“Sống hiệp thông với Đức Kitô không có nghĩa là “thụ động và xa lạ với cuộc sống hàng ngày”, mà là cống hiến cho thế giới “dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót và sự quan tâm của Đức Kitô”.
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 17 tháng 08 năm 2016, được tổ chức trong Đại Thính Đường Phaolô VI. Hôm nay ĐTC giải thích về “Dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót”.
***
Lòng Thương Xót, khí cụ của hiệp thông (x. Mt 14,13-21)
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta muốn suy tư về phép lạ hóa bánh ra nhiều. Thánh Matthew đã bắt đầu trình thuật này (xc. Mt 14,13-21) với việc Đức Giêsu nhận được tin về cái chết của Gioan Tẩy Giả. Ngài đã xuống thuyền để đi ra ngoài biển và tìm đến “một nơi hoang vắng riêng biệt” (Mt 14,13). Nhưng nhiều người đã nghe được chuyện đó. Họ đã đi bộ tìm Ngài, và còn đến được nơi Ngài định đến trước cả khi Ngài kịp đến nơi. “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). Như vậy, Đức Giêsu chính là Đấng: Luôn luôn tràn đầy sự cảm thông, luôn luôn nghĩ tới người khác. Điều gây ấn tượng ở chỗ là sự quyết tâm của đám đông quần chúng đang sợ hãi trước việc bị bỏ rơi, bị để lại một mình. Sau cái chết của Gioan Tẩy Giả, một vị Ngôn Sứ thiên bẩm, họ đã tín thác vào Đức Giêsu, Đấng mà chính Gioan đã nói về: “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3,11). Và như thế, đám đông dân chúng đã đi theo Ngài khắp nơi để lắng nghe Ngài cũng như để mang các bệnh nhân đến cho Ngài. Và khi Đức Giêsu nhìn thấy thế thì Ngài liền chạnh lòng thương. Đức Giêsu không phải là con người lạnh lùng, Ngài không có con tim lạnh lùng. Đức Giêsu luôn ở trong tình trạng sẵn sàng thể hiện sự cảm thông. Một mặt, Ngài cảm thấy mình có sự liên đới với những con người này, và Ngài không muốn xua đuổi họ; nhưng mặt khác Ngài lại cần một khoảnh khắc thanh vắng để cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, thường thì Ngài sử dụng thời gian ban đêm để cầu nguyện với Thiên Chúa Cha của Ngài.
Thời gian ban ngày luôn được Vị Thầy dành cho con người. Sự đồng cảm của Ngài không phải là một cảm giác mơ hồ, nhưng nó biểu lộ cho thấy toàn bộ sức mạnh nơi ý muốn của Ngài trong việc gần gũi với chúng ta cũng như trong việc cứu độ chúng ta. Đức Giêsu rất yêu chúng ta, và Ngài muốn gần gũi chúng ta. Khi chiều tối đến, Đức Giêsu đã bận tâm ngay tới chuyện trao cho tất cả những con người đang mệt mỏi và đói khát này cái gì đó để ăn, cũng như lo lắng cho những người đang đi theo Ngài. Ngài muốn các môn đệ của Ngài cũng dự phần vào với mối quan tâm của Ngài. Vì thế, Ngài nói với các ông: “Anh em hãy cho họ ăn!” (Mt 14,16). Và Ngài chỉ cho các ông thấy rằng, dăm chiếc bánh và vài con cá mà các ông đang có, với sức mạnh của Đức Tin và lời cầu nguyện, sẽ có thể được chia sẻ cho tất cả. Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ, nhưng đó là phép lạ của Đức Tin, của lời cầu nguyện, được khơi lên từ sự cảm thông và từ Tình Yêu. Và Đức Giêsu “bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ. Và các môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19). Thiên Chúa đến với những nhu cầu của con người, nhưng Ngài cũng muốn mỗi người trong chúng ta đều sẻ chia sự cảm thông của Ngài một cách cụ thể. Giờ đây chúng ta sẽ nói về những cử chỉ chúc lành của Đức Giêsu: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Mt 14,19). Như người ta thấy, đó chính là những cử chỉ mà Đức Giêsu cũng sẽ thực hiện trong Bữa Tiệc Ly; và đó cũng chính là những cử chỉ mà bất cứ Linh mục nào cũng đều thực hiện khi Ngài cử hành Bí Tích Thánh Thể. Cộng đoàn Kitô giáo luôn luôn tái phát sinh từ sự hiệp hiệp thông Thánh Thể này.
