“Tôi phải thay đổi, tôi không thể tiếp tục làm như thế được… Trên con đường này, cuộc sống của tôi không đơm bông kết trái. Cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa và làm cho tối bất hạnh”.
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngoại thường trong Năm Thánh ngày Thứ Bảy, 18 tháng 06 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Lòng thương xót và sự sám hối” (Lc. 24,45-48).
***
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp.
Sau khi phục sinh, và trước khi bước vào trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Bản văn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (Lc 24,45-48) tường thuật về một trong những cuộc hiện ra đó. Trong cuộc hiện ra này, Chúa Giêsu đã đưa ra chỉ dẫn về nội dung căn bản của việc loan báo Tin Mừng được thực hiện trên toàn thế giới bởi các Tông Đồ. Chúng ta có thể tóm tắt nội dụng đó bằng hai từ: “Sám Hối” và “Tha Thứ tội lỗi”. Cả hai khía cạnh này đều chỉ cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng chăm lo cho chúng ta với trọn Tình Yêu. Ngày hôm nay chúng ta sẽ lưu tâm tới sự Sám Hối.
Sự Sám Hối hệ tại ở điều gì? Nó gặp gỡ chúng ta trong toàn bộ Kinh Thánh, và đặc biệt là trong sự giảng dậy của các Ngôn Sứ. Các Ngài đã không ngừng kêu gọi dân Chúa hãy “trở về cùng Thiên Chúa” thông qua việc cầu xin ơn tha thứ và thay đổi cách sống. Theo các Ngôn Sứ, Sám Hối bao hàm một sự đổi hướng và một sự tái quay về cùng Thiên Chúa trên nền tảng của niềm xác tín rằng, Ngài yêu thương chúng ta, và Tình Yêu của Ngài luôn tín trung. Hãy trở về cùng Thiên Chúa.
Ngay lời đầu tiên trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kêu mời sám hối: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Với lời công bố đó, Chúa Giêsu đã mạc khải chính bản thân Ngài cho dân chúng, và đã mời gọi người ta hãy đón nhận Lời của Ngài như là lời cuối cùng và có tính chung cuộc, mà Thiên Chúa Cha hướng tới nhân loại (xc. Mc 12,1-11). Trong sự so sánh với việc giảng dậy của các Ngôn Sứ, xem ra Chúa Giêsu có vẻ kiên định hơn trên chiều kích nội tâm của sự Sám Hối. Trong thực tế, sự Sám Hối bao hàm toàn thể con người – cả con tim lẫn tinh thần – và tạo nên một cuộc tân sáng tạo: một con người mới. Con tim được biến đổi và con người được canh tân.
Khi Chúa Giêsu kêu gọi sám hối, Ngài đã không coi mình như một thẩm phán của con người, nhưng gần gũi chúng ta và chia sẻ kiếp hiện sinh của chúng ta, đồng hành với chúng ta cả khi chúng ta đi ngoài đường, lúc chúng ta ở trong nhà, lẫn khi chúng ta ngồi nơi bàn ăn. Lòng Thương Xót đối với những người mà họ phải thay đổi cuộc sống của mình, biểu lộ trong sự hiện diện đầy Tình Yêu của Ngài, và bao hàm mỗi người trong lịch sử cứu độ của Ngài. Chúa Giêsu đã làm chứng cho con người với tất cả Tình Yêu, và với hành vi đó, Ngài đã đụng chạm tới con tim của con người nơi chiều sâu. Về phía mình, con người cảm thấy được lôi cuốn bởi Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, cũng như cảm thấy được thúc giục hãy thay đổi cuộc sống của mình. Chẳng hạn như sự Sám Hối của Matthew (xc. Mt 9,9-13) và của Giakeu (xc. Lc 19,1-10) đã diễn ra trên cách thức như thế, vì các ông cảm thấy mình được yêu thương bởi Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu, bởi Thiên Chúa Cha. Sự Sám Hối thực sự sẽ tiếp diễn khi chúng ta đón nhận quà tặng ân sủng của Thiên Chúa; và một dấu chỉ rõ ràng của sự Sám Hối thực sự hệ tại ở chỗ là chúng ta sẽ nhận ra những nỗi khốn cùng của những người anh chị em, và sẵn sàng đi đến với họ.
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng vẫn thường xuyên cảm thấy cần phải có một sự thay đổi mà nó bao hàm toàn bộ kiếp hiện sinh của chúng ta! Chúng ta thường hay tự nhủ: “Tôi phải thay đổi, tôi không thể tiếp tục làm như thế được… Trên con đường này, cuộc sống của tôi không đơm bông kết trái. Cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa và làm cho tối bất hạnh”. Những tư tưởng như thế vẫn thường đến với chúng ta, rất thường xuyên!... Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh chúng ta với cánh tay giơ ra và nói: “Con hãy đến đây, hãy đến đây cùng Ta. Ta sẽ thực hiện công việc biến đổi trái tim của con. Ta sẽ biến đổi cuộc sống của con. Ta sẽ làm cho con được hạnh phúc”. Nhưng chúng ta có thực sự tin như thế không? Chúng ta có tin vào điều đó hay không? Anh chị em nghĩ sao: Anh chị em có tin hay không? Hãy vỗ tay to lên nào: anh chị em tin hay không? (mọi người hô: có ạ!). Vấn đề là như thế. Chúa Giêsu ở bên chúng ta và mời gọi chúng ta hãy thay đổi cuộc sống, Ngài là Đấng, với Chúa Thánh Thần, rắc gieo vào trong chúng ta niềm bất an để chúng ta thay đổi cuộc sống và trở nên tốt hơn một chút mỗi ngày. Vì thế, chúng ta hãy vâng theo lời mời gọi ấy của Chúa Giêsu, đừng phản kháng lại, vì chỉ khi chúng ta mở tâm hồn chúng ta ra cho Lòng Thương Xót của Ngài, thì khi ấy chúng ta mới tìm thấy được sự sống và niềm vui đích thực. Chúng ta chỉ cần mở những cánh cửa ra, còn Ngài sẽ thực hiện những việc còn lại. Ngài sẽ làm tất cả, nhưng chúng ta phải là những người mở tâm hồn mình ra để Ngài có thể chữa lành chúng ta và làm cho chúng ta tiến về phía trước. Cha bảo đảm với anh chị em rằng, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Cám ơn anh chị em.
Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Bảy ngày 18 tháng 06 năm 2016.
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng