Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:45

Bài Giáo Lý Đức Thánh Cha Phanxicô Về Thành Kiến Và Nghi Ngờ Xúc Phạm Đến Phẩm Giá Phụ Nữ Featured

Tất cả chúng ta, kể cả những cộng đoàn Kitô giáo, đều được cảnh giác chống lại cái nhìn người phụ nữ bị vấy bẩn bởi những thành kiến và những ngờ vực mang tính xúc phạm đến phẩm giá bất khả xâm phạm của họ.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 31 tháng 08 năm 2016, được tổ chức trên Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Những thành kiến và nghi ngờ làm xúc phạm đến phẩm giá người phụ nữ”.

***

 

Thân chào quý anh chị em!

Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe đọc cho thấy một khuôn mặt lỗi lạc bởi đức tin và lòng can đảm. Đó là người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh băng huyết (x. Mt 9,20-22).

Đi giữa đám đông, bà ta tới gần sau lưng Chúa Giêsu để chạm và tà áo khoác của Người. “Vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. Đức Tin đáng kính, Đức tin đáng kính của người phụ nữ đó! Bà lý luận như thế bởi vì bà được thúc đẩy bởi rất nhiều lòng tin và niềm hy vọng và, với một chút mưu mô, bà thực hiện được điều bà mong muốn. Ước mong được Chúa Giêsu cứu lớn đến độ Người đã thực hiện sự cứu độ vượt qua những hạn chế được thiết lập bởi lề luật Moses. Người phụ nữ khốn khổ đó, từ bao năm, quả đã không chỉ là bệnh hoạn mà còn bị coi như ô uế bởi vì bà bị bệnh băng huyết (x. Lv 15,19-30). Vì lý do đó, bà ta bị loại ra khỏi các lễ nghi phụng vụ, khỏi đời sống vợ chồng, khỏi những tương quan bình thường với người lân cận. Thánh sử gia Marco còn thêm rằng, bà ta đã được khám bởi nhiều thầy thuốc, đã dùng cạn tiền bạc để chữa trị và đã chịu nhiều phương pháp trị liệu đau đớn, nhưng bệnh chỉ nặng hơn lên thôi. Đó là một người phụ nữ bị xã hội ruồng bỏ. Quan trọng là phải xem xét tình trạng này – tình trạng bị ruồng bỏ - để hiểu được tâm tình bà ta; bà ta cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể cứu thoát bà khỏi bệnh hoạn và khỏi tình trạng bị sống bên lề và nhục nhã, trong đó bà đã chịu đựng từ bao năm nay. Tóm lại: bà ta biết, bà ta cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể cứu bà.

Trường hợp này làm cho người ta nghĩ đến cách mà người phụ nữ thường hay bị nhận xét và biểu thị. Tất cả chúng ta, kể cả những cộng đoàn Kitô giáo, đều được cảnh giác chống lại cái nhìn người phụ nữ bị vấy bẩn bởi những thành kiến và những ngờ vực mang tính xúc phạm đến phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Trên chiều hướng đó, chính là các sách Phúc Âm sẽ vãn hồi chân lý và đưa lại một quan điểm giải thoát. Chúa Giêsu đã cảm phục đức tin của người phụ nữ này trong lúc mọi người tránh xa và Người đã biến niềm hy vọng của bà thành sự cứu độ. Chúng ta không biết tên bà ta, nhưng mấy dòng chữ qua đó Phúc Âm mô tả cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu vạch ra một hành trình đức tin có khả năng phục hồi chân lý và sự cao cả của phẩm giá nơi mỗi người. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, mở ra cho tất cả chúng ta, những con người nam, nữ ở khắp mọi nơi thuộc mọi thời đại, con đường giải thoát và cứu độ.

Phúc Âm thánh Matthew nói rằng khi người phụ nữ chạm vào tà áo khoác của Chúa Giêsu, Người đã “quay lại”“thấy bà” và rồi nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại bỏ của mình, người phụ nữ đã lén lút hành động, sau lưng Chúa Giêsu, bà ta hơi sợ hãi, để không ai thấy, bởi vì chính là một người đàn bà bị hất hủi. Chúa Giêsu, Người nhìn bà, và cái nhìn của Người không phải là cái nhìn trách cứ, Người không nói: “Cút đi, đồ vứt đi”, hay nói: “Ngươi là một đứa cùi hủi, cút đi!”. Không, Người không trách cứ, nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu không những đón nhận bà ta, mà Người còn coi bà xứng đáng với cuộc gặp gỡ này đến độ đã ban cho bà lời nói và sự quan tâm của Người.

Trong phần giữa bài Phúc Âm, từ cứu đã được nhắc tới ba lần: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu”. Đức Giêsu quay lại, thấy bà, thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòngg tin của con đã cứu chữa con”, “Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa” (câu 21-22). Câu “Này con, cứ yên tâm!” bộc lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người phụ nữ này. Và đối với tất cả những ai bị ruồng bỏ. Biết bao lần chúng ta cảm thấy trong thâm tâm bị ruồng bỏ vì tội lỗi chúng ta, chúng ta đã phạm nhiều tội, chúng ta đã phạm rất nhiều. Và Chúa đã phán với chúng ta: “Can đảm lên! Lại đây! Với Cha, trai hay gái, con không bị ruồng bỏ. Yên tâm đi, con gái! Con là con trai, con gái của Cha”. Và thời điểm ân điển, là thời điểm tha thứ, thời điểm bao gồm vào trong sự sống của Chúa Giêsu, trong sự sống của Giáo Hội. Đó là thời điểm của lòng thương xót.

Hôm nay, với tất cả chúng ta, dù chúng ta là những kẻ tội lỗi nặng nề hay nhẹ nhàng, nhưng tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, Chúa phán với tất cả chúng ta: “Can đảm lên, lại gần đây! Đừng cho mình là bị ruồng bỏ, đừng như thế: Cha tha tội cho con, Cha ôm con”. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta phải có can đảm đì đến với Người, xin Người tha thứ tội lỗi chúng ta và tiến lên phía trước. Với lòng can đảm, như người phụ nữ đó đã làm. Rồi thì, “sự cứu độ” hàm chứa vô số ý nghĩa: trước hết, nó trả lại cho người phụ nữ sức khỏe;  rồi nó giải thoát bà ra khỏi những kỳ thị xã hội và tôn giáo; ngoài ra, nó thực hiện niềm hy vọng bà luôn mang trong lòng, xóa đi những lo sợ và bất ổn của bà; sau cùng, nó trả bà về với cộng đồng bằng cách giải thoát bà ra khỏi cái nhu cầu làm gì cũng phải lén lút. Và điểm sau cùng này quan trọng: một con người bị ruồng bỏ luôn hành động lén lút, đôi ba lần hay suốt cả đời: chúng ta hãy nghĩ đến những người phong cùi của thời đại đó, đến những người vô gia cư của ngày hôm nay; chúng ta hãy nghĩ đến những kẻ tội lỗi, đến chúng ta, những kẻ tội lỗi: chúng ta luôn lén lút làm cái gì đó, chúng ta có nhu cầu lén lút làm cái gì đó bởi vì chúng ta xấu hổ vì thân phận chúng ta… Và Người giải thoát chúng ta khỏi cái đó, Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và đỡ chúng ta đứng lên: “Đứng dậy, lại đây, đứng lên!”. Cũng như Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta ở tư thế đứng thẳng, không bị xỉ nhục. Đứng thẳng. Sự cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho là toàn vẹn, Người tái hội nhập cuộc đời người phụ nữ trong vùng tình yêu của Thiên Chúa và, đồng thời, Người phục hồi bà trong toàn vẹn phẩm giá của bà.

Tóm lại, không phải tấm áo khoác mà người phụ nữ sờ vào đã cho bà được cứu, mà là lời Chúa Giêsu, được đón nhận trong đức tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành cho bà và phục hồi bà trong tương quan với Thiên Chúa và với dân Người. Chúa Giêsu là nguồn mạch duy nhất của phúc lành từ đó tuôn chảy sự cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là điều kiện căn bản để đón nhận sự cứu độ. Chúa Giêsu, một lần nữa, bằng thái độ của Người đầy lòng thương xót, chỉ cho Giáo Hội hành trình phải thực hiện để đi gặp mỗi người, để cho mỗi người có thể được chữa lành trong thân xác và trong tinh thần và tìm lại được phẩm giá của con cái Thiên Chúa.

Cảm ơn anh chị em.

 

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/le-pape-deplore-les-prejuges-et-les-soupcons-qui-portent-atteinte-a-la-dignite-de-la-femme/