Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:12

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô: Lòng Thương Xót Của Chúa Thông Truyền Cho Tất Cả Mọi Người Featured

Một người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Chúa Giêsu lúc Người dang dùng bữa với ông Simon, một người Pharisêu.

***

 

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 20 tháng 04 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Lòng Thương Xót Của Chúa Thông Truyền Cho Tất Cả Mọi Người.

***

Thân chào quý anh chị em!

Hôm nay, chúng ta dừng lại trên một khía cạnh của lòng thương xót đã được mô tả một cách rất hay trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca mà chúng ta đã nghe. Đó là một sự kiện đã xẩy ra với Chúa Giêsu khi Người là khách mời của một người Pharisêu tên là Simon. Ông này đã muốn mời Chúa Giêsu tới nhà mình vì ông đã nghe người ta nói tốt về Người, như một vị ngôn sứ. Và trong lúc mọi người đang ngồi vào bàn, có một người phụ nữ bước vào, bà được mọi người trong thành phố biết rõ là một người đàn bà tội lỗi. Bà này, không nói một lời, quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu và bắt đầu khóc lóc; nước mắt bà thấm ướt cả chân Chúa Giêsu và bà đã lấy tóc mình lau chùi, rồi bà hôn lên chân Người và đổ dầu thơm mà bà mang theo lên hai chân Người.

Sự so sánh giữa hai nhân vật này đập vào mắt người ta: Simon, người tôi tớ hăng hái phục vụ lề luật và người đàn bà tôi lỗi vô danh này. Trong lúc mà người đàn ông kia xét đoán người khác về bề ngoài của họ, người đàn bà kia chân thành để cho trái tim mình nói lên qua các cử chỉ của bà. Ông Simon, dù là người đã mời Chúa Giêsu, đã không muốn liên lụy hay can dự cuộc đời của mình với Thầy; người đàn bà, trái lại, đã hoàn toàn tin tưởng nơi Người với lòng yêu mến và sự tôn sùng.

Người Pharisêu không quan niệm được là Chúa Giêsu đã để mình bị “lây bệnh” bởi những kẻ tội lỗi. Ông ta nghĩ rằng, nếu Người quả thật là một ngôn sứ, thì Người phải nhận biết họ và tránh xa họ để không bị vấy bẩn bởi họ, như thể họ là những người cùi hủi. Thái độ đó mang tính đặc trưng của một cách hiểu nào đó về tôn giáo và nó được thúc đẩy bởi sự kiện là Thiên Chúa và tội lỗi, tuyệt đối trái ngược nhau. Nhưng Lời của Thiên Chúa dạy chúng ta phải phân biệt giữa tội lỗi và tội nhân: đối với tội lỗi, không được hạ mình liên lụy với nó, trong lúc với tội nhân, - tức là tất cả chúng ta! – chúng ta cũng như những người bệnh cần phải được chữa trị, và để chữa trị, cần phải có người thầy thuốc đến gần với họ, thăm bệnh cho họ, sờ mó tới họ. Và tự nhiên là, để được chữa lành, người bệnh phải nhận biết rằng mình cần thầy thuốc!

Giữa người Pharisêu và người đàn bà tội lỗi, Chúa Giêsu đã đứng về phe người đàn bà. Chúa Giêsu, khống có thành kiến nào ngăn cản lòng thương xót bộc lộ, đã để cho bà ta làm. Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa, đã để bà ta đụng đến mình mà không sợ bị lây bệnh. Chúa Giêsu không vướng mắc, bởi vì Người ở gần Thiên Chúa là Cha nhân từ. Và sự thân cận Thiên Chúa này, Cha giàu lòng thương xót, đã ban cho Chúa Giêsu sự tự do. Và hơn nữa, đi vào sự giao tiếp với người đàn bà tội lỗi, Chúa Giêsu chấm dứt cái tình trạng cô lập này mà sự phán xét không thương tiếc của người Pharisêu và những người đồng hương của ông ta – đã khai thác bà ta – lên án bà ta. “Tội lỗi của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48). Như thế, người đàn bà, bây giờ có thể ra đi “bình an”. Chúa đã nhìn thấu lòng chân thành và lòng tin cũng như lòng xám hối của bà ta; vì thế Người tuyên bố trước mặt mọi người: “Lòng tin của chị đã cứu chị” (c. 50). Một bên là cái giả hình của một luật sĩ, một bên là lòng chân thành, khiêm nhượng và niềm tin của người đàn bà này. Chúng ta tất cả đều là tội nhân, nhưng rất thường khi chúng ta rơi vào cám dỗ giả hình, nghĩ mình tốt lành hơn người khác và với họ rằng: “Hãy nhìn lại tội lỗi mình đi…”. Trái lại, tất cả chúng ta đều phải nhìn lại những tội lỗi chúng ta, những vấp ngã, những sai lầm của chúng ta và nhìn lên Chúa. Đó là con đường cứu độ: sự giao tiếp giữa cái “tôi” tội lỗi với Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình công chính, sự giao tiếp cứu độ này không được ban cho. Lúc đó, một sự ngạc nhiên đã tràn ngập các khách mời: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” (c. 49). Chúa Giêsu không ban ra một câu trả lời rõ ràng, nhưng sự xám hối của người đàn bà tội lỗi trước mắt họ và rõ ràng là nơi Người bừng lên quyền năng của lòng thương xót Thiên Chúa, có khả năng thay đổi lòng người.

Người đàn bà tội lỗi dạy cho chúng ta biết sợi giây liên lạc giữa đức tin, tình yêu và lòng biết ơn. “Nhiều tội lỗi” đã được tha thứ và vì thế mà bà yêu mến nhiều; “còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (c. 47). Chính ông Simon cũng phải thừa nhận rằng người được cho nhiều thì yêu mến nhiều. Thiên Chúa đã chứa đựng mọi người trong cùng một mầu nhiệm lòng thương xót; và từ tình yêu thương đó, luôn đi trước chúng ta, tất cả chúng ta đã học được cách yêu thương. Cũng như thánh Phaolô đã nhắc: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu” (Ep 1,7-8). Trong bài này, từ “ân sủng” có thể coi như đồng nghĩa với lòng thương xót và là lòng thương xót “tràn đầy”, nghĩa là vượt xa mọi chờ đợi, bởi vì đó là dự án cứu chuộc của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ vì ơn đức tin, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì tình yêu thương của Người quá to lớn và chúng ta không xứng đáng! Chúng ta hãy để cho tình yêu thương của Chúa Kitô đổ lên chúng ta: môn đệ thì đong múc trong tình yêu thương đó và đặt nền tảng trên đó; từ tình yêu thương đó, mỗi người có thể được nuôi dưỡng. Như vậy, trong tình yêu, biết thương thừa nhận rằng; chúng ta đã san sẻ cho tất cả anh em chúng ta, trong nhà chúng ta, trong gia đình, trong xã hội, lòng thương xót của Chúa thông truyền cho tất cả mọi người.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/les-larmes-de-la-femme-pecheresse-obtiennent-le-pardon-traduction-complete/