Vinc. Vũ Văn An
LTS: Vào buổi tối Chúa Nhật, ngày 31-07-2016, trên chuyến bay từ Krakow về Rôma, kết thúc chuyến tông du và chủ sự các nghi lễ dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 31 tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các ký giả, nhà báo trong một cuộc họp báo.
***
***
Cha Lombardi: Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều vì đã hiện diện với chúng con ở đây, trên chuyến trở về từ chuyến đi. Không kể cơn bão tối này, đối với con, mọi sự đều diễn ra tốt đẹp, chúng ta đều rất hạnh phúc và hài lòng với những ngày này và hy vọng Đức Thánh Cha cũng thế. Như thường lệ, chúng con sẽ hỏi Đức Thánh Cha một số câu hỏi. Tuy nhiên, nếu Đức Thánh Cha muốn nói điều gì đó bằng cách giới thiệu, chúng con xin Đức Thánh Cha tự nhiên.
Đức Thánh Cha Phanxicô: Chào buổi tối, và tôi cảm ơn các bạn vì công việc và sự tháp tùng của các bạn. Tôi muốn gửi tới các bạn, vì các bạn là bạn bè của cô, lời chia buồn về cái chết của Anna Maria Jacobini. Hôm nay tôi đã tiếp em gái, cháu trai và cháu gái của cô ấy, họ rất đau buồn trước biến cố này. Đây là nỗi buồn của chuyến đi này.
Sau đó, tôi muốn cảm ơn Cha Lombardi và ông Mauro De Horatis, bởi vì đây là chuyến đi cuối cùng họ thực hiện với chúng ta. Cha Lombardi đã ở với Radio Vatican trong hơn 25 năm và sau đó 10 tại Phòng Báo chí. Còn Mauro đã phụ trách các hành lý trong các chuyến bay trong 37 năm qua. Tôi cảm ơn Ông Mauro và Cha Lombardi rất nhiều. Và rồi, cuối cùng, chúng ta sẽ cảm ơn họ bằng một chiếc bánh ngọt.
Và bây giờ xin các bạn tự nhiên. Chuyến đi ngắn. Chúng ta sẽ nói tới nó cũng ngắn thôi.
Cha Lombardi: Cảm ơn Đức Thánh Cha, thưa Đức Thánh Cha. Như thường lệ, chúng con sẽ có câu hỏi đầu tiên của một trong các đồng nghiệp Ba Lan của chúng con - chị Magdalena Wolinska của TVP.
Magdalena Wolinska - TVP - Telewizia Polska: Thưa Đức Thánh Cha, trong bài diễn văn đầu tiên của Đức Thánh Cha tại Wawel, sau khi tới Krakow, Đức Thánh Cha nói Đức Thánh Cha hạnh phúc được bắt đầu biết Trung và Đông Âu, trên thực tế, là biết Ba Lan. Nhân danh đất nước chúng con, con muốn hỏi: Đức Thánh Cha đã cảm nghiệm Ba Lan ra sao trong năm ngày này? Đức Thánh Cha nghĩ gì về nó?
Đức Thánh Cha Phanxicô: Đây là một Ba Lan đặc biệt, bởi vì nó là một Ba Lan bị “xâm chiếm” một lần nữa, nhưng lần này bởi những người trẻ! Từ những gì tôi thấy ở Krakow, Ba Lan rất đẹp. Người dân Ba Lan rất nhiệt tình. Cô hãy nhìn buổi tối hôm nay - đội mưa, dọc đường phố, không chỉ là những người trẻ tuổi, mà còn có cả các mệnh phụ có tuổi nhỏ bé nữa... Đó quả lòng tốt, sự cao thượng đấy. Tôi đã có kinh nghiệm được biết người Ba Lan lúc còn là một đứa trẻ: sau chiến tranh, nhiều người Ba Lan đến làm việc nơi cha tôi làm việc. Họ là những người tốt bụng, và ý nghĩ này vẫn còn trong trái tim tôi. Tôi thấy sự tốt bụng này của dân cô là một điều đẹp đẽ. Cám ơn cô!
Cha Lombardi: Bây giờ chúng ta nhường chỗ cho một đồng nghiệp Ba Lan khác, là chị Urzula Rzepczak của Polsat.
Urzula Rzepczak – Polsat: Thưa Đức Thánh Cha, những người trẻ tuổi của chúng ta rất cảm kích bởi lời lẽ của Đức Thánh Cha; những lời lẽ này tương ứng rất tốt với thực tế và các vấn đề của họ. Nhưng trong các bài diễn văn của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha cũng sử dụng những chữ và biểu thức thích đáng của ngôn ngữ giới trẻ. Làm thế nào mà Đức Thánh Cha chuẩn bị cho điều này? Làm thế nào Đức Thánh Cha đã có khả năng đưa ra rất nhiều ví dụ rất gần gũi với cuộc sống của họ, với các vấn đề của họ và với lời nói của họ?
Đức Thánh Cha Phanxicô: Tôi thích nói với những người trẻ tuổi, và tôi thích nghe những người trẻ tuổi. Họ luôn đặt tôi vào khó khăn, bởi vì họ nói với tôi những điều mà tôi chưa nghĩ tới hoặc chỉ nghĩ có một nửa - họ là những người trẻ tuổi bồn chồn, những người trẻ có óc sáng tạo. Tôi thích họ và học hỏi ngôn ngữ đó từ họ. Nhiều lần tôi phải hỏi: “Nhưng điều này có nghĩa gì?” - Và họ giải thích cho tôi ý nghĩa của nó. Tôi muốn nói chuyện với họ. Họ là tương lai của chúng ta, và chúng ta phải đối thoại. Cuộc đối thoại này giữa quá khứ và tương lai là điều quan trọng. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rất nhiều mối quan hệ giữa những người trẻ tuổi và ông bà, và khi tôi nói “ông bà” tôi muốn nói những vị già nhất chứ không hẳn chỉ là các vị cao niên - Nhưng tôi, đúng! - cũng phải cho họ kinh nghiệm của chúng tôi, để họ lắng nghe quá khứ, lắng nghe lịch sử và tiếp nhận nó và đem nó tiến lên bằng sự can đảm của hiện tại, như tôi đã nói tối nay. Điều đó quan trọng, rất quan trọng! Tôi không muốn nghe người ta nói: “Nhưng những người trẻ nói những điều ngớ ngẩn!” Chúng ta cũng nói nhiều điều ngớ ngẩn! Những người trẻ tuổi nói những điều ngớ ngẩn và những điều tốt đẹp, giống như chúng ta, giống như mọi người. Nhưng cần phải lắng nghe họ, nói chuyện với họ, vì chúng ta phải học hỏi từ họ, và họ phải học hỏi từ chúng ta. Như thế đó. Và nhờ thế, lịch sử được tạo ra và phát triển mà không có đóng cửa, mà không có kiểm duyệt. Tôi không biết, nhưng nó như thế đấy. Vì vậy, tôi đã học các chữ ấy.
Cha Lombardi: Cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Và bây giờ chúng ta nhường chỗ cho anh Marco Ansaldo của “La Repubblica,” người đặt câu hỏi cho nhóm người Ý.
Marco Ansaldo - La Repubblica: Thưa Đức Thánh Cha, theo hầu như toàn bộ các nhà quan sát quốc tế, việc đàn áp tại Thổ Nhĩ Kỳ và mười lăm ngày sau cuộc đảo chính, có lẽ, còn tồi tệ hơn chính cuộc đảo nữa. Mọi lớp người đều chịu ảnh hưởng: người trong quân đội, các thẩm phán, các nhà quản trị công cộng, các nhà ngoại giao, và các nhà báo. Con xin trích dẫn số liệu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ: người ta nói có hơn 13,000 vụ bắt giữ, thêm 50,000 người bị “sa thải” - quả là một cuộc thanh trừng. Hôm kia, trước những lời chỉ trích của nước ngoài, Tổng thống Recep Tayyip Eerdogan nói: “Các ông hãy chú ý đến việc của các ông đi!” Chúng con muốn hỏi Đức Thánh Cha: tại sao Đức Thánh Cha không can thiệp, cho tới nay, đã không nói gì? Có phải có lẽ Đức Thánh Cha sợ rằng sẽ có cuộc bách hại chống lại thiểu số Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ chăng? Xin cám ơn Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha Phanxicô: Khi tôi phải nói một điều mà Thổ Nhĩ Kỳ không thích, nhưng tôi biết chắc, tôi vẫn đã nói với những hậu quả mà anh đã biết. Tôi nói những lời đó...; vì tôi biết chắc. Còn (bây giờ) tôi không lên tiếng vì tôi vẫn chưa biết chắc, với những thông tin tôi nhận được, điều gì đang xảy ra ở đó. Tôi lắng nghe các thông tin đến với Phủ Quốc Vụ Khanh, và cũng đến từ một số nhà phân tích chính trị quan trọng. Tôi cũng đang nghiên cứu tình hình với các cộng tác viên của Phủ Quốc Khanh và tình hình vẫn còn chưa rõ ràng. Quả thật, cái ác đối với người Công Giáo phải luôn luôn tránh được - và tất cả chúng ta đều làm điều này - nhưng không được làm thiệt đến sự thật. Có đức tính khôn ngoan - phải nói điều này, khi nào và nói ra sao, còn trong trường hợp của tôi, có các bạn làm chứng cho: khi cần phải nói điều gì đó liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã lên tiếng.
Cha Lombardi: Bây giờ chúng ta nhường chỗ cho chị Frances D'Emilio, là đồng nghiệp ở Associated Press, thông tấn xã tuyệt vời nói tiếng Anh.
Frances D'Emilio - Associated Press: Kính chào Đức Thánh Cha. Câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người vẫn tự hỏi trong mấy ngày này, vì nó được đem ra ánh sáng ở Úc, đó là Cảnh sát Úc đang điều tra những cáo buộc mới đối với Đức Hồng Y Pell, và lần này những lời buộc tội có liên quan tới việc lạm dụng trẻ vị thành niên, rất khác với các cáo buộc trước đây. Câu hỏi con muốn hỏi, và nhiều người khác muốn hỏi là: theo ý kiến của Đức Thánh Cha, đâu là điều đúng cần phải làm đối với Đức Hồng Y Pell, vì tình hình nghiêm trọng, vì chức vụ rất quan trọng và vì sự tin tưởng ngài hiện có được nơi Đức Thánh Cha?
Đức Thánh Cha Phanxicô: Cám ơn cô. Các tin tức đầu tiên đến (với tôi) khá lộn xộn. Đây là các tín liệu của 40 năm về trước và thậm chí lúc ban đầu, không được cảnh sát lưu ý - một điều khó hiểu. Thế rồi, mọi lời tố cáo đã được trình cho Tư pháp và ở thời điểm này, chúng đang nằm trong tay Tư pháp. Chúng ta không được phán đoán trước khi quan tòa phán đoán. Nếu tôi đã đưa ra một phán đoán ủng hộ hoặc chống lại Đức Hồng Y Pell, điều này không tốt, vì như thế tôi là người phán đoán đầu tiên. Đúng là có nghi ngờ. Nhưng có một nguyên tắc rõ ràng trong pháp luật: in dubio pro reo (khi hoài nghi, phải ủng hộ người bị cáo). Chúng ta phải đợi Tư Pháp, chứ không phải phán quyết đầu tiên của truyền thông, vì điều này không ích gì - sự phán xét của tin đồn, còn sau đó? Chúng ta không biết kết cục sẽ ra sao. Hãy chú ý đến những gì Tư Pháp quyết định; một khi Tư Pháp đã nói, tôi sẽ nói. Cám ơn cô.
Cha Lombardi: Bây giờ chúng ta nhường chỗ cho anh Hernan Reyes của Telam. Như chúng ta biết, anh là người Argentina và bây giờ anh đại diện cho Châu Mỹ Latin giữa chúng ta.
