Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:45

Bài Giáo Lý Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Việc Đi Sâu Vào Mầu Nhiệm Nhân Từ Của Chúa Giêsu Featured

Chúng ta hãy dấn thân, đừng đưa ra một trở ngại nào đề kháng lại lòng thương xót của Cha.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 07 tháng 09 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về việc “Đi sâu vào mầu nhiệm nhân từ của Chúa Giêsu, để nắm bắt lấy lòng nhân từ và thương xót của Người”.

***

Chính lòng thương xót cứu độ (x. Mt 11,2-6)

 

Thân chào quý anh chị em!

Chúng ta đã nghe một đoạn Tin Mừng thánh Matthew (Mt 11,2-6). Chủ ý của thánh sử gia là đưa chúng ta đi sâu vào trong mầu nhiệm của Chúa Giêsu, để nắm bắt lấy lòng nhân từ và thương xót của Người. Đoạn đó như sau;  Ông Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ mình đến với Chúa Giêsu – ông Gioan lúc đó ngang ngồi tù - để đặt một câu hỏi rất minh bạch: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (câu 3). Đó đúng là môt lúc tối tăm… ông Gioan Tẩy Giả đã lo âu đợi chờ Đấng Mesiah và, trong rao giảng của ông, ông đã vẽ ra một chân dung mãnh liệt, như một vị quan tòa sẽ cuối cùng thiết lập Nước Thiên Chúa và thanh tẩy dân Người, khen thưởng người lành, trừng phạt kẻ dữ. Ông đã giảng như thế này: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Bây giờ lại thấy Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người với một phong cách khác hẳn, ông Gioan cảm thấy đau buồn bởi vì ông ở trong tình trạng hai lần đen tối: cái đen tối của phòng giam, nhà tù, và cái đen tối trong tâm khảm. Ông không hiểu cái phong cách đó của Chúa Giêsu và muốn biết có phải thật Người là Đấng Mesiah hay ông còn phải chờ ai khác.

Và câu trả lời của Chúa Giêsu dường như, lúc mới nghe, không đáp ứng câu hỏi của ông Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu quả đã phán: “Các anh cứ về thuật lại với ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!” (câu 4-6). Câu này, chủ ý của Chúa Giêsu đã rõ ràng; Người trả lời rằng: Người là khí cụ cụ thể của lòng thương xót của Thiên Chúa. Người mù, người què, người cùi, người điếc tìm thấy lại phẩm giá của mình và đã không còn bị loại bỏ vì bệnh tật của mình, người chết hồi sinh trong lúc Tin Mừng được loan báo cho người nghèo. Và điều này trở thành sự tổng hợp hành động của Chúa Giêsu, như thế khiến cho hành động của chính Thiên Chúa được hiển thị và sờ mó được.

Thông điệp mà Giáo Hội nhận được từ bài Phúc Âm này về cuộc đời Đức Kitô, rất rõ ràng. Thiên Chúa không gửi Con của Người xuống thế để trừng phạt người tội lỗi cũng như không để thanh toán kẻ hung dữ. Trái lại, chính là dành cho những người này, mà lời mời gọi hối cải đã được gửi tới, để họ khi thấy được những dấu hiệu của lòng nhân từ của Chúa, họ có thể tìm được con đường trở lại. Như Thánh Vịnh đã nói: “Lạy Chúa, nếu Ngài chấp tội, nào ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thư để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4).

Công lý, mà ông Gioan Tẩy Giả đặt vào trung tâm rao giảng của ông, thể hiện nơi Chúa Giêsu trước hết là lòng thương xót. Và những ngờ vực của vị Tiền Hô chỉ làm xảy ra sớm hơn sự  bối rồi mà Chúa Giêsu sẽ gây lên bằng những hành động và lời dạy của Người. Như thế, người ta hiểu được két luận của câu trả lời của Chúa Giêsu khi Người phán: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!” (hay điều tiếng) (câu 6). Điều tiếng có nghĩa là ‘trở ngại’. Chúa Giêsu cảnh báo một mối nguy đặc biệt: nếu trở ngại niềm tin nằm đặc biệt trong những hành động nhân từ của Người, điều này có nghĩa là ta đã có suy nghĩ sai lầm về Đấng Mesiah. Ngược lại, phúc cho những ai, trước những cử chỉ và lời dạy của Chúa Giêsu, vinh danh Chúa Cha ở trên trời.

Lời cảnh báo của Chúa Giêsu luôn mang tính thời sự: ngay cả ngày hôm nay, con người xây dựng lên những hình ảnh của Thiên Chúa mang tính ngăn cản mình không nếm trải dược sự hiện diện đích thực của Người. Có nhiều người “gọt đẽo” một đức tin rút gọn Thiên Chúa vào trong một không gian được giới hạn bởi các ý muốn và những xác tín của mình. Nhưng đức tin đó không phải là sự trở lại với Chúa đã tỏ rõ mình ra; trái lại, nó ngăn cản Người kích động cuộc sống và lương tâm chúng ta. Một số người khác thu hẹp Thiên Chúa thành một thần tượng giả tạo: họ sử dụng Danh Thánh Người để biện minh cho những lợi ích của họ hay thẳng thừng là hận thù và bạo lực. Đối với những kẻ khác nữa, Thiên Chúa chỉ  là nơi ẩn náu tâm lý ở đó có thể được an toàn trong những lúc khó khăn; đó là một đức tin khép kín, không thẩm thấu được sức mạnh của tình yêu đầy thương xót của Chúa Giêsu thúc đẩy ta đến với các người anh em. Nhiều người khác nữa coi Đức Kitô đơn giản chỉ là một bậc thầy giỏi về giáo dục đạo đức, một trong bao nhiêu người khác trong lịch sử. Sau cùng, có những người bóp nghẹt đức tin trong một tương quan thuần tuý tâm tình với Chúa Giêsu, loại bỏ đi sự thúc đẩy truyền giáo có khả năng thay đổi thế giới và lịch sử. Chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta tin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và ước mong của chúng ta là được lớn lên trong trải nghiệm sống động mầu nhiệm tình yêu của Người.

Chúng ta hãy dấn thân đừng đưa ra một trở ngại nào đề kháng lại lòng thương xót của Cha, mà hãy cầu xin ơn có một đức tin to lớn để chúng ta cũng trở thành những dấu hiệu và khí cụ của lòng thương xót.

 

 

Mai Khôi phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/entrer-profondement-dans-le-mystere-de-jesus-de-sa-bonte-traduction-complete/