Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 05:59

Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II - Năm 1997

SỨ ĐIỆP

NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 30

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Ngày 01 tháng Giêng năm 1997

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

"Hãy tha thứ và lãnh nhận hòa bình"

 

 

1. Chỉ còn ba năm nữa là chúng ta bước vào buổi bình minh của ngàn năm mới. Đây là thời điểm để suy tư, mời gọi chúng ta thực hiện một tổng kết tình hình đã qua về cuộc hành trình của nhân loại trước nhan Thiên Chúa, Chủ của lịch sử. Nếu chúng ta nhìn lại ngàn năm đã qua, và đặc biệt thế kỷ XX chúng ta đang sống, chúng ta phải công nhận rằng con đường tiến của nhân loại đã được soi sáng rất nhiều bởi tiến bộ trong những lĩnh vực văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Nhưng buồn thay, ánh sáng tiến bộ này cùng hiện diện với bóng tối trường kỳ, đặc biệt trong các lĩnh vực luân lý và tình liên đới. Có một gương xấu thật sự về bạo lực, còn đang đánh phá đời sống con người trong cách thức cũ cũng như mới, và đang làm tan nát các gia đình và các cộng đoàn.

Ðã đến lúc cần phải quyết định dứt khoát để cùng nhau tiến trên con đường “hành hương của hòa bình”, bắt đầu từ hoàn cảnh cụ thể trong đó chúng ta đang sống. Ðôi khi, những khó khăn có thể làm chúng ta nản lòng: nguốn gốc chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và niềm tin tôn giáo, lại thuờng là những cản trở cho cuộc hành hương hòa bình này. Cùng nhau tiến tới, khi chúng ta còn mang lấy những kinh nghiệm bi thảm hay cả những chia rẽ từ lâu, thì không phải là điều dễ làm. Vấn đề được đặt ra là: chúng ta phải đi theo con đường nào? Chúng ta phải tiến theo hướng nào?

Chắc chắn có rất nhiều yếu tố có thể giúp khôi phục hòa bình, vừa vẫn bảo vệ được những đòi hỏi của công bằng và phẩm giá con người. Nhưng không bao giờ có thể bắt đầu tiến trình hòa bình, trừ khi có một thái độ chân thành tha thứ bám rễ sâu trong tâm hồn con người. Khi thiếu sự tha thứ, những vết thương tiếp tục mưng mủ, nuôi dưỡng những tâm tình thù hận bực dọc mãi mãi trong tâm hồn các thế hệ đến sau, vừa tạo ra ý muốn báo thù và gây ra những tàn phá mới. Cung cấp và lãnh nhận sự tha thứ là điều kiện cần thiết cho cuộc hành trình hướng tới một nền hòa bình đích thực và bền vững.

Do đó, với niềm xác tín sâu xa, tôi muốn kêu gọi mọi người hãy “tìm kiếm hòa bình trên con đường của sự tha thứ”.[1] Tôi hoàn toàn ý thức rằng sự tha thứ có thể xem ra như nghịch lại lối suy nghĩ của con người, một lối suy nghĩ thường nghiêng về những khuynh hướng chống đối, tranh chấp và trả thù. Nhưng sự tha thứ được gợi hứng từ lý lẽ của tình yêu thương, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ, cho mọi người và mọi quốc gia, và cho toàn thể gia đình nhân loại. Nếu Giáo Hội dám rao giảng điều mà từ quan điểm con người có thể được coi như là điên rồ, thì đó là vì Giáo Hội tin tưởng một cách vững chắc vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Như Kinh Thánh làm chứng, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót và đầy sự tha thứ đối với những ai trở về với Ngài (x. Ez 18,23; Tv 32,5; Tv 103,8-14; Eph 2,4-5; 2Cr 1,3). Sự tha thứ của Thiên Chúa trở thành trong tâm hồn chúng ta, một nguồn mạch vô tận cho sự tha thứ trong những tương quan giữa con người với nhau, vừa giúp chúng ta sống chung với nhau trong tình huynh đệ đích thực.

Một thế giới bị thương tổn đang cần được chữa lành

2. Như tôi đã nói, thế giới hiện đại, mặc cho nhiều thành công đạt được, tiếp tục bị ghi dấu bởi những mâu thuẫn. Tiến bộ trong công nghiệp và nông nghiệp đã mang đến một mức sống cao hơn cho hàng triệu người và cung cấp niềm hy vọng lớn lao cho nhiều người khác. Kỹ thuật đã thu hẹp những khoảng cách, trong khi thông tin đã trở nên tức thời và đã mở rộng khả năng hiểu biết của con người, sự tôn trọng đối với môi sinh ngày càng gia tăng và trở thành một nếp sống. Một số đông những thiện nguyện viên, với lòng quảng đại thường không được biết đến, đang làm việc không biết mệt mỏi tại khắp nơi trên thế giới để phục vụ cho thiện ích của nhân loại, với hết sức cố gắng để thoả mãn nhất là những nhu cầu của người nghèo và người đau khổ.

Làm sao chúng ta có thể bỏ qua không vui mừng nhìn nhận những khía cạnh tích cực trên của thời đại chúng ta? Nhưng rủi thay, thế giới hiện nay cũng cho ta nhìn thấy “nhiều dấu hiệu tiêu cực”. Trong số những dấu hiệu tiêu cực đó, phải kể đến chủ nghĩa duy vật và sự khinh thị càng ngày càng tăng đối với sự sống con người; cả hai điều này càng ngày làm cho chúng ta quan tâm lo lắng. Nhiều người sống cuộc đời họ mà không tuân theo điều gì khác hơn là theo những định luật của lợi nhuận, quyền lực và uy tín.

Hậu quả là nhiều người cảm thấy mình như bị giam hãm trong sự cô đơn nội tâm sâu xa. Những người khác thì tiếp tục bị kỳ thị một cách cố ý, dựa trên lý do chủng tộc, quốc tịch hay phái tính. Sự nghèo đói cũng đang đẩy hàng lớp người ra bên lề xã hội, hay tệ hại hơn nữa, đưa họ đến chỗ bị diệt vong. Ðối với thật nhiều người, chiến tranh đã trở thành một thực tế khắc nghiệt hằng ngày. Một xã hội chỉ quan tâm đến những lợi ích vật chất và chóng qua, thì có khuynh hướng loại ra ngoài lề những ai không còn hữu ích cho những mục tiêu đó nữa. Ðứng trước những hoàn cảnh như thế, hoàn cảnh kéo theo những thảm cảnh thật sự cho con người, một số người có thái độ đơn giản là nhắm mắt làm ngơ, lẩn trốn trong sự lãnh đạm. Họ có thái độ giống như Cain ngày xưa: “Tôi là kẻ gìn giữ em tôi sao?” (St 4,9). Tuy nhiên, Giáo Hội có bổn phận nhắc lại cho tất cả mọi người nhớ lời cảnh cáo của Thiên Chúa: “Ngươi đã làm gì thế? Tiếng nói của máu của người anh em ngươi từ đất đã vang lên đến Ta” (St 4,10).

Khi có quá nhiều anh chị em chúng ta đau khổ như thế, chúng ta không thể nào sống thờ ơ! “Những nỗi thống khổ của họ kêu gào đến lương tâm chúng ta”, cõi nội tâm trong đó chúng ta phải đối diện trực tiếp với chính mình và với Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể không nhìn thấy được rằng, trong những mức độ khác nhau, tất cả chúng ta đều có liên hệ vào công cuộc xét lại cuộc sống, một cuộc kiểm điểm mà Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta thực hiện? Tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ từ Thiên Chúa và tha nhân. Vì vậy tất cả chúng ta phải sẵn sàng để tha thứ và xin người khác tha thứ cho mình.

Gánh nặng của lịch sử

3. Khó khăn để tha thứ không chỉ đến từ những hoàn cảnh của hiện tại. Lịch sử mang theo bên mình nó một gánh nặng nề những bạo lực và xung đột mà người ta không dễ dàng trút bỏ. Những lạm dụng quyền lực, áp bức và chiến tranh đã gây ra đau khổ cho vô số người, và ngay cả khi những nguyên nhân của các biến cố đau thương đó đã mất hút trong quá khứ xa xôi, thì những hậu quả tàn phá của chúng vẫn còn, gieo rắc sợ hãi, nghi ngờ, hận thù và chia rẽ giữa các gia đình, các nhóm chủng tộc và trọn cả những dân tộc. Ðó là những sự kiện thách thức một cách nghiêm trọng cho thiện chí của những ai cố gắng vượt qua những hoàn cảnh đã xảy ra. Thật vậy người ta không thể nào sống nô lệ cho quá khứ, vì các cá nhân cũng như các dân tộc cần đến một loại “thanh tẩy ký ức”, sao cho những sự xấu đã xảy ra, sẽ không trở lại lần nữa. Ðiều này không phải là để quên đi những gì đã xảy ra, nhưng để đọc nó một lần nữa với một thái độ mới, và học từ bài học của kinh nghiệm về đau khổ rằng chỉ có tình yêu thương mới có thể xây dựng, trong khi hận thù chỉ tạo ra sự tàn phá và hủy hoại. Vòng luẩn quẩn trả thù cần phải được thay thế bởi sự tự do mới có được do sự tha thứ.

Ðể có thể làm được như vừa nói, chúng ta vừa phải học đọc lịch sử của những dân tộc khác mà không chiều theo thiên vị dễ dàng và phe nhóm, vừa cố gắng tìm hiểu những quan điểm của họ. Ðây quả là một thách thức thật sự trên bình diện giáo dục và văn hóa. Ðây cũng là một thách thức cho nền văn minh. Nếu chúng ta đồng ý đi trên con đường tha thứ này, chúng ta cần phải nhìn thấy rằng những lỗi lầm không nằm tất cả ở một bên mà thôi. Chúng ta sẽ thấy lịch sử đôi khi đã bị trình bày một cách méo mó và cả đôi khi bị xách động, dẫn đến những hậu quả bi thảm.

Việc đọc lịch sử một cách đúng đắn sẽ làm cho việc chấp nhận và đánh giá những khác biệt xã hội, văn hóa và tôn giáo, giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc được dễ dàng hơn. Ðây là bước đầu tiên hướng tới hòa giải, vì tôn trọng sự khác biệt là điều kiện cần thiết đi liền theo đó, để có những tương quan đích thực giữa các cá nhân và các nhóm. Việc hủy bỏ những khác biệt có thể đưa đến một thứ hòa bình bên ngoài, nhưng điều đó tạo ra hoàn cảnh tạm bợ, và hoàn cảnh tạm bợ này thật ra là dạo đầu cho những xuất phát mới của bạo lực.

Những phương thế thực hành giúp cho sự hòa giải

4. Những cuộc chiến, cả khi chúng giải quyết được những vấn đề đã gây ra chiến tranh, nhưng chỉ giải quyết qua việc để lại vô số những nạn nhân và sự tàn phá, có ảnh hưởng nặng nề trên những thương thuyết hòa bình sau đó. Ý thức về điều này sẽ khuyến khích các dân tộc, quốc gia và nhà nuớc hãy nhất quyết vượt qua, một lần thay cho tất cả, vượt qua nền văn hóa của chiến tranh, không những trong hình thức hết sức đáng ghê tởm của nó là dùng sức mạnh của chiến tranh như phương tiện làm bá chủ, nhưng còn trong hình thức ít bị chê trách hơn, nhưng không phải vì thế mà ít tàn phá hơn, đó là hình thức dùng vũ khí như phương thế nhanh chóng để giải quyết vấn đề. Chính vào thời đại chúng ta hôm nay, thời đại có những kỹ thuật tối tân nhất để huỷ diệt, thì điều hết sức khẩn cấp là hãy phát triển một nền văn hóa liên lỉ hướng đến hòa bình, để chặn trước và chống lại sự bùng nổ xem ra như không thể tránh được của những bạo lực có vũ trang, kể cả việc phải có những biện pháp để ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí và buôn bán vũ khí.

Nhưng cả trước khi làm việc đó, ước muốn chân thành có hòa bình cần phải được diễn dịch ra bên ngoài bằng một quyết định cứng rắn loại bỏ mọi trở ngại để đạt được hòa bình. Trên bình diện này, các tôn giáo có thể góp phần quan trọng, như đã làm trong quá khứ, qua việc nói lên lập trường chống lại chiến tranh và can đảm đương đầu với những hậu quả khó khăn gặp phải vì lập trường như vậy. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy làm nhiều hơn nữa, nhờ bởi việc kín múc phần gia tài đích thực của các truyền thống tôn giáo của chúng ta hay sao?

Ðồng thời, nhiệm vụ của các chính phủ và cộng đồng quốc tế là điều thiết yếu trong những vấn đề này. Họ có nhiệm vụ đóng góp vào để xây dựng hòa bình, qua việc thiết lập những cơ cấu vững chắc có thể đương đầu với những thay đổi chính trị, và như thế bảo đảm cho mọi người có được tự do và an ninh trong mọi tình huống. Tổ chức Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn, trong sự trung thành với lý tưởng sáng lập, đã nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn để duy trì hoặc tái lập hòa bình. Trên bình diện này, 50 năm sau khi được thành tổ chức Liên Hiệp Quốc, người ta có thể hy vọng rằng những phuơng tiện mà Liên Hiệp Quốc sử dụng, sẽ được xem xét một cách thích đáng, để làm cho tổ chức này có khả năng đương đầu một cách hữu hiệu hơn với những thách thức của thời đại chúng ta.

Các tổ chức khác ở cấp độ châu lục và khu vực cũng có tầm quan trọng đáng kể như là những phương thế cổ vũ cho hòa bình: thật là điều làm ta vững tin, khi nhìn thấy những phương thế này được sử dụng để phát triển những biện pháp thực hành cụ thể, giúp cho sự hòa giải, vừa hoạt động một cách tích cực để giúp cho các dân tộc đã bị chia rẽ vì chiến tranh nay được khám phá lại những lý do để chung sống hòa hợp và hòa bình với nhau. Ðó là những hình thức trung gian mang đến niềm hy vọng cho các dân tộc đang sống trong những hoàn cảnh xem ra như tuyệt vọng. Chúng ta cũng không nên đánh giá thấp các hoạt động của các tổ chức địa phương: được hiện diện tại chỗ, nơi những mầm mống xung đột được gieo rắc vào, những tổ chức tại địa phương này có thể ảnh huởng trên các cá nhân một cách trực tiếp, vừa làm trung gian giữa những phe nhóm đối lập và cổ vũ cho sự tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, nền hòa bình vững bền không phải chỉ là vấn đề đơn thuần của những cơ cấu hay tổ chức bên ngoài. Trên hết mọi sự, nền hòa bình vững bền này dựa trên sự chấp nhận một nề nếp chung sống giữa con người với nhau, một nề nếp được ghi dấu bởi sự chấp nhận lẫn nhau và có khả năng tha thứ từ tận tâm hồn con người. Tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ của người khác, và do đó, chúng ta cần phải sẵn sàng tha thứ cho người khác. Xin tha thứ và thực hành tha thứ cho người khác, là điều hết sức xứng đáng với con người. Ðôi khi đây là lối thoát duy nhất để vượt qua được những hoàn cảnh hậu quả của hận thù sâu xa và kéo dài cả thế hệ.

Chắc chắn rằng sự tha thứ không đến một cách tự phát hay tự nhiên với con người chúng ta. Tha thứ từ trong thâm tâm mình đôi khi là một hành động anh hùng. Nỗi đau khổ vì mất con, mất anh chị em trong gia đình, mất cha mẹ, hay mất trọn cả gia đình, do hậu quả của chiến tranh, nạn khủng bố hay những hành động phạm pháp, có thể đưa chúng ta đến thái độ đóng kín hoàn toàn chính mình trước kẻ khác. Những người đã mất tất cả, vì không còn nhà cửa đất đai, những người tị nạn và những kẻ phải chịu nhục nhã vì bạo lực, không thể nào không cảm thấy bị cám dỗ sống uất hận và muốn trả thù. Chỉ có sức nồng ấm của những liên lạc giữa con người với nhau, được ghi dấu bởi sự tôn trọng, thông cảm và chấp nhận nhau, mới có thể giúp vượt qua những tâm tình uất hận và muốn trả thù này. Cuộc gặp gỡ đầy sức giải thoát với sự tha thứ, mặc dù còn đầy những khó khăn, có thể được cảm nghiệm cả bởi một tâm hồn đã bị thương tổn, nhờ vào sức mạnh chữa lành của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn nơi Thiên Chúa, Ðấng là tình yêu.

