Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:48

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Những Việc Thuộc Thân Xác Lẫn Tinh Thần Của Lòng Thương Xót

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

 

Trong niềm trung tín với Chúa của mình, Giáo Hội còn nuôi dưỡng một Tình Yêu đặc biệt đối với những người yếu đuối nhất.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 12 tháng 10 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về “Những Công Việc Thuộc Thân Xác Lẫn Tinh Thần Của Lòng Thương Xót”.

***

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong các bài Giáo Lý vừa qua, chúng ta đã dần dần được dẫn vào trong đại mầu nhiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta đã chiêm ngưỡng những hoạt động của Thiên Chúa Cha trong Cựu Ước. Sau đó, các trình thuật trong các Tin Mừng đã trình bày trước mắt chúng ta về việc Chúa Giêsu đã hiện thực hóa Lòng Thương Xót thông qua những lời nói và những cử chỉ của Ngài. Về phía mình, Ngài đã truyền lại cho các môn đệ của Ngài giáo huấn sau đây: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Việc thực thi mệnh lệnh vừa nêu sẽ tra vấn lương tâm và hành động của từng Kitô hữu. Nếu chỉ có được kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong đời sống riêng thôi thì chưa đủ; bất cứ ai đón nhận Lòng Thương Xót của Ngài cũng đều phải trở thành dấu chỉ và công cụ của Lòng Thương Xót ấy đối với những người khác. Vì thế, Lòng Thương Xót không phải là điều được dành riêng cho những khoảnh khắc đặc biệt. Đúng hơn, nó bao hàm toàn bộ kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta.

Vậy thì chúng ta có thể hoạt động với tư cách là chứng nhân của Lòng Thương Xót thế nào? Chúng ta đừng tưởng rằng, để hoàn thành việc đó, người ta phải thực hiện những cố gắng phi thường hay những cử chỉ mang tính siêu nhân. Không, không phải là thế. Thiên Chúa chỉ cho chúng ta một cách thức hết sức đơn giản, đó là những cử chỉ nho nhỏ, nhưng chúng có giá trị vô cùng lớn lao trước cặp mắt của Ngài, đến độ Ngài đã nói với chúng ta rằng, chúng ta sẽ bị, hay sẽ được xử án theo những hành vi đó. Một trong những trình thuật tuyệt vời nhất của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu đã chỉ cho chúng ta thấy một giáo huấn, mà theo một cách thức nào đó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó như là “Giao Ước của Chúa Giêsu”, mà về phía tác giả Tin Mừng, người đã có được kinh nghiệm một cách trực tiếp ngay nơi bản thân mình về những hoạt động của Lòng Thương Xót. Mỗi lần, khi chúng ta cho những người đói được ăn, những người khát được uống, những người trần truồng rách rưới có quần áo để mặc, và mỗi khi chúng ta tiếp đón những người khách lạ, viếng thăm các bệnh nhân hay các tù nhân, thì theo Chúa Giêsu, chúng ta đang làm những việc đó cho chính Ngài (xc. Mt 25,31-46). Giáo Hội gọi những cử chỉ đó là “những công việc thuộc về thân xác của Lòng Thương Xót” (mà trong một Bản Kinh tiếng Việt, người ta gọi là Thương Xác Bảy Mối), vì những công việc này sẽ giúp đỡ con người trong lúc họ gặp cảnh túng thiếu về vật chất.

Đồng thời, bảy công việc tiếp theo của Lòng Thương Xót cũng hiện hữu, chúng được mô tả là những công việc thuộc về “tinh thần” (mà trong Bản Kinh tiếng Việt người ta gọi là Thương Linh Hồn Bảy Mối). Những công việc này liên quan đến những nhu cầu khác, đặc biệt là những nhu cầu quan trọng trong thời đại hôm nay, vì chúng đụng chạm tới nội tâm con người, và thường làm cho thêm đau khổ. Chắc chắn tất cả chúng ta đều nhớ tới một trong bảy công việc đó, mà công việc này được tìm thấy lối vào của nó ngay trong cách nói thông dụng: “Hãy kiên nhẫn chịu đựng những điều gây phiền toái”. Có những điều như thế, có những người chuyên gây phiền toái! Và ở đây có lẽ là một hoàn cảnh ít quan trọng, mà nó làm cho chúng ta phải phì cười. Tuy nhiên, trong đó lại chứa đựng một cách nhìn sâu sắc về Đức Ái; đồng thời nó liên hệ tới sáu công việc còn lại mà chúng ta nên học cho thuộc: lấy lời lành mà khuyên người; mở dạy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đó là những công việc hằng ngày!. “Này, tôi đang cảm thấy buồn quá…”“Vậy à, thế thì để Chúa giúp bạn nhé, tôi không có thời gian…”. Không, tôi phải dừng lại, phải lắng nghe, phải sử dụng thời gian của mình để an ủi người đó, đó là một cử chỉ của Lòng Thương Xót, mà nó không chỉ được dành cho người ấy, nhưng còn được dành cho cả Chúa Giêsu nữa!

