Joseph C. Pham
LTS: Ngày 31-10-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có chuyến viếng thăm chính thức Thụy Điển. Mục đích của chuyến viếng thăm này là để cùng với Liên Hiệp Tin Lành Lutheran đánh dấu dịp kỷ niệm 500 năm Phong Trào Tin Lành Cải Cách do Martin Luther khởi xướng. Trước chuyến viếng thăm đại kết lịch sử này, Đức Thánh Cha đã có cuộc phỏng vấn với tạp chí văn hóa Signum của Dòng Tên. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Cha Ulf Jonsson S.J., giám đốc tạp chí.
***
***
Cha Ulf Jonsson S.J.: Thưa Đức Thánh Cha, vào ngày 31/10 Ngài sẽ thăm Lund và Malmö để tham gia vào Dịp Kỷ Niệm đại kết lần thứ 500 của Phong Trào Cải Cách, được Liên Đoàn Thế Giới Luther và Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo tổ chức. Đâu là niềm hy vọng và mong đợi của Ngài cho biến cố lịch sử này?
ĐGH Phanxicô: Tôi có thể nghĩ về chỉ một lời để diễn tả: đến gần. Niềm hy vọng và mong đợi của tôi là việc xích lại gần hơn với anh chị em của tôi. Sự gần gũi tốt lành với tất cả chúng ta. Khoảng cách, mặt khác, làm cho chúng ta đắng cay. Khi chúng ta giữ khoảng cách, thì chúng ta khép lại ở nơi chính bản thân chúng ta và chúng ta trở thành những thực thể cá biệt, không có khả năng gặp gỡ nhau. Chúng ta bị giữ lại vì những nỗi sợ. Chúng ta cần học cách để vượt thắng chính mình để gặp gỡ người khác. Nếu tôi thực hiện điều này, chúng ta là Kitô Hữu cũng sẽ trở nên bệnh tật vì những chia rẽ của chúng ta. Mong đợi của tôi là việc có thể tiến thêm một bước gần gũi, trở nên gần hơn với anh chị em của tôi tại Thuỵ Điển.
Cha Ulf Jonsson: Tại Argentina, anh em Giáo Hội Luther tạo thành một cộng đồng giới hạn hơn. Đức Thánh Cha đã có dịp để liên hệ với họ trong quá khứ chưa?
ĐGH Phanxicô: Có, một vài lần. Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi tôi đi vào trong nhà thờ Giáo Hội Luther. Ngôi nhà thờ này nằm ngay trong nhà thờ chính của họ ở Argentina, trên đường Esmeralda tại Buenos Aires. Năm ấy tôi mới 17 tuổi. Tôi nhớ rất rõ ngày ấy. Người bạn đồng nghiệp của tôi, Axel Bachmann, đã lập gia đình. Anh ấy là chú của một thần học gia Luther là Mercedes Garcia Bachmann. Và cũng thế, mẹ của Mercedes là bà Ingrid cũng làm việc ở nơi tôi làm. Đó là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi cử hành của Giáo Hội Luther. Lần thứ hai là một kinh nghiệm mạnh mẽ hơn. Chúng tôi là những người Dòng Tên có Phân Khoa Thần Học tại San Miguel, nơi tôi dạy học. Gần đó, khoảng chưa tới 10Km, thì có Phân Khoa Thần Học Luther. Người hiệu trưởng là người Hungary, Leskó Béla, một người tốt thật sự. Tôi có những mối quan hệ rất thân thiết với ông. Tôi là một giáo sư và dạy về Thần Học Linh Đạo. Tôi đã mời giáo sư Thần Học Linh Đạo của Phân Khoá ấy, một người Thuỵ Điển, Anders Ruuth, để thực hiện những bài giảng về linh đạo cùng với tôi. Tôi nhớ đó thật sự là thời gian khó khăn cho linh hồn tôi. Nhưng tôi tin vào ông nhiều và đã mở tâm hồn tôi ra cho ông. Ông đã giúp tôi thật nhiều trong thời gian đó. Rồi ông được sai đến Brazil – ông cũng biết nhiều tiếng Bồ Đào Nha – và rồi ông trở về Thuỵ Điển. Ở đó ông xuất bản luận văn rất hay về “Giáo Hội Hoàn Vũ của Vương Quốc Thiên Chúa” vốn đã bắt đầu tại Brazil từ những năm 70. Đó là một luận văn chính. Ông đã viết bằng tiếng Thuỵ Điển, nhưng có một chương bằng Tiếng Anh. Ông đã gửi chương đó cho tôi và tôi đọc chương đó bằng tiếng Anh: thật là một viên ngọc quí. Rồi thời gian trôi qua...Trong thời gian ấy tôi trở thành giám mục phụ tá của Buenos Aires. Một ngày kia, người mà sau này trở thành Tổng Giám Mục của Uppsala đến thăm tôi tại toà giám mục. Đức Hồng Y Quarrancino không có ở đó. Ngài mời tôi đến buổi phụng vụ của họ tại Azopardo, tại Iglesia Nórdica of Buenos Aires, trước đó gọi là “Giáo Hội Thuỵ Điển”. Tôi đã nói với Ngài về Anders Ruuth, người đã trở lại Argentina để cử hành một buổi lễ cưới. Chúng tôi gặp nhau vào dịp đó nhưng đó là lần cuối cùng: một trong những người con trai của ông, là nhạc sĩ – người kia là bác sĩ – một ngày kia gọi điện cho tôi nói rằng ông đã qua đời.
