Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:11

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô: Đức Kitô, Khởi Đầu Thời Đại Lòng Thương Xót Featured

“Chúa Giêsu, Ngôi Con được Cha sai tới, đã thực sự là sự khởi đầu của thời đại lòng thương xót cho toàn nhân loại!”.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 06 tháng 04 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC khởi đầu suy gẫm về "Lòng Thương Xót trong Tân Ước.

***

Thân chào quý anh chị em!

Sau khi suy ngẫm về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ngày hôm nay, chúng ta bắt đầu suy ngẫm về phương cách Chúa Giêsu đã đưa lòng thương xót đó tới chỗ viên mãn. Một lòng thương xót mà Người hằng bầy tỏ, thực hiện và thông truyền, trong mọi thời điểm suốt cuộc đời dưới thế của Người. Khi gặp gỡ đám đông, khi rao giảng Tin Mừng, khi chữa lành người bệnh, khi đến gần những người mạt hạng, khi tha thứ cho kẻ có tội, Chúa Giêsu làm hiển thị một tình yêu mở rộng cho mọi người: không loại trừ ai! Mở rộng cho mọi người không giới hạn. Một tình yêu tinh tuyền, nhưng không và tuyệt đối. Một tình yêu đạt tới tuyệt đỉnh trong sự hy sinh mạng sống trên thập giá. Phải, Phúc Âm thực sự là Phúc Âm của lòng thương xót, bởi vì Chúa Giêsu chính là lòng thương xót.

Bốn cuốn Phúc Âm chứng minh rằng Chúa Giêsu, trước khi bắt đầu tác vụ của Người, đã muốn nhận được Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Biến cố này truyền cho toàn sứ vụ của Đức Kitô một phương hướng quết định. Quả thế, Người đã không xuất hiện với thế gian trong cảnh huy hoàng của Đền Thờ; Người có thể làm điều đó lắm chứ. Người đã không để mình được thông báo bằng kèn trống; Người có thể làm như vậy đó chứ. Trái lại, sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu đã đến bờ sông Giordan, cùng với đám đông của dân Người, và đã xếp hàng với những kẻ tội lỗi. Người đã không xấu hổ: Người đã ở đó với mọi người, với những kẻ tội lỗi, để được chịu Phép Rửa.  Vì thế, từ lúc đầu tác vụ của Người, Người đã thể hiện như Đấng Mêsia, được thôi thúc bởi tình liên đới và lòng thương cảm, Người đã mặc lấy thân phận con người. Cũng như Người đã đích thân khẳng định trong Phòng Hội ở Nazareth, bằng cách xác định Người trong lời tiên tri của ngôn sứ Isaia; “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, đẻ tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm sau khi chịu Phép Rửa đã là sự thực hiện chương trình nguyên thủy: đem tới cho mọi người tình yêu của Thiên Chúa mang tính cứu độ. Chúa Giêsu đã không mang tới oán hờn, Người đã không mang tới thù nghịch: Người đã mang tới tình yêu! Một tình yêu cao cả, một tấm lòng rộng mở cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta! Một tình yêu cứu độ!

Người gần gũi với những kẻ mạt hạng, thông truyền cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa vốn là tha thứ, niềm vui và đời sống mới. Chúa Giêsu, Ngôi Con được Cha sai tới, đã thực sự là sự khởi đầu của thời đại lòng thương xót cho toàn thể nhân loại! Những người hiện diện trên bờ sông Giordan, trong chốc lát, đã không có thể hiểu được tầm vóc cử chỉ của Chúa Giêsu. Chính cả ông Gioan Tẩy Giả cũng đã ngạc nhiên vì quyết định của Người (x. Mt 3,14). Nhưng Cha trên trời thì không! Người đã để cho mọi người nghe tiếng Người phán từ trên cao: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Như thế, Cha xác nhận con đường mà Con, với tư cách là Đấng Mêsia đã chọn, trong lúc Thần Khí ngự xuống trên Người, dưới hình dạng chim bồ câu. Như thế, có thể nói, trái tim Chúa Giêsu đang đập cùng nhịp với trái tim của Cha và Thánh Linh, cho mọi người thấy rằng sự cứu độ là thành quả lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúng ta còn có thể chiêm ngắm rõ ràng mầu nhiệm lớn lao của tình yêu đó khi chúng ta  ngước mắt lên Chúa Giêsu bị đóng đinh. Trong lúc Người là Đấng vô tội sắp chết vì chúng ta, những kẻ tội lỗi, Người khẩn cầu với Cha: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chính trên cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã dâng tiến tội lỗi thế gian cho lòng thương xót của Cha: tội lỗi của mọi người, tội lỗi của tôi, tội lỗi của bạn, tội lỗi của anh chị em. Và ở đó, trên cây Thánh Giá, Người đã dâng tội lỗi lên cho Cha. Và với tội lỗi của thế gian, mọi tội lỗi chúng ta đều được xóa sạch. Không có gì, mà cũng chẳng có ai bị loại ra khi lời cầu nguyện hy tế của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa chúng ta đừng sợ phải thừa nhận và xưng ra tội lỗi chúng ta. Đã bao lần chúng ta nói rằng: “Người đó là người tội lỗi, hắn đã làm chuyện này, chuyện kia…”, và chúng ta phán xét người khác. Còn bạn thì sao? Mỗi người chúng ta đều phải tự hỏi: “Đúng, hắn tội lỗi. Thế còn tôi thì sao?”. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, nhưng tất cả chúng ta đều đã được tha thứ: tất cả chúng ta đều có khả năng nhận được sự tha thứ này vốn là lòng thương xót của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta đừng sợ thừa nhận mình là kẻ tội lỗi, đừng sợ xưng ra mình là tội lỗi, bỡi vì mọi tội lỗi đã được Con gánh vác trên Thánh Giá. Và khi chúng ta thú tội, hối cải, và phó thác cho Người, chúng ta chắc chắn được tha thứ. Bí tích Hòa Giải thời sự hóa sức mạnh tha thứ tỏa ra từ cây Thánh Giá và lập lại trong cuộc đời chúng ta ơn phúc của lòng thương xót mà Chúa Giêsu đã xin được cho chúng ta! Chúng ta đừng sợ sự khốn cùng của chúng ta: mỗi người trong chúng ta đều có nỗi khốn cùng của mình. Sức mạnh tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh không hề biết đến trở ngại và không hề khô cạn. Và lòng thương xót xóa tan  những nỗi khốn cùng của chúng ta.

Các bạn rất thân mến, trong Năm Thánh này; chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ơn được trải nghiệm sức mạnh của Tin Mừng: Tin Mừng của lòng thương xót có khả năng làm biến đổi, giúp đi vào trái tim Thiên Chúa, khiến chúng ta có khả năng tha thứ và nhìn thế gian với nhiều lòng nhân lành hơn. Nếu chúng ta đón nhận Tin Mừng của Đấng Chịu Đóng Đinh Sống Lại, tất cả cuộc đời chúng ta được nhào nặn bởi sức mạnh tình yêu của Người có sức đổi mới.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/le-christ-commencement-du-temps-de-la-misericorde/