Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:41

Bài Huấn Từ Của Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Buổi Đi Đàng Thánh Giá Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 31 Featured

LTS: Vào lúc 17g30, Thứ sáu 29-07-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá với giới trẻ tại bãi đất trống “Blonia” (đọc là Buonie). Khoảng hơn 1 triệu bạn trẻ đã tham dự sự kiện này. Buổi đi đàng Thánh Giá được cử hành bằng 5 thứ tiếng: Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italia. Ở mỗi chặng, thánh giá được các bạn trẻ thuộc 14 hiệp hội và phong trào khác nhau vác theo thứ tự gồm: chặng thứ I cộng đồng thánh Egidio; chặng thứ II Hiệp hội trợ giúp các người vô gia cư thánh Alberto Chmielowski; chặng thứ III Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ; chặng thứ IV Nhà bà mẹ cô đơn “Cửa sổ của sự sống”; chặng thứ V Cộng đoàn Con tầu; chặng thứ VI Hiệp hội trợ giúp nhau “Con tầu” tái hội nhập các tù nhân, trợ giúp người thất nghiệp và vô gia cư; chặng thứ VII Chương trình “Madalena” của các nữ tu dòng Đức Bà Thương Xót, tức dòng của thánh nữ Faustina Kowalska, gồm nhà tiếp đón các bà mẹ trẻ và các bà mẹ cô đơn; chặng thứ VIII “Trạm ngừng Giêsu” là phong trào rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ sống xa Chúa; chặng thứ IX Cộng đoàn “Nhà Tiệc Ly” chuyên giúp tái hội nhập các người nghiện ma tuý; chặng thứ X Hiêp hội trợ giúp của cha thánh Pio giúp đỡ vật chất, tâm lý, tinh thần và tư pháp với hai trung tâm và 7 nhà tại Cracovia; chặng thứ XI các nữ tu Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta; chặng thứ XII Cộng đoàn “Bánh sự sống” chuyên trợ giứp trẻ em, người nghèo và người tàn tật cũng như cấp học bổng cho trẻ em nghèo với 7 nhà cho người già và vô gia cư gồm 1000 người; chặng thứ XIII “Nhà thương tại gia” là phong trào chống tệ nạn mại dâm và các hình thức phổ biến cuộc sống tính dục tháo thứ trong xã hội; chặng thứ XIV “Nhà thánh Ladarô” trợ giúp các bệnh nhân nan y cuối đời. Mỗi chặng đều có hoạt cảnh minh họa, một đoạn Phúc Âm, và phần suy niệm quy chiếu cuộc sống ngày nay.

***

***

 

Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han (Mt 25:35-36).

Chúng con thân mến,

Những lời này của Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi xuất hiện quá thường xuyên trong tâm trí của chúng ta: “Thiên Chúa ở đâu?” Thiên Chúa ở đâu, khi sự dữ đang hiện diện trong thế giới của chúng ta, khi có nhiều người nam nữ đang bị đói, vô gia cư, lưu đày và tị nạn? Thiên Chúa ở đâu, khi những người vô tội đang chết như một hậu quả của tình trạng bạo lực, khủng bố và chiến tranh? Thiên Chúa ở đâu, khi những căn bệnh tàn khốc đã phá vỡ các mối liên kết của đời sống và tình cảm? Hay khi các trẻ em bị khai thác và hạ nhục, và chúng cũng chịu cả những căn bệnh trầm kha nữa? Thiên Chúa ở đau, ngay giữa nỗi thống khổ của những người đang hoài nghi và bị bối rối về tinh thần? Đây là những câu hỏi mà nhân loại mà nói theo cách con người thì không có câu trả lời. Chúng ta chỉ có thể nhìn lên Chúa Giêsu và hỏi Ngài. Và câu trả lời của Chúa Giêsu là thế này: “Thiên Chúa ở nơi họ”. Chúa Giêsu ở nơi họ; Ngài đau khổ trong họ và đồng hoá với mỗi người trong số họ cách sâu sắc. Ngài hiệp nhất quá gần gũi với họ như thể là đồng dạng với họ, như nó là, “một thân thể”.

Chính Chúa Giêsu đã chọn lựa để đồng hoá với những anh chị em này của chúng ta là những người đang chịu những cơn đau và khốn cùng ngang qua việc đồng lòng đi trên “con đường của những sầu khổ” dẫn đến đồi Can-vê. Bằng việc chết trên thập giá, Ngài đã giao phó chính bản thân Ngài cho bàn tay của Chúa Cha, mặc lấy chính bản thân Ngài và ở nơi Ngài, bằng tình yêu tự hiến, những vết thương thể lý, luân lý và tinh thần của toàn thể nhân loại. Bằng việc ôm lấy thập giá gỗ, Chúa Giêsu ôm lấy người mình trần, người đói và khát, người cô đơn, sự đau đớn và sự chết của những người nam nữ của hết mọi thời đại. Đêm nay, Chúa Giêsu, và chúng ta cùng với Ngài, ôm lấy bằng tình yêu đặc biệt những anh chị em của chúng ta từ Syria là những người đang chạy trốn chiến tranh. Chúng ta hãy chào họ và chúng ta đón nhận họ bằng tình yêu huynh đệ và bằng hữu.

