Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:52

Bài Giáo Lý Đức Giáo Hoàng Phanxicô Về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo Featured

Joseph C. Pham

 

“Chúng ta đang rất cần niềm hy vọng, trong những thời điểm này vốn dường như đang tăm tối, mà trong đó đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát khi đối diện với sự dữ và tình trạng bạo lực ở xung quanh chúng ta, khi đối diện với nỗi đau của quá nhiều anh chị em của chúng ta”.

***

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 07 tháng 12 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về “niềm hy vọng Kitô giáo”.

 

 

Anh Chị Em Thân Mến, xin chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loạt bài giáo lý mới, về chủ đề niềm hy vọng Kitô Giáo. Chủ đề này rất quan trọng, vì hy vọng sẽ không thất vọng. Chủ nghĩa lạc quan sẽ làm thất vọng, nhưng niềm hy vọng thì không! Chúng ta đang rất cần niềm hy vọng, trong những thời điểm này vốn dường như đang tăm tối, mà trong đó đôi khi chúng ta cảm thấy mất mát khi đối diện với sự dữ và tình trạng bạo lực ở xung quanh chúng ta, khi đối diện với nỗi đau của quá nhiều anh chị em của chúng ta. Chúng ta cần niềm hy vọng! Chúng ta cảm thấy mất mát và vì thế một cách nào đó nản lòng, vì chúng ta cảm thấy không có tiềm năng và dường như là bóng tối này sẽ không bao giờ tàn lụi.

Tuy nhiên, chúng ta phải không được để cho niềm hy vọng bỏ rơi chúng ta, vì Thiên Chúa đang bước đi cùng chúng ta bằng tình yêu của Ngài. “Tôi hy vọng vì Thiên Chúa đang ở cạnh tôi: tất cả chúng ta đều có thể nói điều này. Mỗi người chúng ta đều có thể nói: “Tôi hy vọng, tôi có niềm hy vọng, vì Thiên Chúa đang bước đi cùng tôi”. Ngài bước đi cùng và cầm tay dắt tôi đi. Thiên Chúa không để chúng ta một mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ và mở ra cho chúng ta con đường của sự sống.

Và do đó, đặc biệt trong Mùa Vọng này, là một thời gian đợi chờ, mà trong đó chúng ta đang chuẩn bị bản thân chúng ta để một lần nữa đón nhận mầu nhiệm ủi an của Sự Nhập Thể và ánh sáng của Giáng Sinh, thật quan trọng để suy tư về niềm hy vọng. Chúng ta hãy để cho bản thân chúng ta được Chúa dạy dỗ niềm hy vọng có nghĩa là gì. Do đó, chúng ta hãy lắng nghe những lời của Kinh Thánh, bắt đầu với tiên tri Isaia, vị đại tiên tri của Mùa Vọng, vị đại ngôn sứ của niềm hy vọng.

Trong phần hai của Sách Isaia, tiên tri Isaia nói với người dân bằng một sự loan báo về niềm an ủi: “Thiên Chúa anh em phán: ‘Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Ðức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm’. Có tiếng hô: ‘Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Ðức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Ðức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Ðức Chúa đã tuyên phán”.

Thiên Chúa là Cha an ủi bằng việc khích lệ những người an ủi, người mà Ngài đã nói là hãy an ủi dân, con cái của Ngài, loan báo rằng chiến tranh kết thúc, sầu lo kết thúc, và tội lỗi được tha. Đây là điều chữa lành những tâm hồn tan nát và sợ hãi. Do đó, vị tiên tri kêu gọi hãy dọn đường cho Đức Chúa, mở lòng bản thân ra cho những ơn ban cứu độ của Ngài.

Đối với người dân, sự an ủi bắt đầu bằng khả năng bước đi trên con đường của Thiên Chúa, một con đường mới, ngay thẳng và bằng, một con đường để chuẩn bị trong sa mạc, để người ta có thể đi qua đó và trở về quê nhà. Vì người dân mà tiên tri đang nói với họ thì lại đang sống trong tình trạng bi đát của sự lưu đày ở Babylon, và giờ đây, thay vào đó, dân này nghe thấy rằng họ có thể trở về quê hương của họ, qua một con đường được làm cho dễ dàng và rộng rãi, không có những thung lũng và núi đồi vốn làm cho con đường trở nên mỏi mệt, một con đường đã được dựng nên giữa sa mạc. Do đó, để chuẩn bị con đường ấy có nghĩa là chuẩn bị một con đường của ơn cứu độ và của sự giải thoát khỏi mọi trở ngại và cản trở.

Cuộc lưu đày là một thời điểm bi đát trong lịch sử của Israen, khi mà người dân đã mất hết mọi thứ. Người dân đã mất quê hương của họ, sự tự do, phẩm giá và thậm chí cả niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và không có niềm hy vọng. Thay vào đó, thấy lời kêu gọi của vị tiên tri, là điều làm mở lại cõi lòng của họ cho niềm tin. Sa mạc là một nơi mà thật khó để sống, nhưng rõ ràng là đó là nơi mà họ sẽ bước đi và trở về, không chỉ quê hương của họ mà con về với Thiên Chúa, và hy vọng và mỉm cười trở lại. Khi chúng ta trong tình trạng tăm tối, trong gian khó, chúng ta không thể mỉm cười và thực ra chính niềm hy vọng dạy chúng ta mỉm cười để thấy con đường ấy là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Một trong những điều đầu tiên xảy ra cho những người đang mệt mỏi về Thiên Chúa là họ là những người không có một nụ cười. Có lẽ họ có thể cười lớn, họ làm như thế hết lần này đến lần kia, một nhịp đập, một tiếng cười... nhưng một nụ cười thì không thiếu! Chỉ niềm hy vọng mà thôi mới mang lại một nụ cười: đó là nụ cười của niềm hy vọng của việc tìm kiếm Thiên Chúa.

