Phỏng Vấn

Sunday, 05 April 2020 08:17

Bài Phỏng Vấn Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI Của Ký Giả Peter Seewald Tại Đan Viện Mater Ecclesiae - Chương I: Những Ngày Bình Yên Ở Mater Ecclesiae Featured

LTS: Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã từ nhiệm vào tháng 02 năm 2013, và lui vào đời sống yên lặng, cầu nguyện trong đan viện Mater Ecclesiae, thành Vatican. Gần đây, ký giả Peter Seewald đã có cuộc nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, và bản tiếng Pháp, Benoit XVI, dernières conversations được xuất bản vào tháng 09 năm 2016. Học Viện Đaminh xin gửi đến quý độc giả chương đầu trong tập sách này, hy vọng sẽ lần lượt gới thiệu các chương kế tiếp.

***

ĐỨC BENEDICT XVI: CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG

(BENOIT XVI: DERNIÈRES CONVERSATIONS)

Bài nói chuyện với Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI

của ký giả Peter Seewald tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

Học viện Đaminh chuyển ngữ

***

Đức nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI và ký giả Peter Seewald

***

PHẦN I: CHUÔNG THÀNH RÔMA

CHƯƠNG I: NHỮNG NGÀY BÌNH YÊN Ở MATER ECCLESIAE

 

- Thưa Đức Thánh Cha Benedicto, với tư cách là Giáo Hoàng, ngài đã được hàng triệu người tiếp đón, ngài đã sống trong một dinh thự, ngài đã đón rất nhiều nhân vật của thế giới. Bây giờ ngài không cảm thấy thiếu những điều này chứ?

Không! Hoàn toàn không! Trái lại, tôi tạ ơn Chúa đã cất khỏi tôi trách nhiệm nặng mà tôi không thể đảm đương. Từ ngày ấy tôi được tự do và khiêm tốn hằng ngày trên con đường của tôi với Người, được sống giữa bạn hữu và tiếp đón họ.

- Bỗng nhiên bị tước bỏ mọi thứ quyền bính và sống hầu như hoàn toàn ẩn dật sau những bức tường của thành Vatican, làm sao có thể sống được?

Trong mọi trường hợp, tôi không bao giờ coi “quyền bính” như một sức mạnh, nhưng như một trách nhiệm, một gánh nặng. Có điều gì đó buộc bạn mỗi ngày phải tự hỏi: Bạn có đang ở tầm cao không? Ngay cả trước lời tung hô của đám đông, tôi luôn biết rằng những lời đó không dành cho con người khiêm tốn và bé nhỏ này, nhưng cho Đấng mà tôi là đại diện. Vì thế, tôi không cảm thấy khó khi từ nhiệm.

- Ngay từ rất sớm, ngài đã cho thấy triều Giáo hoàng của ngài có thể rất ngắn. Có phải chỉ là chuyện tuổi tác, tình trạng sức khỏe?

Thật vậy, tôi cảm thấy không thật vững chắc.

- Cuối cùng thì ngài cũng đã qua được 8 năm, dài hơn nhiều vị tiền nhiệm. Một câu hỏi tiên quyết: cảm nhận của ngài đã không quá ảnh hưởng lên chương trình của triều Giáo Hoàng?

Rõ ràng. Tôi đã không thể dấn mình dài hơi vào các trách nhiệm. Cần phải có thời gian để dấn mình vào trong một công việc như thế. Tôi ý thức rằng trách nhiệm của tôi có bản chất khác, là trước tiên tôi phải tìm cách bày tỏ ý nghĩa đức tin trong thế giới hiện đại, làm nổi bật trọng tâm của niềm tin vào Thiên Chúa và đem lại cho con người sự can đảm để tin, để sống đức tin của mình cách cụ thể trong thế giới. Đức tin, lý trí, theo tôi, đó là sứ mạng của tôi. Độ dài về mặt thời gian triều Giáo Hoàng của tôi không quan trọng với điều này.

- Có lúc nào Đức Thánh Cha đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cất con đi, con không thể, con không còn sức để tiếp tục”?

Bằng những lời như thế thì không. Tất nhiên, tôi đã cầu nguyện với Chúa, đặc biệt trong vụ việc Williamson, xin Người giải thoát tôi và trợ giúp tôi. Đồng thời, tôi cũng biết rằng chính Người đã đặt tôi vào vị trí này và Người sẽ không để tôi gục ngã.

- Phải chăng Đức Thánh Cha chưa bao giờ nghĩ là sẽ rời bỏ gánh nặng này? Không còn phục vụ mãi mãi và chuyên biệt, không còn đảm nhận những nghĩa vụ không có kết thúc, tất cả sự nhàm chán nặng nề của nhiệm vụ? Không còn là một con người.

Có chứ. Trong thời gian làm Hồng y bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tôi vẫn thường thưa điều này với Đức Giáo hoàng, nhưng Đức Gioan Phaolô II nói với tôi: “Không, cứ tiếp tục”.

- Và ngài đã không được hỏi xem có phải chấp nhận kết quả bầu cử?

Đây quả là câu hỏi tôi đã nêu lên cách rất nghiêm túc. Nhưng tôi đã rất ấn tượng khi nhiều Hồng y, trước Mật viện, đã khuyến khích, dù thế nào, vị sẽ được bầu trong tương lai sẽ được 2/3 số phiếu, cho dù không thể vác cây thập giá này, và coi đó như là một dấu chỉ. Một nghĩa vụ nội tâm. Lời kêu mời này đã được công bố hết sức nghiêm túc và long trọng đến nỗi tôi nhận ra rằng, quả thật, đa số các Hồng y đã bầu chọn thì đó là Chúa bầu chọn và tôi phải chấp nhận.

- Đức Thánh Cha chẳng bao giờ tự hỏi: Có thể tôi là sự chọn lựa sai lầm chăng?

Không. Các Hồng y đã bầu chọn bạn, và bạn làm công việc của mình. Điều quan trọng không phải là nhận xét của các kí giả, mà là của Thiên Chúa.

- Khát vọng mãnh liệt nhất của Đức Thánh Cha là dành toàn bộ cuộc sống vào việc chiêm niệm và cầu nguyện. Hiện nay Đức Thánh Cha có thể làm việc ấy không?

Không hoàn toàn. Trước hết, tôi không đủ sức khỏe tâm lý. Tôi không hoàn toàn đủ mạnh về nội tâm để hiến mình thực hiện những việc thánh thiêng và tâm linh. Còn có thêm lý do bên ngoài: Đó là việc tiếp khách. Tôi nghĩ rằng quả là tốt khi trao đổi với những người hiện đang làm việc trong Giáo hội hay những người có vị trí trong cuộc đời tôi, hầu có thể neo mình cách nào đó trong những sự việc của con người. Hơn nữa, sức khỏe tâm thần không cho phép tôi ở lại trong lĩnh vực cao cả mãi được. Thế nên, một ước nguyện không thể thực hiện. Nhưng quả thật, tôi có tự do nội tâm rất lớn để thực hiện điều này, một điều rất quý giá.

- Ngài còn viết lách không?

Không. Không chút nào, từ sau lễ Giáng sinh, tôi biết rằng từ đây là Nunc dimittis; tôi đã hoàn thành công trình của tôi.

- Đức Thánh Cha còn giữ cuốn nhật kí hay sổ ghi chép nào không?

Không có nhật kí, nhưng thỉnh thoảng có một vài bài suy niệm, tuy vậy, tôi đang muốn bỏ đi.

- Sao vậy?

(cười). Vì quá riêng tư.

- Nhưng dù sao thì đó cũng là…

…một mối lợi bất ngờ cho các sử gia.

- Ngài đã xuất bản một công trình đáng kể về thần học, hơn tất cả các vị tiền nhiệm. Các sách của ngài được bán hàng triệu bản. Có phải ngừng viết là điều cực kỳ khó khăn đối với ngài?

Không, không hẳn thế. Trong thực tế, hằng tuần tôi chuẩn bị bài giảng cho ngày Chúa nhật. Vậy là tôi có một hoạt động trí thức, một việc chú giải. Dù thế nào, tôi không thể viết được nữa. Điều này cần phải có trước đó một công việc có tính phương pháp, mà hiện nay quá khó đối với tôi.

- Ngài soạn bài giảng cho 4, 5 người?

Tại sao không? (cười). Vâng. Dù họ là 2, 20 hay 2000 người, Lời Thiên Chúa luôn cần hiện diện với con người.