Vì thế, sống sự hiệp thông với Chúa Kitô chính là một cái gì đó hoàn toàn khác với việc lưu lại một cách thụ động và trở nên xa lạ với cuộc sống hằng ngày. Trái lại, sự hiệp thông càng ngày càng thôi thúc chúng ta bước vào trong mối tương quan hơn nữa với những người nam và những người nữ thuộc thời đại chúng ta, để trao tặng cho họ những dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót và của sự quan tâm mà chúng xuất phát từ Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành, và Bí Tích ấy trao ban Đức Giêsu cho chúng ta làm của ăn, cũng dần dần làm cho chúng ta trở thành thân mình của Chúa Kitô cũng như làm cho chúng ta trở nên của ăn tinh thần đối với những người anh chị em. Đức Giêsu muốn đến được với tất cả để mang đến cho tất cả Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài làm cho các tín hữu trở nên những người phục vụ của Lòng Thương Xót. Đức Giêsu đã nhìn thấy đám đông dân chúng, Ngài có sự chạnh thương đối với họ, và đã làm cho bánh hóa nhiều. Ngài cũng đang làm điều đó thông qua Bí Tích Thánh Thể. Và các tín hữu chúng ta, những người lãnh nhận Bánh Thánh Thể, sẽ được chỉ dẫn bởi Đức Giêsu hầu mang sự phục vụ này đến cho người khác, với sự cảm thông riêng của Ngài. Đó là con đường.
Trình thuật về bánh và cá hóa nhiều đã kết thúc với sự xác nhận rằng, tất cả đều ăn no nê, và với việc các mẩu bánh dư thừa được gom lại (xc. Mt 14,20). Khi Đức Giêsu ban tặng một hồng ân cho chúng ta với sự cảm thông và với Tình Yêu của Ngài, khi Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, ôm chúng ta vào lòng, thể hiện Tình Yêu đối với chúng ta, thì Ngài không bao giờ thực hiện những điều đó cách nửa vời, nhưng Ngài thực hiện cách hoàn toàn và trọn vẹn. Giống như nó đã xảy ra ở đây: Tất cả đều ăn no nê. Đức Giêsu lấp đầy con tim và cuộc sống chúng ta bằng Tình Yêu, bằng ơn tha thứ và bằng sự cảm thông của Ngài. Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ của Ngài có khả năng thực thi những đòi hỏi của Ngài. Bằng cách đó, họ sẽ có được kinh nghiệm về con đường mà họ phải đi lên: Cho dân chúng ăn và bảo vệ sự hiệp nhất của dân, và như thế, đứng trong sự phục vụ sự sống và sự hiệp thông.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài giúp Giáo Hội của Ngài biết chu toàn sứ vụ thánh thiêng ấy, trong các gia đình, nơi làm việc, trong các cộng đoàn Giáo xứ, và trong các nhóm mà Ngài thuộc về: một dấu chỉ rõ ràng cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ muốn bỏ rơi ai trong sự cô đơn và trong nỗi khốn cùng, nhờ thế, sự hiệp thông và ơn bình an giữa những con người, và sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa sẽ có thể đến trên chúng ta, vì sự hiệp thông này chính là sự sống cho tất cả mọi người.
Vatican, ngày 17 tháng 08 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng