“Thiên Chúa “không che dấu tội lỗi, nhưng phá hủy nó và xóa bỏ nó; Người thực sự xóa bỏ nó từ gốc rễ, không phải như tiệm giặt ủi khi chúng ta đem quần áo tới để tẩy xóa một vết nhơ. Không! Thiên Chúa thực sự xóa bỏ tất cả tội lỗi chúng ta!”.
***
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư, 30 tháng 03 năm 2016, trên quảng trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Thánh Vịnh 51, “Miserere” (Xin xót thương con).
***
Thân chào quý anh chị em!
Hôm nay chúng ta kết thúc chuỗi Bài giáo lý về lòng thương xót trong Cựu Ước bằng bài suy ngẫm về Thánh Vịnh 51, còn gọi là “Miserere” (Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con). Đây là một kinh sám hối, trong đó người cầu nguyện xin được tha thứ sau khi đã thú nhận tội lỗi của mình và, để mình được thanh tẩy bởi tình yêu thương của Chúa, trở thành một tạo vật mới, có khả năng vâng phục, với một tinh thần kiên cường và một lời ca ngợi chân thành.
“Nhan đề” mà truyền thống Do Thái cổ đại đã gắn cho bài Thánh Vịnh này liên quan đến Vua Đavít và tội lỗi của vua với nàng Bethsabê, vợ của ông Urie người Hittite. Chúng ta đều biết câu chuyện này. Vua Đavít, vốn được Thiên Chúa kêu gọi chăn dắt dân Người và hướng dẫn dân Người trên những nẻo đường vâng phục Lề Luật Thiên Chúa, đã phản bội lại sứ vụ của mình và, sau khi phạm tội ngoại tình với nàng Bethsabê, vua đã sai giết chết chồng nàng. Tội lỗi khủng khiếp! Ngôn sứ Nathan đã vạch ra tội lỗi của vua và giúp nhà vua thừa nhận. Đó là lúc nhà vua hòa giải với Thiên Chúa, qua việc vua thú nhận tội lỗi của mình. Và đó, vua Đavít đã khiêm cung, vua thật cao cả!
Ai cầu nguyện với Thánh Vịnh này, đều được mời gọi hãy có những cảm tưởng ăn năn và tin tưởng vào Thiên Chúa tương tự như vua Đavít khi vua trấn tĩnh lại và, dù là vua, ngài cũng hạ mình thú nhận tội lỗi của mình và bầy tỏ sự khốn cùng của ngài với Chúa, và xác tín vào lòng thương xót của Người. Và đây không phải là một lỗi nhẹ, một lời nói dối tầm thường, mà ngài Thánh Vịnh bắt đầu bằng nnhững lời cầu khẩn:
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,3-4).
Lời cầu khẩn được dâng lên Thiên Chúa nhân từ, để vì sự thúc đẩy bởi một tình thương cao cả như tình thương của một người cha hay một người mẹ, Người nhủ lòng thương, nghĩa là Người tha thứ, Người ban ân huệ với lòng khoan dung và thông cảm. Đó là một lời kêu xin khẩn khoản dâng lên Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể giải thoát khỏi tội lỗi. Những ảnh tượng rất gợi hình đã được sử dụng: xóa bỏ, rửa sạch, thanh tẩy.
Trong bài kinh nguyện này, thể hiện nhu cầu đích thực của con người: điều duy nhất chúng ta thật sự cần thiết trong cuộc sống là được tha thứ, giải thoát khỏi điều ác và những hậu quả chết chóc của nó. Khốn nỗi, cuộc đời lại thường bắt chúng ta trải nghiệm những cảnh huống đó; trong những trường hợp đó, trước tiên, chúng ta phải tin tưởng vào lòng thương xót. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi chúng ta!. “Lạy Cha, con không biết nói sao, con đã phạm rất nhiều tội lỗi!”. Thiên Chúa cao cả hơn tất cả tội lỗi chúng ta có thể phạm. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Chúng ta cùng nói nào!. Tất cả cùng nói!. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta. Lần nữa nào!. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta!. Một lần nữa đi!. Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta!.
Và tình yêu của Người là một đại dương trong đó chúng ta có thể ngụp lặn mà không bị chìm: với Thiên Chúa, tha thứ có nghĩa là ban cho chúng ta sự xác tín rằng Người không bao giờ từ bỏ chúng ta. Dù cho chúng ta có tự trách bao nhiêu, thì Người vân luôn cao cả hơn mọi thứ (x. 1Ga 3,20), bởi vì Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta.
Trên ý nghĩa đó, người cầu nguyện bằng Thánh Vịnh này để tìm kiếm sự tha thứ, thú nhận tội lỗi của mình, nhưng khi thừa nhận lỗi lầm, người đó còn ca ngợi sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa. Và rồi người đó còn cầu xin ơn phúc và lòng thương xót nữa. Thánh vịnh gia tin tưởng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, ngài biết rằng sự tha thứ của Thiên Chúa đương nhiên là có hiệu lực bởi vì Thiên Chúa tạo dựng lên đìều Người phán. Người không che dấu tội lỗi, nhưng phá hủy nó và xóa bỏ nó; Người thực sự xóa bỏ nó từ gốc rễ, không phải như tiệm giặt ủi khi chúng ta đem quần áo tới đễ tẩy xóa một vết nhơ. Không!. Thiên Chúa thực sự xóa bỏ tất cả tội lỗi chúng ta!. Bởi vậy, người xưng tội lại trở thành trong sạch, mọi vết nhơ được loại sạch và trở thành trắng như tuyết vô nhiễm. Tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Có đúng không? Nếu có một người trong anh chị em không cảm thấy mình là kẻ tội lỗi, thì hãy dơ tay lên,… Không có ai!. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi.
Với sự thứ tha, những kẻ tội lỗi như chúng ta, trở thành những tạo vật mới, tràn đầy Thần Khí và tràn đầy niềm vui. Bây giờ, một thực tế mới mẻ bắt đầu cho chúng ta: một tâm hồn mới mẻ, một tinh thần mới mẻ, một cuộc sống mới mẻ. Là những người tội lỗi được thứ tha, chúng ta đã đón nhận ơn phúc Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể dậy dỗ cho người khác đừng phạm tội nữa. “Nhưng thưa Cha, con yếu đuối, con sa ngã, con sa ngã – Nhưng nếu con ngã, con hãy đứng lên!. Hãy đứng dậy!”. Khi một đứa trẻ bị ngã, nó làm gì? Nó đưa tay ra với má nó, với ba nó: Chúa sẽ nắm lấy tay con và giúp con đứng dậy. Phẩm giá sự tha thứ của Thiên Chúa là thế đó!. Phẩm giá mà sự tha thứ của Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là chúng ta đứng dậy, luôn đứng thẳng dậy, bởi vì Người tạo dựng người nam và người nữ để họ đứng thẳng dậy.
Thánh vịnh gia nói rằng:
“Lạy Chúa Trời! Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy… Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (câu 12. 15).
Anh chị em thân mến, sự tha thứ của Thiên Chúa là điều tất cả chúng ta đềư cần đến và đó là dấu chỉ to lớn nhất của lòng thương xót của Người. Một ơn phúc mà mọi kẻ tội lỗi đều được kêu gọi phải chia sẻ với tất cả các anh chị em mình gặp. Tất cả những ai được Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, các thành viên trong gia đình chúng ta, các bằng hữu chúng ta, các đồng nghiệp chúng ta, các thành viên trong giáo xứ,… cũng như chúng ta, tất cả họ đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật là đẹp khi được thứ tha, nhưng bạn cũng vậy, nếu bạn muốn được thứ tha, bạn cũng phải tha thứ. Bạn hãy tha thứ!
Mong rằng nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, Chúa ban cho chúng ta được làm chứng nhân cho sự tha thứ của Người khiến cho tâm hồn chúng ta được thanh tẩy, cuộc sống chúng ta được đổi thay. Cảm ơn.
Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/dieu-efface-notre-peche-vraiment-a-la-racine-tout-traduction-de-la-catechese/