Trong những bài Giáo Lý sắp tới, chúng ta sẽ dành thời gian để chiêm ngưỡng những công việc này, đó là những công việc mà Giáo Hội giới thiệu với chúng ta như là một phương thức sống Lòng Thương Xót cách cụ thể. Trong suốt nhiều thế kỷ, vô vàn những con người đơn thành đã biến cách thức đó thành hành động, và như thế, đã trao đi một chứng tá đời sống đích thực. Ngoài ra, trong niềm trung tín với Chúa của mình, Giáo Hội còn nuôi dưỡng một Tình Yêu đặc biệt đối với những người yếu đuối nhất. Thường thì những người đang hiện diện ngay bên cạnh chúng ta vẫn cần tới sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta không cần phải tìm kiếm những công việc vĩ đại để thực hiện. Tốt hơn, chúng ta hãy bắt đầu với những việc đơn giản nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để nhận ra như là những điều cấp bách nhất.

Trong một thế giới bị lây nhiễm một cách đáng buồn bởi virus thờ ơ lãnh đạm, thì các công việc của Lòng Thương Xót chính là phương dược tốt nhất. Trong thực tế, chúng làm cho chúng ta có thói quen lưu tâm tới những nhu cầu căn bản nơi những người “anh chị em nhỏ bé nhất” của chúng ta (Mt 25,40), mà Chúa Giêsu hiện diện trong họ. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong họ. Bất cứ nơi đâu có sự thiếu thốn, bất cứ nơi đâu có một con người đang có một nhu cầu về vật chất hay tinh thần, thì Chúa Giêsu đều đang hiện diện ở đó. Nhận ra dung nhan của Ngài trong những con người túng thiếu, đó chính là một thách đố thực sự đối với sự thờ ơ lãnh đạm. Thách đố này trao cho chúng ta khả năng không ngừng cảnh giác hầu ngăn ngừa trước việc Chúa Giêsu đi ngang qua chúng ta mà chúng ta không hề nhận ra Ngài. Điều này nhắc chúng ta nhớ tới câu nói sau đây của Thánh Augustin: “Timeo Iesum transeuntem”,[1] “Tôi sợ hãi trước việc để cho Chúa đi ngang qua” mà tôi lại không nhận ra Ngài; tôi không nhận ra rằng, Ngài vừa đi ngang qua tôi nơi một trong những con người nhỏ bé và túng thiếu này, và tôi không nhận ra rằng, đó là Chúa Giêsu. Tôi sợ hãi trước việc Chúa Giêsu đi ngang qua mà tôi không nhận ra Ngài! Cha tự hỏi, tại sao Thánh Augustin lại nói về sự sợ hãi trước việc Chúa Giêsu đi ngang qua. Tiếc rằng, câu trả lời chỉ được tìm thấy trong thái độ của mỗi chúng ta mà thôi: Chúng ta thường giải khuây và thờ ơ lãnh đạm, nên khi Thiên Chúa đến gần, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội trước việc gặp gỡ với Ngài.

Những công việc của Lòng Thương Xót, với Đức Ái, sẽ khơi lên trong chúng ta nhu cầu và khả năng trong việc làm cho Đức Tin trở nên sống động và công hiệu. Cha xác tín rằng, chúng ta sẽ có thể thực hiện được một cuộc cách mạng văn hóa thực sự giống như trong quá khứ thông qua những cử chỉ đơn giản hằng ngày ấy. Nếu mỗi người trong chúng ta ngày nào cũng thực hiện một trong những cử chỉ đó, thì chúng ta sẽ có thể làm thay đổi tận căn thế giới! Nhưng tất cả chúng ta, từng người một trong chúng ta, phải tham gia vào việc đó. Chúng ta hãy nhớ tới biết bao nhiêu là vị Thánh của thời đại hôm nay, mà họ đã có khả năng làm trung gian cho những công việc đó, không phải nhờ vào những công việc vĩ đại của họ, nhưng nhờ vào Đức Ái đối với tha nhân! Chúng ta hãy nhớ tới Mẹ Thérèse, người mới được phong Thánh cách nay chưa lâu: Chúng ta nhớ tới Mẹ không phải vì nhiều những ngôi nhà mà Mẹ đã mở ra trên khắp thế giới, nhưng vì Mẹ đã cúi xuống trên từng người mà Mẹ gặp họ trên các con đường, để trao lại cho họ phẩm giá của họ. Mẹ đã ôm vào trong vòng tay biết bao nhiêu là những em bé bị bỏ rơi; Mẹ đã đồng hành với biết bao nhiêu người hấp hối trên con đường đi tới tận ngưỡng cửa của sự vĩnh cửu, và đã dắt tay họ tới đó!

Những công việc của Lòng Thương Xót ấy hình thành nên dung nhan của Chúa Giêsu, Đấng đang đón nhận về với mình những người anh chị em bé nhỏ nhất của Ngài, để mang đến cho mỗi người sự trìu mến cũng như sự gần gũi của Thiên Chúa. Ước chi Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta, ước chi Chúa Thánh Thần sẽ khơi lên trong chúng ta niềm khao khát muốn sống lối sống đó: ít nhất là thực hiện một công việc mỗi ngày! Chúng ta hãy cố học cho thuộc những công việc thuộc cả về thể xác lẫn tinh thần của Lòng Thương Xót, tức Kinh Thương Người Có Mười Bốn Mối, và chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta để chúng ta đem những gì được liệt kê trong bản Kinh đó vào trong thực hành hằng ngày, khi chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo túng.

 

Quảng trường Thánh Phêrô, sáng thứ Tư ngày 12 tháng 10 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

 

 


[1] St. Augustin, Serm. 88, 14, 13.