Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:12

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô: Không Biết Đến Đau Khổ Con Người, Chính Là Không Biết Đến Thiên Chúa! Featured

Chỉ có sự thờ phụng đích thực nếu nó được thể hiện để phục vụ người thân cận. Chúng ta đừng quên rằng: trước sự đau khổ của bao người bị kiệt sức bởi nạn đói, bởi bạo lực và bởi những bất công, chúng ta không thể đứng yên mà nhìn như những người bàng quan. Không biết đến đau khổ con người, có nghĩa là gì? Có nghĩa là không biết đến Thiên Chúa!.

***

 

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 27 tháng 04 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC nói rằng, “Không biết đến đau khổ con người, chính là không biết đến Thiên Chúa!”.

***

Thân chào quý anh chị em!

Hôm nay sự suy ngẫm của chúng ta hướng tới dụ ngôn Người Samari Tốt Lành (x. Lc 10,25-37). Một luật sĩ thử Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (c. 25). Chúa Giêsu nói với ông ta hãy tự trả lời câu hỏi đó, và ông đã trả lời rất chình xác: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (c. 27). Khi đó, Chúa Giêsu kết luận; “Cứ làm như vậy và sẽ được sống” (c. 28).

Người đó bèn hỏi thêm một câu nữa, vốn rất đáng quý đối với chúng ta: “Ai là người thân cận của tôi?” (c. 29), có ý ngầm hiểu là “Cha mẹ tôi sao? Các đồng hương của tôi? Hay những người đồng đạo với tôi?...”. Tóm lại, ông ta muốn có một quy tắc rõ ràng để có thể xếp loại những người gọi là “thân cận” và những người “không phải là thân cận”, những người có thể trở thành thân cận và những kẻ không thể trở thành thân cận.

Chúa Giêsu đã trả lời bằng một dụ ngôn trong đó có một thầy tư tế, một thầy Lêvi và một người xứ Samari. Hai người đầu gắn liền với việc phụng vụ nơi Đền Thờ; người thứ ba là một người Do Thái ly khai, bị coi là người nước ngoài, một người ngoại giáo và tội lỗi, như thế là người Samari. Trên con đường từ Giêrusalem đến Giêrikhô, thầy tư tế và thầy Lêvi đã bắt gặp một người đang hấp hối, vì bị quân cướp tấn công, trấn lột và bỏ đó. Lề Luật của Đức Chúa, trong tình trạng tương tự, dự kiến bắt buộc phải cứu giúp họ, nhưng cả hai người đã không dừng bước. Có lẽ vì vội vã… Thầy tư tế, có thể đã nhìn đồng hồ và tự nhủ: “Tôi có thể tới trễ Lễ… Tôi phải dâng Thánh Lễ”. Và người kia: “Không biết Lề Luật có cho phép tôi không, vì có máu và tôi có thể trở thành mất trong sạch…”. Như thế, họ đã đi tiếp con đường của họ, không hề tới gần người đang hấp hối. Và nơi đây, dụ ngôn cống hiến cho chúng ta một giáo huấn thứ nhất: năng lui tới nhà Thiên Chúa và biết đến lòng thương xót không đương nhiên có nghĩa là yêu mến người thân cận, yêu mến không không phải là chuyện tất nhiên! Anh chị em có thể thuộc lòng hết cuốn Thánh Kinh, nắm được toàn bộ các đề mục phụng vụ, toàn bộ thần học, nhưng biết không có nghĩa là yêu mến, không đương nhiên: yêu mến là chuyện khác, con đường khác. Điều này đòi hỏi trí thông minh, nhưng cũng còn phải thêm một chút gì nữa… Thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy mà bỏ qua; họ xem thấy mà không lấy một biện pháp nào. Tuy rằng, chỉ có sự thờ phụng đích thực khi nó được thể hiện để phục vụ người thân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: trước sự đau khổ của bao người bị kiệt sức bởi nạn đói, bởi bạo lực và bởi những bất công, chúng ta không thể đứng yên mà nhìn như những người bàng quan. Không biết đến đau khổ con người, có nghĩa là gì? Có nghĩa là không biết đến Thiên Chúa! Nếu tôi không đi tới với người đàn ông đó, người đàn bà đó, đứa trẻ nhỏ đó, tới với người cao niên đó đang đau khổ, tôi cũng sẽ không tới được với Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta hãy đi vào cốt lõi của dụ ngôn này: khi người Samari - tức là kẻ mà người ta khinh rẻ, kẻ mà không ai tin tưởng, và là kẻ cũng bận rộn côngviệc của mình, cũng có chuyện phải làm – đã nhìn thấy người bị thương, anh ta không bỏ đi như hai người kia, là những người gắn liền với Đền Thờ, nhưng anh ta “đã chạnh lòng thương” (c.33). Đó là điều Phúc Âm nói với chúng ta: anh ta “đã chạnh lòng thương”, nói cách khác anh ta đã bị cảm động trong tâm can của mình! Sự khác biệt là ở chỗ này. Hai người kia “đã thấy”, nhưng lòng dạ họ khép kín, lạnh lùng. Trong lúc trái tim của người Samari đập cùng nhịp với Thiên Chúa. Quả thế, “lòng trắc ẩn” là một nét đặc trưng cốt lõi của lòng thương xót Thiên Chúa. Thiên Chúa có lòng trắc ẩn đối với chúng ta. Trắc ẩn có nghĩa là “cùng đau đớn”. Động từ này cho thấy lòng dạ chúng ta giao động và rung động khi nhìn thấy nỗi đau của con người. Và trong những cử chỉ và hành động của Người Samari Tốt Lành, chúng ta nhận biết bàn tay nhân từ của Thiên Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Chính với lòng trắc ẩn này mà Chúa đến gặp mỗi người trong chúng ta: Người không bỏ quên chúng ta, Người biết rõ những đau khổ của chúng ta, Người biết rõ chúng ta cần sự phù trợ và an ủi đến nhường nào. Người đến gần chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Vậy thì, chúng ta hãy tự hỏi mình và để cho trái tim chúng ta trả lời: “Liệu tôi có tin rằng Chúa có lòng trắc ẩn đối với tôi, như tôi hiện nay, là kẻ có tội, với bao nhiêu vấn đề và bao nhiêu chuyện?”. Anh chị em hãy suy nghĩ chuyện nay. Câu trả lời là “Có”! Nhưng mong rằng mỗi người nhìn vào tim mình nếu tin vào lòng trắc ẩn này của Thiên Chúa, của một Thiên Chúa nhân lành đang đến gần chúng ta, chữa lành cho chúng ta, vuốt ve chúng ta. Và nếu chúng ta từ chối, Người chờ đợi: Người kiên nhẫn và luôn ở bên cạnh chúng ta.

