Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:40

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Những Người Chúng Ta Bỏ Rơi Lại Chính Là Thiên Chúa Featured

LTS: Ngày Chúa Nhật 10/07/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự giờ Kinh Truyền Tin với khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong lời chia sẻ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh giác, chúng ta sẽ bị xét xử trên những việc làm nhân lành của mình”.

***

***

 

Thân chào quý anh chị em!

Hôm nay, phụng vụ đề nghị với chúng ta dụ ngôn “người Samari nhân lành”, trích từ Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 10,25-37). Trong câu chuyện đơn sơ nhưng thú vị, dụ ngôn cho thấy một lối sống, mà trọng tâm không phải là chính chúng ta, nhưng là người khác, với những khó khăn của họ, mà chúng ta gặp thấy trên đường chúng ta đi và họ chất vấn chúng ta. Người khác chất vấn chúng ta. Khi người khác không chất vấn chúng ta, tức là có chuyện gì không ổn. Có chuyện gì không phải là Kitô giáo trong lòng. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này trong cuộc đối thoại với một luật sĩ, về hai điều răn để được sống đời đời: Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương người thân cận như chính mình vậy (câu 25-28).

“Vâng - vị luật sĩ đáp lại – nhưng ai là người thân cận của tôi?” (câu 29). Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể đặt cho mình câu hỏi này: ai là người thân cận của tôi? Ai là người tôi phải yêu mến như chính mình? Cha mẹ tôi chăng? Bạn bè tôi chăng? Đồng bào tôi chăng? Những người đồng đạo của tôi chăng?... Ai là người thân cận của tôi?.

Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn này. Một người, dọc đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, đã bị bọn cướp tấn công, đánh đập và bỏ lại trên đường. Đi qua quãng đường đó, thoạt đầu là một thầy tư tế và một thầy Lêvi, họ thấy người bị thương, nhưng không dừng lại và tiếp tục đi (câu 31-32). Sau đó, có một người Samari đi ngang qua, người này là dân xứ Samari, và vì thế mà bị người Do Thái khinh khi như những người không giữ đúng đạo chính thống; và trái lại, chính là người này, chính ông ta, khi nhìn thấy người bị nạn “đã chạnh lòng thương. Ông lại gần, và băng bó vết thương cho người ấy (…); đưa về quán trọ mà săn sóc” (câu 33-34); và ngày hôm sau, ông ta gửi gấm người ấy cho người chủ quán để săn sóc, trả tiền thay cho người ấy và nới với ông chủ quán rằng, ông sẽ hoàn lại những phí tổn còn lại (x. câu 35).

Tới đây, Chúa Giêsu quay sang vị luật sĩ và hỏi ông ta: “Trong ba người đó - thầy tư tế, thầy Lêvi và người Samari – theo ý ông, ai là người thân cận của kẻ bị rơi vào tay bọn cướp?”. Và ông này, thông minh, đáp rằng: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (câu 36-37). Bằng cách đó, Chúa Giêsu đã hoàn toàn lật ngược viễn cảnh sơ khởi của ông luật sĩ – và cũng là của chúng ta! –: tôi không được phân loại những người khác để quyết định ai là người thân cận của tôi và ai không phải. Là hay không là người thân cận, hoàn toàn tùy thuộc về tôi. Đó là quyết định của tôi. Hoàn toàn tuỳ thuộc về tôi, là hay không là người thân cận của người mà tôi gặp thấy và đang cần sự giúp đỡ, cho dù người đó có là người xa lạ, kể cả là thù nghịch. Và Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi và hãy làm như vậy” (câu 37). Bài học quá hay.  Và tôi lập lại câu nói này với mỗi người chúng ta: “Và bạn nữa, bạn hãy đi và hãy làm như vậy”, hãy trở thành người thân cận của người anh em, của người chị em mà bạn thấy trong tình trạng khó khăn. Hãy đi và hãy làm như vậy. Làm những việc lành. Không chỉ bằng lời nói thoảng bay trong gió. Tôi nghĩ đến bài hát này “Lời nói, lời nói, lời nói” (bài hát tiếng Italia do Dalida hát, lbbt). Không! Làm! Làm!.

Qua những việc lành, mà chúng ta hoàn thành với yêu thương và niềm vui đối với người thân cận, đức tin của chúng ta nẩy mầm và mang hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi, và mỗi người tự trả lời trong lòng mình: đức tin của chúng ta có sinh sôi nẩy nở không? Có làm ra những việc lành không? Hay nó lại khô cằn, và như thế, chết nhiều hơn sống? Tôi có trở thành người thân cận hay tôi tránh sáng một bên mà đi? Tôi có là người lựa chọn người ta theo ý thích của mình không? Thật có ích khi năng đặt những câu hỏi đó cho mình, bởi vì sau cùng, chúng ta sẽ bị xét xử về những việc lành; Chúa sẽ có thể phán với chúng ta: “Này con, con có còn nhớ không, trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, cái người nửa sống nửa chết kia, đó chính là Ta? Con có nhớ không? Đứa trẻ đói khát nọ, nó chính là Ta. Con có nhớ không? Cái người di cư mà nhiều người muốn xua đuổi, đó chính là Ta. Những ông bà nội, ngoại cô đơn, bị bỏ rơi trong các nhà dưỡng lão, đó chính là Ta. Người bệnh cô đơn trong bệnh viện, không có ai thăm viếng, đó chính là Ta” (x. Mt 25,40-45).

Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta bước trên con đường yêu thương rộng lượng đi tới người khác, con đường của người Samari nhân lành. Mong Đức Mẹ giúp cho chúng ta sống giới răn chính mà Đức Kitô đã truyền dạy cho chúng ta. Đó chính là con đường để tiến vào sự sống đời đời.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/le-migrant-rejete-la-personne-abandonnee-cest-dieu/