Sunday, 05 April 2020 08:14

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Công Nghị Tấn Phong Hồng Y Featured

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

 

LTS: Vào lúc 9g00 sáng thứ Bảy, ngày 19-11-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự nghi thức tấn phong cho 17 vị Tân Hồng Y. Đây là công nghị lần thứ 3 dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô, có hơn 100 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 8 ngàn tín hữu. Ngoài ra có 12 phái đoàn chính thức của các quốc gia có Hồng Y được bổ nhiệm trong dịp này, đứng đầu là phái đoàn của Cộng hòa Trung Phi do tổng thống Faustan Archange Touadera hướng dẫn. Các phái đoàn khác do các vị bộ trưởng, chủ tịch quốc hội hoặc đại sứ hướng dẫn.

***

***

“Người ta cũng phải yêu thương cả kẻ thù”

 

 

Anh em thân mến!

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (xc. Lc 6,27-36), được nhiều người gọi là “Bài Giảng Trên Cánh Đồng”. Sau khi thiết lập nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã cùng các môn đệ của Ngài đi xuống khu vực đồng bằng mà đám đông dân chúng đang đợi Ngài ở đó để lắng nghe Ngài và để được Ngài chữa lành. Ơn gọi của các Tông Đồ xuất hiện tại đồng bằng với cụm từ “lên đường”, để gặp gỡ đám đông dân chúng, mà – như bản văn Tin Mừng nói – họ đang bị “quấy nhiễu” (xc. Lc 6,18). Thay vì để các môn đệ cứ ở lại trên núi, trên đỉnh cao, cuộc tuyển chọn đã dẫn các ông đi vào giữa đám đông, đặt các ông vào giữa nỗi thống khổ của họ, trên bình diện cuộc sống của họ. Bằng cách đó, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ và cho chúng ta biết rằng, người ta sẽ đạt tới được đỉnh núi đích thực tại đồng bằng, và đồng bằng nhắc nhớ chúng ta rằng, đỉnh núi nằm trong cách nhìn và đặc biệt là trong lời mời gọi: “Hãy có lòng nhân hậu như Cha của anh em là Đấng nhân hậu!” (Lc 6,36).

Đó là một lời mời gọi mà chúng ta có thể nói rằng, nó được đồng hành bởi bốn mệnh lệnh, bởi bốn lời hiệu triệu được Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, để nhào nặn ơn gọi của họ trong sự cụ thể và trong cuộc sống hằng ngày. Đó là bốn hoạt động mà chúng hình thành nên con đường của người môn đệ, làm cho con đường ấy trở nên sống động cũng như làm cho nó trở nên hiển nhiên. Chúng ta có thể nói rằng, đó là bốn giai đoạn đào tạo của Lòng Thương Xót: Hãy yêu thương, hãy làm điều thiện, hãy chúc lành và hãy cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể suy nghĩ về tất cả những khía cạnh đó, và rằng, xem ra chúng cũng rất thích hợp đối với chúng ta. Đó là bốn hành động mà chúng ta có thể hiện thực hóa một cách dễ dàng với các bạn hữu của chúng ta, và với những người, mà nhiều hay ít họ đang đứng gần chúng ta, gần vì mối thiện cảm, vì quan điểm hay vì những thói quen.

Vấn đề sẽ bất thần xuất hiện nếu như Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta những nhóm đối tượng mà những hành động ấy nhắm đến, và trong đó Ngài hoàn toàn rõ ràng, thì Ngài sẽ chẳng sử dụng tới những lời nói quanh co, cũng chẳng sử dụng đến những điều có tính thêu dệt và thêm thắt. Hãy yêu thương những kẻ thù của anh em, hãy làm điều tốt lành cho những kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa anh em, hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (xc. Lc 6,27-28).

Và đó không phải là những hành động mà chúng hiển nhiên đối với kẻ đứng trước chúng ta với tư cách là một đối thủ, hay một kẻ thù. Đối với những kẻ như thế, hành động đầu tiên và có tính tự phát của chúng ta chính là loại bỏ họ, bôi nhọ họ và nguyền rủa họ; trong nhiều trường hợp, chúng ta cố gắng “gán cho họ là đồ quỷ ma” với mục tiêu có được một sự biện minh “thánh thiện” trước việc rũ bỏ họ. Trái lại, trong mối liên hệ đến kẻ thù, đến kẻ đang căm ghét bạn, đến kẻ nguyền rủa hay vu khống bạn, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: hãy yêu thương họ, hãy làm điều tốt lành cho họ, hãy chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Chúng ta đang đứng trước một trong những nét đặc trưng có tính sinh tử nhất nơi sứ điệp của Chúa Giêsu, mà quyền năng và mầu nhiệm của Ngài được cất giấu trong đó. Ở đó phát sinh ra nguồn mạch niềm vui của chúng ta, sức mạnh của sứ vụ chúng ta và việc công bố Tin Mừng cũng đến từ đó. Kẻ thù chính là người mà tôi phải yêu thương. Trong con tim của Thiên Chúa không có những kẻ thù, Thiên Chúa chỉ có những người con trai và những người con gái. Chúng ta xây lên những bức tường, dựng lên những hàng rào và phân loại những hạng người. Còn Thiên Chúa thì chỉ có những người con trai và những người con gái, và thực ra là không phải để tránh va chạm với họ. Tình Yêu của Thiên Chúa có đặc tính trung tín đối với con người, vì nó là một Tình Yêu mãnh liệt, giống như Tình Yêu của một người Mẹ hay một người Cha, mà Tình Yêu ấy không bỏ rơi con người trong cơn hoạn nạn, ngay cả khi họ đã phạm phải những lỗi lầm. Thiên Chúa Cha của chúng ta không đợi chờ chúng ta trở nên tốt lành rồi mới yêu thương thế giới, Ngài không chờ cho tới khi chúng ta bớt làm điều bất công đi, hay tới khi chúng ta trở nên hoàn hảo, rồi mới yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài đã đưa ra lựa chọn là phải yêu thương chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta vì Ngài đã ban cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa. Thậm chí Ngài đã yêu thương chúng ta ngay từ khi chúng ta đang còn là những kẻ thù (xc. Rm 5,10). Tình Yêu vô điều kiện của Thiên Chúa Cha đối với tất cả đã và đang là một sự thôi thúc hoán cải thực sự đối với con tim nghèo nàn tội nghiệp của chúng ta, mà con tim đó luôn có xu hướng kết án, chia rẽ, tạo ra những điều đối kháng và kết án. Việc biết rằng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương cả những kẻ khước từ Ngài, chính là một nguồn mạch không bao giờ bị múc cạn của niềm xác tín cũng như là một xung lực đối với sứ vụ. Không có bất cứ bàn tay nhơ bẩn nào có thể ngăn cản được việc Thiên Chúa đặt sự sống vào trong bàn tay đó, tức sự sống mà Ngài muốn ban cho chúng ta.

Thời đại của chúng ta đang bị gắn mác bởi những vấn đề to lớn và những vấn nạn thuộc cấp độ toàn cầu. Chúng ta đang trải qua một thời đại mà trong đó sự phân cực và sự loại trừ đang tái bắt đầu một cách bộc phát như là khả năng duy nhất để giải quyết những xung đột trong các xã hội chúng ta. Chúng ta thấy chẳng hạn như một ai đó bên cạnh chúng ta đang nhanh chóng bị phân hạng, không chỉ với tính cách là người xa lạ, là người di cư hay người tị nạn, nhưng còn bị coi như là một mối đe dọa, và bị phân hạng là kẻ thù. Là kẻ thù, vì anh ta đến từ nước ngoài hay vì anh ta có những tập tục khác. Là kẻ thù vì màu da, vì ngôn ngữ hay vì vị thế xã hội của anh ta; là kẻ thù vì anh ta có suy nghĩ khác hay cũng còn vì anh ta có niềm tin khác nữa; là kẻ thù vì… Và không có chuyện chúng ta phát hiện ra điều đó, logic này phát triển nhanh chóng trong cách sống, cách hành động và cách nghĩ cũng như cách cư xử của chúng ta. Và rồi tất cả sẽ bắt đầu có dư vị của sự hằn thù. Dần dần, những khác biệt sẽ biến thành những điềm báo của sự thù địch, của mối đe dọa và của bạo lực. Biết bao nhiêu là những vết thương đang mở toác vì cơn dịch thù địch và bạo lực này, mà chúng để lại trong thân xác rất nhiều những vết sẹo của chúng, mà những vết sẹo ấy không có tiếng nói, vì tiếng kêu của chúng càng ngày càng yếu ớt và sau cùng trở nên im bặt vì hội chứng thờ ơ lãnh đạm. Biết bao nhiêu là những hoàn cảnh bất an và khổ đau đang bị gieo rắc giữa chúng ta bởi sự gia tăng thái độ thù địch ấy giữa các dân tộc! Vâng, giữa chúng ta, trong các cộng đồng xã hội, trong giới Linh mục và trong các cuộc hội họp của chúng ta. Virus phân cực và thù địch đang thẩm thấu vào trong cách nghĩ, cách cảm nhận và cách hành xử của chúng ta. Trong khi đó chúng ta lại không có khả năng miễn dịch, nên chúng ta phải lưu ý làm sao để một hành vi như thế không được độc chiếm con tim chúng ta, vì điều đó sẽ đi ngược lại với sự phong phú nơi sự phổ quát của Giáo Hội, mà chúng ta có thể đụng tay được tới nó trong Hồng Y Đoàn này. Chúng ta đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chúng ta có những tập tục, màu da, ngôn ngữ và địa vị xã hội khác nhau; chúng ta có những cách nghĩ khác nhau, và thậm chí còn cử hành Đức Tin trong những nghi thức khác nhau. Nhưng dù vậy đi nữa thì cũng chẳng có bất cứ điều gì biến chúng ta thành những kẻ thù, trái lại, đó là một trong những sự phong phú đa dạng nhất của chúng ta.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu không ngừng “xuống núi”, Ngài không ngừng muốn đặt chúng ta vào trong những giao lộ của lịch sử chúng ta để công bố Tin Mừng Lòng Thương Xót. Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục kêu gọi chúng ta và sai chúng ta đi vào trong những “vùng đồng bằng” của các dân tộc, vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta sử dụng cuộc sống của mình vào việc hỗ trợ niềm hy vọng của những người đang sống cùng thời với chúng ta như là những dấu chỉ của sự hòa giải. Với tư cách là Giáo Hội, chúng ta vẫn luôn được mời gọi hãy mở cặp mắt mình ra để nhìn xem những vết thương của rất nhiều anh chị em, mà họ đã bị cướp đi mất phẩm giá của mình, đã bị cướp đi trong phẩm giá của mình.

Anh em và các tân Hồng Y thân mến, con đường dẫn tới Thiên Đàng bắt đầu từ vùng đồng bằng, trong cuộc sống hằng ngày thường bị chia cắt và được chia sẻ lẫn cho nhau, trong cuộc sống thường bị vắt kiệt và được trao tặng, trong hồng ân hằng ngày và âm thầm của cái mà chúng ta là. Đỉnh cao của chúng ta chính là chất lượng của Tình Yêu ấy; đích nhắm và sự cố gắng của chúng ta chính là việc, cùng với Dân Chúa, cố gắng biến mình thành những con người có khả năng tha thứ và hòa giải trong vùng đồng bằng của cuộc sống.

Anh em thân mến, hôm nay anh em đang bị đòi hỏi phải duy trì trong con tim mình và trong con tim của Giáo Hội lời mời gọi trở nên nhân hậu như Thiên Chúa Cha, và ở đây trong niềm ý thức rằng: “Khi một điều gì đó đặt chúng ta vào trong sự lo lắng thánh thiện, và làm cho lương tâm chúng ta trở nên bất an, thì đó là thực tế cho thấy rằng, có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống mà không hề có sức mạnh, có ánh sáng và có niềm an ủi của tình bằng hữu với Chúa Giêsu Kitô, không hề có một cộng đoàn Đức Tin nào đón nhận họ, không hề có một viễn tượng về ý nghĩa và cuộc sống”.[1]

 

Đền thờ Thánh Phêrô, ngày 19 tháng 11 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 49.