Lm. Đaminh Thiệu O.Cist
“Chúng ta đừng bao giờ để mình sa vào tình trạng thờ ơ lãnh đạm, nhưng hãy trở nên những khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”.
***
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 09 tháng 11 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về những công bác ái “viếng thăm các bệnh nhân và tù nhân”.
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Đời sống của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong ba năm thực thi sứ mạng công khai của Ngài, được ghi đậm dấu ấn thông qua cuộc gặp gỡ không ngừng với con người. Ở đây, các bệnh nhân đã chiếm được một tầm quan trọng đặc biệt. Như trong nhiều trang Tin Mừng đã thuật lại về nhiều cuộc gặp gỡ ấy; đó là những cuộc gặp gỡ với những người bại liệt, với những người mù, với những người cùi, những người bị quỷ ám, những người động kinh và vô vàn những con người khác mà họ phải gánh chịu đủ mọi thứ bệnh tật,… Chúa Giêsu đến gần với từng người một trong họ, và chữa lành họ với sự hiện diện của Ngài cũng như với quyền năng chữa lành của Ngài. Vì thế, việc viếng thăm và giúp đỡ các bệnh nhân không được phép thiếu trong số các công việc của Đức Thương Người.
Cùng với việc thăm viếng và giúp đỡ các bệnh nhân, chúng ta cũng có thể đến gần với những con người đang bị giam trong các nhà tù. Thực ra, cả các bệnh nhân lẫn các tù nhân đều đang trải qua sự hạn chế về tự do của họ. Và nếu như bản thân chúng ta mà thiếu sự tự do ấy, thì chúng ta sẽ ý thức được sự quý giá của nó biết là dường nào! Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khả năng được tự do bất chấp những giới hạn về bệnh tật và những hạn chế. Ngài ban cho chúng ta sự tự do phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Ngài và từ ý nghĩa mới của cuộc gặp gỡ ấy đối với kiếp sống con người chúng ta.
Với những công việc của Đức Thương Người ấy, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy thực hiện một cử chỉ nhân văn lớn hơn: chia sẻ. Chúng ta nhớ cho kỹ lời này: chia sẻ. Ai đau yếu, người ấy thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta không thể giấu giếm được việc chúng ta trải qua kinh nghiệm sâu thẳm nhất về sự cô đơn trong lúc bệnh tật, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, mà kinh nghiệm về sự cô đơn ấy băng qua một phần lớn cuộc sống con người. Một cuộc viếng thăm có thể giúp bệnh nhân cảm thất bớt cô đơn hơn, và một chút hiệp thông là một liều thuốc tuyệt vời! Một nụ cười, một sự trìu mến, một cái bắt tay thì rất đơn giản, nhưng là những cử chỉ rất quan trọng đối với những người mà họ đang cảm thấy bị bỏ rơi một mình. Đang có biết bao nhiêu người dấn thân để thăm viếng các bệnh nhân trong các bệnh viện hay tại nhà của họ! Đó là một công việc tình nguyện có giá trị vô song. Nếu việc này diễn ra nhân danh Chúa, thì nó cũng sẽ trở thành một sự diễn tả vừa rõ ràng nhưng cũng vừa hiệu quả về Đức Thương Người. Chúng ta đừng để cho các bệnh nhân phải cô đơn! Chúng ta đừng ngăn cản họ trong việc tìm được sự nghỉ ngơi, và để chúng ta có được kinh nghiệm về sự phong phú hóa nhờ vào sự gần gũi với những người đau khổ. Các bệnh viện chính là “những Nhà Thờ Chính Tòa thực sự của sự đau khổ”, tại đó người ta có thể dễ dàng cảm nhận được sức mạnh của sự hỗ trợ và của sự cảm thông mà nó phát xuất từ Đức Ái đối với tha nhân.
Chúng ta cũng hãy nhớ tới những người đang bị nhốt trong tù. Chúa Giêsu cũng không quên họ. Thông qua việc tiếp nhận sự viếng thăm các tù nhân vào trong các công việc của Đức Thương Người, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cách đặc biệt rằng, đừng làm ra vẻ như một quan tòa trước một ai đó. Khi một ai đó bị nhốt trong tù, thì chắc chắn người ấy đã làm một điều gì đó sai trái, người ấy đã không thực thi các quy định của lề luật và của đời sống xã hội. Vì thế người ấy phải chấp nhận những hình phạt trong tù. Tuy nhiên, bất chấp chuyện tù nhân đã làm điều gì, họ vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Ai có thể đột nhập vào trong nơi thẳm sâu nhất của lương tâm họ để nhận thức được về điều mà họ đang cảm nhận? Ai có thể hiểu được nỗi đau khổ và sự thống hối của họ? Thật đơn giản khi rửa tay và nói rằng, anh ta đã hành động sai trái. Đúng hơn, bất cứ người Kitô hữu nào cũng đều được kêu gọi hãy lo lắng làm sao để cho một người nào đó đã trót phạm phải lỗi lầm, có thể nhận ra điều sai quấy và trở về lại trong chính mình. Không hề nghi ngờ gì nữa, việc thiếu tự do chính là một trong những sự thiếu thốn lớn nhất đối với con người. Nếu sự đổ đốn bị thêm vào vì những điều kiện phi nhân mà những con người ấy phải sống trong đó, thì trong trường hợp này, người Kitô hữu phải lo lắng làm sao để trao lại cho họ phẩm giá của họ.
