Sứ Điệp

Sunday, 05 April 2020 05:58

Sứ Điệp Gửi Toàn Thể Giáo Hội Việt Nam Của Đức Thánh Cha Phaolô VI - Năm 1966 Featured

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI

GỬI HÀNG GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN VIỆT NAM

NGÀY 15 - 09 -1966

***

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

***

 

Kính gửi các Ðức Tổng Giám Mục và Giám Mục Việt Nam!

Chư Huynh đáng kính,

Cuộc họp Hội Ðồng Giám mục Việt Nam những ngày gần đây sẽ tụ họp Chư Huynh lại, đối với Ta, là một bằng chứng về lòng nhiệt thành và sự tận tụy của Chư Huynh, trong việc phụng sự cộng đồng công giáo trong xứ sở của Chư Huynh. Ðối với cộng đồng ấy, hỡi Chư Huynh đáng kính, trong Hàng Giám Mục, Chư Huynh đã hiến thân phục vụ với một tinh thần gương mẫu về lòng quảng đại và hi sinh, khiến Ta được hài lòng và cảm phục.

Ta biết những lo âu của Chư Huynh trong giờ phút hiện tại, và những nỗi băn khoăn của Chư Huynh trước một tương lai đầy bấp bênh, và đầy những vấn đề còn quan trọng hơn, nhằm củng cố và đẩy mạnh đà tiến của Giáo Hội tại Tổ Quốc của Chư Huynh.

Như Chư Huynh đã biết và Ta đã quả quyết với Chư Huynh, nhiều lần : Ta vẫn ở gần Chư Huynh trong những cơn thử thách, vẫn muốn hiểu rõ hơn nhiều những khó nhọc và chia sẻ mật thiết hơn, những lo âu của Chư Huynh trong công việc tông đồ. Ta nghĩ rằng, chỉ có thế, Ta mới đáp lại được sự tận tụy sâu sa mà Chư Huynh đã biểu lộ đối với Vị Ðại Diện khiêm tốn của Chúa Kitô.

Những văn thư của Chư Huynh khả kính : của Ðức Tổng Giám Mục Sài Gòn và Ðức Giám Mục Ðà Lạt - mà Ta không thể không đọc với một sự cảm động sâu sa - còn là một bằng chứng mới và hùng hồn.

Ðể chứng tỏ cho Chư Huynh lòng âu yếm đặc biệt của Ta dối với mỗi người trong Chư Huynh, đối với giáo hữu đã được trao phó cho Chư Huynh coi sóc, đối với dân tộc của Chư Huynh hiện trải qua bao nhiêu thử thách, Ta đã muốn cho Chư Huynh được thấy một dấu hiệu cụ thể thiết tưởng Chư Huynh sẽ vui lòng - về sự hiện diện của Ta giữa Chư Huynh trong phiên họp Hội Ðồng Giám Mục, qua sự đại diện của Ta, của hiền đệ khả kính, Ðức Cha Sergio Pignedoli, Tổng Giám mục hiệu tòa Iconium và Khâm Sứ Tòa Thánh tại Canada.

Ta đã trao cho ngài sứ mạng mang đến cho Chư Huynh lời chào âu yếm và thân hữu của Ta, chứng tỏ cho Chư Huynh sự hài lòng của Ta về lòng nhiệt thành của Chư Huynh trong việc thi hành chức vụ Thánh, nói lại cho Chư Huynh những lời khích lệ của Ta, đón nhận từ nơi miệng của Chư Huynh những phúc trình về nhu cầu khẩn thiết nhất trong địa phận chư huynh, và thảo luận với Chư Huynh về những sáng kiến thích hợp nhất, hầu bảo đảm việc áp dụng những quyết định của Công Ðồng.

Những khó khăn và trở ngại đủ thứ, đủ nguyên lai, khiến cho việc tông đồ của Chư Huynh càng thêm gay go, trong một nước, tuy vẫn đuợc Thiên Chúa hết lòng chúc phúc, không những vì các nguồn phong phú tự nhiên, mà còn vì lòng quảng đại của dân chúng, vẫn bảo tồn một cách mãnh liệt cái ý niệm về những giá trị thiêng liêng, và biểu lộ ý niệm ấy qua một tổng hợp những phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, mà trung tâm phát huy là gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cùng các Giám Mục Việt Nam tham dự Công đồng Vatican II

Những khó khăn Ta đề cập dến ở đây, không những đã không ngăn cản đà tiến của Chư Huynh trong công việc tông đồ, nhưng còn làm bùng cháy lên trong lòng Chư Huynh cái tinh thần trách nhiệm của những Ðấng chăn dắt linh hồn, khiến Chư Huynh càng cảm thấy thấm thía và hăng hái hơn trước những vấn đề cấp bách của hiện thời. Ðó là, như Chư Huynh đã đoán được, hỡi Chư Huynh đáng kính, lý do kiến Ta tự cảm thấy hài lòng, cũng như khi nghĩ tới sự kính cẩn và tôn trong của Chư huynh đối với Vị Ðại diện thường trực của Ta ở giữa Chư huynh, đó là Hiền đệ khả kính, Ðức Cha Angelo Palmas, Khâm Sứ Tòa Thánh, mà Chư huynh đã biết những đức tính về trí tuệ, tâm hồn, về sự khôn ngoan, cũng như về tinh thần thanh thản. Ngài ở giữa Chư Huynh với mục đích duy nhất là cùng với Chư Huynh phụng sự Giáo Hội. Và khi đón nhận những ý kiến thân hữu của ngài, Chư Huynh đã gây được sự phục hồi mạnh mẽ đời sống công giáo, một cảnh tượng đáng mừng, và cũng là một lý do vững chắc để hi vọng cho tương lai.

Quả thật, biết bao nhiêu sáng kiến mà Chư Huynh đã quyết định trong những năm gần đây, hẳn đã mang lại những kết quả dồi dào, xét cả về những khu vực khác của Quốc Gia Dân Tộc. Ta muốn nêu ra đây một vài điểm, làm vinh dự cho Chư Huynh.

Việc thành lập Ðại Chủng Viện dưới sự bảo hộ của Ðức Thánh Giáo Hoàng Piô X, và Ta đã ban cho tước hiệu Giáo Hoàng, là một dấu chắc chắn chứng tỏ ý chí của Chư Huynh, muốn bảo đảm việc chuẩn bị cho mỗi ngày một thích hợp hơn, những kẻ đã được chỉ định làm những người cộng tác khôn ngoan của hàng Giám Mục (Hiến chế Lumen Gentium, số 28) .

Việc thiết lập một Phân Khoa Thần Học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Piô X ở Ðà Lạt trong thời hậu Công Ðồng Vatican này sẽ thúc đẩy mọi người thiện tâm hãy cố sức thực hiện câu châm ngôn của Thánh Phaolô :"Veritatem facientes in Caritate " (Hãy thi hành sự thật trong bác ái ) (Eph 4,15 ). Ðó sẽ là điểm gặp gỡ để khai thác dưới ánh sáng Phúc Âm, cái di sản phong phú về Triết học và Ðạo giáo của dân tộc. Và như vậy hẳn sẽ tập hợp được mọi tầng lớp, cho tới nay còn cách biệt và dị đồng, trong việc tìm kiếm thiện ích chung.

Trong việc tổ chức Caritas Việt Nam, ngay từ năm hoạt động đầu tiên, đã tỏ ra thịnh vượng và hiệu lực. Ta muốn nhìn thấy ở đấy bằng chứng về sự ân cần của Chư Huynh trong việc thoa dịu bao nhiêu đau khổ, và mang lại niềm ủi an, sự cứu trợ, cho những người phải chịu đựng gần kề nhất, những hậu quả đáng buồn của tình thế hiện nay .

Tới đây, một cách tự khởi và âu yếm, Ta xin gửi lòng biết ơn và tôn trọng tới các Linh mục thân yêu của Chư Huynh, thuộc Triều cũng như Dòng. Ta ca ngợi lòng nhiệt thành sốt sáng, và sự hi sinh của các vị. Ta ước ao lấy tình Cha - Con, khuyên các vị hãy lắng nghe những điều mà Công Ðồng Vatican ÌI đã đề nghị trong Sắc Lệnh "Presbyterorum Ordinis " về chức vụ và đời sống Linh mục. Ta mong rằng họ hãy duy trì những giây liên lạc chặt chẽ với các Giám mục của họ, vì họ là đại diện của Giám mục tại mỗi Cộng đồng địa phương. Ước gì các Linh mục được huynh đệ cộng tác, để luôn luôn và khắp nơi, họ là những tông đồ truyền bá chân lý. Nếu tuân theo đường lối hành động đó, Ta chắc rằng họ sẽ có đủ khả năng làm tròn những chức vụ khác nhau, tuỳ theo những hoàn cảnh đặc biệt hiện nay của xứ sở đòi hỏi.

Chư Huynh đáng kính, nếu các người công giáo Việt Nam, mặc dầu giữa biết bao thử thách và khó khăn, vẫn tiếp tục nêu cao gương xán lạn, gắn bó với lòng tin tưởng của các bậc tiền bối của họ, thì đó là công trạng của Chư Huynh và các cộng sự viên của Chư Huynh, bởi lòng họ sốt sáng, bởi họ sẵn sàng tuân theo các chỉ thị của hàng Giáo Phẩm, bởi họ phó thác vô điều kiện và tin tưởng vô hạn vào sự cứu giúp của Thiên Chúa, họ có quyền đặc biệt được toàn thể Giáo Hội quý mến và giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Ở những người con yêu quý đó, Ta cũng ca ngợi sự cộng tác rộng rãi vào tất cả mọi sáng kiến, nhằm việc Tông đồ xã hội, đặc biệt là những sáng kiến có mục đích làm dịu bớt nỗi cơ cực của những kẻ đang bị cảnh xấu số, và dày vò vì đau thương .

Vì ý thức về trách nhiệm của mình là những thành phần trong xã hội mà họ trực thuộc, họ sẽ tích cực dự phần vào sinh hoạt xứ sở và đóng góp vào bước tiến xã hội, củng cố các cơ cấu quốc gia. Ở đây, Ta muốn đem nhiệt tình nhắn nhủ họ, trong khi hành động, hãy luôn luôn theo những tiêu chuẩn của một sự khôn ngoan sáng suốt, và một kỷ luật chung, như hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi. Ta tưởng không cần nhắc lại đây rằng, những vấn đề của Quốc Gia cao quý này, Ta luôn coi như của mình, và không ngừng khẩn khoản mời gọi tất cả mọi người, cả những ai đang cầm vận mệnh Dân Tộc trong tay hãy làm sao để gây được sự tâm đồng ý hợp giữa mọi người, đó là những yếu tố cần thiết khả dĩ giúp công cuộc an cư lạc nghiệp và thực hiện những cải tạo xã hội, các cơ cấu chính trị như mọi người hằng mong muốn .

Sự quan tâm lo lắng cho Chư Huynh và cho Quê Hương Chư Huynh thúc giục Ta mở những cuộc vận động mới, để sao cho chóng tới ngày, mà, khi tiếng súng đã im bặt, các tâm hồn có thể xích lại gần nhau, ý chí đó thúc đẩy Ta lợi dụng mọi cơ hội, dù là một cơ hội mỏng manh nhất, để đưa tới một giải pháp công bình và ôn hòa hòng giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ta nghĩ rằng, bổn phận của chức vụ Tông đồ của Ta, là tiếp tục công việc ấy cho tới khi mà dân tộc Việt Nam yêu quý được thấy trở thành sự thực, lời ước nguyện, và sự cứu rỗi của Chúa Kitô phục Sinh :"Bằng an cho chúng con ". Ước gì nền hoà bình đó ngự trị trong lòng mọi người, biểu lộ ra hành động nhằm mưu ích cho mọi thành phần trong cộng đồng và ăn rễ sâu vào trật tự, vào sự tiến bộ xã hội và sự công bình. Ðể đi tới nền hoà bình đó, Ta sẵn sàng cộng tác vô giới hạn và không nhằm một quyền lợi trần thế nào, nhưng đồng thời vẫn nhắc lại những nguyên tắc làm rường cột cần thiết phải dựa vào, nếu nền hoà bình đó muốn được công bằng và lâu bền .

Nguyện xin Ðấng Tối Cao lấy lòng nhân hậu, chấp nhận những lời ước nguyện mà Ta dâng lên, trong lời cầu nguyện đầy khiêm tốn và tin cậy. Ước gì Phép lành Tòa Thánh đặc biệt, mà Ta gửi đến anh em, là Chư Huynh, hỡi Chư Huynh đáng kính, đến hàng Giáo sĩ Triều cũng như Dòng, đến các nữ tu và các giáo hữu, được luôn luôn ở với anh em, và nâng đỡ anh em trong công việc xây dựng mà anh em được kêu gọi để thực hiện. Việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô và việc phục hồi nền hoà bình nhiệt tình khao khát, nhằm đem lại sự thịnh vượng cho Tổ Quốc yêu qúy của anh em.

 

Ban hành tại La Mã ngày 15 tháng 9 năm 1966, dịp Lễ Ðức Mẹ Bảy Sự

Năm thứ tư triều đại Giáo Hoàng của Ta.

+ PAULUS VI

Giáo Hoàng