ĐỨC BENEDICT XVI: CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG
(BENOIT XVI: DERNIÈRES CONVERSATIONS)
Bài nói chuyện với Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI
của ký giả Peter Seewald tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican
Học viện Đaminh chuyển ngữ
***
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI quyết định thoái vị ngày 28 - 02 - 2013
***
PHẦN I: CHUÔNG THÀNH RÔMA
CHƯƠNG II: TỪ CHỨC
- Chúng ta hãy nói đến quyết định đủ để tạo nên một dấu ấn lịch sử đối với triều đại Giáo Hoàng của ngài. Qua việc ngài từ chức, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một Giáo Hoàng đang trị vì từ chức. Qua hành động mang tính cách mạng này, ngài đã làm biến chuyển chức vụ Giáo Hoàng hơn bất cứ ai trong nhiều thế kỷ. Chức vụ ấy trở nên hiện đại hơn, cũng nhân bản hơn theo nghĩa nào đó, và gần gũi hơn với nguồn gốc từ thánh Phêrô. Từ năm 2010, ngài đã cho biết trong cuộc đàm thoại của chúng ta - Ánh sáng thế gian: “Khi một vị Giáo Hoàng nhận ra rằng, về thể chất, tâm lý và tâm linh, ngài không thể đảm nhận sứ vụ của mình, thì ngài có quyền, và theo hoàn cảnh, có nghĩa vụ rút lui”. Quyết định này có đòi hỏi một cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội hơn không?
(Thở dài…). Điều này không phải dễ dàng, chắc chắn là thế. Sau một ngàn năm không có bất kỳ Giáo Hoàng nào nghỉ hưu, và mặc dầu có trường hợp ngoại lệ trong thiên niên kỷ đầu tiên, đó là một quyết định không dễ dàng và người ta buộc phải nghĩ ngợi nhiều. Mặt khác, đối với tôi, rõ ràng cuộc đấu tranh nội tâm không phải là quá ác liệt. Một nhận thức về trách nhiệm mà người ta có, và từ mức độ nghiêm trọng của nó, đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận nhất và phải được suy đi nghĩ lại trước mặt Thiên Chúa và bản thân mình, tất nhiên là thế, nhưng tôi không nói đó là một sự đau lòng đối với tôi.
- Ngài có dự đoán rằng quyết định của ngài cũng gợi lên sự thất vọng, và thậm chí lộn xộn nữa?
Phản ứng này có thể mạnh hơn tôi đã từng nghĩ; bạn bè, những người đã từng ủng hộ sứ điệp của tôi, những người xem sứ điệp ấy có ý nghĩa và đầy hứa hẹn, đã thực sự bị xáo trộn trong một thời gian và cảm thấy bị bỏ rơi.
- Ngài nhận thấy sự xáo trộn ấy chứ?
Vâng, tôi đã phải đối diện.
- Điều này phải đòi hỏi sức mạnh đáng kinh ngạc?
Người ta được trợ giúp trong các trường hợp như thế. Và rồi tôi biết tôi phải làm điều đó và đó là thời điểm thích hợp. Cuối cùng, người ta cũng chấp nhận. Nhiều người mong ước Đức Tân Giáo Hoàng sẽ đến với họ trong một phong cách khác. Những người khác có thể vẫn còn hối tiếc, nhưng cuối cùng, họ cũng biết ơn tôi về việc này. Họ biết rằng giờ của tôi đã qua và đó là điều mà tôi có thể trao cho họ.
- Ngài đã đưa ra quyết định cuối cùng khi nào?
Tôi nghĩ là vào thời gian nghỉ hè năm 2012.
- Trong tháng Tám?
Vâng, gần như thế.
- Ngài có chán nản không?
Chán nản thì không, nhưng tôi không được khỏe. Và tôi nhận thấy rằng chuyến đi Mexico và Cuba đã làm tôi rất mệt mỏi. Bác sĩ khuyên tôi đi theo ngả Đại Tây Dương. Theo lịch trình bình thường, Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro sẽ diễn ra vào năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi tổ chức trước vì lý do có Cup bóng đá thế giới. Tôi muốn rút lui kịp thời để vị Tân Giáo Hoàng có thể chuẩn bị cho đại hội tại Rio. Vì vậy, tôi đã dần quyết định sau chuyến đi Mexico và Cuba. Nếu không, tôi sẽ cố gắng tại vị cho đến năm 2014. Tuy nhiên, trong điều kiện này, tôi biết điều đó sẽ vượt quá sức tôi.
- Làm sao ngài có được để đưa ra quyết định quan trọng như thế mà không nói cho bất cứ ai?
Tôi thưa chuyện rất nhiều với Thiên Chúa.
- Bào huynh của ngài có biết không?
Có. Nhưng không phải ngay lập tức.
- Một thời gian ngắn trước khi ngài loan báo quyết định, chỉ có bốn người biết bí mật. Vì sao vậy?
Vâng, tất nhiên. Từ lúc người ta có thể biết, tôi sẽ không còn có thể hoàn thành sứ vụ của tôi, bởi vì quyền bính sẽ bị phân tán. Đó là điều cần thiết để tôi thực sự có thể giữ trọn nhiệm vụ của mình và thi hành nhiệm vụ đến cùng cách trọn vẹn.
- Ngài sợ rằng ai đó thành công trong việc can ngăn ngài thực hiện quá trình này?
Không (cười vui), có lẽ một chút thôi, nhưng đó không phải là nỗi sợ thực sự, bởi vì tôi đã có sự xác quyết nội tâm điều tôi phải làm. Trong trường hợp như vậy, không ai có thể ngăn cản bạn.
- Bản văn tuyên bố từ chức của ngài được soạn thảo khi nào và nhờ ai?
Chính tôi viết. Tôi không thể cho anh biết chính xác khi nào, nhưng tôi đã phải viết trước đó khoảng hai tuần.
- Tại sao bằng tiếng Latin?
Bởi vì một quyết định quan trọng như vậy phải được thực hiện bằng tiếng Latin. Ngoài ra, tôi nắm vững tiếng Latin đủ để có thể viết chính xác. Dĩ nhiên, tôi cũng có thể viết bằng tiếng Italia, nhưng có nguy cơ sẽ có một số lỗi.
- Ban đầu ngài có ý định từ chức từ tháng mười hai, nhưng cuối cùng ngài đã chọn ngày 11 tháng 2, ngày hội hóa trang Rosenmontag, và cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Lộ Đức. Chắc phải có một ý nghĩa tượng trưng?
Tôi không biết đó là ngày lễ hội hóa trang Rosenmontag, một lễ hội đã gây ra một số lộn xộn ở Đức. Đó là ngày kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Lộ Đức. Ngày lễ thánh Bernadette Lộ Đức cũng là ngày kỷ niệm của tôi. Như vậy, có mối liên hệ và dường như thích hợp để tôi rút lui vào ngày hôm đó.
- Về thời điểm...
... Có mối liên hệ.
- Kỷ niệm của ngài về ngày lịch sử này là gì? Người ta có thể tưởng tượng rằng chắc ngài ngủ không ngon giấc vào đêm hôm trước?
Không đến nỗi đâu. Rõ ràng, dư luận đã thấy một tiến trình mới, có tầm quan trọng đáng kể, như đã thấy. Về phần tôi, tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến nội tâm lâu dài và cuộc chiến này cách nào đó đã ở lại đằng sau tôi. Do vậy, ngày ấy không phải là ngày đặc biệt đau khổ đối với tôi.
- Đó là một buổi sáng diễn ra theo cùng một cách như bất kỳ buổi sáng nào khác?
Tôi nghĩ là như vậy.
- Những lời nguyện cũng thế...
Cùng những lời cầu nguyện như thường lệ, một vài lời nguyện sốt sắng hơn liên quan đến thời điểm này.
- Ngài không dậy sớm, không ăn sáng trễ hơn chứ?
Không! Không!
- Bảy mươi Hồng Y ngồi theo hình chữ U trong căn phòng lớn có tên gọi rất đẹp là “Sala del Concistoro”. Hội nghị này đã được triệu tập để công bố một số án phong thánh. Khi ngài bước vào phòng, chẳng ai có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra.
Thực ra, nhiều án phong thánh đã được lên kế hoạch.
- Thật ngạc nhiên khi ngài bắt đầu nói bằng tiếng Latin: “Thưa quý Hồng Y, tôi không chỉ triệu tập quý vị để bàn về việc phong thánh. Tôi gửi tới quý vị một thông báo quan trọng hơn.” Tất cả các Hồng Y đều bối rối. Sau lời tuyên bố từ chức, một số khuôn mặt dường như hóa đá, những người khác có vẻ hoài nghi, căng thẳng và sốc. Chỉ khi Hồng Y niên trưởng Angelo Sodano lên tiếng thì mọi người mới thực sự hiểu những gì đã xảy ra. Có phải các vị Hồng Y đã nêu ý kiến với ngài, hay thậm chí dồn dập đặt câu hỏi ngay sau đó?
(cười...). Không! Dù sao đi nữa, điều đó không xảy ra. Sau hội nghị, Giáo Hoàng trang trọng đi ra, chẳng ai có thể xô đẩy ngài. Trong trường hợp như thế, Giáo Hoàng ở vị trí cao nhất.
- Điều gì đi qua tâm trí ngài ngày hôm đó, một ngày lịch sử?
Tất nhiên tôi tự hỏi phản ứng của thế giới ra sao, và làm thế nào để thế giới đón nhận điều này. Tất nhiên, đó là một ngày u buồn đối với tôi. Suốt ngày, tôi giữ mình trước mặt Chúa. Nhưng không có gì đặc biệt.
- Trong tuyên bố từ chức, ngài giải thích quyết định từ chức vì không đủ sức khỏe. Khả năng hoạt động bị suy giảm có thực sự là lý do đủ để ngài rời ngai tòa thánh Phêrô?
Hiển nhiên, người ta nhận thấy ở đó có một sai lầm khi cắt nghĩa về chức vụ, và đổ lỗi cho tôi. Thật vậy, sự kế vị thánh Phêrô không chỉ liên hệ với chức vụ, mà đụng chạm đến cả hữu thể nữa. Thế nên, chức vụ không phải là tiêu chí duy nhất. Mặt khác, Giáo Hoàng phải thực hiện một số hành động cụ thể, phải lưu tâm đến tất cả mọi sự đang xảy ra, xác định các ưu tiên, vv. Từ việc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, đón tiếp và thảo luận với các Giám mục cách thực sự thân mật, tới các quyết định hàng ngày. Ngay cả khi ngài muốn loại bỏ một số công việc, thì vẫn còn rất nhiều và chúng cũng quan trọng đến nỗi nếu muốn hoàn thành sứ vụ cách thích hợp, rõ ràng là: từ lúc ngài không còn có thể làm việc, - với tôi dù sao, người ta có thể nhìn các sự việc theo cách khác – thì ngài cần phải giải phóng ngai tòa ấy.
- Đức Hồng Y Reginald Pole (1500-1558) mà ngài đã nói đến, trong một khảo luận thần học về Thập giá, đã nói: Thập giá là nơi chốn thực sự của người đại diện Chúa Kitô. Như vậy, theo vị Hồng Y này, có một cấu trúc tử đạo nơi quyền tối thượng của Giáo Hoàng.
Đó là điều làm tôi xúc động nhiều vào lúc ấy. Tôi đã viết một luận án về chủ đề này. Điều này đúng trong mức độ hàng ngày các Giáo Hoàng phải làm chứng, mà hằng ngày ngài phó mình cho Thập giá và luôn có các vị tử đạo, theo nghĩa về đau khổ và những vấn đề của thế giới. Điều này rất quan trọng. Nếu một Giáo Hoàng luôn được đồng thuận, ngài sẽ có quyền tự hỏi là chẳng có điều gì ngài làm không đúng sao. Bởi vì trong thế giới này, sứ điệp của Chúa Kitô là thứ gây chướng kỳ, bắt đầu với chính Chúa Kitô. Sẽ luôn có mâu thuẫn, và Giáo Hoàng sẽ luôn là dấu hiệu của mâu thuẫn. Đây là một trong những tiêu chí của ngài. Tử đạo không có nghĩa là ngài phải chết dưới máy chém.
- Ngài đã tìm cách tránh buộc mình phải hiện diện trước thế giới như vị tiền nhiệm chứ?
Vị tiền nhiệm của tôi có sứ vụ riêng. Tôi tin chắc rằng - vì ngài đã đảm nhận nhiệm vụ với sức lực mạnh mẽ, cách nào đó ngài đã vác nhân loại trên vai của mình, phục vụ trong hai mươi năm, với năng lượng đáng kinh ngạc, sự đau khổ và gánh nặng của thế kỷ, và ngài công bố sứ điệp - đã có một giai đoạn đau khổ, có thể gọi là như thế, trong triều đại Giáo Hoàng này. Và giai đoạn này giới thiệu một sứ điệp riêng biệt. Vả lại, mọi người đều nhận thấy điều đó. Thực sự, dưới khuôn mặt đau khổ, ngài cũng trở nên quý giá cho họ. Khi người ta mở ra, người ta cũng chạm đến chính cõi sâu thẳm của con người. Vì vậy, điều này có một ý nghĩa, hoàn toàn là như vậy. Tuy nhiên, tôi xác tín rằng đó không phải là thứ mà chúng ta phải tùy ý lặp lại. Và sau một triều đại Giáo Hoàng dài tám năm, có lẽ tốt nhất không nên thêm tám năm nữa diễn ra theo hướng này.
- Ngài nói rằng trước khi đưa ra quyết định, ngài đã thảo luận rồi. Trong trường hợp này, là với Đấng bảo trợ của ngài. Điều này diễn ra như thế nào?
Cần phải trình bày tình hình theo cách rõ ràng nhất và cố gắng không chỉ đưa ra lý do về hiệu quả hoặc các bằng chứng khác thuộc bản tính để giải thích về việc từ chức. Cũng nên xem xét dưới góc độ đức tin. Và chính trong viễn tượng này mà tôi đi đến xác tín rằng, thừa tác vụ Phêrô đòi hỏi tôi quyết định, suy xét cụ thể, nhưng chừng nào tôi có nguy cơ không thể thi hành chức vụ trong một tương lai gần, Chúa không buộc tôi phải cáng đáng và Người giải phóng tôi cách nào đó khỏi nhiệm vụ của tôi.
- Người ta nói đến một “kinh nghiệm thần bí” khiến ngài thực hiện quá trình này.
Đó là một sự hiểu lầm.
- Ngài hoàn toàn đồng thuận với Chúa?
Vâng!hoàn toàn.
- Ngài có cảm thấy rằng triều đại Giáo Hoàng của mình đã kiệt sức, và điều ấy thực sự không xảy ra trước chứ? hoặc có thể là cá nhân Giáo Hoàng không còn là giải pháp, nhưng là vấn đề?
Không, không phải theo cách thức đó. Tôi nhận thức rõ ràng là không thể làm được nhiều nữa. Nhưng tôi có thể là một vấn đề cho Giáo hội, không, không phải như vậy, và đó luôn không phải là quan điểm của tôi.
- Phải chăng những người xung quanh làm ngài thất vọng, rồi thiếu sự hỗ trợ mà ngài cảm thấy nơi vai trò của họ?
Không! Không! Vụ việc Paolo Gabriele rất đáng tiếc, đó là một thực tế. Nhưng để bắt đầu, tôi không phải làm gì - cơ quan chuyên môn đã kiểm tra hồ sơ của ông và đã giao cho ông vị trí này –sau đó, là những sự việc diễn ra theo cách của con người. Tôi không biết là đã phạm lỗi nhỏ nhất.
- Điều này không ngăn chặn các phương tiện truyền thông Italia tự hỏi là sao không nên tìm lý do thực sự dẫn đến việc ngài từ chức trong vụ Vatileaks, bao gồm không chỉ trường hợp Paolo Gabriele, mà cả các vấn đề tài chính và mưu đồ trong Giáo triều. Cuối cùng, bản điều tra dài ba trăm trang về tất cả những vấn đề này sẽ khiến ngài ngao ngán đến mức ngài không thấy lối thoát khác hơn là nhường chỗ cho người khác.
Không! Điều này không chính xác, không đúng chút nào. Ngược lại, các trường hợp này đã được giải quyết hoàn toàn. Tôi khẳng định là, vào thời điểm đó, đối với tôi cũng như anh, chúng ta không thể rút lui khi các sự việc không tốt đẹp và đang chờ được giải quyết. Tôi có thể từ chức vì sự yên ổn đã trở lại. Không từ chức dưới áp lực và cũng chẳng phải để trốn chạy vì tôi không thể giải quyết rốt ráo những sự việc này.
- Một số tờ báo thậm chí đã nói đến chuyện đe dọa hay âm mưu.
Điều này là hoàn toàn vô lý. Tôi nghĩ rằng, thật khó chịu với cách mà một người, bất kể lý do gì, đã tưởng tượng là cần phải gây tai tiếng để thanh tẩy Giáo hội. Nhưng không ai cố gắng dọa tôi. Vả lại, tôi sẽ không phải chấp thuận điều đó. Nếu có một mưu toan như vậy, tôi đã từ chối ra đi, bởi vì không thể chấp nhận đầu hàng áp lực. Ở đây, không thích hợp để nói về sự thất vọng, hoặc bất cứ điều gì. Ngợi khen Thiên Chúa, thay vào đó là bầu khí bình an, hài lòng với ý tưởng giúp vượt qua khó khăn. Một bầu khí trong đó chúng ta có thể hoàn toàn thanh thản trao bánh lái cho người kế nhiệm.
- Theo một số người phản đối, chức Giáo Hoàng đã bị tục hóa bởi việc từ chức của ngài. Vấn đề là bây giờ sẽ không còn là chức vụ có một không hai nữa, nhưng là một chức vụ như bao chức vụ khác.
Tôi đã phải dự tính điều này và tự hỏi về thuyết chức năng, như người ta nói, là không có khả năng lan sang chức vụ Giáo Hoàng. Đồng thời, một mức độ tương tự đã diễn ra các Giám mục. Trước đây, một Giám mục không được phép từ chức, và họ thường nói: Tôi là “cha” và tôi vẫn mãi là cha. Họ tin rằng người ta không thể đặt kỳ hạn cho họ. Đó là vấn đề viên chức hóa, thế tục hóa, một loại hình dịch vụ dân sự, không thể áp dụng cho một Giám mục. Tôi phản đối kiểu nói ngừng làm cha. Rõ ràng là ông không ngừng là cha, nhưng ông từ bỏ trách nhiệm cụ thể. Vẫn là cha theo một nghĩa sâu sắc, thân mật với một mối liên hệ và trách nhiệm cụ thể, nhưng ông không còn thực hiện công việc của người cha. Tình trạng này cũng như thế với các Giám mục.
Rồi người ta cũng đi đến việc chấp nhận cách chung rằng nếu Giám mục có trách nhiệm về sứ vụ bí tích vẫn tiếp tục liên kết cách nội tại với ngài, thì ngài không buộc phải giữ chức vụ của mình mãi mãi. Đối với tôi, rõ ràng Giáo Hoàng không phải là một siêu nhân, và chỉ sự hiện diện của ngài là không đủ; ngài còn phải thi hành trách vụ. Khi từ chức, ngài từ bỏ trách vụ của mình trong khi vẫn duy trì, theo cách rất thân mật, trách nhiệm ngài đã đảm nhận. Người ta dần dần hiểu rằng chức Giáo Hoàng đã không bị mất đi sự vĩ đại của nó, thậm chí chiều kích nhân bản của trách vụ có thể hiển thị rõ ràng hơn.
- Ngay sau khi ngài loan báo quyết định từ chức, và như hằng năm sau Thứ Tư Lễ Tro, Giáo triều tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay. Người ta có nói chuyện với ngài, ít nhất là trong phạm vi này, vấn đề liên quan đến việc từ chức của ngài?
Không! Tuần tĩnh tâm là thời gian thinh lặng, lắng nghe, và cầu nguyện. Trong lịch trình của tôi, chắc chắn tôi hiểu rằng tuần lễ thinh lặng này sẽ giúp mọi người, các Giám mục, các Hồng Y và cộng tác viên của Giáo triều, suy gẫm quyết định này sâu hơn. Bỗng nhiên, tất cả mọi sự liên quan đến những thứ bên ngoài sẽ biến mất, và từ nội tâm chúng tôi hướng về nhau, trước mặt Chúa.
Đây là những ngày xúc động và bổ ích cho tôi. Trước hết, đó là sự rút lui và thinh lặng, không ai làm phiền tôi, vì không có các buổi tiếp kiến, tất cả chúng tôi rút lui khỏi sự náo nhiệt và từ nội tâm chúng tôi gần nhau hơn, bởi vì chúng tôi cùng cầu nguyện và lắng nghe bốn lần một ngày; thứ đến, từng người ở trước mặt Chúa trong trách nhiệm cá nhân của mình.
Tôi phải nói rằng lịch trình này rất đúng đắn. Nhìn lại quá khứ, tôi không thể ngăn mình nhận ra ngay lúc này đây nó thậm chí còn tốt hơn nữa.
- Ngài đã bao giờ hối hận vì việc từ chức, thậm chí chỉ một phút?
Không! Không. Mỗi ngày, tôi đều nhận thấy mình đã đúng.
- Vậy ra, không có lần nào ngài đã nói...
Không! Hoàn toàn không. Tôi đã suy nghĩ và bàn luận với Chúa khá lâu.
- Có khía cạnh nào mà ngài đã không nghĩ đến? và có lẽ chỉ xuất hiện cho ngài sau đó?
Không!
- Ngài cũng đã dự kiến rằng trong tương lai người ta có thể yêu cầu một Giáo Hoàng từ chức cách hợp pháp?
Hiển nhiên là không có vấn đề buộc phải tuân theo các yêu cầu. Đó là lý do tại sao trong bài phát biểu của tôi, tôi nhấn mạnh sự kiện tôi đã hành động cách hoàn toàn tự do. Không bao giờ phải ra đi để trốn chạy điều gì đó. Không bao giờ chịu khuất phục áp lực. Bạn chỉ có thể ra đi nếu chẳng ai đòi hỏi bạn. Và không ai yêu cầu khi tôi làm điều đó. Không ai cả. Điều đó hoàn toàn làm cho mọi người ngạc nhiên.
- Sự kiện ngài từ chức, ngay lập tức đã đánh dấu một bước ngoặt với việc mở ra trên một lục địa khác, hẳn đã làm cho ngài ngạc nhiên chứ.
Trong Giáo hội, chúng ta phải mong đợi bất cứ điều gì.
***
XEM THÊM
* Phần I: CHUÔNG THÀNH RÔMA
- Chương I: Những ngày bình yên tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican
- Chương II: Từ Chức
- Chương III: Tôi không từ bỏ Thập Giá
* Phần II: CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ
- Chương I: Gia đình và Thời thơ ấu
- Chương II: Chiến tranh
- Chương III: Sinh viên, linh mục giúp xứ, giảng viên
- Chương IV: Tập sự và ngôi sao thần học
- Chương V: Công đồng: Giữa mơ ước và chấn thương
- Chương VI: Giáo sư và Giám mục
- Chương VII: Tổng trưởng
* Phần III – GIÁO HOÀNG CỦA CHÚA GIÊSU
- Chương I: Và bỗng nhiên làm Giáo Hoàng
- Chương II: Những khía cạnh của việc làm Giáo Hoàng
- Chương III: Tông du và gặp gỡ
- Chương IV: Những thiếu sót và các vấn đề...
* Kết luận
- Tiểu sử