẽ có thể làm nổi bật hơn chiều kích “chiêm niệm” và “truyền giáo” của mình.

Ngày Thế Giới Truyền giáo, được cử hành đúng vào cuối năm thánh mẫu đặc biệt này, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ có thể đem lại một đà tiến quảng đại hơn cho sự dấn thân của cộng đoàn Giáo Hội. Sự tin tưởng chạy đến cùng Đức Maria, qua việc đọc kinh Mân Côi hằng ngày và việc suy niệm các mầu nhiệm đời sống Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trước hết phải được nâng đỡ bằng việc cầu nguyện. Thái độ “lắng nghe” mà kinh Mân Côi gợi lên, đem người tín hữu lại gần Đức Maria, Đấng”hằng ghi nhớ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Việc siêng năng suy niệm Lời Chúa luyện tập cho chúng ta sống “hiệp thông sống động với Đức Giêsu, có thể nói là, qua con Tim của Mẹ Người”.[3]

Một Giáo Hội chiêm niệm hơn: chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô

3. Cum Maria contemplemur Christi vultum! (Cùng với Đức Maria chúng ta hãy chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô). Những lời này thường trở đi trở lại trong tâm trí tôi: chiêm ngắm “dung nhan” Đức Kitô cùng với Đức Maria. Khi nói đến “dung nhan” Đức Kitô, chúng ta quy chiếu về khía cạnh nhân loại của Người, qua đó vinh quang vĩnh hằng của Con Một Chúa Cha rực sáng (x. Ga 1,14): “Vinh quang của thần tính rực sáng trên dung nhan Đức Kitô”.[4] Việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô dẫn đến một sự hiểu biết sâu xa và nội tâm về mầu nhiệm của Người. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu với con mắt đức tin thúc đẩy ta đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Qua kinh Mân Côi chúng ta tiến bước trên cuộc hành trình nhiệm mầu này “kết hiệp và học với Mẹ rất thánh Người”.[5] Hơn thế nữa, Đức Maria còn đích thân làm Thầy dạy và người Hướng đạo chúng ta. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ giúp chúng ta đạt được “sự dạn dĩ thanh thản” làm cho chúng ta có khả năng thông truyền cho người khác kinh nghiệm về Đức Giêsu và niềm hy vọng làm động cơ thúc đẩy các tín hữu.[6]

Chúng ta hãy luôn hướng nhìn lên Đức Maria, một mẫu gương vô song! Trong tâm hồn Mẹ, hết mọi lời của Phúc Âm vang vọng cách lạ thường. Đức Maria là “ký ức” chiêm niệm của Giáo Hội, ao ước sống kết hiệp sâu xa hơn với Tân lang của mình để có một ảnh hưởng ngày càng sâu đậm hơn trên xã hội chúng ta. Trước những vấn đề lớn, trước nỗi thống khổ của người vô tội và trước những bất công người ta đang gây ra một cách xấc xược ngạo mạn, chúng ta phải phản ứng thế nào? Noi gương Đức Maria là Mẹ chúng ta, người tín hữu học cách nhận ra, nơi vẻ bề ngoài xem ra “thinh lặng của Thiên Chúa”, Lời vang lên trong thinh lặng để cứu độ chúng ta.

Một Giáo Hội Thánh thiện hơn: noi theo và yêu mến dung nhan Đức Kitô

4. Nhờ phép Thánh tẩy, hết mọi tín hữu được kêu gọi nên thánh. Trong hiến chế tín lý Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng ơn gọi nên thánh phổ quát cốt tại lời kêu gọi mọi người tiến đến sự trọn hảo của đức ái.

Sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo là hai khía cạnh không thể tách rời trong ơn gọi của mọi người đã được thanh tẩy. Cam kết trở nên thánh thiện hơn liên kết chặt chẽ với cam kết truyền bá sứ điệp cứu độ. Trong thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu chuộc), tôi đã nhắc lại rằng “mọi tín hữu đều được kêu gọi sống thánh thiện và thi hành sứ vụ truyền giáo”.[7] Khi chiêm ngắm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, người tín hữu được khuyến khích bước theo Đức Kitô và chia sẻ cuộc sống của Người đến độ có thể cùng nói với thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Nếu tất cả các mầu nhiệm của kinh Mân Côi làm nên một trường học dạy sống thánh thiện và loan báo Tin Mừng, các mầu nhiệm sự sáng làm nổi bật những khía cạnh đặc biệt của việc “bước theo Đức Kitô” (sequela) theo tinh thần Phúc Âm. Việc Đức Giêsu chịu phép Rửa trong sông Giordan nhắc nhớ rằng mọi người đã chịu phép Thánh tẩy được tuyển chọn để trở nên “những người con trong Chúa Con” (Ep 1,4).[8] Tại tiệc cưới Cana, Đức Maria mời gọi các đầy tớ vâng nghe Lời của Chúa: “Người bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5). Việc loan báo Nước Trời và lời mời gọi hoán cải là một mệnh lệnh rõ ràng truyền cho mọi người phải theo đưổi con đường nên thánh. Trong cuôïc Biến hình của Đức Giêsu, người đã được thanh tẩy cảm nghiệm niềm vui đang chờ đợi mình. Khi suy niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể, người ấy thường xuyên quay lại phòng Tiệc Ly, tại đó Thầy chí thánh đã trao lại cho các môn đệ kho tàng quí báu nhất: đó là chính bản thân Người trong Bí tích bàn thờ.

Những lời Đức Trinh Nữ đã nói lên tại Cana, một cách nào đó, tạo nên bối cảnh thánh mẫu cho tất cả các mầu nhiệm sự sáng. Thực vậy, việc loan báo Nước Trời đã gần kề, lời kêu gọi hoán cải và bày tỏ lòng thương xót, việc Biến hình trên núi Tabor và việc thiết lập phép Thánh Thể tìm được một âm vang đặc biệt trong tâm hồn Đức Maria. Đức Maria chăm chú nhìn về Đức Kitô, giữ kỹ mọi lời của Người như một báu vật và chỉ cho mọi người cách trở nên những môn đệ chân chính của Con ngài.

Một Giáo Hội truyền giáo hơn: loan báo Dung nhan Đức Kitô

5. Không ở một thời dại nào khác Giáo Hội đã có được nhiều khả năng để loan báo Đức Giêsu như ngày nay, nhờ sự phát triển các phương tiện truyền thông xã hội.Chính vì thế, Giáo Hội hôm nay được kêu gọi phản ánh dung nhan Lang quân của mình nhờ một sự thánh thiện rạng ngời hơn. Trong nỗ lực không dễ dàng này, Giáo Hội biết mình được Đức Maria nâng đỡ. Giáo Hội “học” nơi Mẹ để trở nên một “trinh nữ”, tận hiến cho Lang quân là Đức Giêsu Kitô, và trở nên người “mẹ” của nhiều con cái mà Giáo Hội sinh hạ, đưa vào cuộc sống bất diệt.

Dưới cái nhìn chăm chú theo dõi của Mẹ, cộng đoàn Giáo Hội tăng trưởng như một gia đình được thêm sinh động nhờ sự tuôn đổ mạnh mẽ của Thần Khí và, sẵn sàng chấp nhận những thách đố của công cuộc tân Phúc Âm hóa, Giáo Hội chiêm ngưỡng dung nhan đầy lòng thương xót của Đức Giêsu trong những người anh chị em, đặc biệt nơi những người nghèo khó và thiếu thốùn, cũng như trong những người còn xa lạ với đức tin và Tin Mừng. Cách riêng, Giáo Hội không sợ hô to cho thế giới biết rằng Đức Kitô là “Đường, sự Thật và sự Sống” (Ga 14,6). Giáo Hội không sợ loan báo trong hân hoan “Tin Mừng, mà trung tâm, hay đúng hơn toàn bộ nội dung, là con người Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới”.[9] Điều cấp bách là chuẩn bị những sứ giả Tin Mừng có khả năng và thánh thiện. Điều cần thiết là không được để cho nhiệt tình nơi các tông đồ suy giảm đi, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân” (Ad gentes). Kinh Mân Côi, nếu được tái khám phá trọn vẹn và đánh giá đúng mức, sẽ là một khí cụ, tuy thông thường nhưng hiệu quả, có tính sư phạm và thiêng liêng, để đào tạo Dân Thiên Chúa làm việc trong cánh đồng bao lao của hoạt động tông đồ.

Một mệnh lệnh rõ ràng

6. Nhiệm vụ linh hoạt công việc truyền giáo phải tiếp tục là một cam kết nghiêm túc và nhất quán của mỗi người được thanh tẩy và của mỗi cộng đoàn Giáo Hội. Chắc chắn các Hội Giáo hoàng Truyền giáo có một vai trò đặc trưng và riêng biệt và tôi cám ơn các Hội này vì những gì đã thực hiện cách quảng đại.

Tôi muốn gợi ý với tất cả anh chị em hãy tăng cường việc đọc kinh Mân Côi cách riêng tư cũng như cộng đoàn, để được Chúa ban những ơn mà Giáo Hội và nhân loại đang đặc biệt cần đến.Tôi mời gọi hết mọi người: trẻ em, người lớn, người trẻ, người già, các gia đình, các giáo xứ và các cộng đoàn Dòng tu.

Trong số nhiều ý nguyện, tôi không muốn quên ý cầu nguyện cho hòa bình. Chiến tranh và bất công bắt nguồn từ trong tâm hồn bị “chia rẽ”. “Người nào nội tâm hóa mầu nhiệm Đức Kitô – và kinh Mân Côi rõ ràng nhắm mục tiêu này – thì sẽ học được bí quyết của hòa bình và biến nó thành dự phóng của đời mình”.[10] Nếu kinh Mân Côi tạo nhịp cho cuộc sống của chúng ta, nó sẽ có thể trở thành một khí cụ ưu đãi để xây dựng hòa bình trong tâm hồn con người, trong các gia đình và giữa các dân tộc. Với Đức Maria, chúng ta có thể nhận được mọi sự từ Đức Giêsu, Con của ngài. Được Đức Maria nâng đỡ, chúng ta sẽ không ngần ngại quảng đại hiến thân để truyền bá Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.

Với những tâm tình này, tôi thân ái chúc lành cho tất cả anh chị em.

 

 

Ban hành tại Vatican, ngày 12 tháng Giêng năm 2003,

lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng   

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông sắc Incarnationis Mysterium (Mầu nhiệm Nhập thể), số 11.

[2] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte (Khởi đầu thiên niên kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 58.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi Đức Maria), Ngày 16-10-2002, số 2.

[4] Ibid., số 21.

[5] Ibid., số 3.

[6] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), Ngày 07-12-1990, số 24.

[7] Ibid., số 90.

[8] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 22.

[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi Đức Maria), Ngày 16-10-2002, số 20.

[10] Ibid., số 40.