Một chương khác của mối quan hệ của tôi với anh em Luther có liên quan đến Giáo Hội Đan Mạch. Tôi có mối quan hệ với một vị mục sư vào thời đó, Albert Andersen, hiện đang ở Hoa Kỳ. Ông mời tôi hai lần để giảng. Lần đầu tiên là trong bối cảnh của một buổi phụng vụ. Vào dịp đó, thật là tế nhị. Để tránh tạo nên sự e ngại cho việc tham dự vào Hiệp Lễ, thì buổi cử hành đã không được thực hiện, mà là một Phép Rửa. Sau đó ông có mời tôi tổ chức một buổi hội thảo cho giới trẻ của ông. Tôi còn nhớ tôi có một buổi thảo luận rất mạnh mẽ với ông ở rất xa khi ông đã ở Hoa Kỳ. Vị mục sư đã khiển trách tôi rất nhiều vì điều tôi đã nói về một điều luật có liên quan đến các vấn đề tôn giáo tại Argentina. Nhưng tôi phải nói rằng ông đã khiển trách tôi rất chân thành và trung thực, như một người bạn thật sự. Khi ông trở lại Buenos Aires tôi có đến xin lỗi vì, thực ra, cách mà tôi đã nói về bản thân tôi có một hút mang tính xúc phạm. Rồi tôi có mối quan hệ thân thiết với Mục Sư David Calvo, một người Argentina, thuộc Giáo Hội Iglesia Evangélica Luterana Unida. Ông cũng là một người tốt.
Tôi cũng nhớ rằng đối với “Ngày Kinh Thánh”, vốn được tổ chức tại Buenos Aires vào cuối Tháng 9, tôi đã trở lại với ngôi nhà thờ đầu tiên mà tôi đã đến thăm khi còn là một thành niên, ở tại Esmeralda. Và ở đó tôi đã gặp gỡ Mercedes Garcia Bachmann. Chúng tôi có một cuộc trao đổi. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng mà tôi có với những anh em Tin Lành Luther trong khi tôi còn là tổng giám mục Buenos Aires. Kể từ đó tôi liên tục có các mối quan vệ với cá nhân những anh em Luther ở cấp độ cá nhân. Nhưng người thực hiện quá nhiều điều tốt lành trong đời tôi là Anders Ruuth. Tôi nghĩ về ông với quá nhiều tình cảm và lòng biết ơn. Khi vị Tổng Giám Mục của Giáo Hội Thuỵ Điển đến đây để gặp gỡ tôi thì chúng tôi đã thực hiện một sự nhắc về tình bạn ấy của hai chúng tôi. Tôi nhớ rõ khi Tổng Giám Mục Antje Jackelén đênz1 đây tại Vatican này vào Tháng 05/2015 trong một chuyến thăm chính thức. Bà đã thực hiện một bài diễn văn tuyệt vời. Tôi đã gặp gỡ bà sau đó cũng nhân dịp phong thánh cho Thánh Elizabeth Hesselblad. Rồi tôi cũng gặp và chào thăm chồng bà. Họ thật sự là những người dễ chịu. Rồi khi là giáo hoàng, tôi đến giảng tại Nhà Thờ Giáo Hội Luther của Rôma. Tôi rất ấn tượng với những câu hỏi mà họ đặt ra: câu hỏi của trẻ em và câu hỏi của phụ nữ về việc liên hiệp lễ. Thật là những câu hỏi tuyệt vời và sâu sắc. Và vị mục tử của giáo hội ấy thì thật là tốt lành!
Cha Ulf Jonsson: Trong công cuộc đối thoại đại kết, những cộng đồng khác nhau cần phải được làm cho phong phú với phần tốt nhất của các truyền thống của họ. Vậy thì người Công Giáo có thể học gì được từ truyền thống của Giáo Hội Luther?
ĐGH Phanxicô: Hai từ xuất hiện trong tâm trí tôi: ‘cải cách’ và ‘Kinh Thánh’. Tôi sẽ nỗ lực để giải thích. Trước hết là từ ‘cải cách’. Ngay từ đầu, việc cải cách của Luther là một cử chỉ của sự cải cách trong thời kỳ gian khó đối với Giáo Hội. Luther muốn chữa lành hoàn cảnh phức tạp. Rồi cử chỉ này – cũng vì hoàn cảnh chính trị, chúng ta cũng nghĩ về kiểu (rừng nào cọp nấy) – đã trở thành ‘một tình trạng’ chia rẽ, chứ không phải là một sự cải cách của toàn thể Giáo Hội, điều vốn là nền tảng, vì Giáo Hội thì luôn luôn cải cách. Từ thứ hai là ‘Kinh Thánh’, Lời Chúa. Luther đã thực hiện một bước lớn trong việc đặt Lời Chúa vào tay người dân. Cải Cách và Kinh Thánh là hai điều mà chúng ta cần đào sâu bằng việc nhìn vào truyền thống Luther. Tổng Công Nghị trước Mật Nghị xuất hiện và yêu cầu một cuộc cải cách sống động thế nào trong các cuộc trao đổi của chúng tôi.
Cha Ulf Jonsson: Chỉ một lần trước đó có một giáo hoàng đến thăm Thuỵ Điển và đó là Đức Gioan Phaolô II vào năm 1989. Đó là thời gian của lòng nhiệt thành đại kết và lòng khao khát sâu sắc cho sự hiệp nhất giữa Công Giáo và Tin Lành Luther. Kể từ đó thì phong trào đại kết dường như là mất đi sự nhiệt thành của nó và những rào cản mới đã xuất hiện. Vậy thì những rào cản này được giải quyết thế nào? Theo ý Ngài, thì đâu là những phương thế tốt nhất để cổ võ sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu?
ĐGH Phanxicô: Tiếp tục đối thoại và nghiên cứu các vấn đề một cách rõ ràng thuộc về các nhà thần học. Về điểm này thì không còn hoài nghi gì. Công cuộc đối thoại về thần học cần phải được tiếp tục, vì đó là con đường phải đi theo. Tôi nghĩ về các kết quả vốn đã đạt được trên hành trình này với văn kiện quan trọng về công chính hoá. Đó là một bước tiến lớn. Chắc chắn, sau bước này thì tôi hình dung sẽ không dễ gì để tiến bước vì những cách hiểu khác nhau về một số vấn đề thần học. Tôi đã hỏi Đức Thượng Phụ Bartholomew liệu là điều đã được nói về Đức Thượng Phụ Athenagoras là có thật không, điều mà Ngài nói với Đức Phaolô VI: “Cả hai chúng ta hãy tiến bước và chúng ta sẽ đưa các thần học gia lên một hòn đảo để tự thảo luận với nhau”. Ngài nói với tôi là đó là một lời nói có thật. Nhưng, đúng, cuộc đối thoại thần học phải tiếp tục, ngay cả khi điều đó chẳng dễ dàng gì.
Một cách cá nhân, tôi tin rằng lòng nhiệt thành phải chuyển sang việc cầu nguyện chung và các công việc của lòng thương xót - công việc được thực hiện chung với nhau để giúp người đau yếu, người nghèo, người tù đày. Để làm một điều gì đó cùng nhau là một hình thức đối thoại cao và hiệu quả. Tôi cũng nghĩ về việc giáo dục. Đó là một công việc quan trọng cùng nhau chứ không phải theo cách tôn phái. Có một chính sách mà chúng ta cần phải rõ ràng trogn mọi trường hợp: cải đạo trong cánh đồng giáo hội là một tội. Đức Benedict XVI dạy chúng ta rằng Giáo Hội không phát triển bởi việc cải đạo, mà bởi sự cuốn hút. Cải đạo là một thái độ tội lỗi. Nó giống như là biến Giáo Hội thành một tổ chức. Trao đổi, cầu nguyện, làm việc cùng nhau: đây là con đường mà chúng ta phải thực hiện. Hãy xem, trong công cuộc đại kết thì người không bao giờ phạm một sai lầm là kẻ thù, ma quỷ. Khi các Kitô Hữu bị bách hại và giết hại, thì họ đã được chọn vì họ là Kitô Hữu, chứ không phải vì họ là người Luther, Calvin, Anh Giáo, Công Giáo hay Chính Thống Giáo. Một cuộc đại kết của máu đang tồn tại.
Tôi còn nhớ một cảnh tượng mà tôi đã trải qua với một vị linh mục coi xứ từ giáo xứ Sankt Joseph tại Wandesbek, Hamburg. Ngài đưa ra án cho các vị tử đạo đã chết dưới thời Hitler vì họ đã giảng dạy giáo lý. Họ đã bị chém đầu từng người một. Sau hai người đầu tiên là Công Giáo, thì một vị mục sư Luther đã bị kết án vì cùng một lý do đã bị giết hại. Máu của cả ba vị ấy đã hoà quyện lại. Vị linh mục coi xứ ấy đã nói với tôi rằng thật không thể cho Ngài để tiếp tục mở án cho hai người Công Giáo mà không gồm cả một người Tin Lành Luther. Máu của các vị đã hoà quyện vào nhau! Nhưng tôi cũng nhớ lại bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại Uganda vào năm 1964, bài giảng đề cập đến sự hiệp nhất, các tử đạo Công Giáo và Anh Giáo cùng nhau. Tôi đã có tư tưởng này khi tôi, cũng đến thăm Uganda. Điều này cũng diễn ra trong thời đại của chúng ta: các vị tử đạo Chính Thống, Coptic đã bị giết hại tại Libya... Đó là công cuộc đại kết của máu. Vì thế: cầu nguyện cùng nhau, làm việc cùng nhau và hiểu về đại kết bằng máu.
Cha Ulf Jonsson: Một trong những nguyên nhân chính của sự không thoải mái gì trong thời đại của chúng ta là sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố đang diễn ra nhân danh tôn giáo. Cuộc gặp gỡ tại Assisi đã đặt trọng tâm vào công cuộc đối thoại liên tôn. Đức Thánh Cha kinh nghiệm điều đó thế nào?
ĐGH Phanxicô: Tất cả mọi tôn giáo có mặt ở đó đều có mối liên hệ với Cộng Đoàn Sant’Egidio. Tôi đã gặp gỡ những tôn giáo có liên hệ với Sant’Egidio. Nhưng có quá nhiều, và việc gặp gỡ là rất đáng trân trọng và không có chủ nghĩa pha tạp. Tất cả chúng tôi đều nói về hoà bình và chúng tôi cầu xin hoà bình. Chúng tôi đã cùng nhau lên tiếng về hoà bình, điều mà các tôn giáo thực sự mong muốn. Bạn không thể tạo nên chiến tranh nhân danh tôn giáo, nhân danh Thiên Chúa. Đó là sự phạm thượng. Là ma quỉ. Hôm nay tôi đã đón tiếp khoảng 400 người tại Nice, và tôi đã chào các nạn nhân, những người bị thương, người đã mất đi vợ hay chồng hay con cái. Con người điên loạn đã thực hiện việc tàn sát làm thế khi tin rằng người ấy đang làm nhân danh Thiên Chúa. Thật tội nghiệp cho con người, kẻ ấy đã bị loạn trí! Một cách bác ái chúng ta có thể nói rằng anh ta là một người loạn trí là người tìm kiếm một sự công chính nhân danh Thiên Chúa. Đây là lý do vì sao cuộc gặp gỡ tại Assisi là rất quan trọng.
Cha Ulf Jonsson: Nhưng gần đây Đức Thánh Cha đã nói về một hình thức khủng bố khác, đó là sự ngồi lê đôi mách. Theo nghĩa nào và làm thế nào để Đức Thánh Cha vượt thắng nó?
ĐGH Phanxicô: Đúng, có một kiểu khủng bố nội tại và ngấm ngầm là một thói quen xấu cần phải nhổ rễ. Tôi mô tả nó là một thói xấu của việc rao tin đồn và ngồi lê đôi mách là một hình thức của khủng bố. Đó là một hình thức của tình trạng bạo lực thẳm sâu mà tất cả chúng ta đều có sẵn ở nơi tâm hồn chúng ta và nó đòi hỏi một sự hoán cải sâu sắc. Vấn đề với hình thức khủng bố này là việc tất cả chúng ta đều áp dụng nó. Mỗi người đều có khả năng trở thành một tên khủng bố chỉ đơn giản là sử dụng cái lưỡi của chúng ta. Tôi không nói về những cuộc cãi vã mà chúng ta thực hiện công khai, giống như chiến tranh. Tôi đang nói về hình thức khủng bố tinh tế mà bạn thực hiện bằng việc ném ra những lời nói giống như <bom> và việc đó mang lại thật nhiều sự dữ. Cội rễ của chủ nghĩa khủng bố là tội nguyên tổ và đó là một hình thức của tội ác. Đó là một cách để giành lại không gian cho bản thân bạn bằng việc phá huỷ người khác. Một sự hoán cải sâu của tâm hồn là cần thiết, do đó, để vượt thắng cơm cám dỗ này, và chúng ta cần dò xét lương tâm chúng ta thật nhiều về điềm này. Lưỡi gươm giết quá nhiều người, nhưng cái lưỡi thì còn giết nhiều hơn, Tông Đồ Gia-cô-bê nói điều này trong Chương 3 của Thư của Ngài. Cái lưỡi chỉ là một cơ phận nhỏ bé, nhưng nó có thể phát triển thành một ngọn lửa của sự dữ và thiêu đốt toàn bộ cuộc đời chúng ta. Cái lưỡi có thể được lấp đầy những nọc độc chết người. Hình thức khủng bố này thì thật khó để vượt thắng được.
Cha Ulf Jonsson: Các tôn giáo có thể là một phúc lành, nhưng cũng có thể là một sự nguyền rủa. Giới truyền thông thường đưa những tin về những mâu thuẫn giữa các nhóm tôn giáo trên thế giới. Một số cho rằng thế giới sẽ trở nên hoà bình hơn nếu không có tôn giáo. Ngài trả lời thế nào về sự chỉ trích này?
ĐGH Phanxicô: Những hình thức ngẫu tượng là nền tảng của một tôn giáo, chứ không phải là chính bản thân tôn giáo! Có những hình thức ngẫu tượng có liên hệ đến tôn giáo: ngẫu tượng đồng tiền, về những ghanh ghét, về không gian lớn hơn thời gian, về lòng tham của việc lãnh thổ của không gian. Có một thứ ngẫu tượng về sự chinh phục không gian, về sự thống trị, vốn tấn công các tôn giáo như thể là một thứ virus mang tính lây nhiễm. Một sự ngẫu tượng về một tôn giáo giả tạo, đó là một thứ tôn giáo lầm lạc. Tôi gọi tôn giáo <theo một nghĩa siêu việt nội tại>, có nghĩa là một sự trái nghịch. Nhưng các tôn giáo thật sự là sự phát triển khả năng mà nhân loại phải vượt trên chính bản thân mình hướng đến sự tuyệt đối. Hiện tượng mang tính tôn giáo là sự siêu việt và nó có liên hệ đến sự thật, vẻ đẹp, sự tốt lành và sự hiệp nhất. Nếu không có sự mở ra này, thì sẽ không có sự siêu việt, sẽ không có tôn giáo thật, chỉ có ngẫu tượng. Sự mở ra với sự siêu việt do đó tuyệt đối không thể là một căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố, vì sự mở ra này luôn hiệp nhất với sự tìm kiếm chân lý, vẻ đẹp, sự tốt lành và sự hiệp nhất.
Cha Ulf Jonsson: Đức Thánh Cha đã thường nói theo một nghĩa rất rõ ràng về những hoàn cảnh khủng khiếp của các Kitô Hữu tại Trung Đông. Vẫn còn có niềm hy vọng cho một sự phát triển hoà bình và nhân bản hơn đối với các Kitô Hữu tại khu vực này không?
ĐGH Phanxicô: Tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ mặc dân Ngài. Người sẽ không bỏ mặc họ. Khi chúng ta đọc về những thử thách khó khăn của người dân Israel trong Kinh Thánh hay nhớ lại những vị tử đạo, húng ta thấy cách mà Thiên Chúa luôn đến để giúp dân của Người thế nào. Chúng ta nhớ lại trong Cựu Ước việc giết chết bảy anh em với người mẹ trong Sách Mác-ca-bê. Hay sự tử đạo của Eleazar. Chắc chắn việc tử đạo là một trong những hình thức của đời sống Kitô Giáo. Chúng ta nhớ lại Thánh Polycarp và lá thư gửi cho Giáo Hội Smyrna kể cho chúng ta một câu chuyện về những hoàn cảnh bị bắt giữ và cái chết của Ngài. Đúng, trong thời điểm này, thì Trung Đông là một mảnh đất của các vị tử đạo. Chúng ta không còn hoài nghi gì khi nói về một Đảo Lesbos, tôi đã gặp một người cha và hai đứa con. Ông kể cho tôi nghe rằng ông rất yêu vợ ông. Ông là một người Hồi Giáo và bà là một Kitô Hữu. Khi những tên khủng bố đến, chúng muốn bà phải bỏ thập giá của bà ra, nhưng bà đã không muốn làm điều đó và họ đã cắt cổ bà ngay trước mặt chồng và con cái của bà. Ông tiếp tục kể: “Con yêu cô ấy lắm, con yêu cô ấy lắm”. Đúng, cô ấy là một tử đạo. Nhưng người Kitô Hữu biết rằng có một niềm hy vọng. Máu của các vị tử đạo là hạt giống của người Kitô Hữu. Chúng ta luôn biết về điều này.
Cha Ulf Jonsson: Ngài là một vị giáo hoàng không có gốc Châu Âu đầu tiên trong vòng 1,200 năm qua tính đến thời điểm này, và thường nhấn mạnh đời sống của Giáo Hội khi xét đến “vùng ngoại biên” của thế giới. Nơi mà, theo như Ngài, Giáo Hội Công Giáo vẫn có những cộng đoàn sống động hơn của mình trong vòng 20 năm tới? Và bằng cách nào mà Giáo Hội Châu Âu sẽ có thể góp phần cho Đạo Công Giáo trong tương lai?
ĐGH Phanxicô: Đây là một câu hỏi có gắn liền đến không gian, địa lý. Tôi có một sự dị ứng khi nói đến các không gian, nhưng tôi luôn nói rằng bạn thấy mọi thứ tốt hơn từ những vùng ngoại biên hơn là bạn thấy từ trung tâm. Sự sống động của các cộng đồng giáo hội không lệ thuộc vào không gian, vào địa lý, nhưng vào tinh thần. Thật đúng là các Giáo Hội trẻ có một tinh thần trong sáng hơn và, mặt khác, có các Giáo Hội già cỗi, các Giáo Hội đang một chút buồn ngủ, những Giáo Hội dường như chỉ thích thú bảo vệ không gian của họ. Trong những trường hợp này, tôi không nói rằng tinh thần đang thiếu. Tinh thần ở đó, đúng, nhưng nó bị khép kín vào trong một cơ cấu, một cách cứng ngắc, sợ bị mất không gian. Trong các Giáo Hội của một số nước, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng sự tươi mới này đang thiếu. Theo đó, sự tươi mới của các vùng ngoại biên mang lại nhiều không gian cho tinh thần. Chúng ta cần tránh những hiệu ứng của sự già nua của các Giáo Hội. Thật tốt cho chúng ta đọc lại chương 3 của Joel, ở nơi đó ông nói rằng người già cần mơ những giấc mơ và người trẻ sẽ thấy các tầm nhìn. Trong những giấc mơ của người già, có một khả năng mà người trẻ chúng ta sẽ có được những tầm nhìn, có mộ tương lai trở lại. Thay vào đó, các Giáo Hội đôi khi lại bị khép kín vào các chương trình, vào việc lập trình. Tôi công nhận điều này. Tôi biết là các chương trình là cần thiết, nhưng tôi có một thời gian khó khăn để đặt niềm hy vọng vào trong một sơ đồ tổ chức. Tinh thần thì sẵn sàng thúc đẩy chúng ta tiến bước. Và tinh thần là khả năng để mơ và khả năng để tiên tri. Điều này đối với tôi là một thách đố cho hết mọi Giáo Hội. Và sự hiệp nhất giữa Giáo Hội già nua và trẻ đối với tôi là một thách đố thời nay của Giáo Hội, thách đố trước khả năng tươi mới của mình. Đây là lý do vì sao mà tại Krakow trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tôi đã đề nghị người trẻ hãy nói chuyện với ông bà của mình. Giáo Hội trẻ sẽ làm gia tăng sức sống hơn nữa khi người trẻ biết trò chuyện với người già và khi người già biết mơ những điều cao đẹp, vì điều này sẽ đảm bảo là họ sẽ tiên tri. Nếu người trẻ không có tiên tri, Giáo Hội sẽ thiếu không khí.
