Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:36

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Tương Quan Giữa Cầu Nguyện Và Lòng Xót Thương Featured

Không có cầu nguyện, “đức tin chao đảo”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa một đức tin làm bằng cầu nguyện liên lỉ và kiên trì để trải nghiệm “lòng thương cảm của Thiên Chúa, như một người Cha, đến gặp gỡ con cái mình, lòng đầy tình yêu thương xót.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 01 tháng 06 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về tương quan giữa cầu nguyện và lòng thương xót.

***

“Lời cầu nguyện khiêm nhường sẽ nhận được Lòng Xót Thương”

(xc. Lc 18,9-14)

 

Anh chị em thân mến,

xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào sáng thứ Tư tuần trước, chúng ta đã nghe dụ ngôn về vị quan tòa và về bà góa để hiểu được sự cần thiết của việc cầu nguyện liên lỉ. Hôm nay, qua một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dậy cho chúng ta biết về thái độ phải có đối với sự cầu nguyện cũng như đối với lời cầu xin Lòng Thương Xót trước mặt Thiên Chúa Cha. Ở đây, vấn đề cụ thể là người ta phải cầu nguyện như thế nào; người ta phải có thái độ đúng đắn như thế nào trong lúc cầu nguyện. Dụ ngôn hôm nay của Chúa Giêsu nói về một người Pharisee và một người thu thuế (xc. Lc 18,9-14).

Cả hai người đều đi đến đền thờ để cầu nguyện, nhưng hai người này lại có những thái độ rất khác nhau, và đã đạt được những kết quả trái ngược. Người Pharisee “đứng riêng một mình” và cầu nguyện với nhiều lời (xc. Lc 18,11). Thực ra, lời cầu nguyện của ông là một lời tạ ơn Thiên Chúa, nhưng trong thực tế ông lại trình bày những công lao của mình với cảm giác rằng, mình vượt trội những người khác, tức những người được mô tả là “những tên cướp, những kẻ lừa đảo, và những kẻ ngoại tình”. Như là một ví dụ cụ thể, ông đã nêu tên và đã chỉ cho Chúa thấy một người đang hiện diện gần đấy – “tên thu thuế kia” (Lc 18,11).

Nhưng một vấn đề nằm ngay trong đó: Người Pharisee này đang cầu nguyện với Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế ông lại nhìn lên chính bản thân ông. Ông cầu nguyện cùng bản thân ông! Thay vì bước tới trước mặt Thiên Chúa, ông lại bước đến trước một tấm gương. Mặc dầu ông đang ở trong Đền Thờ, nhưng ông lại không cho việc sấp mình xuống trước sự cao cả của Thiên Chúa là điều cần thiết; ông dừng lại trên chính mình và cảm thấy mình chắc chắn hơn là Đấng Làm Chủ Đền Thờ! Ông kể ra một loạt những công việc tốt lành mà ông đã thực hiện: Ông không có gì đáng chê trách, ông coi trọng Lề Luật trên cả mức cần thiết, ông ăn chay tới “hai lần trong một tuần”, ông đã nộp thuế “thập phân” cho những hoa màu lợi tức của mình. Và để lời cầu nguyện kéo dài thêm, ông đã khoe khoang về sự nộp thuế của mình hầu cho thấy sự tuân thủ trọn vẹn của ông đối với Lề Luật. Nhưng thái độ và những lời nói của ông lại cách xa với những công việc và lời nói của Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người và không khinh miệt các tội nhân. Trong khi đó, người Pharisee lại khinh mạn các tội nhân. Ông liệt kê ra một loạt những tên tội phạm và không quên chỉ ra một trong những tên tội phạm đó đang đứng ở đàng kia. Bởi thế, tội nhân cảm thấy mình là công chính đã không màng tới Giới Luật quan trọng nhất: Đức Mến đối với Thiên Chúa và Đức Ái đối với tha nhân.

Do vậy, sẽ là không đủ nếu chúng ta chỉ hỏi mình đã cầu nguyện bao nhiêu. Chúng ta cần phải hỏi thêm rằng, mình đã cầu nguyện thế nào, hay đúng hơn, con tim của mình đang thế nào: Việc thẩm tra để cân nhắc những cảm nghĩ và loại bỏ tính kiêu ngạo và sự giả hình, là điều rất quan trọng. Nhưng tôi hãy tự hỏi: Người ta có thể cầu nguyện với tính kiêu ngạo được không? Không! Người ta có thể cầu nguyện với sự giả hình được không? Không! Nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải bước tới trước mặt Thiên Chúa như chúng ta đang là, thay vì hành xử như người Pharisee, bởi lời cầu nguyện của ông ta được đánh dấu bởi tính kiêu ngạo và sự giả hình. Tất cả chúng ta đều bị xâm chiếm bởi sự vội vã và bởi nhịp điệu của cuộc sống hằng ngày, và thường bị gây rối cũng như thường bị liên lụy đến những cảm giác không rõ ràng. Chúng ta phải học để tái tìm ra con đường dẫn vào lòng chúng ta, để tái đạt được giá trị của sự riêng tư và của sự tĩnh lặng, vì Thiên Chúa sẽ chỉ gặp gỡ chúng ta cũng như sẽ chỉ nói với chúng ta ở đó. Chỉ khi nào chúng ta đi ra từ đó, về phía chúng ta, chúng ta mới có thể gặp gỡ những người khác cũng như mới có thể nói chuyện với họ. Người Pharisee đã đi về hướng Đền Thờ. Ông thấy mình chắc chắn, nhưng ông không nhận ra rằng, ông đã lạc ra khỏi con đường dẫn đến tâm hồn ông.

Trái lại, người khác, tức viên thu thuế, đã chứng tỏ sự sám hối hoàn toàn trong Đền Thờ với một tâm hồn khiêm nhượng: “Ông đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa cầu nguyện” (Lc 18, 13). Lời cầu nguyện của ông rất vắn tắt; lời cầu nguyện ấy không biểu lộ cách dài dòng như lời cầu nguyện của người Pharisee: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”. Chỉ vậy thôi! Lời cầu nguyện ấy quả là tuyệt vời biết chừng nào! Những viên thu thuế, hay cũng còn được gọi là nhân viên hải quan, bị coi là những kẻ ô uế, bị coi là những kẻ tay sai của những tên cầm quyền ngoại bang, và bị mọi người coi là xấu xa, và nói chung, họ bị liệt vào hàng ngũ những “tội nhân”.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu dạy cho biết rằng, người ta không phải là một người công chính hay một người tội lỗi vì tư cách xã hội của mình, nhưng vì cách thức mà họ bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em. Những cử chỉ thống hối và một vài lời giản dị của viên thu thuế đã chứng thực cho niềm ý thức của ông đối với thân phận đáng thương của mình. Lời cầu nguyện của ông là lời cầu nguyện mang tính căn bản. Ông hành động cách khiêm nhu, và chỉ chắc chắn về thân phận của mình như là một tội nhân cần được xót thương. Đó là một sự tuyệt vời to lớn: cầu xin Lòng Xót Thương của Thiên Chúa! Trong khi ông bày tỏ bản thân “với đôi bàn tay trắng” và con tim trần trụi, cũng như nhìn nhận mình là một tội nhân, người thu thuế đã đưa đến trước mắt chúng ta tất cả mọi điều kiện cần thiết để đón nhận hồn ân tha thứ của Thiên Chúa. Cuối cùng, viên thu thuế, tức người bị khinh miệt, đã trở thành biểu tượng cho các tín hữu đích thực.

Chúa Giêsu đã kết thúc dụ ngôn với một lời tuyên án: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì chưng, ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14). Ai trong hai người ấy là kẻ hủ hóa? Thưa, người Pharisee. Đồng thời, người Pharisee còn là biểu tượng cho những kẻ biến chất và hủ hóa, những kẻ giả vờ cầu nguyện, nhưng chỉ muốn quanh quẩn và bước đi khệnh khạng trước chiếc gương. Ông ta là một kẻ biến chất và là một tên giả hình. Sự kiêu ngạo sẽ hủy hoại mọi hành vi tốt đẹp, sẽ dốc sạch mọi lời cầu nguyện, sẽ làm cho người ta xa cách Thiên Chúa và xa cách người khác.

Nếu như Thiên Chúa yêu thích sự khiêm nhượng, thì điều ấy không nên làm nhục chúng ta: Đúng hơn, khiêm nhượng là điều kiện cần thiết và tiên quyết để được Ngài nâng lên, để chúng ta có được kinh nghiệm về Lòng Xót Thương mà nó đến để lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta. Nếu như lời cầu nguyện của kẻ kiêu ngạo không đến được với con tim của Thiên Chúa, thì nó sẽ được trải ra bởi sự khiệm nhượng của kẻ khốn cùng. Thiên Chúa có một sự yếu đuối: Yếu đuối đối với những kẻ khiêm nhượng. Thiên Chúa hoàn toàn mở con tim của Ngài ra trước một con tim khiêm nhượng.

Đức Trinh Nữ Maria đã kinh qua sự khiêm nhượng ấy trong lời ngợi khen Magnificat: “Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới. […] Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,48.50). Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ giúp chúng ta biết cầu nguyện với con tim khiêm nhượng. Chúng ta hãy lập lại lời cầu nguyện tuyệt vời sau đây ba lần: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”.

 

Quảng trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 01 tháng 06 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng