Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:48

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Việc “Cho Kẻ Đói Ăn - Cho Kẻ Khát Uống”

Luôn có người đang bị đói khát và đang cần đến tôi. Tôi không thể ủy cho người khác được. Con người khốn khổ đó đang ần đến tôi, cần đến sự giúp đỡ của tôi, cần đến lời nói và sự dấn thân của tôi.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 19 tháng 10 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về những công trình từ thiện “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”.

***

 

Thân chào quý anh chị em! xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Một trong những hậu quả của cái mà người ta gọi là “thoải mái” là khiến người ta khép kín lại, khiến người ta vô cảm trước những nhu cầu của người lân cận. Người ta làm tất cả, bằng cách trình bầy những mẫu sống phù du sẽ tan biến trong vài ba năm, để khiến họ tin rằng cuộc sống của chúng ta giống như một mẫu thời trang phải theo và có thể thay đổi tùy theo mùa. Không phải như thế. Thực tế phải được đón nhận và đối phó như là thực tế, và nhiều khi nó làm cho chúng ta bắt gặp những tình trạng nghèo túng khẩn cấp. Chính vì thế mà, trong những công trình từ thiện, có một sự nhắc nhở đến đói và khát: cho kẻ đói ăn – ngày nay đang có nhiều người đói – và cho kẻ khát uống. Biết bao lần truyền thông loan báo cho chúng ta những vùng dân cư đang bị thiếu thực phẩm và nước uống, với những hậu quả trầm trọng, đặc biệt đối với trẻ em.

Trước một số tin tức, và đặc biệt là một số hình ảnh, dư luận quần chúng cảm thấy xúc động và, thỉnh thoảng, những chiến dịch cứu trợ đã được tung ra để kích thích lòng tương trợ. Những tặng phẩm rất rộng lượng và như thế, người ta có thể đóng góp làm giảm bớt đau khổ của nhiều người. Hình thức bác ái này rất quan trọng, nhưng phải chăng nó không làm chúng ta tham gia trực tiếp. Đổi lại, khi ngoài đường phố, chúng ta bắt gặp một người đang cơn túng quẫn, hay là có một người nghèo đến gõ cửa nhà chúng ta, sẽ rất khác, vì chúng ta không đứng trước một hình ảnh, mà chúng ta liên hệ thiết thực. Không còn khoảng cách giữa tôi và người đó và tôi cảm thấy bị lay gọi.

Sự nghèo khó trong trừu tượng không lay gọi chúng ta nhưng làm chúng ta suy nghĩ, làm chúng ta than vãn; nhưng khi chúng ta nhìn thấy sự nghèo khó trong da thịt của một người đàn ông, một người đàn bà, một đứa trẻ thơ, cái đó lay gọi chúng ta! Và vì vậy chúng ta có thói quen trốn tránh những người khánh kiệt, không đến gần họ, bằng cách hóa trang thực tế người nghèo đôi chút với những thói quen theo thời trang để tránh xa thực tế đó. Khi tôi gặp mặt người nghèo, sẽ không còn khoảng cách nào giữa tôi và người đó. Trong những trường hợp đó, phản ứng của tôi là thế nào? Có phải tôi đã ngoảnh mặt đi và bỏ đi luôn? Hay là tôi dừng chân lại để nói đôi lời tỏ ý quan tâm đến tình trạng của người đó? Và nếu tôi làm như thế, sẽ có kẻ nói rằng: “Người này điên vì hắn nói chuyện với một người nghèo!”. Có phải tôi thấy nếu tôi có thể đón tiếp cách này hay cách khác con người đó hay là tôi tìm cách xua đuổi hắn càng nhanh càng tốt? Nhưng biết đâu người đó chỉ xin điều cần thiết, cái gì để ăn và  uống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: biết bao lần chúng ta đọc kinh “Lạy Cha” và tuy nhiên chúng ta không thực sự chú ý đến những lời này: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày”

Trong Thánh Kinh, có một Thánh Vịnh nói rằng Thiên Chúa là Đấng “ban lương thực cho tất cả chúng sinh” (Tv 136,25). Kinh nghiệm đói rất khốn khổ. Những ai từng trải qua chiến tranh hay nạn đói đều biết. Và tuy nhiên, kinh nghiệm này tái diễn hàng ngày và nằm cạnh sự dư thừa và phung phí. Những lời của thánh Giacôbê Tông Đồ vẫn luôn mang tính thời sự: “Thưa anh em, ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 14-17), bởi vì hắn không có khả năng hành động, làm bác ái, yêu thương. Luôn có ai đó đang đói khát đang cần đến tôi. Tôi không thể đùn cho người khác. Người nghèo khó đó cần đến tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, cần lời nói và sự dấn thân cûa tôi. Tất cả chúng ta đều liên hệ đến chuyện này.

Đó cũng là giáo huấn của trang Phúc Âm này kể lúc Chúa Giêsu, khi thấy tất cả những người đó đi theo Người mấy tiếng đồng hồ liền, đã hỏi các môn đệ của Người rằng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5). Và các môn đệ đã thưa rằng: “Không thể được, xin Thầy cho dân chúng ra về…”. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu phán: “Không, chính anh em hãy cho họ ăn” (x. Mt 14,16). Người lấy mấy tấm bánh và mấy con cá mà dân chúng mang theo, làm phép, bẻ ra và cho phân phát cho tất cả mọi người. Đây là một bài học rất quan trọng cho chúng ta. Điều này dạy chúng ta rằng, cái ít ỏi mà chúng ta có, nếu chúng ta ký thác trong bàn tay của Chúa Giêsu và chia sẻ nó với đức tin, sẽ trở thành một sự phong phú đầy tràn.

Trong Thông điệp Caritas in veritate (Bác ái trong Chân Lý), Đức Giáo Hoáng Benedict XVI khẳng định: “Cho kẻ đói ăn là một mệnh lệnh đạo đức đối với Giáo Hội hoàn vũ. […]. Quyền được ăn, cũng như quyền được nước uống, đóng một vai trò quan trọng trong việc tôn trọng các quyền khác […]. Như thế, cần thiết là một ý thức liên đới phải chín muồi để gìn giữ thực phẩm và sự tiếp cận nước uống như các quyền phổ quát của mọi con người, không phân biệt và không kỳ thị”  (số 27). Chúng ta đừng quên những lời của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,35)“Ai khát, hãy đến với tôi” (Ga 7,37). Những lời này đối với tất cả chúng ta, các tín hữu, là một sự khích động, một sự khích động để nhận biết rằng, qua hành động cho người đói ăn và cho người khát uống, đi qua tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã mặc khải nơi Chúa Giêsu chính Thánh Nhan nhân từ của Người.

 

- Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/donner-a-manger-a-ceux-qui-ont-faim-meditation-du-pape/