Việc viếng thăm những người trong tù là một công việc của Đức Thương Người, mà công việc ấy, đặc biệt là trong thời đại hôm nay, được coi như một giá trị đặc biệt đối với những hình thức khác nhau của công lý mà chúng ta đang phụ thuộc vào. Vì thế, không ai nên chỉ ngón tay vào người khác. Đúng hơn, chúng ta hãy thực thi những công việc của Đức Thương Người đối với tất cả, và thực thi những hành vi chia sẻ và kính trọng. Cha vẫn thường hay nhớ tới các tù nhân… Cha thường nghĩ tới họ, Cha mang họ trong con tim của Cha. Cha vẫn tự hỏi, điều gì đã thúc đẩy họ hành động sai trái, và họ đã có thể buông xuôi trước những hình thức khác nhau của sự ác như thế nào. Nhưng, với những suy nghĩ ấy, Cha cảm thấy rằng, tất cả đều cần tới sự gần gũi và sự trìu mến, vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ mang đến những phép lạ. Cha đã nhìn thấy biết bao nhiêu là nước mắt trên gò má của các tù nhân mà có lẽ họ đã chưa bao giờ khóc trong suốt cuộc đời mình; và điều ấy chỉ diễn ra vì họ cảm thấy mình được đón nhận và được yêu thương.
Chúng ta đừng quên rằng, chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ cũng đã có kinh nghiệm về sự tù đầy. Trong những trình thuật về cuộc khổ hình, chúng ta được trải qua những nỗi khổ đau mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu: Ngài bị bắt giữ, bị kéo lê, bị chế nhạo, bị hành hạ như một tên tội phạm, và còn bị tết trên đầu một mạo gai nữa,… Ngài là Đấng vô tội duy nhất! Và ngay cả Thánh Phêrô cũng như Thánh Phaolô đều cũng đã phải ngồi tù (xc. Cv 12,5; Pl 1,12-17). Hôm Chúa Nhật vừa qua, tức Chúa Nhật dành cho các Tù Nhân trong khuôn khổ Năm Thánh, một nhóm tù nhân từ Padua đã đến thăm Cha vào ban chiều. Cha đã hỏi họ rằng, họ có dự định gì trước khi trở về lại Padua. Và họ trả lời Cha rằng: “Chúng con sẽ đến nhà tù Mamertino để chia sẻ kinh nghiệm của Thánh Phaolô”. Điều đó quả là tuyệt vời; được nghe như vậy là điều rất tốt đối với Cha. Các tù nhân ấy muốn đến thăm tù nhân Phaolô. Thật tuyệt vời làm sao, điều đó mang đến sự tốt lành cho Cha. Và cũng ở đó, trong nhà tù, người ta vẫn cầu nguyện, Tin Mừng vẫn được loan báo. Bản văn trong sách Công Vụ Tông Đồ nói về cảnh tù đầy của Thánh Phaolô xúc động biết chừng nào: Ngài cảm thấy cô đơn, và ước ao muốn có một người nào đó trong số những người bạn của Ngài đến thăm Ngài (xc. 2Tm 4,9-15). Ngài cảm thấy cô đơn, vì Ngài bị đám đông bỏ rơi một mình,… Ngài là một Đại Phaolô.
Như chúng ta thấy, những công việc của Đức Thương Người này rất cổ xưa, nhưng luôn luôn mang tính thời sự. Dù đang vô cùng bận rộn, nhưng Chúa Giêsu đã gác tất cả mọi chuyện lại để đến thăm bà nhạc mẫu của Thánh Phêrô; đó là một công việc cổ xưa của Đức Thương Người. Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó. Chúng ta đừng bao giờ để mình sa vào tình trạng thờ ơ lãnh đạm, nhưng hãy trở nên những khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và điều này mang đến nhiều ích lời cho chúng ta hơn bất cứ điều nào khác, vì Lòng Thương Xót hoạt động qua một cử chỉ, một lời nói, một cuộc thăm nom, và Lòng Thương Xót này chính là một hành vi trao tặng lại cho mỗi người niềm vui và phẩm giá mà họ đã đánh mất.
Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư ngày 09 tháng 11 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng