Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 05:59

Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - Năm 1998 Featured

SỨ ĐIỆP

NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 31

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Ngày 01 tháng Giêng năm 1998

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

"Từ công lý cho mỗi người đến hòa bình cho tất cả"

 

 

1. Công lý đồng hành với hòa bình và thiết lập với hòa bình một mối tương quan liên lỉ và sinh động. Công lý và hòa bình đều nhắm đến điều lợi ích của mỗi người và của tất cả mọi người, và vì thế, công lý và hòa bình đòi phải có trật tự và sự thật. Khi một trong hai bị đe dọa, thì cả hai đều bị nguy chung. Khi người ta xúc phạm đến công lý, thì người ta cũng gây nguy hiểm cho hòa bình.

Có một tương quan chặt chẽ giữa công lý của mỗi người và hòa bình của mọi người. Chính vì thế, với sứ điệp này cho Ngày Hòa bình Thế giới, tôi muốn ngỏ lời trước hết với các nhà lãnh đạo các quốc gia, với ý thức rằng thế giới ngày nay, dù bị ghi dấu nơi nhiều vùng, bởi những căng thẳng, bạo lực và xung đột, nhưng vẫn còn đi tìm những khả thể mới và những quân bình có tính cách ổn định hơn, để nhằm tới một nền hòa bình đích thực và lâu dài cho toàn thể nhân loại.

Công lý và hòa bình không phải là những quan niệm trừu tượng hay là những lý tưởng xa xôi. Ðây là những giá trị nằm sẵn, như là phần gia tài chung, trong con tim của mỗi người. Các cá nhân, gia đình, cộng đoàn và quốc gia, tất cả đều được gọi sống trong công bằng và thực hiện hòa bình. Không ai có thể chuẩn cho mình khỏi trách nhiệm này.

Trong lúc này, tư tưởng tôi hướng đến tất cả những ai bị rơi vào, dù họ không muốn, trong những cuộc xung đột tang thương, cũng như đến những kẻ bị loại ra ngoài lề, những người nghèo, và những nạn nhân của mọi hình thức bóc lột. Ðó là những con người cảm nghiệm được trong chính thân thể họ, sự thiếu vắng của hòa bình và những hậu quả chua chát của bất công. Ai có thể sống dửng dưng trước khao khát của họ có được một cuộc sống bám rễ sâu trong công lý và hòa bình đích thực? Trách nhiệm của tất cả là phải làm sao cho điều này được trao ban cho họ: công lý đầy đủ không thể nào có được, khi mà tất cả không được hưởng công bằng như nhau.

Công bằng là nhân đức luân lý vừa đồng thời là một quan niệm pháp lý. Ðôi khi người ta trình bày lý với đôi mắt bị bịt lại. Trong thực tế, công lý có bổn phận phải chú ý và canh chừng để bảo đảm sự quân bình giữa các quyền lợi và những bổn phận, cũng như trong việc cổ vũ sự chia sẻ đều nhau về những hy sinh và những lợi lộc. Công lý thiết lập lại, chớ không phá hủy. Giải hòa hơn là thôi thúc trả thù. Nếu nhìn kỹ, thì gốc rễ của công lý nằm nơi tình thương, một tình thương được thể hiện một cách đầy ý nghĩa trong sự nhân từ. Nếu công lý mà bị tách rời ra khỏi tình thương nhân từ, thì trở thành lạnh lùng và chua chát.

Công lý là một nhân đức sinh động và sống động. Nó bảo vệ và cổ vũ nhân phẩm vô giá của con người và lo lắng cho công ích, vì là kẻ giữ gìn những tương quan giữa các cá nhân và các dân tộc. Con người không sống riêng rẽ một mình, nhưng ngay từ giây phút đầu tiên được hiện hữu, con người nằm trong tương quan với kẻ khác rồi, đến độ điều lợi ích của cá nhân và của xã hội, cùng tiến chung với nhau: có một tương quan quân bình tế nhị của cả hai khía cạnh này.

Công lý được đặt nền tảng trên sự tôn trọng nhân quyền

2. Ngôi vị con người tự bản tính là chủ thể của những quyền lợi phổ quát, không thể bị xúc phạm, không hề thay đổi. Tuy nhiên, những quyền lợi trên không hiện hữu một mình. Về vấn đề này, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, đã dạy rằng “ngôi vị con người có những quyền lợi và những bổn phận phát sinh trực tiếp và đồng thời từ chính bản tính của mình”.[1] Chính trên nền tảng nhân luận đúng đắn của những quyền lợi và bổn phận cũng như trên mối tương quan nội tại giữa quyền lợi và bổn phận mà hòa bình được xây dựng vững chắc.

Trong những thế kỷ qua, những quyền lợi của con người đã được công thức hóa trong những tuyên ngôn quy phạm khác nhau, cũng như trong những phương tiện pháp lý có tính cách trói buộc phải tuân giữ. Việc công bố nhân quyền, trong lịch sử của những dân tộc và những quốc gia đang đi tìm công lý và tự do, được nhắc đến một cách hãnh diện xứng đáng, bởi vì biến cố đó thường được trải qua như là một điểm thay đổi tiếp theo sau những xúc phạm hiển nhiên đối với phẩm giá của từng người và của trọn cả dân tộc. Cách đây 50 năm, sau cuộc chiến được ghi dấu bởi sự chối bỏ cả quyền sống của một vài dân tộc, Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố Tuyên ngôn về Nhân quyền. Ðó là một hành động long trọng, mà người ta đạt đến được, sau kinh nghiệm đau buồn về chiến tranh, được thôi thúc bởi ước muốn nhìn nhận một cách chính thức những quyền lợi như nhau cho mọi người, mọi dân tộc. Trong văn bản đó, người ta đọc được lời quả quyết sau đây, lời quả quyết có giá trị vượt thời gian: “Việc nhìn nhận phẩm giá có sẵn nơi mọi thành phần của gia đình nhân loại và nhìn nhận những quyền lợi như nhau và không thể bị xúc phạm của họ, việc nhìn nhận đó là nền tảng của tự do, của công bằng và hòa bình trong thế giới”.[2] Và những lời kết thúc bản Tuyên ngôn cũng đáng chúng ta chú ý: “Không một điều gì trong bản Tuyên Ngôn này có thể được giải thích theo nghĩa mặc cho bất cứ quốc gia nào, hay nhóm người hay cá nhân nào có quyền thi hành một chương trình hoặc chu toàn một hành động nhằm hủy hoại bất cứ quyền lợi và sự tự do nào được công bố trong bản Tuyên ngôn này”.[3] Thật là điều bi thảm, việc cả trong ngày nay bản quy định trên hoặc bị vi phạm một cách ngấm ngầm bằng cuộc đàn áp, bằng những xung đột, bằng sự tham nhũng hay, một cách tinh vi hơn, bằng cách cố gắng giải thích lại, hay cố ý làm sai lạc ý nghĩa, chính những định nghĩa trong Tuyên ngôn. Tuyên ngôn này cần được tuân giữ trọn vẹn, trong tinh thần cũng như trong bản văn. Tuyên ngôn này, như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố, phải luôn là một trong những văn bản nguyên tắc làm hãnh diện Liên Hiệp Quốc, “nhất là khi người ta nghĩ đến tầm quan trọng của nó như là con đường chắc chắn dẫn đến hòa bình”.[4]

