Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:36

Thiên Chúa Chính Là Một “Gia Đình” Với Ba Ngôi Vị Featured

LTS: Ngày Chúa Nhật 22/5/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với đám đông tụ tập trên quảng trường Thánh Phêrô, trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Giáo Hoàng:

***

***

 

[Trước Kinh Truyền Tin]

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay, Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Tin Mừng theo Thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta một phần của bài diễn từ mà Chúa Giêsu đã thực hiện ngay trước cuộc khổ hình của Ngài. Trong bài diễn từ ấy, Ngài đã diễn tả cho các môn đệ thấy những chân lý thẳm sâu nhất mà chúng liên quan đến Ngài; và qua đó, Ngài mô tả cho các ông biết về mối tương quan giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Vì thế, Chúa Giêsu biết mình đang tiến gần tới việc hiện thực hóa kế hoạch của Thiên Chúa Cha, tức kế hoạch ấy sẽ được nên trọn với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Từ lý do đó, Chúa Giêsu muốn bảo đảm với các môn đệ rằng, Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, vì sứ mạng của Ngài vẫn sẽ được tiếp diễn nhờ vào Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mạc khải cho biết sứ điệp hệ tại ở chỗ nào.

Trước tiên, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta để chúng ta nhận thức được tất cả những điều mà Chúa Giêsu vẫn chưa công bố (x. Ga 16,12). Đó không phải là những giáo lý mới hay những giáo lý đặc biệt, nhưng là sự hiểu biết hoàn toàn trước những gì mà Chúa Con đã biết được từ Chúa Cha và đã tiếp tục chuyển giao lại cho các môn đệ (x. Ga 16,15). Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đi vào trong những trạng huống mới của kiếp nhân sinh, với cái nhìn hướng về Chúa Giêsu, và đồng thời mở ra cho tương lai. Ngài sẽ giúp chúng ta đi đúng với truyền thống cũng như đúng với những tập tục của chúng ta, và trung thành với lịch sự đã được neo chặt trong Tin Mừng.

Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng nói về chúng ta, về mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong thực tế, với Bí tích Thanh Tẩy, Chúa Thánh Thần đã đặt chúng ta vào trong con tim và vào trong sự sống của chính Thiên Chúa, mà sự sống ấy chính là một cộng đoàn yêu thương. Thiên Chúa chính là một “gia đình” với Ba Ngôi vị. Ba Ngôi vị này rất yêu thương nhau, đến độ Ba ngôi ấy hình thành nên một sự hiệp nhất duy nhất. “Gia đình Thiên Chúa” không đóng kín lại trong chính mình, nhưng mở ra. Gia đình ấy lan tỏa ra trong thế giới thụ tạo và trong lịch sử. Và gia đình ấy bước vào trong thế giới nhân loại để mời gọi tất cả mọi người hãy tham dự vào gia đình ấy.

Chân trời hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi bao phủ tất cả chúng ta và khích lệ chúng ta sống trong Tình Yêu cũng như sống trong sự chia sẻ huynh đệ, trong sực xác tín rằng, bất cư nơi đâu có Tình Yêu thì ở đó cũng có Thiên Chúa. Công cuộc sáng tạo mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta theo hình ảnh cũng như theo họa ảnh của Ngài – một sự hiệp thông, mà sự hiệp thông này mời gọi chúng ta hãy hiểu về bản thân mình như là những thụ tạo – để sống trong sự liên kết cũng như sống các mối tương quan giữa con người với nhau trong tình liên đới và trong Đức Ái đối với nhau.

Những mối tương quan ấy sẽ diễn ra trước tiên là trong bối cảnh các cộng đoàn Giáo Hội chúng ta, đến độ hình ảnh của Giáo Hội với tư cách là họa ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ càng ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Nhưng các mối tương quan ấy cũng hiện diện trong bất cứ mối tương quan xã hội nào, từ gia đình, giới bạn bè và ở nơi làm việc: đó là những cơ hội cụ thể mà chúng được dành cho chúng ta để thắt chặt các mối tương quan nhân loại để sao cho chúng càng ngày càng trở nên phong phú hơn, và những mối tương quan đó sẽ nổi bật lên nhờ vào sự kính trọng lẫn nhau cũng như nhờ vào Đức Ái mà không hề có sự kiếm tìm lợi thế riêng.

Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta hãy dấn thân vào trong cuộc sống hằng ngày để trở nên men cho cộng đồng xã hội, cho niềm ủi an và cho Lòng Xót Thương. Trong khi thi hành sứ vụ này, chúng ta sẽ trải nếm được sự hỗ trợ nhờ vào sức mạnh mà Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta: sức mạnh ấy sẽ chữa lành thân xác nhân loại bị tổn thương của chúng ta khỏi sự bất công, khỏi sự áp chế, khỏi hận thù và khỏi lòng tham. Trong sự khiêm nhượng của mình, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận thánh ý của Thiên Chúa Cha, cũng như đã đón nhận Chúa Con nhờ Chúa Thánh Thần. Ước gì Mẹ sẽ giúp chúng ta củng cố sự phản chiếu của Thiên Chúa Ba Ngôi, củng cố Đức Tin của chúng ta trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và đón nhận Ngài với những quyết định và với những cách cư xử của Đức Ái và của sự hiệp nhất.

[Sau Kinh Truyền Tin]

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Cosenza, vị linh mục giáo phận, cha Francesco Maria Greco, sáng lập Dòng Các Tiểu Muội Công Nhân Thánh Tâm, đã được tuyên phong chân phước. Giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, cha đã hoạt náo đời sống tôn giáo và xã hội trong thành phố của ngài là Acri. Nơi đó, ngài đã thực thi thừa tác vụ mang nhiều hoa trái. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta vị linh mục gương mẫu này. Những tràng pháo tay này cũng được gửi tới tất cả các linh mục thánh thiện đang ở trên đất nước Italia này.

Ngày mai sẽ khai mạc tại Istanbul, Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhân Đạo Thế Giới lần thứ nhất, với mục đích là để suy nghĩ tới các biện pháp cần phải đưa ra để đối phó với những tình trạng nhân đạo bi thảm, tạo ra bởi các cuộc tranh chấp, bởi những vấn đề môi sinh và bởi tình trạng nghèo khổ cùng cực. Chúng ta hãy đồng hành với những tham dự viên của hội nghị này bằng lời cầu nguyện, để họ dấn thân toàn diện vào việc thực hiện mục đích nhân đạo chính là: cứu lấy sự sống của mọi con người, không thải loại ai cả, đặc biệt là những người vô tội và những người yếu đuối nhất. Tòa Thánh sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh nhân đạo này, đó là lý do chuyến đi của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh ngày hôm nay để đại diện Tòa Thánh.

Ngày thứ ba 24/5/2016, chúng ta sẽ hợp nhất cách thiêng liêng với các tín hữu công giáo Trung Quốc đang cử hành lễ kính Đức Trinh Nữ Maria “Phù Hộ các Giáo Hữu”, được tôn kính với lòng sốt sắng cao độ tại đền thánh Sheshan ở Thượng Hải. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Maria ban xuống cho các con cái ở Trung Quốc khả năng phân biệt trong mọi tình huống, những dấu chỉ của sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn đón nhận và tha thứ. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, mong rằng người công giáo Trung Hoa, và với họ, tất cả những ai đi theo các tín ngưỡng tôn giáo khác, trở nên một dấu chỉ cụ thể của đức ái và của hòa giải. Và như thế, họ xiển dương một nền văn hóa hội ngộ và sự hài hòa trong toàn xã hội, sự hài hòa đó vốn là ước mong của người Trung Hoa.

Tôi chào mừng mọi người cư dân của Rôma và các khách hành hương! Đặc biệt, tôi rất sung sướng đón tiếp các tín hữu Chính Thống Giáo của giáo phận Berat, Albany, và tôi cảm ơn về chứng ngôn đại kết của họ.

Tôi chào mừng các em của Trường các Nữ Tu Salêdiêng của Crakow, các sinh viên của Pamplona; các tính hữu của Madrid, Bilbao và Grande Canarie ở Tây Ban Nha, của Meudon và Strasbourg ở Pháp, của Laeken ở Bỉ; và nhóm y tế của Slovania.

Tôi chào mừng cộng đoàn công giáo Trung Hoa ở Rôma, Hội Dòng Calgari và Molfetta, các thanh niên của Giáo phận Cafelu, các lễ sinh của Val l’Alta, Công Giáo tiến hành Giáo phận Mileto-Nicotera-Tropea, các Ca Đoàn của Desenzano, Ca’di David và Lugavilla.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin anh chị em vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!