Diễn Văn - Huấn Từ

Sunday, 05 April 2020 07:08

Huấn Dụ Của Đức Thánh Cha: Ba Dụ Ngôn Lòng Thương Xót Featured

Mạc Khải

 

LTS: Trong buổi trưa đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô ngày 06 tháng 3 năm 2016, trước sự tham dự của 40 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha ngỏ lời: “Hôm nay, thật là đẹp nếu mỗi người trong chúng ta lấy sách Phúc Âm, mở chương 15 Phúc Âm theo thánh Luca, và đọc ba dụ ngôn”. Sau đây là bản dịch bài chia sẻ của Đức Thánh Cha:

***

Thân chào quý anh chị em!

Trong chương 15 Phúc Âm theo thánh Luca, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn về lòng thương xót: (câu 4- 7) dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng bạc tìm lại được (câu 8-10), Và dụ ngôn vĩ đại đứa con hoang đang, hay đúng hơn, người cha nhân từ (câu 11- 32).

Hôm nay, sẽ rất có ích cho mỗi người trong chúng ta, lấy sách Phúc Âm, giở chương 15 Phúc Âm theo thánh Luca và đọc ba dụ ngôn đó.

Trong hành trình Mùa Chay, bài Phúc Âm trình bầy cho chúng ta dụ ngôn cuối này, dụ ngôn người Cha nhân từ, nói về ông cha và hai người con trai của ông. Câu chuyện cho chúng ta hiểu một số nét của người cha kia là một người luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng trong lúc tất cả là tuyệt vọng. Điều đánh động trước tiên, chính là lòng khoan dung của ông trước cái quyết định của đứa con trai út rời khỏi gia đình: ông đã có thể phản đối, vì hắn vẫn còn nhỏ tuổi, một đứa trẻ, hay có thể tìm một ông luật sư để không chia gia tài cho hắn, bao lâu ông còn đang sống. Trái lại, ông để hắn ra đi, trong lúc ông dự kiến được những rủi ro có thể xẩy tới cho hắn. Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta: Người để chúng ta tự do, kể cả tự do lầm lỗi, bởi vì khi Người dựng lên chúng ta, Người đã ban cho chúng ta món quà lớn là sự tự do. Trách nhiệm của chúng ta là xử dụng tốt sự tự do đó. Quà tặng tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vẫn luôn làm tôi ngạc nhiên!

Nhưng sự xa cách với đứa con chỉ là thể chất; cha hắn luôn giữ hắn trong lòng; với sự tin tưởng, ông chờ đợi hắn trở về; ông trông ngóng ra đường với hy vọng thấy được hắn. Và một ngày kia, ông thấy hắn từ xa (x. câu 20). Nhưng điều này có nghïa là người cha này mỗi ngày đều leo lên sân thượng để ngóng trông xem con ông có về không! Khi đó, cảm động vì thấy hắn, ông chạy vội ra gặp hắn, ôm hắn trong vòng tay và hôn hắn. Trìu mến biết bao! Và đứa con này đã làm bao điều không phải! Nhưng cha hắn đón hắn như vậy.

Người cha này cũng giữ một thái độ như vậy đối với người con cả luôn ở trong nhà và bây giờ bất nhẫn và phản đối bởi vì anh ta không hiểu và không chia sẻ tất cả lòng nhân từ này đối với đứa em hư hỏng của mình. Người cha cũng bước ra gặp ngươi con đó và nhắc rằng anh ta luôn ở cùng ông và của ông cũng là của anh ta (câu 31), nhưng phải vui vẻ đón nhận em mình, cuối cùng thì cũng đã trở về nhà. Và điều này gợi lên cho tôi nhớ rằng: khi người ta thấy mình tội lỗi, người ta cảm thấy mình chẳng đáng gì cả, hay là, như tôi đã nghe ai đó - nhiều người – nói rằng: “Ly Cha, con là rác rưởi!”, lúc đó, chính là lúc phải chạy đến cùng Cha. Ngược lại, khi chúng ta cảm thấy mình công chính – “tôi luôn làm tốt mọi chuyện…” – chính Cha cũng sẽ đến tìm chúng ta, bởi vì thái độ cảm thấy mình công chính này là một thái độ xấu: nó chính là kiêu ngạo! Cái đó đến từ ma quỷ. Cha đợi chờ những ai nhận mình là kẻ có tội và Người đi tìm những ai cảm thấy mình công chính. Cha chúng ta là như thế đó!

Trong dụ ngôn này, ta có thể thấy thấp thoáng cũng còn một người con thứ ba nữa. Một người con thứ ba? Ở đâu ra? Người đó ẩn mình! Chính là người “đã nhất quyết không duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa [Cha],  nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 6-7). Đấng Con-Tôi Tớ, chính là Chúa Giêsu! Người chính là đôi tay mở rộng và là trái tim của Cha: chính Người đã đón nhận đứa con hoang đàng và đã rửa đôi chân dơ bẩn của anh ta; chính Người đã chuẩn bị bữa tiệc để ăn mừng lễ hội tha thứ. Chính Người, Chúa Giêsu, dậy cho chúng ta biết là phải “nhân từ như Cha”.

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn cho thấy tấm lòng Thiên Chúa. Người là Cha nhân từ, Đấng thông qua Chúa Giêsu, yêu thương chúng ta vô bờ bến, luôn trông đợi sự hối cải của chúng ta mỗi khi chúng ta mắc phải lỗi lầm; Người trông đợi sự trở về của chúng ta khi chúng ta bỏ đi, cứ nghĩ rằng mình có thể không cần Người: Người luôn sẵn sàng mở rộng đôi tay cho chúng ta dù có làm sao đi chăng nữa. Như người cha trong Phúc Âm, Thiên Chúa cũng tiếp tục coi chúng ta là con cái của Người khi chúng ta đi lạc và Người đến gặp chúng ta với lòng trìu mến khi chúng ta trở lại với Người. Và Người phán bảo chúng ta với nhiều từ tâm khi chúng ta tưởng rằng chúng ta công chính. Những lỗi lầm chúng ta mắc phạm, dù chúng có to lớn đến đâu, cũng không làm rung chuyển được lòng chung thủy của tình yêu thương của Người. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể bước đi từ đầu: Người đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá của chúng ta là con cái Người và phán với chúng ta rằng: “Hãy bước tới đi con! Bình an cho con! Đứng dậy mà đi đi con!”.

Trong Mùa Chay này, trước khi đến lễ Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi đẩy mạnh hành trình trở lại nội tâm. Chúng ta hãy để cho Cha chúng ta đoái nhìn với đôi mắt tràn đầy tình yêu, và chúng ta hãy toàn tâm, toàn ý trở về với Người, bỏ đi mọi sự thỏa hiệp với tội lỗi. Cầu mong Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta đến tận sự ghì siết tái sinh của Lòng Thương Xót Chúa.

Anh chị em thân mến,

Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái nhân cái tang đã giáng xuống họ cách đây hai ngày, với vụ giết hại 4 nữ tu tại Aden, ở nước Yêmen, là nơi các chị em săn sóc cho những người già cả. Tôi cầu nguyện cho các chị em và những người khác bị sát hại trong cuộc tấn công, cũng như cho các thân nhân của họ. Đó là các vị tử vì đạo của thời đại này! Chuyện này không thấy đăng ở trang nhất các báo chí, làm như đó không phải là thông tin; những con người đó đã đổ máu mình ra để cống hiến cho Giáo Hội. Những con người đó là nạn nhân trong cuộc tấn công của những kẻ đã giết hại họ; nhưng họ cũng là nạn nhân của sự vô cảm, của cái toàn cầu hóa vô cảm đó, mà theo nó, chuyện này không quan trọng… Cầu mong Mẹ Terexa tháp tùng các con cái tử đạo bác ái của mẹ về nước Thiên Đàng và mong mẹ chuyển cầu cho hòa bình và cho sự tôn trọng thiêng liêng sự sống con người.

Như chỉ dấu cụ thể của sự dấn thân cho hòa bình và sự sống, tôi muốn nêu lên và bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi đối với sáng kiến các hành lang nhân đạo cho người tỵ nạn, được tung ra mới đây tại Italia. Dự án tiên phong này, kết hợp tình liên đới với an ninh, cho phép giúp đỡ những người chạy trốn chiến tranh và bạo lực, như 100 người tỵ nạn đã được chuyển tới nước Ý, trong đó có các trẻ em bệnh hoạn, những người tật nguyền, những phụ nữ góa chồng do chiến tranh với con cái của họ và những người già yếu. Tôi vui mừng bởi vì sáng kiến này mang tính đại kết, được ủng hộ bởi Cộng Đoàn Sant’Egidio, Liên Hiệp các Giáo Hội Phúc Âm Italia, các Giáo Hội tin lành Valdes và giám lý.

Tôi chào mừng tất cả các anh chị em hành hương đến từ Italia và nhiều quốc gia, đặc biệt là các tín hữu của Giáo Xứ công giáo Hagen (Đức Quốc) cũng như của Timsoara (Rumania), Vanece (Tây Ban Nha) và của Đan Mạch.

Tôi xin anh chị em vui lòng, trong kinh nguyện, nhớ đến tôi và các cộng sự viên của tôi, kể từ chiều nay tới ngày thứ Sáu tuần này sẽ tiến hành Tĩnh Tâm.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Tạm biệt!

 

(Chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp: Constance Roques (Zenit); https://fr.zenit.org/articles/trois-paraboles-de-la-misericorde-relisez-le-chapitre-15-de-saint-luc/)