Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:46

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Việc Tìm Kiếm Sự Bình An Trong Thiên Chúa Featured

Việc bước qua Cửa Thánh, trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, là để “tìm được Chúa Giêsu”, “tìm được tình bạn với Chúa Giêsu”, “tìm được sự nghỉ ngơi là chỉ có Chúa Giêsu mới ban được thôi”.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 14 tháng 09 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về việc “Tìm kiếm sự bình an và nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”.

***

 

Thân chào quý anh chị em!

Trong Năm Thánh này, chúng ta đã nhiều lần suy nghĩ về sự kiện Chúa Giêsu nói lên với một niềm êm ái vô song, chỉ dấu sự hiện diện của lòng nhân hậu Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta dừng lại trên một đoạn đầy cảm động của Phúc Âm (x. Mt 11,28-30), trong đó Chúa Giêsu phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng… hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng”. Lời mời gọi của Chúa thật đáng ngạc nhiên: Người mời gọi đi theo Người, những người đơn sơ và bị đè nặng bởi cuộc đời khó khăn, Người gọi đi theo Người, những người đang có nhiều nhu cầu và Người hứa với họ rằng, nơi Người họ tìm được sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Lời mời gọi được gửi đi dưới hình thức mệnh lệnh: “Hãy đến cùng tôi”, “hãy mang lấy ách của tôi”, “hãy học với tôi”. Nếu tất cả những người trách nhiệm trên thế giới có thể nói như thế! Chúng ta hãy nắm bắt ý nghĩa của những thành ngữ này.

Mệnh lệnh đầu tiên là “Hãy đến cùng tôi”. Phán với những người mệt mỏi và bị áp bức, Chúa Giêsu tỏ mình ra như kẻ tôi tớ của Chúa được mô tả trong Sách Tiên Tri Isaia. Đoạn sách Isaia viết rằng: “Đức Chúa là Chúa Thượng, đã cho tôi nói năng như một môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (50, 4). Với những người nản lòng bởi cuộc sống, Phúc Âm thường cũng kéo gần vào với những kẻ nghèo khó (x. Mt 11,5) và những người bé mọn (x. Mt 18,6). Đó là những người không thể trông cậy vào của cải của riêng mình, cũng như vào những tình bạn bè quan trọng. Họ chỉ biết trông cậy vào Thiên Chúa mà thôi. Ý thức được tình trạng khiêm hạ và khốn cùng của mình, họ biết rằng họ tùy thuộc vào lòng thương xót của Chúa, trông đợi nơi Người sự trợ giúp duy nhất. Trong lời mời gọi của Chúa Giêsu, rốt cuộc, họ tìm thấy một giải đáp cho những mong đợi của họ: khi trở thành môn đệ của Người, họ nhận được lời hứa tìm thấy sự nghỉ ngơi cho suốt cuộc đời. Một lời hứa, vào cuối Phúc Âm, được mở rộng ra cho tất cả các dân tộc: “Anh em hãy đi! Chúa Giêsu phán cùng các Tông Đồ - Và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Khi nhận lời mời gọi cử hành Năm Thánh đại phúc này, các khách hành hương trên toàn thế giới đã bước qua Cửa lòng thương xót được rộng mở trong các vương cung thánh đường, trong các thánh địa, trong nhiều nhà thờ trên thế giới, trong các bệnh viện, trong các nhà tù. Tại sao phải bước qua Cửa lòng thương xót? Để tìm được Chúa Giêsu, để tìm được tình bạn của Chúa Giêsu, để tìm được sự nghỉ ngơi mà chỉ có Chúa Giêsu mới ban được thôi. Và sự trở lại luôn là sự khám phá lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót Chúa là vô biên và bất tận: lòng thương xót của Chúa thật là mông mênh! Vì thế, khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta tuyên xưng rằng: “Tình yêu hiện diện trên thế gian và tình yêu đó mạnh mẽ hơn tất cả mọi hình thức xấu xa trong đó con người, nhân loại và thế gian đang đắm chìm”.[1]

Mệnh lệnh thứ nhì là: “hãy mang lấy ách của tôi”. Trong bối cảnh Giao Ước, truyền thống Kinh Thánh sử dụng hình ảnh cái ách để chỉ mối tương quan chặt chẽ nối liền dân chúng và Thiên Chúa và, như thế là sự thần phục Thánh Ý Người được diễn tả trong Lề Luật. Trong một lời chỉ trích với các kinh sư và luật sĩ, Chúa Giêsu đặt trên các môn đệ Người ách của Người trong đó Lề Luật được thể hiện. Người muốn dạy cho họ là họ sẽ khám phá ra Thánh Ý Thiên Chúa qua con người của Người: qua Chúa Giêsu, và không qua lề luật và những quy định lạnh lùng mà chính Chúa Giêsu cũng đã lên án. Chỉ cần đọc Chương 23 Phúc Âm theo thánh Matthew! Người là trung tâm tương quan của họ với Thiên Chúa, Người là trung tâm các tương quan giữa các môn đệ và Người đặt điểm tựa cho cuộc sống của mỗi người. Khi nhận lấy “ách của Chúa Giêsu”, mỗi môn đệ bước vào sự hiệp thông với Người và được trở nên thành viên của mầu nhiệm thánh giá và sứ mạng cứu chuộc của Người.

