“Thiên Chúa vẫn còn giữ rượu ngon lại cho ơn cứu độ của chúng ta, giống như Ngài vẫn hằng tuôn trào rượu đó ra từ con tim và từ cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài”.
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 08 tháng 06 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Dấu chỉ thứ nhất của lòng thương xót” Ga 2,1-11).
***
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Trước khi Cha bắt đầu bài Giáo Lý, Cha muốn chào thăm một nhóm các cặp vợ chồng mà hôm nay họ cử hành Lễ Kim Khánh mừng Ngày Cưới lần thứ 50. Đó là “rượu hảo hạng” của gia đình! Chứng tá của anh chị em phải trở nên như mẫu gương cho những người mới lập gia đình – mà tí nữa Cha sẽ nồng nhiệt kính chào họ - và cho những bạn trẻ. Ở đây, đó là một chứng tá tuyệt diệu, và Cha muốn cám ơn anh chị em về chứng tá đó.
Sau khi chú giải một số dụ ngôn về Lòng Thương Xót, hôm nay chúng ta sẽ dừng lại nơi phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Tin Mừng theo Thánh Gioan mô tả phép lạ này là một “dấu chỉ”, vì Chúa Giêsu không muốn thực hiện một phép lạ qua chuyện đó, nhưng chỉ muốn mạc khải về Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Thánh Gioan đã tường thuật về dấu lạ kỳ diệu đầu tiên này ở Ga 2,1-11, và nơi diễn ra dấu lạ này là Cana, thuộc Galilêa. Đó là một dạng “cổng vào” mà qua đó, những lời và những cách diễn tả được viết lên. Đó là những lời làm sáng tỏ toàn bộ mầu nhiệm Chúa Giêsu, và mở con tim của các môn đệ ra cho Đức Tin. Giờ đây chúng ta hãy chiêm ngưỡng một chút về dấu lạ này.
Trong lời dẫn nhập, chúng ta bắt gặp cụm từ: “Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài” (Ga 2,2). Bất cứ người nào được Chúa Giêsu kêu gọi đi theo Ngài, thì Ngài cũng đều liên kết họ trong một mối hiệp thông với chính Ngài, và giờ đây tất cả họ đều được mời tham dự tiệc cưới, giống như trong một đại gia đình. Với sự khai mạc hoạt động công khai của Ngài tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình là Tân Lang của dân Thiên Chúa như đã được các Ngôn Sứ loan báo, và mạc khải cho chúng ta biết về chiều sâu của mối tương quan mà nó liên kết chúng ta với Ngài: một Giao Ước Tình Yêu. Điều gì là nền tảng của Đức Tin chúng ta? Thưa, đó là một hành vi của Lòng Thương Xót, mà với nó Chúa Giêsu đã liên kết chúng ta với Ngài. Và đời sống Kitô giáo chính là câu trả lời cho Tình Yêu ấy, nó giống như câu chuyện của hai người yêu nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm kiếm nhau, thấy nhau, cùng vui mừng với nhau, và cùng yêu nhau: nó diễn ra như người yêu với người được yêu trong sách Diễm Ca. Phần còn lại chính là kết quả của mối tương quan này. Giáo hội chính là gia đình của Chúa Giêsu mà Tình Yêu của Ngài được đổ vào đó; Giáo hội bảo vệ Tình Yêu ấy, và muốn trao tặng Tình Yêu ấy cho mọi con người.
Trong bối cảnh Giao Ước, chúng ta cũng hiểu được sự phát hiện của Mẹ Thiên Chúa: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3). Một đám cưới sẽ được tổ chức thế nào khi nó thiếu điều mà các Ngôn Sứ mô tả như là một yếu tố tiêu biểu của bàn tiệc thời Messia (xc. Am 9,13-14; Gl 2,24; Is 25,6). Nước là điều quan trọng đối với sự sống, nhưng rượu lại là sự diễn tả về sự hoàn hảo của một bữa tiệc và niềm vui của một đại Lễ. Tuy nhiên, trong tiệc cưới này lại thiếu rượu; đôi tân hôn rất lấy làm xấu hổ về chuyện đó. Anh chị em hãy tưởng tượng xem, một đám cưới mà lại phải kết thúc bằng nước trà thì sẽ ra sao; điều đó quả là một sự nhục nhã. Rượu là một thành phần cần thiết của một bữa tiệc. Nhờ vào việc biến nước lã đang được đựng trong những chiếc chum “dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do Thái” (Ga 2,6) thành rượu, Chúa Giêsu đã đặt ra một dấu chỉ tương ứng: Ngài biến luật Môsê thành Phúc Âm, thành Tin Mừng. Thánh Gioan đã nói về điều đó ở một đoạn khác rằng: nhờ Môsê mà có Lề Luật, còn ân sủng và Chân Lý thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có (Ga 1,17).