Người Samari hành xử với lòng thương xót, một lòng thương xót đích thực: Người băng bó các vết thương của người đó, đưa người đó đến một khách điếm và đích thân chăm sóc cho hắn, gánh vác gánh nặng cứu trợ. Tất cả điều này dạy chúng ta rằng lòng trắc ẩn, tình yêu thương, không phải một cảm tình vu vơ, nhưng có nghĩa săn sóc người khác đến độ phải trả giá. Điều này có nghĩa di lụy đến chính mình khi thực hiện mọi bước cần thiết để “tới gần” người khác đến độ tiến vào vị trí của người đó: “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Đó là điều răn của Đức Chúa.

Sau khi kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã lật lại câu hỏi của luật sĩ và hỏi ông ta: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c. 36). Câu trả lời của ông ta không ngập ngừng: “Chính là kẻ thực thi lòng thương xót với người ấy” (c. 37). Ở phần đầu dụ ngôn, đối với thầy tư tế và thầy lêvi, người thân cận là người hấp hối; ở phần cuối, người thân cận là người Samari đã đến gần. Chúa Giêsu lật ngược viễn cảnh: không xếp loại người ta để xem ai là người thân cận, ai không phải thân cận. Người ta có thể trở thành người thân cận của mọi người mà chúng ta gặp, đang trong cơn túng quẫn, và người ta sẽ là người thân cận trong tim chúng ta, chúng ta cảm thấy lòng trắc ẩn, nói cách khác, nếu chúng ta có khả năng đau khổ cùng người khác.

Dụ ngôn này là một tặng phẩm tuyệt vời  cho tất cả chúng ta, nhưng cũng là mọt sự dấn thân! Với mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu nhắc lại điều Người đã nói với luật sĩ: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy đi con đường của Người Samari Tốt Lành, vốn tượng trưng cho Đức Kitô: Chúa Giêsu đã cúi xuống trên chúng ta, đã trở thành người tôi tớ của chúng ta, và cũng bằng cách này, đã cứu chuộc chúng ta, để chúng ta cũng có thể yêu mến lẫn nhau như Người đã yêu mến chúng ta.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/ignorer-la-souffrance-de-lhomme-cest-ignorer-dieu-traduction-complete/