- Ngài còn những việc khác phải làm chứ?

Nếu bạn hiểu là cái gì đó để truyền lại cho con người, thì tôi trả lời: không. Ngược lại, tôi muốn tiếp tục việc phục vụ bằng lời cầu nguyện.

- Việc kế tiếp?

Sau khi đã nhiều lần viết lại bản di chúc, giờ đây tôi có bản cuối cùng.

- Một di chúc thần học?

Không, không (cười). Không, nhưng tài liệu hiện có tôi sẽ để lại.

- Việc suy niệm của Đức Thánh Cha như thế nào? Hiện ngài có vài hoạt động thiêng liêng đặc biệt nào không?

Hiện tôi có thể đọc sách nguyện cách sâu sắc hơn, chậm rãi hơn, và vì thế, nên thân thiết hơn với các Thánh vịnh, các Giáo phụ. Như đã nói, mỗi Chúa nhật, tôi giảng một bài ngắn. Trong tuần, tôi suy nghĩ một chút về bài giảng, để những ý tưởng đủ chín mùi, hầu có thể khám phá một bản văn theo nhiều khía cạnh khác nhau. Bản văn muốn nói với tôi điều gì? Bản văn muốn nói gì với những người đang ở đây, trong đan viện? Điều thực sự mới đối với tôi, nếu tôi có thể nói: Đó là, càng có thể thanh thản nghiền ngẫm các Thánh vịnh trong cầu nguyện, tôi càng cảm thấy thân thiết hơn với các Thánh vịnh. Và như vậy, các bản văn phụng vụ, nhất là phụng vụ Chúa nhật, đồng hành với tôi suốt tuần.

- Ngài có một lời nguyện yêu thích?

Thực tế rất nhiều. Trước tiên là lời của thánh Ignatio: “Lạy Chúa, xin cất mọi tự do khỏi con…”, và một lời khác của thánh Phanxicô Xavie: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa, không phải vì Ngài có thể ban cho con Nước Thiên Đàng hay kết án con trong hỏa ngục, nhưng vì Ngài là Thiên Chúa của con. Con yêu mến Ngài vì Ngài là Chúa”. Hay còn một lời khác của Nicolas de Flue: “Xin giữ lấy con như chính con đây…” Tôi cũng rất thích “lời cầu nguyện phổ quát” của Phêrô Canisinô thế kỉ XVI –tôi đã tìm thấy trong “Gotteslob” nhưng lại quên nêu lên. Lời kinh này vẫn luôn giữ được tính hiện đại và vẻ đẹp.

- Còn cuốn sách ngài ưa thích?

Tất nhiên là Altötting.

- Điểm chính trong các suy tư của ngài luôn là sự gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô. Hiện nay như thế nào? Sự thân mật của ngài với Đức Giêsu ra sao?

(thở dài) Dĩ nhiên chuyện này thay đổi tùy theo tình hình, nhưng trong phụng vụ, cầu nguyện, suy niệm về bài giảng Chúa nhật, tôi nhìn thấy Người trực tiếp trước mặt tôi. Người vẫn không bao giờ kém cao cả và huyền nhiệm. Có rất nhiều câu trong Tin mừng mà lúc này tôi cảm nhận nét cao cả và sức nặng mạnh mẽ hơn trước đây. Điều này làm tôi nghĩ đến giai đoạn tôi còn làm cha phó. Ngày nọ, Romano Guardini được mời đến nhà một mục sư Tin lành gần bên, ông nói với vị này: “Khi về già, mọi sự không trở nên nhẹ nhàng, mà nặng hơn”. Câu nói này đã làm vị mục sư rất cảm động. Có sự thật ở bên trong. Một bên, rõ ràng người ta bị lôi kéo rất nhiều, có thể nói như vậy, để từ đó cuộc sống có được hình dáng của nó và những quyết định nền tảng được đưa ra. Đàng khác, người ta cảm thấy cách mãnh liệt hơn sức nặng của các vấn đề, của sự báng bổ thực tế, sự thiếu vắng đức tin ngay ở chiều sâu Giáo hội, nhưng đồng thời, ngược lại, người ta cũng cảm nhận được nét cao cả trong những lời nói của Đức Giêsu, thường được tỏ bày vượt trên sự giải thích trước đây.

- Điều này có liên hệ đến việc mất đi sự thân thiết với Thiên Chúa? Hay với sự nghi ngờ?

Nghi ngờ, không, nhưng người ta cảm thấy mình đang xa rời sự cao cả của mầu nhiệm như thế nào. Thật vậy, người ta cũng đi tới những mặc khải mới. Tôi thấy điều này đem lại nhiều xúc động, nhiều niềm an ủi. Đồng thời, người ta ý thức rằng mình không bao giờ ngừng khám phá Lời. Một vài lời giận dữ, từ khước, đe dọa dường như làm bạn lo ngại, càng mạnh mẽ và quan trọng hơn trước.

- Người ta hình dung ra Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Đức Kitô trên trần gian là người đang có mối liên hệ rất thân thiết, sâu xa với Chúa.

Đúng, phải như thế, và hơn thế, tôi không có ý nghĩ rằng Người ở xa. Tôi có thể luôn thưa chuyện với Người trong nội tâm. Điều cản trở là tôi là con người nhỏ bé, đáng thương, lại không luôn đạt tới Người.

- Đức Thánh Cha cũng trải qua những “đêm tối”, như các vị thánh thường nói đến?

Không phải mãnh liệt như thế. Có thể rằng vì tôi không đủ thánh để buộc tôi phải đi sâu vào đêm tối. Điều ấy càng đúng khi mà nhìn thấy chung quanh ta những biến cố về con người mà ta phải tự hỏi tại sao Thiên Chúa có thể cho phép chúng xảy ra và người ta nêu lên từ những vấn đề quan trọng. Cần phải xác tín rằng Người biết rõ hơn chúng ta.

- Ngài chưa bao giờ trải qua “đêm tối” trong cuộc đời?

Nói rằng không bao giờ có đêm tối là không hoàn hảo, nhưng trong nhiều trường hợp, người ta khó có thể hiểu điều Thiên Chúa thực sự muốn, tại sao sự dữ lại hiện diện, chẳng hạn, làm thế nào để điều này lại có thể tương hợp với tính toàn năng và lòng nhân lành của Người. Những vấn đề như thế quấy nhiễu bạn liên tục.

- Làm sao đối diện với những vấn nạn đức tin?

Trước tiên, người ta không bao giờ ngần ngại về xác quyết nền tảng của đức tin, bằng cách đặt mình vào bên trong nó cách nào đó. Và bằng cách nhận rằng mình không hiểu điều gì đó, không phải vì điều ấy giả tạo, nhưng là do sự nhỏ bé của mình. Hơn một lần, tôi đã hiểu biết dần dần. Bỗng nhiên, việc phân định được điều gì chưa xuất hiện rõ ràng cho bạn luôn là một món quà. Vì thế, người ta hiểu mình phải khiêm tốn, khi mà những lời Kinh thánh còn đóng kín với bạn. Phải chờ Thiên Chúa mở ra.

- Người có mở ra không?

Không luôn luôn. Nhưng cuộc sống trong vài lúc mở ra cho thấy nét cao cả này.

- Giáo hoàng danh dự sợ cái chết chứ? Hay ít ra, sợ chết?

Có, trong mức độ nào đó. Trước tiên, có nỗi sợ về trách nhiệm trên người khác vì lý do một thời gian dài không hiệu lực. Đối với tôi, điều này rất đáng buồn. Đó là một điều mà cả cha tôi cũng luôn nghi ngại, nhưng thử thách không xảy ra với ông. Tiếp đến, mặc dù tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi tôi, và càng đến gần Người, người ta càng cảm thấy rõ tất cả những gì đã không làm tốt. Đó là nơi sức nặng của lỗi lầm đè bẹp bạn, cho dù rõ ràng, xác tín căn bản vẫn có đó.

- Điều gì đè nặng trên ngài?

Đó là không luôn xử sự với người khác cách thỏa đáng, công bằng. A! Có bao nhiêu chi tiết, không phải là những chuyện lớn, tạ ơn Chúa, nhưng từ bao điều nhỏ bé ấy mà lẽ ra người ta phải biết, và phải thực hiện tốt hơn. Đó là không biết đánh giá con người, sự việc theo đúng giá trị.

- Khi ngài hiện diện trước Đấng Toàn Năng, ngài sẽ bày tỏ điều gì?

Tôi xin Người khoan dung với sự khốn cùng của tôi.

- Người tín hữu tin rằng “đời sống vĩnh cửu” là một đời sống hoàn hảo?

Hoàn toàn đúng! Đã đến nhà dành cho người tốt lành.

- Còn ngài, ngài chờ đợi gì?

Tôi phân biệt nhiều mức độ. Trước hết, mức độ thần học. Điều thánh Augustino nói đem lại cho tôi thêm vững lòng. Đó cũng là một ý tưởng lớn. Thánh nhân giải thích lời Thánh vịnh “Hãy luôn tìm kiếm Thánh Nhan” bằng cách nói rằng từ ‘luôn’ có nghĩa là vĩnh cửu. Thiên Chúa quá cao cả mà chúng ta không ngừng khám phá. Người luôn luôn mới mẻ. Đó là một tiến trình mãi mãi, vô tận của khám phá mới và niềm vui mới. Đó là những vấn đề mà bạn làm việc theo thần học. Cũng phải thêm vào đây một mức độ hoàn toàn nhân bản: tôi vui mừng vì gặp lại cha mẹ, người anh và người chị, các bạn hữu, và hình dung ra rằng mọi sự lại đẹp đẽ như ở nhà, ở nhà mình.

- Cánh chung, môn học về các “sự sau” – cái chết, luyện tội, khởi đầu một thế giới mới– là một trong những đề tài nền tảng của ngài, ngài đã viết về đề tài này, và như ngài nói, đó là cuốn sách hoàn chỉnh nhất. Bây giờ, khi mà chính bản thân ngài đối diện với những vấn đề cánh chung, ngài có rút ra được ích lợi nào từ công việc thần học?

Có chứ. Những suy tư về luyện tội, về bản chất đau khổ, về ý nghĩa và tính cách tập thể của hạnh phúc, việc dìm mình vào trong đại dương mênh mông của niềm vui và tình yêu, tất cả có tầm quan trọng lớn lao đối với tôi.

- Ngài muốn nói rằng ngài là người đã được soi sáng?

Không, không phải thế (cười)! Không.

- Nhưng sự soi sáng, cùng với sự thánh thiện, lại chẳng phải là một trong những mục tiêu của đời sống tín hữu Công giáo?

Ý niệm “soi sáng” có vẻ như thuộc hàng ưu tú. Tôi là một Kitô hữu hoàn toàn bình thường. Chắc chắn, vấn đề là nhận ra chân lý, tức là ánh sáng. Nhờ đức tin, cả những người bình thường nhất cũng được soi sáng. Bởi vì họ thấy điều mà những người khác, dù trí thức hơn, không nhận ra. Theo nghĩa này, đức tin là một sự soi sáng. Theo người Hylạp, Phép Rửa được gọi là photismos, nghĩa là sự soi sáng, là đạt tới ánh sáng, tới thị kiến. Mắt tôi mở ra, tôi thấy chiều kích này theo cách hoàn toàn khác, chỉ đôi mắt thể lý của tôi là không thể thấy.

 

 

***

XEM THÊM

 

 

* Phần I: CHUÔNG THÀNH RÔMA

- Chương I: Những ngày bình yên tại Đan Viện Mater Ecclesiae, Vatican

- Chương II: Từ Chức

- Chương III: Tôi không từ bỏ Thập Giá

* Phần II: CHUYỆN NGƯỜI PHỤC VỤ

- Chương I: Gia đình và Thời thơ ấu

- Chương II: Chiến tranh

- Chương III: Sinh viên, linh mục giúp xứ, giảng viên

- Chương IV: Tập sự và ngôi sao thần học

- Chương V: Công đồng: Giữa mơ ước và chấn thương

- Chương VI: Giáo sư và Giám mục

- Chương VII: Tổng trưởng

* Phần III – GIÁO HOÀNG CỦA CHÚA GIÊSU

- Chương I: Và bỗng nhiên làm Giáo Hoàng

- Chương II: Những khía cạnh của việc làm Giáo Hoàng

- Chương III: Tông du và gặp gỡ

- Chương IV: Những thiếu sót và các vấn đề...

* Kết luận

- Tiểu sử