Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:35

Bài Phát Biểu Của Đức Thánh Cha Với Các Tân Đại Sứ Cạnh Tòa Thánh Featured

LTS: Sáng Thứ Năm, ngày 19/05/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến tại sảnh đường Clémentine của phủ Giáo Hoàng tại Vatican, sáu vị tân Đại Sứ bên cạnh Tòa Thánh tới trình ủy nhiệm thư: đó là các Đại Sứ của Seychelles, ông Thomas Selby Pillay; của Thái Lan, ông Nopadol Gunaviboon; của Estonia, ông Vaino Reinart; của Malawi, ông Michael Barth Kamphambe Nkhoma; của Zambia, ông Muyeba Shichapwa Chikonde; và của Namibia, ông Andreas B.D. Guibeb. Trong bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: “Tước bỏ khí giới của những kẻ sử dụng bạo lực” và “chấm dứt tệ nạn buôn người và buôn bán ma túy”.

***

***

"Ngoại Giao: Không để những kẻ sử dụng bạo lực có vũ khí"

 

Thưa Quý Ngài,

Tôi rất vui mừng tiếp kiến quý ngài nhân dịp quý ngài đệ trình Ủy Nhiêm Thư đại sứ ngoại thường và toàn quyền của quốc gia quý ngài bên cạnh Tòa Thánh: Estonia, Malawi, Mamibia, Seychelles, Thái Lan và Zambia. Tôi cảm ơn quý ngài về những lời chào hỏi của các vị nguyên thủ quốc gia của quý ngài, xin quý ngài hãy chuyển đến các vị đó lời cầu nguyện và chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban xuống hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các đồng hương của quý ngài.

Sự hiện diện của quý ngài, ngày hôm nay nơi đây, là một sự nhắc nhở mạnh mẽ sự kiện là, mặc dù những khác biệt giữa chúng ta về quốc tịch, về văn hóa và tín ngưỡng, chúng ta đều hợp nhất trong cùng một tình nhân loại và cùng chia sẻ một sứ mạng là chăm sóc cho xã hội và cho công trình tạo dựng. Nhiệm vụ này đã có một tầm vóc khẩn trương đặc biệt, vì biết bao người trên thế giới đang chịu khổ đau vì những tranh chấp và chiến tranh, vì phải di cư và bị bắt buộc rời bỏ quê hương xứ sở, và chịu sự bấp bênh vì những khó khăn kinh tế. Các vấn đề đó đòi hỏi chúng ta, không chỉ suy nghĩ và bàn luận, mà phải thể hiện bằng những cử chỉ cụ thể mang tính tương trợ đối với những người anh chị em đang ở trong tình trạng bấp bênh.

Để cho công tác tương trợ này được hữu hiệu, các nỗ lực của chúng ta phải hướng tới một nền hòa bình, nơi đó quyền tự nhiên và quyền cá nhân của mọi con người và sự phát triển toàn diện của hết thảy mọi người có thể được thực hiện và bảo đảm. Các nỗ lực đó đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau làm việc một cách chuyên nghiệp và có phối hợp, trong lúc phải khuyến khích các thành viên của các cộng đoàn của chúng ta trở thành những tác nhân xây dựng hòa bình, những người thực hiện công bằng xã hội và những người bảo vệ sự tôn trọng đích thực ngôi nhà chung của chúng ta. Đây là nhiệm vụ đang dần trở thành khó khăn hơn trên thế giới của chúng ta, nơi cái gì cũng có vẻ ngày càng gẫy đổ và phân cực.

Có biết bao người đang có xu hướng tự cô lập trước những nghiệt ngã của cuộc sống hiện tại. Họ sợ sự khủng bố và sợ làn sóng di dân ngày càng gia tăng sẽ làm thay đổi hoàn toàn văn hóa của họ, sự ổn định kinh tế và lối sống của họ. Chúng ta hiểu rõ những lo sợ đó và không thể coi nhẹ chúng, nhưng cũng phải đối đầu với nó trong khôn ngoan và thương cảm, để cho các quyền và những nhu cầu của tất cả mọi người phải được tôn trọng và ủng hộ.

Đối với tất cả những ai đang chịu thảm họa bạo lực và bị bắt buộc di cư, chúng ta phải có quyết tâm làm cho thế giới biết tình trạng nguy ngập của họ, làm sao để những tiếng nói của chúng ta có thể làm cho thế giới nghe được tiếng nói của họ, quá yếu ớt và không thể làm cho người ta nghe được tiếng kêu cứu. Con đường ngoại giao giúp chúng ta khuếch đại và truyền đi tiếng kêu cứu đó qua sự tìm kiếm những giải pháp cho nhiều nguyên nhân vốn là cơ bản của những tranh chấp hiện nay. Điều này đặc biệt phải qua những nỗ lực nhằm tước bỏ khí giới những kẻ sử dụng bạo lực, và chấm dứt thảm họa buôn người và buôn bán ma túy thường đi kèm những cái xấu đó.

Trong lúc mà các sáng kiến của chúng ta nhân danh hòa bình, là phải giúp cho người dân ở lại trên đất nước của họ, thì thời đại hiện nay lại kêu gọi chúng ta phải giúp đỡ những di dân và tất cả những người chăm lo cho họ. Chúng ta không thể để cho những hiểu lầm và sợ hãi làm yếu đi quyết tâm của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi xây dựng một nền văn hóa “giúp chúng ta nhìn người nước ngoài, người di cư, người thuộc về một nền văn hóa khác, như một đối tượng cần lắng nghe, cần được tôn trọng và đánh giá cao”.[1]

Bằng cách đó, chúng ta sẽ khuyến khích một sự hội nhập vừa tôn trọng căn tính của người di dân, vừa bảo tồn nền văn hóa của cộng đồng đón nhận họ, trong lúc làm phong phú hơn cho cả đôi bên. Đó là điều cốt yếu. Nếu sự hiểu lầm và nỗi sợ hãi thắng thế, sẽ có sự đổ vỡ trong chúng ta và trong các nền văn hóa của chúng ta, lịch sử và truyền thống sẽ yếu đi, và hòa bình cũng bị liên lụy. Ngược lại, khi tạo thuận lợi cho đối thoại và tình liên đới, ở cấp cá nhân cũng như tập thể, chúng ta sống điều tốt đẹp nhất trong tình nhân loại và bảo đảm một nền hòa bình bền vững cho tất cả mọi người, theo chương trình của Đấng Tạo Hóa.

Thưa Quý Ngài Đại Sứ thân mến, trước khi dứt lời, tôi muốn biểu lộ, qua quý ngài, lời chào mừng huynh đệ của tôi đến các mục tử và tín hữu của các cộng đoàn công giáo hiện hữu trên đất nước của quý ngài. Tôi khuyến khích họ luôn là những sứ giả của niềm hy vọng và hòa bình. Tôi đặc biệt nghĩ tới các Kitô hữu và những cộng đoàn đang là thiểu số và đang chịu những sự bách hại vì đức tin của họ; tôi nhắc lại với họ sự nâng đỡ của tôi trong kinh nguyện và tình liên đới.

Về phần mình, Tòa Thánh, rất hân hạnh có thể tăng cường với mỗi người trong quý ngài và với các quốc gia mà quý ngài đại diện một sự đối thoại cởi mở và tương kính cũng như một sự hợp tác xây dựng. Trong viễn cảnh này, và bởi vì sứ mạng mới của quý ngài đã được chính thức bắt đầu, tôi có lời chúc mừng tốt đẹp nhất và bảo đảm với quý ngài tất cả sự ủng hộ của các cơ quan của giáo triều La Mã để quý ngài hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cầu khẩn phép lành tràn đầy cho quý ngài và quý quyến và các cộng sự viên của quý ngài.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/diplomatie-priver-darmes-ceux-qui-utilisent-la-violence/

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn nhân dịp trao giải thưởng Charlemagne, ngày 06/05/2016.