Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:48

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Hôm Nay Là Thời Điểm Của Truyền Giáo Và Của Can Đảm!” Featured

LTS: Sáng Chúa Nhật 23-10-2016, trong bài suy niệm trước Kinh Truyền Tin, trước đám đông chừng 50.000 tín hữu và khách hành hương trên quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy “tìm lại niềm vui của việc ra sức vì Phúc Âm” và hãy “lấy lại tin tưởng vào sức mạnh truyền giáo”; hãy dấn thân trong việc truyền giáo “vì kết quả tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta”, nhưng “phải biết rằng thành công đích thực trong truyền giáo của chúng ta là món quà của Ân Sủng”.

***

***

 

[trước Kinh Truyền Tin]

Thân chào quý anh chị em!

Bài đọc thứ nhì trong Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay trình bày cho chúng ta lời khuyên nhủ của thánh Phaolô gửi ông Timôtê, cộng sự viên của ngài, trong dó ngài nghĩ lại cuộc đời Tông Đồ hoàn  toàn cung hiến cho truyền giáo (x. 2Tm 4,6-8.16-18). Nhận thấy giờ đây đã gần tới chặng cuối của con đường trần gian, ngài mô tả cuộc đời ngài liên hệ với ba mùa: hiện tại, quá khứ, tương lai.

Hiện tại, ngài giải thích với một ẩn dụ của sự hy tế: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm tế lễ” (câu 6).

Liên quan đến quá khứ, thánh Phaolô chỉ ra con đường ngài đã đi qua với những hình ảnh của một cuộc “thi đấu cao đẹp” và một cuộc “chạy đua” của một người đã sống phù hợp với những tham gia và trách nhiệm của mình (x. câu 7); bởi vậy, về tương lai, ngài phó thác cho sự đền trả của Thiên Chúa, Đấng là “vị Thẩm Phán chí công” (câu 8). Nhưng sứ vụ của thánh Phaolô tỏ ra hữu hiệu, đúng đắn và trung thành chỉ nhờ vào sự gần gũi và sức mạnh của Chúa là Đấng đã biến ngài thành một người rao truyền Tin Mừng cho mọi dân tộc. Sau đây là sự thố lộ của ngài: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (câu 17).

Trong đoạn văn tự truyện của thánh Phaolô phản chiếu hình ảnh Giáo Hội, đăc biệt trong ngày hôm nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo, với đề tài “Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót”. Nơi thánh Phaolô, cộng đoàn Kitô giáo tìm được gương mẫu cho mình, trong niềm xác tín rằng, chính sự hiện diện của Chúa đã khiến cho công việc tông đồ và công trình Phúc Âm hóa mang lại hiệu quả. Kinh nghiệm của thánh Tông Đồ dân ngoại nhắc cho chúng ta rằng chúng ta phải dấn thân vào những hoạt động tông đồ và truyền giáo, một mặt làm như kết quả tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta, với tinh thần hy sinh của người lực sĩ không chịu ngừng lại trước những thất bại; mặt khác, tuy nhiên, vẫn biết rằng sự thành công thật sự của công cuộc truyền giáo của chúng ta là quà tặng của Ân Sủng: chính Chúa Thánh Linh đã làm cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội thành công trên thế giới.

Hôm nay là thời điểm truyền giáo và là thời điểm của lòng can đảm! Lòng can đảm để làm cho những bước chân chệnh choạng trở nên manh mẽ, để lấy lại cái thú ra sức cho Tin Mừng, để lấy lại niềm tin vào sức mạnh mà việc truyền giáo chứa đựng trong mình. Đây là thời điểm của lòng can đảm, dù rằng có lòng can đảm cũng không có nghĩa là bảo đảm được thành công. Chúng ta được yêu cầu có lòng can đảm để đấu tranh, mà không nhất thiết để chiến thắng; để loan truyền, mà không nhất thiết phải làm cho người ta trở lại đạo. Chúng ta được yêu cầu có lòng can đảm để là những giải pháp thay thế cho thế giới, nhưng không bao giờ để tranh luận hay hung hăng. Cần có lòng can đảm để chúng ta mở ra với mọi người, mà không bao giờ làm giảm thiểu tính tuyệt đối và duy nhất của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của mọi người. Chúng ta được yêu cầu có lòng can đảm để chống lại sự hoài nghi, mà không trở thành ngạo mạn. Chúng ta cũng được yêu cầu có lòng can đảm của người thu thuế trong Tin Mừng ngày hôm nay, là người với lòng khiêm nhường đã không dám ngước mắt lên trời, nhưng đã đấm ngực mà nói rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Hôm nay là ngày của lòng can đảm! Ngày hôm nay phải có lòng can đảm!

Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria, khuôn mẫu của Giáo Hội “bước ra” và ngoan hiền với Chúa Thánh Linh, phù trợ để tất cả chúng ta, nhờ sức mạnh phép Thánh Tẩy của chúng ta, trở thành những môn đệ truyền giáo để mang thông điệp cứu độ tới cho toàn thể gia đình nhân loại.

 

 

- Mai Khôi phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/aujourdhui-cest-le-temps-de-la-mission-et-du-courage/