SỨ ĐIỆP
NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 38
CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
Chúa Nhật 23 Tháng 05 Năm 2004
***
***
“Truyền thông và gia đình: nguy hiểm và phong phú”
Anh chị em thân mến,
1. Sự phát triển phi thường của các phương tiện truyền thông và tính dễ sử dụng ngày càng lớn của nó đã mang lại những cơ hội hiếm có để làm cho cuộc sống thêm phong phú, không những của cá nhân mà còn của các gia đình. Đồng thời, gia đình phải đối diện với nhiều thách đố mới nảy sinh từ những thông tin khác nhau và thường trái ngược nhau do truyền thông đem lại. Chủ đề được chọn cho ngày Quốc tế Truyền thông năm 2004 là “Truyền thông và gia đình: nguy hiểm và phong phú” – một chủ đề hợp thời, vì nó mời gọi một suy nghĩ quân bình về việc sử dụng truyền thông trong gia đình và về cách thức mà gia đình và những quan tâm liên quan đến gia đình được truyền thông bàn đến. Chủ đề này của năm nay cũng nhắc nhở mọi người, cả người truyền tin lẫn người nhận tin, rằng mọi thông tin đều có chiều kích đạo đức. Như Chúa Giêsu đã nói có đầy ở trong lòng thì miệng mới nói ra (x. Mt 12,34-35). Con người tăng trưởng hay suy giảm đạo đức qua những lời họ nói ra hay những sứ điệp mà họ chọn để nghe. Vì thế, những nhà truyền thông chuyên nghiệp, bậc cha mẹ và những nhà giáo dục được mời gọi cách đặc biệt phải khôn ngoan và sáng suốt trong việc sử dụng truyền thông, vì những quyết định của họ ảnh hưởng rất lớn trên con cái và những người trẻ mà họ chịu trách nhiệm và xét cho cùng, chính những người trẻ là tương lai của xã hội.
2. Nhờ vào sự bành trướng vượt bậc của thị trường truyền thông trong những thập niên gần đây, nhiều gia đình ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả những gia đình có thu nhập khiêm tốn, đã tiếp cận trong nhà của mình những nguồn truyền thông rộng lớn và đa dạng. Kết quả là họ được hưởng những cơ hội gần như là bất tận về thông tin, giáo dục, sự phong phú về mặt văn hóa và ngay cả những tăng trưởng về tâm linh, những cơ hội vượt quá khả năng của hầu hết các gia đình trong thời gian trước đây. Tuy nhiên những phương tiện truyền thông đó cũng có khả năng gây thiệt hại trầm trọng cho các gia đình khi trình bày một cái nhìn không đầy đủ hay cả sai lạc nữa về gia đình, tôn giáo và luân lý. Khả năng này hoặc củng cố hoặc chà đạp những giá trị truyền thống như tôn giáo, văn hóa và gia đình, đã được Công Đồng Vatican thấy rõ, khi dạy rằng “để sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông, mọi người khi sử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành”.[1] Truyền thông dưới bất cứ hình thức nào phải luôn được gợi hứng bởi những tiêu chuẩn đạo đức là tôn trọng sự thật và phẩm giá con người.
3. Những suy nghĩ trên đặc biệt có giá trị khi đề cập đến gia đình trong truyền thông. Một mặt, hôn nhân và gia đình thường được mô tả theo một cách thức nhạy cảm, thực tế nhưng cũng có thể chấp nhận được, khi tán dương những đức tính như tình yêu, chung thủy, tha thứ và hiến thân quảng đại cho người khác. Cũng là đúng đắn khi truyền thông nhìn nhận những thất bại và thất vọng mà các đôi vợ chồng và gia đình không khỏi cảm nhận – căng thẳng, xung đột, thất bại, những chọn lựa sai lầm và những hành động gây tổn thương – nhưng cũng đồng thời nỗ lực tách biệt cái đúng ra khỏi cái sai, phân biệt tình yêu đúng đắn và những giả mạo, và chỉ ra tầm quan trọng không thể thay thế được của gia đình như nền tảng của xã hội. Mặt khác, gia đình và đời sống gia đình lại thường được trình bày không thỏa đáng trong truyền thông. Sự bất trung, tình dục ngoài hôn nhân và sự thiếu vắng một cái nhìn đạo đức và thiêng liêng về giao ước hôn nhân được mô tả cách không thích hợp, đôi khi lại đồng thời bênh vực nạn ly dị, tránh thụ thai, phá thai và tình dục đồng tính. Những trình bày này, khi cổ võ những lý lẽ thù nghịch với hôn nhân và gia đình, gây tổn hại đến thiện ích chung của xã hội.