Cuộc sống thường là một sa mạc, thật khó để bước đi trong đó, nhưng nếu chúng ta tín thác bản thân chúng ta cho Thiên Chúa thì sa mạc đó sẽ trở nên đẹp đẽ và rộng thênh thang như một con đường cao tốc. Không bao giờ đánh mất niềm hy vọng là đủ, tiếp tục tin là đủ, luôn luôn, bất chấp mọi sự. Khi chúng ta thấy bản thân mình trước một đứa trẻ, có lẽ chúng ta có thể có nhiều vấn đề và nhiều khó khăn, nhưng một nụ cười sẽ đến với chúng ta từ bên trong, vì chúng ta thấy bản thân chúng ta đứng trước một niềm hy vọng: một đứa trẻ là một niềm hy vọng! Và vì thế chúng ta phải biết nhìn trong cuộc sống con đường của niềm hy vọng, điều dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa là Đấng đã trở thành một hài nhi cho chúng ta – và điều đó sẽ giúp chúng ta mỉm cười, điều đó sẽ giúp tất cả chúng ta!

Thực vậy, những lời này của Isaia sau đó được Gioan Tẩy Giả sử dụng trong bài giảng của Ngài, bài giảng mời gọi chúng ta hoán cải. Do đó, Ngài nói: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3:3). Đó là một tiếng nói cất lên nơi mà dường như chẳng ai có thể nghe – nhưng ai có thể nghe trong hoang địa? – tiếng nói cất lên trong sự mất mát do bởi khủng hoảng đức tin. Chúng ta không thể phủ nhận rằng thế giới ngày nay đang trong một cuộc khủng hoảng niềm tin. Người ta nói “Tôi tin vào Thiên Chúa, tôi là một Kitô Hữu” – “Tôi thuộc về tôn giáo ấy...”. Nhưng cuộc đời của bạn lại rất xa khỏi việc là một Kitô Hữu; rất xa khỏi Thiên Chúa! Tôn giáo, niềm tin đã rơi vào trong một câu nói: “Tôi có tin không?” – “Có!”. Tuy nhiên, ở đây nói về việc trở về với Thiên Chúa, hoán cải tâm hồn trước Thiên Chúa và về việc đi trên con đường này để tìm kiếm Ngài. Ngài đang đợi chờ chúng ta. Đây là bài giảng của Gioan Tẩy Giả: hãy chuẩn bị. Chuẩn bị để gặp gỡ với Con của Ngài là Đấng sẽ mang lại cho chúng ta nụ cười. Khi Gioan Tẩy Giả loan báo sự ngự đến của Chúa Giêsu, đối với người Israen thì điều đó như thể là họ vẫn đang trong cuộc lưu đày, vì họ đang ở dưới sự thống trị của Đế Quốc La Mã, làm cho họ trở thành những người khách lạ ngay trên quê hương của họ, bị thống trị bởi những người nắm quyền thế là người quyết định đời sống của họ. Tuy nhiên, lịch sử thật sự thì không phải là lịch sử được tạo nên bởi người quyền thế mà lại được tạo nên mởi Thiên Chúa cùng với những người bé mọn của Ngài. Lịch sử đích thực – là lịch sử vẫn đang ở trong vĩnh cửu – là lịch sử mà Thiên Chúa viết lên bằng những người bé mọn của Ngài: Thiên Chúa với Mẹ Maria, Thiên Chúa với Chúa Giêsu, Thiên Chúa với Thánh Giuse, Thiên Chúa với những người bé mọn. Những người bé mọn và đơn sơ này mà chúng ta thấy ở quanh Chúa Giêsu sẽ được sinh ra: Dacaria và Elisabeth, những người già nua bị vô sinh; Mẹ Maria, một cô gái trẻ đồng trinh đã đính hôn cùng Giuse, các mục đồng đang ở trong tình trạng bị coi thường, bị coi chẳng là gì. Chính những người bé mọn, được làm cho nên cao cả bởi niềm tin của họ, những người bé mọn vốn đang tiếp tục hy vọng. Và hy vọng là nhân đức của những người bé mọn. Người lớn lao, người tự mãn sẽ không biết niềm hy vọng, họ không biết hy vọng là gì.

Chính những người bé mọn với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu mà biến đổi sa mạc lưu đày, sự cô đơn thất vọng, nỗi đau khổ thành một con đường mới mà trên đó dẫn tới gặp gỡ vinh quang của Thiên Chúa. Và do đó, chúng ta đến để cho bản thân chúng ta được niềm hy vọng dạy dỗ. Chúng ta hãy đợi chờ một cách tin tưởng sự ngự đến của Thiên Chúa và bất luận sa mạc đời sống của chúng ta là gì – mỗi người chúng ta biết sa mạc mà mình đang bước đi – thì sẽ trở thành một khu vườn nở hoa. Niềm hy vọng sẽ không làm thất vọng!

(Chuyển ngữ từ ZENIT)