Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:11

Thế Giới Đang Cần Lòng Nhân Ái Của Thiên Chúa Featured

LTS: Vào lúc 21 giờ 37, ngày thứ bảy 02/4/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện trên quảng trường Thánh Phêrô, liền trước ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, bổn mạng của những người và những đoàn thể hay cộng đoàn đặc biệt sống giá trị thiêng liêng của lòng thương xót. Trong bài chia sẻ, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Thiên Chúa ôm lấy mỗi người chúng ta và nâng chúng ta lên áp vào má Người. Cử chỉ này chứa đựng biết bao nhân ái, cử chỉ này bầy tỏ biết bao yêu thương! Lòng nhân ái: một từ gần như đã bị lãng quên, trong lúc ngày hôm nay, toàn thế giới, và tất cả chúng ta đều cần đến”. Dưới đây là bài suy niệm của Đức Giáo Hoàng:

***

Thân chào buổi chiều quý anh chị em!

Trong vui mừng và lòng biết ơn, chúng ta chia sẻ thời khắc cầu nguyện này, sẽ dẫn đưa chúng ta tới Ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót, đã được Thánh Gioan Phaolô II mong muốn biết là nhường nào – cũng như ngày hôm nay, cách đây 11 năm, ngài đã ra đi -: và ngài đã mong muốn chuyện này để hoàn thành lời cầu xin của thánh Faustine. Các lời chứng đã được đề nghị – và chúng ta chân thành cảm ơn – và những bài đọc mà chúng ta đã nghe, mở ra những đốm ánh sáng và niềm hy vọng để chúng ta đi vào đại dương lòng thương xót của Thiên Chúa. Với bao nhiêu khuôn mặt của lòng thương xót, qua đó Người đã đến với chúng ta.

Quả có rất nhiều; không thể mô tả hết tất cả những khuôn mặt đó được, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn gia tăng. Thiên Chúa không hề mỏi mệt để tỏ lộ lòng thương xót của Người cho chúng ta và chúng ta cũng không bao giờ được lờn với việc nhận lãnh lòng thương xót, với việc đi tìm kiếm và mong đợi lòng thương xót! Đó là cái gì luôn luôn mới mẻ, gây nên sự ngạc nhiên và bất ngờ khi nhìn thấy trí tưởng tượng tạo dựng vĩ đại của Thiên Chúa khi Người đến gặp chúng ta vì yêu thương.

Thiên Chúa đã tỏ mình bằng cách nhiều lần thể hiện danh thánh Người, và danh thánh đó là “nhân hậu, từ bi” (x. Xh 34,6).  Bản chất của Thiên Chúa là cao cả và vô biên chừng nào, và lòng thương xót của Người cũng cao cả và vô biên chừng nào, đến độ dường như một công việc cực khó để có thể mô tả dưới mọi phương diện. Đọc qua các trang Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng lòng thương xót trước hết là sự gần gũi của Thiên Chúa với dân của Người. Một sự gần gũi được biểu lộ và thể hiện chủ yếu như là sự phù trợ và che chở. Chính là sự gần gũi của một người cha và của một người mẹ được phản chiếu trong một hình ảnh đẹp của tiên tri Hôsê. Ngài nói rằng: “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng; ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,4). Vòng tay ôm của một người cha và một người mẹ ôm con cái mình. Hình ảnh đó rất ý vị: Thiên Chúa ôm lấy mỗi người chúng ta và nâng chúng ta lên áp vào má Người. Cử chỉ này chứa đựng biết bao nhân ái, cử chỉ này bầy tỏ biết bao yêu thương! Lòng nhân ái: một từ gần như đã bị lãng quên, trong lúc ngày hôm nay, toàn thế giới, và tất cả chúng ta đều cần đến nó. Tôi đã nghĩ đến câu này của vị ngôn sứ khi tôi thấy lôgô Năm Thánh. Không những Chúa Giêsu đã mang vác nhân loại trên đôi vai của Người, mà má Người cũng áp vào má của ông Ađam, đến độ hai khuôn mặt dường như tan biến thành một.

Chúng ta không có một Thiên Chúa không biết thông hiểu những yêu đuối của chúng ta, để thương xót chúng ta (x. Dt 4,15). Trái lại, chính vì lòng thương xót mà Thiên Chúa đã trở thành một ngưòi trong chúng ta: “Nhờ sự nhập thể của Người, Con Thiên Chúa, có thể nói, đã hiệp nhất với tất cả mọi người. Người đã lao động với đôi tay của con người, Người đã suy nghĩ với trí khôn của con người, Người đã hoạt động với ý chí của con người, Người đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thật sự trở thành một người trong chúng ta, giống hệt như chúng ta về mọi mặt, mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi.[1] Nơi Chúa Giêsu, không những chúng ta có thể lấy tay sờ mó được lòng thương xót của Chúa Cha, mà chúng ta còn được thôi thúc chính mình trở nên những khí cụ của lòng thương xót. Có thể dễ dàng nói về lòng thương xót, nhưng phải dấn thân nhiều hơn để trở thành chứng nhân cụ thể của lòng thương xót. Đó là một hành trình kéo dài suốt cả đời và không bao giờ biết ngừng nghỉ. Chúa Giêsu đã phán cùng chúng ta rằng chúng ta phải “có lòng nhân từ như Cha” (x. Lc 6,36). Và điều này kéo dài suốt đời!

Lòng thương xót của Thiên Chúa đã có biết bao khuôn mặt! Lòng thương xót đã tỏ ra cho chúng ta như sự gần gũi và sự trìu mến, nhưng cũng vì thế, như sự thương cảm và chia sẻ, như an ủi và tha thứ. Ai càng nhận được nó, càng được kêu gọi phải hiến tặng nó, chia sẻ nó; nó không thể được cất dấu hay giữ riêng cho mình. Đó là cái gì thiêu đốt trái tim và khiến nó phải yêu thương, nhận biết dung nhan của Chúa Giêsu Kitô nhất là nơi người ở xa nhất, yếu đuối nhất, cô đơn nhất, lạc lõng nhất và bị loại ra ngoài nhiều nhất. Lòng thương xót không chịu bị đóng đinh tại chỗ: nó đi tìm con chiên lạc, và khi nó tìm lại được, nó biểu lộ niềm vui lây lan. Lòng thương xót biết nhìn thẳng vào đôi mắt của mỗi con người; mỗi con người đều đáng trân quý đối với nó, bởi vì mỗi con người đều là duy nhất. Chúng ta cảm thấy đau đớn trong lòng biết chừng nào khi nghe; “Những kẻ đó, những kẻ đáng thương đó, hãy để mặc họ ở bên ngoài, để họ ngủ ngoài đường…”. Đó có phải là từ Chúa Giêsu không?

Anh chị em thân mến, lòng thương xót không bao giờ có thể để chúng ta yên. Chính là tình yêu thương của Đức Kitô làm cho chúng ta “lo sợ” bao lâu chúng ta còn chưa đạt tới mục đích; thôi thúc chúng ta ôm ấp và siết chặt vào lòng, kéo theo tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót để cho phép tất cả được hòa giải với Chúa Cha (x. 2Cr 5,14-20). Chúng ta không được sợ hãi, đó là một tình yêu đã bắt kịp chúng ta và lôi kéo chúng ta đến độ vượt khỏi chính mình, để giúp chúng ta nhận biết được dung nhan của Người trong khuôn mặt của anh em chúng ta. Chúng ta hãy ngoan ngoãn để được dẫn dắt bởi tình yêu đó và chúng ta sẽ trở nên nhân từ như Chúa Cha.

Chúng ta đã nghe bài Tin Mừng: ông Tôma là một người cứng đầu. Ông đã không tin. Và ông đã tìm được đức tin đúng vào lúc ông chạm tay vào các vết thương của Chúa. Một đức tin không có khả năng đặt tay vào các thương tích của Chúa, không phải là đức tin! Một đức tin không có khả năng có lòng thương xót, cũng như những vết thương của Chúa là dấu chỉ của lòng thương xót, không phải là đức tin: đó là một tư tưởng, đó là một chủ thuyết. Đức tin của chúng ta được thể hiện trong một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã biến mình thành kẻ tội lỗi, đã là thương tích vì chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn thực sự tin và có đức tin, chúng ta phải tới gần và đụng chạm vào thương tích đó, vuốt ve thương tích đó và cũng phải cúi đầu để cho người khác vuốt ve thương tích của chúng ta.

Thật là tốt đẹp khi Chúa Thánh Linh dẫn dắt bước đi của chúng ta: Chính Người là Tình Yêu, chính Người là Lòng Thương Xót đang thông truyền sang trái tim chúng ta. Chúng ta đừng đặt các chướng ngại vật cho hành động ban sự sống của Người, nhưng chúng ta hãy ngoan ngoãn đi theo Người trên những nẻo đường mà Người chỉ cho chúng ta. Chúng ta hãy luôn có tấm lòng rộng mở, để Chúa Thánh Linh có thể biến đổi nó; và như thế, chúng ta được tha thứ, được hòa giải, được đắm chìm trong các thương tích của Chúa, chúng ta hãy trở thành những chứng nhân của niềm vui tỏa sáng vì sự kiện đã gặp được Chúa phục sinh, hằng sống ở giữa chúng ta.

[Ban Phép Lành]

Hôm trước, trong khi nói chuyện với những người lãnh đạo của một hội tương trợ, bác ái, đã nổi lên một ý nghĩ, tôi đã nghĩ rằng: “Tôi sẽ công bố nó trên quảng trường Thánh Phêrô vào ngày thứ bảy này”. Sẽ rất đẹp nếu, như một kỷ niệm, một “tượng đài” cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong mỗi giáo phận có một công trình, dưới hình thức một cấu trúc của lòng thương xót như: một bệnh viện, một ngôi nhà cho người già, cho những trẻ em bị bỏ rơi, một học đường ở những nơi chưa có trường học, một trung tâm để đón nhận những người nghiện hút… Bao nhiêu chuyện có thể làm… Thật sẽ rất đẹp nếu mỗi giáo phận suy nghĩ về việc này: tôi có thể để lại gì như một kỷ niệm sống động, như công trình của lòng thương xót sống động, như thương tích sống động của Chúa Giêsu nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót này? Chúng ta hãy suy nghĩ và trình bày với các Đức Giám mục. Cảm ơn!

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/50940/

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, số 22.