Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:36

Bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô: Lòng Thương Xót chính là Ánh Sáng Featured

Biết bao lần, khi chúng ta thấy những người đó ngoài đường phố - những người túng thiếu, những người bệnh hoạn, những người không có gì để ăn – chúng ta thấy bực mình. Biết bao lần, khi chúng ta đứng trước tất cả những người tỵ nạn đó, chúng ta bực mình. Đấy là một cam dỗ mà tất cả chúng ta đều có. Tất cả, kể cả tôi nữa!.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 15 tháng 06 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Lòng Thương Xót chính là Ánh Sáng” theo Lc 18,35-43.

***

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào một ngày kia, khi Chúa Giêsu đang đi tới gần thành phố Giêrikhô, Ngài đã thực hiện một phép lạ cho một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, khiến ông ta tái nhìn thấy (xc. Lc 18,35-43). Vì dấu chỉ này cũng đụng chạm tới chúng ta, do đó hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của nó. Theo Tin Mừng của Thánh Luca, người mù này ngồi bên vệ đường để ăn mày của bố thí (xc. Lc 18,35). Vào thời điểm đó – và thậm chí trong một thời gian dài cho tới cách nay không lâu – một người mù chỉ có thể sống nhờ vào của bố thí. Nhân vật người mù này đại diện cho rất nhiều người mà họ cũng đang còn bị loại trừ vì một bất lợi về cơ thể hay vì một bất lợi khác. Anh bị tách ra khỏi đám đông, và ngồi một chỗ, trong khi đám đông lại bận rộn và bỏ đi với cái đầu ngập tràn những toan tính riêng… Con đường có thể trở thành nơi để gặp gỡ, nhưng đối với ông, nó lại là một nơi của nỗi cô đơn. Một đám đông chật ních người đi ngang qua… còn ông thì ngồi đó một mình.

Sự mù lòa của một người bị loại trừ rất đáng buồn, đặc biệt là nó diễn ra ngay ở vùng ngoại ô của thành phố Giêrikhô, một ốc đảo chói sáng và phồn vinh trong sa mạc. Chúng ta biết có một điều trớ trêu rằng, vào cuối cuộc hành trình dài trốn khỏi Aicập, dân Israel đã đến Giêrikhô: Thành phố này được coi như là cổng đi vào Đất Hứa. Chúng ta hãy nhớ tới những lời của Mô-sê nhân dịp này: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng; Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em)” (Đnl 15,7.11). Có một sự tương phản đáng kể giữa mệnh lệnh của Lề Luật Thiên Chúa và tình huống được mô tả bởi Tin Mừng: Trong lúc người mù gọi Chúa Giêsu với giọng rất lớn, thì đám đông lại trách móc anh, họ bắt anh phải im tiếng, làm như thể là anh không có quyền được nói. Họ đã không có sự cảm thông đối với anh. Đúng hơn, họ cảm thấy bị quấy rầy bởi tiếng kêu cầu của anh. Chúng ta thường cảm thấy bối rối như thế nào khi chúng ta nhìn thấy rất nhiều người trên đường mà họ là những người nghèo túng và bệnh tật và không có gì để ăn. Chúng ta thường cảm thấy bối rối như thế nào khi chúng ta đứng đối diện với những người bị trục xuất và những người tị nạn. Đó là một cơn cám dỗ mà tất cả chúng ta đều bị liên lụy tới; tất cả, cả Cha nữa! Vì lý do đó mà Lời Chúa cảnh báo chúng ta, bằng cách nhắc cho chúng ta nhớ rằng, thái độ thờ ơ lãnh đạm và thái độ thù địch sẽ làm cho chúng ta trở nên mù lòa và điếc lác, và không tạo điều kiện cho chúng ta nhận ra Thiên Chúa trong những người anh em của chúng ta. Đôi khi sự thờ ơ lãnh đạm và thái độ thù địch thậm chí còn trở thành hành động gây hấn và xúc phạm: “Hãy đuổi bọn chúng đi!”, “Hãy dẹp chúng sang một bên!”. Với hành động gây hấn, người ta sẽ đối xử với anh mù khi anh ta kêu lên: “Mày cút đi dùm cái, đừng có la ó cũng đừng kêu ca gì nữa!”.

Chúng ta nhận thấy một chi tiết đáng lưu ý. Tác Giả Tin Mừng thuật lại rằng, một người trong đám đông đã giải thích cho người mù biết lý do tại sao mà lại có đông người đến thế: “Đức Giêsu thành Nazareth đi ngang qua” (Lc 18,37). Sự đi ngang qua của Chúa Giêsu được đặt tên bằng một động từ, mà trong sách Xuất Hành, sự đi ngang qua của vị Thiên Thần có sứ mạng tiêu diệt cũng được miêu tả bằng động từ đó, đó là Thiên Thần đã cứu người Israel tại Aicập (xc. Xh 12,23). Đó là sự “Vượt Qua” của cuộc Phục Sinh, sự khởi đầu của ơn cứu thoát: Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, thì ơn giải thoát sẽ luôn ngự trị! Đối với người mù thì ở đây xem ra như thể là sự phục sinh của ông được công bố vậy. Không hề sợ hãi, người mù càng kêu cầu Chúa Giêsu cách mãnh liệt hơn, và nhìn nhận Ngài là con vua David, là Đấng Messia đang được mong chờ, đó là Đấng mà theo Ngôn Sứ Isaia, sẽ mở mắt cho những người mù (xc. Is 35,5). Trái ngược hẳn với đám đông, người mù đã nhìn xem sự việc bằng cặp mắt Đức Tin. Nhờ vào Đức Tin đó, lời kêu xin của ông có được một hiệu lực to lớn. Khi Chúa Giêsu nghe được những lời kêu cầu của anh, Ngài đã dừng lại, và ra lệnh cho người ta mang anh tới với mình (xc. Lc 18,40). Bằng cách đó, Chúa Giêsu đã đón anh mù từ vệ đường và đặt anh ta vào trong trung tâm điểm của sự chú ý.