Sự thật và công bằng, điều kiện tiên quyết cho sự tha thứ

5. Sự tha thứ, trong hình thức trung thực nhất và cao cả nhất của nó, là một hành động tự do của tình yêu thương. Nhưng chính bởi vì là hành động của tình yêu thương nên nó có những đòi hỏi nội tại của nó. Ðòi hỏi đầu tiên trong các đòi hỏi là tôn trọng sự thật. Chỉ mình Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối. Nhưng Ngài đã tạo dựng con tim con người mở rộng hướng về sự thật, mà Ngài sau đó mạc khải đầy đủ nơi Con Ngài nhập thể. Do đó, tất cả chúng ta đều được mời gọi sống sự thật. Nơi đâu sự dối trá và lừa lọc được gieo rắc, thì ở đó sự nghi ngờ và chia rẽ nở rộ. Sự tham nhũng và những lèo lái chính trị hay ý thức hệ, cũng hoàn toàn nghịch lại sự thật: chúng tấn công vào chính những nền tảng của sự hòa hợp xã hội và ảnh huởng không tốt trên khả thể xây dựng những tương quan xã hội hòa bình.

Sự tha thứ, thay vì ngăn trở việc đi tìm sự thật, thì ngược lại đòi buộc ta phải đi tìm sự thật. Sự dữ đã được gây ra cần phải được nhìn nhận, và cần được sửa chữa càng nhiều càng tốt. Chính đòi hỏi này đã dẫn đưa đến việc thiết lập tại nhiều nơi trên thế giới những thể thức tương xứng để xác định sự thật đối với những tội ác giữa các nhóm chủng tộc hay quốc gia, như là bước đầu tiên tiến đến sự hòa giải. Không cần nhấn mạnh đến sự thận trọng mà mọi bên liên hệ phải tuân giữ, trong tiến trình cần thiết này, để đừng gia tăng sự đối nghịch, có thể làm cho sự hòa giải trở thành khó khăn hơn. Không phải là không có những trường hợp các nhà lãnh đạo quốc gia, vì quan tâm đến điều thiện hảo căn bản là cũng cố hòa bình, nên đã đồng ý thực thi ân xá cho những ai đã công khai thừa nhận tội ác đã phạm trong thời gian có xung đột. Sáng kiến như vậy có thể được nhìn với nhiều thiện cảm như là cố gắng để cỗ vũ những tương quan tốt đẹp giữa các nhóm truớc đó đã đối nghịch với nhau.

Một đòi hỏi thiết yếu khác nữa để tha thứ và hòa giải là sự công bằng, một sự công bằng có nền tảng cuối cùng của nó trên Luật Chúa và kế hoạch của Ngài về tình yêu và lòng thương xót đối với nhân loại. Hiểu như vậy, sự công bằng không bị giới hạn vào việc thiết lập điều gì đúng giữa các phe đang tranh chấp, nhưng còn nhìn cao hơn đến việc thiết lập lại những tương quan đối với Thiên Chúa, với chính mình và với kẻ khác. Như thế, không có sự mâu thuẫn giữa tha thứ và công bằng. Tha thứ không loại bỏ cũng không làm giảm bớt nhu cầu phải đền bù mà sự công bằng đòi hỏi, nhưng tha thứ nhằm hội nhập trở lại những cá nhân và những nhóm người vào trong xã hội, và hội nhập các quốc gia vào trong cộng đồng các quốc gia. Không hình phạt nào có thể hủy bỏ phẩm giá không thể mất đi được của những kẻ đã làm điều xấu. Cánh cửa mở vào sự ăn năn và xây dựng lại, cần phải để luôn luôn mở rộng.

Chúa Giêsu Kitô, sự hòa giải của chúng ta

6. Ngày nay có biết bao hoàn cảnh đang kêu gào sự hòa giải? Ðối diện trước thách thức này, mà hòa bình tùy thuộc rất nhiều vào đó, tôi kêu gọi tất cả các tín hữu, đặc biệt là những thành phần của Giáo Hội Công Giáo, hãy dấn thân một cách tích cực và cụ thể, để hoạt động cho sự hòa giải.

Các tín hữu đều biết rằng sự hòa giải đến từ Thiên Chúa, Ðấng luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho những ai trở về với Ngài và từ bỏ tội lỗi (x. Is 38,17). Tình thương bao la của Thiên Chúa vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người, như Thánh Kinh nói: “Thử hỏi người mẹ có thể quên đứa con nhỏ của mình hay không? Thử hỏi có người mẹ nào không thuơng xót con mình cưu mang hay không? Ngay cả có những người mẹ làm như vậy, nhưng Ta, Ta không quên con” (Is 49,15).

Tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng cho sự hòa giải, mà tất cả chúng ta đều được mời gọi thực hiện. “Chính Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm của các ngươi, Ngài chữa lành mọi bệnh tật của các ngươi; Thiên Chúa cứu chuộc sự sống của các ngươi từ nấm mộ, Ngài là Ðấng bao bọc các ngươi trong tình thuơng và lòng nhân từ của Ngài. Ngài không đối xử với chúng ta như chúng ta đáng tội, cũng không trả đũa chúng ta như chúng ta đã phạm” (Tv 102,3-4,10).

Trong sự sẵn sàng đầy tình yêu thương để tha thứ, Thiên Chúa đã đi đến chỗ trao ban chính mình cho thế gian nơi Con Một Ngài, Ðấng đã đến để mang ơn cứu chuộc cho mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại. Ðứng truớc những xúc phạm của con người, mà cao điểm là sự kết án Ngài chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

Thiên Chúa tha thứ nói lên lòng nhân từ yêu thương của một Người Cha. Trong dụ ngôn Phúc âm về người con đi hoang (x. Lc 15,11-32), người cha chạy ra trước đón đứa con, ngay lúc thấy con mình trở về. Nguời cha đó không để cho con mình xin lỗi: tất cả mọi sự đều được tha thứ cả (x. Lc 15,20-22). Niềm vui bao la của sự tha thứ, một sự tha thứ cho đi cũng như nhận lại, chữa lành những vết thương xem ra như không còn được chữa lành nữa, thiết lập lại những tương quan và làm cho những tương quan đó được bén rễ sâu vào trong tình yêu không bao giờ cạn của Thiên Chúa.

Suốt cuộc đời của mình, Chúa Giêsu đã công bố sự tha thứ của Thiên Chúa Cha, nhưng ngài cũng dạy sự cần thiết phải tha thứ cho nhau, như điều kiện để lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Trong lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Với lời “như” - như chúng con cũng tha -, Chúa đặt vào tay chúng ta mức độ mà chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết tha thứ, bị phạt vì tâm hồn chai đá của anh ta đối với người đầy tớ bạn anh (x. Mt 18,23-35) dạy chúng ta rằng, những ai không muốn tha thứ, thì chính họ tự loại mình ra khỏi sự tha thứ của Thiên Chúa: “Như thế, Cha Ta trên trời sẽ đối xử với chúng con như thế, nếu chúng con không thật lòng tha thứ cho anh chị em mình” (Mt 18,35).

Lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể nào làm vui lòng Chúa, nếu nó không đặt ở trước nó, và trong một nghĩa nào đó, nếu nó không bảo đảm thật sự là đã có một cố gắng chân thành từ phía chúng ta để hòa giải với anh chị em, những kẻ còn có điều chi bất hoà với chúng ta. Chỉ khi nào được như vậy, thì chúng ta mới có thể đến dâng cho Chúa lễ vật đẹp lòng Ngài (x. Mt 5,23-24).

Phục vụ cho sự hòa giải

7. Chúa Giêsu không những đã dạy các môn đệ ngài bổn phận phải tha thứ, nhưng Chúa còn muốn cho Giáo Hội của Ngài trở thành dấu chỉ và khí cụ thực hiện chương trình hòa giải của Ngài, vừa biến Giáo Hội trở thành bí tích “của sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”.[2] Trong ánh sáng của trách nhiệm này, Thánh Phaolô đã mô tả tác vụ tông đồ như là “tác vụ của sự hòa giải” (x. 2Cr 5,18-20). Nhưng trong một nghĩa nào đó, mọi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, phải xem mình như là “tác viên của sự hòa giải”, bởi vì, một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em, người đó được kêu gọi xây dựng hòa bình với sức mạnh của sự thật và công bằng.

Như tôi đã có dịp trình bày trong Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba, những người Kitô hữu, khi chuẩn bị sẵn sàng để bước qua ngưỡng cửa vào ngàn năm mới, được mời gọi lặp lại lòng sám hối của họ, vì đã nhiều lần trong lịch sử họ đã lạc xa tinh thần của Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài, và thay vì cung cấp cho thế giới chứng tá của một đời sống được linh ứng bởi những giá trị của đức tin, họ đã chiều theo những đường lối suy nghĩ và hành động thật sự là phản chứng và gây gương mù.[3]

Giữa bao hình thức phản chứng và gây gương mù đó, những chia rẽ phương hại cho sự hiệp nhất của những người Kitô là điều quan trọng đặc biệt. Trong khi chúng ta chuẩn bị cử hành Ðại Năm Thánh 2000, chúng ta phải cùng nhau xin Chúa Kitô tha thứ, vừa xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn hiệp nhất hoàn toàn. “Cuối cùng, sự hiệp nhất là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được yêu cầu đáp lại hồng ân này một cách có trách nhiệm, mà không gây hại cho chứng tá của chúng ta cho sự thật”.[4] Hướng nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô, Sự Hoà Giải của chúng ta, trong năm thứ nhất chuẩn bị cho Năm Thánh, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể, nhờ qua lời cầu nguyện, chứng tá và hành động, để tiến tới sự hiệp nhất nhiều hơn. Ðiều này không thể không ảnh hưởng tích cực vào các tiến trình kiến tạo hòa bình đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Vào tháng 6 năm 1997, các Giáo Hội tại Âu Châu sẽ họp Ðại Hội Ðại Kết lần II tại Graz về chủ đề: “Sự hòa giải, hồng ân của Thiên Chúa và nguồn mạch cho sự sống mới”. Ðể chuẩn bị cho cuộc họp này, các vị chủ tịch của các Hội đồng của các Giáo Hội tại Âu Châu và Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu đã công bố sứ điệp chung kêu gọi mọi người hãy tái dấn thân để thực hiện hòa giải, “hồng ân của Thiên Chúa cho chúng ta và cho toàn thể tạo vật”. Các vị đã lập danh sách vài trách vụ trong số nhiều trách vụ đang chờ đợi các cộng đoàn Giáo Hội: đó là trách vụ đi tìm một sự hiệp nhất hữu hình hơn, và dấn thân phục vụ cho sự hòa giải các dân tộc. Ước mong lời cầu nguyện của tất cả mọi người Kitô nâng đỡ cho những việc chuẩn bị tại các Giáo Hội địa phương cho cuộc họp này và cỗ vũ những hành động hòa giải cụ thể trên toàn Châu Âu, mở đường cho những cố gắng tương tự trên các đại lục khác.

Trong Tông thư Ngàn năm Thứ Ba, tôi cũng đã nói lên niềm hy vọng sống động sao cho dọc theo con đường dẫn đến năm 2000, những người Kitô hữu sẽ lấy Kinh Thánh làm nguồn cảm hứng liên lỉ làm điểm quy chiếu cho đời sống họ. Chủ đề hết sức nổi bật để hướng dẫn cuộc hành trình này có thể là chủ đề về sự tha thứ và hòa giải, để mọi người suy niệm và sống trong những hoàn cảnh cụ thể của từng người và từng cộng đoàn.

Lời kêu gọi mọi người thiện chí

8. Tôi muốn kết thúc sứ điệp này, sứ điệp mà tôi gửi đến các tín hữu và tất cả những người thiện chí, để cử hành Ngày Hòa bình Thế giới, với lời kêu gọi mọi người hãy trở thành khí cụ của hòa bình và hòa giải.

Trước hết, thưa các chư huynh trong hàng giám mục và các linh mục thân mến, tôi muốn ngỏ lời với anh em: hãy trở thành tấm gương phản ánh tình thương nhân từ của Thiên Chúa, không những chỉ trong cộng đoàn Giáo Hội mà thôi, mà còn trong xã hội hôm nay nữa, nhất là tại những nơi nào mà sự xung đột vì tinh thần quốc gia quá khích và xung đột chủng tộc, đang bùng nổ. Mặc dù những đau khổ mà anh em có thể phải chịu đựng, anh em đừng để cho sự hận thù xâm nhập vào trong tâm hồn mình, nhưng hãy vui mừng rao giảng Phúc Âm của Chúa Kitô và phân phát sự tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải.

Hỡi những bậc làm cha mẹ, những nhà giáo dục đầu tiên của con cái trong đức tin, tôi xin anh chị em hãy giúp cho con cái biết nhìn tất cả mọi người như là những anh chị em của chúng, biết đến với người khác mà không e dè thành kiến, với thái độ tin tưởng và đón nhận. Anh chị em hãy phản chiếu cho con cái anh chị em tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Hãy cố gắng hết sức mình để tạo ra một gia đình hiệp nhất và hòa hợp.

Và anh chị em, những nhà giáo dục, anh chị em được kêu gọi dạy dỗ cho những người trẻ biết những giá trị đích thực của sự sống, bằng cách hướng dẫn họ đi vào tính cách phức tạp của lịch sử và của nền văn hóa nhân loại. Xin hãy giúp cho những người trẻ biết sống những nhân đức của sự hiểu biết, khoan dung và tôn trọng trong mọi hoàn cảnh; hãy nêu cao cho các bạn trẻ nhìn thấy những gương tốt của những kẽ đã dấn thân xây dựng hòa bình và hòa giải.

Và các con, hỡi những người trẻ, các con có niềm hy vọng cao cả trong tâm hồn, chúng con hãy học sống với nhau trong hòa bình, mà không xây lên những rào cản không cho chúng con chia sẻ những kho tàng của các nền văn hóa và truyền thống khác. Hãy đáp lại bạo lực bằng những công việc của hòa bình, để xây dựng một thế giới được hòa giải và hoàn toàn nhân đạo.

Hỡi những người nam nữ trong đời sống công cộng, anh chị em được mời gọi phục vụ cho công ích, xin đừng loại bỏ bất cứ ai ra khỏỉ mối quan tâm của anh chị em. Anh chị em hãy chăm sóc đặc biệt cho những thành phần yếu kém nhất của xã hội. Ðừng đặt lợi lộc riêng của mình lên trên mọi sự; đừng chiều theo sức thu hút của sự hối lộ tham nhũng, và trên hết mọi sự hãy đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất, với vũ khí hòa bình và hòa giải.

Và các bạn, những người hoạt động trong các phương tiện thông tin đại chúng, tôi xin các bạn hãy nghĩ đến những trách nhiệm cao cả mà nghề nghiệp của các bạn mặc lấy, và đừng bao giờ trở thành kẻ cổ vũ cho những sứ điệp mang dấu vết của hận thù, bạo lực hay giả dối. Hãy luôn luôn ghi nhớ sự thật về nhân vị con người, mà những phuơng tiện đầy quyền năng của truyền thông muốn phục vụ cho.

Sau cùng, với tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, tôi kêu mời anh chị em hãy trung thành bước đi trên con đường tha thứ và hòa giải, vừa kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha xin cho tất cả được nên một (x. Ga 17,21). Tôi cũng khuyến khích anh chị em hãy kèm theo lời cầu nguyện liên lỉ cho hòa bình này bằng những hành động của tình huynh đệ và của sự chấp nhận lẫn nhau.

Với mọi người thiện chí, sẵn sàng hoạt động không mệt mỏi để xây dựng nền văn minh mới của tình thương, tôi xin lặp lại rằng: hãy cống hiến sự tha thứ và lãnh nhận hòa bình.

 

 

Làm tại Vatican, Lễ trọng thể kính Đức Maria Vô Nhiễm,

ngày 8 tháng 12 năm 1996

+ JOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 

 


[1] cf. John Paul II, Encyclical Letter Dives in Misericordia (30 November 1980), no. 14: AAS 72 (1980), pp. 1223.

[2] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, no. 1.

[3] Ibid., no. 33: AAS 87 (1995), pp. 25.

[4] Ibid., no. 34: loc. cit., pp. 26.