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn về Nhân quyền, được cử hành trong năm nay (1998), quả thật là điều hợp thời để nhắc lại rằng “việc cổ vũ và bênh vực nhân quyền là điều có tầm quan trọng ưu tiên trong cộng đồng quốc tế”.[5] Tuy nhiên, có vài bóng tối vây phủ lấy việc kỷ niệm này, vì những e dè đặt vấn đề đối với hai đặc điểm thiết yếu của chính quan niệm về nhân quyền: đó là đặc tính phổ quát và không thể phân chia của những nhân quyền đó. Hai đặc tính này cần được xác định một cách mạnh mẽ, để loại bỏ những công kích phê bình của những ai muốn dùng đến lý luận dựa trên sự khác biệt riêng về văn hóa mà che đậy những vi phạm nhân quyền, cũng như của những ai làm yếu đi quan niệm về phẩm giá con người, bằng cách chối bỏ thực lực pháp lý của những quyền lợi xã hội, kinh tế và văn hóa. Ðặc tính phổ quát và bất khả phân chia là hai nguyên tắc hướng đạo; hai nguyên tắc này đòi buộc những nhân quyền phải được bám rễ sâu vào trong từng nền văn hóa và rằng thực lực pháp lý của nhân quyền đó phải được cũng cố, để bảo đảm sao cho nhân quyền đó được tuân giữ trọn vẹn.

Việc tôn trọng quyền con người không thể chỉ liên quan đến việc bảo vệ chúng trên bình diện pháp lý suông mà thôi, nhưng còn phải lưu ý đến tất cả mọi khía cạnh phát sinh từ quan niệm về phẩm giá con người; phẩm giá này nằm ở nền tảng của mọi quyền lợi. Trong viễn tượng này, cần chú tâm đến công tác giáo dục. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc cổ vũ nhân quyền; việc cổ vũ này là hoa trái của tình yêu thương đối với con người xét như là người, bởi vì “tình yêu vượt xa hơn những gì mà công lý có thể đem lại”.[6] Trong khung cảnh của việc cổ vũ nhân quyền, người ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để bảo vệ các quyền của gia đình, “tế bào tự nhiên và căn bản của xã hội”.[7]

Toàn cầu hóa trong tình liên đới

3. Những thay đổi to lớn trên bình diện chính trị và địa dư tiếp sau năm 1989 đã kéo theo những cuộc cách mạng thật sự trong lĩnh vực xã hội và kinh tế. Việc toàn cầu hóa nền kinh tế và tài chính giờ đây là một thực tại và càng ngày chúng ta càng biết rõ những hậu quả của tiến bộ mau chóng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chúng ta đang ở nơi ngưỡng cửa của một thời đại mới, mang theo những niềm hy vọng to lớn và những câu hỏi đầy lo âu. Ðâu là hậu quả của những thay đổi đang diễn ra? Liệu mọi người sẽ có đủ khả năng để hưởng lấy những điều tốt của thị trường toàn cầu? Liệu mọi người sẽ có cơ may hưởng được hòa bình? Liệu những tương quan giữa các quốc gia sẽ trở nên công bằng hơn, hay là những cạnh tranh kinh tế và tranh chấp giữa các dân tộc và quốc gia lại đưa nhân loại đến hoàn cảnh sống bất ổn nhiều hơn nữa?

Ðể có một xã hội công bằng hơn và một nền hòa bình vững bền hơn trong một thế giới đang tiến đến việc toàn cầu hóa, thì bổn phận khẩn thiết của các tổ chức quốc tế là giúp cổ vũ một ý thức trách nhiệm đối với công ích. Nhưng để đạt đến điều này, chúng ta không bao giờ được bỏ quên ngôi vị con người; ngôi vị này phải nằm ở trung tâm của mọi dự án xã hội. Chỉ như thế thì Liên Hiệp Quốc mới trở thành “đại gia đình của các dân tộc”, phù hợp với sứ mạng nguyên thủy của nó là “cổ vũ tiến bộ xã hội và mức sống tốt hơn trong sự tự do rộng rãi hơn”.[8] Ðây là con đường để xây dựng một cộng đồng thế giới dựa trên sự “tin tưởng lẫn nhau, nâng đỡ lẫn nhau và thành thật tôn trọng nhau”.[9] Tắt một lời, thách thức cho chúng ta là bảo đảm sao cho có được một việc toàn cầu hóa trong tình liên đới, một việc toàn cầu hóa mà không có việc loại ra bên lề. Ðây là một bổn phận rõ ràng của công lý, với những đòi buộc nghiêm trọng trên bình diện luân lý, trong việc tổ chức sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của các quốc gia.

Gánh nặng nề của nợ nước ngoài

4. Nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, vì khả năng kinh tế và tài chính yếu kém, đang gặp nguy hiểm bị loại ra khỏi một nền kinh tế đang được toàn cầu hóa. Nhiều quốc gia khác, có nhiều tài nguyên hơn, nhưng tiếc thay không thể khai thác chúng vì nhiều lý do: tình trạng bất ổn, xung đột nội bộ, thiếu cơ sở tương xứng, môi trường tồi tệ, tham nhũng tràn lan, nạn phạm pháp và nhiều lý do khác nữa. Toàn cầu hóa cần được đi đôi với tình liên đới. Người ta cần gửi đến những trợ giúp đặc biệt, mà nhờ đó những quốc gia nào không thể thành công bước vào trong nền kinh tế thị trường, với sức lực riêng của họ, có thể nhờ những trợ giúp đó để vượt qua được hoàn cảnh bất lợi hiện tại của họ.

Ðây là điều mà công lý đòi buộc phải làm cho những quốc gia yếu kém đó. Trong một đại gia đình đích thực các quốc gia, không nên để một quốc gia nào đó bị loại ra ngoài; ngược lại, cần phải nâng đỡ cho quốc gia yếu kém nhất, mỏng dòn nhất, ngõ hầu quốc gia đó có thể phát triển đầy đủ những tiềm năng của mình.

Ðến đây, tâm tư tôi hướng đến một trong những khó khăn to lớn mà các quốc gia nghèo nhất ngày nay phải đương đầu. Tôi muốn nói đến gánh nặng nề của nợ nước ngoài, một gánh nặng gây thiệt thòi cho các nền kinh tế của trọn cả bao dân tộc, vừa gây cản trở tiến bộ xã hội và chính trị của những dân tộc đó. Về vấn đề này, các cơ quan tài chính quốc tế đã bắt đầu chương trình quan trọng để giúp giảm bớt các món nợ. Tôi hết lòng mong ước người ta tiếp tục đi trên con đường này, vừa áp dụng một cách mềm dẻo những điều kiện đã định trước, sao cho tất cả các quốc gia nào có quyền được hưởng sự giảm nợ, thì có thể hưởng được lợi ích đó trước năm 2000. Những quốc gia giàu có hơn có thể thực hiện nhiều điều trong chiều hướng này, vừa nâng đỡ cho việc thi hành những sáng kiến giảm nợ như vừa nói trên.

Vấn đề nợ nần là thành phần của một vấn đề rộng rãi hơn: vấn đề kéo dài nạn nghèo đói, đôi khi đến mức cùng cực, và vấn đề phát sinh những bất bình đẳng mới đi kèm với diễn tiến toàn cầu hóa. Nếu mục tiêu nhắm tới là việc toàn cầu hóa mà không gây ra việc loại ra bên lề, thì người ta không thể nào chấp nhận nữa một thế giới trong đó những người hết sức giàu và những kẻ nghèo cùng sống song song bên cạnh nhau như vậy, những kẻ không có gì cả, kể cả những gì hết sức thiết yếu để sống còn, bên cạnh những kẻ giàu không chút quan tâm phung phí những gì kẻ khác hết sức cần đến. Những cảnh trái nghịch như vậy là một xúc phạm đối với phẩm giá con nguời. Chắc chắn rằng không thiếu những phương tiện tương xứng để loại bỏ sự nghèo đói, chẳng hạn như việc cổ vũ những đầu tư đều đặn trên bình diện xã hội và sản xuất, từ phía những cơ quan kinh tế quốc tế. Ðiều này giả thiết rằng cộng đồng quốc tế muốn hành động với một quyết tâm cần thiết. Những bước đáng ca ngợi trong chiều hướng này đã được thực hiện rồi, nhưng một giải pháp lâu dài đòi hỏi cố gắng chung của tất cả mọi người, kể cả cố gắng của những chính phủ liên hệ.

Cần thiết phải có một nền văn hóa tôn trọng luật pháp

5. Và giờ đây phải nói gì về những bất bình đẳng trầm trọng trong nội bộ các quốc gia? Tình trạng nghèo đói cùng cực, bất luận chúng xuất hiện nơi đâu, đều kết thành sự bất công đầu tiên. Việc loại bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực đó phải là điểm ưu tiên của tất cả mọi người, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế.

Chúng ta cũng không thể nào im lặng trước nạn tham nhũng, đang phá hoại sự phát triển xã hội và chính trị của biết bao dân tộc. Ðây là một hiện tượng càng ngày càng gia tăng và len lỏi vào trong nhiều lĩnh vực xã hội, vừa khinh thường luật pháp và không đếm xỉa đến những quy luật của công lý và sự thật. Nạn tham nhũng là điều rất khó chống lại, vì nó mặc lấy rất nhiều hình thức: khi bị dẹp tắt ở nơi này, thì nó lại xuất hiện tại nơi khác. Cần phải có can đảm, dù chỉ mới tố cáo tham nhũng mà thôi. Sau đó, để dẹp tan nó hoàn toàn, cần có ý chí cương quyết của nhà cầm quyền, cùng với sự ủng hộ quảng đại của tất cả mọi người dân, với một lương tâm luân lý mạnh mẽ.

Một trách nhiệm lớn trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng nằm trên vai của những người có chức vụ công quyền. Họ có trách vụ dấn thân để áp dụng luật pháp như nhau cho tất cả và thực hiện sự trong sáng trong tất cả mọi hành vi quản trị. Ðược đặt lên để phục vụ cho người dân, nhà nước là người quản lý những tài nguyên của dân chúng, và nhà nước phải quản trị những tài nguyên đó nhằm đạt đến công ích. Một chính phủ tốt đòi buộc phải có những kiểm soát đúng đắn và một sự thành thực hoàn toàn trong mọi hành vi kinh tế và tài chính. Không thể nào cho phép những tài nguyên nhằm phục vụ công ích, lại trở thành phục vụ cho những lợi ích khác có tính cách riêng tư hay tệ hơn có tính cách phạm pháp.

Việc sử dụng gian lận công quỹ làm thiệt thòi cho những người dân nghèo, vì họ là những kẻ đầu tiên bị tước đi những dịch vụ căn bản cần thiết để phát triển chính mình. Khi mà nạn tham nhũng len lỏi vào được trong việc thực thi công lý, thì cũng lại là những người nghèo phải mang lấy hậu quả nặng nề: sự chậm trễ trong việc thi hành công lý, kém hiệu quả, những thiếu thốn cơ cấu, thiếu cơ chế bênh vực tương xứng. Những người dân nghèo như vậy không thể làm gì khác hơn là đành chịu đau khổ vì sự lạm dụng quyền lực.

Những hình thức bất công trầm trọng

6. Còn có những hình thức bất công khác nữa gây nguy hiểm cho nền hòa bình. Tôi muốn nhắc lại nơi đây hai hình thức. Hình thức thứ nhất là thiếu các phương tiện để mọi người dân đều có thể vay vốn làm ăn. Người dân nghèo thường bị bó buộc phải đứng ngoài không được hưởng hệ thống tài chính thông thường, hay bị rơi vào tay của những kẻ cho vay tiền không có lương tâm đòi hỏi mức lãi quá cao, làm cho hoàn cảnh đã mong manh của họ trở thành tồi tệ hơn. Vì thế, bổn phận của tất cả là phải làm sao ngõ hầu người dân nghèo có thể hưởng được việc vay mượn tiền một cách công bằng và với mức lãi phải chăng. Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, đã có những cơ quan tài chính thực hiện việc cho vay những món tiền nhỏ, với những điều kiện có lợi cho người cần vay tiền. Ðây là những sáng kiến cần được khuyến khích, bởi vì chính theo con đường này mà người ta có thể đạt đến việc loại bỏ hẳn tận gốc rễ việc đáng xấu hổ là “cho vay ăn lời cắt cổ”, bằng cách làm cho những phương tiện kinh tế cần thiết cho việc phát triển gia đình và cộng đồng, trở thành sẵn sàng cho tất cả mọi người khi cần đến.

Và phải nói gì nữa về sự gia tăng nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nam nữ? Ngày nay, đây là một trong những sự vi phạm rộng rãi nhất về quyền con người, một sự vi phạm trở thành phương tiện khủng bố: phụ nữ bị bắt cóc, thanh thiếu niên bị sát hại cách dã man. Thêm vào đó là bạo lực của tệ nạn cưỡng bức mãi dâm và khiêu dâm trẻ em, cũng như nạn lạm dụng lao động trẻ em trong những hoàn cảnh nô lệ thật sự. Ðể góp phần ngăn chặn sự bành trướng của những hình thức bạo lực này, cần phải có những sáng kiến cụ thể, đặc biệt là cần những phương tiện luật pháp thích hợp trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Ngoài ra, cần phải dấn thân mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục và cổ vũ văn hóa, ngõ hầu, như tôi đã thường nhắc đến trong các sứ điệp hòa bình trước đây, người ta biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Thật vậy, một yếu tố không thể nào bị thiếu trong phần gia tài luân lý và văn hóa của toàn thể nhân loại và của từng người: đó là ý thức rằng mọi cá nhân đều bình đẳng nhau trong phẩm giá, và đáng được tôn trọng như nhau, và là những chủ thể của cùng quyền lợi và bổn phận.

Xây dựng hòa bình trong công lý là dấn thân của tất cả và của từng người

7. Hòa bình cho mọi người được phát sinh từ công bằng của từng người. Không ai được miễn một nhiệm vụ quan trọng như vậy đối với toàn thể nhân loại. Sự dấn thân này kêu gọi mọi người nam nữ, hãy đóng góp tùy theo những khả năng chuyên môn và tùy trách nhiệm riêng.

Thưa các vị nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo quốc gia, tôi kêu gọi quý vị, những người đã được trao phó cho trách vụ tối cao canh chừng về tình hình nhân quyền tại mỗi quốc gia. Chu toàn trách vụ cao cả như vậy không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là một trong những trách vụ ưu tiên của quý vị. Ước gì những định chế của các quốc gia mà quý vị phục vụ, có thể kết thành sự bảo đảm cho dân chúng được hưởng công bằng, và khuyến khích làm cho ý thức dân sự của dân chúng được lớn lên luôn mãi.

Hơn nữa, xây dựng hòa bình trong công lý còn đòi hỏi sự đóng góp của mọi thành phần xã hội, mỗi người trong lĩnh vực riêng và trong sự góp sức chung với những thành phần khác của cộng đoàn. Một cách đặc biệt, tôi khuyến khích các bạn, những nhà giáo dục, dấn thân trong mọi cấp độ đào tạo và giáo dục cho các thế hệ mới: xin hãy huấn luyện họ theo những giá trị luân lý và dân sự, vừa in vào tâm trí họ một ý thức bén nhạy về các quyền lợi và bổn phận, bắt đầu từ chính lĩnh vực môi trường học đường. Giáo dục sống công bằng để giáo dục sống hòa bình: đó là một trong những trách vụ ưu tiên của các bạn.

