Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:01

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Của ĐGH Gioan Phaolô II – Năm 2003 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 40

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Chúa Nhật 11 Tháng 05 Năm 2003

***

***

“Ơn gọi phục vụ”

 

 

Các chư huynh đáng kính trong chức vụ Giám mục,

Anh chị em rất thân mến trên toàn thế giới!

1. “Đây là người tôi trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người” (Mt 12,18; x. Is 42,1-4)

Chủ đề của Sứ điệp này nhân Ngày thế giới Cầu nguyện cho ơn thiên triệu lần thứ 40 mời gọi chúng ta trở về nguồn cội của ơn gọi Kitô hữu, về câu chuyện của Đấng đầu tiên được Chúa Cha kêu gọi, Đức Giêsu, Con của Ngài, là “người tôi tớ” của Chúa Cha, được các ngôn sứ tiên báo là Đấng mà Chúa Cha đã tuyển chọn và hình thành từ trong dạ mẹ (x. Is 49, 1-6), người con yêu dấu mà Chúa Cha nâng đỡ và hài lòng (x. Is 42, 1-9), Ngài đã đặt thần khí trong Người và trao ban quyền năng (x. Is 49, 5), và là Đấng Ngài sẽ nâng cao (x. Is 52,13 – 53,12).

Bản văn linh ứng đề ra một ý nghĩa rất tích cực cho từ “tôi tớ”, điều đó thật hiển nhiên. Trong văn hóa của ngày hôm nay, người phục vụ được xem như hạng người thấp kém; nhưng trong lịch sử thánh, người tôi tớ là người được Thiên Chúa kêu gọi để chu toàn một công cuộc cứu độ và cứu chuộc đặc biệt. Người tôi tớ biết rằng mình đã nhận lãnh tất cả những gì mình có và mình là. Như một hệ quả, người ấy cũng cảm thấy mình được mời gọi đem ra phục vụ người khác điều mình đã nhận lãnh.

Trong Kinh Thánh, phục vụ luôn gắên liền với một lời mời gọi đặc biệt đến từ Thiên Chúa. Vì thế, nó diễn tả sự hoàn thành lớn lao nhất của phẩm giá một thụ tạo, cũng như nhắc lại chiều kích huyền nhiệm, siêu việt của thụ tạo. Cũng xảy ra như thế trong cuộc đời Đức Giêsu, Người tôi tớ trung thành đã được mời gọi thực hiện công trình cứu chuộc phổ quát.

2. “Như một con chiên bị đem đi giết…” (Is 53,7)

Trong Kinh Thánh, có một liên hệ chặt chẽ và hiển nhiên giữa phục vụ và cứu chuộc, cũng như giữa phục vụ và đau khổ, giữa Người tôi tớ và Con chiên của Thiên Chúa. Đấng Mesesiah là Người tôi tớ Đau khổ đã vác trên vai gánh nặng của tội lỗi nhân loại. Người là con chiên “bị đem đi giết” (Is 53,7) để trả giá cho những tội lỗi mà nhân loại đã phạm, và vì thế đem lại cho nhân loại sự phục vụ mà nó cần hơn hết. Người tôi tớ là Con chiên “bị ngược đãi và chịu cực hình, nhưng chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53,7), vì thế tỏ bày một quyền năng phi thường: quyền năng không phải chống lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng đáp lại sự dữ bằng sự lành.

Đó là sức mạnh dịu dàng của người tôi tớ, là người tìm được sức mạnh trong Thiên Chúa và, vì thế, được Thiên Chúa đặt làm “ánh sáng muôn dân” và đem đến ơn cứu độ (Is 49,5-6). Một cách huyền nhiệm, ơn gọi phục vụ luôn là một ơn gọi thông phần một cách rất riêng tư vào trong sứ vụ cứu độ – một sự thông phần phải trả giá và đau đớn.

3. “… như Con Người, Đấng đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28)

Đức Giêsu quả thật là mẫu gương hoàn hảo của “người tôi tớ” mà Kinh Thánh nói đến. Người là Đấng đã tự hủy hoàn toàn khi mặc lấy “hình hài của một người tôi tớ” (Pl 2,7) và hiến mình trọn vẹn cho công việc của Chúa Cha (x. Lc 2,49), như người con yêu dấu mà Chúa Cha rất mực hài lòng (x. Mt 17,5). Đức Giêsu đã không đến để được phục vụ, “nhưng để phục vụ, và trao ban mạng sống để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Người đã rửa chân cho các môn đệ và tuân phục chương trình của Chúa Cha cho đến chết, chết trên Thánh giá (x. Pl 2,8). Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và đặt Người làm Chúa trên trời dưới đất (x. Pl 2,9-11).

Làm sao ta lại không đọc ra trong câu chuyện của “Đức Giêsu tôi tớ” câu chuyện của mọi ơn gọi: câu chuyện mà Đấng Tạo Thành đã hoạch định cho mọi con người, câu chuyện nhất thiết phải xuyên qua lời mời gọi phục vụ và đạt đến cực điểm qua việc khám phá danh hiệu mới mà Thiên Chúa đã dự kiến cho mỗi cá nhân? Trong “danh hiệu” này, mỗi người có thể nắm bắt được căn tính của riêng mình, nhắm đến một sự hoàn thiện bản thân mà đem lại cho mình sự tự do và hạnh phúc. Cách riêng, làm sao ta lại không đọc ra trong dụ ngôn của Chúa Con, Người Tôi Tớ và Đức Chúa, câu chuyện về ơn gọi của con người được Đức Giêsu mời gọi đi theo Người cách sát hơn: đó là, trở nên người tôi tớ trong sứ vụ linh mục hoặc thánh hiến tu trì? Quả thế, ơn gọi linh mục hoặc ơn gọi tu trì, bởi chính bản chất của nó, luôn là những ơn gọi để quảng đại phục vụ Thiên Chúa và người lân cận.

Vì thế phục vụ trở nên vừa là con đường vừa là phương tiện có giá trị để đạt đến một sự hiểu biết tốt hơn về ơn gọi của riêng mình. Diakonia là một hành trình mục vụ đích thực về ơn gọi (x. Những ơn gọi mới cho một Âu Châu mới, 27c).

4. “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26)

Đức Giêsu, Người Tôi Tớ và Đức Chúa, cũng là Đấng kêu gọi. Người kêu gọi chúng ta nên giống Người, bởi vì chỉ qua phục vụ mà con người khám phá phẩm giá của chính mình và phẩm giá của người khác. Người mời gọi phục vụ như Người đã phục vụ. Khi các mối tương giao liên vị được khiến hứng bởi sự phục vụ lẫn nhau, một thế giới mới được tạo thành và, trong đó, một văn hóa đích thực về ơn gọi được phát triển.

Với sứ điệp này, tôi muốn, một cách nào đó, để Đức Giêsu dùng lời nói của tôi, mà đề nghị với người trẻ lý tưởng phục vụ, và giúp họ vượt thắng những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân và ảo tưởng có được hạnh phúc theo đường lối ấy. Dầu có một vài áp lực đối kháng, hiện diện trong não trạng của ngày hôm nay, trong tâm hồn của nhiều người trẻ có một khuynh hướng tự nhiên là mở lòng cho người khác, nhất là cho những người thiếu thốn nhất. Điều này biến họ nên quảng đại, biết đồng cảm, sẵn sàng quên mình nhằm đặt người khác lên trên những lợi ích của riêng mình.

Các bạn trẻ thân mến, phục vụ là một ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, bởi vì con người tự bản tính là những người tôi tớ, chứ không là chủ của đời sống mình, và đến lượt mình cũng cần đến sự phục vụ của kẻ khác. Phục vụ tỏ lộ ra rằng chúng ta thoát khỏi sự chiếm đoạt của cái tôi. Nó tỏ lộ ra rằng chúng ta có một trách nhiệm đối với người khác. Và phục vụ là một khả thể đối với mọi người, qua những cử chỉ xem ra nhỏ bé, nhưng trong thực tế, là vĩ đại nếu chúng được linh hoạt bởi một tình yêu chân thành. Người tôi tớ đích thật thì khiêm hạ và biết cách trở nên “vô dụng” (x. Lc 17,10). Họ không tìm kiếm những lợi lộc vị kỷ, nhưng hiến mình cho kẻ khác, khi cảm nghiệm niềm vui của tính nhưng không qua việc hiến tặng bản thân.

Các bạn trẻ thân mến, cha hy vọng các con có thể biết cách lắng nghe tiếng của Thiên Chúa mời gọi các con phục vụ. Đó là con đường mở ra biết bao hình thức của sứ vụ vì lợi ích của cộng đoàn: từ các tác vụ được phong cho đến các tác vụ khác nhau được thiết lập và được nhìn nhận là những thừa tác vụ, như dạy giáo lý, linh hoạt phụng vụ, giáo dục giới trẻ và những diễn tả khác nhau về đức ái.[1] Khi bế mạc Đại Năm Thánh, cha đã nhắc nhở các con rằng đó là “thời gian của một ‘sáng tạo’ mới trong đức ái”.[2] Hỡi các bạn trẻ, chính các con, cách đặc biệt, có bổn phận làm cho đức ái có được những lối biểu lộ trong tất cả sự phong phú thiêng liêng và tông đồ của nó.

5. “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35)

Đức Giêsu đã nói như thế với Nhóm mười hai, khi Người bắt gặp họ đang tranh luận xem ai trong số họ “là người lớn nhất” (Mc 9,34). Đó là một cám dỗ thường xuyên, không miễn cho ngay cả người chủ toạ Bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu tối cao của “Người tôi tớ Đau khổ”. Ai chu toàn sự phục vụ này đều được mời gọi trở thành một người tôi tớ theo một cách thức triệt để nhất. Quả vậy, người ấy được kêu gọi hành động “nhân danh Đức Kitô”, và như thế sống lại cùng một thân phận của Đức Giêsu trong Bữa tiệc ly, như Đức Giêsu, muốn yêu thương cho đến cùng, ngay cả trao ban mạng sống mình. Vì thế, chủ toạ Bữa tiệc của Chúa là một lời mời gọi cấp bách hiến tặng bản thân, để lối ứng xử của Người tôi tớ Đau khổ và Đức Chúa có thể tiếp tục và tăng trưởng trong Hội Thánh.

Các bạn trẻ thân mến, hãy gắn bó với những giá trị và chọn lựa triệt để sẽ biến đổi đời sống các con thành cuộc đời phục vụ kẻ khác, theo vết chân của Đức Giêsu, Con chiên của Thiên Chúa. Đừng để mình bị quyến rũ bởi lời mời gọi của quyền lực và tham vọng cá nhân. Lý tưởng linh mục phải luôn được thanh luyện khỏi những điều đó và những hàm hồ nguy hiểm khác.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng ngày hôm nay: “Nếu ai phục vụ Thầy, người ấy phải theo Thầy” (Ga 12,26). Đừng e ngại đón nhận lời mời gọi này. Chắc chắn các con sẽ gặp phải những khó khăn và hy sinh, nhưng các con sẽ hạnh phúc khi phục vụ, các con sẽ là chứng nhân của niềm vui mà thế gian không thể ban tặng. Các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô biên và vĩnh cửu. Các con sẽ nhận biết những phong phú thiêng liêng của chức vụ linh mục, quà tặng và mầu nhiệm thần linh.

6. Cũng như vào những dịp khác, vào lúc này đây, chúng ta hướng nhìn về Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh và Ngôi sao của công cuộc Phúc Âm hóa mới. Chúng ta hãy tin tưởng khẩn cầu Mẹ, để Hội Thánh không thiếu những người nam, người nữ sẵn sàng quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa, Đấng mời gọi một sự phục vụ trực tiếp hơn cho Tin Mừng:

“Lạy Mẹ Maria, nữ tì khiêm hạ của Thiên Chúa Tối cao,

Người Con mà Mẹ hạ sinh đã biến Mẹ thành người tôi tớ của nhân loại.

Cuộc đời Mẹ là một sự phục vụ khiêm tốn và quảng đại.

Mẹ là người tôi tớ của Lời khi thiên thần

loan báo cho Mẹ biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Mẹ là người tôi tớ của Chúa Con, khi ban cho Người sự sống

và luôn hướng về mầu nhiệm của Người.

Mẹ là người tôi tớ của Đấng Cứu chuộc,

khi dũng cảm đứng dưới chân Thánh giá,

kề bên Người tôi tớ Đau khổ và Con chiên,

Đấng hy sinh chính mình vì yêu thương chúng con.

Mẹ là người tôi tớ của Hội Thánh vào ngày lễ Hiện xuống

và với lời chuyển cầu Mẹ tiếp tục sinh ra Người trong mọi tín hữu,

cả trong thời đại khó khăn và nhiễu nhương này của chúng con.

Ước gì những người trẻ của thiên niên kỷ thứ ba hướng nhìn lên Mẹ,

người Thiếu nữ của Israen,

Đấng biết đến sự xao động của một tâm hồn trẻ

khi đối diện với kế hoạch của Thiên Chúa hằng sống.

Xin làm cho họ biết chấp nhận lời mời gọi của Con Mẹ

là trao ban trọn vẹn đời sống mình vì vinh quang của Thiên Chúa.

Xin làm cho họ hiểu rằng phục vụ Thiên Chúa làm thoả mãn tâm hồn,

và chỉ trong việc phục vụ Thiên Chúa và vương quốc của Người

mà chúng con hoàn thành cuộc đời chúng con theo kế hoạch của Thiên Chúa,

và đời sống trở nên một bài ca tụng vinh quang dâng lên Rất Thánh Ba Ngôi. Amen”.

 

 

Ban hành tại Vatican, ngày 16 tháng Mười năm 2002.

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 

 


[1] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte (Khởi đầu thiên niên kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 46.

[2] Ibid., số 50.