Sau nữa, là mệnh lệnh thứ ba: “Hãy học với tôi” (“hãy trở thành môn đệ của tôi”). Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ của Người một con đường hiểu biết và noi gương. Chúa Giêsu không phải là một bậc thầy áp đặt một cách khắt khe trên người khác gánh nặng mà Người không hề mang vác; đó là lời tố cáo Người phán với những luật sĩ. Người phán bảo với những người khiêm hạ, người bé mọn, người nghèo khó, người trần trụi, bởi vì chính đích thân Người đã trở nên bé mọn và khiêm hạ. Người hiểu rõ người nghèo và những ai đau khổ bởi vì chính người đã nghèo khó và bị thử thách vì đau khổ. Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã không chọn con đường dễ dàng; trái lại, con đường của Người đã là đau đớn và khó khăn. Cũng như bức thư gửi tín hữu Philiphê đã nhắc nhở: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Cái ách mà những người nghèo khó, và những người bị áp bức mang vác cũng là cái ách mà Người đã mang vác trước họ: bởi vậy, đó là cái ách nhẹ nhàng. Người đã vác trên vai Người những đau khổ và tội lỗi của toàn thể nhân loại. Đối với môn đệ, như thế, nhận lấy ách của Chúa Giêsu có nghĩa là nhận lấy sự mặc khải của Người và tiếp đón Người: nơi người, lòng thương xót của Thiên Chúa đã khoác lấy những nghèo khó của con người, và ban cho mọi người khả năng được cứu độ. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại có thể phán ra những chuyện đó? Bởi vì Người đã hoàn toàn trở thành của mọi người, gần với mọi người, với những người nghèo khó nhất! Người là một mục tử ở giữa mọi người, ở giữa người nghèo: Người làm việc cả ngày với họ. Chúa Giêsu không phải một ông hoàng. Thật tai hại cho Giáo Hội khi các mục tử trở thành các ông hoàng, xa vời người ta, xa với những người nghèo khó nhất: đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trách cứ các mục tử này và Người đã phán với người ta rằng: “hãy làm những gì họ nói, đừng làm những gì họ làm”.

Anh chị em thân mến, đối với chúng ta cũng thế, có những lúc mệt mỏi và nản lòng. Lúc đó, chúng ta hãy nhớ những lời này của Chúa đã ban cho chúng ta biết bao an ủi và làm cho chúng ta hiểu biết nếu chúng ta ra sức làm điều thiện. Quả vậy, đôi khi sự mệt mỏi của chúng ta là do chúng ta đã đặt tin tưởng vào những chuyện không phải là cốt lõi, bởi vì chúng ta xa vời với điều thực sự có giá trị trong cuộc đời. Chúa phán dạy chúng ta đừng sợ theo chân Người, bởi vì lòng tin tưởng mà chúng ta đặt nơi Người sẽ không bị thất vọng. Như thế, chúng ta được mời gọi học hỏi nơi Người để biết sống lòng thương xót để trở thành những khí cụ của lòng thương xót có nghĩa là gì. Sống lòng thương xót để là khí cụ của lòng thương xót: sống lòng thương xót, chính là cảm thấy mình cần lòng thương xót của Chúa Giêsu và khi chúng ta cảm thấy chúng ta cần sự tha thứ, cần sự ủi an, chúng ta học tập tỏ ra nhân từ với người khác. Giữ nhãn quan hướng lên Con Thiên Chúa, sẽ làm cho chúng ta hiểu được tất cả con đường chúng ta còn phải đi; nhưng cũng đồng thời, điều này đổ tràn trong chúng ta niềm vui biết được chúng ta bước đi với Người và chúng ta không bao giờ đơn độc. Can đảm lên, vậy hãy can đảm lên! Chúng ta đừng để bị lấy đi niềm vui là môn đệ của Chúa. “Nhưng, thưa cha, con là kẻ tội lỗi, thì phải làm sao? – Hãy để Chúa đoái nhìn con, hãy mở lòng con ra, hãy cảm thấy ánh mắt Người đoái nhìn trên con, cảm thấy lòng thương xót Người và trái tim con sẽ tràn đầy vui sướng, vui sướng được thứ tha, nếu con tới gần để xin được tha thứ”. Chúng ta đừng để bị cướp mất lòng trông cậy được sống sự sống đó với Người và với sức mạnh ủi an của Người. Cảm ơn anh chị em.

 

Mai Khôi phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/leglise-a-besoin-de-pasteurs-non-de-princes/

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia (Thiên Chúa giàu lòng thương xót), ngày 30-10-1980: http://catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/thong-diep/622-thong-diep-dives-in-misericordia-thien-chua-giau-long-thuong-xot-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-30-11-1980