Trong lĩnh vực giáo dục, người ta không thể nào thay thế vai trò của gia đình, là môi trường ưu tiên cho việc huấn luyện nhân bản của những thế hệ mới. Hỡi những bậc làm cha mẹ, từ mẫu gương của quý vị mà tùy thuộc phần lớn dung mạo luân lý của con cái; và con cái sống theo dung mạo luân lý đó từ mẫu mực những tương quan mà các bậc làm cha mẹ đặt ra ở bên trong cũng như bên ngoài đơn vị gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên của sự sống, và ảnh hưởng lãnh nhận từ gia đình có tính cách quyết định cho tương lai phát triển của ngôi vị con người.

Hỡi các bạn trẻ trên thế giới, cha nói với các con, những người tự nhiên khao khát công lý và hòa bình, rằng: chúng con hãy luôn luôn gìn giữ cho sống động mãi ý hướng chúng con hướng về các lý tưởng, và chúng con hãy kiên nhẫn và bền tâm theo đuổi những lý tưởng đó, trong những hoàn cảnh cụ thể trong đó chúng con sinh sống. Chúng con hãy sẵn sàng đẩy lui những cám dỗ muốn đi theo những ngả tắt bất hợp pháp để tiến tới những hình ảnh giả tạo về thành công hay sự giàu sang; ngược lại, chúng con hãy biết yêu thích điều gì là công bằng và đúng thật, cả khi việc sống theo con đường này đòi hỏi hy sinh và thôi thúc ta đi ngược dòng. Chính như thế, “từ công lý của mỗi người mới phát sinh hòa bình cho tất cả”.

Chia sẻ là con đường của hòa bình

8. Năm Thánh 2000 đang đến rất nhanh; Năm Thánh 2000, đối với các tín hữu, là thời gian dành riêng cho Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, là một nhắc nhở cho tất cả về sự tùy thuộc căn bản của thụ tạo đối với Ðấng Tạo hóa. Nhưng trong truyền thống của Kinh Thánh, thì Năm Thánh cũng là thời gian để giải phóng nô lệ, trả lại đất đai cho nguời chủ hợp pháp, tha những món nợ và khôi phục lại những hình thức bình đẳng giữa tất cả mọi thành phần dân chúng. Do đó, đây cũng là thời gian đặc biệt để thực hiện công lý dẫn đến hòa bình.

Nhờ niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu và nhờ vào sự tham dự vào ơn cứu rỗi phổ quát của Chúa Kitô, những người Kitô hữu được mời gọi sống theo công lý và sống trong hòa bình với tất cả mọi người, bởi vì “Chúa Giêsu không chỉ trao ban cho chúng ta một sự bình an đơn thường. Chúa đã trao ban cho chúng ta sự bình an của Ngài cùng với sự công chính của Ngài. Bởi vì Chúa là Đấng hòa bình và công thẳng, nên ngài có thể trở thành nền hòa bình và công lý cho chúng ta”.[10] Tôi đã công bố những lời trên cách đây 20 năm, nhưng trong viễn tượng của những thay đổi tận căn đang được thực hiện, những lời đó giờ đây mặc thêm một ý nghĩa cụ thể và sống động hơn nữa.

Một dấu chỉ để phân biệt người Kitô hữu, ngày nay hơn bao giờ hết, phải là tình yêu thương đối với người nghèo, kẻ cô thế và những người đang đau khổ. Sống cam kết này đòi buộc một sự đảo ngược hoàn toàn những giá trị làm cho ta đi tìm điều thiện hảo chỉ cho riêng mình: đó là quyền lực, thú vui, sự làm giàu không lương tâm. Phải, những đồ đệ của Chúa Kitô được mời gọi thực hiện sự trở lại tận căn. Tất cả những ai dấn thân đi theo con đường này, thì sẽ cảm nghiệm được “sự công chính, hòa bình và niềm vui trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17), và sẽ nếm được “hoa trái của hòa bình và công chính” (Dt 12,11).