Bằng việc theo Chúa Giêsu trên Con Đường của Thập Giá, chúng ta một lần nữa nhận ra được tầm quan trọng của việc noi gương Ngài qua mười bốn công việc của lòng thương xót. Những công việc này sẽ giúp chúng ta biết mở ra cho lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn xin ân sủng để biết chân nhận rằng không có lòng thương xót chúng ta chẳng thể làm được gì; không có lòng thương xót, kể cả Cha hay các con hay bất kì ai trong chúng ta có thể làm được việc gì. Trước hết chúng ta hãy suy đến bảy công việc thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho kẻ mình trần áo mặc, cho người vô gia cư trú ngụ, thăm người bệnh và những người trong tù, và chôn cất người chết. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì chúng ta cũng hãy cho đi nhưng không. Chúng ta được mời gọi để phục vụ Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở nơi tất cả những người bị gạt ra bên lề, để chạm đến thân xác thánh của Ngài ở nơi những người kém may mắn, ở nơi những người đói và khát, ở nơi người mình trần và tù đày, người đau bệnh và người thất nghiệp, ở nơi những người bị bách hại, những người tị nạn và di dân. Ở đó chúng ta tìm thấy Thiên Chúa của chúng ta; ở đó chúng ta chạm đến Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta điều này khi Ngài giải thích tiêu chí mà chúng ta sẽ bị kết án trên đó: bất cứ ai làm những việc này cho người bé mọn nhất trong anh em của chúng ta, thì họ đang làm việc ấy cho Ngài (x. Mt 25:31-46).

Sau những công việc thể lý của lòng thương xót là công việc thiêng liêng: an ủi kẻ âu lo, hướng dẫn người ngu muội, tha thứ cho các tội nhân, an ủi người bị áp bức, tha thứ những xúc phạm, chịu đựng những sai trái cách nhẫn nại, cầu nguyện cho người sống và kẻ chết. Trong việc đón nhận những người bị loại trừ là những người chịu đau khổ về thể lý và đón nhận các tội nhân là những người chịu đau khổ về tinh thần, thì uy tín của chúng ta trong tư cách là các Kitô Hữu đang gặp thách đố.

Nhân loại ngày nay đang cần những người nam nữ, và đặc biệt, người trẻ như các con, những người không muốn sống cuộc sống “nửa vời”, những người trẻ sẵn sàng dùng cuộc sống của mình để phục vụ cách nhưng không những người trong số anh chị em của chúng ta là những người nghèo khổ và bị tổn thương nhất, theo gương Đức Kitô Đấng đã trao ban chính bản thân Ngài hoàn toàn vì ơn cứu độ của chúng ta. Trong khi đối diện với sự dữ, đau khổ và tội lỗi, sự đáp trả khả thể duy nhất đối với một môn đệ của Chúa Giêsu là quà tặng bản thân, ngay cả mạng sống của mình, theo gương Đức Kitô; đó là thái độ phục vụ. Trừ khi những người tự nhận mình là Kitô Hữu sống để phục vụ, còn không thì cuộc sống của họ chẳng có một mục đích tốt lành nào. Ngang qua cuộc sống của họ, họ chối bỏ Đức Giêsu Kitô.

Đêm nay, các bạn thân mến, một lần nữa Chúa mời gọi các con hãy ở trận tuyến của việc phục vụ người khác. Ngài muốn làm cho mỗi người trong số các con trở thành một sự đáp trả cụ thể trước những nhu cầu và nỗi thống khổ của nhân loại. Ngài muốn các con trở thành những dấu chỉ của tình yêu thương xót của Ngài cho thời đại chúng ta! Để giúp các con thi hành sứ mạng này, Ngài chỉ cho các con một con đường của sự dấn thân cá nhân và hy sinh bản thân. Đó là Con Đường Thập Giá. Con Đường Thập Giá là con đường của sự trung thành trong việc theo Chúa Giêsu đến cùng, trong những hoàn cảnh quá thường là bi đát của cuộc sống hằng ngày. Đó là con đường không sợ thiếu sự thành công, lưu đày, hay cô tịch, vì con đường này lấp đầy tâm hồn chúng ta bằng sự tròn đầy của Chúa Giêsu. Con Đường Thập Giá là con đường của sự sống của chính Thiên Chúa, “phong cách” của Ngài, điều mà Chúa Giêsu mang lấy ngay cả đi đến những nẻo đường của xã hội đôi khi bị chia rẽ, bất công và hư hỏng.

Chỉ Con Đường Thập Giá mà thôi mới đánh bại tội lỗi, sự dữ và sự chết, vì con đường này dẫn đến ánh sáng huy hoàng của sự phục sinh của Đức Kitô và mở ra những chân trời của một sự sống mới và tròn đầy hơn. Đó là con đường của niềm hy vọng, con đường của tương lai. Những người đi theo con đường này bằng sự đại lượng và niềm tin sẽ mang lại niềm hy vọng và một tương lai cho nhân loại.

Các bạn trẻ thân mến, vào Thứ Sáu Tuần Thánh ấy nhiều môn đệ đã chán nản trở về với quê hương của họ. Những người khác thì chọn để đi ra khỏi đất nước để quên đi thập giá. Cha hỏi các con: Đêm nay các con sẽ trở về nhà các con, nơi mà các con đang sống thế nào? Các con muốn trở về sau tối nay để ở một mình với những suy nghĩ của các con thế nào? Mỗi người các con hãy có câu trả lời trước thách đố mà những câu hỏi này đặt ra cho các con.