Hernan Reyes: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha thấy thế nào sau việc ngã hôm nọ? Chúng con thấy Đức Thánh Cha khỏe khoắn. Đó là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai: tuần qua, Tổng thư ký của Liên Hiệp Các Quốc Gia Nam Mỹ (UNASUR), Ernesto Samper, nói tới một cuộc trung gian của Vatican ở Venezuela. Nó có phải là một cuộc đối thoại cụ thể không? Có phải là một khả thể có thực không? Và Đức Thánh Cha nghĩ làm thế nào việc làm trung gian này, với phái bộ của Giáo Hội, có thể giúp ổn định đất nước này?
Đức Thánh Cha Phanxicô: Đầu tiên: việc ngã. Lúc đó, tôi mải nhìn Đức Mẹ nên quên cả bậc cấp. Tay tôi đang cầm bình xông hương. Khi tôi nhận ra mình ngã, tôi cứ thế để mình ngã, và điều này đã cứu tôi, vì nếu cưỡng lại, tôi sẽ phải chịu nhiều hậu quả. Không có gì tệ cả, tôi rất tốt.
Câu hỏi thứ hai là? Venezuela. Hai năm trước, tôi đã có một cuộc họp rất, rất tích cực với Tổng thống Maduro. Rồi, tổng thống yêu cầu được hội kiến vào năm ngoái: đó là một ngày Chúa Nhật, một ngày sau khi tôi từ Sarajevo trở về. Tuy nhiên, sau đó ông đã hủy bỏ cuộc hội kiến, vì ông bị bệnh viêm tai nên không thể đến. Rồi, sau việc đó, tôi chờ một thời gian mới viết cho ông một lá thư. Rồi có nhiều cuộc tiếp xúc – mà anh đã đề cập đến một trong số ấy - để có một cuộc gặp gỡ cuối cùng. Đúng, với các điều kiện được quy định trong các trường hợp này. Và hiện đang có suy nghĩ về nó, nhưng tôi không chắc chắn, và tôi có thể đảm bảo với anh điều này. Rõ ràng chứ? Tôi không chắc chắn trong nhóm trung gian, liệu có ai - và tôi không biết có phải cả chính phủ nữa, tôi không biết chắc - muốn có một đại diện của Tòa Thánh hay không. Tình thế là như vậy cho tới lúc tôi rời Rôma. Nhưng “các cá nhân” đang có sẵn. Trong nhóm này, thì có Zapatero của Tây Ban Nha, Torrijos và một người khác, và người ta nói người thứ tư là của Tòa Thánh. Nhưng tôi không chắc chắn về việc này.
Cha Lombardi: Bây giờ chúng ta nhường chỗ cho anh Antoine-Marie Izoard của I.Media, Pháp. Và chúng ta biết những gì Pháp đang trải qua những ngày này...
Antoine-Marie Izoard - I.Media: Thưa Đức Thánh Cha, trước hết con xin bày tỏ lời chúc tốt đẹp nhất của con với Đức Thánh Cha, Cha Lombardi và cả Cha Spadaro nhân lễ thánh Inhaxiô.
Câu hỏi có phần khó khăn hơn một chút. Người Công Giáo đang bị sốc - và không chỉ ở Pháp - sau vụ sát hại khủng khiếp Cha Jacques Hamel trong nhà thờ của ngài, trong khi ngài đang cử hành Thánh Lễ. Bốn ngày trước, ở đây, Đức Thánh Cha một lần nữa nói rằng mọi tôn giáo đều muốn hòa bình. Nhưng vị linh mục 86 tuổi này đã rõ ràng bị giết nhân danh đạo Hồi. Do đó, thưa Đức Thánh Cha, con có hai câu hỏi ngắn gọn. Khi Đức Thánh Cha nói đến các hành vi bạo lực này, tại sao Đức Thánh Cha luôn luôn nói về những kẻ khủng bố và không bao giờ nói về Hồi giáo? Đức Thánh Cha không bao giờ sử dụng chữ “đạo Hồi”. Và rồi, ngoài những lời cầu nguyện và đối thoại, vốn hiển nhiên rất cần thiết, Đức Thánh Cha có thể đưa ra hoặc đề xuất những sáng kiến cụ thể nào để phản đối bạo lực Hồi giáo? Cảm ơn Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha Phanxicô: Tôi không muốn nói về bạo lực Hồi giáo bởi vì mỗi ngày khi tôi lật qua các tờ báo tôi thấy bạo lực ở đây ở Italia: người thì giết cô dâu tương lai của mình, người thì giết mẹ vợ của mình... Và họ đều là những người Công Giáo bạo lực được rửa tội! Họ là những người Công Giáo bạo lực. Nếu tôi đã nói về bạo lực Hồi giáo, tôi cũng nên nói về bạo lực Công Giáo. Không phải tất cả người Hồi giáo đều bạo động; không phải tất cả người Công Giáo đều bạo động. Ở đây giống như một món salad trái cây, mỗi thứ một chút, có những cá nhân bạo lực trong các tôn giáo này. Một điều chắc chắn đúng: Tôi tin rằng trong gần như tất cả các tôn giáo, luôn luôn có một nhóm nhỏ cực đoan. Những người duy cực đoan, chúng ta có họ. Và khi trào lưu cực đoan tiến đến chỗ giết người - nhưng (nên nhớ) người ta có thể giết người bằng lưỡi, và Thánh Tông Đồ Giacôbê đã nói điều này, chứ không phải tôi, và người ta cũng có thể giết người bằng một con dao - Tôi tin rằng đánh đồng đạo Hồi với bạo lực là điều không đúng và không phải sự thật! Tôi đã có một cuộc trò chuyện dài với Đại Giáo Sĩ của Đại Học al-Azar và tôi biết những gì họ suy nghĩ: họ tìm kiếm hòa bình, gặp gỡ. Đại sứ của một nước châu Phi nói với tôi rằng luôn luôn có một hàng người ở thủ đô – lúc nào cũng đầy! - tại Cửa Thánh trong Năm Thánh: một số tiến lại Tòa Giải Tội, những người khác cầu nguyện trong băng ghế dài. Nhưng phần lớn tiến hành việc cầu nguyện tại bàn thờ Đức Mẹ: họ là các người Hồi giáo muốn “tham gia” Năm Thánh; họ là anh em. Khi tôi còn ở Trung Phi, tôi đã tới gặp họ và Vị Giáo Sĩ Hồi Giáo thậm chí còn leo lên Giáo Hoàng Xa. Người ta có thể cùng sống chung rất tốt, nhưng luôn có những nhóm cực đoan nhỏ. Và tôi cũng tự hỏi có bao nhiêu người trẻ - bao nhiêu người trẻ mà người châu Âu chúng ta đã làm cho trống rỗng lý tưởng, không có việc làm, ghiền ma túy, rượu chè... đi đến đó và ghi danh vào các nhóm cực đoan. Đúng, chúng ta có thể nói: cái gọi là ISIS là một nhà nước duy Hồi giáo tự trình bày mình như bạo động, vì khi họ để chúng ta thấy chứng minh thư của họ, họ khiến chúng ta thấy họ đã cắt cổ các người Ai Cập, hoặc những thứ thuộc loại đó ra sao tại bờ biển Libya. Nhưng đây là một nhóm cực đoan nhỏ, được gọi là ISIS. Nhưng chúng ta không thể nói - Tôi không nghĩ đó là thật hoặc đúng khi nói - rằng đạo Hồi là khủng bố.
Antoine-Marie Izoard: Một sáng kiến của Đức Thánh Cha để chống lại chủ nghĩa khủng bố, bạo lực...
Đức Thánh Cha Phanxicô: Chủ nghĩa khủng bố có mặt khắp nơi! Anh hãy nghĩ tới chủ nghĩa khủng bố có tính bộ lạc của một số nước châu Phi... Chủ nghĩa khủng bố - Tôi không biết có nên nói không, vì điều này hơi nguy hiểm một chút - phát triển khi không có lựa chọn nào khác, khi thần tài chứ không phải con người - đàn ông và đàn bà - là tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, nó là chủ nghĩa khủng bố đầu tiên. Nó đã liệng bỏ sự kỳ diệu của tạo thế, đàn ông và đàn bà, và đặt tiền vào đó thay thế. Đây là chủ nghĩa khủng bố cơ bản chống lại toàn thể nhân loại. Hãy suy nghĩ về điều đó.
