Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 06:01

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi Của ĐGH Gioan Phaolô II – Năm 2002 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LẦN THỨ 39

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

Chúa Nhật 21 Thánh 04 Năm 2002

***

***

“Ơn gọi sống thánh thiện”

 

 

Các anh em đáng kính trong hàng Giám mục,

Anh chị em thân mến!

1. Kính gửi tất cả anh em “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an”. Những lời này của thánh Tông Ðồ Phaolô gởi các Kitô hữu thành Rôma dẫn chúng ta vào chủ đề của Ngày Quốc tế cầu nguyện cho ơn thiên triệu sắp tới: “Ơn gọi sống thánh thiện”. Sống thánh thiện! Ðó là ơn huệ và mục tiêu của mọi tín hữu, như sách Lêvi nhắc nhở chúng ta: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh” (19,2).

Trong Tông thư Novo millennio ineunte, tôi đã mời gọi mọi người lên “kế hoạch mục vụ theo hướng sống thánh thiện”, để diễn tả xác tín: “bởi vì bí tích Thánh tẩy đích thực dẫn ta vào sự thánh thiện của Thiên Chúa do việc tháp nhập vào Ðức Kitô và để cho Chúa Thánh Thần ngự trị, quả thực là mâu thuẫn khi bằng lòng với một cuộc sống tầm thường, với những hành vi đạo đức tối thiểu và tâm tình tôn giáo nông cạn. Ðã đến lúc phải đề nghị lại cho mọi người, với tất cả xác tín, về chuẩn mực cao cả của đời sống hàng ngày của người Kitô hữu: toàn thể đời sống của cộng đoàn Giáo Hội và các gia đình công giáo phải xếp đặt theo chiều hướng này”.[1]

Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội là đồng hành với các Kitô hữu trên những con đường nên thánh, để một khi đã được được soi sáng bởi sự thông hiểu nhờ đức tin, họ có thể học biết và chiêm ngưỡng khuôn mặt của Ðức Kitô, và trong Ngài họ khám phá ra căn tính và sứ vụ đích thực mà Thiên Chúa đã giao phó cho mỗi một người. Theo cách thức ấy, họ “được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu, trong Người toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa” (Ep 2,20-21).

Giáo Hội đón nhận tất cả mọi ơn gọi mà Thiên Chúa đã gợi lên trong những con cái nam nữ của mình và được biến đổi thành một phản ánh rạng ngời của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Là đoàn dân được qui tụ bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mang trong mình mầu nhiệm Chúa Cha, Ðấng mời gọi mọi người ca tụng Danh Người và chu toàn thánh ý Người; Giáo Hội giữ gìn mầu nhiệm Chúa Con, Ðấng, vì được Chúa Cha sai đến để loan báo triều đại của Thiên Chúa, mời gọi mọi người bước theo Ngài; Giáo Hội là kho chứa đựng mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, Ðấng hiến thánh cho sứ vụ những ai đã được Chúa Cha tuyển chọn nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con của Người.

Vì cộng đoàn Giáo Hội là nơi mà mọi ơn thiên triệu khác nhau được Chúa gợi lên diễn tả chính mình, trong bối cảnh của Ngày Quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2002, tức vào Chúa Nhật IV Phục sinh, Ðại Hội Quốc Tế lần thứ ba về ơn thiên triệu hướng đến thừa tác vụ chức thánh và đời sống thánh hiến tại Bắc Mỹ sẽ được diễn ra. Tôi hân hạnh gởi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị cổ võ và những thành viên tham dự Ðại Hội và bày tỏ lời khen tặng chân thành vì sáng kiến này khi đối đầu với một trong những vấn đề gai góc của Giáo Hội Châu Mỹ và công cuộc tân Phúc Âm hóa Ðại lục. Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện để cho cuộc gặp gỡ quan trọng này có thể khơi dậy sự dấn thân được canh tân nhằm phục vụ các ơn gọi và một sự nhiệt thành quảng đại hơn nơi các Kitô hữu của “Thế Giới Mới”.

2. Giáo Hội là “ngôi nhà của sự thánh thiện”, và đức ái của Ðức Kitô, được Chúa Thánh Thần tuôn đổ, là linh hồn. Trong Giáo Hội, các Kitô hữu giúp đỡ lẫn nhau để mỗi người có thể khám phá ra và thực thi ơn gọi riêng của mình qua việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự chuyên cần vào các bí tích và tìm kiếm không ngừng khuôn mặt Ðức Kitô trong mỗi người anh chị em. Theo cách này, “mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ riêng, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ đức ái,[2] trong khi Giáo Hội “bày tỏ và làm sống lại sự phong phú vô tận của mầu nhiệm Ðức Kitô” [3] và làm thế nào để sự thánh thiện của Thiên Chúa xâm nhập vào mỗi bậc sống và mỗi hoàn cảnh, hầu mọi Kitô hữu trở nên những người thợ làm vườn nho của Chúa và xây dựng Thân thể Ðức Kitô.