Cha Ulf Jonsson: Chuyển thăm của Đức Thánh Cha đến Thuỵ Điển sẽ chạm đến một trong những đất nước tục hoá nhất trên thế giới. Một phần lớn dân số của nó không tin vào Thiên Chúa, và tôn giáo đóng một vai trò khá khiêm tốn trong đời sống công và xã hội. Theo Ngài, người ta có thể làm gì khi người ta không tin vào Thiên Chúa?
ĐGH Phanxicô: Điều đó không liên quan đến việc mất điều gì, mà nó liên quan đến việc không phát triển đầy đủ khả năng cho sự siêu việt. Con đường của sự siêu việt mang lại không gian cho Thiên Chúa, và trong những bước nhỏ bé này là quan trọng, thậm chí cả việc là một người vô thần trước việc là một người theo tri thức luận. Vấn đề đối với tôi là khi người ta khép kín và người ta coi đời sống của họ là hoàn hảo trong chính nó, thì người ta khép lại nơi chính bản thân mình mà không cần đến một sự siêu việt triệt để. Những mở ra cho người khác trước sự siêu việt thì không cần thiết phải sử dụng quá nhiều lời hay bài giảng. Bất cứ ai sống sự siêu việt thì tỏ tường. Người ấy đang là một nhân chứng sống. Trong bữa ăn trưa tôi dùng với một số bạn trẻ tại Krakow, một trong số các bạn có hỏi tôi: “Con phải nói gì với bạn con là người không tin vào Thiên Chúa? Con phải hoán cải người ấy thế nào?” Tôi trả lời cậu ấy: “Điều cuối cùng mà con phải làm là không phải nói gì đó. Con hãy hành động! Hãy sống! Rồi khi thấy cuộc sống của con, chứng tá của con, người khác có lẽ sẽ hỏi con vì sao con lại sống như thế”. Tôi tin rằng những người không tin hay không tìm kiếm Thiên Chúa, có lẽ là không cảm nhận được sự bất ổn xuất phát từ việc nhìn thấy một chứng nhân. Và điều này gắn liền với sự sung túc. Sự không ổn hiếm mà thấy trong sự sung túc. Đây là lý do vì sao mà tôi tin là ngược lại với chủ nghĩa vô thần, ngược lại với sự khép kín trước sự siêu việt, cầu nguyện và việc làm chứng là thật sự xứng đáng.
Cha Ulf Jonsson: Người Công Giáo tại Thuỵ Điển là một thiểu số nhỏ, và đối với phần đông là sự pha trộn của những người di dân của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngài sẽ gặp một số khi cử hành Thánh Lễ tại Malmö vào ngày 01/11. Ngài thấy thế nào danh mục người Công Giáo trong một nền văn hoá như là nền văn hoá của Thuỵ Điển?
