Sunday, 05 April 2020 08:14

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Dành Cho Những Người Vô Gia Cư Featured

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

 

LTS: Vào lúc 10 giờ 00 sáng Chúa Nhật, ngày 13-11-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ dành cho những người nghèo, vô gia cư, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đây là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma. Chúa Nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Năm Thánh tại 3 đại Vương Cung Thánh Đường ở Roma, và tại các Nhà thờ Chính Tòa, các đền thánh ở các nơi trên thế giới. Trong số 9000 người ngồi chật Đền thờ, có 3.500 người nghèo đăng ký chính thức đến từ 23 quốc gia. Họ được Hiệp hội Fratello (Người Anh em), cũng như các Caritas hoặc cơ quan từ thiện khác của Công Giáo giúp đỡ để có thể đến tham dự những Ngày Năm Thánh này. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 5 Hồng Y, 10 Giám Mục và hơn 120 linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn cộng đồng gồm 60 ca viên, và ca đoàn Dublin ở thủ đô Island, với 63 ca viên.

***

***

 

 

Anh chị em thân mến!

“Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3,20). Những lời của Ngôn Sứ Malachia mà chúng ta đã nghe trong Bài Đọc I, chiếu một luồng sáng vào buổi cử hành Năm Thánh này. Những lời ấy đứng trong chương cuối cùng của vị Ngôn Sứ Cựu Ước cuối cùng. Những lời ấy hướng về những người tín thác vào Thiên Chúa, những người đặt niềm hy vọng vào Ngài, bằng cách là họ chọn Ngài làm gia nghiệp cao nhất cho đời sống của họ, và khước từ việc chỉ sống cho chính mình cũng như việc chỉ sống cho những mối quan tâm của riêng mình. Mặt trời công chính sẽ mọc lên cho những con người ấy – tức những con người nghèo nàn nơi bản thân mình, nhưng lại giầu sang nơi Thiên Chúa: Họ là những người nghèo trước mặt Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban Nước Trời cho họ (xc. Mt 5,3), và thông qua Ngôn Sứ Malachia, Thiên Chúa gọi họ là “gia tài đặc biệt” (Ml 3,17). Vị Ngôn Sứ này đã đặt họ đối diện với những kẻ tự cao tự đại mà chúng đặt nền móng cho sự chắc chắn của đời sống mình trên sự tự chủ cũng như trên tài sản thế gian. Khi được nghe tận tai đoạn cuối cùng này của Cựu Ước, những câu hỏi sau đây sẽ phát sinh, mà những câu hỏi này liên quan đến ý nghĩa đích thực của cuộc sống: Tôi tìm kiếm sự an toàn cho mình ở đâu? Trong Thiên Chúa hay trong những sự an toàn khác mà chúng không làm Thiên Chúa hài lòng? Cuộc sống của tôi đã được hướng tới đâu, con tim của tôi hướng tới đâu? Tới Thiên Chúa hằng sống hay tới những điều mà chúng sẽ qua đi và không làm no thỏa?

Những câu hỏi tương tự đã xuất hiện trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đang ở tại Giêrusalem, và thực ra là đang ở chặng cuối cùng và quan trọng nhất trong cuộc sống dương gian của Ngài: cái chết và sự phục sinh. Ngài đang ở gần đền thờ được “trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” (Lc 21,5). Người ta đang nói về vẻ đẹp bên ngoài của Đền Thờ thì Chúa Giêsu lại nói: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6). Và Ngài thêm rằng, những cuộc xung đột, nạn đói cũng như những biến cố có tính tuần hoàn trên cả bầu trời lẫn trái đất sẽ diễn ra. Chúa Giêsu không muốn khơi lên sự sợ hãi, nhưng Ngài muốn nói với chúng ta rằng, tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy, chắc chắn sẽ qua đi. Ngay cả những vương quốc đầy quyền lực nhất, những công trình thiêng thánh nhất và những định chế ổn định nhất của thế gian cũng đều không tồn tại mãi; vào bất cứ một lúc nào đó, chúng sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Khi tận tai nghe được những quả quyết ấy, người ta đã ngay lập tức đặt ra cho Chúa Giêsu hai câu hỏi: “Thưa Thầy, vậy thì bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21,7). Chúng ta luôn luôn bị xô đẩy bởi sự tò mò: Người ta muốn có được kinh nghiệm về cái Khi Nào, và muốn nhận được những dấu hiệu. Nhưng Chúa Giêsu không hài lòng với sự tò mò đó. Trái lại, Ngài mời gọi chúng ta đừng để mình bị đánh lừa bởi những nhà giảng thuyết huyền bí. Ai đi theo Chúa Giêsu người ấy sẽ không đưa ra những tiên đoán có khả năng khơi ra những lời tiên tri bất hạnh, những điều vô ích của thuật tử vi và nỗi sợ hãi, mà chúng làm cho người nghe trật hướng vào những điều phụ tùy. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy biện phân trong số rất nhiều giọng nói mà người ta nghe được, để xem xem, giọng nào đến từ Ngài và giọng nào đến từ thần dối trá. Điều quan trọng nằm ở chỗ là biện phân lời mời gọi khôn ngoan mà Thiên Chúa hướng đến chúng ta mỗi ngày với những tiếng ồn ào của những kẻ lợi dụng Thánh Danh Thiên Chúa để rắc gieo những điều khủng khiếp và khơi lên những mối bất hòa và sợ hãi.

Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta đừng sợ hãi trước những cơn chấn động của mọi thời đại, cũng đừng bao giờ sợ hãi trước những thử thách dù là nặng nề và bất công nhất mà chúng xảy đến với các môn đệ của Ngài. Ngài đòi hỏi phải kiên định trong sự thiện, và phải hoàn toàn đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng không bao giờ gây thất vọng: “Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,18). Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên những người tin tưởng vào Ngài, những tài sản vô cùng quý báu của Ngài, tức chúng ta.

Nhưng hôm nay Ngài muốn tra vấn chúng ta về ý nghĩa cuộc sống chúng ta. Với một hình ảnh, người ta có thể nói rằng, những Bài Đọc hôm nay sàng lọc dòng chảy cuộc sống chúng ta như một chiếc “rây”: Những Bài Đọc đã nhắc nhớ chúng ta rằng, hầu như tất cả mọi thứ trên đời này đều sẽ qua đi, giống như nước trôi đi vậy, nhưng cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng, có những thực tại vô cùng quý giá vẫn tiếp tục tồn tại – giống như một hòn đá quý trong một chiếc sàng. Điều gì sẽ tồn tại, điều gì vô cùng quý giá trong cuộc sống, những sự giầu sang nào sẽ không biến mất? Chắc chắn là có hai điều: Thiên Chúa và tha nhân. Đó là những tài sản lớn nhất mà người ta nên mến yêu; tất cả những điều khác – kể cả bầu trời lẫn trái đất, những điều đẹp đẽ nhất, và kể cả Vương Cung Thánh Đường này – tất cả đều sẽ qua đi, nhưng chúng ta không được phép loại trừ Thiên Chúa và những người khác ra khỏi cuộc sống chúng ta.

Tuy nhiên, hôm nay vẫn còn một điều nữa, khi Cha chuẩn bị khép lại bài giảng này thì Cha chợt nhớ ra những con người cụ thể – không phải là những đồ vô ích, nhưng là những con người đầy gái trị. Nhân vị mà Thiên Chúa đã đặt lên tột đỉnh của thế giới thụ tạo, thường bị loại trừ, vì người ta ưu tiên cho những điều chóng qua. Và đó là điều không thể chấp nhận được, vì con người là một tài sản quý báu nhất trong cặp mắt Thiên Chúa. Việc người ta làm quen với sự loại trừ này là điều có thật. Điều khiến người ta phải lo lắng là khi lương tâm trở nên điếc lác, và không nhận ra những con người mà họ đang phải đau khổ ngay bên cạnh chúng ta, hay không bận tâm tới những vấn đề nghiêm trọng nhất của thế giới nữa, và những vấn đề đó đã trở nên những điệp khúc trần trụi không ngừng được lập đi lập lại trong những bản tin.

Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày cử hành Năm Thánh dành cho anh chị em, và với sự hiện diện của mình, anh chị em đang giúp chúng tôi đặt mình vào trong cách nghĩ của Thiên Chúa và tiếp nhận điều đó vào trong cái nhìn mà với nó, Ngài ngắm nhìn: Ngài không chỉ dừng lại nơi những gì bên ngoài (xc. 1Sm 16,7), nhưng Ngài nhìn ngắm “những người nghèo và những kẻ thống hối ăn năn” (Is 66,2), và nhìn ngắm nhiều “Lazaro” nghèo túng của thời đại hôm nay. Sẽ thật là điều đáng tiếc đối với chúng ta biết chừng nào nếu chúng ta làm như thể là mình chẳng thấy một Lazaro nào cả, tức người bị loại trừ và “vứt bỏ” (xc. Lc 16,19-21)! Điều đó có nghĩa là ngoảnh mặt đi khỏi dung nhan Thiên Chúa. Sẽ là một triệu chứng của chứng xơ cứng tinh thần, khi mối quan tâm chỉ tập trung vào những điều mà người ta muốn sản xuất thay vì tập trung vào những con người mà người ta nên mến yêu. Điều đó dẫn tới sự mâu thuẫn đầy bi ai của thời đại chúng ta: khi sự tiến bộ và những cơ hội càng phát triển – điều này tự nó là một điều tốt đẹp –, thì lại càng có nhiều những con người không thể tiếp cận được với những điều đó. Đó là một bất công to lớn, mà chúng ta phải bận tâm tới nó nhiều hơn là bận tâm tới việc làm sao biết được khi nào ngày tận thế sẽ xảy ra, ngày ấy sẽ như thế nào. Vì người ta không được phép ở yên trong nhà trong khi Lazaro đang nằm ngoài cửa; sẽ không có bình an trong ngôi nhà của những kẻ lắm tiền nhiều của nếu như trong căn nhà ấy tất cả đều thiếu công lý.

Hôm nay, tại nhiều nhà thờ Chính Tòa và tại nhiều Thánh Địa trên toàn thế giới, các Cổng Thánh của Lòng Thương Xót sẽ được đóng lại. Chúng ta hãy xin cho được ơn đừng nhắm mắt lại trước Thiên Chúa, Đấng đang ngắm nhìn chúng ta, và trước tha nhân, người đang tạo điều kiện cho chúng ta. Chúng ta hãy mở cặp mắt mình ra cho Thiên Chúa bằng cách là chúng ta thanh tẩy cái nhìn của con tim chúng ta khỏi những trí tưởng dối trá và kinh đảm, khỏi “vị thần” của quyền lực và của những hình phạt, khỏi sức ảnh hưởng của tính tự kiêu nơi con người và của sự sợ hãi. Trong niềm tin tưởng hoàn toàn, chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, trong niềm xác tín rằng: “Đức Ái sẽ không bao giờ qua đi” (xc. 1Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân lại niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống đích thực mà chúng ta được kêu gọi đạt tới, sự sống đó sẽ không qua đi, nó đang chờ đợi chúng ta trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người khác, trong một niềm vui bền vững muôn đời, không bao giờ cùng.

Và chúng ta cũng hãy mở cặp mắt mình ra cho tha nhân, đặc biệt là cho những người đang bị lãng quên và bị loại trừ. Họ đang đứng trong tâm điểm kính lúp của Giáo Hội. Và xin Thiên Chúa bảo vệ chúng ta trước việc hướng chiếc kính lúp vào chính mình. Xin Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi trò gạt gẫm của sự giải khuây, khỏi thói hám lợi và sự đặc quyền đặc lợi, khỏi thói khao khát quyền lực và thói hám danh, khỏi cơn cám dỗ của tinh thần thế tục. Mẹ Giáo Hội của chúng ta đang ngắm nhìn “phần nhân loại khổ đau và khóc than cách đặc biệt, vì Mẹ Giáo Hội biết rằng, những con người ấy vẫn là thành phần của mình vì một Lề Luật được ghi trong Tin Mừng”.[1] Vì một Lề Luật và cũng vì một bổn phận được neo chặt trong Tin Mừng, nên bổn phận của chúng ta là phải quan tâm tới kho tàng đích thực của mình, tức những người nghèo. Chúng ta hãy nhớ tới một truyền thống cổ kính về Thánh Laurenso thành Rôma Tử Đạo. Trước khi Ngài phải trải qua cuộc Tử Đạo đầy ghê rợn vì Tình Yêu đối với Chúa, Ngài đã phân phát tất cả mọi tài sản của cộng đoàn cho những người nghèo mà Ngài mô tả họ là những kho tàng đích thực của Giáo Hội. Ước gì Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta không sợ hãi trước việc hướng cái nhìn về nơi mà nó phụ thuộc vào, cũng như hướng con tim của chúng ta về Ngài và về những kho tàng đích thực của chúng ta.

 

Đền thờ Thánh Phêrô, Chúa Nhật 13 tháng 11 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Diễn Văn khai mạc phiên họp thứ hai của Công Đồng Vatican II, Ngày 29-09-1963.