Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 05:58

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI – Năm 1967 Featured

LTS: Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội do Công Đồng Vatican II thiết lập ngày 4-12-1963 trong Sắc lệnh về các Phương tiện Truyền thông Xã hội.[1] Để Sắc lệnh Mirifica Inter giúp cho việc tông đồ của Giáo Hội dưới nhiều hình thức được hữu hiệu hơn trong lĩnh vực truyền thông xã hội, Giáo Hội mời gọi các Giáo phận trên thế giới cử hành ngày này hằng năm nhằm giúp các tín hữu ý thức bổn phận của mình đối với lĩnh vực này, cũng như mời gọi cầu nguyện theo ý chỉ (qua sứ điệp hằng năm của Đức Giáo Hoàng) và xin sự đóng góp cho mục đích này.

***

SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN ĐẦU TIÊN

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI

Chúa Nhật 07 Thánh 05 Năm 1967

***

***

“Giáo Hội và truyền thông xã hội”

 

 

Anh chị em thân mến,

Chúng tôi ngỏ lời với anh chị em khi “Ngày Thế giới Truyền thông”, sẽ được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật 07-05, đang đến gần.

Giáo Hội, nhận thức “rằng mình thật sự liên kết một cách mật thiết với nhân loại và lịch sử của nhân loại”,[2] nên qua sáng kiến của Công Đồng Vatican II, đã muốn hướng sự chú ý của con cái mình, cũng như của tất cả mọi người thành tâm thiện chí, đến hiện tượng rộng lớn và phức tạp của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại, như báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình, những phương tiện ấy tạo nên một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của nền văn minh hiện đại.

Nhờ những kỹ thuật kỳ diệu này mà đời sống xã hội của con người mang những chiều kích mới: thời gian và không gian đã được chế ngự, và có thể nói là con người đã trở thành một công dân của thế giới, chia sẻ và chứng kiến những biến cố ở nơi xa xôi nhất, cũng như những thăng trầm của toàn thể nhân loại. Như Công Đồng Chung đã nói, “chúng ta có thể nói đến sự biến đổi xác thực về mặt xã hội và văn hóa, sự biến đổi này đang tác động tới cả đời sống tôn giáo của con người”.[3] Qua sự biến đổi này, có sự đóng góp rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội, đôi khi theo một cách thức có tính quyết định, chúng ta đang tiếp cận những sự phát triển mới mẻ và kỳ diệu, chẳng hạn như truyền hình được truyền đi trên toàn thế giới thông qua các vệ tinh nhân tạo. Trong tất cả những điều đó, chúng ta thấy được chương trình kỳ diệu của Chúa Quan Phòng, mở ra cho khả năng thiên phú của con người với những cách thế mới mẻ chưa từng có để đạt được sự hoàn thiện và hướng đến mục đích tối hậu của mình.

Do đó, phải công nhận - theo đúng giá trị thực sự của nó - rằng báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình, cũng như những phương tiện truyền thông xã hội khác, đã góp phần làm phong phú nền văn hóa, phổ biến các hình thức nghệ thuật khác nhau, giúp giải trí, giúp hiểu biết lẫn nhau và giữa các dân tộc, cũng như hướng đến việc truyền bá sứ điệp Tin Mừng.

Tuy nhiên, trong khi phạm vi rộng lớn của hiện tượng này - mà giờ đây bao gồm cả những cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại - là lý do làm ta thán phục và toại nguyện, thì nó cũng làm cho ta phải suy nghĩ và băn khoăn. Những phương tiện này - như đã từng xảy ra, theo đúng bản chất thực sự của chúng là để truyền đạt tư tưởng, biểu hiện của con người, hình ảnh, thông tin và quảng cáo - không những tác động trên công luận, và do đó, trên cách suy nghĩ và hành động của các cá nhân và các nhóm xã hội, mà còn gây áp lực trên tâm trí, ghi dấu ấn sâu xa trong tâm tính và lương tâm của con người, vốn đang chịu sức ép và hầu như bị áp đảo bởi vô số những yêu cầu trái nghịch nhau.

Ta không thể bỏ qua mối nguy hiểm và sự tổn hại mà những phương tiện này, mặc dù theo bản chất thì cao quý, nhưng vẫn có thể tác động xấu trên các cá nhân và xã hội, khi chúng không được con người sử dụng với một ý thức trách nhiệm, với một ý hướng ngay chính và phù hợp với mục tiêu của trật tự luân lý.

Trên thực tế, một khi khả năng và tính hiệu lực hai mặt của các phương tiện này càng lớn, thì lại càng phải thận trọng và có trách nhiệm nhiều hơn nữa khi sử dụng các phương tiện ấy.

Do đó, với tâm tình quý mến, cùng với tình bằng hữu và sự tin chắc, chúng tôi bày tỏ niềm mong đợi cũng như nỗi âu lo của những con người lương thiện đang sinh sống ở khắp mọi nơi, và chúng tôi ngỏ lời với tất cả những ai đang dành hết khả năng và công việc của mình cho lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng của đời sống hiện đại. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng rằng sự phục vụ cao quý mà họ được mời gọi làm cho anh em mình, luôn có thể vươn tới đỉnh cao của sứ mệnh, giúp họ trở thành những con người trung gian, cũng như trở thành những người thầy và người hướng dẫn, giữa sự thật và công chúng, giữa thực tại của thế giới bên ngoài với những phạm vi nội tại của lương tâm.

Vì những người làm công tác truyền thông có quyền không để mình bị lệ thuộc vào những áp lực thái quá về mặt ý thức hệ, chính trị và kinh tế, những áp lực hạn chế không cho họ được tự do diễn đạt một cách chính đáng và có trách nhiệm, cho nên, khi ngỏ lời với công chúng, đòi hỏi họ phải biết tôn trọng phẩm giá của con người và của xã hội. Hãy để cho mọi nỗ lực của những người làm công tác truyền thông có thể hướng đến việc truyền bá chân lý vào trong tâm trí con người, cũng như truyền bá lòng trung tín đối với điều tốt đẹp trong tâm hồn và tính kiên định trong hành động của con người. Như thế, họ sẽ cộng tác vào việc thăng tiến nhân loại, và đóng một vai trò có tính xây dựng trong việc kiến tạo một xã hội mới, tự do hơn, linh động hơn, có trách nhiệm hơn, đầy tình huynh đệ hơn và cao thượng hơn.[4]

Chúng tôi đặc biệt nhớ đến những thế hệ người trẻ. Không phải là không có khó khăn và đôi khi còn có cả những lầm lẫn hiển nhiên hay thực tế, họ đang tìm kiếm hướng đi cho cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Họ cần có khả năng chọn lựa với một tâm trí tự do và với ý thức trách nhiệm. Cản trở hay làm cho họ lầm đường lạc lối với những viễn cảnh sai lạc có nghĩa là làm cho họ phải thất vọng và không còn những mong đợi chính đáng nữa, là làm xáo trộn những khát vọng thanh cao của họ và làm mất đi những năng động phong phú của họ.

Với tấm lòng hiền phụ, chúng tôi xin lặp lại lời yêu cầu khẩn thiết đối với những thành viên đáng kính trong giới truyền thông xã hội chuyên nghiệp, đặc biệt đối với những người tự hào với mang danh tính Kitô hữu, chúng tôi thỉnh cầu họ “làm chứng cho chính nghĩa của “Thế giới”, rằng trong tất cả những cách diễn đạt của thế giới truyền thông phải là một lời lặp lại cách trung thực về Thế giới vĩnh cửu, Thế giới chưa được tạo ra, Thế giới của Chúa Cha, là Ánh sáng của mọi sự hiểu biết, là Chân lý giúp chúng ta trở nên cao thượng”.[5]

Nhưng những cố gắng của những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội cần phải được mọi người chung tay hỗ trợ, bởi vì chúng ta cần phải chứng tỏ trách nhiệm chung của mỗi người: trách nhiệm của cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể nào thay thế được của con cái; trách nhiệm của thầy cô có nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học trò của mình cũng như giúp họ am hiểu ngôn ngữ kỹ thuật hiện đại, chỉ dẫn cho họ biết phải đánh giá điều người ta đưa ra như thế nào, biết phải sử dụng các phương tiện này như thế nào cho hợp lý, điều độ và có kỷ luật tự giác. Trách nhiệm của những người trẻ là phải phát huy, bởi vì họ được mời gọi sử dụng những phương tiện này, với một mức độ cao, để tự giáo dục chính mình, cũng như để cổ vũ tình huynh đệ và hòa bình giữa mọi người. Chính quyền cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đẩy mạnh và bảo vệ công ích, cùng với việc tôn trọng đúng mức sự tự do đích thực. Cuối cùng, đây cũng là mối quan tâm của các độc giả, khán giả và thính giả, bởi vì họ được mời gọi phải lựa chọn cho mình những tờ nhật báo, những tạp chí định kỳ, những phim ảnh và những chương trình phát sóng một cách cẩn trọng và đầy khôn ngoan; họ phải làm cho công tác truyền thông ngày càng trở đáng quý trọng, cao cả và có giá trị hơn, điều đó cũng có nghĩa là họ phải làm việc với tinh thần trách nhiệm và sự cẩn trọng.

Do đó, thật hữu ích và đáng khen ngợi đối với mọi sáng kiến đúng đắn nhằm rèn luyện óc phán đoán có phê phán của độc giả và khán giả, và nhằm giúp họ lượng giá tin tức, quan điểm và những hình ảnh được trình bày cho họ, không những dưới những khía cạnh thẩm mỹ và kỹ thuật, nhưng cũng xuất phát từ quan điểm nhân văn, luân lý và tôn giáo, ghi khắc vào tâm trí những giá trị cao cả nhất của sự sống.

Giáo Hội cũng mong muốn đóng góp phần của mình cho sự phát triển đúng đắn của thế giới truyền thông xã hội: đóng góp bằng việc truyền cảm hứng, khuyến khích, cổ vũ, hướng dẫn và cộng tác.

Chính vì lý do đó mà Công Đồng Vatican II đã xem đây là một đề tài nghiên cứu: Sắc lệnh của Công Đồng về các Phương tiện Truyền thông Xã hội, và Huấn thị Mục vụ tương ứng đang được chuẩn bị, để minh chứng cho mối quan tâm hiền mẫu của Giáo Hội trong việc đẩy mạnh những giá trị nhân văn, mà Kitô giáo, vì rất quan tâm đến những giá trị ấy, đã làm cho chúng được sống động và cao cả hơn, Kitô giáo hướng những giá trị ấy đến mục đích tối hậu của con người, mang lại một sự phát triển thực sự, có hiệu quả về mặt luân lý và tinh thần, có thể tay trong tay tiến bước cùng với sự tiến bộ kỹ thuật.

Do đó, chúng tôi hy vọng “Ngày truyền thông” này có thể chứng tỏ đây là một cơ hội để đưa ra một lời kêu gọi nhằm thức tỉnh lương tâm và cố gắng liên kết mọi người trong một mục tiêu quan trọng như thế. Chúng tôi cổ vũ mọi người hoạt động một cách quảng đại, kết hợp trong ý chỉ cầu nguyện cùng với những vị mục tử của họ, và với tất cả những ai sẵn lòng hợp tác, để nhờ ơn Chúa giúp đỡ và nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, họ có thể đạt được những kết quả mà việc cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội nhắm đến để mang lại phúc lợi cho nhân loại.

Đó là những hy vọng chân tình nhất mà chúng tôi muốn bày tỏ trước ngày Thế giới Truyền thông Xã hội đầu tiên, trong khi chúng tôi cầu nguyện, từ tận đáy lòng mình, cho tất cả những ai đang lắng nghe chúng tôi và cho tất cả những ai đang sử dụng những khả năng về kỹ thuật, những cảm hứng trí tuệ và những mong ước tinh thần trong lĩnh vực này, được đầy tràn phúc lộc của Chúa.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 07 tháng 05 năm 1967

+ PAULUS VI

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Mirifica Inter (về Truyền Thông Xã Hội), Ngày 04-12-1963, số 18: “Ðể việc tông đồ muôn hình vạn trạng của Giáo Hội được đắc lực hơn bằng những phương tiện truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tùy theo quyết định của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ, [1] để dạy dỗ các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là thành thật hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng kiến của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo. [1]: Mục đích “ngày thế giới” này là để người công giáo ý thức sâu xa hơn về bổn phận của họ trong lãnh vực truyền thông. Chỉ trích và chê bai các phương tiện đó như là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái độ đúng đắn ; nhưng đứng trước những phát minh đó, người nhiệt thành thực sự với Ðạo phải có tinh thần tích cực hơn.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy Vọng).

[3] Ibid., Lời mở đầu.

[4] x. Đức Giáo Hoàng Piô XII, Diễn văn gửi Liên hiệp Truyền thanh Châu Âu, Discorsi e Radiomessaggi, vol. 17, tr. 327.

[5] x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Diễn văn đọc trước Hội đồng Quốc gia Liên đoàn Báo chí Ý : Oss. Rom. 24-6-1966.