Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:43

Bài Giáo Lý Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Cửa Thánh Featured

Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, “chính là Cửa ngõ của sự gặp gỡ giữa đau thương của nhân loại và lòng thương cảm của Thiên Chúa”.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 10 tháng 08 năm 2016, được tổ chức trong Đại Thính Đường Phaolô VI. Hôm nay ĐTC giải thích về “Cửa Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót”.

***

An ủi cho một người mẹ (x. Lc 7,11-17)

 

Thân chào quý anh chị em!

Đoạn Phúc Âm theo thánh Luca chúng ta vừa nghe (Lc 7,11-17) trình bày cho chúng ta một phép lạ thật là vĩ đại của Chúa Giêsu: sự sống lại của một người thanh niên. Và tuy thế, trung tâm của câu chuyện không phải là phép lạ, mà là lòng nhân từ của Chúa Giêsu đối với người mẹ của cậu thanh niên đó. Lòng thương xót ở đây mang tên là một tấm lòng thương cảm bao la đối với một người phụ nữ đã mất đi người chồng và bây giờ lại phải đưa đứa con một của bà đi chôn ngoài nghĩa địa. Chính là nỗi đau khổ to lớn này của một bà mẹ đã làm động lòng Chúa Giêsu và thúc đẩy Người làm phép lạ cho kẻ chết sống lại.

Trong phần mở đầu của đoạn này, thánh sử gia đã đề cập dài dòng đến nhiều chi tiết. Ở cổng thị trấn nhỏ Na-in, một ngôi làng, có hai nhóm đông người đến từ hai hướng đối nghịch nhau và chẳng có gì là chung nhau cả, gặp gỡ nhau. Chúa Giêsu, có các môn đệ Người đi theo và cả một đám đông, sắp sửa bước vào trong làng, trong lúc từ trong làng bước ra một đoàn người buồn thảm tiễn đưa người quá cố, và bà mẹ góa bụa của anh ta cùng với nhiều người. Ở gần cổng làng, hai nhóm người chỉ đi phớt qua nhau, mỗi người đi con đường của mình, nhưng đúng vào lúc đó thánh Luca lưu ý tình cảm của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa trạnh lòng thương xót và phán: ‘Bà đừng khóc nữa’. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài; các người khiêng dừng lại, Đức Giêsu phán: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy trỗi dậy” (câu 13-14). Một tấm lòng thương cảm vĩ đại hướng dẫn hành động của Chúa Giêsu: Chính Người đã đóng lại đám đưa ma, Người chạm đến quan tài, và cảm động bởi một tấm lòng thương xót sâu đậm đối với bà mẹ này, Người quyết định đối đầu với thần chết, có thể nói là người đối đầu với thần chết. Và Người sẽ còn đối đầu một cách vĩnh viễn với thần chết, trên cây Thánh Giá.

Trong Năm Thánh này, sẽ rất có ích khi bước qua Cửa Thánh, Của của lòng thương xót, các khách hành hương nhớ đến đoạn Phúc Âm này, diễn ra ở cổng làng Na-in. Khi Chúa Giêsu nhìn thấy người mẹ này than khóc, bà ta đã đi vào trong trái tim của Người! Tại Cửa Thánh, mỗi người đi đến, đều mang theo cuộc sống của riêng mình, với những vui buồn, những dự án và thất bại, những nghi ngờ và lo sợ, để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta xác tín rằng, gần Cửa Thánh, Chúa trở thành gần gũi để gặp gỡ mỗi người trong chúng ta, để ban cho chúng ta lời an ủi mạnh mẽ: “Đừng khóc nữa!” (câu 13). Đó chính là Cửa Ngõ của sự gặp gỡ giữa dau buồn của nhân loại và lòng thương cảm của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa, chúng ta hoàn tất cuộc hành hương của chúng ta trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng nhắc lại với tất cả chúng ta, cũng như Người đã phán cùng người thanh niên quá cố: “Tôi bảo anh, hãy trỗi dậy!” (câu 14). Với mỗi người chúng ta, Người ra lệnh: “Hãy trỗi dậy!”. Thiên Chúa muốn chúng ta đứng thẳng. Người tạo dựng chúng ta để chúng ta đứng thẳng: vì thế lòng thương cảm của Chúa Giêsu thúc đẩy cử chỉ chữa lành, chữa lành chúng tta, và lời khóa là: “Hãy trỗi dậy! Bạn hãy trỗi dậy, như Thiên Chúa đã tạo dựng bạn!”. “Đứng dậy!”. “Nhưng thưa Cha, chúng con sa ngã hoài! - Tiến lên, đứng dậy!”. Đó là lời Chúa Giêsu phán, luôn vậy. Khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta hãy tìm cách nghe trong lòng mình lời phán này: “Đứng dậy!”. Lời phán mạnh mẽ của Chúa Giêsu có thể khiến chúng ta đứng dậy và thực hiện nơi chúng ta cũng như sự vượt qua cái chết để đi tới sự sống. Lời Người làm chúng ta sống lại, ban cho chúng ta hy vọng, làm mạnh lên trái tim chúng ta mệt mỏi, mở ra cho một nhãn quan của thế giới và sự sống vốn đi xa hơn đau khổ và cái chết. Trên Cửa Thánh được khắc ghi cho mỗi người chúng ta kho tàng vô tận của lòng thương xót Thiên Chúa.

Được lời Chúa Giêsu bắt kịp, “người chết liền ngôi lên và bắt đầu nói. Và Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ” (câu 15). Câu này thật là đẹp: nó nói lên lòng nhân từ của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ”. Bà mẹ nhận lại đứa con trai. Khi nhận lại con mình từ tay Đức Giêsu, bà trở thành mẹ lần thứ nhì, nhưng người con này được trả lại cho bà vào lúc này, không phải từ bà mà anh ta nhận được sự sống. Người mẹ và người con như thế, đã nhận được căn tính của từng người nhờ vào lời phán đầy quyền lực của Chúa Giêsu và vào cử chỉ tràn đầy yêu thương của Người. Như vậy, đặc biệt trong Năm Thánh, Giáo Hội Mẹ nhận lại con cái mình, nhận biết nơi chúng sự sống được ban cho chúng nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Chính nhờ vào ân sủng này, ân sủng của Phép Rửa, mà Giáo Hội trở thành mẹ và mỗi người trong chúng ta trở thành con cái của Giáo Hội.

Trước người thanh niên được trở lại đời sống và được trả về cho mẹ anh ta: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (câu 16). Điều mà Chúa Giêsu đã làm, như thế, không phải chỉ là một hành động cứu độ nhằm vào bà mẹ góa và con trai bà, hay là một cử chỉ nhân từ giới hạn trong thị trấn nhỏ bé này. Trong sự cứu độ đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến gặp dân Người, nơi Người, xuất hiện và sẽ còn tiếp tục xuất hiện cho nhân loại mọi ân điển của Thiên Chúa. Khi cử hành lễ mừng Năm Thánh này, mà tôi mong muốn nó được sống trong mọi Giáo Hội riêng biệt, nghĩa là trong mọi Giáo Hội trên thế giới, chứ không chỉ ở Rôma, sao cho toàn thể Giáo Hội trên khắp hoàn cầu hiệp nhất trong một bài ca ngợi khen Chúa.

Ngày hôm nay cũng thế, Giáo Hội nhận biết mình được Thiên Chúa viếng thăm. Vì thế, khi bước tới gần Cửa Thánh lòng thương xót, mỗi người biết rằng mình tới gần ngưỡng cửa của trái tim giầu lòng thương xót của Chúa Giêsu: quả vậy, chính Người, là Ngưỡng Cửa đích thực dẫn đến sự cứu độ và sẽ đưa chúng ta đến một sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chính chúng ta, là con đường xuất phát từ con tim đi đến bàn tay. Có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành cho bạn với lòng thương xót của Người và nói với bạn: “Trỗi dậy!”, và trái tim của bạn đã đổi mới. Thực hiện con đường từ trái tim ra bàn tay có nghĩa là gì? Điều đó có nghia là với một trái tim mới, trái tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi có thể hoàn thành những công trình lòng thương xót qua hai bàn tay của tôi, bằng cách giúp đỡ, chăm sóc tất cả những ai cần đến. Lòng thương xót là một con đường đi từ trái tim và ra đến hai bàn tay, nghĩa là đến những công trình từ thiện.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/jubile-la-porte-sainte-rencontre-entre-la-douleur-de-lhumanite-et-la-compassion-de-dieu/