Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:09

Bài Giáo Lý Của ĐTC Phanxicô Về Phục Vụ Featured

Phục vụ” như là “con đường phải theo để sống đức tin” vào Đức Kitô Giêsu và để “làm chứng cho tình yêu của Người”.

***

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày Thứ Bảy, 12 tháng 03 năm 2016, trong buổi Triều Yết Chung dành cho 50 ngàn tín hữu hành hương. Đây là buổi tiếp kiến đặc biệt mỗi tháng một lần vào thứ bảy, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Hôm nay ĐTC giải thích về “Lòng thương xót và việc phục vụ”.

***

Thân chào quý anh chị em!

Chúng ta đang tiến gần tới lễ Phục Sinh, mầu nhiệm trung tâm đức tin của chúng ta. Bài Phúc Âm theo thánh Gioan – như chúng ta đã nghe – viết rằng, trước khi chịu chết để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ được ghi sâu trong lòng các môn đệ của Người: Người rửa chân cho các ông. Một cử chỉ bất ngờ và có vẻ gây sốc, đến nỗi ông Phêrô đã từ chối, không muốn nhận.

Tôi muốn tập trung trên những lời cuối của Chúa Giêsu: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? […]. Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 12.14). Bằng cách đó, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ của Người rằng phục vụ chính là con đường phải theo để sống đức tin vào Người và làm chứng tình yêu của Người. Chúa Giêsu đã áp dụng cho Người hình ảnh “Tôi Tớ Thiên Chúa” như ngôn sứ Isaia đã nói. Người là Chúa đã trở thành một kẻ tôi tớ!

Rửa chân các tông đồ, Chúa Giêsu đã muốn mạc khải cho họ cách hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta, và đã nêu lên tấm gương của “điều răn mới” (Ga 13,34) là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta, Người là Đấng đã hy sinh mạng sống vi chúng ta. Cũng Thánh Gioan đã viết trong Thư thứ Nhất của ngài: “Chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em […]. Là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi dầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16.18).

Tình yêu, lúc đó, là sự phục vụ cụ thể mà chúng ta cống hiến cho người khác. Tình yêu không phải là đầu môi chót lưỡi, mà là những hành động và sự phục vụ; một sự phục vụ khiêm hạ, thực hiện trong im lặng và trong bóng tối, như chính Chúa Giêsu đã phán “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 3). Đó là sẵn sàng mở ra với các ân sủng của Thần Khí ban xuống cho chúng ta để cho cộng đoàn có thể phát triển (x. 1Cr 12,4-11). Ngoài ra, phục vụ còn biểu lộ trong sự chia sẻ của cải vật chất, để cho không còn ai thiếu thốn cái gì. Cách chia sẻ và hiến tặng này cho người thiếu thốn là một lối sống mà Thiên Chúa cũng gợi ý cho nhiều người ngoại giáo, như là con đường nhân bản đích thực.

Đễ kết thúc, chúng ta đừng quên rằng khi rửa chân cho các môn đệ và truyền cho họ phải làm như Người đã làm, Chúa Giêsu cũng đã mời gọi chúng ta hãy lần lượt thú nhận những thiếu sót của chúng ta và cầu nguyện cho nhau để biết thật lòng tha thứ cho nhau. Trên chiều hướng này, chúng ta hãy nhớ những lời của thánh Giám mục Augustin khi ngài viết: “Mong rằng người Kitô hữu đừng bỏ quên hành động nào Đức Kitô đã làm. Quả thế, khi cúi thấp mình xuống tận chân người anh em, thì trong lòng đồng thời cũng thắp lên – hay, nếu nó đã cháy rồi, thì khêu thêm – tình cảm  khiêm nhường […]. Chúng ta hãy lần lượt tha thứ cho nhau những sai trái và lần lượt cầu nguyện cho tội lỗi chúng ta và như thế, chủng ta cũng sẽ lần lượt rửa chân cho nhau” (Ga 58,4-5). Tình yêu, bác ái, chính là sự phục vụ, giúp đỡ người khác, phục vụ người khác. Có rất nhiều người đã sống suốt đời họ như thế, trong phục vụ ngời khác.

Tuần lễ trước, tôi đã nhận bức thư của một người đã cảm ơn tôi vì Năm Thánh Lòng Thương Xót; người đó xin tôi cầu nguyện cho mình, để có thể gần gũi với Chúa nhiều hơn. Cuộc đời người đó, là để chăm sóc bà mẹ và cậu em mình: người mẹ già liệt giường, còn sáng suốt nhưng không thể tự mình di chuyển được và cậu em, tàn tật, ngồi xe lăn. Với người này, cuộc đời là phục vụ, là giúp đỡ. Đó chính là tình yêu! Khi bạn quên mình và nghĩ đến người khác, đó là tình yêu!

Bằng việc rửa chân, Chúa dậy chúng ta hãy làm tôi tớ, và hơn nữa; làm kẻ nô lệ, như Người đã làm nô lệ cho chúng ta, cho mỗi người chúng ta.

 

Mạc Khải phỏng dịch: https://fr.zenit.org/articles/lorsque-le-corps-se-plie-jusquaux-pieds-du-frere/