Chúng ta cũng hãy nhớ tới những hoàn cảnh tồi tệ trong cuộc sống chúng ta, cũng như hãy nhớ tới những kinh nghiệm về tội lỗi, mà ngay trong những hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã cầm lấy tay chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi vệ đường, và tặng ban ơn cứu độ cho chúng ta. Và như thế, một cuộc vượt qua kép đã được hiện thực hóa. Thứ nhất: Đám đông dân chúng công bố cho người mù một Tin Mừng, nhưng lại muốn anh đừng làm gì với Tin Mừng ấy; giờ đây Chúa Giêsu bắt buộc tất cả phải ý thức về tình hình chung quanh mình rằng, một tin vui sẽ bao hàm việc đặt những người bị loại trừ vào trong trung tâm con đường của mình. Thứ hai: về phía mình, người mù không nhìn thấy gì, nhưng Đức Tin của anh lại giúp anh san bằng con đường dẫn tới ơn cứu độ, và anh ở trong giữa những người đã đi trên đường để nhìn thấy Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, cuộc đi ngang qua của Chúa Giêsu chính là một cuộc gặp gỡ của Lòng Thương Xót, mà Lòng Thương Xót ấy sẽ hiệp nhất tất cả chúng ta lại chung quanh Ngài, để có thể nhận ra ai là người đang cần tới sự giúp đỡ cũng như sự ủi an. Ngay cả trong cuộc sống chúng ta, Chúa Giêsu cũng đi ngang qua; và khi Chúa Giêsu đi ngang qua và tôi nhìn thấy điều đó, thì đó là một lời mời gọi, mời tôi hãy đến gần với Ngài, để trở nên tốt lành, trở nên một Kitô hữu tốt hơn, cũng như hãy đi theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã hướng về người mù câu hỏi sau đây: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18,41). Những lời đó của Chúa Giêsu hết sức gây ấn tượng: giờ đây Con Thiên Chúa đứng như một viên đầy tớ khiêm nhượng trước người mù. Chúa Giêsu, Thiên Chúa hiện thân, nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh muốn tôi phục vụ anh như thế nào?”. Thiên Chúa trở thành tôi tớ của con người tội lỗi. Trong câu trả lời của mình, người mù không gọi Chúa Giêsu là “Con Vua David” nữa, nhưng gọi Ngài là “Chúa”, đó là một tước hiệu mà Giáo hội đã dành cho Chúa Giêsu phục sinh ngay từ những ngày đầu của mình. Người mù đã xin cho mình lại có thể được nhìn thấy, và niềm mong muốn của anh đã được Chúa Giêsu lấp đầy: “Anh sẽ lại nhìn thấy. Đức Tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 18,42). Anh ta đã chứng tỏ Đức Tin của mình bằng cách là anh ta kêu cầu Chúa Giêsu, và kiên trì hiện diện ở đó để gặp gỡ Ngài. Điều đó đã tặng ban cho anh ơn cứu thoát. Nhờ vào Đức Tin, giờ đây anh đã có thể nhìn thấy, và đặc biệt cảm thấy mình được yêu thương bởi Chúa Giêsu. Vì thế, trình thuật đã kết thúc với chi tiết sau: người mù ngợi khen Thiên Chúa (xc. Lc 18,43): và đi theo Chúa Giêsu. Từ một người hành khất bên vệ đường, giờ đây anh trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Đó cũng là con đường của chúng ta: Tất cả chúng ta cũng đều là những người hành khất, tất cả. Chúng ta luôn luôn cần tới ơn cứu độ. Và tất cả chúng ta phải đặt ra cho mình bước đi mỗi ngày, để tiến từ một người hành khất bên vệ đường đến chỗ trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Vì thế, người mù đã đi theo Chúa Giêsu và trở thành thành viên của cộng đoàn. Từ chỗ là người nên câm lặng, giờ đây anh trở thành người làm chứng với giọng nói lớn cho cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu thành Nazareth, và “tất cả những ai đã thấy điều đó, đều cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 18,43).

Một phép lạ tiếp theo đã được thực hiện: Điều xảy ra cho anh mù sẽ dẫn tới chuyện đám đông dân chúng được nhìn thấy. Ánh sáng ngang nhau đã soi sáng cho tất cả, và hiệp nhất tất cả trong lời nguyện ngợi ca. Chúa Giêsu đã đổ tràn Lòng Thương Xót của Ngài trên tất cả những ai gặp gỡ Ngài. Ngài kêu mời họ hãy đến với Ngài, thâu hợp họ lại, chữa lành và soi sáng cho họ, bằng cách là Ngài thành lập một dân mới, dân đó sẽ cử hành và vui mừng về những điều kỳ diệu phát xuất từ Tình Yêu xót thương của Ngài. Chúng ta cũng hãy để cho mình được kêu gọi bởi Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để cho mình được chữa lành và được thứ tha bởi Chúa Giêsu, và chúng ta hãy đi theo Chúa Giêsu để ngợi khen Thiên Chúa. Amen.

 

Quảng trường Thánh Phêrô, thứ Tư ngày 15 tháng 06 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng