Lm. Đaminh Thiệu O.Cist
LTS: Trong khuôn khổ các hoạt động trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, vào lúc 9g00 sáng Chúa Nhật, 6/11/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô dành cho các tù nhân. Trước thánh lễ có phần trình bày các chứng từ, bao gồm chia sẻ của một tù nhân về kinh nghiệm hoán cải, trong đó nạn nhân cũng sẽ cùng trình bày với tù nhân mà họ đã hòa giải với nhau; một người anh của nạn nhân bị giết sẽ nói về lòng thương xót và tha thứ; một tù nhân trẻ đang thụ án và một cảnh sát nhà tù, người hàng ngày tiếp xúc với các tù nhân.
***
***
Anh chị em thân mến!
Sứ điệp mà Lời Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay, một cách nào đó, chính là niềm hy vọng.
Một người trong bảy anh em bị kết án tử hình bởi vua Antiocho Epiphan, đã nói: “Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi niềm hy vọng vào việc Ngài sẽ phục sinh chúng tôi” (2Mc 7,14). Những lời ấy diễn tả Đức Tin của những vị Tử Đạo, mà bất chấp mọi nhục hình và tra tấn, các Ngài vẫn luôn có khả năng để nhìn xa hơn. Đó là một Đức Tin mà nó biết tới nguồn mạch của niềm hy vọng trong Thiên Chúa, và ở đây, làm cho niềm mong ước muốn đạt tới được một sự sống mới, trở nên rõ ràng.
Đồng thời, chúng ta cũng đã nghe trong Tin Mừng về việc Chúa Giêsu đã dẹp bỏ toàn bộ những lối ngụy biện thông thường mà những người Sadoc đã đặt ra cho Ngài, với một lời đơn giản nhưng hoàn hảo như thế nào. Ngài nói rằng: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). Qua đó, Ngài mạc khải dung nhan đích thực của Thiên Chúa Cha, Đấng chỉ ước mong sự sống cho con cái Ngài. Niềm hy vọng vào việc được tái sinh để sống một cuộc sống mới chính là điều mà chúng ta nên biến thành của riêng mình để trở nên trung tín với giáo lý của Chúa Giêsu.
Niềm hy vọng chính là một ân ban của Thiên Chúa. Nó được khắc sâu vào trong nơi thẳm sâu nhất của con tim mỗi người, để với ánh sáng của mình, nó có thể chiếu sáng cho hiện tại thường hay bị gây ảnh hưởng xấu và bị làm mờ đục bởi những trạng huống mang tới nhiều cực hình và đớn đau. Chúng ta phải để cho gốc rễ của niềm hy vọng càng ngày càng bén sâu để chúng có thể đơm bông kết trái. Mà gốc rễ đầu tiên của niềm hy vọng chính là niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như vào sự cảm thông của Ngài, bất chấp mọi điều ác mà chúng ta đã làm. Không có bất cứ chỗ nào trong con tim chúng ta mà ở đó, Tình Yêu của Thiên Chúa không thể đến được. Ở đâu có một con người đã thực hiện một điều gì đó sai trái, thì ở đó Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha còn rõ ràng hơn để khơi lên niềm thống hối, sự tha thứ và ơn hòa giải.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho và cùng với những tù nhân anh chị em. Và chúng ta cảm thấy rằng, thật là cần thiết phải bàn bạc với nhau về sự diễn tả này của Tình Yêu Thiên Chúa, của Lòng Thương Xót. Chắc chắn, việc thiếu tôn trọng Lề Luật rất đáng bị kết án; và việc giam giữ là một hình phạt nặng nề mà người ta phải chịu để chuộc tội, vì nó liên quan tới con người trong cốt lõi sâu thẳm nhất của họ. Nhưng niềm hy vọng không thể bị dập tắt. Vì đó là một điều mà chúng ta đáng phải nhận vì những điều ác đã phạm phải; nhưng một điều khác là “hơi thở” của niềm hy vọng, mà hơi thở ấy không thể bị bóp nghẹt bởi bất cứ điều gì hay bởi bất cứ ai. Con tim của chúng ta luôn luôn hy vọng vào điều tốt lành; vì thế chúng ta là những con nợ của Lòng Thương Xót, mà với Lòng Thương Xót ấy, Thiên Chúa sẽ đến với chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi bất cứ một ai trong chúng ta.[1]
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô nói về Thiên Chúa là “Thiên Chúa của niềm hy vọng” (Rm 15,13). Đó là, khi Ngài muốn nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa cũng hy vọng; và có thể đó cũng là một sự nghịch lý, chính xác là như thế: Thiên Chúa hy vọng! Lòng Thương Xót của Ngài làm cho Ngài không bao giờ được yên. Ngài giống như người Cha trong dụ ngôn, người Cha ấy không ngừng hy vọng vào sự trở về của đứa con đã trót phạm lỗi lầm (xc. Lc 15,11-32). Đối với Thiên Chúa, sẽ chẳng có sự nghỉ ngơi và cũng chẳng có sự thanh thản cho tới khi nào Ngài vẫn chưa tìm thấy con chiên bị thất lạc (xc. Lc 15,5). Nếu giờ đây Thiên Chúa đang hy vọng, thì rồi niềm hy vọng sẽ không bao giờ bị lấy mất đi bởi bất cứ ai nữa, vì nó chính là sức mạnh để tiếp tục ra đi; nó là sự nóng lòng nóng ruột hướng về tương lai để mong chờ sự thay đổi cuộc sống; nó là một xung lực hướng về ngày mai, để Tình Yêu mà với nó, bất chấp mọi sự, chúng ta vẫn được yêu, có thể trở thành một con đường mới,… Và như thế, niềm hy vọng chính là bằng chứng nội tại chỉ cho thấy sức mạnh thuộc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng mong ước cho chúng ta nhìn về phía trước, và trong Đức Tin cũng như trong sự giao phó bản thân mình cho Ngài, chiến thắng sức quyền rũ của sự ác và tội lỗi.
Các tù nhân thân mến, hôm nay là ngày cử hành Năm Thánh dành cho anh chị em! Ước chi hôm nay niềm hy vọng của anh chị em sẽ được bừng cháy trước Thiên Chúa. Bản chất của Năm Thánh là mang theo chính mình việc công bố niềm tự do (xc. Lv 25,39-46). Để có thể đem đến sự tự do, điều ấy không tùy thuộc vào tôi. Nhưng việc khơi lên trong từng người một nơi anh chị em niềm khát khao sự tự do đích thực, chính là sứ mạng mà Giáo Hội không thể lẩn tránh. Đôi khi một thói giả nhân giả nghĩa nào đó xúi giục để chỉ nhìn thấy trong anh chị em những con người đã làm một điều chi đó sai quấy, và đối với những con người đó, một con đường duy nhất là nhà tù. Người ta không nghĩ rằng, một sự thay đổi cuộc sống là điều có thể, người ta có quá ít niềm tin tưởng vào sự phục hồi nhân phẩm. Nhưng bằng cách ấy, người ta đang quên rằng, tất cả chúng ta đều là những tội nhân, và thường thì chúng ta cũng là những tù nhân mà chúng ta không hề ý thức về chuyện đó. Nếu người ta cứ nhốt mình lại trong sự tiên kiến của mình, hay nếu người ta cứ là nô lệ cho ngẫu tượng của một sự phồn thịnh sai trái, nếu người ta chỉ chuyển động trong những khuôn mẫu mang tính ý thức hệ, hay chuyên chế hóa luật thị trường mà chúng đè bẹp con người, thì rồi người ta sẽ chẳng làm bất cứ điều gì khác ngoài việc đứng vào giữa những bức tường chật hẹp của những căn buồng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự lấy mình làm đủ, và chân lý sẽ bị cướp đoạt, trong khi chân lý chính là điều đem niềm hy vọng tiến về phía trước. Và việc chỉ tay vào một ai đó mà họ đã làm một điều gì đó sai quấy, không thể trở thành bằng chứng ngoại phạm trong việc giấu giếm những phản kháng riêng.
Thực ra thì chúng ta vẫn biết rằng, không ai có thể tự cho mình là công chính trước mặt Thiên Chúa (xc. Rm 2,1-11). Nhưng không ai có thể sống mà không tìm thấy niềm xác tín và sự tha thứ! Người gian phi thống hối, tức người cùng bị đóng đinh vào thập giá bên cạnh Chúa Giêsu, đã tháp tùng Ngài đi vào Thiên Đàng (xc. Lc 23,43). Vì thế, không ai trong anh chị em nên nhốt mình lại trong quá khứ. Chắc chắn, ngay cả khi chúng ta muốn thì những câu chuyện của quá khứ cũng vẫn không thể được viết lại. Tuy nhiên, những câu chuyện được bắt đầu từ hôm nay và hướng về tương lai, vẫn còn đang hoàn toàn được viết ra – và thực ra, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và trong trách nhiệm cá nhân của anh chị em. Nếu người ta rút ra được bài học từ những lỗi lầm trong quá khứ, thì rồi người ta sẽ có thể lật sang một chương mới của cuộc sống. Chúng ta đừng sa vào cơn cám dỗ để nghĩ rằng, sẽ không được tha thứ. Đó là lý do cho thấy tại sao – dù lớn hay nhỏ – ngay cả cõi lòng cũng kết án chúng ta, “thì Thiên Chúa vẫn còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20): chúng ta chỉ cần phải tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài.
Ngay cả khi Đức Tin chỉ bé nhỏ như một hạt cải, thì nó cũng vẫn có thể chuyển núi dời non (xc. Mt 17,20). Sức mạnh của Đức Tin thường làm cho việc nói lên lời tha thứ trong những tình cảnh bất khả đối với con người, trở nên có thể như thế nào! Những con người mà họ đã phải chịu đựng những bạo lực và những xâm phạm nơi chính bản thân mình, nơi những người thân trong gia đình mình hay nơi tài sản của mình,… Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, Lòng Thương Xót của Ngài, mới có thể chữa lành những vết thương đó. Và nơi đâu người ta đáp trả bạo lực bằng sự tha thứ, thì ở đó, con tim đã trót thực hiện một điều gì đó sai quấy, cũng sẽ được chế ngự bởi Tình Yêu mà nó chiến thắng bất cứ hình thức ác độc nào. Và Thiên Chúa sẽ khơi lên giữa các nạn nhân và những kẻ gây điều ác những chứng nhân đích thực của Lòng Thương Xót, tức những người hành động theo Lòng Xót Thương.
Hôm nay, chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria trước bức tượng này. Đây là bức tượng Mẹ Thiên Chúa: Mẹ bồng Chúa Giêsu trên tay cùng với một sợi dây xích đã bị cắt đứt. Sợ xích này tượng trưng cho sợi xích của sự nô lệ và tù ngục. Với cái nhìn từ mẫu của mình, Đức Maria đang ngắm nhìn từng người một trong chúng ta. Xin Mẹ làm cho con tim của anh chị em phát sinh ra sức mạnh của niềm hy vọng về một cuộc sống mới, tức đời sống đầy giá trị, đầy tự do và được sống trong sự phục vụ tha nhân.
Thánh Lễ dành cho các tù nhân trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót,
Đền Thờ Thánh Phêrô, sáng Chúa Nhật XXXII TN,
ngày 06 tháng 11 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng
[1] xc. Thánh Augustin, Sermo 254,1.