LTS: Ngày Chúa Nhật 08/05/2016, trong giờ Kinh Truyền Tin với các khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Chúng ta suy ngẫm mầu nhiệm Chúa Giêsu ra khỏi không gian trái đất của chúng ta để về nơi toàn vẹn vinh quang của Thiên Chúa, mang theo Người thân xác con người của chúng ta”. Đức Giáo Hoàng cũng nhắc đến Kinh cầu Đức Mẹ Pompéi, Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội và ngày Lễ các Bà Mẹ, cũng được cử hành ngày hôm nay tại Y, và mời gọi đám đông hãy cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cho những ý đó.
***
***
[Trước Kinh Truyền Tin]
Thân chào quý anh chị em!
Ngày hôm nay, tại Ý và một số nước khác, người ta cử hành Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, diễn ra 40 ngày sau Lễ Phục Sinh. Chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Giêsu ra khỏi không gian trái đất của chúng ta để về nơi toàn vẹn vinh quang của Thiên Chúa, mang theo thân xác con người của chúng ta. Nói cách khác, tính nhân bản của chúng ta, lần đầu tiên, đã lên nước trời. Tin Mừng theo thánh Luca cho chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ trước sự kiện Chúa “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24,51). Người ta thấy nơi các ông không có dấu hiệu buồn rầu hay hoang mang, “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ” (c. 52). Đó là sự trở về của kẻ không còn sợ thành phố đã từ khước Thầy mình, của kẻ đã từng biết sự phản bội của Judas và sự chối Chúa của ông Phêrô, kẻ đã nhìn thấy sự thất vọng của các môn đệ và bạo lực của một chính quyền đang cảm thấy bị đe dọa.
Kể từ ngày hôm đó, đối với các tông đồ và mọi môn đệ của Chúa Kitô, họ có thể ở lại Giêrusalem và trong mọi tỉnh thành trên thế giới, kể cả những thành phố đang bị gánh chịu những bất công và bạo lực, bởi vì trên đầu mọi thành phố cũng chỉ có một vòm trời và mỗi người dân đều có thể nhìn lên trời với đầy lòng hy vọng. Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật, con người thật, đang ở trên trời với thân xác của con người! Đó là niềm hy vọng của chúng ta, đó là cái neo của chúng ta, nhờ nó, chúng bám chặt để nhìn lên trên trời.
Trên cõi trời đó, Thiên Chúa đó là Đấng đã tỏ ra gần gũi đến độ khoác lấy khuôn mặt của một con người, Giêsu Nazareth. Người mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Ở Với Chúng Ta, - chúng ta hãy nhớ Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta – và không bao giờ bỏ rơi chúng ta một mình! Chúng ta có thể ngước mắt nhìn trời để nhận biết tương lai trước mặt chúng ta. Chúa Giêsu Lên Trời, Chúa Kitô phục sinh, chứa đựng lời hứa hẹn cho chúng ta dự phần vào một sự sống viên mãn bên cạnh Thiên Chúa.
Trước khi rời các bạn hữu của Người, Chúa Giêsu đã nhắc đến biến cố cái chết và sự sống lại của Người và nói với các ông rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (c. 48). Điều này có nghĩa là các môn đệ, các tông đồ là chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, và cả biến cố Người lên trời ngày hôm đó. Sau khi chứng kiến Chúa của các ông lên Trời, các môn đệ đã ra đi, đúng là như những chứng nhân, vui mừng loan báo cho mọi người sự sống mới đến từ Chúa Kitô sống lại, và nhân danh Người “kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (c. 47). Một sự làm chứng được thực hiện bằng lời nói, nhưng cả bằng những hành động trong đời sống hàng ngày. Sự làm chứng phải đi ra từ những nhà thờ của chúng ta ngày chúa nhật, để trong tuần đi vào trong các căn hộ, các nơi làm việc, các trường học, các nơi gặp gỡ và giải trí, các nhà thương, nhà tù, nhà dưỡng lão, những nơi đầy rẫy di dân, những vùng ngoại ô các thành phố… Chúng ta phải làm chứng mỗi tuần là Chúa Kitô đang ở với chúng ta; Chúa Giêsu đã lên trời, nhưng Người hằng ở với chúng ta; Chúa Giêsu Kitô hằng sống!
Chúa Giêsu đã cam kết rằng trong sự loan truyền và làm chứng này, chúng ta sẽ “nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (c. 49), nghĩa là quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó là bí quyết của sứ vụ này: sự hiện diện của Chúa phục sinh ở giữa chúng ta, Người là Đấng, khi ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, vẫn tiếp tục mở rộng lòng trí chúng ta, để loan báo tình yêu và lòng thương xót của Người đến tận những nơi ngang ngạnh nhất của các thành phố chúng ta. Chúa Thánh Thần là chuyên gia đích thực của sự làm chứng đa dạng mà Giáo Hội và mỗi người đã chịu phép Rửa đưa ra cho thế gian. Bởi thế, chúng ta không thể chểnh mảng cầm lòng cầm trí cầu nguyện để ca tụng Thiên Chúa và cầu khẩn xin ơn Chúa Thánh Thần. Trong tuần lễ này sẽ kết thúc bằng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, bằng cách thiêng liêng, chúng ta hãy ở lại trong phòng Tiệc Ly, với Đức Trinh Nữ Maria, để chờ đón Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy thực hiện ngay bây giờ, hiệp thông với các tín hữu đang tụ tập tại Đền Đức Mẹ Pompéi để dâng Lời Cầu Xin theo truyền thống.
[Sau Kinh Truyền Tin]
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Ngày Thế Giới truyền thông xã hội, do Công Đồng Vatican II thiết lập, vừa tròn 50 tuổi. Các Thượng Phụ Công Đồng, trong suy nghĩ của các ngài về Giáo Hội trên thế giới hiện đại, đã hiểu được tầm quan trọng mấu chốt của truyền thông, vốn “có thể bắc những nhịp cầu giữa các con người, các gia đình, các tầng lớp xã hội, các dân tộc; dù là trong lãnh vực vật thể hay lãnh vực kỹ thuật số”.[1] Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả những người điều khiển truyền thông và mong muốn rằng cách truyền thông của chúng ta trong Giáo Hội luôn có một kiểu mẫu Phúc Âm rõ rệt, một kiểu mẫu gắn liền chân lý và lòng thương xót.
Tôi chào mừng mọi người, các tín hữu của Rôma và các khách hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác, tôi đặc bệt chào mừng các tín hữu người Balan đến từ Vacsava, Lowics và Ostroda; các nhạc sĩ đến từ Vienne; nhóm Ailen Bằng Hữu của Đức Cha O’Flaherty; các học sinh của trường Corderius (Hà Lan); và Katholische Academisch Verbindung “Capitolina”.
Tôi chào mừng các tham dự viên của Đoàn Đi Bộ vì Sự Sống, các bằng hữu của công trình Don Folei và Trường tiền chủng viện Thánh Piô X, các hướng đạo sinh Âu Châu của Tây Rôma và Nam Rôma, và tất cả các trẻ em của giáo phận Genova đến chịu Phép Thêm Sức. Các con khá ồn ào đó!
Hôm nay, trong nhiều quốc gia, chính là lễ các bà Mẹ; Chúng ta hãy vinh danh với lòng biết ơn và lòng trìu mến, tất cả các bà Mẹ - những bà ngày hôm nay có mặt trên quảng trường này, các má của chúng ta, các bà còn đang ở giữa chúng ta và những bà đã lên trời – và phó dâng các bà cho Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Và cùng nhau, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các người Mẹ, Kính mừng Maria…
Tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tạm biệt!
Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/ascension-jesus-sort-de-notre-espace-terrestre/
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông, năm 2016.