4. Một suy tư dưới sự hướng dẫn của lương tâm về chiều kích đạo đức của truyền thông phải dẫn đến những sáng kiến cụ thể, để loại trừ những nguy hiểm tổn hại dến hạnh phúc của gia đình mà các phương tiện truyền thông xã hội đem đến, và bảo đảm rằng những phương tiện truyền thông đầy sức mạnh này luôn là những nguồn phong phú đích thực. Về điểm này, các nhân viên truyền thông xã hội, cũng như chính quyền và các bậc cha mẹ có một trách nhiệm đặc biệt. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng những người lo truyền thông xã hội phải “biết và tôn trọng những nhu cầu của gia đình. Và điều đó đòi hỏi nơi họ đôi khi một sự dũng cảm lớn lao và luôn luôn một ý thức trách nhiệm cao độ”.[2] Không dễ gì chống lại những áp lực thương mại hay những đòi buộc phải phù hợp với những ý thức hệ trần tục, nhưng đó chính là những gì mà những nhân viên hữu trách phải làm. Tiền cược đặt vào đó khá cao, bởi vì mỗi tấn công vào giá trị nền tảng của gia đình là một tấn công vào thiện ích đích thực của nhân loại. Chính những nhà cầm quyền có bổn phận quan trọng là cổ võ hôn nhân và gia đình vì lợi ích của chính xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thừa nhận và hành động dựa trên nền tảng của những lý lẽ của tự do chủ nghĩa không lành mạnh của một vài nhóm người chủ trương những thực hành gây nên những khủng hoảng gia đình nghiêm trọng và làm tổn hại đến chính quan niệm về gia đình. Vì không thể dựa vào kiểm duyệt được, quả là cấp bách việc các nhà cầm quyền đề ra những chính sách và tiến trình điều chỉnh để bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông xã hội không hành động chống lại thiện ích của gia đình. Những người đại diện các gia dình phải được quyền tham gia vào việc hoạch định các chính sách này. Những người đưa ra chính sách trong lãnh vực truyền thông và trong lãnh vực công cộng cũng phải hành động để có một sự phân bố công bằng các tài nguyên truyền thông ở bình diện quốc gia và quốc tế, trong khi vẫn tôn trọng sự toàn vẹn của các nền văn hóa truyền thống. Truyền thông không được tỏ ra là có những chương trình thù nghịch với các giá trị gia đình đúng đắn của các nền văn hóa truyền thống hay có mục tiêu là thay thế những giá trị ấy, như một phần của tiến trình toàn cầu hóa, bằng những giá trị trần tục của một xã hội tiêu dùng.