Những lời của Đức Maria nói với những người giúp việc chính là điểm cao của tiệc cưới Cana: “Người nói sao, các anh cứ làm như vậy!” (Ga 2,5). Đặc biệt, đó là những lời cuối cùng của Mẹ được tường thuật lại bởi các sách Tin Mừng: đó là di sản mà Mẹ chuyển giao lại cho tất cả chúng ta. Ngay cả trong thời đại hôm nay, Mẹ Thiên Chúa cũng đang nói với tất cả chúng ta: “Người bảo sao, các con cứ làm như vậy – Chúa Giêsu nói gì, các con cứ làm theo thể ấy!” Đó là di sản mà Mẹ đã để lại cho chúng ta: thật là tuyệt vời biết chừng nào! Cách diễn tả đó nhắc nhớ tới công thức Đức Tin được dân Israel sử dụng tại sa mạc Sinai như là câu trả lời trước lời hứa của Giao Ước: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thực hiện theo!” (Xh 19,8). Trong thực tế, những người giúp việc tại Cana đã tuân theo. “Chúa Giêsu nói với những người giúp việc: hãy đổ đầy nước vào những chiếc chum! Và họ đã đổ đầy nước vào những chiếc chum đó cho đến khi nước tràn cả ra ngoài. Ngài nói với họ. Bây giờ các anh hãy múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông” (Ga 2,7-8). Tại tiệc cưới này, trong thực tế, một Giao Ước mới đã được thiết lập, và một sứ mạng mới đã được ủy thác cho những người tôi tớ của Thiên Chúa cũng như cho toàn thể Giáo hội: “Người nói gì, các anh cứ làm như vậy!” Phục vụ Thiên Chúa có nghĩa là lắng nghe lời Ngài và đem Lời đó ra thực hành. Đó là lời khuyên đơn giản nhưng căn bản của Thân Mẫu Chúa Giêsu, và đó là chương trình sống của người Kitô hữu. Múc từ chum có nghĩa là, Lời Thiên Chúa đã được ủy thác cho từng người một trong chúng ta để có được kinh nghiệm về hiệu lực của Lời Chúa trong đời sống. Giờ đây chúng ta cũng có thể cùng với người quản tiệc, tức người đã nếm nước được biến thành rượu, kêu lên: “Còn anh lại giữ rượu ngon lại cho đến bây giờ!” (Ga 2,10). Vâng, Thiên Chúa vẫn còn giữ rượu ngon lại cho ơn cứu độ của chúng ta, giống như Ngài vẫn hằng tuôn trào rượu đó ra từ con tim và từ cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài.
Trình thuật kết thúc giống như một lời tuyên cáo: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilêa, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Thực ra, tiệc cưới Cana mang nhiều ý nghĩa hơn là một trình thuật đơn giản về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như một cái rương, Ngài bảo vệ mầu nhiệm Ngôi Vị của Ngài cũng như mục đích của việc Ngài đến: Vị Tân Lang được mong đợi đã khai mạc tiệc cưới mà nó được nên trọn trong mầu nhiệm Phục Sinh. Trong tiệc cưới này, Chúa Giêsu đã liên kết các môn đệ của Ngài lại với chính bản thân Ngài trong một Giao Ước mới và chung cuộc. Tại Cana, các môn đệ của Chúa Giêsu đã trở thành gia đình của Ngài, và tại Cana, Đức Tin của Giáo hội đã phát sinh. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự tiệc cưới, vì rượu mới sẽ không bao giờ thiếu nữa!
Quảng trường Thánh Phêrô, sáng thứ Tư ngày 08 tháng 06 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng