Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:47

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha: Hy Tế Thánh Thể Và Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn Featured

Hy Tế Thánh Thể với cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé, mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đưa những ngôn ngữ khác nhau vào trong sự hòa điệu, và ban khả năng làm chứng.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 05 tháng 10 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC chia sẻ về chuyến tông du tại hai quốc gia Georgia và Azerbaijan thuộc vùng Caucasus.

***

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào cuối tuần vừa qua, Cha đã thực hiện một chuyến Tông Du tại Georgia và tại Azerbaijan. Cha xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho Cha có thể thực hiện chuyến đi này, và canh tân một dấu chỉ về sự biết ơn của Cha đối với các nhà lãnh đạo dân sự lẫn tôn giáo của hai quốc gia trên, đặc biệt là Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Ilia II của toàn Georgia – mà chứng tá của Ngài đã đưa đến những điều rất tốt cho trái tim và tâm hồn của Cha – và vị lãnh tụ của Hồi giáo vùng Caucasus. Một lời cám ơn huynh đệ xin được gửi đến các Đức Giám mục, các Linh mục, và các Tu sĩ cũng như các tín hữu, mà họ đã làm cho Cha cảm thấy một mối thiện cảm đầy ấm cúng.

Chuyến Tông Du này chính là sự tiếp nối và là sự hoàn thành của chuyến công du mà Cha đã thực hiện hồi tháng 06 vừa qua tại Armenia. Bằng cách này – tạ ơn Chúa – Cha đã có thể hiện thực hóa dự định đến thăm cả ba quốc gia vùng Caucasus, để khích lệ và củng cố Giáo Hội Công Giáo đang sống tại ba quốc gia đó, cũng như động viên họ đi theo con đường trong hướng đi dẫn tới hòa bình và tình huynh đệ giữa những người công dân. Điều này cũng đã được làm sáng tỏ trong cả hai khẩu hiệu của chuyến Tông Du cuối cùng: Khẩu hiệu dành cho Georgia là: Pax vobis (Bình An cho anh em); và khẩu hiệu dành cho Azerbaijan là: Tất Cả Chúng Ta Đều Là Anh Chị Em.

Cả hai quốc gia đều sở hữu một nguồn cội rất cổ xưa về lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Nhưng đồng thời, cả hai đều đang trải qua một giai đoạn mới: Cả hai đều mừng kỷ niệm 25 năm ngày độc lập của mình, sau khi họ đã bị sáp nhập vào đế quốc xô viết trong suốt một thời gian dài của thế kỷ XX. Trong giai đoạn này, cả hai đều đang phải chạm trán với muôn vàn những khó khăn trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Giáo Hội Công Giáo được kêu gọi trở nên gần gũi và hiện diện một cách đặc biệt trong dấu chỉ của Đức Ái và của sự thúc đẩy mang tính nhân văn. Trong niềm tin tưởng rằng, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, và chúng ta đều là những người anh chị em của nhau. Giáo Hội cố gắng thực hiện điều đó trong sự hiệp thông với các Giáo Hội khác, cũng như với các cộng đoạn Kitô giáo khác, và trong sự đối thoại với các cộng đồng tôn giáo khác.

Tại Georgia, sứ mạng này đang diễn ra cách tự nhiên trong sự cộng tác với các anh em Chính thống, mà họ hình thành nên số đông trong số các cư dân. Sự việc mà bên cạnh tổng thống của nước chủ nhà cũng còn có Đức Thượng Phụ Ilia II đáng kính ra đón chờ Cha tại phi trường Tbilisi, chính là một dấu chỉ rất quan trọng. Cuộc gặp gỡ với Ngài vào buổi chiều hôm đó rất cảm động, và cuộc viếng thăm Nhà Thờ Chính Tòa của Đức Thượng Phụ Giáo chủ vào ngày hôm sau, mà Thánh Tích Tunika của Chúa Kitô được tôn kính trong Thánh Đường đó như là biểu tượng của sự hiệp nhất của Giáo Hội, cũng cảm động không kém. Sự hiệp nhất này được củng cố nhờ vào máu của rất nhiều vị Tử Đạo thuộc các niềm tin Kitô giáo khác nhau. Trong số các Cộng đoàn bị thử thách nhiều nhất phải kể tới cộng đoàn Assyrie-Chaldée, mà với cộng đoàn này, tại Tbilisi, Cha đã trải qua một khoảnh khắc cầu nguyện thẳm sâu cho hòa bình tại Syria, tại Irak và trong toàn vùng Trung Cận Đông.

Thánh Lễ với các tín hữu Công Giáo Georgia – theo nghi Lễ Latin, Armenie và Assyrie-Chaldée – được cử hành trong sự tưởng nhớ Thánh Thérèse Hài Đồng Giêsu: Thánh Nữ nhắc nhớ chúng ta rằng, sự truyền giáo đích thực không bao giờ là chủ nghĩa níu kéo người khác theo đạo, nhưng là sức mạnh cuốn hút của Chúa Kitô, xuất phát từ sự hiệp nhất sâu xa với Ngài trong cầu nguyện, trong sự thờ phượng, và trong Đức Ái cụ thể, mà đối với Chúa Giêsu, đó chính là sự phục vụ những người nhỏ bé nhất trong số những người anh chị em của Ngài. Các Tu sĩ mà Cha đã gặp gỡ cả tại Tbilisi lẫn tại Baku, đang thực hiện điều đó: Họ thực hiện điều đó với sự cầu nguyện cũng như với những công việc Caritas có tính thúc đẩy. Cha đã khuyến khích họ, với sự tưởng nhớ, hãy trở nên can đảm, hy vọng và kiên vững trong Đức Tin. Và sau đó có các gia đình Kitô giáo: sự hiện diện có tính đón nhận, sự đồng hành, khả năng phân định và sự hội nhập của họ trong đời sống cộng đồng, thật quý báu biết chừng nào!

Phong cách hiện diện mang tính Tin Mừng này như là hạt giống của Triều Đại Thiên Chúa, trong mức độ bao nhiêu có thể, vẫn đang còn rất cần thiết tại Azerbaijan, nơi người Hồi giáo chiếm một phần lớn số cư dân, và số người Công Giáo chỉ giới hạn trong vài trăm. Tạ ơn Chúa, những mối tương quan với tất cả đang rất rốt đẹp. Mối tương quan huynh đệ đối với các Kitô hữu Chính thống vẫn đang được duy trì cách đặc biệt. Từ lý do đó, chúng tôi đã trải qua tại Baku, thủ đô của Azerbaijan, hai khoảnh khắc mà Đức Tin có thể giữ chúng trong mối tương quan tốt đẹp: Hy Tế Thánh Thể và cuộc gặp gỡ liên tôn. Hy Tế Thánh Thể với cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé, mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đưa những ngôn ngữ khác nhau vào trong sự hòa điệu, và ban khả năng làm chứng; và sự hiệp thông trong Chúa Kitô ấy – thay vì ngăn cản – lại đang thúc đẩy việc kiếm tìm sự gặp gỡ và đối thoại với tất cả những người đang đặt niềm tin vào Thiên Chúa, để cùng kiến tạo nên một thế giới công bình và huynh đệ. Trong ý nghĩa đó, Cha đã bày tỏ với giới lãnh đạo tại Azerbaijan niềm hy vọng rằng, người ta sẽ có thể tìm thấy được những giải pháp cho những vấn nạn to lớn, và tất cả mọi công dân vùng Caucasus đều có thể sống trong hòa bình và trong sự kính trọng lẫn nhau.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Armenia, cho Georgia và cho Azerbaijan, và xin Ngài đồng hành trên con đường của dân lữ hành thánh thiện của Ngài tại ba quốc gia đó.

 

Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư ngày 05 tháng 10 năm 2016

+ Franciscus

Giáo Hoàng