Tôi muốn lặp lại cho các tín hữu thuộc mọi châu lục lời thức tỉnh của Công Đồng Vatican II: “Trước hết, hãy thỏa mãn những đòi buộc của công lý, ngõ hầu người ta không cống hiến như là một hồng ân của đức bác ái, điều mà kẻ khác có quyền hưởng do công bằng”.[11] Một xã hội có tinh thần liên đới đích thực, được xây dựng nhờ vào sự kiện này là những ai có của cải, không phải chỉ lấy ra những gì là dư thừa, để giúp cho những kẻ nghèo. Hơn nữa, cung cấp những điều tốt vật chất, không đủ: cần phải có tinh thần chia sẻ, sao cho chúng ta có thể cảm thấy vinh dự khi được dịp chăm sóc và chú ý đến những nhu cầu của những anh chị em gặp khó khăn. Từ phía những người Kitô hữu cũng như từ phía những tín đồ của các tôn giáo khác, và của biết bao nguời thiện chí nam nữ, người người đều cảm thấy cần có một lối sống đơn sơ như là điều kiện để cho sự chia sẻ công bằng những hoa trái của thụ tạo Thiên Chúa, có thể trở thành sự thật. Ai sống trong cảnh cùng cực tột độ, không thể chờ đợi lâu hơn nữa được, người đó cần được trợ giúp ngay bây giờ, và do đó có quyền lãnh nhận liền ngay điều cần thiết.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong thế giới

9. Vào Chúa nhật I Mùa Vọng, Giáo Hội đã bắt đầu năm thứ hai để chuẩn bị liền ngay cho Ðại Năm Thánh 2000, năm được dành cho Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần của niềm hy vọng đang hoạt động trong thế giới. Ngài hiện diện trong công việc phục vụ vô vị lợi của người làm việc bên cạnh những kẻ bị loại ra bên lề và những ai đau khổ, của ai đón nhận những người di dân và những người tị nạn, của ai có can đảm chống lại việc khước từ một người hay một nhóm người vì lý do chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Cách đặc biệt, Chúa Thánh Thần hiện diện nơi việc làm quảng đại của tất cả những ai còn kiên nhẫn vững mạnh tiếp tục cổ vũ cho hòa bình và hòa giải giữa những ai đã một thời sống đối nghịch và thù hận. Ðó là những dấu chỉ hy vọng, khuyến khích đi tìm công lý dẫn đến hòa bình.

Trung tâm của sứ điệp Tin Mừng là Chúa Kitô, Ngài là hòa bình, là sự hòa giải cho tất cả. Ước chi dung mạo của Chúa Kitô soi sáng con đường của nhân loại, đang chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba.

Ước chi công lý và hòa bình của Chúa, trở thành hồng ân cho tất cả mọi người không trừ ai.

“Cho đến ngày, từ trên cao thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng. Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc, và đức công minh trong vườn cây ăn trái. Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hòa bình. Thành quả của đức công minh” (Is 32,15-17).

 

 

Ban hành tại Vatican, Lễ kính trọng thể Đức Maria Vô Nhiễm,

Ngày 8 tháng 12 năm 1997

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] John XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), I, 1: AAS 55 (1963), pp. 259.

[2] Universal Declaration of Human Rights, Preamble.

[3] Ibid., Art. 30.

[4] Message to the President of the 28th General Assembly of the United Nations on the occasion of the 25th anniversary of the Universal Declaration of Human Rights (10 December 1973): AAS 65 (1973), pp. 674.

[5] Vienna Declaration, The World Conference on Human Rights (June 1993), Preamble I.

[6] Second Ecumenical Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, no. 78.

[7] Universal Declaration of Human Rights, no. 16, § 3; cf. Charter of the Rights of the Family (22 October 1983), presented by the Holy See.

[8] Charter of the United Nations, Preamble.

[9] John Paul II, Address to the 50th General Assembly of the United Nations Organization (5 October 1995), no. 14: L’Osservatore Romano (6 October 1995), pp. 7.

[10] John Paul II, Homily at Yankee Stadium, New York (2 October 1979), no. 1: AAS71 (1979), pp. 1169.

[11] Decree on the Apostolate of the Laity, Apostolicam Actuositatem, no. 8.