“Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với tha nhân”.
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 18 tháng 05 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về “Sự nghèo khó và lòng thương xót”.
***
Thân chào quý anh chị em!
Tôi muốn cùng anh chị em, ngày hôm nay, dừng lại với dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó. Cuộc đời của hai con người đó, dường như diễn ra trên hai con đường song song; điều kiện sinh sống của họ trái ngược và không hề giao tiếp với nhau. Cánh cửa của ông nhà giàu luốn đóng chặt với người nghèo khó, đang nằm đó, ở bên ngoài, tìm kiếm vài miếng ăn thừa rơi rớt từ mâm cơm của ông nhà giàu. Ông này ăn mặc sang trọng, trong lúc anh Lazarô mình đầy thương tích; ông nhà giàu ngày nào cũng mở tiệc linh đình, trong lúc anh Lazarô đói đến chết; chỉ có mấy con chó là săn sóc anh và tới liếm láp những vết thương của anh. Cảnh tượng này nhắc đến lời trách cứ nghiêm khắc của Con Người trong lần phán xét cuối cùng: “Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta […] trần truồng, các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25,42-43). Anh Lazarô đúng là tượng trưng cho tiếng kêu thầm lặng của những người nghèo khó của mọi thời đại và sự mâu thuẫn của một thế giới nơi mà những tài sản và những tài nguyên khổng lồ nằm trong tay của một thiểu số.
Chúa Giêsu phán, một ngày kia, ông nhà giàu chết đi: kẻ nghèo, người giàu đều phải chết, họ cùng có một số mạng cũng như tất cả chúng ta, không có ngoại lệ cho chuyện này. Và khi người này thưa với ông Abraham, cầu khẩn ngài và gọi ngài là “Tổ Phụ” (c. 24-27). Hắn đòi hỏi quyền làm con của hắn, thống thuộc vào dân của Thiên Chúa. Nhưng tuy vậy, lúc sinh thời, hắn không hề kính trọng Thiên Chúa, trái lại, hắn đã tự coi mình là trung tâm của mọi chuyện, khép kín trong một thế giới xa hoa và lãng phí. Khi thải trừ anh Lazarô, hắn không hề đếm xỉa đến Chúa cũng như lề luật của Người. Không thèm biết đến người nghèo, chính là khinh thường Thiên Chúa. Chúng ta phải biết rõ điều này: không thèm biết đến người nghèo, chính là khinh thường Thiên Chúa. Có một chi tiết trong dụ ngôn cần phải chú ý: ông nhà giàu không có tên, mà chỉ có tĩnh từ “nhà giàu”; trong lúc tên của anh chàng nghèo khó đã được nhắc đến 5 lần và cái tên “Lazarô” có nghĩa là “Thiên Chúa phù hộ”. Lazarô, nằm co trước ngõ, là một sự nhắc nhở sống động đối với ông nhà giàu để hắn nhớ đến Thiên Chúa, nhưng ông nhà giàu đã không đón nhận sự nhắc nhở đó. Như thế, hắn đã bị kết án, không phải vì cái giàu sang của hắn, mà vì hắn đã không có khả năng cảm thương đối với anh Lazarô và không cứu giúp anh ta.
Trong phần thứ hai của dụ ngôn, chúng ta thấy lại anh Lazarô và ông nhà giàu sau khi họ chết đi (c. 22-31). Ở bên kia thế giới, tình trạng đổi ngược: anh Lazarô nghèo khó được các thiên thần đem lên trời bên cạnh ông Abraham; ông nhà giàu bị ném xuống nơi đau khổ. Lúc đó, “ngước mắt lên, hắn đã thấy tổ phụ Apraham ở tận đàng xa và anh Lazarô gần sát bên cạnh ngài”. Hắn làm như mới thấy anh Lazarô lần đầu, nhưng lơi lẽ ca hắn đã phản bội hắn: “Lạy tổ phụ Abraham hãy thương xót con và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. Bây giờ thì ông nhà giàu nhận ra anh Lazarô và cầu xin anh giúp đỡ, trái lại, lúc ở trên đời, hắn đã làm như không trông thấy anh ta. Quá thường khi, có nhiều người làm như không trông thấy người nghèo! Đối với họ, người nghèo không có trên đời. Trước đó, ông đã từ chối cho anh dù chỉ là những đồ ăn dư thừa trên mâm cơm của ông và bây giờ, hắn lại muốn anh ta bưng nước cho hắn uống! Hắn còn tưởng còn có quyền hưởng thụ nhờ điều kiện xã hội của hắn lúc trước. Khi tuyên bố không thể chấp nhận lời cầu xin của hắn, đích thân ông Abraham đã đưa ra chìa khóa của câu chuyện: ông giải thích rằng cái tốt và cái xu được phân bố làm sao để bù đắp cho những bất công trên đời và rằng cánh cửa ngăn cách người giàu với người nghèo trên đời đã biến thành “một vực thẳm lớn”.
Bao lâu anh Lazarô còn ở trước ngõ nhà hắn, còn có một cơ hội cứu độ cho ông nhà giàu, nếu hắn mở rộng cửa ra, giúp đỡ anh Lazarô, nhưng bây giờ khi mà cả hai người đã chết, tình hình trở thành vô phương cứu chữa.
Thiên Chúa không hề can dự trực tiếp ở đây, nhưng dụ ngôn cảnh cáo rõ rệt rằng: lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta gắn liền với lòng thương xót của chúng ta đối với tha nhân; khi lòng thương xót này thiếu vắng, thì lòng thương xót kia cũng không tìm được chỗ đứng trong trái tim khép kín của chúng ta, không thể vào được. Nếu tôi không rộng mở cánh cửa trái tim của tôi cho người nghèo, cánh cửa đó vẫn luôn kép kín. Với Thiên Chúa cũng vậy. Và đây là điều khủng khiếp.
Ở điểm này, ông nhà giàu nghĩ đến các anh em của ông, cũng có rủi ro có một chung cuộc giống như hắn và hắn cầu xin cho anh Lazarô trở lại thế gian để thông báo cho anh em của hắn. Nhưng ông Abraham đáp lại: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó!”. Để trở lại với Chúa, chúng ta không nên chờ đợi một biến cố kỳ diệu, nhưng phải mở lòng chúng ta cho Lời của Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Lời của Thiên Chúa có thể làm sống lại một trái tim khô cằn và chữa lành bệnh đui mù. Ông nhà giàu biết rõ Lời Thiên Chúa, nhưng hắn ta đã không để Lời của Thiên Chúa đi vào trong lòng, hắn ta không nghe theo Lời của Thiên Chúa, và vì vậy, hắn ta không có khả năng mở mắt ra và tỏ lòng thương cảm với người nghèo. Không có ngôn sứ nào và không có thông điệp nào có thể thay thế người nghèo mà chúng ta gặp gỡ trên đường chúng ta đi, vì qua họ, chính là Chúa Giêsu đã đến gặp gỡ chúng ta: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40), Chúa Giêsu phán. Như thế, trong sự lật ngược số phận mà dụ ngôn nói đến, mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta cũng được mô tả, trong đó Chúa Kitô hợp nhất sự nghèo khó và lòng thương xót.
Anh chị em thân mến, mong rằng sau khi nghe xong bài Phúc Âm này, tất cả chúng ta, cùng với những người nghèo khổ trên mặt đất này, có thể cùng Đức Mẹ Maria cất lên bài ca: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,52-53).
Mặc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/la-misericorde-de-dieu-envers-nous-liee-a-notre-misericorde-envers-le-prochain/