Cha Lombardi: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Như đã được thông báo sáng nay rằng Panama sẽ là địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới, một đồng nghiệp ở đây muốn kính tặng Đức Thánh Cha một món quà nhỏ để Đức Thánh Cha chuẩn bị cho ngày đó.
Javier Martinez Brocal - Rome Reports: Thưa Đức Thánh Cha, trước đây, Đức Thánh Cha có nói, trong cuộc gặp gỡ các thiện nguyện viên, rằng có lẽ Đức Thánh Cha không có mặt ở Panama. Và Đức Thánh Cha không thể làm được điều này, vì chúng con đang chờ đón Đức Thánh Cha tại Panama!
Đức Thánh Cha Phanxicô (bằng tiếng Tây Ban Nha): Nếu tôi không đi, Thánh Phêrô sẽ ở đó!
Javier Martinez Brocal: Chúng con tin rằng Đức Thánh Cha sẽ ở đó! Thay mặt người Panama, con tặng Đức Thánh Cha hai món: một chiếc áo sơ mi số 17, đó là ngày sinh của Đức Thánh Cha, và chiếc mũ mà các người nhà quê (Campesinos) Panama quen mặc. Họ yêu cầu con xin Đức Thánh Cha đội nó lên đầu... nếu Đức Thánh Cha muốn chào hỏi người Panama... Cảm ơn Đức Thánh Cha!
Đức Thánh Cha Phanxicô (bằng tiếng Tây Ban Nha): Cảm ơn các bạn rất nhiều, thưa các bạn Panama, vì món quà này. Tôi hy vọng các bạn sẽ tự chuẩn bị tốt, với cùng một sức mạnh, một linh đạo và một chiều sâu mà Ba Lan, dân cư Krakow và tất cả mọi người Ba Lan đã chuẫn bị bản thân họ.
Antoine-Marie Izoard: Thưa Đức Thánh Cha, nhân danh các nhà báo đồng nghiệp của con, vì con phần nào có nghĩa vụ đại diện cho họ, con cũng muốn nói đôi lời, nếu Đức Thánh Cha cho phép con, về Cha Lombardi, để cảm ơn ngài.
Không thể nào tổng kết được 10 năm hiện diện của Cha Lombardi tại Văn phòng Báo chí: với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, sau đó là khoảng trống ngôi ít ai nghe thấy và rồi cuộc bầu cử Đức Thánh Cha, và những bất ngờ tiếp theo. Điều chắc chắn có thể nói là sự sẵn có liên tục, cam kết và cống hiến của Cha Lombardi; khả năng đáng kinh ngạc của cha trong việc trả lời hoặc không trả lời các câu hỏi của chúng con, thường kỳ lạ, và đây cũng là một nghệ thuật. Và rồi, cả sự hài hước hơi kiểu Anh đôi chút của ngài nữa: trong mọi tình huống, thậm chí tồi tệ nhất. Và chúng con có rất nhiều ví dụ về điều này.
[Ngỏ lời với Cha Lombardi] Hiển nhiên, chúng con hân hoan nghênh đón các người kế nhiệm của Cha, hai nhà báo tốt lành, nhưng chúng con không quên rằng cha, ngoài việc là một nhà báo, còn là và vẫn là một linh mục và là một linh mục Dòng Tên nữa. Chúng con sẽ không quên ăn mừng một cách thích hợp việc cha ra đi nhận nhiệm vụ mới trong tháng Chín, nhưng hôm nay, chúng con muốn bày tỏ với cha những lời chúc tốt nhất của chúng con - lời chúc tốt nhất nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô và sau đó một cuộc sống trường thọ, bách niên giai lão như họ nói ở Ba Lan, trong phục vụ khiêm nhường. Stolat là kiểu nói tại Ba Lan: Stolat Cha Lombardi!