LTS: Ngày Chúa Nhật 01/05/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự giờ kinh Truyền Tin với khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong lời ngỏ, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Hãy Cầu xin Chúa Thánh Thần và thưa với Người rằng: “Xin cho con nhớ lại và xin cho con được hiểu”. Sau đây là bài huấn dụ của Đức Giáo Hoàng:
***
***
Thân chào quý anh chị em!
Bài Phúc Âm ngày hôm nay đưa chúng ta trở lại Phòng Tiệc Ly. Trong bữa Tiệc Ly, trước khi đối đầu với cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ là Người sẽ ban Chúa Thánh Thần, là Đấng có trách nhiệm “dạy dỗ”và “nhắc lại” những lời của Chúa Giêsu cho cộng đoàn các môn đệ. Chính Chúa Giêsu đã phán, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Dạy dỗ và nhắc cho nhớ lại. Đó là điều mà Chúa Thánh Thần tác động trong lòng chúng ta.
Vào lúc Người sắp trở về với Cha, Chúa Giêsu báo trước sự giá lâm của Chúa Thánh Thần, là Đấng trước hết sẽ “dạy dỗ” các môn đệ, để các ngài luôn thấm nhuần Phúc Âm, để đón nhận Phúc Âm trong cuôc sống của các ngài và khiến cho Phúc Âm sống động và hoạt động bằng sự làm chứng của các ngài. Trong lúc Chúa Giêsu sắp giao cho các tông đồ - từ này chính xác có nghĩa là “sai đi” - sứ vụ rao truyền Phúc Âm đến khắp mọi nơi trên thế giới, Người hứa là các ngài sẽ không đơn độc: Chúa Thánh Thần sẽ ở với các ngài, Đấng Bảo Trợ, vốn ở bên cạnh các ngài, hay đúng hơn là ở trong các ngài, để bảo vệ và nâng đỡ các ngài. Chúa Giêsu trở về với Cha Người, nhưng Người tiếp tục đồng hành và dạy dỗ các môn đệ của Người nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Phương diện thứ hai trong sứ vụ của Chúa Thánh Thần là giúp các tông đồ nhớ lại những lời của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần có trách nhiệm đánh thức ký ức, nhắc lại những lời của Chúa Giêsu. Thầy Chí Thánh đã truyền dạy tất cả những gì Người muốn giao cho các tông đồ: với Người, Ngôi Lời nhập thể, sự Mặc Khải trở thành viên mãn. Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại những giáo huấn của Chúa Giêsu trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, để chúng được mang ra thực hành. Đó chính là những điều ngày hôm nay vẫn còn diễn ra trong Giáo Hội, được dẫn dắt bởi sự soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để có thể mang lại cho tất cả chúng ta ơn cứu độ, nghĩa là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thí dụ, khi mỗi ngày anh chị em đọc một đoạn Phúc Âm – như tôi đã góp ý với anh chị em - anh chị em hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần rằng: “Xin Chúa cho con thấu hiểu và xin cho con ghi nhớ những lời này của Chúa Giêsu”. Và sau đó, anh chị em đọc đoạn Phúc Âm, mỗi ngày… Nhưng trước đó, kinh cầu Chúa Thánh Thần này phải thuộc nằm lòng: “Xin cho con thấu hiểu và xin cho con ghi nhớ”.
Chúng ta không đơn độc: Chúa Giêsu ở bên chúng ta, ở giữa chúng ta! Sự hiện diện mới mẻ của Chúa trong lịch sử đã xẩy ra bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần, qua trung gian của Người, chúng ta có thể thiết lập một lối quan hệ sống động với Chúa, Đấng Chịu Đóng Đinh trên Thập Giá và Đã Sống Lại. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta nhờ bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm Sức, Người luôn tác động trong cuộc sống của chúng ta. Người dẫn dắt chúng ta trong cách suy nghĩ, cách hành động, cách phân biệt cái tốt, cái xấu; Người phù giúp chúng ta thực thi Đức Ái của Chúa Giêsu, Đức Ái là quà tặng làm bằng chính mạng sống của Người cho kẻ khác, đặc biệt là cho những kẻ nghèo khó nhất.
Chúng ta không đơn độc! Dấu chỉ sự hiện của Chúa Thánh Thần cũng là “sự bình an” mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Người: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (c. 27). Sự bình an này khác với bình an mà con người chúc tụng nhau và tìm cách thực hiện nó. Bình an của Chúa Giêsu tuôn ra từ chiến thắng tội lỗi, chiến thắng ích kỷ là cái ngăn cản chúng ta thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Đó là một ân điển của Thiên Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Người. Mỗi môn đệ, ngày hôm nay được kêu gọi đi theo Chúa Giêsu để vác cây thập giá của mình, lãnh nhận nơi mình sự bình an của Đấng chịu Đóng Đinh trên Thập Giá và đã Sống Lại với sự xác tín vào chiến thắng của Người và trong sự đợi chờ ngày Người giá lâm vĩnh viễn.
Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hộ phù chúng ta ngoan ngoãn lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vị Thầy nội tâm và như ký ức hằng sống của Đức Kitô trên hành trình mỗi ngày của chúng ta.
Mặc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/priere-a-lesprit-saint-que-je-me-souvienne-et-que-je-comprenne/