LTS: Sau buổi triều kiến chung trên quảng trường Thánh Phêrô, ngày 31-08-2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới công viên triển lãm (La “Fiera”) của Rôma để gặp gỡ các tham dự viên của Hội Nghị Thường Niên được tổ chức bởi Hội Tim Mạch Âu Châu, với 35.000 nhà chuyên môn của 140 quốc gia là hội viên. Trong bài diễn văn trước mặt các bác sĩ tim mạch, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng: “Có những quy luật được ghi khắc ngay trong thiên nhiên, trên đó, không ai có thể đụng tay vào được”, và ngài yêu cầu các nhà khoa học đừng “bóp nghẹt sự thật”.
***
***
Thân chào Quý Bà và Quý Ông!
Tôi vui mừng tiếp nhận lời mời của ban giám đốc Hội Tim Mạch Âu Châu để được hiện diện nơi đây cùng với quý vị, nhân dịp Hội Nghị Thế Giới quy tụ các bác sĩ tim mạch của các quốc gia. Một lời cảm tạ đặc biệt xin gửi tới Giáo Sư Fausto Pinto vì những lời chào mừng của ông. Qua ông chủ tịch, tôi muốn cảm ơn quý vị vì sự dấn thân khoa học của những ngày nghiên cứu và đối chất này - thật là quan trọng để đối chất với nhau – nhưng nhất là vì sự tận tâm của quý vị đối với các bệnh nhân. Đó là một sự thách đố khi đối chất với mỗi người bệnh.
Quý vị chuyên lo cho trái tim. Từ này ẩn chứa biểu tượng và biết bao chờ đợi tìm được sự giải đáp trong bộ phận này của con người! Trong tay quý vị có trung tâm nhịp đập trong cơ thể con người, vì thế trách nhiệm của quý vị thật là lớn lao! Tôi chắc rằng, khi đứng trước cuốn sách của sự sống, chứa đựng trong đó biết bao những trang cần được khám phá, quý vị tới gần nó với sự e dè và một tình cảm sợ hãi.
Huấn quyền của Giáo Hội luôn khẳng định sự quan trọng của những nghiên cứu khoa học để phục vụ sự sống và sức khỏe con người. Hôm nay nữa đây, Giáo Hội không những tháp tùng quý vị trên con đường quá khó khăn, mà Giáo Hội còn tự nhận làm người tăng hoạt và mong muốn hỗ trợ quý vị bởi vì Giáo Hội hiểu rằng cái gì được làm cho thiện ích của con người luôn là một hành động đến từ Thiên Chúa. Thiên nhiên, trong tất cả sự phúc tạp của nó, cũng như tinh thần con người, đều là tạo vật của Thiên Chúa. Người sưu tầm có thể và phải điều tra, biết rằng sự phát triển của các môn khoa học triết lý và gia truyền và những chức năng thực tiễn phục vụ cho những người yếu kém nhất và cho người bệnh là một dịch vụ quan trọng được ghi khắc trong dự án của Thiên Chúa. Sự mở ra với ân điển của Thiên Chúa, nhờ đức tin, không làm tổn thương tinh thần, trái lại, nó thúc đẩy tinh thần tiến tới, đến một sự thông hiểu sự thật một cách rộng rãi và hữu ích hơn cho nhân loại.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, nhà khoa học cũng thế, trong sự khám phá của mình, không bao giờ trung tính. Ông ta mang trong mình tiểu sử của mình, cách sống và suy nghĩ của mình. Cho mỗi người, có sự cần thiết phải có một cách thanh tẩy để, vừa đẩy ra xa những độc tố đầu độc lý trí trong việc đi tìm sự thật và sự xác thực, thúc đẩy phải nhìn vào bản thể của sự việc với một cái nhìn mạnh mẽ. Chúng ta không thể chối bỏ, quả vậy, rằng tri thức, dù là cái tri thức chính xác và khoa học nhất, cũng cần phải tiến bộ và đặt ra những câu hỏi và tìm ra những lời giải đáp cho những câu hỏi đó về nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích của thực tế, bao gồm con người. Tuy nhiên, chỉ khoa học đơn độc, khoa học tự nhiên và vật lý, không đủ để hiểu biết sự mầu nhiệm mà mỗi con người chứa đựng trong mình. Nếu nhìn con người trong tổng thể - xin cho tôi được nhấn mạnh về đề tài này - người ta có thể có một cái nhìn mạnh mẽ đặc biệt tới những người nghèo khó nhất, những người cùng khổ nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội để cho những săn sóc của quý vị cũng có thể đến với họ, cũng như là sự trợ giúp và quan tâm của những cấu trúc y tế công cộng và tư nhân. Chúng ta phải đấu tranh để không có ai bị “ruồng bỏ” trong cái nền văn hóa thải trừ đang được đề nghị cho chúng ta.
Nhờ hoạt động quý báu của quý vị, quý vị đóng góp vào việc chữa lành thể xác bệnh hoạn và, đồng thời, quý vị có khả năng kiểm chứng là có những quy luật được ghi khắc trong chính thiên nhiên, trên những quy luật đó, không có ai có thể đụng tay tới được, mà chỉ có thể “khám phá, sử dụng và sắp xếp” để cho sự sống luôn phù hợp với những ý định của Đấng Tạo Thành.[1] Bởi vậy, quan trọng là con người khoa học, trong lúc đọ sức với mầu nhiệm to lớn của sự hiện hữu của con người, không để bị thua bởi cám dỗ bóp nghẹt sự thật (x. Rm 1,18).
Tôi xin lập lại với quý vị sự ngưỡng mộ của tôi đối với công việc của quý vị - tôi cũng đã từng nằm trong tay của một số quý vị ở đây – và tôi cầu xin Chúa ban phúc lành cho việc khảo cứu và điều trị, để cho tất cả có thể đạt tới sự giảm bớt đau đớn, tới một phẩm chất tốt hơn của sự sống và một ý nghĩa gia tăng của hy vọng, cũng như cuộc đấu tranh của mọi người để không còn có ai bị “ruồng bỏ” trong đời sống con người và trong sự toàn vẹn của đời sống con người.
Rất cảm ơn quý vị.
Mai Khôi phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/le-pape-francois-demande-aux-scientifiques-de-ne-pas-etouffer-la-verite/
[1] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui mừng và Hy vọng), số 36.