5. Những bậc cha mẹ, vốn là những người giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất đối với con cái, cũng là những người đầu tiên dạy chúng về truyền thông. Họ được mời gọi huấn luyện con cái của họ “biết sử dụng các phương tiện này cách chừng mực, với óc phê phán, thận trọng và khôn ngoan” trong gia đình.[3] Khi các cha mẹ thực hiện điều đó cách kiên quyết và tốt đẹp thì cuộc sống gia đình trở nên rất phong phú. Ngay cả những trẻ em còn thơ bé cũng có thể được dạy cho biết những bài học quan trọng về phương tiện truyền thông, chẳng hạn chúng được uốn nắn bởi những người muốn dùng mọi phương tiện để truyền đạt sứ điệp; những sứ điệp này thường để làm một điều gì đó – mua một sản phẩm, dấn thân vào một lối cư xử còn tranh cãi – điều đó không phải là mối quan tâm của trẻ con hay phù hợp với sự thật đạo đức; các trẻ em không nên đón nhân mà không phê phán hay bắt chước những gì chúng xem thấy trong truyền thông. Cha mẹ cũng cần quy định việc sử dụng phương tiện truyền thông trong gia đình. Điều này bao gồm cả việc lập kế hoạch và thời biểu sử dụng phương tiện truyền thông, bằng cách nghiêm khắc giới hạn thời gian trẻ dành cho truyền thông, tạo việc giải trí cho gia đình, nghiêm cấm một số phương tiện truyền thông, và theo định kỳ, loại bỏ tất cả để dành chỗ cho các sinh hoạt gia đình. Trên hết, cha mẹ phải nêu gương sáng cho con cái khi sử dụng cách quân bình và có chọn lựa những phương tiên truyền thông. Thường thì họ cũng có thể xem là hữu ích việc liên kết với các gia đình khác để học hỏi, thảo luận những vấn đề và những cơ hội trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Các gia đình cũng phải thẳng thắn nói với những nhà sản xuất, những người quảng cáo, và với chính quyền về những gì họ bằng lòng và những gì họ không bằng lòng.
6. Các phương tiện truyền thông có một tiềm năng tích cực và vĩ đại trong việc cổ võ những giá trị nhân bản và gia đình lành mạnh, và vì thế đóng góp vào việc canh tân xã hội. Vì quyền lực lớn lao của nó trong việc hình thành tư tưởng và ảnh hưởng trên lối sống, những nhà truyền thông chuyên nghiệp phải nhìn nhận rằng họ có một trách nhiệm luân lý là không chỉ trao ban cho các gia đình những cổ võ, nâng đỡ và trợ lực cho mục tiêu đó, nhưng cũng cần thể hiện sự khôn ngoan, phán đoán lành mạnh và lương thiện khi trình bày những vấn đề liên quan đến tính dục, hôn nhân và đời sống gia đình. Hằng ngày truyền thông được tiếp đón như một vị khách quen thuộc trong nhiều ngôi nhà và gia đình. Trong ngày Quốc tế Truyền thông tôi khuyến khích các nhà truyền thông chuyên nghiệp và các gia đình nhìn nhận đặc ân có một không hai này và trách nhiệm mà nó bao hàm. Ước gì mọi người dấn thân trong lãnh vực truyền thông thừa nhận rằng họ đích thật là “những nhà quản lý và quản trị của một tiềm năng tinh thần vô hạn vốn thuộc về di sản của nhân loại và là phương tiện để làm giàu cho cả cộng đồng nhân loại”.[4] Và ước gì các gia đình luôn có thể tìm thấy trong truyền thông nguồn trợ giúp, khuyến khích và gợi hứng khi các gia đình cố gắng sống như một cộng đồng đời sống và yêu thương, để huấn luyện người trẻ trong những giá trị đạo đức lành mạnh và cổ võ một nền văn hóa của tình liên đới, tự do và hòa bình.
Ban hành tại Vatican, ngày 24 tháng 01 năm 2004,
ngày lễ kính Thánh Francis de Sales.
+ JOANNES PAULUS II
Giáo Hoàng
[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Mirifica Inter (về Truyền Thông Xã Hội), Ngày 04-12-1963, số 4.
[2] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Sứ điệp ngày Quốc Tế Truyền Thông, năm 1969.
[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (Gia Đình Kitô hữu), Ngày 22-11-1981, số 76.
[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn gởi đến các nhà truyền thông chuyên nghiệp, Los Angeles, 15/9/1987.