Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:51

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Sự Đón Nhận Featured

Joseph C. Pham

 

“Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

***

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Bảy, 12 tháng 11 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt cuối cùng vào ngày thứ Bảy, mỗi tháng một lần, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hôm nay ĐTC chia sẻ về “sự đón nhận”.

 

 

Anh Chị Em thân mến, xin chào buổi sáng!

Trong buổi Triều Yết Năm Thánh vào Thứ Bảy sau cùng này, tôi muốn trình bày một khía cạnh quan trọng của lòng thương xót: sự bao gồm. Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, thực vậy, không muốn loại trừ bất kì một ai, mà muốn bao gồm hết tất cả. Chẳng hạn, qua Bí Tích Rửa Tội Ngài làm cho chúng ta trở nên con cái của Ngài trong Đức Kitô, các chi thể của một Thân Thể Ngài, đó là Giáo Hội. Và chúng ta là các Kitô Hữu được mời gọi để sử dụng cùng một tiêu chuẩn: lòng thương xót là một lối hành động, phong cách ấy mà chúng ta dùng để đón nhận người khác vào trong cuộc sống của chúng ta, tránh việc khép kín vào trong bản thân chúng ta và những an toàn của cái tôi.

Trong đoạn Tin Mừng Matthew chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu diễn tả một lời mời gọi thực sự mang tính hoàn vũ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Không một ai bị loại trừ khỏi lời mời gọi đó, vì sứ mạng của Chúa Giêsu là mạc khải cho mọi người tình yêu của Chúa Cha. Chính là để cho chúng ta biết mở lòng chúng ta ra, tín thác vào Chúa Giêsu và lãnh nhận thông điệp tình yêu này, điều làm cho chúng ta đi vào trong mầu nhiệm cứu độ.

Khía cạnh này của lòng thương xót, sự bao gồm, được thể hiện ở nơi mở rộng vòng tay của mình ra để đón nhận mà không loại trừ, không phân loại người khác trên nền tảng địa vị xã hội, ngôn ngữ, sắc tộc, văn hóa hay tôn giáo: trước chúng ta chỉ có con người được yêu thương như Thiên Chúa yêu thuơng người ấy.

Biết bao nhiêu người mỏi mệt và bị áp bức mà chúng ta gặp gỡ ngày nay! – trên đường phố, ở nơi công cộng, nơi phòng khám. Cái nhìn của Chúa Giêsu dành cho từng diện mạo của mỗi người và cũng vậy qua đôi mắt của chúng ta. Và tâm hồn của chúng ta thế nào? Có biết xót thương không? Và cách chúng ta hành động có mang tính bao gồm không? Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy nhận ra ở nơi lịch sử của nhân loại kế hoạch về một công việc lớn lao của sự bao gồm, vốn, tôn trọng trọn vẹn sự tự do của mỗi người, mỗi cộng đồng và dân tộc, mời gọi tất cả mọi người hãy tạo thành một gia đình anh chị em, trong công lý, trong tình liên đới và trong bình an, và để là một phần của Giáo Hội, vốn là Thân Mình của Đức Kitô.

Những lời của Chúa Giêsu chân thực đến thế nào là Đấng mời gọi tất cả mọi người mỏi mệt, kiệt sức hãy đến với Ngài để có được sử nghỉ ngơi! Cánh tay rộng mở của Ngài trên thập giá cho thấy rằng không một ai là bị loại trừ khỏi tình yêu của Ngài và khỏi lòng thương xót của Ngài. Lời diễn tả cụ thể nhất mà chúng ta cảm thấy được đón nhận và tháp nhập vào Ngài là sự tha thứ của Ngài. Tất cả chúng ta đều đang cần được Thiên Chúa tha thứ. Và tất cả chúng ta đều đang cần đến việc gặp gỡ anh chị em của chúng ta là những người sẽ giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu, mở lòng chúng ta ra cho quà tặng mà Ngài đã trao ban trên thập giá. Chúng ta đừng là rào cản cho nhau! Chúng ta đừng loại trừ bất cứ ai! Hơn thế, bằng sự khiêm nhường và tình người chúng ta hãy biến bản thân chúng ta thành những khí cụ của lòng thương xót mang tính đón nhận của Chúa Cha. Mẹ Hội Thánh tiếp tục đón nhận cái chết của Đức Kitô và sự phục sinh của Ngài trong thế giới. Với hàng cột của nó, Quảng Trường này cũng diễn tả cái ôm này. Chúng ta hãy để cho bản thân mình được liên hệ vào trong sự chuyển động của việc đón nhận người khác này, trở thành những chứng nhân của lòng thương xót mà qua đó Thiên Chúa đã lãnh nhận và đón nhận mỗi người chúng ta.

(Chuyển ngữ từ ZENIT)