Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:48

Huấn Từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Dành Cho Người Cao Niên Featured

LTS: Trong khuôn khổ Ngày Lễ Các Ông Bà, ngày 15-10-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến hiệp hội các Công Nhân Cao Niên Italia (Associazione Nazionale Lavoratori Anziani) và Liên Hiệp Người Cao Niên Italia. Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha mời gọi người cao niên phải “làm chứng cho những giá trị thật sự đáng kể”.

***

***

 

Thân chào quý anh chị em!

Tôi sung sướng được sống với quý cụ trong ngày suy ngẫm và cầu nguyện này, được ghi nhận trong khuôn khổ của Lễ Các Ông Bà. Tôi thân ái chào mừng tất cả quý cụ, bắt đầu bởi các cụ chủ tịch các hội đoàn mà tôi xin cảm ơn vì những lời phát biểu của quý cụ. Tôi ngợi khen tất cả những cụ đã phải đối đầu với những khó khăn và phiền toái để không bị lỡ chuyến gặp gỡ này; nhưng tôi cũng gần gũi với tất cả những bậc cao niên, đơn độc hay ốm đau, đã không thể tới đây, nhưng đã hiện diện ở đây cách thiêng liêng giữa quý cụ.

Giáo Hội nhìn những người cao niên với lòng trìu mến, lòng biết ơn và một sự trân quý lớn lao. Những vị này là thành phần cốt lõi của cộng đoàn Kitô giáo và của xã hội. Tôi không biết quý cụ có nghe rõ không: người cao niên là thành phần cốt lõi của cộng đoàn Kitô giáo và của xã hội. Các cụ đặc biệt tượng trưng cho cội nguồn và ký ức của một dân tộc. Quý cụ là một sự hiện diện quan trọng, bởi vì kinh nghiệm của quý cụ là một kho báu, cần thiết để nhìn tới tương lai với niềm hy vọng và tinh thần trách nhiệm. Sự chín chắn và khôn ngoan của quý cụ, tích lũy theo năm tháng, có thể giúp những người trẻ trung nhất, bằng cách nâng đỡ họ trên con đường tăng trưởng của họ và khi họ bắt đầu mở ra với tương lai, khi họ tìm kiếmp phương hướng để đi. Những người cao niên, quả thế, làm chứng rằng, dù trong những thử thách tệ hại nhất, đừng bao giờ mất tin tưởng vào Thiên Chúa và vào một tương lai tốt đẹp hơn. Các cụ như những cây cổ thụ vẫn còn cho hoa trái: mặc dù sức nặng năm tháng, các cụ vẫn có thể mang lại một sự đóng góp lớn lao cho xã hội vì mang lại những giá trị phong phú và khẳng định nền văn hóa của sự sống.

Những cụ cao niên rộng lượng cống hiến thời gian và tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho các cụ để giúp đỡ người khác không phải là hiếm. Tôi nghĩ tới tất cả những cụ đã sẵn sàng phục vụ trong các giáo xứ những công việc thật sự quý giá: có người lo trang hoàng nhà Chúa, người khác làm giáo lý viên, điều khiển cộng đoàn trong phụng vụ, làm chứng cho đức ái. Và còn nói được gì nữa về vai trò của các cụ trong lòng gia đình? Có biết bao Ông Bà chăm sóc cho các cháu, truyền lại với một sự đơn sơ to lớn cho những bé thơ, kinh nghiệm cuộc đời các cụ, những giá trị thiêng liêng và văn hóa của một cộng đoàn và một dân tộc! Trong những đất nước đã chịu bách hại tôn giáo trầm trọng, chính là các Ông Bà đã truyền lại đức tin cho những thế hệ mới, dẫn dắt trẻ em tới Phép Rửa trong một bối cảnh lén lút khắc nghiệt.

Trong một thế giới, như ngày nay, nơi mà sức mạnh và bề ngoàì thường được lý tưởng hóa, quý cụ có nhiệm vụ làm chứng cho những giá trị thực sự đáng kể, không bao giờ chết, bởi vì được khắc ghi trong lòng của mọi con người và được bảo đảm bởi Lời của Thiên Chúa. Chính vì quý cụ, như người ta nói, là “những người ở tuổi cao niên”, quý cụ… hay nói đúng hơn là chúng ta - bởi vì tôi cũng ở tuổi các cụ -, chúng ta được kêu gọi hãy làm việc cho sự phát triển của một nền văn hóa sự sống, làm chứng rằng, mỗi giai đoạn của cuộc đời là một ân điển của Thiên Chúa, có nét đẹp riêng, tầm quan trọng riêng của nó, mặc dù tất cả những sự mỏng manh có thể ghi dấu trên nó.

Đối mặt với bao người cao niên, trong những giới hạn về khả năng của họ, mà vẫn tiếp tục hết lòng với người lân cận, có nhiều cụ chung sống với bệnh tật, hay bị hạn chế về di chuyển và cần người giúp đỡ. Ngày hôm nay, tôi tạ ơn Chúa vì nhiều người và nhiều cơ quan chăm lo hàng ngày cho những người đó, để giúp cho các cụ có một bối cảnh nhân bản thích hợp hay mỗi người trong các cụ có thể sống xứng đáng giai đoạn quan trọng này của cuộc đời. Các y viện đón nhận nghững người cao niên được kêu gọi hãy là những nơi chốn của tình nhân loại và của sự chăm sóc yêu thương, nơi những người yếu đuối không bị lãng quên, bị bỏ qua, mà được thăm viếng, được nhắc tới và chăm sóc như những người anh, người chị. Một cách để biểu lộ lòng tri ân của chúng ta đối với tất cả những người đã từng cống hiến nhiều cho cộng đoàn và là cỗi rễ của cộng đoàn.

Các cơ quan và những cấu trúc xã hội khác nhau còn có thể làm nhiều điều để giúp đỡ những người cao niên để biểu lộ khả năng của họ tốt hơn nữa, để giúp cho sự tham gia tích cực của họ, và chăm lo cho nhân phẩm của họ phải luôn được tôn trọng và tăng thêm giá trị. Để làm chuyện này, quan trọng là phải chống lại cái văn hóa loại bỏ tai hại, nó gạt ra ngoài lề xã hội những người lớn tuổi, coi họ như những con người “phi sản xuất”. Những người trách nhiệm dân sự, những cấu trúc văn hóa, giáo dục và tôn giáo, cũng như tất cả mọi người thiện chí, đều được kêu gọi dấn thân để xây dựng một xã hội ngày càng niềm nở đón tiếp và bao dung.

Cái chuyện “loại bỏ” này thật là rất tệ hại! Một trong những Bà của tôi đã kể cho tôi câu chuyện của một gia đình trong đó người Ông, ở chung với các con và các cháu. Ngày kia, Ông bắt đầu trở bệnh, càng ngày càng bệnh,… và đến bữa Ông không ăn uống được, rơi vãi thức ăn. Một ngày nọ, người cha quyết định không để Ông ăn cùng bàn với họ, mà ở trong nhà bếp, và đóng một cái bàn nhỏ cho Ông. Như thế gia đình dùng bữa không có Ông. Ít ngày sau, khi đi làm về, ông thấy một trong những đứa con ông đang chơi với mấy thanh gỗ, mấy cái đinh và cái búa… “Con làm gì đó?” [Người cha hỏi]. Đứa con trả lời: “Con đóng một cái bàn”“Để làm gì?”“Để cho ba. Đến lúc ba già”. Trẻ em thường rất gắn bó với Ông Bà và chúng hiểu được những chuyện mà chỉ các Ông Bà mới có thể giải thích qua cuộc đời và thái độ của Ông Bà. Cái văn hóa loại bỏ này nói rằng: “Ông già rồi, cút đi!”. Ông già rồi, nhưng ông có bao điều để nói với chúng con để kể cho chúng con, về Lịch Sử, về văn hóa, về sự sống, về các giá trị,… Chúng ta đừng để cho cái văn hóa loại bỏ nó phát triển, mong rằng luôn có một nền văn hóa bao dung.

Cũng rất quan trọng là phải giúp cho những quan hệ giữa các thế hệ. Tương lai của một dân tộc đòi hỏi rằng người trẻ và người già phải gặp mặt nhau: người trẻ là sức sống của một dân tộc đi lên và những người cao niên tăng cường sức sống đó bằng ký ức và sự khôn ngoan. Và xin quý cụ hãy nói chuyện với các cháu của quý cụ, hãy nói chuyện với chúng. Hãy khiến cho chúng đặt với quý cụ những câu hỏi. Đặc tính của chúng khác với chúng ta, chúng làm những chuyện khác, ưa thích âm nhạc khác,… nhưng chúng cần các vị cao niên, cần cuộc đối thoại liên tục này. Lại còn để cống hiến cho chúng sự khôn ngoan. Tôi thích đọc chuyện kể về cái ngày Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đưa Chúa Giêsu lên đền thánh. Hài nhi mới được 40 ngày tuổi. Nơi đó, các đấng đã gặp một cặp Ông Bà, Ông là Simêon và Bà là Anna, là những người tượng trưng cho sự khôn ngoan của dân chúng, các cụ đã ca tụng Thiên Chúa để cho sự khôn ngoan đó truyền qua Hài Nhi. Đó là những “người già”, “những bậc Ông Bà” đã đón tiếp Chúa Giêsu trong đền thánh, không có thầy tư tế: thầy tư tế đến sau. Xin các cụ cũng hãy đọc trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, rất hay!

Thưa các bậc Ông Bà, xin cảm ơn quý cụ vì tấm gương tình yêu, tận tụy và khôn ngoan mà quý cụ đã mang lại. Xin quý cụ tiếp tục can đảm làm chứng cho những giá tri đó! Mong rằng nụ cười của quý cụ và ánh sáng đôi mắt của quý cụ đừng bao giờ thiếu trong xã hội: mong rằng xã hội có thể thấy được! Tôi đồng hành với quý cụ bằng lời cầu nguyện, và quý cụ cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Và bây giờ, tôi khẩn cầu phép lành của Chúa đổ xuống trên quý cụ, trên những thiện ý và những dự án tốt đẹp của quý cụ.

Bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện Bà của Chúa Giêsu, Thánh Anna, vốn là Bà ngoại của Chúa Giêsu và chúng ta hãy giữ im lặng trong giây phút. Mong rằng mỗi người cầu xin thánh Anna dạy cho chúng ta biết làm những Ông Bà nhân từ và khôn ngoan.

 

- Mai Khôi chuyển ngữ theo: https://fr.zenit.org