Nếu mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều nhằm phục vụ sự thánh thiện thì một số ơn gọi như thừa tác vụ chức thánh và đời sống thánh hiến thực hiện một cách đặc biệt. Chính về những ơn gọi này mà hôm nay tôi mời gọi mọi người chú ý cách đặc biệt, bằng cách gia tăng cầu nguyện cho những ơn gọi ấy.

Ơn gọi hướng đến thừa tác vụ chức thánh “cốt yếu là một lời mời gọi nên thánh với mô hình bắt nguồn từ bí tích truyền chức thánh. Sự thánh thiện là sống thân mật với Thiên Chúa, là nỗ lực noi gương Ðức Kitô nghèo khó, trong sạch và khiêm nhường, là tình yêu không hạn chế đối với các tâm hồn và sự trao hiến chính mình vì lợi ích đích thực của các linh hồn, là tình yêu đối với Giáo Hội, một Giáo Hội Thánh thiện, một Giáo Hội muốn chúng ta nên thánh, bởi vì đó chính là sứ vụ mà Ðức Kitô đã giao phó cho Giáo Hội”.[4] Ðức Giêsu gọi các Tông đồ “để ở với Người” (Mc 3,14) trong sự thân tình đặc biệt (x. Lc 8,1-2; 22,28). Ngài không những cho họ tham dự vào các mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 13,16-18), mà còn chờ đợi nơi họ một lòng trung thành lớn lao hơn, phù hợp với sứ vụ tông đồ mà Ngài đã gọi họ. Ngài đòi hỏi nơi họ một sự nghèo khó nhiệm nhặt hơn (x. Mt 19,22-23) và sự khiêm hạ của một người tôi tớ làm kẻ rốt hết (x. Mt 20,25-27). Ngài đòi hỏi nơi họ lòng tin vào những quyền năng đã lãnh nhận (x. Mt 17,19-21), cầu nguyện và ăn chay như là những phương tiện hữu hiệu cho hoạt động tông đồ (x. Mc 9,29) và lòng vị tha: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Ngài chờ đợi nơi họ sự khôn ngoan cùng với tính đơn sơ và lòng ngay thẳng đạo đức (x. Mt 10,26-28) và phó thác vào Chúa quan phòng (x. Lc 9,1-3; 19,22-23). Họ phải ý thức đến các trách nhiệm đã lãnh nhận, vì họ là những người quản lý các bí tích đã được Thầy thiết lập và là những người thợ trong vườn nho của Ngài (x. Lc 12,43-48).

Ðời sống thánh hiến tỏ lộ bản chất thâm sâu của mỗi ơn gọi Kitô hữu hướng đến sự thánh thiện và sự quy hướng của Giáo Hội-Hiền Thê về với Ðức Kitô “Ðấng Phu Quân duy nhất của mình”. “Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm được liên kết mật thiết với mầu nhiệm Ðức Kitô, có phận sự diễn lại cách nào đó lối sống Ðức Kitô đã chọn, và cho thấy rằng lối sống ấy có một giá trị tuyệt đối và cánh chung”.[5] Các ơn gọi hướng về những bậc sống này là những ân huệ quí giá và cần thiết, cả đến hôm nay nữa vẫn chứng tỏ rằng việc bước theo Ðức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, chứng tá về chỗ đứng tuyệt đối của Thiên Chúa, và việc phục vụ nhân loại theo cách thức của Ðấng Cứu Chuộc biểu trưng cho những đường lối ưu việt hướng về sự viên mãn của đời sống thiêng liêng.

Con số ít ỏi các ứng viên hướng đến chức linh mục và đời sống thánh hiến được báo cáo trong một vài hoàn cảnh ngày hôm nay, không được phép làm chúng ta đòi hỏi ít đi và chấp nhận một sự huấn luyện và một đời sống thiêng liêng tầm thường. Ðúng hơn, nó phải thúc bách chúng ta quan tâm nhiều hơn dến sự tuyển chọn và huấn luyện những ai, một khi được đặt làm thừa tác viên và chứng nhân của Ðức Kitô, sẽ được mời gọi để xác quyết bằng cuộc sống thánh thiện về điều mà họ loan báo và cử hành.

3. Cũng cần sử dụng mọi phương tiện để đảm bảo rằng các ơn gọi hướng đến chức linh mục và đời sống thánh hiến, cần thiết cho đời sống và sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa, luôn ở vị trí trung tâm của đời sống thiêng liêng, hoạt động mục vụ và lời cầu nguyện của người tín hữu.

Ước gì các Giám mục và linh mục tiên quyết là những chứng nhân cho sự thánh thiện của thừa tác vụ mà họ đã lãnh nhận như một ân huệ. Bằng cuộc sống và lời giảng dạy của mình, ước gì các ngài tỏ lộ niềm vui của việc bước theo Ðức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, và tính hiệu năng làm mới lại của mầu nhiệm Phục sinh cứu chuộc. Ước gì các ngài hiển thị bằng chính gương sáng của mình, đặc biệt cho các thế hệ trẻ, cuộc phiêu lưu đầy gợi hứng được dành cho những ai, đang theo vết chân của Vị Thầy chí thánh, chọn lựa hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và dâng hiến chính mình để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Ước gì các người nam nữ thánh hiến, những người đang sống “giữa lòng Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội”,[6] biểu lộ rằng cuộc sống của họ đang bám chắc vào Ðức Kitô, và đời sống tu trì là “ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông”,[7] rằng trong công việc phục vụ trung tín và khiêm nhường của họ cho nhân loại, luôn tác động “tính sáng tạo của đức ái”[8] mà Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ sống động trong Hội Thánh. Ước gì chúng ta đừng quên rằng sức mạnh của mỗi ơn gọi nằm trong sự yêu thích chiêm ngưỡng, trong niềm vui phục vụ tha nhân, trong sự khiết tịnh được sống vì Nước Trời và trong sự tận tụy quảng đại cho thừa tác vụ của riêng mình!

Các gia đình được mời gọi giữ một vai trò quyết định cho tương lai của các ơn gọi trong Hội Thánh. Sự thánh thiện trong tình yêu hôn nhân, sự hoà hợp trong đời sống gia đình, tinh thần đức tin khi đối diện những vấn đề của cuộc sống hàng ngày, sự cởi mở hướng về tha nhân, đặc biệt là những kẻ bần cùng nhất, và sự tham gia vào đời sống của cộng đoàn Kitô hữu, làm nên môi trường thích hợp cho con cái của mình lắng nghe tiếng gọi thần linh và đưa ra một lời đáp trả quảng đại.

4. “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38; Lc 10,2). Vâng phục lệnh truyền của Ðức Kitô, mỗi ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho ơn thiên triệu phải được xem như một thời gian cầu nguyện mãnh liệt, lôi cuốn toàn thể cộng đoàn Kitô hữu tha thiết và liên lỉ khẩn cầu Thiên Chúa cho các ơn gọi. Thật quan trọng biết bao đối với các cộng đồng Kitô hữu việc trở thành những trường học đích thực của cầu nguyện,[9] có khả năng rèn luyện việc đối thoại với Thiên Chúa và huấn luyện người tín hữu ngày càng mở rộng lòng hơn với tình yêu qua đó Chúa Cha “yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Người Con duy nhất của Ngài” (Ga 3,16)! Việc cầu nguyện, nếu được chăm sóc và được sống, sẽ giúp ta phó thác vào sự hướng dẫn của Thần Khí Ðức Kitô để cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh trong đức ái. Trong bối cảnh ấy, người môn đệ càng ngày càng khao khát mãnh liệt cho mọi người có thể gặp được Ðức Kitô và đạt tới sự tự do đích thực của những người con cái Chúa. Niềm khát vọng ấy sẽ dẫn người tín hữu, theo gương Ðức Maria, sẵn sàng thốt lên tiếng “xin vâng” trọn vẹn và quảng đại với Chúa đang mời gọi mình trở nên thừa tác viên của Lời, của các Bí tích và Ðức ái, hoặc trở nên dấu chỉ sống động cho cuộc sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Ðức Kitô giữa mọi người trong thời đại chúng ta.

Nguyện xin Chủ mùa gặt ban thêm nhiều linh mục và ơn gọi tu trì thánh thiện cho Giáo Hội của Người!

Lạy Chúa Cha thánh thiện, xin hãy nhìn đến nhân loại chúng con đang bước đi những bước đầu tiên trên con đường của Thiên niên kỷ thứ ba. Cuộc sống chúng con vẫn mang những dấu ấn sâu đậm của hận thù, bạo lực và áp bức, nhưng lòng khao khát công lý, sự thật và ân sủng vẫn còn tìm thấy một chỗ ở trong tâm hồn của nhiều người, họ đang mong chờ một ai đó đem lại ơn cứu độ, ơn mà Ngài thông ban qua Con của Ngài là Ðức Giêsu. Thế giới cần đến nhiều sứ giả dũng cảm của Phúc Âm, nhiều người phục vụ quảng đại cho nhân loại đau khổ. Chúng con nguyện xin Chúa sai đến cho Giáo Hội, nhiều linh mục thánh thiện, những người có thể thánh hóa dân Ngài bằng những khí cụ của ân sủng Ngài. Xin sai nhiều người nam nữ thánh hiến, để họ có thể tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài giữa trần gian. Xin sai đến vườn nho của Ngài nhiều người thợ thánh thiện, để họ có thể làm việc với lòng nhiệt tâm của đức ái, và một khi được Thần Khí Ngài thúc đẩy, có thể mang ơn cứu độ của Ðức Kitô đến tận cùng cõi đất. Amen.

 

Ban hành tại Castel Gandolfo, ngày 8 tháng 9 năm 2001

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte (Khởi đầu thiên niên kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 31.

[2] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 41.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici (Sứ vụ người giáo dân), Ngày 30-12-1988, số 55.

[4] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis (Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay), Ngày 25-03-1992, số 33.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 29.

[6] Ibid., số 3.

[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Novo millennio ineunte (Khởi đầu thiên niên kỷ mới), Ngày 06-01-2001, số 43.

[8] Ibid., số 50.

[9] x. Ibid., số 33.