ĐGH Phanxicô: Tôi thấy một sự sống chung rất lành mạnh nơi mà mỗi người có thể sống niềm tin của mình và thể hiện việc làm chứng của mình sống trong một bầu khí mở và đại kết. Bạn có thể không là một người Công Giáo hay tôn phái. Chúng ta phải nỗ lực để sống cùng với người khác. “Công Giáo” hay “Tôn Phái” là hai từ trái ngược. Đây là lý do vì sao ngay từ đâu tôi đã không có kế hoạch cử hành một Thánh Lễ cho người Công Giáo trong chuyến đi này. Tôi muốn khẳng định một sự chứng tá đại kết. Rồi tôi suy tư kĩ về vai trò của tôi trong tư cách là mục tử của một đoàn chiên Công Giáo là những người đến từ nhiều nước khác, giống như Na Uy hay Đan Mạch. Vì thế, đáp trả trước yêu cầu nhiệt thành của cộng đồng Công Giáo, tôi đã quyết định sẽ cử hành Thánh Lễ, làm kéo dài chuyến thăm thêm 1 ngày. Thực ra, tôi không muốn Thánh Lễ được cử hành trong cùng ngày và trong cùng nơi có cuộc gặp gỡ đại kết để tránh làm rối các kế hoạch. Cuộc gặp gỡ đại kết được duy trì theo tầm quan trọng sâu sắc của nó theo tinh thần của sự hiệp nhất, đó là mong muốn của tôi. Điều này đã tạo nên những vấn đề thuộc về tổ chức, tôi biết, vì tôi sẽ ở Thuỵ Điển vào dịp Lễ Các Thánh, vốn quan trọng ở đây tại Rôma. Nhưng để tránh hiểu lầm, tôi muốn nên thế.
Cha Ulf Jonsson: Ngài là một người Dòng Tên. Kể từ năm 1789, thì Dòng Tên đã thực thi các hoạt động của mình tại Thuỵ Điển với các giáo xứ, Linh Thao, tạp chí “Signum”, và trong vòng 15 năm qua, Học Viện Đại Học “Newman”. Đâu là những dấn thân và những giá trị sẽ trở thành nét đặc trưng của Dòng Tên ngày nay tại đất nước này?
ĐGH Phanxicô: Tôi tin rằng nhiệm vụ đầu tiên của Dòng Tên tại Thuỵ Điển là nhiệm vụ ưu tiên cho đối thoại bằng mọi cách với những người đang sống trong một xã hội tục hoá này và với những người có niềm tin: trò chuyện, chia sẻ, hiểu, đồng hành. Do đó ưu tiên cho công cuộc đối thoại đại kết là cần thiết. Khuôn mẫu đối với Dòng Tên Thuỵ Điển phải là Thánh Peter Faber người luôn luôn trên hành trình và người đã được dẫn dắt bởi một tinh thần tốt lành và cởi mở. Dòng Tên không có một cấu trúc thinh lặng. Chúng ta phải có một tâm hồn không nghỉ yên và có tổ chức, nhưng không nghỉ yên.
Cha Ulf Jonsson: Chúa Giêsu là ai đối với Jorge Mario Bergoglio?
ĐGH Phanxicô: Chúa Giêsu đối với tôi là Đấng đã nhìn đến tôi bằng lòng thương xót và đã cứu tôi. Mối quan hệ của tôi với Ngài luôn luôn dựa trên nền tảng và nguyên tắc này. Chúa Giêsu đã mang lại ý nghĩa cho đời tôi ở đây trên mặt đất này và niềm hy vọng cho cuộc sống tương lai. Ngài đã nhìn đến tôi bằng lòng thương xót, Ngài đã nắm lấy tôi, và Ngài đặt tôi trên nẻo đường... Và Ngài đã ban cho tôi một ân sủng quan trọng: ân sủng biết xấu hổ. Đời sống thiêng liêng của tôi tất cả đều được viết trong Chương 6 Sách Ê-dê-ki-en. Đặc biệt là những câu cuối, khi Chúa mạc khải rằng Ngài sẽ thiết lập giao ước với Israel và nói với họ: “Ta sẽ thiết lập giao ước của Ta với ngươi, rằng ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, người sẽ nhớ và sẽ xấu hổ, và không bao giờ mở miệng lưỡi ngươi vì sự thất sủng của ngươi, khi ta tha thứ cho ngươi vì tất cả mọi điều ngươi đã làm”. Sự xấu hổ này là tích cực. Nó sẽ khiến bạn hành động, nhưng nó sẽ khiến bạn hiểu vị trí của bạn ở đâu, ngăn chặn bạn khỏi bất cứ thứ tự hào và hư vinh nào.
Cha Ulf Jonsson: Và lời sau cùng, thưa Đức Thánh Cha, về chuyến đi đến Thuỵ Điển này...
ĐGH Phanxicô: Điều xuất hiện cách tự nhei6n với tôi để thêm vào bây giờ là đơn giản: hãy đi, hãy bước đi cùng nhau! Đừng ở lại trong những cách tiếp cận khô cứng, vì trong những nơi ấy không có cơ hội cho sự cải cách.
(Chuyển ngữ từ La Civiltà Cattolica)